Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
739
116.541.896
 
Bùi Giáng , Ai người chia xẻ-2
Bùi Công Thuấn

Nói thơ Bùi Giáng là thơ tư tưởng thì giá trị thơ Bùi Giáng cũng là giá trị cuả chính tư tưởng ấy . Vậy tư tưởng thơ Bùi Giáng là gì ? Ở trên  tôi đã nhận ra tư tưởng cuả kinh Kim Cang , kinh Hoa Nghiêm , tư tưởng Thiền trong thơ Bùi Giáng , nhưng còn một thế giới tư tưởng khác  trong thơ Bùi Giáng là thế giới tư tưởng Nguyễn Du :  biển xanh dâu , đoạn trường ,  phong vận , lầu xanh , cát lầm , bụi hồng , hùm thiêng ( thân phận Từ Hải ) , Đạm Tiên , Từ Hải …Bùi Giáng mượn thế giới tư tưởng nghệ thuật ấy để thể hiện tâm hồn mình

 

Thưa rằng bạc mệnh xin kham

Giờ vui bất tuyệt xin làm cỏ cây

( Chào Nguyên Xuân )

 

Tồn sinh quá khứ chôn vùi

Cơn say suốt kiếp - trận cười thâu canh

( Gõ Cưả Tồn Sinh )

 

Hùm thiêng chắp nối của tin

Cho người thổn thức cầu xin đá vàng

( Mười Hai Con Mắt )

 

Tuyệt mù biển cạn sông sâu

Bụi hồng tản mác trước sau bây giờ

( Ông Điên )

 

Cô đơn chứa đựng đầy miền

Cảo thơm tiền kiếp qủa nhiên bây giờ .

( Quanh Co )

 

Mặc người

mưa Sở mây Tần

Riêng mình gìn giữ

một lần đầu tiên

( Riêng Mình )

 

Dấu bèo phong vận nín thinh

Sóng phơi trường mộng bình minh vô thường

Nắng hồng chiếu bóng đài gương

Lời nghi hoặc hỏi đoạn trường từ đâu

(   Vẫn Là Là )

 

Sao bằng riêng một biên thuỳ

Cõi điên vũ trụ tuỳ nghi tung hoành

( Sao Bằng )

 

Lừng bay thân thế pha mù

Sương mây tuyết dậy thân bù cho thân

(Đạm Tiên)

 

Nhưng thơ Bùi Giáng không chỉ có ngần ấy tư tưởng. Những hệ tư tưởng ấy chưa đủ để ông giải quyết những vấn đề cuả hiện hữu và  cũng không giúp ông nói hết sự trải nghiệm hiện sinh cuả mình , bởi cuộc đời ông , thời đại ông và tư tưởng cuả ông  khác rất xa với quá khứ . Ông tìm đến một cách thể hiện khác , đó là thái độ “ điên “ . Thiền thọai kể lại nhiều hành vi cuả các Thiền sư mà nếu nhìn bằng con mắt bình thường ta có thể sẽ thốt lên rằng “ điên thật ! điên thật !“, chẳng hạn : có một thượng tọa tên là Định hỏi sư Lâm Tế  về đại nghĩa pháp Phật . Sư bước xuống ghế rơm, nắm lấy Định , xáng cho một bạt tai, rồi xô ra. Định choáng váng chưa biết phải làm gì . Một ông tăng đứng bên bảo Định sao không lạy Sư đi. Định toan lạy thì ngay lúc ấy hốt nhiên ngộ đạo. Sau đó,  Định qua cầu gặp ba ông tọa chủ. Một ông hỏi Định : tôi nghe nói dòng thiền sâu thẳm phải dò đến đáy, thế nghĩa là gì ?”.  Định bèn nắm lấy người ấy , toan ném xuống sông ( dẫn theo Suzuki ) . Thiền Uyển Tập Anh kể lại : Thiền sư Đại Xả (1120-1180)  thường xoã tóc , quên ăn, không ở hẳn một nơi nào . Ngày 5 tháng 2 năm Trinh Phù thứ 5 , sau khi  dặn dò đệ tử , sư đọc bài kệ , đến canh năm hôm ấy sư uống thuốc độc mà qua đời .( Thế có là điên hay không ? )

