Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
662
116.003.376
 
Ghen
Đổ Thị Hồng Vân

Tôi sinh ra bởi cuộc sống số. Ngôi nhà kiểu NOKIA che chở họ hàng chúng tôi ngụ cư khá bền vững qua nhiều thế hệ. Tôi có một khuôn mặt tươi tắn, đường nét hài hòa: 0x0x5x6x8x. Nói thật, tuy chỉ là một lá kim loại mỏng dính, bé tí nhưng tôi có sức sống vô cùng mãnh liệt (Cứ có nhiều tiền là khỏe re!). Ai cần đặc phái viên cho chủ, lập tức tôi phân thân theo kiểu “tế bào nhân đôi”, chỉ một cú nhấn, tôi nhảy tót ngay sang nhà của họ. Thế nên, đã có mặt ở đâu thì tất cả mọi sự, đừng hòng qua được tai mắt tôi. Ôi chao! Mà biết lắm, khổ nhiều. Sao tôi lại gắn bó với loài người làm gì chứ! Tôi đồ rằng, thủa đầu thai ra họ, cụ tổ Ađam và Eva đã ăn nhầm phải gan hùm, lưỡi rắn nên người ta mới sinh ra lắm chuyện thế. Cà kê, dê, ngỗng mãi! Thì đây, xin dãi bày một chuyện khiến tôi điên đầu:

           

Hôm ấy, theo Trang – Tên cô bạn mới của tôi và cũng là nhân vật chính của chúng ta – lên Uỷ ban nhân dân Quận. Đang lim dim gà gật, tôi giật mình bởi tiếng reo :

- Trang! Trang! Có phải em đấy không? 

 

Một người đàn ông khoảng gần năm mươi, dáng bệ vệ, cầm một mớ giấy tờ đang rẽ đám đông bước vào.

- Ôi, Huy ! Anh về Uỷ ban bao giờ thế?

- Anh mới về, em đi làm công chứng hả? Đông lắm, ít nhất cũng phải chiều mai mới đến lượt. Để anh làm cho. Ta ra ngoài uống nước nhé.

- Đang giờ hành chính, anh cứ làm việc đi. Phiền anh giúp cái đám giấy tờ, bận quá mà cứ phải ngồi chờ…

 

Họ bắt tay nhau:

- Được rồi, chuyện nhỏ…chiều mai gặp nhau, nhớ nhé, anh sẽ đem giấy tờ đến cho em. Số di động của anh đây, gọi luôn để anh lưu số của em nào!

 

Lại số! Lại một thằng mặt mo nữa vác vào nhà. Sau này nghĩ lại, tôi tự giận mình lắm. Giá như tôi đừng sinh ra trên đời này thì có lẽ Trang ít gặp rắc rối hơn, chốc lại reng reng, nhát lại tít tít, chỉ tổ lắm chuyện, chật thêm danh bạ! Tôi đang lẩm bẩm thì được nghe một câu cũng mát ruột : “Chà sim đẹp thế!”. Tôi khoái chí nhảy tưng lên, làm màn hình lóe sáng, rạng rỡ cả nụ cười của Trang.

 

Hôm sau, một ngày đẹp trời. Huy chọn một quán giải khát nhỏ, xinh xắn, yên tĩnh bên hồ. Nắng xuân ấm áp, hoe vàng trên mấy khóm trúc mảnh mai nghiêng nghiêng rủ lá bên song cửa. Trang mặc áo sơ mi hoa vàng nhạt,cánh nhỏ, điểm thêm mấy chiếc lá xanh xanh. Mái tóc đen, dày cắt đuổi kiểu ô voan buông chấm xuống cổ áo, nâng niu khuôn mặt bầu bầu, trắng trẻo đang hướng cái nhìn ra mặt hồ. Huy cảm động, bàn tay anh hơi run khi tìm bao thuốc thơm, quẹt lửa hút.

- Chúc mừng anh! Vì sự thăng tiến, và phu nhân là hoa hậu phố xinh đẹp!

