Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
708
116.547.861
 
Cuộc phiêu lưu của Hoa Anh Đào
Đổ Thị Hồng Vân

Phượng tìm cuống vé máy bay trong túi áo khoác. Có cái gì đó mềm mềm, man mát vương vào tay. ồ! Hoa anh đào! Nàng thích thú đặt bông hoa lên lòng bàn tay, nâng ngang tầm mắt ngắm nghía.

- Sao lại ở đây, anh đào?

Dường như bông hoa khe khẽ cựa quậy. Gió thoảng tiếng thì thào bên tai Phượng: “Vì chị đã mơ về tôi trong suốt cuộc hành trình. Vì tôi đã thấy mình trong đôi mắt mê hồn của chị”. Phượng từ từ ngồi xuống ghế. Những cảm xúc trong lòng chợt biến thành âm thanh trên đôi môi xinh xắn:

 

Bầu trời hoa tôi từng lặng ngắm

Bồng bềnh trôi hư ảo sắc trắng trong.

Anh đào ơi! Say lòng tôi mê đắm

Và dư âm ngân vọng mãi trong lòng.

 

Chợt, Hụ! Hụ! Hụ! Khạc...! Phượng giật mình. Chồng nàng lại ho rồi. Cứ mỗi lần Phượng đọc thơ hay viết lách gì đó là Bần lại lên cơn ngứa họng. Ông cựa mình, ti hí mắt nhìn Phượng: “Từ hôm đi Tây về, cô nàng khác hẳn. Mình sai lầm quá, đáng nhẽ không nên cho mụ ta đi. Nhưng... còn thằng Ngọc...” Bần hắng giọng, thủng thẳng:

-  Cô lẩm bẩm gì thế? Cái quái gì trên tay vậy? Làm thơ ca ngợi vẻ đẹp của cả rác rưởi nữa kia à? Thần kinh vừa vừa thôi! Hụ! Hụ!.. khạc! Toẹt!

-  Khiếp quá! Sao không nhổ vào khăn? Thế này ai mà dọn được!

“ Đấy, thấy chưa? Giống đàn bà cậy có tí nhan sắc, ra khỏi nhà là học đòi  thói xí xớn, coi thường chồng”. Bần gườm gườm:

- Không dọn thì  tôi dọn! Phấn son, váy áo đẹp thế kia, ai dám nhờ!

Phượng quay lại. Cái đống chăn sù sù từ mấy hôm nay chưa gấp lần nào.

-  Ông ngủ kỹ đi! Trời mưa, lạnh đấy! Kéo chăn cho kín đầu, kín cổ vào!

Phượng lên gác hai, đóng cửa. Bông anh đào dập nát được đặt trên chiếc tủ gương. Nàng nhắm mắt, lặng người. Phút chốc, anh đào bay lên, bay lên như một bông tuyết. Nó trở về với hàng cây sau khách sạn, nơi nàng vừa được hưởng một chuyến du lịch đầy ắp kỉ niệm.

 

*

... Hai người sóng vai trên con đường lát đá cổ. Tháng 5, cả thành phố rực lên muôn sắc hoa như có phép màu. Những rặng bờ rào, những hàng cây vừa mới tháng trước đứng héo quắt trong gió rét căm căm, giờ đây tất cả đều đồng loạt trổ hoa. Chỗ nào cũng có hoa. Giữa khe hai hòn gạch sát nhau cũng trồi lên một bông tí xíu. Chân tường, chân rào, có cây gì thì cây đó đều nở hoa. Thảm cỏ trước nhà xanh mướt, lốm đốm những bông hoa chuông đủ màu trắng, vàng, hồng, tím. Lũ chim nhảy tưng tưng ngay cạnh lối đi thơm ngát hoa hồng. Phượng ngửa mặt đứng chết trân dưới rặng anh đào ngút ngàn trắng xoá. Mặt nàng ngây ra.

-  Không đi nữa! Em sẽ chết dưới rặng anh đào này!