 

Phải chăng Điên là một cách hành Thiền cuả Bùi Giáng ? và Điên cũng là cách  né tránh đối diện với thực tại , thực tại thời chiến tranh Việt Nam , trước và sau 1975 ? Ta không thấy Bùi Giáng bày tỏ bất cứ chính kiến nào về thực tại đó như thơ văn đương thời . Bài thơ Về Quảng Nam được viết bằng ngôn ngữ đời thường thể hiện rõ thái độ né tránh ấy :

 

Chiêm bao tôi thấy tôi về Quảng Nam

Rong chơi Đại Lộc, Điện Bàng

Duy Xuyên, Tiên Phước, Hoà Vang, Thăng Bình...


Tìm người bạn cũ không ra

Còn phong cảnh cũ khác xa những ngày...


Xóm làng đồng ruộng lạ thay

Chỉ còn dáng núi chạy dài xa xa

Giữ nguyên hình ảnh đậm đà

Còn trong kỷ niệm bao la tuổi nào...


Ngắm nhìn. Tim máu xôn xao

Tôi rời đất Quảng trở vào Miền nam

Tâm hồn bao xiết hoang mang

Bài thơ viết vội, dở dang lạ lùng

1995

 

Ta chỉ thấy thấp thoáng tâm hồn Bùi Giáng xiết bao hoang mang , xôn xao ,  dở dang trước thực tại đã thay đổi lạ lùng .Bùi Giáng không lộ ra bất cứ một phản ứng  chinh trị xã hội nào.Thái độ này chẳng khác gì Nguyễn Du lúc sinh thời. Nguyễn Du sống im lặng ,  dấu kín tư tưởng cuả mình với thực tại thời Gia Long  . Nhiều bài thơ cuả Nguyễn Du mượn đề tài Trung Quốc . Thật khó tìm thấy hình ảnh đời sống thật cuả xã hội Việt Nam và thái độ cuả Nguyễn Du trong thơ ông. Thái độ cuả Bùi Giáng với Nguyễn Huệ ( bài Nguyễn Huệ ) cũng gần như thái độ Nguyễn Du với Từ Hải , mà có ý kiến cho rằng Từ Hải là hình bóng Nguyễn Huệ.  Và , phải chăng thái độ cuả Bùi Giáng cũng là thái độ “ giả cuồng “ cuả Nguyễn Gia Thiều trước thời cuộc ? Nguyễn Huệ ra Bắc 1786 , Nguyễn Gia Thiều lẩn trốn ở núi rừng . Khi không còn trốn tránh được , ông trở lại Thăng Long uống rượu , giả cuồng , bất hợp tác với Tây Sơn.

 

Bùi Giáng ý thức rõ việc lúc nào điên , lúc nào tỉnh , ông cũng ý thức rõ người đời hoài nghi về thái độ “ giả cuồng “ ấy  cuả ông

 

Uống và say nói lăng nhăng

Miệng mồm lý nhý thằn lằn đứt đuôi

( Người Điên Uống Rượu )

Tôi cười tôi khóc bâng quơ

Người nghe người khóc có ngờ chi không.