 

Aí chà, thằng cha trông lù khù thế mà lấy vợ khá gớm - tôi đâm cáu - thế mà nhìn chủ nhân của tôi cứ như bị bỏ bùa mê thuốc lú ấy. Tôi lại cáu lây sang Trang. Hẹn hò làm gì với cái thứ đàn ông đã ẵm được cô vợ trẻ, đẹp cơ chứ, họ bây giờ chỉ thích mỗi loại đàn bà trẻ, đẹp, thế thôi. Chợt, cái giọng trầm trầm cắt ngang ý nghĩ của tôi:

- Nhanh thật, thoắt cái đã hai mấy năm trời, Huy vẫn nhớ như in thời sinh viên chúng mình…

 

Trang quay lại, ngoẹo đầu, trề môi:

- Thành tích của ông bất hảo bỏ xừ! Chở người ta sang trường sư phạm, xe cộ thế quái nào làm giắt cả gấu quần vào xích, trông cứ như cá rô đớp. Còn cái vụ trèo ổi ném quả trúng đầu người ta bươu cả lên…  Bao nhiêu tội!

 

Huy cười ngất như trẻ thơ, những nếp nhăn trên trán giãn ra:

- Đồ thù dai như đỉa. Thế ai suỵt chó hàng xóm đuổi người ta chạy mất dép? Ai giấu chìa khóa xe để người ta bị phạt vì điểm danh muộn? Đã bao giờ em thương đến anh đâu…

Ồ! Hai người này cũng lắm chuyện hay ra phết. Tôi bắt đầu vểnh tai, căng mắt chú ý. Giọng Huy chợt lắng xuống, vẻ ngậm ngùi. Huy kể về những năm tháng long đong lận đận khi mới ra trường, nhất là nỗi đau khổ trong tình yêu đơn phương, rồi cái đám cưới vội vàng khi Huy đã ở tuổi ngoài băm…vân vân và vân vân... Trang ngồi yên lặng, tay hững hờ khuấy nhẹ chiếc thìa nhỏ trong tách cà phê, nhìn Huy đầy vẻ thương cảm. Vốn đa nghi Tào Tháo, tôi rất muốn chõ mồm vào tai cô: Đừng tin! Chắc hồi xưa bị Trang đá đít, giờ vẫn tiếc, muốn xơi “xái nhì” đấy. Mà Trang cũng khỏe pha trò, cô chu mỏ ra:

- Ôi chao! Thương quá nhỉ, thế sau đó phục thù tuyển ngay được ái nương còn gì, dù sao em vẫn cứ chúc mừng anh, chúc mừng tổ uyên ương!

- Trang đừng nói thế, anh buồn lắm!

 

Bỗng: Tit tít tít…Tít tít tít… Máy anh ta réo. Một tiếng nói chát chúa trong máy vang lên: “Làm gì mà giờ chưa về?”. Huy đứng lên: “ Xin lỗi em, anh nghe một chút”. Anh ta đi ra ngoài một lát, nhưng vừa về chỗ ngồi chưa đầy một phút lại: Tít tít tít!...Tít tít tít… Lúc này Trang mới để ý thấy Huy luống cuống nhấn vào nút đỏ. Huy cười gượng: “Không, có gì đâu, cháu nó nghịch máy ấy mà!”. Quái quỷ, anh ta nói dối! Tôi muốn gào vào tai Trang: “Đồ ngốc, Hoạn Thư ở nhà đang lên cơn! Đừng dính với đàn ông có vợ họ Hoạn!”. Trang ngố thật, tin ngay lời Huy: “Thôi cũng muộn rồi, anh về ngay kẻo mẹ con Loan chờ bữa, em cũng phải về đây”. Huy tha thiết : “Chủ nhật này về quê nhé. Ao nhiều cá lắm, tha hồ câu. Có một ổ chim sâu mới đẻ trứng, xinh xỉnh xình xinh nhá. Mẹ Huy vẫn nhớ em đấy, hai mấy năm rồi mà cụ vẫn không quên”. Mắt Trang sáng lên : “Thế mấy cây ổi còn không? Bưởi bây giờ chắc đang ra hoa, em rất thích hoa bưởi, hoa chanh…”. Trời ơi là trời! Lại còn hẹn với hò, sắp sửa đánh đu với tình còn hoa bưởi với chả hoa chanh! Tôi lo lắng thực sự.

