Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
501
115.990.152
 
Tình yêu của George Sand : Nữ văn sĩ Pháp
Vương Trung Hiếu

Có những người sinh ra là để yêu, yêu cuồng nhiệt, yêu quên trời đất.Người đó chính là Alfred de Musset. Từ mấy năm rồi chàng cứ thấp thỏm, đợi chờ một tình yêu. Musset viết thư cho bạn mình rằng : Chỉ cần một người đàn bà đến với tôi là tôi quên tất cả những gì tự nguyện trong mấy tháng ẩn dật, yếm thế. Nàng chỉ cần đưa mắt nhìn tôi là tôi sẽ thờ phụng nàng ít ra trong sáu tháng. Sao người ta tàn nhẫn để tôi ở đây quá lâu như vậy ! Tôi cần một bàn chân đẹp và một thân hình mảnh mai. Tôi cần được yêu. Tôi có thể yêu bà chị họ già khọm và xấu xí của tôi nếu mụ ta không hách dịch và hà tiện. Mới 17 tuổi đầu, Musset "đã lên cơn sốt" ái tình mãnh liệt như thế.

 

Mỗi lần ra đường chân chàng lúc nào cũng rảo bước trên đại lộ Gand, mắt liếc gái ngang dọc, Musset coi bộ người lớn trong chiếc quần màu da trời và áo đuôi tôm màu lục. Một chiếc nón "model " chụp lên mái tóc vàng, dài, uống thành lọn. Gương mặt trịnh trọng, sáng rỡ và trái cổ cứ chạy lên chạy xuống mỗi lần có một nàng tiên nào lướt qua.

 

Ánh mắt đột nhiên mơ mộng, vầng trán cao chợt nhăn khẽ. Còn chiếc miệng, thì như Lamartine nhận xét, "nó bất định giữa nguồn vui và nỗi buồn". Con người có thân hình dong dỏng cao, đỏm dáng đó chưa chợp bắt được tình yêu, như cứ làm thơ tình tưởng tượng như điên. Năm 1830, Musset được 20 tuổi, tập thơ bỏng cháy khát vọng yêu đương đầu tay ra đời. Bà dì già khó tính của Musset là một nữ tu, khi đọc tập thơ "lẳng lơ " của chàng, bà đã từ cháu mình và không cho hưởng gia tài, chỉ vì thơ chi mà toàn là yêu với đương, mê với loạn, trai với gái, con người đức hạnh như bà làm sao chịu nổi.

 

Càng ngày chàng thợ săn ái tình càng lùng kiếm ráo riết "con mồi trong mơ" của mình, có lúc tưởng bắt được nhưng với hai bàn tay không chàng chộp hụt "con mồi" đó, nó bay tít lên những căn nhà lộng lẫy, cao ngất nghểu trong thành phố. Mãi đến tháng 6 năm 1833, Musset mới ôm được vào lòng một con chim có cánh nhưng không muốn bay, đó là nữ nam tước Aurore Dupin, có lẽ cái tên có vẻ cải lương phường tuồng quá nàng đổi thành bút hiệu George Sand, xuất hiện trên văn đàn nước Pháp như một hiện tượng mới lạ qua tác phẩm Indiana.

 

Nhà phê bình văn học Sainte Beuve muốn dẫn Musset lại giới thiệu với George Sand, mặt dù đã nghe tên tuổi "thơ thẩn" của chàng, nhưng G. Sand vẫn từ chối : -"Nghĩ kỹ lại tôi không muốn anh dẫn Alfred đến giới thiệu với tôi. Hắn "con gái" quá, không hợp tính với tôi, vả lại tôi muốn hắn hiếu kỳ hơn là vì quyền lợi. Tôi nghĩ hắn muốn làm quen để thỏa mãn cái gì đó là rất bậy. Tình cảm chân chính vẫn tốt hơn".

