Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
441
116.589.100
 
Trịnh Công Sơn, người tình của cuộc sống - Phần 1
Ban Mai

Trong một lần trả lời phỏng vấn về những bản tình ca, có người so sánh nội dung ca từ Trịnh Công Sơn với thơ ca Rabindranath Tagore, nhà thơ của “Tâm tình hiến dâng”, “Người làm vườn”, “Mùa hái quả”... Trịnh Công Sơn trả lời, chỉ xin được làm “người tình của cuộc sống”. Thật vậy, những ca từ của Trịnh Công Sơn là những khát khao của một người khát sống. Bởi vì khát sống, nên ông luôn ám ảnh về cái chết.


Trịnh Công Sơn từng nói: “Nỗi ám ảnh lớn nhất, đeo đẳng tôi từ thuở còn nhỏ cho đến sau này vẫn luôn luôn bị ám ảnh là cái chết. Sự sống và cái chết trở thành một vấn đề lớn trong đời sống tinh thần của tôi. Có lẽ suy cho cùng từ đâu mà ra cái suy nghĩ đó là do tôi quá yêu cuộc sống, sợ mất nó. Mất mát một cái gì đó mà mình từng có trong cuộc đời, đã từng đi qua và đã từng tìm thấy như tình yêu, như cái gì đẹp nhất của cuộc sống sợ ngày nào sẽ mất đi. Sự mất mát và cái chết là nỗi ám ảnh lớn nhất đời tôi.” [1]

Trong ca từ Trịnh Công Sơn chúng ta dễ dàng bắt gặp những “ám ảnh” ấy:

 

Bao nhiêu năm làm kiếp con người

Chợt một chiều tóc trắng như vôi

Lá úa trên cao rụng đầy

Cho trăm năm vào chết một ngày

(“Cát bụi”)

 

Đường nào dìu tôi đi đến cơn say

Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời

(“Bên đời hiu quạnh”)

 

Sống có bao năm vui vui buồn buồn người người ngợm ngợm

Sống chết mong manh như thân cỏ hèn mọc đầy núi non

(“Giọt lệ thiên thu”)

 

Sự nhạy cảm thường trực về tính hữu hạn của cuộc đời đã thúc đẩy tâm hồn ông luôn tiếp cận với cõi vô thường.

 

Chìm dưới cơn mưa một người chết đêm qua

Chìm dưới đất kia một người sống thiên thu...

Hạt cát ngu ngơ nằm chìm dưới chân đi

Bờ bến thiên thu nằm chìm dưới hư vô

(“Chìm duới cơn mưa”)

 

Sống từng ngày

Chết từng ngày

Còn sống một ngày là hẹn chết mai đây

(“Buồn từng phút giây”)

 

Người nằm co như loài thú trong rừng sương mù

Người nằm yên không kêu than chết trên căn phần...

Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây

Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này

(“Phúc âm buồn”)

 

Nhưng có lẽ ca khúc “Một cõi đi về” với những ca từ mang nặng chất Thiền là ca khúc có cái nhìn lạ về số kiếp con người, ông xem cuộc đời như một cõi rong chơi, nếu nhìn từ phương diện triết học. Sinh thời, Trịnh Công Sơn cũng từng công nhận “Một cõi đi về” là một bài hát rất lạ, thực sự không dễ hiểu vì có những câu trong bài hát này bản thân ông cũng thấy khó giải thích. Nhưng tuy vậy, dù chưa hiểu hết lời nhưng chúng ta khi nghe, khi hát lên thì có điều gì đó chạm đến trái tim mình. [2]

 

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

Rọi suốt trăm năm một cõi đi về

 

Mỗi con người đều có một cõi đi về riêng của mình, đó là ý chính của bài hát. Từ hư vô người ta đến với cuộc sống và từ cuộc đời rong chơi người ta lại trở về với hư vô. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng nói rằng khi nghe bài hát này ông không cảm thấy sợ chết nữa. [3] Ấy là một cảm nhận chung của chúng ta, vì ai cũng có cõi đi cõi về giống nhau nên việc đến và đi tới cuộc đời rồi trở lại hư vô không còn quá đè nặng con người, không xa lạ với họ. Hiểu được như thế, con người chợt thanh thản hơn trước cái chết.

