Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.371 tác phẩm
2.747 tác giả
477
116.383.659
 
Lầm lẫn lớn từ một bài báo nhỏ
Hà văn Thùy

Đó là bài báo cực ngắn, vẻn vẹn 736 chữ, nhan đề: “Từ khảo cổ đến văn hóa. GS Trần Quốc Vượng mạn đàm với BBC”. Bài đăng trên Đông tác.net (Eastern culture.net) số ra ngày 12.3.2007. Theo tinh thần bài báo, có lẽ đây là cuộc trò chuyện giữa vị giáo sư hàng đầu ngành Sử Việt Nam với phóng viên BBC vào tháng 3. 2005,  sau khi đoàn khảo cổ Việt-Nhật-Úc khảo sát 30 di cốt người cổ tìm thấy tại Mán Bạc, tỉnh Ninh Bình.

 

Vị giáo sư trong bài báo đã thành người thiên cổ.  Mọi chê trách với ông không khỏi mang tiếng là bất cận nhân tình. Tuy nhiên, vì sự xác tín khoa học, tôi buộc lòng thưa lại đôi điều.

 

1. Lầm lẫn thứ nhất: Người Việt bị Hán hóa

 

Cho rằng người Việt Nam bị Hán hóa là chuyện thường ngày ở xóm: “Nước Tàu to thế, người Tàu đông thế, lại đô hộ mình những nghìn năm, mà người mình giống người Tàu y hệt. Các cụ xưa lại chả nói mình với Tàu đồng chủng, đồng văn…Vậy rõ ràng là người mình bị Tàu đồng hóa!” Lòng tin ngây thơ của dân gian như mạch ngầm âm ỉ chảy, mặc nhiên trở thành chân lý không thể bàn cãi!

 

Nhưng có điều đáng lấy làm lạ là chưa bao giờ các học giả người Pháp phát biểu như vậy! Cùng lắm thì ông Aurousseau cũng chỉ nói (sai) rằng: “Khoảng năm 330 TCN, Sở diệt nước Việt, người Việt chạy xuống Việt Nam, trở thành tổ tiên người Việt hiện nay.” Như vậy, theo tảc giả này, tổ tiên người Việt là con cháu của Việt Câu Tiễn chứ không phải con cháu người Hán!

 

Nhưng ở bài báo trên, giáo sư Trần Quốc Vượng viết: chuyện người Việt hòa trộn dòng máu với người Hán và các nhóm dân Trung Quốc có nguồn gốc từ vùng Hoa Nam đã xảy ra trong suốt thời Bắc Thuộc.

 

Không chỉ vậy mà trước đó, cũng trên sóng đài BBC, ông khẳng định: “Tôi đã nói rồi, tôi đã nói với ông Phạm Văn Đồng là, nước ta có một nghìn năm Bắc thuộc. Tính cách nào thì cũng một nghìn năm. Quan sang này, rồi lính tới này, kết quả là chúng ta bị Hán hóa đứt đuôi!” (Phỏng vấn thực hiện năm 2003, được phát lại khi ông Vượng qua đời.)

 

Như vậy, có lẽ giáo sư Vượng là học giả Việt Nam đầu tiên khẳng định người Việt bị Hán hóa?!

Điều đáng ngạc nhiên là ông phát biểu như vậy sau khi khảo sát 30 di cốt Mán Bạc*, với tư cách là chủ nhà! Trong khi đối tác của ông, tiến sĩ Marc  Oxenham cho rằng: những gì tìm được ở di tích thời Đồ Đồng, từ 3500 đến 4000 năm trước, tăng sự ủng hộ cho giả thuyết nói về những người di dân đến từ vùng nay thuộc Trung Quốc và đem văn minh nông nghiệp đến đây.

 

Rõ ràng, nhận định của vị tiến sĩ người Úc tuy cũng cho là di dân từ vùng đất nay thuộc Trung Quốc mang yếu tố di truyền tới Việt Nam nhưng điều này xảy ra trước thời điểm của ông Vượng hơn 2000 năm! Nếu 4000 năm trước người Việt đã có bộ mã di truyền (genome) như hôm nay, thì không thể có chuyện vào đầu Công nguyên bị Hán hóa! Có nghĩa là khi quan binh của Lộ Bác Đức hay Mã Viện nhập Việt thì họ đã gặp những người đồng chủng với mình, chủng người mà ngày nay khoa học đặt tên là Mongoloid phương Nam. Dù có lai gì gì đi nữa, thì cũng chỉ là cơm chấm cơm mà thôi!