Lâm ôm vai nàng, cười:

-  Anh sẽ ở đây canh xác em. Nào, ngồi xuống ghế đi!

Lâm sửa lại khăn quàng cổ cho Phượng, nhìn sâu vào mắt nàng:

-  Chồng em vẫn chưa biết thằng Ngọc là con của anh ư? Em sống thế nào?

 

Phượng vẫn ngước lên đám mây hoa rực rỡ. Hoa anh đào trắng, phơn phớt tím hồng. Cánh hoa mỏng, mịn màng tựa như đào Việt Nam nhưng chúng mọc dày, xít vào nhau từng chùm, từng túm, không hở một đoạn cành nào. Hầu như không có một chiếc lá nào có thể chen được vào cái đám mây dày đặc đó. Anh đào ở châu Âu nở vào tháng năm. Chúng đua nhau bung ra, kiêu hãnh đua sắc cùng với hoa mận tím biếc, hoa lê vàng trong... Một con ong từ một cánh hoa  chui ra, bay vù lên cao. Phượng thở dài.

- Chưa anh ạ! Nếu biết thì không đời nào em được sang đây với con và anh đâu. Cả cuộc đời này, chồng em chỉ có một việc khó nhọc nhất: giam hãm em vào nấm mồ của con quỷ ghen tuông, đố kị, mù loà mà thôi.

 

Lâm ấp đôi bàn tay Phượng lên má mình, hôn những ngón tay lạnh giá.

- Ông ta không biết là tự do sẽ đến sớm nhất với những con người bị tù đày hay sao? Em, con trai của chúng ta đã là mặt trời thiêu đốt con quỷ ấy... Sao em không bỏ hắn đi?

Phượng mở to đôi mắt đen thẳm nhìn ra xa.

- Phương Đông và Tây vẫn khác nhau nhiều lắm... à, Ac- net có quan tâm gì đến con mình không? Biết em sang bên này chứ? Hôm nay anh đi với em, cô ấy có biết không?

Lâm cười vang:

- Trời! Ac-net đang ở nhà nấu cơm chờ chúng mình đó! Cô ấy điện cho thằng Ngọc mấy lần mời nó ăn bữa tối hôm nay đấy!

Phượng nghi ngại:

- Cô ấy có yêu anh không?

- Không yêu sao đồng ý lấy anh? Nhưng không phải vì thế mà thù ghét với quá khứ của người mình yêu.

Lâm nhìn đồng hồ:

- Ta về thôi em. Ac-net rất thích đúng giờ. Dặn anh phải đưa em về bằng được.

Hai người khoác tay nhau. Phượng ghé tai Lâm:

- Anh phải chú ý đến con. Em sợ nó sang bên này, tự do ăn chơi, đua dòi, rồi hỏng người lúc nào không hay.

Lâm chỉ rặng anh đào:

- Em xem, cả một rặng, cây nào cũng tốt, cây nào hoa cũng trắng xoá. Chúng đua nhau vươn lên, hút chất dinh dưỡng, đón ánh mặt trời. Con mình sẽ là một trong những cây anh đào đó. Em đừng lo!

 

*

Nghĩ đến đây, Phượng rời ghế, lăn ra giường. Ôi! Nhà triết học! Anh chủ quan quá! Thằng Ngọc đã có những biểu hiện phiêu lưu mạo hiểm, chính anh cũng đã chứng kiến hôm đó rồi còn gì! Cuốn phim của buổi gặp gỡ tại gia đình Lâm lại hiện về, rõ nét hơn trong tâm trí Phượng.

