Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
550
116.536.627
 
“Nhìn lại sử Việt” – Cuốn sách cần được viết lại
Hà văn Thùy

Cuốn sách bổ ích và hấp dẫn. Như người kể chuyện có tài, tiến sĩ Lê Mạnh Hùng dẫn ta đi suốt những năm tháng bi thương của thời Bắc thuộc. Qua những tư liệu chọn lọc, qua những so sánh, đối chiếu từ nhiều nguồn sử liệu, ông đưa cho ta không chỉ từng sự kiện lịch sử sáng rõ, thuyết phục. Hơn thế, còn giúp ta nhận ra cái hồn của sử. Ông cho thấy, sau khi dẹp khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện đã thực thi ở nước ta một chính sách mà ngày nay được gọi là diệt chủng.

 

“Trong thời gian còn chiến đấu chống lại Hai Bà Trưng, Viện đã giết rất nhiều những người mà sử Hán gọi là “cừ súy” tức là những Lạc tướng và những thành phần quý tộc của dân Lạc. Sau khi bình định xong Cửu Chân, Viện còn đầy hơn 300 gia đình “cừ súy” khác lên Linh Lăng (Hồ Nam). Thế là sau cuộc chiến, tầng lớp lãnh đạo của dân Lạc bị tiêu diệt gần hết. Sau Mã Viện, danh từ Lạc tướng đã không được sử sách nhắc nhở gì đến nữa chứng tỏ rằng tước vị lạc tướng thế tập đã bị hủy bỏ” (trang 116).

 

Mất tầng lớp ưu tú nhất, người Việt không chỉ mất người dẫn đầu mà còn mất đi phần quan trọng nhất của trí tuệ. Đó là lý do vì sao phải hơn 200 năm sau mới có cuộc khởi nghĩa Bà Triệu mà ông nhận định là “sự vùng dậy cuối cùng của xã hội Lạc cũ”.

 

Cũng bằng những chứng cứ thuyết phục, tác giả cho ta biết, tầng lớp ưu tú mới của của người Việt hình thành từ những “môn phiệt” người Hán sang định cư lâu đời, được Việt hóa. Không chịu đựng nổi sự phân biệt đối xử của triều đình Trung Nguyên, họ ngả về phía Việt và dẫn đầu dân Việt trong cuộc chiến đấu với kẻ thống trị phương Bắc. Sĩ Nhiếp rồi Lý Bí là những người tiêu biểu. Điều này cũng giải thích cho ta hiểu vì sao nhiều lãnh tụ dân tộc Việt sau này lại có gốc gác phương Bắc.

 

Tác giả giúp ta hiểu rằng, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam vốn là một cõi của tộc Việt suốt thời Hùng Vương. Nhưng khi đô hộ nước ta, người Hán chỉ chiếm được hai quận Giao Chỉ và Cửu Chân còn Nhật Nam ở trong tình trạng vô quản. Do vậy, người Nhật Nam hướng theo văn hóa Ấn Độ và dần dần tách ra thành quốc gia Lâm Ấp…

 

Còn nhiều nữa những điều bổ ích và thú vị được trình bày trong cuốn sách nhưng tôi không muốn kể thêm e làm mất đi hứng thú của những bạn sẽ tìm đọc.

 

Sở dĩ đạt được những thành tựu như vậy là do tác giả nắm vững nhiều nguồn tư liệu, lại có cái nhìn vừa bao quát vừa sắc sảo nên đưa ra những kiến giải hợp lý.

 

Tiếc rằng sở trường của tác giả không phát huy được khi đụng tới những vấn đề của thời tiền sử.

 

Theo chân người đi trước, tiến sĩ Lê Mạnh Hùng cũng dùng chủ yếu nguồn tư liệu Trung Quốc để viết tiền sử Việt. Vô hình trung, ông lại đi tiếp con đường vô vọng tìm cá trên cây! Cho đến nay, thực ra người Trung Quốc cũng chẳng biết gì nhiều về tổ tiên gốc gác của họ, vậy thì làm sao có thể tìm tổ tiên gốc gác Việt từ Sử Ký, Hán thư?

