Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
713
115.982.781
 
Chớp bể mưa nguồn
Hoàng Xuân Phương

“Đêm năm canh

“Những tuôn rơi lệ nhỏ,

“Phần gia đạo không ai coi ngó,

“Chút Mẹ già như ngọn cỏ héo khô,

“Biết cơ trời mưa nắng khi mô!.”

(Nhớ Mẹ*)

           

Sáng ngày 6 tháng 6 năm 1995 chúng tôi rời Đồng Hới sau bữa cơm đạm bạc. Con đường cái quan chạy qua các tỉnh bắc Trung bộ đang được cải tạo mở rộng từng đoạn, xóa đi dấu vết những năm dài chinh chiến, và một dự án bắc cầu Sông Gianh đã được nói tới. Vượt bãi Đá Nhảy với vô vàn chấm đen lao xao giữa muôn trùng bọt biển trắng xóa, xe nhanh chóng đưa chúng tôi qua đèo Lý Hòa để kịp đến Cựa ở Quảng Khê đúng hẹn.

           

Thầy Mai của trường phổ thông cơ sở Lý Hòa đã chờ lâu ở đó, cùng với mấy anh em làm việc tại bến phà. Họ chuẩn bị cho đoàn một bữa ăn chắc bụng –mặc dầu lúc này mới chỉ 9 giờ 15- với các món hàu lấy từ ghềnh đá gần đó. Tôi không ăn được, bởi những xúc động trước tình cảm thân thuộc mà chân chất. Ban đầu mấy anh em hướng dẫn dự tính đưa chúng tôi băng đồng qua ngã Cao Lao đến Thọ Hạ rồi ra nhà ga Minh Lệ, nhưng khi thấy khổ xe quá lớn, vả lại chúng tôi cần mang theo nhiều đồ, thì họ đổi hướng đưa đoàn sang sông đến thị trấn Ba Đồn.

           

Con phà Sông Gianh khác nhau ít nhiều so với chiếc bắc Cần Thơ, đầu nó dẹp hơn, mỏ bàn phẳng hơn, và mũi đò biết nhịp nhàng cúi xuống bên dưới mặt nước mỗi khi con sóng bò lên, như để giỡn chơi, như để lặn hụp. Dòng nước Sông Gianh cũng trong mát hơn, và trong cái nhấp nhô của sóng biển có cái cuồn cuộn của dòng sông, trong vị ngọt thượng nguồn có mùi tanh hàu biển, trong lớp cát đen nặng lắng của các bãi bờ có những hạt trắng ngọc ngà trôi về từ miền hang động. Nhìn về bờ bắc, tôi chợt nhớ trong bài Độ Linh Giang của Thi hào Nguyễn Du có mấy vần thơ:

 

“Bắc thượng thổ dân mạc tương tị,

“Trấp niên tiền thị ngã đồng châu."

 

Nhà thơ Quách tấn dịch là:

“Cách bờ chớ ngại nhau chi,

“Ba mươi năm trước cũng là đồng châu.”

           

Từ Ba Đồn chúng tôi thuê đò ra cửa Hác để bắt đầu hành trình ngược dòng Nguồn Nậy đến huyện Tuyên Hóa rồi Minh Hóa, những nơi mới đây đã cùng với Hương Khê gánh chịu muôn cảnh tang thương do cơn bão số 2. Cửa Hác mà một thời nổi danh với câu “sóng cửa Hác, nác giếng Bàu” là dấu vết còn lại của một hồ lớn, gọi là Đại Hác hay Đại Hải, tạo thành giữa kỳ biển dâng Đông Hải (350-1150), nằm giữa hai cửa sông Nguồn Nan và Nguồn Son với một cửa biển đổ ra vịnh Cổ Chiến, một địa danh xưa ghi dấu những trận chiến ác liệt các năm 421 và 446 khi Lâm Ấp và Giao Châu giành quyền kiểm soát thành cổ Tây Quyển gọi là Khu Túc. Vào thời Nguyễn Du làm Cai bạ Quảng Bình (1809-1813) và khi bà huyện Thanh Quan “bước tới Đèo Ngang bóng xế tà” thì con đường Bắc – Nam chưa qua Quảng Khê mà chạy qua Thuận Bài, sang sông ở nơi Cửa Hác trước mặt con sông Thọ Linh (Linh Giang), rồi lên bờ nam ở Mỹ Trạch tức Cao Hạ ngày xưa.

           

Tháng này mặt nước sông Gianh vẫn còn thấp, và khi con đò rời bến Kinh Kịa sang bờ Diên Trường thì chúng tôi có thể thấy được sinh cảnh rừng sác miền Trung. Nó không bao la bạt ngàn như ở miền Nam, nhưng cũng thâm u dễ sợ như trong câu nói “ma ràng hói Nại” –Nại ở đây là loại cây bần mọc trên đầm bùn nước lợ. Đến Tiên Lễ thì bờ sông bắt đầu dựng đứng, nhìn lên hai bờ tả hữu đều là những ngọn núi cao, ngó về phía nguồn là các khe lèn thăm thẳm, ngoái lại sau lưng là dòng sông rộng tan vào biển cả. Khi đò đến được cửa Rào Tró, một phụ lưu lớn của Nguồn Nậy, thì mặt trời đã lặn trên đầu đỉnh núi và chúng tôi lên bờ nghỉ đêm đầu tiên tại thị trấn Minh Cầm -nơi đây trong khoảng hậu kỳ Đá Mới sang sơ kỳ Kim Khí cách nay 4300 đến 3100 năm là vùng sinh tụ của nhóm các bộ tộc Việt Thường.