 

...Họ ngồi vào bàn. Khăn ăn trắng tinh trải trước mặt. Năm ngọn nến lung linh dưới ánh sáng xanh dịu của điện nê ông trên trần nhà, làm hồng thêm những gương mặt thanh tú. Ngọc tỏ ra rất tự nhiên, loăng quăng chạy lên chạy xuống bê đồ ăn. Lúc thì nói tiếng Đức với Ac-net, rồi lại quay ra nói tiếng Việt với mẹ. Phượng say sưa ngắm con. Đôi mắt Ngọc đen ánh dưới hàng lông mày xênh xếch, cằm và hai bên má xanh rì vệt râu quai nón, giống hệt Lâm. Tim Phượng rung lên trong niềm xúc cảm lạ lùng. Một người đàn ông phương Đông khoẻ mạnh, da ngăm ngăm bên một người đàn bà phương Tây trắng trẻo, xinh xắn. Hai đứa con, một tóc đen, một tóc hung, đẹp như mộng. Phượng thầm cảm phục cách ăn mặc của Ac-net. Bộ váy áo xanh nhạt có điểm thêm những đốm trắng nhỏ làm  chị trẻ hơn nhiều so với tuổi. Cổ áo hơi rộng, đủ để khoe cái gáy và hai mảng vai trắng ngần. Trên đó trễ nải một dây chuyền bằng hạt xoàn xanh ngọc, mặt đá là cây thánh giá óng ánh tím. Vai áo hơi bồng lên, vẻ quý phái. Chị nói không thạo tiếng Việt, nhưng qua ánh mắt biếc xanh đầy thiện cảm và những cử chị dễ hiểu, Phượng biết rằng người phụ nữ châu Âu đó rất hài lòng về buổi gặp gỡ này. Chị ngọng nghịu nói nửa tiếng Đức, nửa tiếng Việt:

-  Hai ng...ười có còn iu nha...u không? (Hai người có còn yêu nhau không?)

 

Sau đó, chị nói tiếng Đức. Ngọc dịch cho Phượng nghe:

-  Mẹ, cô ấy bảo: Nếu bố và mẹ vẫn còn yêu nhau thì cứ đến với nhau đi. Hai người đẹp đôi lắm!

Phượng đỏ mặt, lắc đầu:

-  Con nói với cô ấy, là mẹ sang đây với con chứ không có mục đích khác.

Ac-net cười vang, nói là phụ nữ châu á giấu tình cảm giỏi lắm, cô ấy rất phục. Phượng cúi mặt nghĩ đến những vụ đánh ghen trong nước mà báo chí đã đưa tin. Nàng rùng mình. Thật xấu hổ. Nếu vợ Lâm là phụ nữ Việt Nam liệu Phượng có thể ngồi vui vẻ ăn cơm cùng cô ta được không? Bà ta mà biết hai người vẫn yêu nhau thì chuyện gì sẽ xảy ra? Phượng cảm thấy mình thật lạc lõng giữa cái gia đình hoàn hảo này. Nàng ngước nhìn Lâm. Anh đang loay hoay, chuẩn bị mở nút chai rượu mạnh, khuôn mặt điển trai ngời lên niềm hạnh phúc. Lòng nàng đau thắt: “ Mình có còn trong trái tim anh ấy không? Người phụ nữ phương Tây kia quyến rũ biết nhường nào”. Phượng bồi hồi nhớ lại lần gần gũi Lâm cuối cùng, trước khi lên máy bay. Nhanh thật, thế mà đã hai nhăm năm trôi qua.

 

...Lâm cọ cái cằm đầy râu vào trán Phượng. Đôi vai trần trắng mịn như sa tanh, cặp vú nhỏ ép sát vào người Lâm làm anh rạo rực: “  Con trai hay gái em đều đặt tên là Ngọc. Nguyễn Lâm Minh Ngọc. Ngọc sáng của anh, nhớ nhé!” Phượng rúc mặt vào ngực Lâm: “ Vì sao anh lại thích có con với em đến thế?” “Em thừa biết rồi còn gì. Vì chúng mình yêu nhau. Anh yêu em lắm! Đám cưới của em với Bần là một sự lầm lẫn tai hại. Mười tám... Ôi! Em mới mười tám tuổi”. Phượng kéo mũi Lâm: “Em còn nhiều lí do nữa để muốn có con với anh”. “Công chúa phù thuỷ! Gì nữa thế?”. “ Thứ nhất, em muốn có con với người thông minh, đẹp trai. Thứ hai, để trả thù cho thói gia trưởng của hắn và gia đình hắn”.