 

Ở đây có thể rút ra nhận xét nhỏ: Mc. Oxenham có bằng cớ, còn giáo sư Vượng nói mò. Chính vì nói mò nên ông buộc phải “ăn theo” vị tiến sĩ nước ngoài: “Ông đồng ý với quan điểm rằng các phát hiện khảo cổ mới nhất nói việc lai giống tương tự còn xảy ra trước hàng trăm năm trước đó.” Trước đó là trước thời Bắc thuộc. Nhưng nói vậy là nói lấy được vì hàng trăm năm trước Bắc thuộc, miền nam Trung Hoa là giang sơn của Lạc Việt, Dương Việt, Âu Việt nên chẳng làm gì có chuyện người Hán xuống Việt Nam truyền giống!

 

Thực ra, ý kiến của Mc Oxenham cũng không mới! Hơn 20 năm trước, trong Nhân chủng học Đông Nam Á (1), Nguyễn Đình Khoa xác nhận: “Sang thời đại Ðồng-Sắt, người Mongoloid đã là thành phần chủ thể trong khối cư dân Việt Nam, người Australoid mất dần đi trên đất nước này, hoặc do thiên cư hoặc do đồng hóa."

 

Như vậy là những bằng chứng khảo cố học đã khẳng định, 2000 năm trước Bắc thuộc, dân cư Việt Nam đã như ngày nay, Đại bộ phận thuộc chủng Mongoloid phương Nam. Kết luận này hoàn toàn bác bỏ cái gọi là người Việt bị Hán hóa vào thời Bắc thuộc!

Không những thế, bằng chứng về di truyền học còn ngoạn mục hơn: “Người Việt có đa dạng sinh học cao hơn người Hán.”(2) Điều này có nghĩa, người Việt ra đời trước người Hán. Cố nhiên không thể có chuyện con sinh ra cha, người sau đẻ ra người trước, tức người Hán đồng hóa người Việt vào thời Bắc thuộc!

 

Về chuyện này, tôi đã viết chuyên luận Người Việt có bị Hán hóa không? Khai sinh người Hán và sự hình thành nước Tàu (3). Ở đây xin không nhắc lại!

 

2. Lầm lẫn thứ hai: đa trung tâm nông nghiệp

 

Bài báo viết:

Vậy cuộc tranh cãi về văn minh nông nghiệp vùng nào có trước, Hoa Bắc hay Đông Nam Á nay đã đi đến đâu? Giáo sư Trần Quốc Vượng từ Hà Nội cho biết hiện nay, quan điểm chung của phía Việt Nam là công nhận thuyết ’đa trung tâm’. Theo đó, không có một trung tâm nào trên thế giới, từ đó nghề nông được truyền sang các vùng khác.”

 

Phát biểu như vậy, giáo sư Trần Quốc Vượng đã đẩy nền học thuật Việt Nam lùi lại hơn 70 năm!

Năm 1932, Hội nghị khoa học quốc tế về Tiền sử  Viễn Đông họp tại Hà Nội khẳng định: “Đông Nam Á mà Việt Nam giữ vai trò chủ đạo, là trung tâm sớm nhất về Đồ Đá và nông nghiệp của thế giới.”(4) Đáng lẽ, phải tận dụng những tư liệu mà nước Việt Nam độc lập mới thu được để phát huy những thành quả của quá khứ thì vị giáo sư của chúng ta lại kéo học thuật đi giật lùi!

Điều này dễ hiểu, vì cho tới thập niên 70 thế kỷ trước, thuyết đa trung tâm về nguồn gốc con người đang thống lĩnh. Khi con người đã có nhiều địa điểm khai sinh khác nhau thì việc có nhiều trung tâm nông nghiệp là hệ quả tự nhiên!

 

Nhưng khoảng 10 năm trở lại đây, sự tình đã thay đổi. Cùng với việc xác định người hiện đại có nguồn gốc duy nhất ở Đông Phi, khoa học một lần nữa thừa nhận vị trí tiên phong của Đông Nam Á trong tiến trình văn minh nông nghiệp thế giới. Ánh sáng mới dọi vào thế giới bị quên lãng (New light on the Forgotten Past) (5) của S.G Solheim II và nhất là công trình Địa đàng ở phương Đông (6) (Eden in the East) của Stephen Oppenheimer cho rằng việc trồng lúa nước xuất hiện ở Đông Nam Á vào 20.000 năm trước, sớm hơn phương Tây 10.000 năm, là những chứng minh khiến nhiều người tâm phục khẩu phục.