 

Nhưng ghét của nào trời trao của ấy, trong một bữa ăn có xếp đặt trước ở quán Frères Provancaux, chàng hai mươi tuổi ngồi kế nàng hai mươi chín tuổi. Chàng tán nàng nghe. Chàng thực hành tiếng Pháp hay đến nỗi nàng phải bật cười, thầm công nhận cách ăn nói của Musset.

 

Hôm đó, nhà thơ trẻ hết sức phấn khởi, cố gắng đem miệng lưỡi Tô Tần chinh phục nữ văn sĩ có đôi mắt đen, đẹp và sâu thẩm đó. Mái tóc màu hạt huyền, nước da màu long diên hương của nàng chính là người trong mộng, trong thơ của chàng:

 

Tôi thường nguyện sẽ chọn nàng

Ở Napples, nơi rám nắng vì ánh mặt trời chì

Làm lão mục đồng phải ngái ngủ trong bóng tối

Một làn môi của gái Thổ, và dưới một chiếc cổ thiên nga

Là một ngực trinh bạch, vàng ánh như màu nho non.

 

Và đêm về, Musset cứ thả hồn mơ mộng, mỉm cười ruồi một mình. Ái tình quá thật thần tiên. Nó là một loại tiếng sét dữ dội nhưng êm như nhung, làm sảng khoái tinh thần hơn trăm hộp thuốc bổ. Sau vài lần la cà thăm viếng, vài bữa ăn cho thêm thân mật, vài cuộc đi dạo đàm luận văn chương, hôm nọ, để chứng tỏ với người đẹp là mình đã mê nàng quá rồi, "mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội" và chàng nhảy ùm xuống biển Baltique, khốn thay hành động ấy không lay động con tim nàng. Musset buồn bã viết cho nàng một bức thư: "Cô George thân mến, Tôi có vài chuyện vẩn vơ và kỳ cục muốn nói với cô. Tôi viết cho cô một cách ngu xuẩn như vầy thay vì phải nói thẳng với cô trước, sau cuộc đi dạo hôm ấy, tôi không biết vì sao. Tôi yêu cô. Yêu từ ngày đầu gặp gỡ. "

 

Ở cái tuổi 29, người đàn bà nào không cảm thấy thích thú khi có chàng trai trẻ tỏ tình. Nhưng muốn một kẻ quá tải ái tình như nàng yêu thì phải có thời gian cơ. George Sand không trả lời. Musset tấn công phát thứ hai : "Cô hãy yêu những kẻ biết yêu. Riêng tôi, tôi chỉ biết đau khổ. Có những ngày tôi muốn tự tử, nhưng rồi tôi khóc, rồi tôi cười. .."

 

George Sand vẫn tỉnh như sáo trước lời ong bướm lâm li đó, nhưng câu chót của bức thư khiến nàng rạo rực một cảm giác kỳ lạ :

 

"vĩnh biệt George, tôi yêu cô như một đứa trẻ."

"Như một đứa trẻ" nàng thốt lên bàng hoàng, bàn tay run rẩy bóp chặt lá thư. Chàng yêu mình như một đứa trẻ ! Mon Dieu ! Chúa ơi ! Chàng đã đánh động đến điều bí mật của mình - những cái sâu thẳm trong mong ước đau khổ !.

 

Quả thật nàng đang cần được yêu "như một người mẹ". Và đêm 29 tháng 7 năm 1833, người đàn bà thích có một "tình cảm thiêng liêng" như thế đã trao thân cho chàng, cho một đứa trẻ lao đầu xuống biển Baltique, hô hấp nhân tạo cho hắn hồi sinh trong bầu dưỡng khí tình cảm "rất mẹ" của nàng. George làm kẻ cứu độ hay người quy hàng trước một cậu bé ? Có điều chắc chắn rằng nàng yêu: "mỗi ngày tôi yêu chàng thêm, mỗi ngày tôi thấy những tính xấu của chàng đã làm tôi đau khổ tan dần...”.