 ( Bao Giờ)

 

Tôi nằm ở giữa vườn cây

Tấm lòng men rượu từ nay chịu chừa

Điên cuồng nhảy múa sớm trưa

Từ nay chấm dứt - thượng thừa hoàng trang

( Cũng Là Như Thế )

 

Uống rượu , điên cuồng nhảy muá , nói năng lí nhí , cười khóc bâng quơ ..Nếu nhìn ở hiện tượng ngôn ngữ thì đó là hành vi cuả người điên không còn ý thức , nhưng ở Bùi Giáng đó là một hành vi có ý thức , một thái độ chọn lưạ hiện sinh . Nhất định thái độ ấy phải xuất phát từ tư tưởng . Có thể là ông mắc phải  sai lầm nào đó trong đời , hay sai lầm cuả  những dấn thân “ tội lỗi “

 

Đời đã mất tự bao giờ giữa dạ

Khi lỡ nhìn viễn tượng lúc đầu xanh

( Hư Vô Và Vĩnh Viễn )

 

Máu trong mình mòn ruỗng

Xương trong mình rã riêng

Anh đi về đô hội

Ngó phố thị mơ màng

Anh vùi thân trong tội lỗi

Chợt đêm nào gió bờ nọ bay sang

(Bờ Luá )

 

Cũng có thể đó là thái độ sống “ hồn nhiên “ cuả người “ đắc đạo “ .Người đời nhìn ông điên , nhưng , với ông , đó là tự do. Chữ  tự do hiểu theo tư tưởng Phật , không phải tự do chính trị . Tôi không nghĩ rằng “Anh càng lang thang, càng lên cơn điên dữ dội, càng điêu linh tàn tạ, nhưng cùng lúc anh đang đóng vai trò của một sứ đồ tự do, bản thân anh là một bài ca đầy cảm hứng cho nỗi khát khao tinh thần tự do của xã hội…. Anh tượng trưng cho sự "ngoài vòng cương tỏa" mà người văn nghệ chân chính nào cũng thèm muốn.( Phạm Xuân Đài ) . Thực ra đó là tinh thần “ Ưng vô sở trú ‘ cuả kinh Kim Cang , tinh thần tự do cuả Lâm Tế Nghĩa Huyền (? – 867 ) “…gặp Phật giết Phật, gặp Tổ giết Tổ, gặp La Hán hoặc họ hàng thân thiết, giết hết, chớ ngần ngại : đó là con đường độc nhất để giải thoát. Đừng để bất cứ ngoại vật nào trói buộc mình, hãy vượt lên, hãy bước qua, hãy tự do.”( Dẫn theo Suzuki )

 

Ngủ yên bên lá cỏ chiều

Giữa trời thu mỏng gió dìu mây trôi

Ngủ yên bên suối bên đồi

Bên rừng thu tạnh bên người xót xa

Cát lầm ngọc trắng ố hoa

Bên đời thổn thức thiết tha bên người

Ngủ yên cây cỏ ngậm ngùi

Một giờ yên ngủ lấp vùi trăm năm

Tỉnh ra tìm lại chỗ nằm

Chốn xa xôi ấy đêm rằm trăng soi

( Chuyện Chiêm Bao 17 )

 

Bùi Giáng có thể ngủ yên bên cỏ , bên suối , bên đồi , bên rừng  để lấp vùi trăm năm , nhưng Bùi Giáng  không thể quên nguôi nỗi đau đời . Ông gắn bó  đá vàng bên đời buồn tủi , bên người xót xa , ông   thiết tha bên người với tất cả nỗi ngậm ngùi thổn thức  cuả cõi nhân sinh , và ông bỗng nhận ra mình lạc mất  trong chốn xa xối ấy ,  tỉnh ra đi tìm lại chính mình .

