Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
618
116.453.339
 
Tội ác truyền đời
Phùng Phương Quý

Đã nửa tháng qua, thị xã nhỏ miền trung du nằm cạnh con sông Hồng hiền hoà bỗng sôi sục như chảo lửa. Chiến tranh phá hoại của không quân Mĩ đã lan đến đây, cứ hai, ba ngày lại một trận bom ném xuống. Nhà ga tan hoang, mấy toa tàu nằm lật nghiêng. Bom đã bóc đi một đoàn đường ray phía nam. Những tán cây long não, sà cừ trăm tuổi không thể che chắn cho những ngôi nhà cổ khỏi bom và đạn rốckét.

     

Thị xã đang thực hiện lện sơ tán triệt để, trừ những ai có nhiệm vụ thì ở lại, còn mọi người đều tản qua bên kia sông, đi sâu mãi vào các xã miền núi thuộc huyện Hạ Hoà; Yên Lập. Đó là mùa hè năm 1967.

 

Giữa những dãy phố nhỏ thấp tè mấy ngôi nhà lợp lá cọ, nhà gạch cấp 4, thi thoảng mới có ngôi nhà hai tầng, tháp chuông nhà thờ Phú Thọ vút lên cao như một cánh tay người khổng lồ. Nhà thờ kiến trúc theo kiểu phục hưng Pháp, được xây dựng từ những năm đầu thế kỉ 20. Khi bom đạn ném xuốgn thị xã, những giáo dân hình như quên mất việc đi lễ nhà thờ ngày chủ nhật, vì vậy cổng nhà thờ cũng đóng im ỉm. Dưới dãy nhà ngang cạnh phòng lễ, có hai người phụ nữ một già, một trẻ còn loay hoay với bị quần áo và túi gạo nhỏ. Họ đang bàn tính viẹc đi sơ tán.

- Thị xã đi vãn cả rồi. Con cũng đi đi! Cứ lên Minh Quân ở với dì Cúc ít ngày xem động tĩnh thế nào, nếu yên lại về với mẹ.

 

Người phụ nữ trạc 50 tuổi vuốt ve mái tóc màu bạch kim của cô gái, dỗ dành.

- Con không đi đâu cả ! Con ở lại với mẹ !

- Lan ơi ! Con đừng cãi lời mẹ! Mẹ chỉ có mình con thôi, lỡ có thế nào, mẹ sống sao nổi. Nhà thờ còn đây, mẹ phải ở lại với giáo xứ này.. Đức chúa Lời sẽ che chở cho con chiên bao năm một lòng vì Người.

 

Nghe giọng mẹ đậy nước mắt, cô gái có tên Lan khép đôi mắt xanh lơ nhìn xuống mái tóc hoa râm của mẹ, bàn tay có những ngón thon dài trắng như ngà nắn nhẹ khuỷu tay gầy, cố năn nỉ.

- Mẹ ơi! Đừng bắt con đi sơ tán. Con muốn ở lại chăm sóc mẹ. Lỡ mẹ ốm thì làm thế nào? Người ta nói đây là nhà thờ, là đất Chúa, bọn Mĩ không dám ném bom xuống đâu.

- Lạy chúa! Con đừng tin vào những lời nảm nhí. Những gì con chưa biết thì chớ có tin. Loài quỷ dữ thường không có mắt con ạ. Hai mươi năm trước, mẹ cũng nghĩ như vậy mà phải chịu tai hoạ do bọn quỷ dữ đấy con ơi.

