Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
675
116.608.351
 
Tiếng quốc cuối cùng trong thành phố
Hoa Ngõ Hạnh



Vào thời điểm nghiệt ngã nhất của đời sống, chàng trai trẻ rời thành phố ra ở ngoại ô. “Từ đó về đây sống rất nghèo. Bạn bè chỉ có gió trăng theo. Những thằng bất nghĩa xin đừng đến. Hãy để thềm ta xanh sắc rêu”. Ôi! Đời sống! Chính xác, chàng chưa bao giờ là người giàu có về tiền bạc cả. Nhưng chàng vỡ lẽ. Chàng giận đời. Đời sống thật bạc, thật lạnh lùng, thật tàn nhẫn, vô cảm, vô luân.

 

Như các bạn biết đấy, căn nhà ở ngoại ô. Một nơi không có đường đi lại, bị phủ lấp sau những hàng tre, phía trước có một khe nước thải chảy ra. Thời buổi chính quyền hăng say giải tỏa để lấy đất đô thị, một nơi như thế thật hiếm hoi. Căn nhà gỗ ba gian, có một khoảng sân hẹp. Bậc thềm lên xuống không phải bằng đất đắp lên mà bằng đá xanh. Hơn năm mươi năm trước, bậc thềm phủ đầy rêu. Bây giờ vẫn là rêu. Rêu phủ tận ra ngoài ngõ. Buổi sáng. Sáng nào cũng thế. Chàng mất bảy phút ba mươi bảy giây để quét lá tre trước khi đi làm. Ngày nghỉ, thời gian quét lá tre nhiều hơn. Chàng thử đếm lá rụng. Lá rụng rất nhiều. Đếm đi đếm lại nhầm lẫn lung tung. Đành bó tay. Lần sau đếm lại cũng thua luôn. Vẫn đếm. Ở đời, có những chuyện ngu ngơ, vô nghĩa như vậy mà đâm ra thú vị.

 

“Đêm qua gió to quá!”. Một buổi sáng, người nhà than như vậy. “Ừ! Gió to quá!”. Chàng mơ màng phụ họa theo từng nhát chổi tàu cau lẹt xẹt. Đột nhiên chàng nghe tiếng quốc kêu. “Quốc! Quốc! Quốc! Tờ rứt…quốc…quốc!” Tiếng kêu phát ra từ bụi lau sậy dưới khe nước thải bên trái mặt nhà. Chàng chụm hai bàn tay lại, bắt chước tiếng quốc kêu. Đột nhiên, từ dưới bụi lau sậy có tiếng đáp lại rất dồn dã.  “Òa! Òa! Òa!”. Rồi im bặt. Thuở nhỏ chăn trâu chàng vẫn thường làm vậy. Nhất là những buổi cho trâu ăn đêm để đi cày, chàng dụ được cả bầy quốc cất dàn đồng ca rất vui vẻ. Những đêm lầm lũi trên lưng trâu như thế chẳng có gì vui hơn. Chàng nhớ mẹ chàng. Mẹ chàng hay hát. “Quốc lẻ đôi quốc ngồi quốc khóc. Huống chi hai đứa mình tang tóc rẻ đôi”. Mỗi lần nghe mẹ hát, chàng thấy cuộc đời là một chuỗi những chia lìa tàn nhẫn. Chàng nhớ cha chàng. Cha chàng vốn thường bảo loài quốc chung tình hơn loài người. Một con chẳng may bị chết thì con kia sẽ kêu hết đêm này sang đêm khác. Kêu đến khi thổ huyết ra rồi chết theo luôn. Lúc chết, con quốc móc chân treo ngược vào cành gai mâm xôi, mắt trợn trắng.

 