 

Cuộc tình như vườn hoa mùa xuân, đơm hoa kết nụ rực rỡ trong căn phòng số 19 đường Malaquais, khách sạn Bouillon. Nàng cảm thấy sung sướng và trẻ lại rất nhiều trong cái "con nít" của người yêu. Căn phòng ngát hương tình, lộng gió yêu thương, nước mắt rơi cho hạnh phúc đong đầy.

 

George đứng trong phòng

Giữa hai bình hoa

Mắt mờ lệ.

 

Nàng đứng tựa cửa phòng, trên người khoác áo lụa màu vàng, mang giày không gót, thắt cà vạt như đàn ông, mái tóc trùm một chiếc lưới kiểu Tây Ban Nha, mơ màng nhìn Alfred trong làn khói thuốc xì gà tỏa ra từ chiếc tẩu lam bằng gỗ anh đào trên tay nàng. Chàng đang chống tay lên giường, chống ngược đầu, hai bàn chân quơ quơ trong không khí, đập nhịp theo tiếng hát trẻ trung đang phát ra từ lòng ngực tràn ngập niềm vui của chàng. Tiếng cười của hai kẻ đang yêu giòn tan như pháo cưới.

 

Một hôm George đang tiếp nhà báo Lerminier ở phòng khách, Alfred muốn tạo một mẻ cười bất ngờ, chàng cải trang thành nhân viên nữ khách sạn, mặc váy ngắn, mang vớ màu để dọn ăn cho lão già khắc khổ, đạo mạo đó. Giả bộ trợt chân, Alfred bưng khay thức ăn đổ ụp lên đầu cây bút chính trị của tạp chí Revue de Deux Mondes. Lão chưa kịp phản ứng thì chàng ngang nhiên ngồi cạnh lão, đôi nhân tình được một trận cười đứt ruột, còn lão già đành nuốt giận làm vui cho phải đạo "nhập gia tùy tục".

 

George Sand là một con người thâm trầm, sâu sắc, nhưng từ khi quen với Alfred, thói quen lý luận, đào sâu những vấn đề trừu tượng tạm thời lắng xuống, hiện giờ nàng chỉ có nguồn vui làm nàng say mê nhất là tính bông đùa của chàng là "ông con Alfred của tôi”. Tình yêu mỗi ngày mỗi đậm đà hơn, thi vị hơn, "sống thân mật với chàng rất êm dịu, và những sở thích của chàng rất quý với tôi.

 

Vào mùa thu, đôi uyên ương đến Fontainebleau. Hai người lang thang trong rừng khi đêm đến. George thích mặt đồ "con trai’ nên nàng vận áo xanh sậm, quần tây, đội mũ, bằng nhung đen, miệng ca hát nghêu ngao, còn Alferd thì nắm tay nàng, chạy len lỏi qua hàng cây. Chàng ôm "anh con trai" đó vào lòng rồi kéo "anh con trai” trên đám thạch thảo. Hai người hôn nhau đắm đuối và …

 

Chung quanh họ, tất cả đều lịm chết, chìm trong cành lá

Hoa trong bàn tay, côn trùng dưới bàn chân

Và trên những mảnh vụn đó, bàn tay họ gắn bó nhau.

 

Bóng đêm như căn phòng thênh thang, phủ một màn sương lành lạnh lên hai sinh thể đang cuộn siết trong ân ái. Suối róc rách chảy hoà lẫn tiếng thở dồn dập của họ và âm thanh của vạn vật như những giai điệu bất tận ru hồn người.

 

Fontainebleau về đêm thật huyền ảo, tuyệt đẹp nhưng có cái đẹp nào của thiên nhiên giữ được hai trái tim luôn khao khát nhịp độ yêu đương mới lạ. Thế là chàng và nàng quyết định sang Italia, hay Venise. Họ làm một trò xin xăm hên xui, quăng đồng tiền lên trời và ông tơ bà nguyệt đã chọn giùm cho họ là Venise. Nhưng mẹ Musset không muốn cậu quý tử của mình đi xa. George phải đến trổ tài hùng biện theo lối lập luận của các bà mẹ, cuối cùng nàng thuyết phục được mẹ Musset, cả hai lên đường.

