Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
554
116.587.954
 
Nhà thơ Mỹ Edgar Poe –Sự chết, Nước mắt và Tình yêu
Vương Trung Hiếu

Sau những tháng ngày lê bước khắp các nẻo đường gió bụi ở miền Nam nước Mỹ, gánh hát rong trở về, dừng chân tại Richmond, một thành phố êm đềm, vui tươi với những ngôi nhà trắng nằm san sát nhau. Những chiếc thuyền buồm lướt nhẹ trên sông với những bụi hoa mộc lan nõn nà, e ấp, khoe sắc dưới nắng vàng mơ. Richmod là thủ phủ của bang Virginia, một hải cảng thanh bình, một nơi lý tưởng cho khách nhàn du thưởng ngoạn.

 

Sáng hôm đó trời trong xanh, những đám mây trắng lững lờ trôi, thỉnh thoảng che khuất mặt trời khiến không gian sẫm màu, những bóng mây mát rượi làm giảm bớt vẻ mệt nhọc của đoàn lữ hành vừa trải qua những chuyến đi dài. Gánh hát rong "Richmon" đã về đến cố quận. Cô Elizabeth Poe hy vọng rằng đêm nay rạp hát sẽ đông nghẹt người đến xem tài nghệ diễn xuất của mình. Nhưng Elizabeth vẫn hồi hộp, lo âu vì sức khỏe đang bị thời gian gió bụi bào mòn, vắt kiệt đến nỗi không còn hơi sức cất giọng ca như mê hoặc lòng người nữa.

 

Đêm đó rạp hát vắng tanh, hy vọng của nàng như tim đèn lụn dần thời gian chờ đợi. Giới trưởng giả quê nhà không còn săn đón nàng như những lần trước nữa. Ngồi trong cánh gà, nước mắt Elizabeth lăn dài làm loang lổ khuôn mặt đầy son phấn của nàng. Các diễn viên, nhạc công trong đoàn lặng lẽ mỗi người một góc nhìn nhau, im lặng và im lặng nặng nề.

 

Elizabeth 24 tuổi. Chứng bệnh lao phổi đã không ngớt hành hạ nàng và sự đau đớn đã theo đuổi nàng trên khắp bước đường tha phương cầu thực. Nàng có linh cảm Richmod là chặng đường cuối cùng của đời nàng, một đời ca hát chấm dứt trong đau khổ, nghẹn ngào. Nước mắt lại tuôn rơi khi nàng chạnh lòng nghĩ đến người thân yêu nhất đời mình.

 

Một năm về trước, khi gánh hát dừng chân tại thành phố New York để trình diễn những vở kịch của Shakespeare. David Poe chồng nàng, đã lặng lẽ bỏ đi. Người chồng nghiện rượu kinh niên đó là một kẻ bất thường, tính tình sớm nắng chiều mưa. Hắn mặc cảm tài năng của mình. Đã bao năm lăn lộn trong nghề hát xướng nhưng người đời vẫn không hề biết sự tồn tại của hắn giữa ánh đèn màu sân khấu. Đói khổ và bệnh tật cộng với cơn động kinh thường xảy ra sau khi ma men nhập vào người, hắn quẩn trí và biến mất không để lại dấu vết nhỏ nào. Cuộc đời hắn ra sao không ai được biết. Người ta chỉ thấy nàng Elizabeth lủi thủi với ba đứa con mọn. Đứa lớn nhất là William, đã gởi cho ông bà nó nuôi ở Batimore. Đứa thứ hai là Edgar, một nhà thơ thiên tài của nước Mỹ sau này. Còn đứa út cô bé Rosalie, một đứa trẻ đáng tội mang mầm mống bệnh điên trong người.

 

Ngày 29 tháng 11 năm 1811, nhật báo Richmond đăng lời kêu gọi lòng từ thiện của dân chúng như sau : " Đêm nay bà Poe đang nằm liệt trên giường bệnh với hai đứa con nheo nhóc bên cạnh, bà đang kêu xin chúng ta hãy giúp đỡ và có lẽ đó là lời nài xin cuối cùng ".

 

Ngày 10 Tháng 12, tờ Richmond đăng tiếp : "Nữ kịch sĩ Elizabeth đã qua đời, một ngôi sao đã tắt ".