 

Năm 1947. quân Pháp nhảy dù xuống đồi Mã Thượng cách thị xã Phú Thọ hơn 10 cây số. Tiếng “moọc chê” ùng oàng nổ mỗi lúc một gần. Sau khi chiếm núi con Voi ở Bãi Bằng, bọn Pháp đánh chiếm lên Phú Thọ. Cả thị xã nhốn nháo gồng gánh đi tản cư. Cô Huệ năm ấy 25 tuổi, xinh đẹp, dịu dàng như chúa hài đồng. Mẹ Huệ là bà bõ già trong nhà thờ. Bà cũng giục con gái đi tản cư, nhưng Huệ không chịu. Cô không muốn đi vì ba lẽ. Thứ nhất cô ngại chỗ đông người, đi sơ tán ở chung chạ, cô sợ phaỉ chịu đựng những ánh mắt đốt da, đốt thịt của cánh đàn ông thô lỗ. Thứ hai cô nghĩ rằng nhà thờ do người Pháp xây dựng, lẽ nào quân Pháp lại xâm phạm? Thứ ba là điều quan trọng hơn cả, có một chàng trai nghèo mà cô để lòng thương vừa trốn nhà theo Vệ quốc quân năm ngoái, viết thư về hẹn cuối năm qua vùng địch hậu sẽ tìm thăm cô.

     

Điều tệ hại nhất khi quân Pháp tiến vào thị xã là tên quan ba Derbau lại chọn khu nhà thờ làm đại bản doanh. Cổng nhà thờ mở suốt ngày nhưng không phải cho con chiên đến với Chúa mà cho các sĩ quan Pháp và bọn Việt gian ra vào bàn cách tiến công lên chiến khu Hạ Hoà. Hai mẹ con người bõ già mắc kẹt trong căn phòng cuối của dãy nhà ngang. Chỉ một ngày sau, Derbau phát hiện ra Huệ, đôi mắt mèo xanh biếc sáng lên trước vẻ đẹp thuần khiết của cô gái.

- Ô là là! Con gái! Bon! Bon!

    

Huệ sợ rúm người. Buổi tối, cô lén vào phòng nguyện quỳ trước bàn thờ Chúa.

- Lạy Đức chúa cha, con và thánh thần! Xin Người che chở cho con thoát khỏi cặp mắt của quỷ dữ. Con sợ lắm! Chỉ có hai mẹ con con thôi, làm sao bây giờ thưa Chúa? Xin Người hãy cứu rỗi!

     

Viên quan ba xuát hiện ngay đằng sau Huệ. Hắn không nói gì, chỉ cười khùng khục trong họng rồi ôm choàng lấy Huệ, vật cô ra bên bàn nguyện. Cô gái mở to đôi mắt kinh hoàng, không kêu được tiếng nào rồi ngất đi vì khiếp sợ. Chúa đã không bảo vệ được cô.

     

Huệ tỉnh lại thấy mình nằm trên giường của tên ác thú. Suốt hai tháng cô bị tên quan ba nhốt trong buồng ngủ của hắn. Nhân một đêm con quỷ mắt xanh say rượu quên khoá cửa, cô trốn ra được bên ngoài. Bà mẹ vội đưa ngay cô lên Hạ Hoà, cũng là lúc quân Pháp rút khỏi thị xã. Huệ vô cùng lo lắng, nhục nhã khi thấy mình có thai. Cô phát điên mỗi khi nghĩ đến ngày gặp mặt người trai đi kháng chiến. Mình sẽ thanh minh với anh sao đây. Cô muốn chết, nhưng bà mẹ khuyên con. Chúa dạy rằng ai tự vẫn là kẻ có tội. Con không được chết. Số phận đã an baì như thế, đành chấp nhận thôi.

     

Rồi đến ngày khai hoa nở nhuỵ, Huệ sinh ra một bé gái đẹp như thiên thần, dẫu nó là hậu quả tội ác. Con bé giống cha nó nước da trắng hồng và đôi mắt màu xanh lơ. Huệ đặt tên con gái là Lan. Lan và Huệ là hai loài hoa đẹp. Hai bông hoa mẹ con sống dựa vào tình thương của bà ngoại, nhưng khi mẹ ốm rồi mất, thì họ thui thủi trong nhà, không dám ra ngoài ban ngày vì sợ mọi người nhìn thấy. Nhưng Lan không là bông hoa nhỏ cho mẹ giấu kín trong khu vườn nhà thờ. Cô lớn dần lên theo năm tháng với vẻ đẹp xa lạ.Những người dỗi việc xì xèo những lời ác độc về thân phận hai mẹ con. Họ gọi cô gái là con Lan Tây.