 

Lâm nhìn chăm chăm vào mắt Phượng: “ Em không yêu anh ư? Nếu muốn có con với anh chỉ là để trả thù chồng thì không nên em ạ”. Phượng bối rối: “ Có...em thích anh, muốn có con với anh... Em yêu anh...”. Thực lòng lúc bấy giờ, Phượng cũng không biết rõ có yêu Lâm hay không. Chỉ đến khi nhìn anh bước lên thang máy bay, quay lại, vẫy tay chào, nàng mới thấy trào dâng niềm nhớ tiếc đến quặn lòng.

Chẳng ai bảo ai, cả Phượng và Ac-net cùng đưa mắt nhìn Lâm khi anh tủm tỉm cười. Bắt gặp ánh mắt của hai người đàn bà cùng một lúc, anh không nhịn được nữa”

-  Tôi phải hát lên câu này, nếu không tim sẽ vỡ mất!

 

Cỏ xanh êm ái, nâng bước chân em vui.

Nào ta nắm tay, vai kề vai mê say.

Ngày tháng vẫn cứ trôi, thắm thiết ân tình Chúa ban.

Xin nguyện cầu mãi bên người chúng con yêu.

 

Vỗ tay rào rào. Ngọc lém lỉnh:

-  Bài hát hay quá. Nhạc và lời Nguyễn Ngọc Lâm. Con xin phép được sáng tác tên bài hát: “Hạnh phúc một nhà”. Nào, chúng ta hãy nâng cốc chúc sức khoẻ, chúc mừng bài hát của bố!

Ngọc giơ cao ly rượu làm một hơi, giọng trở nên trịnh trọng:

- Nhân tiện đây, con cũng xin thông báo với bố mẹ một việc: Con đang sinh hoạt trong Hiệp hội Cà phê của thành phố. Con đã đề nghị họ mở một nhà máy sản xuất cà phê ở Việt Nam. Con sẽ có chân trong việc đó.

 

Cả Lâm và Phượng đều tròn mắt:

-  Con nói gì thế? Con đang học về vật lý nguyên tử cơ mà?

-  Vâng, nhưng không phải lúc nào cũng có cơ hội để thực hiện được việc lớn bố mẹ ạ. Con đã nghiên cứu kỹ khả năng phát triển cây cà phê Việt Nam. Việc mở một nhà máy sản xuất tại Tây Nguyên sẽ mở ra một tương lai vô cùng tươi sáng cho thị trường cà phê nước ta.

Phượng hoảng hốt:

-  Con ơi! Mẹ cho con sang đây ăn học để con có bằng cấp, có tương lai về ngành vật lý chứ không phải cà phê, cà pháo...

 

Lâm tiếp lời Phượng:

-  Mà con định về cái xứ Tây Nguyên mán mường ấy để làm tù trưởng hả? Muỗi rừng đốt cho chết. Nếu ngon thì đã chả có khối người nhảy vào. Dân mình làm ăn nhộm nhoạm lắm, bố con lạ gì. Cái thứ văn hoá phong bì là người Đức không chơi đâu.

Ngọc khăng khăng:

-  Lâu bố không về nước nên chẳng nắm được tình hình kinh tế trong nước. Bố đừng nhìn nhận, đánh giá Việt Nam mình bằng con mắt của quá khứ.

Ac-net nhìn cả ba người, ánh mắt dò hỏi. Lâm dịch cho Ac-net hiểu. Cái miệng tươi như hoa của chị xổ một tràng tiếng Đức:

- Ngọc là một chàng trai thông minh. Cậu ấy biết việc cậu ấy phải làm. Mọi người không nên can thiệp vào việc cậu ấy đã quyết định.

Ngọc cười xoà:

-  Con xin lỗi! Con làm mất vui của cả nhà. Nào tiếp tục nâng cốc... Em U-li đâu rồi, cô Ac-net?