Nhưng đối với cậu bé Edgar, tấm thảm kịch đời cậu mới mở màn, mới lên ba tuổi cậu không hiểu gì cả. Cái chết có ý nghĩa gì chứ ? Và Edgar không thể tin rằng mẹ cậu chết. Nằm ngủ ở một góc tối tăm phía sau cánh gà gọi mẹ khan cả giọng, nhưng mẹ đâu rồi. Edgar vẫn không hiểu là mẹ mình đâu rồi.

 

Vài ngày sau, lúc Edgar xin được khúc bánh mì bố thí ở tiệm ăn trở về, cậu vừa gặm và nghĩ rằng sẽ chừa một nửa cho em gái mình, bất chợt thấy dòng người hớt hải, la ơi ới từ phía rạp hát chạy ngược trở lại, Edgar kinh hoàng.

 

Và chiều hôm đó đã hằn sâu một kỷ niệm khốc liệt lên tâm hồn đa cảm của cậu bé. Một đám cháy đã thiêu rụi rạp hát, chôn vùi 60 nạn nhân dưới đống tro tàn.

 

Hai đứa trẻ bắt đầu lang thang như những con chó hoang giữa chợ đời. Một nhân chứng thuật lại : "Chúng nó không có bánh ăn, không củi lửa, dầu đèn để thắp, quần áo thì đã đem đi cầm hết rồi. Hai đứa bé sống dở chết dở vì đói khát. Con bé gái bị hôn mê".

 

Sau khi khi thần lửa đến viếng, các đào kép bỏ đi kiếm ăn mỗi người một ngả. Hai đứa trẻ bất hạnh cầu bất cầu bơ, ban ngày lê la đầu đường xó chợ mong nhặt được gì đó nhét vào bụng, đêm về nằm còng queo trên vỉa hè có mái che, hoặc chui rúc vào ống cống ngủ chung chạ với bầy chuột cống đen xì. Thời may vẫn có những người lòng nhân từ, bé Rosalie được bà Mackensie đem về nuôi, còn Edgar thì được bà Allan nhận làm dưỡng tử. Người thiếu phụ này được 27 tuổi, không con cái, vợ của một thương gia giàu có ở Richmond.

 

Edgar rơi trúng ngay đống vàng. Từ dưới đất nẻ rác rưởi, sình bùn của thế giới cùng đinh, cậu bé côi cút chui lên căn nhà huy hoàng, đầy đủ tiện nghi của bà Frances Allan, căn nhà sực nức mùi thuốc lá thơm và rượu quế. Từ nay cậu chàng trở thành Edgar Allan Poe và cậu đã nhanh nhẩu gọi dưỡng mẫu là "má". Hoàn cảnh sống thay đổi, Edgar bắt đầu bay trên một không gian hạnh phúc mà ngay cả chính trong giấc mơ cậu cũng không thể tưởng tượng được. Từ một cậu bé " không có lấy một góc nhỏ trong rạp hát, không thuê được một buồng con trong khách sạn" như có người đã viết về cậu, Poe biến thành một cậu công tử con nhà giàu, ăn mặc bảnh bao và được nuông chiều hết mực. Cha mẹ nuôi của Edgar rất ngạc nhiên khi thấy thằng bé thông minh kỳ lạ, nó có vẻ già dặn trước tuổi, biết đọc, biết vẽ, ca hát và kể chuyện hay không thể tưởng tượng được. Cậu ngự trị trong gia đình Allan như một ông hoàng con. Sau này Edgar Poe viết : "Ở vào cái tuổi mà ít đứa trẻ nào rời váy mẹ, tôi đã say sưa lao mình vào một cuộc sống theo ý tôi và tôi làm chủ hành động của chính tôi ".

