Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
688
116.519.155
 
Bồng bềnh tiếng chuông
Nguyên Quân

Tôi về quá muộn. Không thấy được mặt anh lần cuối. Nhưng vẫn may còn kịp nhảy lên lên chiếc xe chở đoàn âm công đi cuối cùng trong đoàn xe đưa tang chạy chầm chậm qua từng ngã đường còn ướt đẫm sương đêm dẫn lên khu vực nghĩa trang thành phố. Nơi anh phải nằm lại một mình với những đoá hoa huệ trắng muốt, chính là ngọn núi tam thai ở ngoại vi phía tây thành phố mà ngày trước anh vẫn thường đèo tôi bằng chiếc xe đạp cà gật cà tàng lên ngồi chơi giữa đám bia mộ lô nhô. Thường khi lên tới đây, anh lại kiếm một chỗ nào thích ý để ngồi lặng lẽ như cái tượng đá, mặc kệ tôi muốn làm gì thì làm. Riêng phần tôi vì sợ ma đến chết khiếp nên cứ luẩn quẩn bên anh, chẳng dám rời xa quá một bước chân. Đã thế, thỉnh thoảng anh còn vớ vẩn Hỏi: “mầy có biết những người chết đang nằm trong lòng đất họ đang nghĩ gì không?”.  Tôi lắc đầu nguầy nguậy cố dịch người sát vào anh và anh thì chẳng quan tâm đến câu trả lời hay nỗi sợ hãi của tôi.

 

Hồi ấy, tôi chỉ là thằng nhóc mười bốn tuổi đầu, tính tình hiếu động nên chán ngấy cảnh ngồi bó gối, mắt lấm la lấm lét nhìn ngược nhìn xuôi sự im ắng đến rợn cả gai ốc toát ra từ hàng hàng lớp lớp mộ bia chạy suốt sườn núi thoai thoải, rồi cứ tự hỏi không biết ông anh họ lớn gấp đôi số tuổi tôi khoái chi nơi chốn chỉ dành riêng cho người chết nầy. Tuy rất chán nhưng tôi vẫn thích đeo theo anh trong những dịp nghỉ học, để được nghe anh kể chuyện. Tôi mê mết những mẩu chuyện đầy tính Phiêu lưu mạo hiểm của người chuyên nghề tìm trầm rồi đi đào đãi vàng như anh. Mỗi chữ mỗi câu anh kể kèm theo điệu bộ vung tay múa chân đều làm tôi thích thú, hồi Hộp, cứ ước ao được mau lớn cho bằng anh để được tự do đi đây đi đó, được trèo lên những đỉnh núi cao tít mù khuất sau làn mây trắng, và được nhìn tận mắt cái mặt con cọp to như cái vòng tròn do đôi tay anh vươn thẳng cánh vẽ ra trong không khí và vằn vện giống cái mặt nạ hát bội... Ba tôi không hề tỏ ý ngăn cấm tôi đi chơi với anh, nhưng vẫn hậm hực mỗi khi nghe tôi học lại chuyện, ông cứ cưòi nhạt: “nó kể ba láp đó... Cái thằng ăn chi mà u mê như một con bò, mất công học hành mấy chục năm trời... Càng nhắc tới càng bực mình”. Dù ba tôi hay nói trúc trắc, lấp lửng khi gặp chuyện bất như ý, tôi cũng hiểu được nôm na rằng ông đang ám chỉ việc anh tự dưng bỏ dạy “đi làm ba cái chuyện viển vông mơ hồ”. Mẹ tôi thì khác, bà vốn rất thương anh, hay bênh vực đứa cháu họ bên chồng. “cháu nó bỏ việc cũng có cái lý của nó, Ông là chú, không thông cảm, an ủi thì thôi. Trách mắng nó làm chi thêm tội”.

 