     

Kháng chiến thành công. Huệ đưa con gái về lánh trong nhà thờ. Qua cuộc chiến tranh gần mười năm, nhà thờ hoang phế, đổ nát. Hai mẹ con dọn lại căn phòng cũ và ở lại đó. Một lần ra chợ Mè, Huệ nghe tin đồn người trai kháng chiến của cô đã hi sinh ở Suối Rút-Hoà Bình năm 1952. Cô choáng vãng suýt ngã giữa chợ. Xót thương mối tình đầu trong trắng, cô quỳ hết buổi tối cầu nguyện cho linh hồn anh yên nghỉ. Thực ra, trong nỗi xót thương lòng cô lại nhẹ nhõm tội lỗi vì biết không phải đối mặt với chàng trai trong hoàn cảnh trớ trêu hiện tại. Cô thấy chết hẳn trong tim những mầm xuân rạo rực của tuổi ba mươi. Cô thờ ơ trước những ánh mắt cầu thân, những vồ vập của đàn ông, mà khốn khổ thay có rất nhiều đàn ông xán vào cô. Với đôi quang gánh trên vai, Huệ tần tảo từ mờ đất đến tối mịt, mua đầu chợ, bán cuối ga kiếm tiền nuôi con gái.

     

Mãi năm Lan 16 tuổi, bà mẹ mới dám kể về lai lịch của con gái cùng đoạn đời tủi nhục cơ cực của mình cho cô nghe. Lan chỉ biết ôm mẹ khóc. Cô thương mẹ và hiểu rõ lí do tại sao mọi người gọi mình là Lan Tây. Những ngày cô còn nhỏ, Lan không hiểu tại sao người ta lại xa lánh hắt hủi cô. Cả những đứa bạn học cùng lớp cũng đôi khi dở chứng ruồng rẫy cô khi chúng bị cha mẹ chửi mắng vì tội chơi với con gái Tây. Năm 17 tuổi, cái tên Lan Tây như đóng mác sau lưng cô khi người dân thị xã nhìn thấy một cô gái thon thả cao 1m70, da trắng hồng như trứng gà bóc, mắt xanh, môi đỏ. Chàng trai nào thấy cô cũng ngơ ngẩn nhìn theo lác con mắt, nhưng chẳng có ai dám quen cô chứ đừng nói đến yêu. Mỗi khi Lan ra chợ dọn hàng giúp mẹ với bộ quần áo đen, không biết có bao nhiêu ánh mắt đàn ông, cả những lão già, cả người trung niên và bon choai choai mới lớn hút theo thèm muốn, ao ước.

      

Cuối cùng, Lan cũng đồng ý với mẹ là sau giỗ bà ngoại, cô sẽ về nhà bà dì sơ tán một mình. Tháng sáu trung du trời nắng cua ngoi lên bờ. Bà Huệ bảo con gái đạp xe mang lễ  về quê từ mờ sáng để tránh máy bay Mĩ. Dì Cúc chỉ làm mâm cơm đạm bạc giỗ mẹ, thời chiến nên bà không muốn bày vẽ. Cả ngày chỉ nơm nớp chực chạy xuống hầm trú ẩn, bụng dạ nào mà ngồi ăn cỗ. Đêm ấy ngủ với dì Cúc nhưng lòng dạ Lan như có lửa, thấp thỏm ngủ không yên. Gần sáng, tiếng máy bay phản lực xoẹt qua, rít như xé vải. Bà dì hốt hoảng kéo Lan lăn xuống chiếc hầm đào ngay dưới gầm phản. Một lúc sau, Lan chạy ra sân, ngóng về phía thị xã. Dưới ấy bị ném bom, mặt đất hắt lên nhoang nhoáng ánh lửa chết chóc. Trên trời từng cụm lửa đạn pháo phòng không tung toé như hoa cà, hoa cải. Lan thắt ruột lo cho mẹ, khi nghĩ đến tội ác mà lũ quỷ dữ luôn rình rập quanh vùng đất Chúa. Năm giờ sáng cô tất tả đạp xe về thị xã. Đến gần ga, lồng ngực Lan như tắc lại vì mùi khét đắng của khói bom. Bức tường bao cuối nhà thờ bị đổ một góc, gần nơi ở của mẹ con cô. Hàng chục người đang tíu tít đi lại trong sân làm Lan rùng mình linh tính đến chuyện không hay. Cô vứt chiếc xe đạp chỏng chơ ngoài cổng nhà thờ, lao về phá cuối vườn, miệng gọi thất thanh. Mẹ ơi! Mẹ…