                                               
Trước khi về chín suối

Em xin gửi đá vàng

Của trăm năm buồn tủi

Về trở lại nhân gian

( Trước Khi )

 

Có thể nhận thấy sau Nguyễn Du , Nguyễn Gia Thiều , Cao Bá Quát , thì Bùi Giáng là người làm thơ tư tưởng  , và đưa thơ tư tưởng Việt Nam lên những bước phát triển mới . Điều này trở thành giá trị thơ Bùi Giáng , vì đương thời và cả  hiện nay , rất ít nhà thơ Việt Nam trở thành nhà thơ tư tưởng ( Có chăng là Phạm Thiên Thư , và hiện nay là Trần Ngọc Tuấn với tập thơ Gió Reo ). Tuy nhiên tư tưởng thơ Bùi Giáng không sánh được với tư tưởng thơ Nguyễn Du và Nguyễn Gia Thiều ở sự giác ngộ những trải nghiệm bể dâu , ở cái “ hùng tâm “ và thần lực cuả một hồn thơ mà ngòi bút có thể làm rung chuyển khắp cõi nhân gian như Không Lộ Thiền Sư  Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư.” ( Không Lộ - ?-1119 . Thiền Uyển Tập Anh )

 

4. Bùi Giáng có cách tân thơ không ?

 

Bùi Giáng không có cách tân gì về thơ , ông chỉ kế thưà truyền thống và làm mới thơ bằng phong cách ngôn ngữ cuả mình.

 

Về nghệ thuật và tư tưởng , thơ Bùi Giáng nằm trong  bầu khí tư tưởng và thế giới nghệ thuật cuả thơ cổ điển , cuả Nguyễn Du , tư tưởng Phật Giáo .

 

Thử xem xét  yếu tố thiên nhiên trong thơ Bùi Giáng , người đọc nhận ra ngay  chất cổ điển trong  cách Bùi Giáng sử dụng những  chất liệu này . Thiên trong thơ Bùi Giáng rất ít khi là thiên nhiên đời thường cuả ca dao, đó là thiên nhiên khái niệm,  mang tính trí tuệ , tính tư tưởng cuả thơ Đường , nó cũng mang cái nhìn Hoa Nghiêm cuả Bùi Giáng trên hoa cỏ , sông núi , ruộng đồng,   gió trăng , mây nước. Thiên nhiên ấy cũng mang màu sắc Kiều cuả Nguyễn Du. Ta gặp nhiều hình ảnh này : chân trời rộng tênh , nguyệt tỏ bên thềm , biển cạn sông sâu , chiều xuân thơ mộng  , bình minh vô thường  , sương đầm lá ướt ,  vườn hiu hắt nguyệt hờn mây nhỏ lệ , gió núi trăng rừng , biển xanh dâu , cây cỏ ngậm ngùi  , trời thu , rừng thu  , mây trôi , bụi hồng ,   cát lầm  , nguyên khê , đầu núi , …và  dường như thấp thoáng Bùi Giáng  trong bài thơ này :                       

 

Nhị cú tam niên đắc

Nhất ngâm song lệ lưu

Tri âm như bất thưởng

Quy ngoạ cố sơn thu

( Giả Đảo )

[  Ba năm làm được hai câu thơ /mỗi lần ngâm lên hai hàng lệ chảy /

( nếu )bạn tri âm mà không thưởng thức /

( ta sẽ)  về nằm trong  núi xưa ( với ) muà thu ]

 

Nằm giữa vườn cây nhớ bốn trời

Ba bề bảy ngõ nhớ muôn nơi

Tưởng chừng thiên hạ mênh mông quá

Mà thơ ta chỉ có vài lời

Tặng người người có nhận hay không

( Cũng là như thế - Bùi Giáng )

 

Thơ Lục bát cuả Bùi Giáng cũng gần gũi như Lục bát cuả Đoạn Trường Tân Thanh , và gần như ca dao , có cả thơ đuà cợt kiểu ca dao ( Tuy Nhiên Em Có Mặc Quần , Lời Sơn Nữ )

 

Nhiều bài thơ cuả Bùi Giáng có giọng thơ  cuả thơ Lãng Mạn 1930-1945 ( Ly Tao 1.Ly Tao III. .Màu Trời Đó …)  Cảm hứng chính cuả thơ Bùi Giáng là cảm hứng lãng mạn có màu sắc Thiền ( Chào Xuân Nguyên , Cỏ Hoa Hồn Du Mục , Dư Vang … )