 

Rồi cái ngày tôi lo ấy cũng đến. Nhìn họ như đôi chim sổ lồng, tôi cũng vui lây. Hai người chạy tung tăng trên bờ ao, vít cành bưởi có những chùm hoa trắng tinh xuống hít hà. Huy trèo lên cây ổi: « Anh lại muốn ném cho em bươu đầu ra, quả còn xanh quá... ». Huy chặt cái tay tre làm cần câu, lấy rổ xúc mấy con tép làm mồi cho Trang câu cá rô phi. Được một lát, Trang buông cần câu chạy ra bờ rào xem tổ chim. Ba quả trứng xanh xanh như hạt xoan và cũng bé tí như thế nằm lọt thỏm trong cái tổ tròn vo, êm như nhung. Ôi, cả đời Trang chưa bao giờ nhìn thấy cái gì xinh xẻo, dễ thương đến thế. Nàng khẽ khàng, không dám thở mạnh, mắt mở to, thích thú. Huy ngây ngất đắm mình trong tiếng cười trong trẻo, giọng nói thanh thanh, bàn tay, gót chân hiếu động của nàng. Mẹ Huy nhìn hai người, móm mém cười. Từ khi Huy lấy vợ, chưa bao giờ bà thấy con trai mình có vẻ mặt như thế. Bà ngầm hiểu rằng Huy đang hạnh phúc bên người đàn bà kia và giây phút này thật hiếm hoi trong đời nó. Bà lặng lẽ nấu cơm, rán cá rô phi họ câu được dưới ao, luộc rau muống Trang hái từ vườn vào, chấm với mắm cáy tự tay bà làm lấy. Hai người chén tì tì. Cơm xong, mẹ Huy lôi trong gầm giường ra mấy nải chuối mắn, quả chỉ to hơn ngón chân cái một tí, vàng ửng, bóc ra, lọt thỏm một miếng, chua chua, ngòn ngọt, ăn cả nải không chán. Trang lấy dao con, bổ cau, dọc đôi lá trầu không, têm trầu khéo như người nghiện thực thụ. Bà lão vừa chậm rãi nhai trầu vừa kể lể :

- Hồi con Mỹ nhà chúng nó lên 2 tuổi, tôi ra chơi thăm cháu, nhân thể đem cho nó ít sắn dây. Hôm ấy ngày rằm, tôi để quả cau, mấy lá trầu trên bàn thờ thắp hương. Vợ nó dọn nhà dọn cửa vứt luôn trầu cau vào thùng rác. Tôi hỏi, nó bảo : « Bà ăn làm gì cho răng nham nhở như cải mả ấy. Rồi nhổ cái thứ nước đỏ lòm ấy vào đâu ? Khiếp lên được ». Tôi bảo:  « Chị muốn vứt thì cũng phải hỏi tôi lấy một câu chứ. Tôi ăn quen rồi, không có cứ nhạt mồm nhạt miệng... », lúc ấy, thằng Huy bế con đi chơi về, biết chuyện, bực quá mắng vợ :  « Cô láo vừa vừa thôi, ra chợ mua trầu cau về xin lỗi mẹ đi ». Con có biết nó nói thế nào không...

 

Huy vội chen vào :

- Kìa, mẹ đừng kể nữa, chuyện xưa rồi mà...

- Xưa xưa cái gì, bây giờ thì anh cũng hơn gì đâu, để tôi kể... tôi vẫn ức cái chuyện này trong bụng dăm sáu năm nay đây... Cái số thằng Huy thế mà khổ con ạ. Ấy tôi lại nói tiếp, con thần đanh đỏ mỏ ấy quắc mắt lên : « Tôi đ... phải xin lỗi ai cả, nhà tôi, tôi dọn, ai không thích ở thì đi chỗ khác! ». Từ bấy đến nay, tôi không dám ngo ngoe ra thành phố nữa... lắm lúc nhớ cháu quá... Tội nghiệp con bé con, về quê lần nào cũng đòi ở với bà, ứ về thành phố nữa vì mẹ chửi mắng suốt ngày. Tôi không thể tưởng tượng được có mẹ nào lại giục con ăn bằng cách dí cả nắm đũa vào mặt mà nói: “Mày phải ăn hết xuất tao quy định. Bữa nay mà còn bỏ mứa tao tát cho vỡ mồm!”… Rồi thì nó dạy con: “Con gái con lứa không học hành cho tử tế, kiếm công ăn việc làm rồi có mà đi làm phò. Mỗi ngày, nó nhét vào tai con nhỏ không biết bao nhiêu từ tục tĩu ».