 

Sống trong cảnh nhung lụa của gia đình trưởng giả đó, được đắm mình trong biển cả yêu thương của cả gia đình, nhưng nếu ai hỏi rằng cậu có hạnh phúc không ? Cậu sẽ trả lời rằng : " Không ". Bởi vì quan niệm hạnh phúc của cậu không phải là cái gì bình thường như mọi người vẫn nghĩ. Giàu sang ư , được yêu thương ư, cậu không cần, hạnh phúc của cậu là giấc mơ hằng đêm, là thế giới thần kỳ, là địa ngục kinh dị, tối tăm của một chiều không gian khác. Ở đó, con người biến thành thiên thần, có đôi cánh bay bềnh bồng giữa âm thanh cuồng nộ của sấm sét, chung quanh phủ đầy ánh sáng đủ màu sắc, những màu gợi lên cảm giác nóng nực, rực đỏ của sa mạc mênh mông hay màu lạnh như băng của Bắc cực, đen tối, sâu thẳm giữa đôi mắt mẹ Edgar, đôi mắt của người chết.

 

Ở đó, có thể là địa ngục hay là cái gì hun hút sâu giữa lòng trái đất, máu chảy như một dòng sông nhầy nhụa cảm giác kinh tởm, bàng hoàng, ma trơi thét gào, gọi hồn bốn phương về tề tựu trong một lâu đài xám xịt, một cái sọ người khổng lồ, giữa hai trũng mắt của nó có bầy quạ đen đang cất tiếng òe, ẹt, òe, ẹt …., tranh giành nhau một xác chết rữa nát, rỉa từng miếng thịt bóc mùi lộn mửa. Đó là hạnh phúc, đó là thế giới thần linh kinh dị, của nước mắt và của vũng bùn dơ dáy đã ám ảnh tuổi thơ của Edgar Poe.

 

Mùa hè năm 1815, Edgar Poe theo cha mẹ nuôi đến London nước Anh. Ông bà muốn mở rộng phạm vi buôn bán với đất nước này, mới sáu tuổi, Edgar được gởi vào trường nội trú Manos House của mục sư Bransby ở ngoại ô London.

 

Nỗi sầu xa xứ và sự chia ly đã quất những ngọn roi vào dây thần kinh của Edgar khi cậu mơ màng trong giấc điệp. Một lần nữa phải xa người mẹ kính yêu, người mẹ thứ hai đã bỏ chàng bơ vơ, cô độc giữa những kẻ xa lạ. Cậu tủi thân nghĩ rằng mình vẫn là đứa trẻ mồ côi, đơn chiếc cho đến muôn đời…

 

Sương mù của miền bắc nước Anh đã che mờ ánh mặt trời của Richmond và đàn hải âu bay liệng trên những cánh buồm đã biến thành những con quạ kêu rên ai oán trong những lùm cây du". Những hình ảnh buồn thảm của xứ lạ quê người đã trùm lên tâm thức non nớt của cậu bé ấn tượng kinh hoàng. Mỗi giấc mơ như những thiên thạch từ vũ trụ mênh mông rơi ập vào người cậu, nghiền nát trái tim cậu. Nỗi ám ảnh đó mà 30 năm sau đã vỡ ra thành những vần thơ bi thống nhất trong tác phẩm "Con Quạ", nói về một chàng thư sinh ngồi ủ rũ bên chồng sách lúc nửa đêm, than khóc cho cái chết của một người đàn bà xuân thì, đó là hình ảnh mẹ của Edgar Poe :

 

… " Vào giữa đêm hôm đó, trời ảm đạm ta đang suy tư trong mỏi mệt rã rời …

Bên những pho sách kỳ dị bàn về những kiến thức không còn ai nhớ tới …

Khi ta gục đầu thiu thiu ngủ, thình lình có tiếng gõ như một người gõ cửa thật khẽ, nơi cửa phòng ta "một vị khách nào đó " đang gõ cửa phòng thôi. Chỉ có thế và không còn gì nữa ".

 

Tiếng gõ cửa lại văng vẳng vọng lên ở bên kia cửa sổ, chàng thư sinh vội vàng mở tung cửa và một con quạ bay vào đậu trên thành cửa lớn cất tiếng kêu buồn thảm "không còn nữa ?".

 

Chàng thư sinh khốn khổ van xin rằng quạ đừng lý giải về sự sống và cái chết nữa. Ta đang đau buồn vô kể. "Và quạ không hề bay đi, vẫn ở đó, vẫn ở đó."

 

Trên bức tượng bán thân trắng mờ của thần Pallas ngay trên cửa phòng ta.

Đôi mắt nó đang đầy dáng vẻ của một ác quý đang mơ màng.