 

Bùi Giáng có rất ít bài thơ nói về thực tại bằng ngôn ngữ đời thường.( Không Đề - tặng nhạc sĩ Quốc Bảo ; Nguyễn Huệ , Về Quảng Nam , Em Mọi Ơi ) , ngay cả những bài  như thế cũng lãng đãng không khi lãng mạn  ( Oà Các Em , Nỗi Lòng Tô Vũ – kỷ niệm 15 năm chăn dê )

 

Nhưng Bùi Giáng có phong cách ngôn ngữ riêng , người ta có thể nói đến kiểu ngôn ngữ Bùi Giáng . Ông sử dụng rất nhiều từ Hán Việt bên cạnh từ thuần Việt , đó là vốn từ Hán Việt cuả nhà Phật và cuả văn chương cổ điển , đồng thời ông tạo nên những từ lạ so với vốn từ đã quen dung . Nhiều bài , từ Hán Việt  dày đặc đến nỗi trở nên rất khó đối với độc giả bình thường

 

Em từ non nước Viễn Khơi

Trùng lai cố quận chịu chơi một lần

(  Em Từ )

Thiệt thòi đời mộng phiêu linh
Cành sương ngọc thụ tồn sinh cát lầm
Giấc quày quả lạnh anh trâm
Bóng đu sung rớt bến trầm luân sâu
Hoài mong hiu hắt nhịp cầu
Mà hương quan vắng xa màu mây trôi.

( Muà Phượng Cũ. )

 

Điều này giải thích tại sao thơ Bùi Giáng khó hiểu . Bùi Giáng cố ý dùng  nhiều từ Hán Việt trong một cấu trúc ngữ pháp đã bị xáo trộn so với cấu trúc bình thường  để tạo nên “ mật ngữ “ cuả riêng ông  . Có điều lạ là tuy có nhiều từ Hán Việt nhưng thơ ông không hề cổ điển , có lẽ vì ông khai thác thi tứ , đề tài , chất liệu và tạo ra trường nghiã mới so với thơ cổ điển chăng. Cách dùng chữ Hán Việt cuả Bùi Giáng rất khác Nguyễn Du.  Trong  Đoạn Trường Tân Thanh ,  Nguyễn Du đặt từ Hán Việt bên cạnh những từ thuần Việt sao cho người đọc dù không biết chữ Hán vẫn có thể cảm hiểu được thơ .

 

“ Song sa vò võ phương trời

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng “ ( Nguyễn Du )

 

Thiên hương quốc sắc lạ thay
Một tòa sẵn đúc dày dày thiên nhiên
Khiến đời tứ đảo tam điên
Cuồng quay đảo phụng cường kiên điên hoàng
( Gà Gáy Sáng – Bùi Giáng )

                       

Với Bùi Giáng , làm thơ như một trò nghịch ngợm chữ nghiã cuả một con người tài hoa. Trong đoạn thơ trên , rõ ràng có bàn tay nghịch ngợm rất mực tài hoa cuả Bùi Giáng. Câu thơ Kiều

 Dày dày sẵn đúc một toà thiên nhiên “ đã được Bùi Giáng viết lại “ Một toà sẵn đúc dày dày thiên nhiên “ và câu thơ “ cuồng quay đảo phụng cường kiên điên hoàng “ , xáo trộn nghịch ngợm triệt để những từ Hán Việt  ,  ngữ nghiã trở nên xa lạ không sao hiểu được . Có thể  sắp xếp lại theo cấu trúc thông thường  : phụng hoàng kiên cường quay cuồng điên đảo . Tất nhiên  như thế không còn là thơ Bùi Giáng , và ngay cả khi đã xắp lại như thế , vẫn khó tìm ra một  cấu trúc thực sự hợp lý để hiểu ý thơ.  Mật ngữ cuả Bùi Giáng là ở đó . Thực ra Bùi Giáng có  thể viết những câu thơ thật thà hiền lành thế này:

 

Chiều nay anh làm thơ
Chẳng còn hay như trước
Suốt một tháng
Viết không được một câu
Thì lấy đâu ra thơ
Mà tặng em cho được
Tặng một câu cũng chưa đủ
Thì lấy đâu bốn câu
Cho đủ một bài.   