 

Dựa vào thư tịch Trung Hoa cùng những kiến thức khảo cổ học, nhân chủng học chắp vá, tác giả trình bày thời tiền sử tộc Việt một cách đầu Ngô mình Sở khiến người đọc bị lạc đường.

 

Xin dẫn:

 

- Việc tìm thấy những quan tài hình thuyền cũng như những mô-típ trang trí trên trống đồng Đông Sơn như hình những chiếc thuyền với những người chèo và những chiến sĩ cầm vũ khí cũng như hình những con chim biển trang trí chứng tỏ rằng nền văn minh Đông Sơn có quan hệ mất thiết với biển và có thể xuất phát từ biển vào (tr. 21).

 

 Hôm nay mà còn nói như thế quả là không hiểu nổi! Năm 1932, Hội nghị khoa học quốc tế về tiền sử Viễn Đông đã xác nhận, văn hóa Đông Sơn tiếp nối từ Hòa Bình, Phùng Nguyên, là văn hóa bản địa.(1) Yếu tố biển trong đó không phải từ biển vào mà thực sự người Phùng Nguyên từ 5.000 năm trước đã làm chủ biển Đông.

 

-  Các nghiên cứu về nhân chủng học và cổ ngôn ngữ học cho thấy, vào cuối thời kỳ đồ đá, trong lúc tại Đông Nam Á hình thành chủng tộc người Nam Á thì tại miền Giang Nam cũng hình thành những tộc người nói tiếng Tày –Thái tức những dân tộc được Tư Mã Thiên gọi là Bách Việt. (tr.121)

 

Nhận định không chính xác. Theo quan niệm thông thường hiện nay, như La Hương Lâm viết trong Bách Việt nguyên lưu dữ văn hóa (2), thì Bách Việt là toàn bộ những tộc Việt sống trên đất Trung Hoa, chứ không chỉ duy nhất có những nhóm nói tiếng Tày - Thái.

 

- Theo khảo cổ học, vào hậu kỳ thời đại đá mới ở Trung Quốc, tương đương với giai đoạn Phùng Nguyên của Việt Nam, miền lưu vực sông Hoàng Hà đã phát triển hai nền văn hóa được mệnh danh là Ngưỡng Thiều và Long Sơn. Đó chính là những nền văn hóa cơ bản của Hán tộc. (tr.121)

 

Quan niệm như vậy đã bị khoa học vượt qua. Từ năm 1932, tại Hà Nội, giới khảo cổ học nhận định: “Cả văn hóa Ngưỡng Thiều và Long Sơn đều từ giai đoạn sớm của văn hóa Hòa Bình đưa lên” (1). Tại di chỉ Chu Khẩn điếm (Zhoukoudian) có tuổi 18.000 năm trước, đã tìm thấy di cốt người Bách Việt loại hình Australoid. Ngày nay bằng công nghệ gene, khoa học đã xác định được, chủ nhân của văn hóa Ngưỡng Thiều là con lai của người Bách Việt và Mông Cổ phương Bắc. Người Hán, con cháu Hiên Viên Hoàng Đế ra đời khoảng 2600 năm TCN nên không thể là chủ nhân Văn hóa Ngưỡng Thiều có tuổi 5.000 năm TCN (3).

 

- Tại Hoa Nam, trừ vùng Tấn Ninh (Vân Nam), nơi người ta đã phát hiện đựơc một số đồ đồng mang phong cách văn hóa Đông Sơn như trống đồng loại 1, dao găm chắn tay ngang với lưỡi hình lượn sóng vân vân, còn toàn bộ vùng Giang Nam rộng lớn còn lại, từ Hồ Nam, Hồ Bắc qua đến Giang Tậy, Triết Giang, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây cho đến nay người ta không hề tìm thấy được vết tích nào của nền văn hóa Đông Sơn. Hầu hết những đồ đồng tìm được trong vùng này đều mang phong cách của nước Sở hay là của văn hóa Đông Chu (tr.122)

 