-  Đi với bạn rồi, nó đã 16 tuổi – Ac-net nhìn Lâm - Anh nên xem con thường đến những chỗ nào...

9 giờ tối, tiệc tan. Ac-net bịn rịn ôm hôn Phượng, trọ trẹ:

-  Cảm ơn Ph...ượng. Chúc may mắn!

 

Lâm lái xe đưa Phượng về khách sạn, dừng ngay dưới rặng anh đào. Anh cầm tay Phượng âu yếm: “ Anh vào với em được không?” Phượng bồi hồi, lòng xốn xang niềm yêu không tả xiết. Nhưng rồi hình ảnh Ac-net hiện ra sau lưng Lâm với đôi mắt đầy ngụ ý. Người đàn bà lịch lãm và xinh đẹp ấy thật đáng trân trọng. Phượng gỡ tay Lâm: “Đừng thương hại em! Được thấy anh và con khoẻ mạnh, hạnh phúc là em mãn nguyện rồi. Chúng mình hãy nâng niu những kỷ niệm thiêng liêng anh nhé! Tạm biệt! Hãy về đi anh!”. Nước mắt  nhoà đẫm mi, Phượng chạy vội lên bậc thềm. Lâm đứng chôn chân dưới rặng anh đào. Người đàn bà ngây thơ năm xưa mà anh đã từng yêu say đắm, giờ đây thật cứng cỏi nhưng cũng thật bất hạnh. Lâm nhặt mấy cánh hoa, khe khẽ đưa lên môi hôn. Anh ngước nhìn lên gác. Phượng đứng đó, nhỏ bé và đơn côi giữa khu nhà cao tầng sừng sững. Chiếc khăn san trắng trên vai bay phần phật. Đôi mắt đen  thẳm, u hoài, lòng anh trào dâng niềm thương cảm vô hạn. Lâm định chạy ngay lên, ôm xiết lấy cái tấm thân nhỏ bé kia mà che chở, mà ấp ủ. Xong, Phượng đã vẫy tay: “ Anh về đi! Về đi! ”. Lâm thì thầm: “ Tạm biệt! Em thương yêu! Hãy dũng cảm lên!”

 

Đêm ấy Phượng không ngủ dược. Nàng làm mấy bài thơ liền về hoa anh đào. Những vần thơ chan chứa tình yêu, hạnh phúc, lòng nhân ái và nỗi khổ đau vô tận của loài người.

 

*

 

Lại có tiếng ho khù khụ dưới nhà. Bần gọi với lên:

-    Mẹ nó đâu rồi, lấy cho tôi xin hớp nước...

Phượng chạy xuống gác:

-    Ông phải uống thuốc theo đơn của bác sĩ thôi. Đã viêm nhiễm thì chỉ có kháng sinh mới khỏi, viêm phế quản thì có gì khó chữa đâu.

-    Kháng sinh khắng siếc gì, toàn thuốc đểu! Có nhớ năm ngoái không? Tí chết oan, may mà tôi phát hiện ra sớm. Cô đi mua rễ cây “tăng lý” cho tôi, sao vàng, sắc đặc uống năm ngày thì khỏi.

Phượng nhăn mặt:

-    Tôi không biết cái thứ rễ cây đó. Nhỡ họ cho cái của phải gió phải giây gì thì sao. Thuốc theo đơn bác sĩ không tin, tin mấy thằng lang băm. Tôi chịu, ông đi mà mua!

Bần chui khỏi chăn, quơ chân tìm dép, khạc nhổ khoàng khoạc trong nhà tắm. Ông ta quay ra:

- Được, tôi sẽ tự đi tìm. Cô ở nhà đi chợ, nấu cơm, nhớ mua mắm nhé, hôm nay hết rồi. Mà chú ý lau chùi cái bếp ga đi, toàn dầu mỡ...