     

Một quả bom quét ném lạc vào khu vườn, hố bom chỉ nhỏ bằng miệng nong, toen hoẻn, nhưng hơi bom làm bay hẳn mái ngói cũ, đổ sập bức tường xây phía sau. Bà Huệ đang ngủ trên giường, bị bom hất văng xuống đất, mái tóc đen dài xoăn tít lại xù ra như chiếc nơm úp cá.

     

Đêm nào Lan cũng dâng hoa, thắp nến cầu nguyện cho linh hồn mẹ an lành nơi nước Chúa. Cô cảm thấy như có vết dao cứa vào tim, hằn lại dấu vết tội ác của quỷ dữ . Bà dì định đón cô về quê ngoại nhưng Lan không chịu. Cô muốn ở lại nơi số phận an bài cho bà ngoại, cho mẹ con cô. Rồi xã tổ chức trận địa phòng không trên quả đồi bên ngoài thị xã. Lan lên xã, xin vào đội dân quân trực chiến. Nhìn ánh mắt ái ngại của bác xã đội trưởng, cô lại hiểu rằng ông không tin vào lí lịch của mình, nên quyết liệt.

- Bác không tin cháu à? Dù bố cháu là người Pháp, nhưng họ thua chạy về nướ rồi. Còn bây giờ giặc Mĩ giết mẹ cháu, mối thù này chưa đủ cho bác tin sao?

     

Ông cán bộ xã ôn tồn.

- Cháu không được tự ti như thế! Cháu là công dân của nước nhà, cháu có quyền như mọi người khác. Nguyện vọng của cháu chính đáng, nhưng bác ngại bà cụ vừa mất…

      

Cuối cùng Lan cũng được nhận vào đơn vị pháo 14 li 5, nhận chân pháo thủ số 1. Chỉ ba ngày, cô pháo thủ cao kều đã thành thạo tay tầm, tay hướng, đạp cò. Lan cặp mái tóc bạch kim dày vắt qua đỉnh đầu về phía trước, đội chiếc mũ sắt ra ngoài. Phơi nắng suốt ngày ngoài trận địa, nước da của cô không đen sạm mà đỏ thẫm màu gạch nung. Đôi mắt xanh lạnh như ánh thép, chẳng mấy khi có nét cười ấm áp.  Nó càng lạnh lùng hơn hôm đơn vị đánh trả bọn F4 lao vào ném bom thị xã. Chúng lợi dụng tầm khuất bay dọc theo sông Hồng định đánh lén, nhưng bị các đơn vị pháo phòng không phát hiện và chụp lửa lên đầu. Bọn F4 bị vỡ đội hình bay tán loạn, một chiếc trúng đạn loạng choạng bay qua tận địa 14 li 5 rồi đâm sầm xuống cánh đồng rau của Hợp tác xã phía tây. Chiếc dù vàng bung ra lơ lửng trên trời, thằng giặc lái lơ láo nhìn xuống mặt đất tìm điểm hạ dù, cái đầu đội mũ trấn của nó ngó nghiêng ngay trước mũi súng của đơn vị. Lan nghiến răng, chộp lấy tay tầm xoay nòng súng theo hướng bay của chiếc dù. Trong đầu cô âm thầm vang lên tiếng thét.