Nguyên nhân việc anh đùng đùng bỏ ngang nghề giáo là vì bị thất tình. Cô bạn đồng nghiệp mà anh từng yêu thương và cùng thề non hẹn biển, một hôm đã phụ rẩy tấm chân tình của anh để sang ngang với ông trưởng phòng giáo dục mới vừa goá vợ, ông ta già hơn anh hai chục tuổi nhưng có nhiều quyền hạn, tài sản hơn anh hàng vạn lần. Vừa buồn chán, tự ti không dám nhìn mặt ai trong ngành, vừa muốn nhanh chóng làm giàu để trả thù đời nên anh quyết định đi tìm vận may hiếm hoạ từ những cái nghề viển vông mơ hồ (nguyên văn của ba tôi). Ấy là mẹ kể thế chứ một thằng nhóc như tôi làm sao hiểu chuyện thất tình là cái quái gì. Chỉ biết tôi rất thương anh, nên có hôm lỡ dại học đúng y ngôn ngữ, luận điệu của mẹ tôi, phê phán thói ham tiền của cô gái đó. Đến bây giờ tôi còn nhớ như in khuôn mặt sầm tối lẫn tiếng nạt đầy tức khí của anh. “nói nhảm! Ai dám bảo với mầy thế... Tao cấm từ nay trở đi không được nói vậy nữa. Nếu không nghe tao đấm vỡ mặt và cóc chở mầy đi chơi... Hiểu chưa”. Tôi co rúm cả người, chẳng dám nhìn vào cái mặt vốn đã đen đủi chai sần vì nắng gió đường rừng, giờ lại đang giận dữ long lên sòng sọc. “em xin lỗi...” tôi lúng búng trong miệng. Anh lặng đi một lúc trước khi đưa bàn tay to bè thô ráp vò vò đầu tôi. Mẹ tôi thường chép miệng thở dài mỗi lần nhìn anh: “cái thằng ! Ngày xưa trắng trẻo nho nhã là vậy, chỉ mới một thời gian ngắn đã tàn tạ trông phát sợ”. Và thật ra anh không cần cấm, tôi cũng chẳng còn cơ hội nghe anh kể chuyện, được anh chở lên Tam Thai nghe tiếng chuông điểm kinh vọng vang từ chùa trà am nằm dưới chân núi. Hết mùa hè năm đó, ba mẹ tôi quyết định chuyển vào nam sinh sống

 

*

Những lá thư chị Hồng thường xuyên gởi cho tôi thời gian gần đây, đều đề cập Xa - gần đến bệnh tình của anh. Qua từng câu chữ tâm sự của bà chị dâu tôi ngạc nhiên hết sức. Không lý nào anh lại sinh tật “khật khừ” như thế, để cuối mỗi trang thư của chị Hồng còn đọng thêm từng vệt hoen ố vì nước mắt. “chẳng hiểu ngọn ngành ra làm sao mà anh chú đổi chứng đổi nết. Không còn như trước đây... Chị khổ tâm lắm chú Tuấn ơi...”

Trước đây là khoảng thời gian anh vừa cưới vợ, cũng đúng lúc tôi lóc cóc về Lại Huế, thi rồi đỗ được đại học. Nghe tôi thi đỗ anh mừng lắm, nhất định bắt bằng được tôi phải về ở chung với vợ chồng anh suốt thời gian học tập. Phải ở trong ngôi nhà gỗ dày đặc những chiếc cột đen bóng chống đỡ những hàng vì kèo chạm rồng trổ phượng, đầy âm u tĩnh lặng tôi cũng ngán lắm, nhưng biết làm thế nào được. Thật ra anh chị không bắt, tôi vẫn có dự định sẽ về ở trọ trong ngôi nhà hương hoả của dòng họ. Chẳng phải vì tôi còn nhỏ dại để bị mê mẩn hút hồn theo mấy mẫu chuyện đường rừng, một phần thật chín phần xạo hay muốn tìm lại chút gì ở cái thế giới tuổi thơ hồn nhiên trong ngôi nhà thâm nghiêm, bí hiểm với nhiều huyền tích gắn liền với từng bức chân dung thờ tự trên các án thờ sơn son thếp vàng nằm trang trọng giữa ngôi nhà chính. Mà vì về ở đây tôi tiết kiệm được không ít tiền thuê phòng, những đồng tiền thấm đầy mồ hôi nước mắt của ba mẹ.

 