 

Bà cụ kéo vạt áo lau nước mắt rỉ ra trên khuôn mặt nhăn nheo, già nua. Trang run run ôm lấy vai bà lão. Huy quay vội đi, tránh cái nhìn kinh hãi của nàng. Buổi chiều, họ đến thăm đền Hưng Đạo, ngồi dưới gốc đa, rễ rủ lòng thòng. Chiều xuân, gió mơn man xô đuổi nhau trên những thảm lúa xanh rập rờn. Hương lúa sớm đang vào đòng, thơm mùi cốm non tháng chín. Trang căng lồng ngực hít mạnh hương vị tuyệt vời của đồng quê. Huy vò nát mấy lá non, vứt xuống đất :

- Đã nhiều lần anh muốn li dị nhưng cô ta không nghe. Cô ta thích hành hạ anh, muốn biến anh thành nô lệ của sắc đẹp, chu cấp tiền nong đầy đủ cho cô ta. Từ lâu rồi, anh căm thù cái thứ sắc đẹp ác quỷ ấy nhưng không sao thoát được móng vuốt của nó. Có lẽ sau này anh sẽ về quê với mẹ. Giá mà được... sống một ngày như hôm nay cùng... Trang ... rồi chết ngay cũng được!

Huy đau khổ tìm  đôi mắt Trang, nhưng ánh mắt ấy đang dõi về phía chân trời xa xăm. Nàng buồn, xót xa cho số phận của Huy :

- Đừng hy vọng gì ở em, anh thân mến ạ. Chúng ta gặp lại nhau, thăm cảnh cũ người xưa, em vui lắm. Ở thành phố, lấy đâu ra hương vị trong lành như thế này - Ngừng một lát, nàng đắn đo khi thấy nét mặt Huy bỗng u ám như sắp có dông bão - Dù sao đi chăng nữa anh cũng nên chấm dứt cuộc sống địa ngục trần gian đi... em không ngờ... À, mà lúc nào anh tranh thủ về, kè thêm mấy bậc đá ở ao để mẹ rửa ráy cho tiện, nước sâu thế, ngồi trên cầu nhỡ cụ chóng mặt ngã thì sao? Mỗi tối, anh  gọi điện cho mẹ một lần, già cả, đêm hôm... Muộn rồi, ta về thôi anh!

 

Trang về đến nhà lúc thành phố đã lên đèn. Hai con nàng rất ngoan. Chúng bảo nhau học bài, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa chờ mẹ. Trước khi ngủ, nàng không quên nạp năng lượng cho tôi. Tôi nằm nghĩ ngợi bên cái gối thơm tho cùng Trang. Nàng đã ngủ, cặp môi hồng hé cười.

Chiều thứ bảy, chồng Trang về. Hùng là sĩ quan quân đội, đóng quân cách thành phố hơn trăm ki lô mét. Trang ra chợ, mua thức ăn tươi, xào nấu thơm lừng. Bình rượu thuốc đặc sánh được mở nắp. Cả nhà đang ăn uống vui vẻ thì có tiếng đập cổng. Lừng lững tiến vào nhà là một thanh niên mặt mày bặm trợn, lúp xúp phía sau là Loan – vợ Huy. Cô ta chống tay vào hông, cười khẩy :

- Hạnh phúc quá nhỉ! Anh Hùng này, anh có biết là bị vợ cắm sừng không? Thử sờ  lên đầu xem, mấy cái rồi?

Trang há hốc mồm, mặt trắng bệch. Hùng nhìn hai kẻ lạ mặt, buông bát, đứng dậy :

- Thứ nhất, cô đập cổng réo gọi to tiếng như thế là bất lịch sự. Thứ hai, cô thấy gia đình tôi đang ăn cơm mà buông ngay những lời lẽ rác rưởi, chứng tỏ cô là người thiếu văn hóa. Gia đình tôi không quan hệ với những ai như vậy, các người muốn gì ?