Lại một nhận định sai lầm. Khảo cổ học đã phát hiện vài chục trống đồng ở những vùng trên, chỉ có điều niên đại muộn hơn cũng như kỹ thuật thô sơ hơn trống ở Bắc Việt Nam. Tất cả đều thuộc văn hóa Đông Sơn (4). Thời Đông Chu, người Hán chưa đặt chân xuống phía Nam Dương Tử. Nước Sở chính là của tộc Việt

 

- Những chứng tích khảo cổ học đó đã lại một lần nữa xác định sự khác biệt giữa người Lạc, tổ tiên của chúng ta, với những tộc người mà người Hán xưa gọi là Bách Việt hoặc Việt nhân hoặc Di Việt. (Tr. 123)

 

Không phải vậy. Cổ nhân chủng học, khảo cổ và di truyền hoc đã xác định: Lạc Việt (Indonesien) là tộc lớn nhất, giữ vai trò lãnh đạo trong cộng đồng Bách Việt về xã hội và ngôn ngữ. Tổ tiên chúng ta thuộc dòng Lạc Việt này. (5)

 

Những nhân định sai lầm về thời tiền sử tộc Việt của tác giả khộng dừng ở phần mở đầu mà như sợi chỉ, chúng xuyên suốt cuốn sách. Tại chương cuồi Nhìn lại một ngàn năm Bắc thuộc…tác giả cũng viết như sau:

 

- So với những tộc người chung quanh, Trung Quốc dựng nước sớm hơn và trong thời kỳ cổ đại đã đạt được một nền văn minh cao. Nền văn minh nông nghiệp xuất phát từ nông nghiệp trồng khô dựa trên vùng trung du Hoàng hà đã phát triển rất mau và ảnh hưởng đến các dân tộc quanh đó (tr. 266)

 

 Thực tế không phải như vậy. Nền nông nghiệp trồng khô của người Hán tại trung lưu Hoàng Hà là tíếp thu từ nghề trồng kê của người Việt từ Hòa Bình đưa lên muộn nhất là 7.000 năm trước (3). Tại di chỉ Giả Hồ tỉnh Hà Nam có tuổi 9.000 năm phát hiện rượu nấu bằng gạo, mật ong và táo gai. Phía Nam Dương Tử, lúa nước được phát hiện ở di chỉ Hemudu có tuổi 7.000 năm (6).

 

- Cho đến thế kỷ thứ tư trước Công nguyên, những nước này (Ngô, Sở) đã bị Hán hóa hầu như không còn phân biệt được với vùng Trung Nguyên nữa. Những khai quật khảo cổ tại vùng Hoa Nam cho thấy, ngay từ hậu kỳ của thời đá mới, miền Nam trung Quốc hiện nay đã có nhiều di tích mang nặng ảnh hưởng của miền Trung Nguyên. Sang đến thời đại đồng thau và sắt thì miền Hoa Nam đã hầu như bị sáp nhập vào văn hóa Hán. (tr. 266)

 

Hoàn toàn không phải vậy. Có sự thực mà tác giả không ngờ tới: Muộn nhất là vào thời nhà Hạ, số đông người Ngô, Sở đã chuyển sang chủng Mongoloid phương Nam. Khi người Hán xuống phương Nam, họ gặp người Việt đồng chủng của mình sống ở đó lâu rồi. Cái gọi là sáp nhập vào văn hóa Hán chính là việc người Hán tiếp thu văn hóa Việt của người tại chỗ đồng thời dùng áp lực bắt họ nói tiếng Hán. Tuy nhiên, người Ngô, người Sở vẫn dùng tiếng Việt trong sinh hoạt cộng đồng, sau này thành tiếng Quảng, tiếng Tiều (Triều) (2).

 

Những sai lầm bất cập của tác giả do hai nguyên nhân:

 

Thứ nhất, những tư liệu khảo cố và nhân chủng tiền sử Đông Á thay đổi theo thời gian và thường mâu thuẫn. Ám ảnh bởi quan niệm Trung Hoa là trung tâm thế giới, tác giả lựa chọn những tư liệu thuận theo quan niệm của mình.