Về ở với ông anh họ kiêm thủ từ này chưa được mấy ngày tôi đã phát hiện ra một điều rất lý thú. Hình như việc có vợ đã làm thay đổi tận gốc rễ tính tình lông bông bất cần đời mà anh có từ ngày bị bồ đá. Anh bây giờ luôn tất bật siêng năng, cố vun vén từng ly từng chút cho cuộc sống gia đình. Nghe chị Hồng mách lại hình ảnh kỳ cục của anh khi ngỏ lời cầu hôn và lúc nhận được giấy báo đi nhận nhiệm sở. Tôi cười đến chảy nước mắt. “anh chú ngó vậy chứ còn con nít lắm, ai đời mới nhận được giấy báo đã nhảy tưng tưng từ trong nhà ra tới đầu ngõ, lại còn vừa tung hô vạn tuế vừa hôn lấy hôn để tờ giấy, trông chẳng khác gì một thằng điên... Mà làm quan làm tướng gì cho cam...” nói là nói vậy chứ tôi biết tỏng hôm ấy chắc chắn chị Hồng cũng sung sướng chẳng kém chi anh, khi thấy chồng mình từ một ông đạp xe thồ đầy nặng nề tủi nhọc bỗng biến thành ông nhà giáo đường bệ chỉn chu. Ai lại không mừng, không tự hào, cho dù đó chỉ là ông giáo quèn cấp một  trường làng và phải còng lưng mỗi ngày đạp xe hơn chục cây số về tận một làng chài ven biển. Phải công nhận anh rất chịu thương chịu khó, bất kể thời tiết nắng hay mưa đều pha, cứ sáng tinh mơ đạp đi, giữa trưa lại đạp về, đến nhà là xoắn trần ra hết chẻ củi, quay ra cuốc vườn, chăm gà nuôi vịt... Ban đêm còn tranh thủ dạy kèm cho vài cô cậu trung học, Anh kèm cặp rất mát tay, bọn học trò ban đêm của anh đa số đều vượt cấp tốt. Tiếng lành đồn xa, hơn nữa còn biết anh trước kia tốt nghiệp đại học sư phạm loại ưu, từng được điều về dạy ở trường chuyên cấp tỉnh nên lắm vị phụ huynh, dù ở khá xa cũng tìm đến nằn nì anh nhận kèm tại gia cho con họ, bằng những món tiền bồi dưỡng khá hậu hĩ so với đồng lương còi cọc nhận được từ công sức đạp xe hàng mươi cây số Để nắn nót từng con chữ cái cho lũ học trò thò lò mũi xanh ở làng biển heo hút kia.Nhưng anh lại từ chối thẳng thừng, không đắn đo. Có lần tôi thử bàn với anh:

·   Theo em, anh nên nghỉ dạy dưới ấy đi, về mở vài lớp dạy kèm tại nhà mình vừa Khoẻ thân vừa có thu nhập cao hơn nhiều.Anh trợn tròn đôi mắt nhìn tôi:

·Ê! Chú mi đừng xui dại, anh chú bỏ việc một lần là đã cạch đến già rồi. Khó khăn lắm mới kiếm lại được, bỏ nữa thì hoạ là điên.

·Tưởng việc gì chứ việc gò lưng đạp xe về tận vùng sâu vùng xa ấy rồi dạy abc Thì em xin miễn.

·Ôi chà chà! Nghe cái tài nguyên tương lai của đất nước phát biễu mà ớn, ai Cũng suy nghĩ như chú thì e rằng chỉ dân thành phố mới có đặc quyền học cái chữ.  Kiểu nói nửa bông lơn, nửa nghiêm túc trong điệu bộ chào thua của anh làm tôi Vừa tức cười vừa giận:

·Anh nói nghe như lãnh đạo nói cho được việc thôi, chứ con cháu mấy xếp cứ ra trường là “thành phố cơ”, cấm có đứa nào xung phong đến nơi khỉ ho cò gáy như vùng anh công tác đâu.

 

Thấy tôi nổi nóng bắt đầu nói dại anh vội xua tay lia lịa:

·Thôi stop! Anh xin chú, chú chưa bước qua cầu đoạn trường, chưa biết cái Cảnh lao động tự do nó bấp bênh khổ sở đến chừng nào đâu. Anh chừ như con chim bị Tên...

Anh chợt ngừng nói, quay sang dí ngón tay lên cái bụng to tròn óc ách của chị Hồng: “chú thấy chi chưa, gần nhảy ổ rồi. Ít nhất cũng để thằng nhóc nầy hiên ngang Ghi lên bản khai lý lịch, nghề nghiệp bố là người đem ánh sáng văn hoá cho vùng sâu vùng xa, thế nó mới oai chứ”.

 

Tôi hết giận ngay, phá lên cười sặc sụa trước động thái lạc quan hóm hỉnh của ông anh họ từng có một thời bị rị, u ám vì thất tình:

·Anh đúng là đồ gàn, không nói chuyện ấy nữa, nói về cái hồi anh bị bồ đá nên cứ dụ dỗ em để chở lên tam thai nghe hay hơn, phải vậy không chị hồng?

·Ơ cái thằng nầy, mầy học cách đốt nhà người ta từ bao giờ thế. Bà Hồng tưởng thật bà cạo đầu anh bây giờ.

 

Anh cung tay định cốc lên đầu tôi như kiểu ngày xưa, đôi mắt thì cứ nháy nhó ra hiệu. Được nước làm già, tôi quay sang phía bà chị dâu đang săm soi từng mũi kim lên chiếc tất bé tẹo:

·      Em nói vậy có đúng không chị? Có bị thất tình mới ngày nào cũng bò lên nghĩa Trang tâm sự với người chết. Mà em hỏi thật chị nhé, có bao giờ anh chở chị lên đó Để hỏi vớ va vớ vẩn chưa - tôi nhại giọng anh - em đố chị, người chết  nằm trong Lòng đất họ đang nghĩ gì?