           

Lưu vực Sông Gianh, bao gồm Nguồn Nan, Nguồn Son tức Sông Trốc và Nguồn Nậy mà Thủy Kinh Chú viết trong khoảng các năm 515-526 ghi là Cổ Lang, và cả thượng nguồn Kinh Kịa tức Sông Ròn dưới chân Đèo Ngang, là một trong những vùng trồng lúa sớm nhất ở Việt Nam, tạo thành nền văn minh Bàu Tró cách nay hơn 5000 năm. Ở đây có hàng chục địa danh được gọi tên bằng tró từ một tiếng cổ là tló, qua thời gian nó biến âm theo hai cách khác nhau để trở thành tró, tức lúa ngày nay. Cách chuyển âm này được lưu lại trong An Nam Dịch Ngữ biên soạn dưới đời Minh trong thế kỷ 15, và còn rất phổ biến ở miền bắc Trung bộ cho đến giữa thế kỷ 20 với tlời là trời, tlăng là trăng hay tháng, tlống thành klống là cái-trống, tlâu thành klu là con-trâu hay con-tru…

           

Cùng với việc phát triển nền văn minh nông nghiệp làm cho mật độ dân cư tăng cao, tạo thành nơi sinh tụ cho nhiều bộ tộc từ thời rất sớm mà ngày nay để lại dày đặc những di chỉ khảo cổ. Khi nhà Hán thôn tính nước ta, đặt làm hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân, thì cũng đặt ở phía nam Đèo Ngang một quận Nhật Nam. Theo đó huyện Việt Thường nằm ở thượng nguồn Rào Tró, huyện Tỷ Cảnh ở Vực Tró nơi vùng động Phong Nha -sách cổ viết là Phong Hỏa-, và đặt huyện Tây Quyển ở Hòa Ninh nơi sau này Lâm Ấp xây thành Khu Túc, có nghĩa là lẫm lúa. Năm 286 đời Tấn chia Tây Quyển mà đặt thêm huyện Thọ Linh. Sử gia Châu Khứ Phi đời Tống viết trong Lãnh Ngoại Đại Đáp rằng trại Hòa Ninh -mà nay nằm trong khoảng Nương Cộ của xã Quảng Hòa- là một trong 24 châu lộ đời Lý. Đến năm 1069 thì trại này đổi tên thành châu Bố Chinh, tức Quảng Bình ngày nay.

           

Vào đêm chúng tôi trở lại Hòa Ninh thì mặt trăng mọc sớm rồi trăng lu, nhưng cái “nắng mùa hè nẻ cật” vẫn len lỏi vào những canh dài. Ngồi bên o Triều trong ngôi nhà ngói nhỏ ở đầu Xóm Đồng, tôi được nghe kể nhiều về những nỗi khúc nôi đoạn trường: Chồng o qua đời đúng vào năm

 

“Mùa biển mất, mùa đồng cũng mất.”

“Cá biển động chài lưới không vào,

“Lúa đồng nội cào cào cắm cả!”

Và từ đó o âm thầm giữ lại riêng mình những nỗi niềm tâm sự:

“Bắc tay trán, nghĩ rồi lại nghĩ,

“Nghĩ càng thêm xót xáy buồng gan.

“Đêm năm canh ngắn thở dài than,

“Ngày sáu khắc nhỏ bàn to nói.

“Nghĩ vì nỗi, ngán vì nông nổi,

“Chín khúc tằm bối rối vò tơ:

“Tay đàn bà một lũ con thơ,

“Biết lấy chi đủ sớm trưa ngày mấy bữa.

“Ăn nhát nhín một mình xoay xở,

“Ngồi than thân ngẩn dạ với tay không!.”

(Nổi Lòng Người Vợ*)

 

Nhưng rồi với ngày tháng, cái xoay xở của o đã làm nên công chuyện: Bốn đứa con nay đã thành thất thành gia, thành danh thành phận, mà đứa lớn đang là Giảng sư nơi trường đại học.

           

Từ Quảng Hòa nơi trung tâm của trại Hòa Ninh cổ, chúng tôi xuôi về Quảng Phú, trở lại Cửa Hác, rồi theo Môn Phố ngược dòng Sông Trốc để đến Phong Nha vào vùng Vực Tró. Môn Phố tức cửa Nguồn Son được đặt theo tên gọi một giống lúa cổ có hạt màu đỏ của lưu vực Sông Gianh, nay còn lại một dòng lúa dại gọi là ló hom –Oriza nivara-. Nước Nguồn Son nơi xanh nơi đỏ, do được cung cấp một phần từ những sông ngầm giữa vùng hang động, phần kia bởi các bàu tró hứng nước giữa vùng thượng nguyên, nơi xuất thân thủy tổ của những con người hiện đại.

 

(*)- Trích trong “Tuyển tập văn học Hòa-Ninh”, bản thảo 1995 của tác giả.

[Đăng lần đầu trong Kiến Thức Ngày Nay, số 617 (1-10-2007)]

 

Hoàng Xuân Phương
Số lần đọc: 2694
Ngày đăng: 23.01.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Miền yêu -1 - Nguyễn Linh Khiếu
Miền yêu -2 - Nguyễn Linh Khiếu
Ngựa biên - Nguyễn Linh Khiếu
Mưa trên đất mẹ - Quân Tấn
Thế giới của Chóe - Trần Áng Sơn
Hình như là sẽ quen - Hội An
Ba tạp văn ngắn của Trần Huy Thuận - Trần Huy Thuận
Cám ơn mùa xuân - Triệu Từ Truyền
Nguyễn Tấn Cứ - Trần Áng Sơn
Câu chuyện của tôi với nhà văn Dương Kỳ Anh - Phan Cung Việt