Chàng đã thấy một con quốc thất tình như vậy. Nó treo chân chết khô trên bụi mâm xôi bên bờ khe Trảu ở đồng Chèo Bẻo. Hai bên má nó bạc thếch. Chiếc mỏ vốn đỏ au nhưng lông cánh thì đen thui. Đôi mắt không còn trợn trừng được vì kiến ăn gần hết. Chắc lũ kiến bạo tàn đã ăn không những mắt mà tận vào óc, vào tim con vật thất tình kia. “Đồ ngu! Mày không biết lấy xương nó đem về!”. Mấy đứa bạn chăn trâu nghe kể chửi chàng vậy. Chàng vẫn ngu ngơ. “Đem về làm chi?” “Trời ạ! Mày không biết đâu! Giã nhỏ xương của nó hòa vào nước bôi lên tóc đứa con gái nào thì đứa đó sẽ thương mày suốt đời!”. Nghe bọn nó nói, chàng bật cười. Bọn nó bằng tuổi chàng nhưng ranh con, máu gái lắm. Chàng không tin chuyện bùa chú yêu đương như vậy. Chàng chỉ tin vào niềm tin người cha đáng kính của mình: Loài quốc lương thiện, chung thủy và đáng kính hơn loài người. Chàng không bao giờ dùng ná cao su để bắn hạ nó như những loài chim khác. Nó thật đáng thương hơn đáng ghét.

 

Dù không tin nhưng chàng cũng tò mò. Hôm sau chàng trở lại bên bờ Khe Trảu thì thấy ai đó đã lấy mất con quốc chết khô trên bụi mâm xôi. Chàng hơi khó chịu và bực mình. Những đêm cho trâu ăn để đi cày trong tiết tháng tư tháng năm như thế thật buồn tẻ và đơn điệu. Cuộc đời thật im ắng. Rơm rạ ngủ yên. Chỉ có tiếng trâu gặm có sột soạt. Tiếng côn trùng rả rích. Con trâu cày ăn mải mê dọc theo bờ cỏ bên khe. Trăng thượng tuần hơi lờ mờ. Có mấy đụn mây vảy cá xếp lớp thành hình một con thú. Chàng cũng mải mê nhìn mây. Đột nhiên, chàng giật mình. Tim chàng thót lại. Ngay trước đầu con trâu của chàng có một cô gái đang ngồi. Cô gái đội chiếc nón trắng, mặc áo bà ba sẫm màu. Nón che khuất mặt. Máu chàng như đông cứng lại. Hai quai hàm cũng cứng luôn. Mãi một thời gian chết lặng rất lâu chàng mới trấn tĩnh lại.  Chàng sờ vào lưng rút cây liềm cắt cỏ ra nắm chặt trên tay.

-Ai đó? – Chàng quát to, thảng thốt!

Cô gái vẫn ngồi im lìm. Đồng không mông quạnh chỉ có tiếng côn trùng và tiếng của chàng.

-Ai đó? –Chàng quát to một tiếng nữa. Chàng sắp khóc òa lên.

Rất nhanh, cô gái đứng phắt dậy. Cô quay mặt về phía chàng. Con trâu thấy có người vội ngừng ăn, ngẩng đầu lên dò xét. Hai mũi nó thở ra khì khì. Cô gái từ từ giở chiếc nón ra trắng ra. Trời ơi! Chàng thấy hai bên má cô gái có hai chòm lông vũ bạc trắng. Chiếc mỏ dài và đỏ chót màu càng cua luộc chín. Chàng chết lặng đi mấy giây. Cô gái bỗng bật ra một tràng cười sằng sặc. Tiếng cười bỗng vỡ ra thành những tiếng “òa, òa”. Chốc lát cô vỗ cánh cái vù và biến mất giữa đồng không. Chàng thúc mạnh hai gót chân vào hông con trâu một cái phi thẳng về trại. Chàng chỉ kịp cột trâu, nhảy cái bịch từ lưng xuống lao thẳng vào trại ngồi khóc.

 

Cha chàng bảo:

- Đừng sợ! Chỗ đó có con ma thất tình. Nó chẳng làm chi được mình đâu. Con người mới đáng sợ! Không có chi tốt bèn con người. Cũng không có chi ác hơn con người. Con người mới đáng sợ! Ma cỏ có chi đáng sợ!

 

Con người mới đáng sợ! Con người mới đáng sợ! Điệp khúc ấy đã an ủi được nỗi sợ hãi của chàng. Chàng bao giờ cũng chỉ tin vào người cha đáng kính của chàng. Một niềm tin mãnh liệt. Cha chàng chỉ là một người nông dân. Một người nông dân nhưng có khả năng tiên tri về con người. Những lúc khó khăn nhất, yếu đuối nhất, ngã lòng nhất chàng lại nhớ đến cha mình. “Ta là chiếc lan can nằm dọc ven sông; kẻ nào có thể nắm được ta thì cứ việc nắm! Nhưng ta không phải là vật nương tựa cho các người” (*). Sức mạnh của người cha đáng kính từ đó mà ra. Một niềm kính cẩn, một sự an ủi vô bờ cho chàng cũng từ đó mà ra!