( Em Mọi Ơi )

 

Bùi Giáng là một phong cách đặc sắc ,  nếu  chỉ viết như thế sẽ chẳng bao giờ có thơ Bùi Giáng để người đọc ái mộ.

 

Phong cách thơ Bùi Giáng  trước hết thể hiện ở trò chơi ngôn ngữ thách đố người đọc

như trong trò chơi ú tim . Bùi Giáng có khả năng biến hoá ngôn ngữ một cách tài hoa . Tôi không nghĩ đó là thi pháp , mà chỉ là sự tài hoa cuả ngòi bút , cuả cá tính sáng tạo .Thi pháp thơ Bùi Giáng nằm trong thi pháp thơ cổ điển và thơ Lãng Mạn . Bùi Giáng chưa vượt ra ngoài cõi thi pháp ấy.

 

Nguyễn Hưng Quốc coi những kiểu chơi chữ cuả Bùi Giáng như là thi pháp , điều ấy có

 đi xa quá chăng ?. Ông nhận định :  Tôi cho đây là đặc điểm nổi bật nhất trong phong cách thơ Bùi Giáng: thơ Bùi Giáng chính là sự xoá nhoà của mọi đường biên quen thuộc vốn được mọi người chấp nhận như là một quy ước, một luật lệ trong văn học từ xưa đến nay… xoá nhoà những đường biên về giọng điệu., xoá nhoà ranh giới giữa truyền thống và hiện đại .., xoá nhoà ranh giới giữa cái gọi là thơ và cái gọi là phi thơ … ,  xoá nhoà giữa cái lý và cái phi lý..  (  Cuộc Hoà Giải Vô tận – Trường Hợp Bùi Giáng ) .

 

Đúng là có những hiện tượng lẻ tẻ như vậy , nhưng không là chủ đạo cuả ngòi bút Bùi Giáng ..Thơ ông  là thơ truyền thống , chủ yếu là Lục bát , thất ngôn cổ điển ( Chiêm Bao 7 , Chiêm Bao 4.. ) thơ 7 chữ . 8 chữ kiểu Thơ Mới ( Kể Chuyện , Giòng Sông ; Hư Vô và Vĩnh Viễn .. ) , lâu lâu ông đuà nghịch  một chút  , tạo ra một kiểu chơi chữ mới , thách đố ngôn từ , dẫn người đọc vào những miền xa lạ cuả tư duy , tạo ra sự thích thú , như kiểu làm thơ phá cách vậy thôi , đuà một chút thôi mà !

 

Phong cách Bùi Giáng toát ra từ thế giới nghệ thuật cuả cả bài thơ . Thơ Bùi Giáng là một thế giới riêng , thế giới thơ cổ điển cuả hôm nay .  Thế giới cuả nghệ thuật kết hợp với tư tưởng , cuả  tâm thức hiển hiện trong ý thức , cuả câu chữ thật nói lời  vô ngôn  , cuả sự trộn lẫn tài hoa và bi thương  , cuả thực tướng và hư huyễn , cuả những “ đổ lộn “, “ từ bỏ  núi sông , thành luỹ , hiện hữu , thời gian , thành “ tiếng vàng vang vọng  “ xa lạ..Tiếng Việt trở nên sang trọng và phong phú vô cùng , câu thơ trùng trùng nghiã , chữ gọi chữ , chữ thai nghén nghiã mới , nghiã gọi tâm , tâm lay động  thái hư , vang vọng mãi vào vô biên . Bùi Giáng có nhiều bài thơ hay , không chỉ có câu thơ hay  .Điều đặc biệt là có thể nhặt ra những câu thơ hay , để riêng lẻ , câu thơ vẫn tồn tại độc lập như câu thơ Kiều .