 

Phượng toan đứng lên thì chuông điện thoại reo: “ A lô! Chị Phượng phải không? Em muốn hỏi ý kiến chị về vụ hoà giải Lan – Hải. Theo chị, ai đúng?”.  “Vụ này không đơn giản chỉ mâu thuẫn vợ chồng. Nó chứa đầy âm mưu ích kỉ của cả hai. Cứ để còn xem xét lại đã”. Bần vểnh tai nghe, rồi xen vào: “ Vụ Hải – Lan chứ gì! ở cái con vợ hết. Có chồng có con rồi mà vẫn xí xớn. Ăn diện ngất trời, nay văn nghệ, mai văn gừng. Nghe đâu còn cặp bồ với thằng Hoan giám đốc cơ đấy...Cái thứ đàn bà quạ mổ, diều tha...”.

 

Rồi Bần nhìn  Phượng chăm chăm, gằn gọc:

- Từ khi đi Tây về, trông cô đẹp hơn trước đấy. Mà sao dạo này, tôi có cảm giác đầu óc cô vơ vẩn, để đâu đâu ấy, chẳng thiết tha gì đến chồng con. Con Hoài sắp phải đóng tiền học kì hai rồi đấy. Còn thằng Ngọc bên ấy thế nào? Cô chẳng nói gì cả?

Phượng nhếch mép:

- Cảm ơn ông đã nhắc tôi về con. Ngọc của tôi là một chàng trai tuyệt vời vì nó có ông bố tuyệt vời.

Mặt Bần nở ra, cái mũi bành bạnh phồng lên:

- Bởi vì tôi cũng kẻng trai chứ mình tưởng. Cái đầu tôi cũng đầy  “i quy”, Chẳng qua ngày xưa nghèo khó, không được học hành nên cứ phải làm cái anh loong toong mãi...

- Thế tại sao bao nhiêu lần tôi bảo ông phải đi học, kiếm lấy một cái bằng chuyên môn, ông không học? Mấy chục năm giời chỉ làm đầu sai. điếu đóm...

Bần quắc mắt:

- Này, cô đừng tưởng cô làm tí cán bộ đã là ghê gớm đâu nhé. Cẩn thận không có ngày đi tù. Đấy, mấy thằng lãnh đạo cái món đường xá, cầu cống kia kìa, sắp ngồi bóc lịch trong nhà đá cho đến xuống lỗ.

- Cả như suy nghĩ của ông thì cứ ai làm cán bộ cũng đi tù chắc?

Bần cười khùng khục:

- Chẳng tù thì cũng suốt đời cũng phải lo ngay ngáy, lúc nào cũng như kiến đốt đít! Giầu có mà làm gì.

 

Đây làm công ăn lương, ít tiền nhưng chỉ cần ăn no, ngủ kỹ, chẳng phải nghĩ ngợi gì. Cũng đàng hoàng, chả ai chê vào đâu được. Không rượu chè, không cờ bạc, không hút xách... Thằng Ngọc nó giống tôi ở cái khoản này...

Phượng quay đi cho đỡ phải nhìn thấy cái đầu trụi húi, cái mồm trều trều tỏ vẻ hãnh diện của chồng. “ Đồ cóc ghẻ! Ông thử soi gương xem, cái mặt ông mà đòi có được đứa con như thế ư?”

 

*

 

Năm Ngọc 17 tuổi, Phượng làm hồ sơ cho con sang du học nước Đức, ngành vật lý. Nó giống hệt Lâm, nhất là về sự thông minh. Suốt mấy chục năm sống bên người chồng tẻ nhạt, Phượng chỉ lấy con làm vui. Nàng tự tha thứ cho tất cả những bất công của chồng đối với mình, coi như đứa con đã làm cân bằng tất cả. Nàng nhẩn nha gặm nhấm mảnh hạnh phúc con con như người đi trong sa mạc, khát quá chỉ nghĩ đến trận uống cuối cùng. Nàng trống trải ư? Đã có kỷ niệm về Lâm lấp đầy... Cứ như thế, ngay chính bản thân nàng tự giam hãm, tự tạo ra tù ngục cho mình mà không biết.