Chị hồng cười, nhìn anh bằng ánh mắt âu yếm:

·      Không hề chú tuấn ạ, nhưng chị có bị thất tình như anh của chú đâu, ham lên đó Làm chi cho uổng phí cuộc đời.

 

Anh lại cung nắm đấm về phía tôi... Suốt bốn năm trời sống chung với gia đình anh là chuỗi thời gian không thiếu tiếng cười đùa như thế, càng vui hơn lúc thằng nhóc đầu lòng của anh oa oa chào đời để được nhìn ngắm hưởng thụ cái hạnh phúc tràn trề trong ngôi nhà hương hoả mà nó sẽ là đích tôn thừa trọng. Có thêm một thành viên chỉ biết ngúng nguẩy khóc đòi anh càng thêm vất vả, nhưng dường như sự vất vả tất bật đó lại làm tăng thêm vẻ lạc quan yêu đời nơi anh. Nhiều lần tôi bắt gặp anh tranh thủ giữa chừng công việc, ngồi thẫy lẫy con cu ti tí hồng hồng của thằng bé, Miệng cứ ngoắc ra hò hét “cố lên... Cố lên, à được rồi, thế mới xứng danh con nhà tông...” rồi cười khoái chí khi bị vợ mắng yêu: “dạy con toàn đồ quỷ sứ đâu không À...”.

 

Tốt nghiệp, ra trường. Tôi vội vào lại sài gòn, với tấm bằng cử nhân kinh tế nên tôi dễ dàng xin được việc làm trong một công ty thương mại liên doanh nước ngoài. Mấy tháng đầu tôi còn siêng viết thư thường xuyên với anh chị. Dần dà công Việc cứ cuốn hút hết tâm trí, thời gian nên việc liên lạc thưa thớt dần. Thỉnh Thoảng có việc gì cần thiết mới trao đổi, hỏi thăm vài dòng. Nhưng chừng một năm Trước đây, tôi nhận được tới tấp những lá thư đầy nước mắt của chị Hồng.

 

*

Chị không còn khóc than, vật vã mình mẩy như hồi sáng trên nấm mồ còn tươi Nguyên màu đất đỏ. Chị bây giờ lặng lẽ bên chiếc bàn thờ vừa thiết đặt cạnh chiếc Khám sơn son thếp vàng rất đông đúc những khuôn ảnh chân dung ố vàng cũ kỹ, nét mặt Tươi cười của anh nằm lạc lỏng trên đó trông đau xót lạ lùng. Tôi hết nhìn lên đó Rồi lại nhìn chị hồng ngồi khô trơ vô hồn như tượng. Có lẽ nỗi đau mất anh quá lớn Đã làm chị tê dại, anh cũng vậy, âm thanh của nụ cười đã bị chặn lại sau tấm kính Trong suốt, vô cảm và làn khói hương nghi ngút. Khẽ bước lại gần, tôi đặt tay lên Vai chị hồng: “số anh thế rồi, chị cũng đừng buồn đau quá mà sinh bệnh!” - từ những Rung động giữa lòng bàn tay, tôi cảm nhận được sự run rẩy bi thương cuộn chảy trong Thân xác của chị dâu - “chị cần phải thật bình tĩnh để còn tính chuyện nuôi dạy Con”. Trước những lời an ủi vụng về của tôi, chị hồng chợt bật khóc tức tưởi:

·   anh ơi là anh! Chú tuấn về thăm anh đây này... Anh nói gì đi chứ, anh trông Chờ chú ấy lắm mà.

 

Lời than khóc của chị nghe như có chút gì trách cứ khiến lòng tôi xốn xang:

·   Em chỉ nghĩ anh bị sốc và bất mãn chuyện chi đó rồi sẽ trở lại bình thường Thôi, đâu có ngờ anh lại đi nhanh vậy. Đến khi nhận được điện báo của chị thì đã Quá muộn... Không nhìn được mặt anh lần cuối em rất ân hận.

·   Tại anh chú muốn trốn tránh trách nhiệm, muốn bỏ rơi mẹ con chị chú tuấn ạ, Chị biết anh có điều chi đó không bình thường cất giấu trong lòng và chỉ muốn nói Với riêng chú mà thôi...

 

Không chịu nổi tiếng khóc than kể lể bi ai ấy, tôi bước dần đến bên chiếc sập gụ, kéo chiếc chăn đắp cho thằng bé con đang nằm ngủ co ro dưới hơi đêm tháng giêng lành lạnh. Vuốt ve khuôn mặt non nớt thơ ngây chưa biết khóc cha, tôi bỗng nhiên thấy giận anh.