- Hay quá ! Tôi thầm kêu lên – Hoan hô Hùng! Cứ làm tới đi !

 

Thằng đầu trâu làm ra vẻ nhẹ nhàng hơn :

- Vâng, em xin lỗi anh chị, bà chị em đây hơi bị chập cheng một tí, cũng dễ hiểu thôi, đàn bà ghen mà. Anh chị cứ ăn cơm, xong ta nói chuyện. Chị Loan, ngồi xuống đi!

 

Còn ai mà ăn được nữa. Hùng nhắc hai con lên gác học bài. Khi tất cả đã yên vị, anh dằn giọng :

- Tôi chưa hiểu đầu đuôi ra sao nhưng nếu mọi người muốn mọi việc rõ ràng, tôi yêu cầu: không ai được nói to, không ai được cướp lời người khác. Nếu không, tôi sẽ cho biến hết!

Vợ Huy xỉa tay vào mặt Trang, cặp môi mỏng mím lại, răng nghiến kèn kẹt :

- Bà vợ quý hóa của anh đây n...à...y...Ông anh khù khờ quá... ông anh có biết không, chúng nó ngủ với nhau đ...ấ...y! Cái con vợ của anh với cái thằng mặt thớt nhà em ấy, chúng nó rủ nhau về quê để ng...ủ  với nhau, con vợ anh nó moi tiền của thằng chồng em bằng cách ấy đấy... Anh dạy vợ đi!

Mặt tái xanh tái tử, Trang lắp bắp nói không ra hơi :

- Cô cứ bình tĩnh để tôi giải thích... Hôm ấy, tôi với anh Huy có về quê, chỉ để thăm lại cảnh cũ thôi.

 

Chúng tôi không làm gì cả, có mẹ anh ấy ở nhà...

Tên đầu trâu ném một tập ảnh xuống bàn:

- Thế cái gì đây? Ảnh này mới chụp được ở bên ngoài. Trong nhà, các người làm gì có mà giời biết.

 

Hùng cầm tập ảnh lên: Huy và Trang đang đứng bên bờ ao, đang vít cành bưởi xuống, đang câu cá, đang xem tổ chim, đang ngồi dưới gốc đa... Ảnh nào Trang cũng cười rạng rỡ, lộ rõ niềm vui hân hoan. Trang tái mặt, không thể ngờ sự việc lại đi đến mức này. Song, có một sức mạnh gì đó khiến cô thay đổi hẳn tư thế, Trang vươn người, nhìn thẳng vào bọn chúng :

- Phải, những bức ảnh này là có thật nhưng nó nói lên cái gì nào? Các người bảo tôi mắc tội gì?

Loan gào lên :

- Đồ đĩ rạc! Đi với giai rõ rành rành mà vẫn già mồm. Mày làm cho nó chán tao, mấy hôm nay bẩu gì nó cũng không nghe!... – Quay sang Hùng,cô ta  khóc hu hu – Anh ơi, thằng chồng em nó đánh em đây này! Mà có gì đâu, nó đi làm về em chỉ bẩu: hôm nay có con đĩ  nào rủ về quê nịnh thối bà già không, thế là nó đánh em liền, cái thằng chó ấy...

- Nếu phải tay tôi, tôi còn đuổi cô ra khỏi nhà vì coi thường chồng, ăn nói bậy bạ, lăng loàn. Sự việc hôm nay, còn để xem xét. Hai người về đi, tôi không thể nghe cái thứ ngôn ngữ của các người được.

Tên đầu trâu đứng dậy, trợn mắt nhìn Trang :

- Phúc cho bà hôm nay có đức ông chồng ở nhà. Tội phá hoại hạnh phúc nhà khác xử theo luật rừng thế nào chắc bà biết.

Hùng đứng chặn giữa cửa :

- Tao cho rằng chúng mày thích đi tìm hạnh phúc bằng cách ngửi hơi tử khí có phải không? Mày thử giải thích xem xử theo luật rừng như thế nào đi! Tống tiền hay tạt a xít? Mày được trả bao nhiêu tiền để làm việc này? Tao truyền đời báo danh cho chúng mày biết: Nếu vợ tao có bị làm sao thì chúng mày cũng không còn cái gáo mà đội nón đâu. Nhà tao cũng hơi bị sẵn rùi đục và búa tạ đây, chúng mày thích loại nào?