 

Vào một buổi chiều tháng chạp, Musset và George bước lên xe tứ mã, nàng vận bộ đồ đàn ông, đội mũ kết, mặc quần màu xám ngọc trai, trên tay cầm một chai sâm banh và mẩu bánh dồn thịt, còn Musset vận áo đuôi tôm, tươi tắn và yêu đời.

 

Từ Marseille, họ đi tàu đến Gênes (Italie) và đặt chân lên thành phố Venise vào một buổi tối u buồn, ẩm ướt, tràn ngập cái lạnh quen thuộc của những ngày tháng giêng 1834.

 

George bị cảm lạnh run lẩy bẩy, nàng choàng thêm chiếc áo len dầy cộm bên ngoài. khi đến khách sạn Danieli, Musset dìu nàng lên phòng và George nằm liệt giường suốt mấy ngày sau đó. Alfred không có thói quen săn sóc người bệnh, chàng cảm thấy chán nản khi nhìn khuôn mặt xanh mét đang bị cơn sốt làm cho già nua đi của nàng. Alferd nhăn mặt :

-Một người đàn bà bệnh thật buồn và thật chán !

 

Musset nhờ chủ khách sạn kêu giùm y sĩ. Sau cú điện thoại, năm phút sau một người đàn ông cao lớn, khỏe mạnh bước vào, trên tay xách một túi dụng cụ y khoa. Người đó là y sĩ Pietro Pagello Ông ta nhanh nhẹn bước đến bắt mạch cho một người đàn bà kỳ lạ, mái tóc quăn quấn trong một chiếc băng đỏ kiểu Thổ Nhi Kỳ. Người đàn bà nhìn gương mặt Pietro Pagello, ánh mắt đang đờ đẫn chợt thoáng hiện một chút sinh khí lạ lùng.

 

Thấy có người gánh giùm trách nhiệm, Musset đi ra ngoài. Chàng không phải là người tận tụy với nỗi đau của người khác, nuôi bệnh không phải là vai trò của chàng. Trong khi Musset ngoạn cảnh thành phố Venise, nhậu Valpolicello và rượu vang Vérone trong quán cốc thì người yêu của chàng đang run lẩy bẩy với cơn sốt, thế mà lúc chân nam đá chân chiêu trở về phòng, Musset còn trách George là "một sự chán chường tượng hình” chàng cất giọng lè nhè nói :

- George, anh đã lầm. Anh xin lỗi em, nhưng anh không bao giờ yêu em.

 

Tội nghiệp cho George, nàng chỉ có một cái tội duy nhất là bị bệnh khi đi du lịch, khi tuổi ba mươi và có một chàng nhân tình mới hai mươi ba tuổi.

 

George vô cùng đau khổ. Nàng không ngờ những ngày ở xứ lạ quê người lại buồn thảm đến như thế. Nàng không sợ cơn bệnh đang giày vò mà chỉ sợ lời nói, cách cư xử của Musset, nó như những nhát dao bén ngọt chém vào trái tim nàng, bật máu và đau đớn vô cùng. Vết thương lại lên cơn nhức nhối khủng khiếp khi nàng nhĩ đến cảnh Musset ngất ngưởng trong quán rượu, nhạc xập xình rộn vang và chàng đang ngã ngớn với mấy cô gái thơm ngon như múi mít.

 

Hai người cảm thấy có một khoảng cách vô hình xuất hiện. Tuy nhiên họ vẫn cố đối xử với nhau như bạn bè. Nhưng gặp mặt George, Musset cảm thấy gớm gớm làm sao ? "Trong lúc tôi làm thơ cô ta cắm đầu viết từng xấp giấy. Tôi ngâm thơ lớn lên, thế mà cô ta vẫn cứ viết được. Cô ta rặn đẻ tiểu thuyết cũng d dàng như tôi, cứ chọn mãi những luận đề bi thảm nhất, tội ác, bắt bớ, con giết cha mẹ, đến cả những chuyện đàng điếm lưu manh. Cô ta cũng không quên chửi chính phủ ở vài đoạn về tranh đấu vẩn vơ cho sự thoát xác của đàn bà. Không bao giờ cô ta dùng một cốt truyện trước khi viết, và cũng không xóa bỏ một hàng nào khi viết xong. Đúng là loại gà mái cầm bút điển hình".