 

Chẳng rõ đầu đuôi ngọn ngành ra làm sao mà khiến anh thay đổi tính nết một cách kỳ dị không tưởng nổi. Từ một con người chịu thương khó, năng nổ chăm chút bồi đắp cho vợ con bỗng trở thành kẻ trầm cảm lạnh lùng và vô trách nhiệm trước cuộc sống. Anh bỏ nhiệm sở, từ chối luôn việc dạy kèm ở nhà, suốt ngày cứ ru rú trong căn phòng tối tăm ẩm mốc, nơi chỉ dùng để chứa những vật dụng hư hỏng như chiếc ghế gãy chân, chiếc bàn bể mặt... Anh ở lỳ trong đó với đống kinh sách dầy cộm, trút hết gánh nặng gia đình lên vai người vợ quần quật đôi quang gánh cơm hến bán rong.  Ngoài những lúc cần thiết phải làm công việc vệ sinh, chị Hồng và thằng con bé bỏng Mới thấy anh ra khỏi cái thế giới riêng biệt đầy cô đơn, bụi bặm và rất bí ẩn của anh, cái cõi riêng mà chính chị cũng chẳng được phép bước chân vào, chẳng thể biết nó đang chứa đựng những gì trong ấy, chị chỉ một ngày hai lần gõ lên tấm cửa gỗ nặng nề như một bức tường đen bóng, gõ và chờ đợi chồng mở cửa rồi đứng ngoài ngạch cửa đưa cơm nước cho anh.

 

Việc ăn uống của anh cứ mỗi ngày mỗi giảm. Lo lắng cho sức khoẻ của chồng, chị nhiều lần van nài, khóc lóc, và còn nặng nhẹ chì chiết để mong anh ngó ngàng tới gia đình. Luôn cả tới tiếng khóc gọi “ba ơi” của thằng bé trước đây anh rất mực thương yêu cũng không làm thay đổi thái độ “khổ hạnh” lạ lùng của anh. Lối sống vô trách nhiệm và tự đày đoạ thể xác của ông anh họ qua từng bức thư của chị dâu gây cho tôi nhiều trăn trở hoài nghi, tự đặt ra bao nhiêu nghi vấn rồi cố tâm suy diễn hòng lý giải được nguyên nhân gì đã bẻ gãy ý chí sống của anh. Phải chăng anh đã gặp phải chuyện rắc rối trong quan hệ vợ chồng mà không thể giải quyết được, thậm chí tôi còn nghĩ tới chuyện anh bị mê hoặc bởi một thứ tà đạo vớ vẩn nào đó chuyên khuyến dụ việc tự huỷ, hành xác cầu mong giải phóng tinh thần ra khỏi sự hữu hạn thời gian, vẫn thường xảy ra trong cuộc sống đầy hơi thở vật chất, thực dụng nầy.  Ai không hiểu anh chứ tôi thì quá biết, trông bề ngoài anh rất vững vàn cứng cáp thế nhưng thật sự bản lĩnh tinh thần của anh rất yếu... Sự hoài nghi bắt tôi phải tìm đến cái cốc. Cánh cửa bằng gỗ lim từng tồn tại cùng ngôi nhà bao nhiêu năm tháng dài, bây giờ đã bị phá bỏ lúc “chị gõ cửa nhiều lần vẫn không thấy anh chú mở, ban đầu chị cứ ngỡ anh không có trong phòng. Nhưng linh tính về một điều không lành cứ xui chị xô mạnh cánh cửa, chị mới phát hiện nó đã bị chốt khoá bên trong...” hàng xóm chung quanh nghe tiếng kêu cứu thất thanh của chị Hồng liền đổ xô đến, một người một tay phá bung cánh cửa.

 