Và ánh sáng đèn trên chảy xuống in bóng nó trên nền và hồn ta thoát ra từ chiếc bóng đó, nằm nổi trôi trên thềm.

Sẽ được cất lên… Không còn nữa !"

 

Năm 1820, công việc làm ăn ở nước Anh thất bại, ông John Allan cuốn gói về nước. Và thế là Edgar Poe được gặp lại Richmond- vùng đất của mặt trời năm cũ. Cậu tưởng tượng đến gặp cô em gái Rosalie từ xa, hai anh em sẽ phóng ào lại ôm nhau và những giọt nước mắt hội ngộ sẽ lăn dài trên hai gương mặt rặng rỡ niềm vui. Câu chuyện sẽ nổ như pháo rang, cô em sẽ tíu tít hỏi cậu đủ chuyện ở nước Anh. Nhưng chưa đặt chân đến nhà, Edgar Poe đã nhận được một tin buồn. Nó bay từ gia đình Mackensie, dưỡng mẫu của bé Rosalie, như một quả bom nguyên tử nổ tung giữa tâm hồn Edgar, hủy hoại tất cả những tế bào hy vọng đoàn viên trong trái tim cậu." Rosalie không lớn được nữa vì chứng điên loạn tàn phá…"Edgar ý thức được định mệnh đang cố tình đánh ván bài quyết định đối với cậu, một là cậu chiến thắng nghịch cảnh, vượt tránh khỏi niềm đau, hai là cậu quỳ xuống, dâng linh hồn của mình cho thế giới ở bên kia. Nhưng ván bài đen đỏ chơi có vẻ trung thực nên hai bên bằng điểm nhau, và điều đó khiến Edgar Poe nửa mê nửa tỉnh giữa cuộc đời. Những đứa trẻ hàng xóm và lũ bạn học đã khám phá ra "gien điên" trong dòng máu của Edgar, chúng tẩy chay không cho cậu gia nhập vào xã hội của chúng. Và chúng kháo với nhau rằng " Người ta cho biết cha mẹ ruột nó xưa kia là đào kép hát, nay nó phải sống bám vào lòng nhân đạo của người cha nuôi !...".

 

Edgar căm phẫn lũ trẻ cùng cực. Chúng nào biết không cha không mẹ giữa cõi đời ô trọc này là một nỗi bất hạnh lớn nhất của con người, chúng không tưởng tượng được vì những đêm bình an trong mái ấm gia đình ruột thịt của chúng không có sự ray rứt cô đơn/ Giấc ngủ của chúng bình yên và giấc mơ đẹp đẽ vô tư đến với chúng. Từ nỗi thù đời ghét người đó, Edgar tạo nên sự căng thẳng trong mối quan hệ với ông John Allan. Cậu ngủ bờ ngủ bụi không thèm bước về căn nhà sang trọng có nệm ấm chăn êm kia.

 

Mỗi ngày Edgar càng trở nên lạnh lùng với những va chạm chung quanh, cậu ít nói và không còn biết cười nữa. Edgar như con sâu chui rúc vào tổ kén cô đơn, mùa đông tâm lý khiến con sâu tội nhiệp nhỏ bé đó co rúm thân hình, oằn oại trong cái rét buốt nội tâm. Những con chữ xoay tít như bông vụ trong tiềm thức, chạy qua chạy lại trên vần trán đẫm mồ hôi của Edgar Poe. Nó vụt quần tụ hai bên thái dương, đâm vào dây thần kinh của cậu khiến tay chân cậu run rẩy. Nó len lỏi vào cánh tay phải, bơi trong các mạch máu có những đường kênh đào chằng chịt rồi nó chui lọt vào cây viết, xoay tít mãi và cuối cùng biến thành những giọt mực chảy ra đầu ngồi viết, lẫn lộn trần truồng trên trang giấy theo nhịp tay cuống cuồng đặt xuống, nhấc lên của Edgar Poe. Những con chữ tắt thở, nằm bất động như từ xác chết của chúng, lung linh những ánh sáng có màu sắc của mặt trời, trăng sao, đồng tử con người và nụ cười say đắm của những kẻ đang yêu.

 

Cũng may trong thời gian này Edgar vẫn còn người an ủi cậu. Bob Stanard, một người bạn của Edgar, đã đem cậu về giới thiệu với mẹ mình.