 

3. Lầm lẫn thứ ba: Việt Nam tiếp thu nông nghiệp từ phía Bắc.

 

Bài báo trên BBC viết: Từ đó, ông Mc Oxenham cho rằng những gì tìm được ở di tích thời Đồ Đồng, từ 3500 đến 4000 năm trước, tăng sự ủng hộ cho giả thuyết nói về những người di dân đến từ vùng nay thuộc Trung Quốc và đem văn minh nông nghiệp đến đây.

 

Nhận thấy trước phát biểu như vậy cần phải xem xét cẩn trọng, tôi đã đọc lại hai bài báo Úc đăng công bố của Marc Oxenham vào tháng 2 năm 2005 (7) và nhận thấy, tường thuật của BBC trung thành với phát biểu của nhà khảo cổ Úc.

 

 Điều này chứng tỏ ông Oxenham không hề biết nguồn gốc thực sự của người Hán cũng như người Việt và con đường thiên di của người Việt lên phía Bắc.

 

Từ chứng cứ di truyền học kết hợp với truyền thuyết và lịch sử phương Đông, tôi cho rằng, khoảng 2600 năm TCN, người Mông Cổ vượt Hoàng Hà chiếm đất của người Bách Việt. Do cuộc xâm lăng này, người Mongoloid phương Bắc hòa huyết với người Bách Việt thuộc loại hình Australoid, cho ra chủng người mới là Mongoloid phương Nam. Đấy là người Hoa Hạ, tổ tiên người Hán sau này. Cho tới khoảng hơn 4000 năm trước, tức vào thời nhà Hạ, cũng là thời gian của di chỉ Mán Bạc, lãnh thổ Hoa Hạ chỉ là vùng đất nhỏ ở phía Tây Bắc  Trung Hoa. Phía Đông, Tây và Nam của Hoa Hạ cho tới tận sông Hồng, sông Mã là giang sơn mênh mông của những tộc Nhung, Di, Rợ, tức người Bách Việt Australoid. Vì vậy không thể có chuyện người chủng Mongoloid từ Nam Trung Hoa xuống Việt Nam làm biến đổi di truyền người Việt. Đã không có người Mongoloid từ Nam Trung Quốc xuống đồng hóa người Việt thì hiển nhiên, cũng không có chuyện vào thời Đồ Đồng, văn minh nông nghiệp được chuyển từ lưu vực sông Dương Tử xuống!

 

Có lẽ là khi phát biểu như trên, M. Oxenham chưa tiếp cận thông tin do giáo sư Y. Chu công bố ngày 29.9.1998 tại Washington về “Đa dạng di truyền người Trung Hoa”.(8) Tài liệu này cho hay, người Homo sapiens đã theo con đường phương nam tới Việt Nam 70.000 năm trước. Sau đó 30.000 năm, người Việt từ Đông Dương đi lên mở mang đất Trung Hoa.

 

Nhà khoa hoc này cũng quên ý kiến của Charles Darwin: “Tổ tiên mọi giống gà trên thế giới bắt đầu từ con gà rừng duy nhất được thuần dưỡng tại Đông Nam Á.” (The Origin of Species). Chẳng những thế, giống chó cũng được tạo ra trước hết ở Đông Nam Á, cách nay khoảng 15.000 năm.

Điều này không khó hiểu vì có lẽ Mc. Oxenham thuộc về những nhà khảo cổ dựa chủ yếu vào hóa thạch, trong khi khoa học đã vượt qua một bước dài. Trong cuốn Tiến hóa lượng tử (Quantum Evolution), John Jo McFadden tuyên bố: “Để đi sâu vào lịch sử cùa sự sống, chúng ta cần đào sâu vào DNA thay vì vào những hòn đá - những sinh vật hóa thạch.”(8) Lời nói trên thoạt nghe có vẻ ngoa ngôn nhưng lại hữu lý. Chính di truyền học đã cung cấp cho chúng ta những kiến thức kỳ diệu vuợt qua mọi tiểu thuyết giả tưởng.

 

Một vấn đề nảy sinh: không do “người từ nam Trung Hoa xuống vào 4000 năm trước”, như Oxenham nói, cũng không do “quân Hán đồng hóa”, như giáo sư Vượng bảo, vậy thì tổ tiên người Việt nhận nguồn gene Mongoloid phương Nam từ đâu? Câu hỏi quá chừng hóc búa!