Theo trí nhớ, tôi mò mẫm trên vách tường bật được công tắt ngọn đèn trái cà duy nhất trong căn phòng chứa phế liệu. Ánh sáng vàng vọt nháng lên, hơi nhoè nhoẹt nhưng cũng giúp tôi nhìn thấy mọi cảnh vật. căn phòng không còn bừa bộn, bụi bặm như trong ký ức tôi, mọi thứ vật dụng hư bỏ đã được thu dọn gọn gàng trong một góc khuất. Rảo bước khắp căn phòng, tôi dừng lại một chút bên chiếc giường anh chọn làm nơi trú ngủ cuối cùng, một vết mờ lõm còn hằn trên chiếc gối bông nhàu nhò làm nhói buốt lòng tôi. Bước đến, mở rộng cánh cửa sổ duy nhất trong căn phòng. Bóng trăng Lành lạnh từ bên ngoài chợt nhiên hắt vào làm tôi hơi rờn rợn. Phía bên ngoài khung cửa sổ là khoảng vườn rộng thênh thang, trồng nhiều loại cây ăn trái, mỗi gốc cổ thụ ấy hầu như đều có gắn vào ký ức tôi hình ảnh của anh. Sống chung dưới mái che ngôi từ đường họ tộc, anh là con độc nhất của ông bác (anh cả của ba tôi). Dù ông Bác mất sớm, nhưng theo truyền thống của gia tộc, anh và người bác dâu vẫn được ở trên ngôi nhà chính, còn gia đình tôi phải ở căn nhà ngang, nối liền vách cái nhà kho này. Anh lớn hơn tôi nhiều, học hành lại giỏi, thi đâu đỗ đó. Có lẽ vì không có anh chị em ruột nên anh rất thương tôi, rỗi rảnh là kéo nhau ra vườn lùng sục trái Khế, chùm nhãn... Bao giờ anh cũng là người leo trèo còn tôi chỉ biết ăn và vòi vĩnh giận lẫy - quá khứ - tôi thở dài - trong ngôi nhà này, chạm vào đâu cũng bị va động kỷ niệm. Tôi vụt xoay mạnh cái mặt bàn trong đang nằm ngang tầm tay, loại bàn Ăn xưa cổ mặt có thể xoay tròn trên chân đế. Cái bàn nầy từng phục vụ gia đình tôi một thời gian khá lâu cho đến khi ba tôi quyết định thay nó bằng bộ bàn ghế nhựa trắng tinh, vậy là số phận nó thành hẩm hiu, nằm chờ mục ruỗng như bao thứ vật dụng Hết thời, hư bỏ khác trong căn nhà kho của ngôi nhà đã trải qua nhiều thế hệ dòng Tộc tôi.

 

Không tìm được điều gì tạm giải mã chút bức bối trong lòng, tôi đành quay về ngôi nhà chính. Đốt một bó nhang to tướng rồi lần lượt vái lạy và cắm lên mười hai cái bát hương to, nhỏ nằm trên trang thờ. Chẳng cần đếm vẫn chẳng lẫn lộn đi đâu Con số mười hai từng riu ríu đếm thầm những lúc nắm chéo áo anh diễu hành qua nó mỗi tháng hai lần. Bây giờ chỉ mình tôi, lại phải đi qua mười ba khuôn ảnh, bát hương.

 

*

Tuy công việc ở sài gòn rất gáp gáp, bộn bề, tôi vẫn quyết định ở lại vài hôm chờ ngày mở cửa mả cho anh. Chị Hồng gần như đã bình tâm, chấp nhận số phận goá bụa của mình. Từ khi anh “mắc bệnh tu hành” mọi việc lo toan trong gia đình đều do chị quán xuyến nên sự ra đi của anh không mấy ảnh hưởng đến đời sống vật chất của hai Mẹ con chị. Điều ấy làm tôi yên lòng.

 

Sáng nay tôi đã cùng chị Hồng, thằng bé lên núi tam thai mở cửa mả cho anh, Chỉ rạch một đường mang tính ước lệ trên nấm mồ thơm mùi đất mới, linh hồn anh đã có thể tự do trở về, chính thức làm người thứ mười ba trong căn nhà hương hoả. Mọi việc ở đây đã tạm yên ổn. Tôi cũng đã sắp xếp xong hành trang. Đưa ra tận sân ga, Chị Hồng không nói gì nhiều chỉ nắm chặt tay tôi nhắc lại câu nói lúc tôi mới về: “Hình như anh có điều gì đó chỉ muốn nói riêng với chú...”.  Thật sự tôi không tài nào hiểu nổi ý tưởng quái quỷ gì đã mọc nhánh đâm chồi trong đầu ông anh họ. Nếu chị dâu không giao trả cuốn sổ chép thơ nằm lẫn giữa đám kinh sách chất chồng trong căn phòng của anh, nhận từ tay chị cuốn sổ quen thuộc Của một thời mơ mộng thơ phú, tôi chẳng buồn quan tâm cứ ném đại vào cái xách đang đầy ứ đống áo quần bẩn.