 

Sau này, Alfred đã tự bào chữa bằng luận điệu ngụy biện rằng : "Tôi còn trẻ và còn thích lạc thú. Sống cả ngày với một người đàn bà lớn tuổi hơn tôi lại mắc bệnh và buồn chán, gương mặt càng ngày càng trở nên nghiêm trang khắc khổ, tất cả cái đó làm tuổi trẻ tôi vùng dậy, bất mãn và làm tôi tiếc đến độ chua chát đời sống tự do lúc trước.

 

Trời bất dung gian cho Musset chàng ngã bệnh và sốt mê man. Có lúc chàng không còn biết gì nữa, Musset cởi quần áo, chạy khắp phòng la hét như một thằng điên, George phải nhờ hai người đàn ông mới kềm chàng được. Bác sĩ Pagello lại đến săn sóc người bệnh mới, George túc trực bên giường cả ngày, chăm lo cho người yêu. Nhưng khi không gian chật hẹp trong một căn phòng, ở đó một người đang đắm chìm thiêm thiếp ngủ trong nỗi mệt nhọc do bệnh tật gây ra, chỉ còn một người đàn ông và một người đàn bà ngồi bên nhau suốt đêm, điều gì xảy ra ? Nếu quan hệ giữa Musset và George vẫn mặn nồng như ngày mới quen thì không nói gì, còn bây giờ George muốn trả cái hận bị Musset ruồng bỏ, ông ăn chả thì bà cũng có quyền ăn nem.

 

Chàng thi sĩ cành hoa đẹp

Ta muốn uống nhụy mật của chàng

Nhụy đã làm ta say, nhụy đã đầu độc ta

Và trong một ngày giận dỗi

Ta đã tìm một chất độc khác để kết liễu đời ta.

 

Tình cờ Pagello đọc tờ giấy có ghi những dòng chữ đó trên bàn, ông không hiểu. Một ngày kia, Pagello hỏi George :

- Hình như bà định viết một quyển tiểu thuyết về thành phố Venise thơ mộng này ?

Nàng trả lời :

- Có lẽ thế.

 

George ấm ức, nàng ngồi vào bàn viết liền một mạch. Một giờ sau, nàng đưa tờ giấy cho bác sĩ Pagello. Ông vẫn chưa hiểu người đàn bà muốn nói gì.

-Bà muốn nhờ tôi trao tờ giấy này cho ai ?

- Cho tên Pagello ngu xuẩn !

 

Gã bác sĩ tròn mắt đọc :

"Em ở gần chàng như bức tượng phai mờ, em nhìn chàng ngạc nhiên, đầy thèm muốn, lo âu … Đối với em, chàng sẽ là một nơi nương tựa hay một người chủ ? Chàng có an ủi được những đau khổ em đã gánh chịu trước khi gặp chàng ? Chàng không phải là một người đàn ông? Trong lòng ngực khỏe mạnh, trong đôi mắt sáng và vầng trán thôn minh kia, chàng ấp ủ những gì ? Ban đêm trong giấc ngủ, chàng có mơ thấy mình bay tận lên trời không ? Khi bị người ta làm cho đau khổ, chàng có cầu cứu đến Chúa Trời không ? Em sẽ là bạn hay nô lệ của chàng ? Chàng có yêu, có thèm muốn em không ? Khi đã thỏa mãn, chàng sẽ cám ơn em ? Khi em làm chàng sung sướng, chàng sẽ nói cho em biết ? Những lạc thú ái tình sẽ làm chàng mệt mỏi, chán ngán, hay chàng sẽ hưởng chung trong một sự đam mê thần tiên ? Hồn chàng có còn liền với xác khi chàng rời bỏ bộ ngực của người yêu ?.