Tôi thắp nhang lên khấn Quốc tổ. Cụ Hùng phán: “Thằng bé ngốc, ngươi không nhớ truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ sao? Ngươi cũng không học biết được gì từ Ngọc phả Đền Hùng sao?” Tôi giật mình đốn ngộ.

 

Năm 2600 TCN, sau thất bại ở Trác Lộc, người Việt buộc lòng phải chạy loạn. Cụ Lạc Long Quân dẫn đầu toán thuyền nhân vượt Hoàng Hà ra biển rồi đổ bộ vào Rào Rum, Ngàn Hống xứ Nghệ (Ngọc phả đền Hùng). Trong dòng người chạy về đất Việt này có những đứa trẻ lai Mông Cổ, những người phụ nữ bị hãm và cả những tù binh Mông Cổ. Cùng với cuộc xâm lăng mở rộng thì trong số người hồi hương, dòng máu lai Mông Cổ càng nhiều. Về lại đất tổ Việt Nam, những người lai này hòa huyết với đồng bào tại chỗ làm cho nhân số Mongoloid phương Nam tăng lên. Từ đó xảy ra hiện tượng: gần như trong cùng một thời gian, chủng Mongoloid phương Nam xuất hiện cả trên lưu vực Hoàng Hà cả trên lưu vực sông Hồng. Tổ tiên ta nhận nguồn gene Môngoloid như vậy chứ  không có ông Hán nào chạy xuống đồng hóa cả! Sự việc không dừng tại đó. Khi nhân số chủng mới Mongoloid phương Nam tại lưu vực sông Hồng tăng lên thì theo truyền thống, những người này di dân tiếp tục lên phía bắc, trong lãnh thổ nước Xích Quỷ cũ của tổ tiên. Và đến lượt mình, họ hòa huyết với người Việt đang sống tại địa bàn Việt, Ngô, Sở… dần dần chuyển hóa đại bộ phận người Việt Australoid ở phía nam Trung Quốc thành chủng Mogoloid phương Nam. Trong khi đó, quá trình hòa huyết khác cũng diễn ra: người Việt từ Cửu Châu bị người Hoa Hạ xua đuổi, chạy xuống phía nam. Trong những người chạy loạn này cũng có những người lai, phụ nữ bị hãm và tù binh Mông Cổ hay Hoa Hạ. Những người mang gene Mongoloid này hòa huyết với người tại lưu vực Dương Tử, tạo ra chủng mới Mongoloid phương Nam. Sự việc diễn ra như thế khoảng nửa thiên niên kỳ, làm cho đại bộ phận người phía Nam Trung Hoa trở thành chủng Mongoloid phương Nam.

 

Có thể có người bác giả thuyết trên, cho rằng, chuyện Lạc Long Quân chỉ là truyền thuyết, khó mà tin được. Vậy M. Oxenham và G.S Vượng vẫn đúng: nguồn gene Mông Cổ lan theo vết dầu loang từ phương bắc xuống tới Việt Nam! Xin thưa rằng, việc gene lan theo vết dầu loang là có thật. Đó là sự hòa huyết cưỡng bức, thường không vượt biên giới kẻ xâm lược quá xa. Vào 2000 năm TCN biên giời của người Hoa Hạ còn ở tít miền Tây Bắc Trung Hoa, quá xa đất Việt nên “vết dầu” chưa thể lan tới Việt Nam được!

 

 

Những di cốt ở Mán Bạc là bằng chứng hùng hồn về cuộc di tản trở lại cố hương của người Việt sau cuộc xâm lăng của người Mông Cổ.

 

Không dám trách M. Oxenham vì ông là người ngoài, không hiểu lịch sử văn hóa Việt. Điều chúng tôi bức xúc là vì sao giáo sư Trần Quốc Vượng lại có những ngộ nhận đáng tiếc vậy? Cho người Việt bị Hán hóa đã là liều lĩnh. Càng liều lĩnh hơn khi ông chối bỏ chân lý mà khảo cổ thế giới đạt được 70 năm trước (vai trò trung tậm của Đông Nam Á với văn minh nhân loại) để ủng hộ thuyết đa trung tâm một cách chiết trung mang màu cơ hội chủ nghĩa! Đáng tiếc là ông lại gán lầm lẫn của mình thành quan điểm Việt Nam!