 

Nghe trời đổ lộn nguyên khê
Tiếng vàng rụng rớt gieo về động xanh
Gót chân khơi rộng bóng cành
Nhịp vang đầu núi vọng thành lũy siêu
Thời gian chắc bước bên chiều
Khóc sông bến lạ mưa chiều sớm xuân
Cỏ hoa từ bỏ ruộng đồng
Hồn du mục cũ xa gần hử em

( Cỏ Hoa Hồn Du Mục )

 

Những bài thơ như Cỏ Hoa Hồn Du Mục  trở nên mới lạ và làm nên phong cách Bùi

Giáng so với thơ đương thời . Tôi nghĩ rằng người đọc  có thể tìm thấy nhiều giá trị khác trong thơ ông nếu có được trình độ tư tưởng và khả năng vượt qua được kiểu ngôn ngữ  Bùi Giáng  : Một rừng dày đặc từ Hán Việt trộn lẫn với khẩu ngữ ,  nghịch ngợm , xáo trộn   , thành “ mật ngữ“ ,  thách đố năng lực tư duy , tạo ra thú vị.

Dù sao chăng nưã ,Bùi Giáng tạo được một mẫu ngông thời đại , sáng tạo một kiểu say

sưa , chán đời cuả thế kỷ XX , khác với Nguyễn Khuyến trong thế kỷ XIX và Tản Đà đầu thế kỷ XX “ ( T. Khuê –Tự  điển Văn Học bộ mới – Nxb Thế Giới 2004 ) .Đó là kết luận cuả Tự Điển Văn Học

 

Nếu Bùi Giáng đọc được nhận định như thế , có lẽ ông chỉ cười  , cái cười “ đười ươi “

nắm tay ngưả mặt nhìn “đười ươi “ , như ông đã cười khi gặp bà Khổng Tử ở Lục Tỉnh ( Đêm Lục Tỉnh )

  

Tháng 6/2007

                                               

(1) Thiền Luận - Daisetz Teitaro Suzuki   :

 Trường Thủy Từ Huyền hỏi Thiền sư Huệ Giác ở núi Lang Gia, : 

“Cái thanh tịnh bổn nhiên nhân sao bỗng dưng sanh núi sông thế giới?”

( Thanh tịnh bổn nhiên vân hà hốt sanh sơn hà đại địa?)

Câu hỏi mượn ở kinh Lăng Nghiêm, đoạn Phú Lâu Na hỏi Phật tại sao cái Chân Như Tuyệt Đối hốt nhiên hóa thành thế giới hiện tượng nầy .



Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 3211
Ngày đăng: 10.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thanh Tâm Tuyền ,thi sĩ tuyệt vọng trần truồng-1 - Bùi Công Thuấn
Thanh Tâm Tuyền ,thi sĩ tuyệt vọng trần truồng-2 - Bùi Công Thuấn
Thanh Tâm Tuyền ,thi sĩ tuyệt vọng trần truồng-3 - Bùi Công Thuấn
Gõ đời vào phím cô đơn - Nguyễn Đức Thiện
THANH TỊNH: Mòn Mỏi... Nhớ Huế! - Lê Xuân Quang
Ngọn gió lang thang về đâu . . . - Hồ Thụy Mỹ Hạnh
Thơ Lục Bát , Một cõi trời mênh mông-1 - Bùi Công Thuấn
Thơ Lục Bát , Một cõi trời mênh mông-2 - Bùi Công Thuấn
CHÍNH HỮU: Ngọn Đèn Đứng Gác - Đã tắt! - Lê Xuân Quang
Thơ Nguyễn Lương Vỵ - Một tiếng gầm tịch liêu - Hồ Ngạc Ngữ
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)