Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
468
115.873.178
 
Ngày THƠ VIỆT NAM tại TP Hồ Chí Minh
Inrasara

Ngày THƠ TP Hồ Chí Minh năm nay có hai điều lạ.

Trước đó hai ngày, như để khởi động, tại Khoa Văn học và Ngôn ngữ thuộc Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh, Hội thảo Thơ Việt Nam đương đại, vừa được tổ chức nguyên buổi sáng 19.02.2008, tại Hội trường của Khoa. Hội thảo thu hút khoảng 60 người gồm nhà thơ, nhà văn, giáo sư, nhà nghiên cứu và phê bình văn học, các cây bút trẻ… tham dự. Có cả nhà văn từ nước ngoài về như Đặng Tiến, Lý Lan, với tham luận của Khế Iêm. 24 tham luận in thành tập được phát trước khi vào Hội thảo.

 

Lạ thứ hai là, lẽ ra sau Ngày Hội THƠ lần thứ 5 đầy hoành tráng, hi vọng năm nay sẽ được khuếch trương to hay ít nhất ngang bằng năm ngoái thì, nó bị thu trong không gian hẹp hơn, tầm vóc nhỏ hơn. Nhưng không phải vì vậy mà Ngày THƠ TP Hồ Chí Minh kém vui.

 

Ngày hội diễn ra đúng ngày giờ tại Công viên Bách Tùng Diệp: 9 giờ sáng, sau ba hồi trống khai lễ của Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Nguyễn Thành Tài, nhà văn Lê Văn Thảo, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và là Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh đọc diễn viên khai mạc. Bài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt do nhà thơ Trương Nam Hương đọc và Xuân 68 của Hồ Chí Minh qua giọng đọc của Lâm Giang, như là một mở đầu cho Ngày Hội THƠ.

 

Nguyên buổi sáng Ngày THƠ được dành cho phần Thơ Trẻ. Nguyễn Hữu Hồng Minh, Phan Trung Thành, Song Phạm, Lê Thiếu Nhơn, Ngô Liêm Khoan, Nguyệt Phạm, Ngô Thị Hạnh,… và cả nhà thơ Lê Hưng Tiến đến từ Ninh Thuận nữa. Cuộc giao lưu thơ với các nhà thơ trẻ TP – qua đạo diễn của nhà thơ kiêm nhà báo Phan Hoàng – khá sôi nổi và… suôn sẻ. Tiếc là, trong cuộc đó, một bạn thơ trả lời câu hỏi thơ có ích không trong thời đại hôm nay, đã cả quyết rằng: “thơ vô dụng, tôi phải viết báo kiếm sống” trong tư thế tay đang nằm trong túi quần, đã gây hiểu lầm đáng tiếc khiến không ít người yêu thơ ngồi phía dưới xì xầm. Và cả phần hai của chương trình: Giao lưu với các tác giả có tập thơ mới, người ta chỉ thấy trên sân khấu chơ vơ mỗi Ngô Thị Hạnh với Ngô Liêm Khoan, nên chương trình Ngày THƠ buổi sáng tạm ngưng tại đây.

Trong lúc đó, các gian hàng sách của NXB Kim Đồng, các tác phẩm thơ mới in, các Cây thơ xôm tụ khách thuận mua vừa bán, thuận tặng vừa xin chữ kí. Cũng phải kể đến vài chiếu thơ, ở đó các họa sĩ thuộc CLB Mĩ thuật Mekong say sưa kí họa chân dung các nhà thơ trẻ.

 

Buổi chiều, Câu lạc bộ Thơ các Quận và Trung tâm qua giới thiệu của MC thi sĩ Ngọc Khương với các màn hát-ngâm-đọc và cả trình diễn kịch thơ “Lục Vân Tiên giải cứu Kiều Nguyệt Nga”, nghiêm túc nhưng không kém hứng thú. Chương trình kéo dài suốt hai tiếng đồng hồ, luôn thu hút khách nghe-nhìn không rời bỏ chỗ ngồi.

 

Buổi tối là “chương trình thơ đặc biệt”, giới thiệu thơ của năm nhà thơ thuộc thế hệ sống và chiến trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, như là một hành vi tưởng niệm và nhớ ơn của các thế hệ nhà thơ đến sau và người yêu thơ đối với nhà thơ đã có công với đất nước lẫn góp công cho tiếng trình thơ: Vũ Cao, Chính Hữu, Lê Anh Xuân, Phạm Tiến Duật, Diệp Minh Tuyền.

Sau đó là màn giao lưu với từng nhà thơ thuộc thế hệ khác nhau sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh: Phạm Sĩ Sáu, Thanh Tùng, Lê Hoàng Anh, Hoàng Đình Quang…  Lúc này, không khí Ngày THƠ càng về sau càng trầm lắng…

Ngày THƠ TP Hồ Chí Minh đọng lại với lễ trao Giải thưởng Cây thơ Tiền nhân được Câu lạc bộ thơ Quận, Trường Đại học KHXH và NV TP Hồ Chí Minh thể hiện công phu về các nhà thơ, từ Nguyễn Du, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Văn Nghệ,… cho đến Xuân Quỳnh.

 

*

Trong Ngày Thơ này, có hai bất ngờ với Sara:

- Ở Hội thảo, mươi phút trước khi vào Hội trường, tôi được/bị Ban tổ chức cho biết Sara sẽ ngồi bàn chủ trì cùng hai vị nữa là Gs Hoàng Như Mai và đại diện Trường là Võ Văn Nhơn. Tagok gauk yuw, kadun gauk paraik! Đột ngột, nên không quán xuyến được Hội thảo. Không đổ bể là may rồi.

- Ở Bách Tùng Diệp, Sara tham dự như là khách trong ngày hội nhà mình chứ không có tên trong kế hoạch; nhưng khi chương trình buổi sáng bị hẫng (phần hai), Ban tổ chức bất ngờ mời Phó GĐ Sở VHTT kiêm thi sĩ Nguyễn Thế Thanh và nhà thơ Inrasara lên giao lưu với đọc thơ. Lẽ ra tôi phải “làm nũng” mới đúng lí, nhưng… vui thôi mà! Thế là Sara đã đăng đàn và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên giao.

 

 

Inrasara
Số lần đọc: 3541
Ngày đăng: 26.02.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhân Ngày Thơ Việt Nam lần thứ VI tại Bình Định:“TRÁI ĐẤT RỘNG THÊM RA MỘT PHẦN VÌ BỞI CÁC TRANG THƠ” - Nguyễn Thanh Mừng
Cuộc “đấu khẩu” thơ Bùi Chí Vinh - Phan Hoàng - Thu Trân
Xuân trong ta - Trần Kiêm Ðoàn
thơ rơi có cần phải được nghiên cứu ? - Khaly Chàm
Đừng quên những bài học trong quá khứ ! - Triệu Xuân
Đọc Bình Ngô đại cáo - Đặng Thân
Tập bút ký của một nhà khoa học nữ - Huỳnh Như Phương
Tiểu thuyết&tiểu thuyết đầu tay (1) - Lê Anh Thu
Ngày xuân nói chuyện văn hóa ẩm thực :Của mắm và..đời - Triệu Xuân
VĂN HỌC VIỆT NAM 2007: Nhộn nhịp,sôi động và sẵn sàng cho cuộc khai phóng - Inrasara
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)