Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
885
116.513.394
 
Dự án phim lịch sử Thái Tổ Lý Công Uẩn 200 tỷ - miếng bánh chia phần?!
Võ Thâm

Một trong ba dự án phim lịch sử kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội được chú ý nhất là bộ phim nhựa Thái Tổ Lý Công Uẩn. Tuy nhiên, sau những cuộc tranh cãi về tính chân xác lịch sử của các phác thảo phục trang, bối cảnh…, đến lượt người trong cuộc lại lôi nhau ra “móc máy”. Từ đây cũng lộ rõ những bất cập trong triển khai dự án…

 

Ai được phần nhiều?

 

Sau khi Hãng Phim truyện VN công bố các chức danh trong đoàn phim Thái Tổ Lý Công Uẩn, cả người trong cuộc và người ngoài cuộc… “té ngửa”.

 

Trước hết là việc có hai đạo diễn tham gia dự án phim này: Lưu Trọng Ninh và Đỗ Minh Tuấn, trong đó Lưu Trọng Ninh phụ trách chính và Đỗ Minh Tuấn phụ trách các cảnh kỹ xảo và chiến tranh.

 

Trong khi đó, trả lời phỏng vấn báo chí, đạo diễn Lưu Trọng Ninh khẳng định chắc nịch là “chỉ một mà thôi”. Lý giải việc có đến hai đạo diễn, ông Giám đốc Hãng Phim truyện VN Lê Đức Tiến nói với báo giới: “Chúng ta chưa có một đạo diễn nhiều kinh nghiệm làm phim lịch sử với quy mô lớn, huy động nhiều nhân lực và phương tiện kỹ thuật, nhiều chuyên gia, bối cảnh quay tại nhiều địa điểm, trong nước, nước ngoài... và có lúc nhiều công việc phải tiến hành song song, tại các địa điểm khác nhau”.

 

Trong một cuộc “chat” trên báo điện tử, đạo diễn Đỗ Minh Tuấn lộ ra rằng, theo quyết định “giấy trắng mực đen” thì Lưu Trọng Ninh là chính, Đỗ Minh Tuấn là phụ nhưng trong cuộc họp của hãng thì Giám đốc Lê Đức Tiến lại nói hai người là đồng đạo diễn.

 

Vì sao không thể một mà cần đến hai? Lấy lý do dự án lớn cần đến nhiều đạo diễn, sao không thể chọn một đạo diễn và các phó đạo diễn như nước ngoài và các phim trước đây của ta cũng vậy? Phim lớn về quy mô nhưng không có nghĩa cần nhiều “đồng đạo diễn”! Chưa ra trường quay mà ông Tuấn và ông Ninh đã lộ rõ là không chấp nhận nhau qua những gì họ “thổ lộ” với báo giới.

 

Vậy thì còn “đồng đạo diễn” sao được (?!). Đó là chưa nói đến, bộ phim sẽ khó có được một phong cách nghệ thuật thống nhất cũng như hai đạo diễn này sẽ khó có cơ hội tạo dấu ấn riêng của họ trong tác phẩm!

 

Chưa làm phim nhưng ông Tuấn, dù thừa nhận ông Ninh “rất có năng lực”, nhưng đã phát biểu trên báo về việc Lưu Trọng Ninh chậm trễ nộp kịch bản phân cảnh ra hãng, rồi “anh ấy thiên về những chuyện tâm lý xã hội nhỏ, những nhân vật đời thường, không quen với tư duy sử thi và những nhân vật văn hóa như cụ Lý nên chắc phải có nhiều thời gian để tiếp cận kịch bản được duyệt”.

 

Hai ông đồng đạo diễn, khi không thống nhất được ý tưởng hay cách thức đạo diễn thì ông chỉ đạo nghệ thuật “nhảy vào” phân giải và quyết định. Ông chỉ đạo nghệ thuật không ai khác chính là ông giám đốc sản xuất. Ông giám đốc sản xuất là một trong các ông biên kịch bộ phim này. Ông biên kịch không ai xa lạ là Giám đốc hãng phim Lê Đức Tiến, quá đa tài nên nỗi việc gì cũng đến tay ông?! Đương nhiên, có chức danh ở vị trí nào thì được nhận thù lao ở vị trí đó.

 

Phải chăng, dự án phim lịch sử này là miếng bánh to nên việc toan tính chuyện chia phần cũng là điều khó tránh?