 

Và Bần hả hê, thoả mãn, bình an với cái bẫy mà chính Phượng giăng ra. Kẻ đi săn ngu dốt ấy đã quá chủ quan, hãnh diện với chiến công của mình, không thể ngờ rằng con mồi trong cái bẫy đó có một sức sống dồn nén mãnh liệt. Nó ngấm ngầm giả chết để rồi khi kẻ thù đến, sẽ cắn xé đòn tử thù cuối cùng.

 

Thấy Phượng đăm chiêu, Bần tỏ vẻ quan tâm:

- Mình già rồi. Phụ nữ đã bốn nhăm, sắp đến thời kỳ mãn kinh là bệnh tật nhiều lắm. Nên chú ý sức khoẻ. Đừng nên phấn son, váy vó làm gì. Tôi đâu có thích mấy thứ đó. Mình là Đảng viên, là lãnh đạo phường, chị em, hàng xóm người ta nhìn vào...

Phượng dằn giọng:

- Đảng viên, lãnh đạo thì không được diện à? Tôi làm đẹp, không phải để cho ông ngắm. Mà mấy chục năm nay, ông cũng đâu  có biết đẹp là gì!

- A! thế để cho thằng nào ngắm hử? Cái thứ đàn bà, áo thì chít vào người, váy thì hở cả đùi ra, để làm gì? Chỉ là khiêu dâm thôi!

 

Mặt Phượng bừng bừng:

- Thì khiêu dâm đấy! Đây ra ngoài, hàng tá đàn ông theo!

Bần há hốc mồm, lắp bắp:

- Trời ơi, tôi nghe được cái gì thế này? Bà phó chủ tịch phường  có...có...hàng... hàng tá đàn ông theo? Kết quả của việc thâm nhập văn minh phương Tây đấy à? Cô ăn nói với tôi như thế hả? Đồ... đồ.... đĩ!

 

Phượng cười khanh khách:

- Tôi sang Tây không phải chỉ với thằng Ngọc mà chính là với bố đẻ ra nó, bố đẻ của nó! Ông nghe rõ chưa? Bấy lâu nay, ông tưởng ông là bố nó đấy à?

Mắt trợn tròn, mép giật giật, Bần thảng thốt:

- Phượng! Cô bị điên rồi! Trời ơi! Tôi đã làm gì nên tội để bị trừng phạt thế này? Vợ tôi điên thật rồi! Tôi phải làm gì bây giờ?

Phượng trề môi, nhại lại Bần:

- Tôi phải làm gì? Tôi phải làm gì? Đời ông chẳng làm được cái gì cả, ngoài việc làm một tên cai ngục, hèn hạ và đê tiện.

 

Bần lồng lên:

- Xéo! Xéo ngay! Con theo giai kia! Đến với tự do của mày! Đồ đàn bà mất nết. Sướng quá hoá rồ! Hụ...! Hụ...!

 

Môi Bần rung lên bần bật, hai tay ôm ngực thở dốc. Mặt Phượng cũng tái lại:

- Đừng xúc động quá thế! Tìm cây “tăng lý” đi!.. Tất nhiên tôi sẽ đi. Đi ngay bây giờ!

Rồi nàng lục cục thu dọn va ly. Tay chân run rẩy như người bị sốt. Khi Phượng xách va ly lên, Bần giữ tay nàng:

- Phượng, suy nghĩ kỹ đã. Đừng đi vội! Có lẽ chúng ta nóng quá. Nên nói chuyện cho bình tĩnh.

Phượng ngồi xuống ghế:

- Có lẽ trong cả cuộc đời, lúc tôi thấy ông đuổi tôi đi, ông đáng yêu nhất!