 

Những dòng chữ đầy những dấu chấm hỏi của George giống như các cánh tay rờ rẫm từng sợi dây thần kinh trong óc Pagello, nó làm cho người đàn ông này rùng mình. Dẫu thời đại văn minh và là thời kỳ lãng mạn, con người thoát lên trên những ràng buộc của đời thường, song bác sĩ Pagello cũng hơi choáng một lát, tuy nhiên, một người Ý  như ông, không lẩn trốn.

 

Ông biến ra công trường Saint Marc, chui vào một quán nhạc, gọi càfé và hút liên tiếp mấy điếu thuốc. Sau khi suy tính một lúc, ông trở lại phòng của George, trả lời những câu hỏi nóng bỏng đó. Không biết ống nói thế nào mà George đã ngã vào vòng tay của ông. Đằng kia, Musset nằm vật vã với cơn sốt, trong giấc mơ mệt nhọc chàng thấy mình nắm tay Goerge chạy len lỏi dưới hàng cây trong khu rừng ở Fontainebleau hai người cười vang rồi ngã chồng lên nhau trên bãi cỏ, nụ hôn nhốt tiếng cười trong hai lồng ngực. Nhưng bầu trời đột nhiên tối sầm, sấm sét nổ ầm từng cơn. Musset thấy tự nhiên George biến đâu mất, những hàng cây xoay tít, phết những màu xanh màu vàng lên không gian đen đậm. Musset chới với huơ tay chụp những chiếc bong bóng trong suốt như phalê, bay chập chờn trước mắt chàng.

 

Bất chợt, Musset thấy mình đang ngồi trong một quán rượu, vòng tay siết chặt thân thể một người đàn bà xa lạ …

 

Mấy ngày sau, bệnh tình thuyên giảm, Musset lờ mờ hiểu được những gì xảy ra chung quanh, chàng biết mình xuống dốc trầm trọng và chàng vẫn còn yêu Goerge, yêu đến điên cuồng. Musset nài nỉ George :

- Hãy trở về với anh, anh nguyền sẽ hối cải. Anh nguyền sẽ yêu em …

 

Đêm nọ, thấy đèn phòng của George còn sáng, Musset nhẹ nhàng bước vào, bắt gặp nàng đang viết thư tình cho Pagello. Chàng cầm tờ giấy lên đọc, nhưng George vội vàng giật lại, xé thư rồi quăng ra của sổ. Sáng hôm sau, lúc hừng đông, Musset thấy nàng mặt áo ngủ, xuống kiếm những mảnh giấy vụn của bức thư trên lề đường. Musset nhìn dáng dấp loay hoay, khuôn mặt thẩn thờ của nàng mà lòng đau khôn tả. Chàng chống tay lên thành cửa sổ, chồm người ra hét lớn, giọng mỉa mai :

- Em không tìm được chúng đâu. Gió đã quét đi cả rồi.

 

George giật mình ngước lên phía cửa sổ, rồi bỏ chạy, nhảy lên một con thuyền. Người chủ thuyền chưa kịp tháo dây, rời bến thì Musset đã tới nơi, chàng nhảy xuống ngồi kế bên George. Hai người im lặng.

- Thưa ông bà, chúng ta đi đâu ạ ?

- Nghĩa địa Do Thái - George lên tiếng.

 

Con thuyền lướt lên dòng kênh đen, xuôi mái về hạ nguồn qua lâu đài Calergi ( ngày nay là đài vô tuyến truyền thanh và truyền hình Venise ). Đến nơi, George như điên cuồng, chạy ôm từng phiến đá mồ thổn thức khóc … rồi thú thật với Musset rằng nàng đang yêu Pagello.

 

Musset giận tím người, cơn ghen bốc cháy trong đầu khiến chàng choáng váng. Chàng cố gắng kìm hãm những lời nói thô tục sắp sửa bắn vọt ra cửa miệng. Musset vuốt ve bờ vai đang run rẩy của George, thở dài.