- Tao giết mày! Tao giết mày!

     

Trước khi cô kịp đạp cò thì khẩu đôị trưởng lao đến lôi cô ra khỏi chiếc ghế số 1.

- Đồng chí Lan! Không được bắn phi công!

     

Lan cố vùng ra, khóc oà.

- Các anh, các chị ơi! Cho em giết nó đi. Em phải trả thù cho mẹ.

     

Sau ngày thống nhất đất nước, ít người nhắc đến Lan. Cô về sống lặng lẽ trong ngôi nhà cũ của mẹ. Tuổi 28 của cô rực rỡ như bông cúc vàng làm loá mắt những ai nhìn thấy mà cô chưa có bạn đời. Hàng ngày cô chăm chỉ bên ruộng rau, gánh ra bán ở chợ thị xã. Lớp rẻ bây giờ chẳng thèm quan tâm đến chuyện quá khứ, nên không ai gọi cô là Lan Tây nữa, còn những người tuổi trung niên thì gọi cô bằng cái tên Lan pháo thủ. Cuối năm 1976, một người lính từ miền Nam trở về muộn màng, người cao lênh khênh, da đen nhẻm. Đó là Thành đen, một cầu thủ bóng chuyền của một đơn vị thuộc Binh đoàn Tây Nguyên. Anh phục viên về và nhận ngay chân xã đội phó. Một hôm vào phòng truyền thống của thị xã, Thành đứng rất lâu trước bức ảnh chụp khẩu đội pháo 14 li 5. Anh chỉ vào cô gái cao lớn đứng ở hàng thứ tư, hỏi một người bạn.

- Cô nào mà quen thế nhỉ?

- Đấy là pháo thủ số 1 Trịnh Thị Lan!

- Phải cô Lan Tây ở Trường Thịnh không? Cô ấy cao lớn thế cơ à?

     

Nghe kể về hoàn cảnh cuộc sống của cô pháo thủ số 1, Thanh nảy ý định đến làm quen. Thấy một anh chàng đen nhẻm cao hơn mình một vành tai, mặc quần áo bộ độiđến chơi, Lan không khỏi lúng túng. Rồi cô nhận ra anh, một trong những tên học trò nghịch ngợm thường nheo nhéo gọi “Ê! Lan Tây!” mỗi khi gặp cô ngoài đường. Sau mấy lần đến thăm, chẳng biết Thành đen nói những gì mà mọi người thấy Lan vui vẻ, hoà đồng hơn. Cô tỏ ra thân mật với Thành, thường cặp đôi với anh xuất hiện ở bãi chiếu phim hay chợ thị xã. Đầu năm sau, họ tổ chức đám cưới, một đám cưới giản dị nhưng rất đông vui. Mọi người đến dự để chiêm ngưỡng sắc đẹp của Lan dù cô sắp bước qua tuổi 30. Biết bao ánh mắt đàn ông ghen tị lẫn nuối tiếc vì không dám vượt qua định kiến vớ vẩn, để bây giờ bông hoa đẹp nhất thị xã lọt vào tay tên đàn ông vừa xấu vừa đen.

     

Đêm tân hôn, Lan ngượng ngùng co rúm người lại khi phải ở trần trướcmặt chồng. Dưới ánh đèn dầu vặn nhỏ, Lan vẫn thấy tấm thânkhông mảnh vải của mình trắng quá, lồ lộ trong đêm bên cạnh tấm thân đen đúa của Thành. Thành cũng gần chét lặng khi nhìn thấy vẻ đẹp thân thể vợ, nó rờ rỡ, bừng sáng trinh nguyên bên màu da đồng đen của anh. Thành vừa đặt tay lên ngực vợ liền rụt ngay lại như mình vừa lỡ xúc phạm đến kì công thiêng liêng của tạo hoá. Thấy chồng ngồi ngay ra, nguội lạnh hẳn những ham muốn ban đầu, Lan chợt hiểu ra. Cô quay lại ôm choàng lấy chồng, kéo đầu anh vùi vào ngực mình.