 

*

Một trăm ba mươi tám, một trăm ba mươi chín, một trăm bốn mươi, một trăm bốn mươi mốt… Một trăm… Một trăm… Lại lẫn lộn mất rồi. Chàng vừa quét lá tre, vừa nghe tiếng quốc kêu lạc lõng trong thành phố, vừa nghĩ đến cha chàng. Vậy là lẫn lộn mất rồi.

Chàng lại nhầm lẫn, lẫn lộn về thiên tính của con người. Bao nhiêu buổi sáng của cuộc đời, bao nhiêu tuần, bao nhiêu tháng như vậy chàng vẫn cứ nhầm lẫn lung tung. Chàng đếm lá tre từ lúc có hai tiếng quốc cho đến khi có thêm cả bốn tiếng quốc chim chíp ngoài bờ khe nước thải. Cặp vợ chồng quốc đã sinh ra được bốn con con. Những con quốc con đen quàu quạu, tròn như chiếc nắm tay chạy nháo nhác bên cha mẹ. Chàng đã nhìn thấy nó trong một lần tình cờ. Đứng trên sân, chàng thử đưa tay ra nhứ một cái. Bốn con quốc con vụt chạy ra sau lưng bố mẹ. Hai con quốc lớn đứng dạng chân ra, xòe cánh, xù lông và kêu “òa, òa” rất dữ tợn. Nhìn hai chòm lông vũ màu trắng và chiếc mỏ màu đỏ chàng giật mình, nổi da gà nhớ lại hình ảnh con ma thất tình ngày chăn trâu bên bờ khe Trảu. Chàng vội quay mặt đi.

*

 

Một buổi tối mùa đông. Chàng đi về khuya. Chàng đã say khướt. Dạo rày đêm nào chàng cũng say. Thời gian này chàng không biết từ chối một cuộc nào cả. Chàng có thể cụng ly với thượng đế. Chàng cụng ly luôn với cả lũ đầu trộm đuôi cướp dọc đường. Đến trước con đường lớn rẻ vào căn nhà ba gian chàng thấy đèn điện sáng trưng. Người người lố nhố. “Con người ngó thế mà bạc.” “Chuyện gì vậy?” “Thì có chuyện gì đâu. Thằng con về xin tiền bố, bố không cho nó rút dao đâm một nhát ngọt xớt. Đi đời luôn. Mẹ nó bỏ nhà đi theo trai mất mấy tháng nay”. Một người khác rẽ đám đông đi qua, vừa đi vừa cằn nhằn. “Tránh ra! Tránh ra cho người ta đi!  Chuyện người ta, kệ họ! Có công an nó lo!”. Chàng cũng bỏ đám đông đi về.

Vừa về đến ngõ rêu, chàng chợt nghe có tiếng xe máy đuổi theo. Con đường về nhà vốn tối om bổng sáng lóa mắt. Hai người đàn ông lạ mặt đi trên chiếc xe máy mang theo một khẩu súng hơi. Trên đầu hai gã này có hai chiếc đèn pha. Chàng hiểu ngay. Tiếng quốc lẻ loi giữa thành phố này đã dẫn dụ bọn săn chim làm mồi đặc sản. Tiếng kêu của nó quá sức đặc biệt. Tai họa sắp giáng xuống đầu chúng vì tiếng kêu của chúng. Những loài chim khác tiếng kêu của  nó nhỏ hơn, ít thống thiết hơn hoặc bọn chúng biết cách bay cao bay xa. Loài quốc chỉ quen chạy và lủi trong bụi bờ. Chúng nào biết bay cao bay xa? Chàng bèn giở trò láu cá.

- Quí vị đi bắt rắn à? - Chàng vừa nói vừa chỉ vào lùm lau sậy bên trái căn nhà dưới khe nước thải. Dưới đó có một con rắn hổ chúa to lắm. Quí vị bắt được thì bắt giùm tôi. Hai gã thợ săn nghe nói vậy vội co người lại. “Thôi! Thôi! Tôi đi đây!”. Hai gã lên xe rồ máy chạy mất biến. Thời buổi này láu cá rất hiệu quả. Nếu không, đàn quốc đã bị chúng bắn chết ngay đêm đó rồi. Chàng nghĩ như vậy.