 

Sư tử cái rít lên:

- Á à, ông anh cũng máu chiến gớm nhỉ, bị vợ cắm sừng không biết dạy bảo lại còn... Thế nếu tôi đem những bức ảnh này ra cơ quan bà ấy thì các người tính sao?

Hùng nhếch mép :

- Kể ra những bức ảnh ấy cũng đẹp thật, giá đem triển lãm thì hay quá! nhưng đấy là việc của tao...- Hùng trừng mắt - Còn nếu chúng mày định đem đi bất cứ chỗ nào thì tao  cũng chứng minh được đây là một vụ âm mưu tống tiền và sẽ cho chúng mày vào tù!

 

Hai kẻ đầu trâu mặt ngựa cút thẳng.

Tôi cứ tưởng rằng mọi sự đến đây là kết thúc tốt đẹp, nhưng không, như trên tôi đã nói: Thượng Đế sinh ra loài người là để đày ải lẫn nhau mà. Các bạn hãy nghe tiếp hai con chim cu của chúng ta « đấu mỏ » với nhau thế nào nhé. Họ nằm quay lưng vào nhau theo kiểu hình chữ x - viết thường!

- Tất cả những gì có trong ảnh là sự thật phải không?

- Vâng!

- Sống với nhau từng ấy năm trời tôi cũng hiểu cô là người đứng đắn nhưng như thế quả là gai mắt. Cô thử đặt địa vị vào tôi xem, có coi được không?

- Vâng, em xin lỗi về tất cả mọi việc!

- Trước mặt chúng nó, tôi sừng sộ thế thôi chứ thực ra không ai có thể lường trước được sự liều lĩnh của bọn côn đồ, nhất là ít nhiều nó cũng có bằng chứng trong tay. Phụ nữ đã có gia đình nên quên bớt những cái sự ...sự - Hình như Hùng chưa tìm được từ nào thích hợp - sự... lãng mạn đi. Đồng ý là nghề nghiệp của cô luôn gắn bó với thơ phú, văn chương nhưng đó chỉ là sách vở dạy cho học sinh thôi. Lo việc nhà, việc cơ quan đã bở hơi tai rồi, đừng nên phung phí thời gian cho những chuyện vớ vẩn, chuyện nhố nhăng...

Có tiếng nấc nghẹn ngào:

- Vâng, thế cho nên từ khi lấy chồng, có con, em có bao giờ đi đâu xa, có mấy cái đường phố trong quận còn chả thuộc hết nữa là...

 

Hùng quay lại, nhìn chằm chằm vào đôi mắt to đang ầng ậng những nước.

- Cô có vẻ ân hận khi lấy tôi phải không? Thì đấy, cứ tung tẩy đi. Hôm nay, không có tôi ở nhà mọi sự sẽ đi đến đâu cô có biết không?

- Biết, em đội ơn anh đã đứng ra bảo vệ em. Nhưng giá như nó cứ cho em một nhát chết ngay tại chỗ em cũng không ân hận gì bởi em thấy chẳng có gì phải níu giữ cái kiếp sống vô nghĩa này.

- Cô đừng nói nhảm, còn con cái nữa chứ, chúng ta sống vì tương lai con cái là chính...

Trang lau nước mắt :

- Đúng thế, tất cả chúng ta, nhất là những người đàn bà đều sống vì con, quên mất rằng mình còn phải sống cho hết một cuộc đời, tự biến mình thành nô lệ cho cái gọi là tổ ấm lúc nào không hay và đàn ông đã ra sức lợi dụng điều đó một cách triệt để.

- Cô đi quá xa rồi đấy! Tôi chỉ muốn nói đến sự việc hôm nay thôi. Tôi muốn cô giải thích rõ hơn về những tấm ảnh, cũng nói rõ quan điểm của tôi cho cô biết: Tôi không chịu đựng được vợ mình có những quan hệ vớ vẩn. Lính tráng nói một là một, hai là hai... Tôi không giải quyết việc này lần nữa đâu...