Khuôn mặt người đàn bà tuyệt vời đó đã quyến rũ Edgar ngay tức khắc. Đôi tay bà trắng xanh, giọng nói như rót mật vào lòng…Đối với Edgar, bà Stanard là một thực thể đàn bà nhất trong tất cả những người đàn bà. Cậu gọi bà là "Helen ". Bản năng và lý trí trong con người Edgar xung đột mãnh liệt theo từng lời réo gọi vô hình của " Helen".

 

Ngày nọ bà "Helen " trốn biệt trong phòng, khóa chặt cửa và chỉ có quan tòa Stanard, chồng bà mới vào được. Những kẻ ngồi lê đôi mách, thích chõ miệng vào đời tư người khác cho rằng bà bị điên loạn. Tháng tư năm 1821, căn phòng được mở toang, nhưng không có bóng dáng của một kẻ bệnh tâm thần, tóc tai rũ rượi, lảo đảo bước ra mà chỉ có một thân hình cứng ngắc, xanh mét nằm trên chiếc băng dài được bốn người đàn ông khiêng ra. Bà " Helen" qua đời.

 

Sau này, Edgar Poe kể lại mỗi đêm ông có thói quen của một kẻ mộng du, chân bước theo quán tính, lang thang ra nghĩa trang Schockol để nói chuyện với người chết tuyệt đẹp đó và tập thơ " Cho Helen" mà các nhà nghiên cứu văn học Mỹ cho rằng Edgar Poe đã viết trong thời kỳ này lúc cậu mới 15 tuổi đã là một hạt ngọc kết tinh trong vỏ sò cô đơn của Poe. Nó bộc lộ khả năng tư duy của một bộ não chứa số lượng tế bào thần kinh hơn bình thường. Đứa con tinh thần đó chứa đựng lòng mong mỏi của một hồn thơ niềm tin về nét đẹp xa xưa của nền văn minh Hy-La cổ đại và của một thế giới "không với tới được ", còn nằm trong lý tưởng của con người, hay nói cách khác, một vũ trụ thẩm mỹ hỗn mang cách xa nhận thức của nhân loại hàng tỷ năm ánh sáng trí thức.Nhưng vẫn bám rễ sâu trong sự hồn nhiên, chân thực của ngôn từ :

 

" Hỡi Helen, nàng đẹp cho ta

Như những cánh thuyền buồm ở Nice ngày xưa

Êm đềm lướt trên biển cả ngát thơm

Đưa kẻ lữ hành mệt nhọc trở về

Bờ bến quê hương..."

 

Edgar bước chân vào trường Đại học Charlottesville. Chàng là một sinh viên xuất sắc, nhưng tiếng gọi ma quái từ trong sâu thẳm tâm hồn đã xúi giục chàng lìa bỏ ngôi trường đó. Chàng như một người bị bệnh "nhị nhân cách", cứ tưởng mình là một người hoàn toàn khác mình, hôm nay tôi là "A" ngày mai tôi là "B"... Chàng sống một mình và vào một buổi chiều mùa đông, khi ngọn lửa trong lò sưởi lụi tàn, heo hắt, chàng bẻ gãy mọi đồ đạc trong phòng, quăng vào lò và nhìn ngọn lửa hồi sinh, bùng cao ngọn như một người điên. Chàng nốc rượu hết cốc này sang cốc khác, "uống dã man " – như chàng nói.

 

Con trai của David Poe, một bợm nhậu thứ thiệt, cũng đã trở thành đệ tử chính hiệu của thần lưu linh. Chàng lặn hụp trong một biển cả rượu quế suốt ngày, rồi chàng bơi được vào một hoang đảo nhưng đó là nơi chốn của sự ma quái, những cây cổ thụ trơ trụi, vươn cánh tay sần sùi ra bóp cổ Edgar khiến chàng bàng hoàng, sợ hãi. Bất chợt những cành cây biến thành hàng chục khuôn mặt đàn bà đẹp, nhoẻn miệng cười tình tứ với Edgar khiến chàng kinh ngạc, thích thú. Rồi chàng lao mình vào chiếu bạc, quên ăn quên ngủ, biến căn phòng số 13 của mình thành một sòng bạc khổng lồ. Ngày trở về Richmond, Edgar cháy túi, 2.000 mỹ kim chỉ còn là đống tro tàn trong trí nhớ. Cả trăm chai champagne chui tọt vào bụng chàng, sôi lên ùng ục rồi bốc hơi biến mất.