     

Cậu con trai đầu lòng làm căn nhà nhỏ của họ tràn trề hạnh phúc. Thằng bé có khuôn mặt vuông giống bố và nước da trắng cuả mẹ. Thành đung đưa con trên tay, cười muốn tung mái nhà. Con trai bố xinh quá. Đặt tên là cu Trung nhé! Sau này mẹ sinh em gái đặt tên là Du. Trung Du quê ta mà. Anh cất tiếng khàn đục ru con. “Quê em miền trung du..đồng quê lúa xanh rờn, Giặc tràn lên đốt phá. Anh rời chốn cũ, đi diệt thù giữ quê. Giặc tan đón anh về…”

     

Thằng Trung hai tuổi mà chưa biết bò. Nó cứ nằm ọ ẹ một chỗ, cái đầu to ra, hai mắt thao láo, nhưng chân tay thì khẳng khiu như que nứa. Thành lo lắng mà không hiểu vì sao, còn Lan khóc ròng bao đêm vì thương con. Cô lo sợ, ám ảnh vì những tội ác đeo đẳng số phận gia đình mình từ trước. Thành động viên vợ, cố chạy vạy thuốc men chữa cho con, nhưng thằng Trung càng nhiều tuổi càng gầy quắt đi. Họ quyết định sinh con thứ hai và đúng là con gái. Đứa hài nhi không kịp nhận cái tên cha đặt cho từ trước. Nó sinh ra không có mắt và vòm họng, chỉ sau vài giờ là chết. Lan ngất lịm đi vì sợ hãi và hoảng loạn. Không lẽ loài quỷ dữ còn đeo bám cô đến bây giờ. Về nhà cô bắt chồng đưa ngay ra nhà thờ để xưng tội. Thành ôm vợ an ủi.

- Em không có tội gì cả! Có lẽ tại anh…

     

Lan ngơ ngác không hiểu. Cô biết đâu chồng mình đã lăn lộn bao năm trời với những cánh rừng Tây Nguyên, nơi máy bay Mĩ rải xuống chất bột màu da cam để huỷ diệt màu xanh cây cỏ. Chất độc ấy nằm ẩn trong máu của anh, chờ đến khi anh hạnh phúc nhất thì nó bắt đầu gây tội ác.

                                                     

*

Bà Lan ngồi sau hàng qùa nước ngoài ga, mái tóc bạch kim giờ xen màu hạt dẻ, buộc túm sau gáy. Dáng bà cao lớn, lòng khòng, cặp mắt xanh lơ vời vợi nỗi buồn. Bà rủ rỉ kể cho tôi nghe về cuộc đời mình. Cuộc đời đầy những đau khổ, bất hạnh.

- Ông Thành nhà tôi rồi cũng bị bệnh mất vì chất độc da cam chú ạ. Thằng Trung cũng chỉ được bảy tuổi rồi bỏ cha mẹ mà đi. Chúng tôi sợ quá không dám sinh con nữa. Lạy Chúa! Tội ác sao cứ đeo đuổi con suốt đời?

                                                                                            

Tháng 12/2007

Phùng Phương Quý
Số lần đọc: 2392
Ngày đăng: 21.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cổng trường chải mái tóc xưa - Võ Quê
Phương Nam du ký - Vũ Ngọc Tiến
Những mảnh đời trôi dạt - Trần Thôi
Bài ca giữ rừng - Đỗ Trọng Phụng
Đảo không xa - Nguyễn Thuỵ Nhã
Bát xát cuối mùa mận chín - Phùng Phương Quý
Sẻ chia cho những phận người bất hạnh - Nguyễn Nguyên An
Ai về Quảng Trị Đông Hà…35 năm sau Mùa Hè Đỏ Lửa - Trần Kiêm Ðoàn
Vũ Hữu Định, rượu thơ trần thế - Trần Tuấn*
Một thoáng phù hoa - Trần Trung Sáng