 

Trang ngồi dậy, dựa lưng vào tường:

- Bao nhiêu năm nay, tôi chết chìm trong sự ghen tuông của các người. Ở trường, bọn đàn bà cũng ghen với tôi mặc dù tôi chả thèm động đến cái lông chân của đứa nào. Còn bây giờ, có lẽ tôi không nên ra đường nữa thì phải... Đến lúc này, tôi thấy căm ghét hai loại đàn ông: Một - nhu nhược, đớn hèn ; Hai -  gia trưởng, bảo thủ. Những cái ảnh, tôi giải thích rõ từ lúc nãy rồi, anh muốn tưởng tượng ra những gì nữa thì cứ việc. Tôi cũng xin tuyên bố để anh nghe: Từ nay trở đi tôi cũng sẽ quên bớt cái chợ, cái bếp, cái toa lét, những cái nợ của nhà này đi. Anh bớt thời gian về mà trông nom gia đình, con cái, nhà này đâu phải của riêng tôi....

 Cứ thế, họ cãi nhau liên miên.Và cũng từ hôm đó, bóng đen lạnh lẽo đã len lỏi vào tổ ấm của họ. Những lần về ghé thăm nhà của Hùng thưa dần. Mái tóc đen, dày của Trang bắt đầu có những sợi trắng.

*

5 năm sau.

Tôi và Trang vẫn chung thủy bên nhau (số tôi là số đẹp mà).

Đơn xung phong ra đảo Khỉ dạy học của Trang được xét duyệt ngay lập tức.

 Trang thong thả dạo bước ngay sát mép nước. Bãi biển mùa thu không một bóng người. Đàn hải âu chấp chới bay trên ngọn sóng bạc đầu xa xa. Trang ngước nhìn bầu trời xanh thắm. Trời mênh mông, biển cũng mênh mông. Lòng nàng dạt dào một niềm vui kỳ quái: Niềm vui của sự  đơn côi. Bỗng : Tít tít tít ! Tít tít tit ! Sốt ruột ! Lại có việc để làm đây! - Tôi làu nhàu - Tiếng Hùng ồm oàm trong máy : « Trang, em suy nghĩ lại đi, anh vẫn chờ. Tại sao lại tự đày đọa mình thế, kỳ cục quá, chúng mình bao nhiêu tuổi rồi ? ».  « Em suy nghĩ kỹ rồi, sự đày đọa sẽ chấm dứt từ nay, không thay đổi gì cả, anh cứ ký vào đơn, rồi đem ra tòa hộ em. Em đang viết « Tự do hai tiếng ngọt ngào », anh đừng bao giờ quấy rầy em nữa nhé ».

Bóng Trang nhỏ nhoi, liêu xiêu trên bờ cát tít tắp biển chiều.

 

Tháng 11/2006

Đổ Thị Hồng Vân
Số lần đọc: 2447
Ngày đăng: 21.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tình già - Đặng Hoàng Thái
Bữa tiệc của bầy chuột - Võ Tấn Cường
Người vác chõng tre - Trần Trung Sáng
Đêm giáng sinh - Trần Trung Sáng
Tiếng quốc cuối cùng trong thành phố - Hoa Ngõ Hạnh
Người đàn bà,cánh dã quỳ và miền mơ tưởng - Nguyễn Lệ Uyên
Tam ngưu tương mệnh - Vũ Ngọc Tiến
Khoảng cách em và tôi là gió - Nguyễn Nguyên An
Ông Cử - Đoàn Hữu Hậu
Tiếng Nhục - Giang Tâm
Cùng một tác giả
Cánh chim lưu lạc (truyện ngắn)
Đồng sàng dị mộng (truyện ngắn)
Mật đắng (truyện ngắn)
Karaoke… xóm phố (truyện ngắn)
Nước mắt trần ai (truyện ngắn)
Nhà sáng tác (truyện ngắn)
Xôn xao nắng chiều (truyện ngắn)
Chuyện sau trận lụt (truyện ngắn)
Ghen (truyện ngắn)
Số đào hoa ! (truyện ngắn)
Lửa đêm đen (truyện ngắn)
Con nhà tông... (truyện ngắn)
Đèn màu (truyện ngắn)
Chân trời nơi đâu? (truyện ngắn)