 

Thứ hai, tác giả không tiếp cận thông tin mới nhất do công nghệ gene mang lại nói về sự hình thành dân cư Á Đông. Từ đó nhiều kiến thức của tác giả bị khoa học vượt qua, trở nên lỗi thời.

 

Nếu tác giả còn tiếp tục công việc của mình, chúng tôi đề nghị:

 

1.       Xin từ bỏ quan niệm “Hoa tâm” rồi rà xét, sắp xếp những tư liệu khảo cổ và nhân chủng Đông Á một cách thực sự khoa học.

 

2.       Nghiên cứu những tài liệu như Eden in the East, Out of Eden Peopling of the World, những tài liệu về Chinese Human Genome Diversity Project của nhóm Y. Chu cùng nhiều tài liệu nói về cội nguồn và văn hóa Việt được công bố những năm gần đây.

 

Trên cơ sở nhận thức mới về cội nguồn và văn hóa của người Việt, trước hết hãy viết lại tập đầu của cuốn sách sau đó viết tiếp những tập khác theo tinh thần đổi mới đó.

 

Hy vọng rằng với tấm lòng yêu mến sử Việt và sở trường của mình, Nhìn lại sử Việt sẽ là công trình có giá trị.

 

Trường hợp cuốn sách của tiến sĩ Lê Mạnh Hùng khiến chúng ta không thể không suy nghĩ.

 Không thiếu nhiệt huyết với văn hóa, lịch sử dân tộc, cũng không hề thiếu tri thức nhưng vì sao chúng ta chưa có được tiếng nói chung? Sự phân tán, ông chẳng bà chuộc khiến chúng ta mất sức, không làm được việc lớn!

 

Mong ước làm cách nào đó tập hợp những người nghiên cứu lại để cùng nhau bàn thảo, tranh luận, đưa tới đồng thuận trên những vấn đề lớn của lịch sử và văn hóa dân tộc. Chắc chắn tiếng nói chung đó sẽ tạo được sức mạnh, không chỉ thuyết phục người Việt mà cả cộng đồng nhân loại.

                                                                    

Tân Phú, tháng 3 năm 2008

 

Tham khảo

 

1     Nguyễn Thị Thanh.  Việt Nam trung tâm nông nghiệp lúa nước và công nghiệp đá xưa nhất thế giới. VietCatholic 30.9.2001

2     La Hương Lâm. Trung Hoa tùng thư. Đài Loan thư điếm 1955.

3     Hà Văn Thùy. Truy tìm gốc tích cây kê. www.vannghesongcuulong.org

4     ; www.havanthuy.ourprofile.net

5     CungĐìnhThanh. Văn hóa Đông Sơn. Tập san tư tưởng.http://tutuong.hypermart.net/htmlfiles/vanhoadongson.htm

6     Vũ Hữu San. Vịnh Bắc Việt. Tripod.com

7     Nguyễn Quang Trọng. Về văn minh cổ và nguồn gốc dân tộc Việt Nam - trả lời nhóm Tư tưởng. Giaodiem.com.

7.   Hà Văn Thùy. Khai sinh người Hán và sự hình thành nước Tàu.

www.vannghesongcuulong.org

 

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 5488
Ngày đăng: 31.03.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bàn lại với tiến sĩ Lê Mạnh Thát - Hà văn Thùy
Tranh cãi về lịch sử cổ đại Việt Nam - Đinh Xuân Lâm
Ai là tổ tiên của cư dân Lưỡng Quảng? - Lê Đỗ Huy
Suy nghĩ về những phát hiện của thiền sư Lê Mạnh Thát - Quach Hien
Về việc “Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động”: Không thể phủ nhận sự tồn tại của triều đại An Dương Vương - Trần Lưu
Lịch sử , sự thật và sử học - Hà Vãn Tấn
Đôi lời với những phát hiện lịch sử chấn động - Trương Thái Du
Suy ngẫm về tiến trình văn minh nhân loại - Hà văn Thùy
Vài nét về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam bộ -1 - Nguyễn Đức Hiệp
Vài nét về lịch sử người Minh Hương và người Hoa ở Nam bộ -2 - Nguyễn Đức Hiệp
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)