 

*

Dạo này thành phố thật mở mang. Đường sá thành phố láng o như mỡ. Đèn đuốc lập lòe, sáng lóa. Ở chỗ căn nhà của chàng vẫn như một thế giới biệt lập. Một chỗ sót lại cuối cùng không dành cho những người hiện đại. Chàng thấy mình lạc hậu mất. Chỗ này, chàng nghĩ, nếu dành cho những bậc chân nhân như Phong Thanh Dương hay Trương Tam Phong ở thì hay hơn. Chiều chiều, các vị ấy trở về với ống sáo trúc trên lưng con trâu xanh. Tóc bạc, râu dài quyện với mây bay vần vũ trên đầu. Chàng lại thấy mình thật hạnh phúc khi được làm người lạc hậu.

Bị bỏ rơi hất hủi là một chuyện, được trầm mình trong nỗi cô đơn lại là một chuyện khác: đấy, đấy chính là điều mi đã học được giờ đây! Mi đã học được rằng giữa loài người bao giờ cũng vẫn chỉ là một kẻ man dại và xa lạ. Man dại và xa lạ ngay cả lúc họ yêu thương mi bởi vì trước tất cả mọi sự, họ chỉ thích được mi nể nang, xoay xở!…

Tuy nhiên, bị hất hủi bỏ rơi lại là chuyện khác. Ồ hỡi Zarathustra, mi còn nhớ chứ? Khi con chim mi réo gọi trên đầu, khi mi đứng lưỡng lự giữa rừng sâu, gần bên một xác chết, do dự chẳng biết đi về đâu.

Khi mi bảo rằng: “Cầu xin những con vật của ta sẽ hướng dẫn ta! Ta thấy rằng sống giữa loài người còn nguy hiểm hơn là sống với loài thú”.

Hỡi cô đơn! Hỡi cô đơn, quê hương của ta! Lời mi nói với ta thật hòa ái thục hiền biết bao!

(Trở lại quê hương) (*)

 

*

Buổi sáng, chàng thôi không còn đếm lá tre rụng nữa. Chàng cảm thấy cay đắng. Chàng biết, đấy là chuyện vô ích, vô nghĩa, thậm chí xuẩn ngốc. Thời buổi bây giờ quân vô đạo quá nhiều. Chúng đã bắn mất những con chim quốc của chàng. Những con chim cuối cùng sót lại trong thành phố. Chàng theo dõi chúng bằng ánh mắt trìu mến từ lúc có hai con nay thành cả đàn sáu con Bây giờ buổi sáng chúng không còn được kêu nữa. Có thể chúng đã bị giết chết ngang nhiên giữa ban ngày. Có thể chúng bị giết chết vào ban đêm. Cũng có thể chúng rời bỏ đi nơi khác vì thành phố không còn thích hợp với chúng. Đó không phải là quê hương của nó. Bụi khói ồn ào, những nhu cầu, thói tật, sự tham lam của con người đã giết chết nó. Những viên đạn nhằm sau lưng siết cò. Những miếng mồi đường mật có tẩm thuốc độc rải ra khắp nơi.

Ôi! Những đêm chăn trâu cắt cỏ tuổi ấu thơ. Những đêm vàng ngọc trên cánh đồng rơm rạ tháng tư tháng năm thơm nứt cùng tiếng côn trùng rả rích. Nó đã qua rồi. Nó vụt qua rồi. Chỉ để lại một tràng cười cùng tiếng vỡ òa như bóng ma thất tình bên bờ Khe Trảu. Tiếng vỗ cánh của nó thật là lạ lùng.

 

Yên Thy viên, đông chí 2004

Hoa Ngõ Hạnh
Số lần đọc: 2422
Ngày đăng: 19.12.2007
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tam ngưu tương mệnh - Vũ Ngọc Tiến
Khoảng cách em và tôi là gió - Nguyễn Nguyên An
Ông Cử - Đoàn Hữu Hậu
Tiếng Nhục - Giang Tâm
Lụt - Trần Văn Bạn
Ghen - Nguyễn Tiến Lợi
Tô Canh Bù Ngót-1 - Hư Thân
Tô Canh Bù Ngót-2 - Hư Thân
Chuyện sau trận lụt - Đổ Thị Hồng Vân
Đã đến lúc quay về nhà - Mường Mán