Đúng một ngày một đêm ngủ gà ngủ gật trên tàu, tôi về đến nhà mình. Mặc dù rất oải song cũng phải ráng tường trình đầy đủ chi tiết trong việc lo đám cho anh. Chưa Nghe hết công chuyện, ba tôi đã đứng bật dậy, không nói tiếng nào lẵng lặng đi về phòng mình, dáng đi của ông còng xuống nặng nề hơn thường ngày. Mẹ tôi thì hết thở dài, lại tắc lưỡi rồi lén lau những giọt nước mắt. Từ trước đến nay ba mẹ tôi thương anh như con ruột. Bác tôi chết từ khi còn rất trẻ, ông hoạt động cách mạng bị bắt rồi bị thủ tiêu trong nhà tù thực dân Pháp, lúc đó anh mới lên năm, bà bác dâu lần hồi tảo tần nuôi con ăn học. Số phận khắc nghiệt lại ập xuống khi anh vừa thi đỗ vào đại học sư phạm, bác dâu tôi mắc bạo bệnh cũng bỏ anh mà ra đi. Anh buồn bã, khủng hoảng đâm ra rượu chè say sưa không màng tới chuyện học hành. Ba mẹ tôi phần răn đe, khuyên ngăn, phần chu cấp cho anh suốt những năm đại học. Anh chịu nghe lời và đã chẳng phụ công bằng việc tốt nghiệp hạng ưu. Bây giờ làm sao ba mẹ tôi không đau lòng trước cái chết vô lý của anh cho được.  Sau một giấc ngủ vùi bù trừ cho những ngày lo toan vất vả ngoài ấy, tôi thức dậy với trạng thái hoàn toàn tỉnh táo. Mọi ưu tư triền miên từ ngôi nhà quá khứ hầu như bị tẩy xoá trong bộ nhớ. Cần thiết bây giờ là phải thanh toán cho xong đống áo Quần bẩn bốc mùi trong cái xách ném dưới gậm giường. Cái trong túi xách rơi xuống nền nhà trước tiên là cuốn sổ... Chị Hồng và tôi cũng không thể ngờ tới ẩn số của sự đột biến tâm tính anh lại cất giấu trong cuốn sổ chép thơ thời sinh viên của tôi, cái bí mật muốn nói mà anh biết chắc sẽ đến tay người nhận là tôi, vì anh hiểu rõ tính cẩn trọng, không thóc mách, không động chạm đến những gì thuộc sở hữu người khác của vợ mình. Mọi sự tính toán của anh đều xảy ra như ý muốn, chị Hồng không hề Mở cuốn sổ xem qua trước khi trả lại vật mà tôi đã bỏ quên nhiều năm về trước. Anh biết chắc sớm muộn gì tôi cũng sẽ phải một lần mở nó ra để thấy lại chút cảm xúc của một thời còn biết mơ mộng, chịu khó cặm cụi gieo từng vần thơ ngây ngô để tán gái... Nào là tặng Bích, tặng Ngọc, tặng Hương Lan... Những nàng thơ thay phiên nhau thống trị địa hạt tình cảm của tôi.

 

Tôi lật, đọc từng trang từng bài thơ, đọc rồi cười rúc rích bởi cái ngô nghê trong sáng của mình. Chợt cái cười hồn nhiên ấy vụt tắt lặng giữa những dòng chữ Thẳng thớm nghiêm túc, mà anh đã tận dụng những trang trắng cuối cùng cuốn sổ để giải bày cùng tôi: chú tuấn thân thương... Tôi đọc một mạch không ngừng nghỉ trên mười tám trang viết. Bi kịch vẫn chẳng buông tha dù anh đã chạm được tay vào chiếc Phao hạnh phúc, đó là cái gia đình luôn đầy ắp tiếng cười, là đứa con trai bụ bẫm ngoan ngoãn, là người vợ hiền thục đảm đang. Anh hoàn toàn không ngờ tới được chính tay anh phá vỡ tất cả, rồi tự đày đọa mình, bởi chính vóc dáng của người con gái từng phụ tình anh.

 