Bần đâu có nghe Phượng nói gì . Ông rên rẩm như người mê ngủ:

- Thằng Ngọc là con riêng của cô thật chứ? Nó sinh tháng chạp năm Bẩy chín...Tôi cưới cô tháng giêng năm bẩy tám... Có nghĩa là cô lấy tôi rồi, vẫn đi ngủ với giai... Cô vừa sang gặp bố nó thật à? Trời ơi! Thế mà cô ngoen ngoẻn rằng đi thăm con.  Những mấy tháng giời với cái thằng chó...chó chết nào đấy...hả?

 

Im lặng. Mắt Bần ánh lên tia lửa xanh lét.

- Cô đã đáng đem đi hành quyết chưa? Hả?.. Nhưng tôi là một thằng quân tử.  Ta nên giữ kín chuyện này. Vì cơ quan, họ hàng, làng xóm người ta biết thì đời cô đi toi, đừng nghĩ gì đến cái chức chủ tịch phường nữa. Mà tôi chẳng còn cái mo nào mà đeo vào mặt. Nếu tôi tha thứ cho tội lỗi tày trời  của cô, thì cô hãy biết điều mà tu tỉnh. Già rồi, phải để đức cho con cháu. Nay cho cô lập công chuộc tội...

 

Phượng đứng phắt dậy:

- Ông cứ việc bắc loa, gào lên cho cả thế giới biết. Thằng Ngọc là chiến công lớn nhất của đời tôi, niềm tự hào của tôi. Tôi đã ngu dốt lấy nó làm vật tế thần cho ông trong suốt bao nhiêu năm nay. Đồ quỷ mù loà! May mà con tôi đã trở về với ánh sáng. Vĩnh biệt ông!

Bần rít lên:

- Cô đi đâu? Hả? Rồi tôi sẽ ăn nói với mọi người thế nào?

Cái cười của Phượng trở nên man dại:

- Đi đến bệnh viện tâm thần! Đó mới là những con người sống bình thường nhất. Cái đám đông vây quanh ông mới là một lũ điên, một lũ điên thèm ăn thịt tôi. Hỡi các người! Thịt của ta bây giờ khó gặm lắm!

Bần ngẩn người nhìn theo Phượng, lẩm bẩm:

- Hoá ra cô ta điên thật! Tội nghiệp!

 

*

- Đi về đâu, thưa bà?

Người lái xe  hỏi đến lần thứ hai, Phượng mới chợt tỉnh. Nàng đang hình dung những đám mây anh đào trong nắng, bồng bềnh trôi về, đậu trên cao nguyên cà phê bát ngát.

- Đà Lạt!

Nàng quyết định vào Tây Nguyên với con trai. Ngọc đã thành công trong việc vận động Hiệp hội cà phê Đức mở một nhà máy sản xuất cà phê tại Việt Nam.

 

Hải Phòng tháng 10/2007

Đổ Thị Hồng Vân
Số lần đọc: 2038
Ngày đăng: 10.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những quả thông rụng trên mái ngói cũ - Vũ Dy
Chồng già, vợ trẻ là tiên - Đặng Hoàng Thái
Mát - xa - Trần Trung Sáng
Vũ điệu tuổi mười ba - Trần Thị Ngọc Lan
Người láng giềng tuổi tí - Lê Vũ
Bóng đời - Lê Hà Ngân
Thế giới - Vicente Rivera. Jr(philippin)
Bông Cỏ Giêng - Nguyễn Hiệp
Thuốc đắng-1 - Hư Thân
Thuốc đắng-2 - Hư Thân
Cùng một tác giả
Cánh chim lưu lạc (truyện ngắn)
Đồng sàng dị mộng (truyện ngắn)
Mật đắng (truyện ngắn)
Karaoke… xóm phố (truyện ngắn)
Nước mắt trần ai (truyện ngắn)
Nhà sáng tác (truyện ngắn)
Xôn xao nắng chiều (truyện ngắn)
Chuyện sau trận lụt (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Số đào hoa ! (truyện ngắn)
Lửa đêm đen (truyện ngắn)
Con nhà tông... (truyện ngắn)
Đèn màu (truyện ngắn)
Chân trời nơi đâu? (truyện ngắn)