 

Khi kẻ đi sau, dựa vào tư liệu mới sở đắc để phê bình người đi trước thường khó tránh khỏi bị chê là bất nhã. Dù bạn đọc nghĩ về mình thế nào mặc lòng, nhưng từ trường hợp của vị giáo sư đứng đầu ngành Sử, tôi không thể không biểu tỏ sự lo lắng cho nền khoa học xã hội và nhân văn đất nước.

Khi vì công việc hoàn toàn văn chương, tôi lên mạng và lạc vào lĩnh vực tiền sử nhân  loại, không chỉ nơi những tạp chí khoa học hàng đầu nước Mỹ mà cả  những bài báo lớn nhỏ của người Việt ở nước ngoài. Hóa ra ở xa nên đồng bào ta thực sự quan tâm tới Đất Nước. Một thế giới mới mẻ và hấp dẫn mở ra… Tôi giật mình tự hỏi: Sao những điều tuyệt vời cho cội nguồn và văn hóa dân tộc như vậy mà giới khoa bảng trong nước không hề hay biết, khiến cho nền khoa học nhân văn quốc gia vừa lạc hậu vừa lạc hướng đến thảm hại?!

 

Mấy điều mạo muội, xin quý độc giả cao minh chỉ giáo!

 

Sài Gòn, tháng 11. 2007

 

Tham khảo:

* Đầu năm 2005, phát hiện di chỉ Mán Bạc ở tỉnh Ninh Bình, một nghĩa địa chôn chung 30 hài cốt người Indonesien, Melanesien và Mongoloid phương Nam, có niên đại 3500 – 4000 năm cách nay.

1. Nguyễn Ðình Khoa: Nhân chủng học Ðông Nam Á (NXB Ðại học và Trung học chuyên nghiệp. H.1983, tr 106)

2. S. W. Ballinger & đồng nghiệp: Southeast Asian mitochondrial DNA Analysis reveals genetic continuity of ancient Mongoloid migration. Genetic 1992 số 130 Tr.139-45

3. Đọc trên talawas.org; vannghesongcuulong.org; havanthuy.ourprofile.net

4.  Encyclopédia d’Archeologie

5. Wilheim G. Solheim H. Ph. D: New light on Forgotten Past. National Geographic Vol 1339 n 3 tháng 3 năm 1971. 

6. Stephen Oppenheimer: Eden in the East: the Drowned Continent of Southeast Asia- Nxb Phoenix London 1998. Nhà xuất bản Lao Động 2006.

7. -  The Canberra Times, 10 Feb. 2005, by Rosslyn Beeby Research, Conservation and Science Reporter:
http://www.iol.co.za/index.php?set_id=1&click_id=588&art_id=qw1108019521878B213

·   IOL, Sydney, 10 Feb. 2005, by Meraiah Foley

·   (AP):http://www.iol.co.za/index.php?set_id=1&click_id=588&art_id=qw1108019521878B213

8. J.Y. Chu & đồng nghiệp: Genetic relationship of population in China. Proc. Natl. Acad. Sci.USA 1998 số 95 tr. 11763-11768.

9. Dẫn theo Trần Chung Ngọc - Nguồn gốc con người: Thuyết tiến hóa. Eastern Culutre.net 18. 10. 2007.

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 4797
Ngày đăng: 08.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Vùng gốm Đông Nam Bộ - Nguyễn Thị Hậu
Cổ vật gốm trong Văn hóa Óc Eo - Nguyễn Thị Hậu
Khái quát về các di tính khảo cổ học thuộc giai đoạn “Tiền Óc eo” ở Nam bộ - Nguyễn Thị Hậu
Vài nét về Đồ gốm Việt Nam trên thị trường gốm quốc tế vào thế kỷ 14 đến thế kỷ 17 - Nguyễn Đức Hiệp
Về một loại trang sức cổ độc đáo : khuyên tai hình hai đầu thú. - Nguyễn Thị Hậu
Vài nét về vũ khí cổ Việt Nam - Nguyễn Thị Hậu
Khu di tích GÒ THÁP (Đồng Tháp) trong bối cảnh văn hoá ÓC EO - Nguyễn Thị Hậu
Táng tục mộ chum ở Đông Nam Á. - Nguyễn Thị Hậu
Đồ Gốm cổ tìm thấy ở Sông Đồng Nai - Nguyễn Thị Hậu
Khảo cổ học và môi trường sinh thái. - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)