 

Ta hay Tàu?

 

Xung quanh việc xây dựng bối cảnh cho phim, hiện có hai luồng ý kiến: Tạo dựng bối cảnh ở VN càng nhiều càng tốt và đảm bảo có thể sử dụng được lâu dài cho những bộ phim tiếp theo. Hoặc sang Trung Quốc quay các bối cảnh trong các phim trường, còn những bối cảnh dựng ở VN chỉ tạm thời sử dụng trong các phim dịp này.

 

Việc triển khai xây dựng bối cảnh theo hướng nào còn phụ thuộc vào kinh phí đầu tư cho bối cảnh, vì so với việc thuê mướn ở Trung Quốc, việc dựng mới hoàn toàn các bối cảnh ở VN tốn kém gấp nhiều lần và cũng tốn công sức gấp bội.

 

Rõ ràng, làm phim lịch sử, vạn sự khởi đầu nan, nhưng còn đòi hỏi những người “quyết sách” có một kế hoạch để “tạo đà” cho “muôn đời sau”. Tuy nhiên, dự án này thuộc về UBND TP Hà Nội chứ không phải của ngành điện ảnh nên chưa biết Hà Nội có ưu ái cho điện ảnh một cơ hội?

 

Sau khi công bố kế hoạch khởi quay Thái Tổ Lý Công Uẩn tại VN và tại phim trường Hoành Điếm, Côn Minh của Trung Quốc, trước những ngờ vực của báo chí về việc bộ phim “lai Tàu”, ông Tiến khẳng định: tất cả các bối cảnh chính sẽ được dựng tại Việt Nam...

 

Không chỉ khán giả mà những nhà làm phim cũng kỳ vọng rất nhiều vào các dự án nói trên: “Phim chúng tôi làm ra phải cố gắng ít nhất cũng phải gần được bằng những phim nước ngoài, trong khi theo được công nghệ của họ chúng ta không đủ tiền”, đạo diễn Lưu Trọng Ninh chia sẻ với báo giới.

 

Tuy nhiên, ông cho rằng, điều quan trọng là phải tìm được lối đi riêng. Tiền chỉ thỏa mãn được những vấn đề về công nghệ. Còn thủ pháp, thông điệp và hình tượng nghệ thuật phụ thuộc vào tài năng của đạo diễn.

 

Nhưng lo lắng lại nảy sinh khi ông Tiến cho báo giới biết: các đạo diễn “không được tự do áp đặt những sở thích, ý muốn chủ quan của mình so với các phim trước đây của hai đạo diễn này. Nghĩa là chất riêng làm nên phong cách, cá tính của đạo diễn sẽ phải điều tiết lại cho phù hợp với nội dung và thể loại phim, mang âm hưởng sử thi-anh hùng ca, phù hợp với Đại lễ kỷ niệm ngàn năm Thăng Long”.

 

Như vậy, một bộ phim nếu như không mang phong cách, cá tính của chủ thể sáng tạo mà phải nhường chỗ cho cái chung, cái hoành tráng… thì số phận nó sẽ ra sao? Nó là tác phẩm nghệ thuật hay đơn thuần là công trình để kỷ niệm?

 

Cho đến thời điểm này, phía “đặt hàng” là UBND TP Hà Nội vẫn chưa duyệt dự toán kinh phí làm phim lên tới 200 tỷ đồng do Hãng Phim truyện VN trình lên. Rất nhiều công trình khác của Hà Nội trong tình trạng “khát kinh phí”, không biết Thái Tổ Lý Công Uẩn có kịp ra mắt vào năm 2010 cho “ra tấm ra miếng”?

Theo NLĐ 

 

Võ Thâm
Số lần đọc: 2175
Ngày đăng: 18.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc đấu sinh tử - Lê Xuân Quang
Xem vở Bàn tay của trời: Tránh trời sao khỏi nắng (*) - Ngô Thị Kim Cúc
Nhớ một thời - Trần Ngọc Kha
Nghĩ về phê bình phim - Châu Quang Phúc
Số phận và cuộc đời - 1 - Lê Xuân Quang
Số phận và cuộc đời - 2 - Lê Xuân Quang
Mối tình ma-1 - Lê Xuân Quang
Mối tình ma-2 - Lê Xuân Quang
Kho vàng của lãnh chúa-1 - Lê Xuân Quang
Kho vàng của lãnh chúa-2 - Lê Xuân Quang