*

Đúng vào buổi trưa, giờ ngọ, anh nôn nóng đạp xe về nhà sau buổi dạy với chiếc Bóp đầy những đồng tiền lương mới được lãnh (theo ngày tháng anh ghi thì đó là trước thời điểm chị Hồng viết thư cho tôi chừng một tháng). Cơn mưa giông bất ngờ đổ ập xuống cùng lúc với những tia chớp sáng và âm thanh ì ầm rền trời. Anh hoảng hốt vội dắt xe chạy vào trú mưa dưới hàng hiên ngôi nhà gần như nằm trơ vơ đơn độc giữa quãng đường đi tắt qua cánh rừng dương. Con đường anh vẫn thường tắt ngang để rút ngắn được non hai cây số nên thừa biết cái gì nằm sau tấm bảng hiệu cà phê rừng dương đang bị đong đưa dữ dội trong gió xoáy phía trên đầu mình. Biết thì quá biết Cái địa điểm đầy tai tiếng này, nhưng không thể vì vậy mà liều mạng dãi đầm dưới sự Cuồng nộ của cơn giông biển. Anh gọi chai bia, vài điếu thuốc cho có lệ và cũng đỡ sốt ruột khi nhìn cơn mưa mỗi lúc mỗi nặng hạt. Anh nghĩ, chỉ uống bia không thôi thì có gì phải ngại, với lại mưa to thế nầy có ma nào chịu khó đi ngang đây để nhìn thấy ông giáo ngồi trong  ấy. “ Ấy”, chính là nơi bắt đầu mối tai hoạ chết người dành cho anh. Anh suýt kêu lên khi cô gái cúi xuống đặt chai bia và cái ly thuỷ Tinh trong suốt trước mặt anh, không phải vì chiếc áo cổ rộng phơi trọn đôi bầu vú căng tròn, không phải vì chiếc váy ngắn củn cởn khoe cặp đùi thon dài, trắng muốt mà vì sự giống nhau đến khó tin, trong tia chớp sáng rợn vừa rạch đôi bầu trời, cô gái giống huyền như tạc... Tôi cảm thấy ngột ngạt khó chịu bởi những con chữ run rẩy của anh trên trang giấy... Do sự si yêu còn tiềm ẩn trong lòng hay vì muốn trút Hết tình hận lên phiên bản của huyền đang sẵn sàng ngã vào tay anh chỉ với một phần ba số tiền lương đang nằm trong túi. Anh hoàn toàn không hiểu ý tưởng nào đã thúc đẩy anh lao vào cuộc truy hoan mê muội. Khi vuốt ve trìu mến, khi vày vò cấu xé “Huyền” trong cơn mưa giông rần rật... Để rồi suốt những ngày cuối đời anh sống trong tâm trạng thất thần, tự nguyền rũa mình, nguyền rũa cơn mưa giông quái ác và căn bệnh khủng khiếp lây nhiểm từ cô gái giống Huyền khi anh tình cờ biết được qua nguồn tin của công an trong cuộc truy quét quán rừng dương chỉ vài ngày sau cơn mưa đó.

 

Tôi lờ mờ hiểu dần từng ngóc ngách nỗi thống khổ của ông anh họ. Có quá nhiều lý do để tự huỷ mình trong căn phòng chứa vật dụng hư hỏng đầy tối tăm u ám. Anh sợ lây lan căn bệnh không thuốc chữa cho người thân, sợ vấy bẩn lên thanh danh nho phong truyền đời của cả họ tộc... Bao nhiêu cái sợ ấy đã giúp anh chiến thắng được cái sợ lớn nhất của một kiếp người: cái chết. Đọc hết những giải bày nỗi niềm của anh, tôi càng bị ray rứt, ân hận. Nếu tôi chịu bỏ chút thì giờ về thăm anh trước Lúc anh quyết định ra đi, biết đâu sẽ giải toả được ít nhiều ẩn ức, dày vò trong anh, biết đâu sự đồng cảm chia xẻ của thằng em anh thương yêu sẽ giúp anh thêm phần can đảm, thêm thời gian vui sống. Tinh thần anh vốn yếu mềm lắm mà... Tôi thẫn thờ gấp cuốn sổ lại, miệng tôi khô đắng, mắt tôi nhoè nhoẹt và bềnh bồng... Bềnh bồng tiếng chuông điểm kinh vọng lên phía chùa trà am. Tiếng chuông nhẹ nhàng thanh thoát mang tôi về trong ngôi nhà dày đặt những hàng cột gỗ đen bóng, những khuôn mặt, bát hương nghi ngút khói. Sau khung cửa sổ bé nhỏ chợt nở ra ánh trăng lấp lánh, duỗi dài trên những tàng cổ thụ xanh sẫm... Có ai đó đang thì thầm hỏi bằng Âm giọng sâu hút như tiếng thở dài của người đàn bà goá bụa, như tiếng trở mình mớ ngủ của đứa bé mồ côi... Người chết họ đang nghĩ gì...?

 

 

 

Nguyên Quân
Số lần đọc: 2214
Ngày đăng: 21.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình già - Đặng Hoàng Thái
Bữa tiệc của bầy chuột - Võ Tấn Cường
Người vác chõng tre - Trần Trung Sáng
Đêm giáng sinh - Trần Trung Sáng
Tiếng quốc cuối cùng trong thành phố - Hoa Ngõ Hạnh
Người đàn bà,cánh dã quỳ và miền mơ tưởng - Nguyễn Lệ Uyên
Tam ngưu tương mệnh - Vũ Ngọc Tiến
Khoảng cách em và tôi là gió - Nguyễn Nguyên An
Ông Cử - Đoàn Hữu Hậu
Tiếng Nhục - Giang Tâm