 

Qua ca từ "Một cõi đi về" của Trịnh Công Sơn, chúng ta bắt gặp tính chất vô thường của thơ Thiền đời Lý - Trần trong bài "Chợt tỉnh" của Tuệ Trung:

 

Đoán biết rằng “không” và “có” không cách nhau lắm

Sống và chết vốn từ một đợt sóng

Trăng sáng đêm qua vẫn là trăng đêm nay

Hoa nở năm mới cũng là hoa năm cũ

Ba sinh thấm thoắt thực như ngọn đuốc trong gió

Chín cõi tuần hoàn giống như con kiến bò trên miệng cối xay bột

Có người hỏi thế nào là cứu cánh

Ma-ha-bát-nhã tát-bà-ha

 

Trong các bài thơ Thiền đời Lý - Trần, các nhà thơ cũng phản ánh thân phận con người ngắn ngủi và chóng vánh. Đời người chỉ “như một ánh chớp, mới có đã thành không” ("Thị đệ tứ" - Vạn Hạnh). Tính chất vô thường này được biểu hiện sinh động qua hình ảnh “ba sinh thấm thoắt như ngọn đuốc trước gió” ("Đốn tỉnh" - Tuệ Trung). Tất cả, cuộc sống, công danh phú quý, hạnh phúc tuổi xuân, đều chỉ là một giấc mộng ngắn ngủi, một áng mây nổi tụ tán không định trước, một mũi tên bay mất hút không trở lại. Các nhà thơ Thiền luôn kêu gọi mọi người nhận thức rõ điều này”mặt trời lên rồi sẽ lặn, đời người nổi rồi sẽ chìm” ("Thư thời vô thường kệ" – "Khóa hư lục", Trần Thái Tông); “tháng ngày không ở lâu; cái già, cái bệnh rất dễ xâm nhập” ("Hoàng hôn khuyến chứng kệ" – "Khóa hư lục", Trần Thái Tông), kêu gọi con người nhìn thẳng vào thực tế. Tính chất ngắn ngủi vô thường của thời gian trần thế cần được ý thức không phải để bi quan yếm thế mà để vượt lên khỏi nỗi sầu cố hữu này, đạt đến tâm thái “Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận / đình tiền tạc dạ nhất chi mai” ("Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết / Đêm qua sân trước nở một nhành mai") ("Cáo Tật Thị Chúng", Mãn Giác thiền sư). [4]

 

Ngay trong cái giây phút “ngộ đạo” thì thời gian hữu hạn đã trở thành thời gian vô thủy vô chung, mùa xuân có đi có đến đã trở thành mùa xuân hằng thường, vĩnh cửu, hay nói khác, thời gian đo đếm được đã trở thành một thứ siêu thời gian. Trong các ca khúc của Trịnh Công Sơn, luôn có sự vận động biện chứng giữa cái vô thường và cái hằng thường, giữa khoảnh khắc và trường cửu. Thấm nhuần tính chất Thiền - Phật, Trịnh Công Sơn cũng đã “ngộ” ra cõi đời này chỉ là cõi tạm và ông kêu gọi mọi người hãy sống vui vẻ nơi quán Trọ này:

Con chim ở đậu cành tre

Con cá ở trọ trong khe nước nguồn

Cành tre… (í… a)

Dòng sông… ( í… a)

Tôi nay ở trọ trần gian

Trăm năm về chốn xa xăm cuối trời

(Í…a …í… à… í… à… a…)

("Ở trọ")

 

(còn tiếp)

--------------------------

Chú thích:

[1]Văn xuôi Trịnh Công Sơn (2004), "Kiếp sau tôi vẫn là người nghệ sĩ" (trả lời phỏng vấn VCH), in trong Một cõi Trịnh Công Sơn, NXB Thuận Hóa, TTVHNNĐT (tr. 523)
[2]Văn xuôi Trịnh Công Sơn (2004), sđd. (tr. 520)
[3]Văn xuôi Trịnh Công Sơn (2004), sđd. (tr. 520)
[4]Đoàn Thị Thu Vân (1996), Khảo sát đặc trưng nghệ thuật của thơ Thiền Việt Nam thế kỷ X - thế kỷ XIV, NXB Văn học.

Ban Mai
Số lần đọc: 4100
Ngày đăng: 02.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gía trị đích thực bức tranh dân gian đông hồ : Thấy đồ cóc” và dị bản của nó - Nguyễn Hữu Hiệp
Nghĩ về hiện tượng ca-múa-nhạc Cham hôm nay - Inrasara
Người đưa múa cổ điển Khmer Nam bộ đến tầm cao - Trần Dũng
Nghiên cứu mỹ thuật đang “teo đi” ? - Đinh Hồng Hải
Một vài nhìn nhận về mỹ học của thể loại -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 4,). - Đặng Minh Liên
Nhận diện khái niệm phim truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 1,). - Đặng Minh Liên
Đề tài và chất liệu của phim truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 2,). - Đặng Minh Liên
Cốt truyện và không có cốt truyện -Tìm hiểu nghệ thuật phim truyện (bài 3,). - Đặng Minh Liên
NSND Phạm Khắc - kẻ ham chơi sống lại - Khuyết danh
Hai mươi năm xem lại - Bích Ngọc
Cùng một tác giả
Thời gian (tạp văn)