 

Lúc trở về khách sạn Danieli, George vẫn cứ giọng điệu điên cuồng , nàng rên rỉ :

- Tôi yêu Pagello, tôi khẳng định là yêu.

 

Musset chịu hết nổi, chàng gằn giọng nguyền rủa :

-Tao sẽ đặt lên mộ mày một tấm mộ bia có thể làm xanh mặt những ai đọc nó.

 

Musset làm dữ, gây náo loạn cả khách sạn, đòi thách Pagello đấu gươm, đòi bẻ họng George … Nàng cũng không vừa, đêm đó George đe dọa sẽ nốc cạn một chai thuốc độc. Sau cùng, Musset đấu dịu, chịu thua và cuốn hành lý trở về quê hương, bỏ George lại thành phố Venise ngập ánh nắng vàng và người tình ngốc nghếch của nàng.

 

Chàng viết thư gửi mẹ : “Con sẽ đem về cho mẹ một tấm thân bệnh hoạn, một tâm hồn sa đọa, một con tim rướm máu nhưng vẫn còn thương mẹ”.

 

Giới nghệ sĩ ở Pháp thời bấy giờ sống trên tất cả những quy phạm của xã hội. Chủ nghĩa lãng mạn đã kêu gọi họ tiến lên, sống hết mình và nhiệm vụ vinh quang của họ là xả thân cho nghệ thuật. Cái quan trọng mà người đời cần là tác phẩm của họ, còn đời tư, xin một sự cúi đầu lảng tránh, hãy để họ sống, yêu và quyết định cuộc đời họ.

 

Mặc dù ở hai phương trời, nhưng Musset và George vẫn viết thư cho nhau :

 

"Tội nghiệp cho em ! Em đã lầm, em tưởng là người yêu của anh, nhưng thật ra em chỉ là một người mẹ. Trời đã sinh ra hai chúng mình để gặp nhau như hai con chim núi bay sà vào nhau, nhưng vòng tay ôm đã quá mạnh. Chúng mình đã phạm loạn luân …"

 

Và Musset trả lời :

"Em đã là một người yêu hay người mẹ của anh, điều đó không cần ! Dù em đã đối với anh bằng tình yêu hay tình bạn, dù em đã sung sướng hay đã khổ bên anh, tất cả điều đó cũng không làm em thay đổi tâm hồn hiện nay."

 

Thật vậy ! Lúc này Pagello là trên hết. Nàng là tất cả của Pagello, "một thiên thần đầy đức tin, đáng được hưởng hạnh phúc ", một người biết tôn trọng nỗi buồn kinh niên của nàng một cách thiêng liêng.

 

Và George viết tiếp cho Musset :

“Em đã trải qua những giờ phúc êm đềm nhất với Pagello khi nhắc nhở đến anh ."

 

Alfred buồn như đưa đám. Chàng thường lui tới đường Malaquais, nơi đã hưởng những hạnh phúc hoa mộng buổi đầu với George. Chàng tìm hút một tàn thuốc của George còn sót lại trong phòng của nàng, lấy một chiếc lược gãy đã đôi lần vuốt ve mái tóc đen huyền của nàng để về ôm ấp, mộng mơ.

 

Tháng 8 năm 1834, George trở về Paris, mang theo người tình đau khổ Pagello. Nàng mướn một căn phòng ở khách sạn Orléans. Theo đúng tinh thần lãng mạn, sự tư duy “hiện đại” của những con người làm nghệ thuật, musset và George gặp nhau, hẹn hò và yêu đương như thuở ban đầu. Lúc đó, vị bác sĩ của thành Venise, một người sống cho khoa học tự nhiên, không còn hiểu tình đời ra sao nữa. Ông đã ngoan ngoãn bỏ cuộc, tách xa người đàn bà có “cặp mắt sơn miêu’’. Con người thiếu chất lãng mạn này đâm ra đau khổ, nhưng ông vẫn là người ít đau khổ nhất trong ba người. Trở về nước Italia, Pagello bỏ lại đôi nhân tình kỳ lạ, cấu xé nhau, yêu nhau rồi xa nhau, tìm gặp nhau, đày đọa nhau, khóc lóc rồi la hét, nổi điên rồi muốn tự tử. George cắt mái tóc đẹp của nàng để chứng tỏ mối tình chân thật với Musset. Còn chàng thì như một võ sĩ qua nhiều lần lên võ đài, chàng thấm mệt và cảm thấy lòng đam mê của mình nguội lạnh dần.

 

Bản tình ca đến giai đoạn cao trào, cuộn dâng những âm thanh mãnh liệt, cuốn trôi hai tâm hồn vào một thế giới mơ hoa để rồi chấm dứt bằng một hợp âm nghịch. Chàng và nàng xa nhau thật sự.

 

Tháng 3 năm 1835, George thu hết can đảm, chạy trốn về Nohant, và Alfred không theo nàng. Chàng không buồn cất một lời gọi lại. Nhưng tình yêu đã biến thành những vần thơ sầu thảm của chàng nghệ sĩ Musset :

 

"Xấu hổ cho mi người đàn bà đầu tiên

Đã dạy cho ta sự phản bội

Xấu hổ cho mi, người đàn bà có đôi mắt u ám

Mà mối tình thảm hại

Đã chôn vùi trong bóng tối

Mùa xuân và những ngày đẹp nhất của ta."

 

Và George trả lời :

"Thôi đủ rồi, nhà thơ ơi. Bên cạnh một kẻ bội tình

Khi những ảo ảnh của nàng chỉ kéo có một ngày

Đừng nguyền rủa ngày đó khi nói đến nàng

Nếu muốn được yêu, hãy kính trọng tình yêu."

 

Musset đã là quá khứ của nữ tiểu thuyết gia George Sand, nàng đã sang một bến bờ tình ái khác. Giờ đây, nàng mới nhớ đến người chồng cũ của nàng, nhớ đến hai đứa con, nhưng nàng vẫn như con thiêu thân lao đầu vào ánh sáng ái tình hư ảo. Trong vòng một năm, sau khi xa Musset nàng say sưa với những mối tình mới, hờ hững và chóng qua.

 

George cảm thấy mệt mỏi, đau khổ, nàng muốn xa lánh tất cả những người đàn ông để hàn gắn vết thương lòng đầy nhục cảm tội lỗi của nàng. Nhưng đối với một người viết văn, chỉ có cái chết mới làm họ hết yêu và George lại sang trang tình sử khác. Một giọng văn mới cho cuộc tình mới của nàng bắt đầu …

 

(*): Bài này trích từ YEUVIETNAM.COM.Theo bản tác giả gửi.

Vương Trung Hiếu
Số lần đọc: 4525
Ngày đăng: 02.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Võ Đắc Danh : “Nghệ thuật chỉ là tìm tới sự đồng cảm” - Diễm Thư
Người của cát bụi lộng lẫy - Ngô Minh
Ngày xưa Trữ La , Ngày nay Tích Tửu… - Trần Áng Sơn
Giữa đôi bờ hư thực - Trần Áng Sơn
Nhà thơ lãng mạn Anh : Lord Byron và những mối tình sôi nổi (*) - Vương Trung Hiếu
Nhân ngày giỗ của nhà thơ Nguyễn Khuyến:Thành phố Hồ chí Minh nên trả lại tên đường cho nhà thơ Tam Nguyên Yên Đổ - Nguyễn Mộng Giao
Cơm nhà và tù và hàng tổng - Lê Xuân Quang
Gặp sầu nữ Bạch Lan - Võ Quê
ẤN BẢN CỦA VỈA HÈ : 13 bài thơ đẹp của tháng ba, thơ Trần Hữu Dũng. Ấn bản của Vĩa Hè. Xuất bản – trình bày: Nguyễn Đình Bổn. In lần thứ nhất tại Sài Gòn – 2008. - Võ Quê
Nỗi lòng người nghèo - Nguyễn Nguyên An
Cùng một tác giả