 

Người cha nuôi khuyên nhủ chàng hết lời, nhưng lời nói chỉ làm chàng buồn hơn, hối hận được một thời gian rồi chứng nào tật nấy, ngày 24 thang 3 năm 1827, Edgar bỏ nhà ra đi, thần lưu linh và sòng bạc đang đón chàng phía trước.

 

Cuộc "rong chơi" này lâu dài nhất so với những lần "phiêu lưu"khác.Nàng thơ bám gót, hầu hạ Edgar những lúc chàng lên cơn sốt văn chương.

 

Theo những tập hồi ký của Poe, thời gian đó chàng chiến đấu ở Hy-Lạp nhưng thực ra chàng đăng ký vào đội pháo binh liên bang với tên giá "Edgar A.Peny", gia nhập quân ngũ ngày 26 tháng 5 năm 1827. Hai năm sau ngày 28 tháng 2, bà Frances Allan, mẹ nuôi chàng qua đời, Edgar Poe không được gặp mặt bà lần cuối cùng để vuốt mắt người dưỡng mẫu thân yêu đã cưu mang những ngày chàng đói rách. Khi hay tin tang tóc đó, Edgar say bí tỉ, chàng khóc lóc thảm thiết và nốc thêm cả chai rượu nữa. Và nửa đêm, lúc nằm sải tay sải chân dưới sàn gạch, nàng thơ vực chàng dậy, dìu chàng đến bàn viết.

 

Sáng hôm sau, Edgar đào ngũ, trở về Richmond trên chuyến tàu đầu tiên. Nhưng chuyện đã đâu vào đấy. Bà Frances Allan đã được mai táng từ mấy ngày trước đó.

 

Mặc dù là  cha nuôi, nhưng tấm lòng người dưỡng phụ của Edgar Poe bao dung vô bờ bến, ông quên hết những phiền muộn do cậu quý tử gây ra. Ông John Allan lại tìm cho chàng việc làm, nhưng Edgar Poe không thể gò mình công sở hàng ngày như những ông công chức già mẫu mực. Chàng lại nốc rượu li bì và xem những ngày trong tuần đều là ngày chủ nhật. Chàng kính trọng và biết ơn cha nuôi nhưng chàng không thể sống khác được. Hai tính cách đàn ông không phù hợp nhau trong một mái gia đình. Thế là chàng lên đường, một đi không trở lại.

 

Ban đêm Edgar lang thang vào công viên, nằm ngã vật trên cỏ ướt đẫm sương giá, ánh mắt buồn rười rượi, nhìn lên bầu trời đầy những vì sao thần kỳ trong các chuyện cổ tích. Edgar chơi vơi giữa hư thực, lắng nghe tiếng gió rít gào, làm lay động những tán lá mờ đen. Edgar Poe là một kẻ loạn thần kinh hay một người quá nhạy cảm, quá giàu tưởng tượng ? Những tín hiệu đó xuất phát từ một thiên tài hay kẻ bệnh hoạn ? Không ai biết, không ai chấp nhận một lối sống quái gỡ, dị thường như vậy. Mấy ngày sau, chàng được tuyển vào Viện đại học quân sự West – Point rồi bị tống cổ vì tội vô kỷ luật, nhưng chàng nào là kẻ bướng bỉnh, chống đối cấp trên. Edgar hiền như đất, mơ mộng như con gái và thích làm những gì chàng muốn, bất chấp tính tập thể và kỷ luật nghiêm khắc của quân trường.

 

Tập thơ đầu tay của chàng, viết trong những năm tháng ấy, nhiều bài tuyệt tác nhưng bị giới văn chương Mỹ bỏ rơi vì nó là giai điệu theo một tốc độ siêu thanh, đi trước thời đại quá xa, tiếng nói của nó là tiếng lòng của một tư tưởng vĩ đại, hình dáng của nó chỉ được nhận ra rõ rệt khi con người đeo cặp kính hồng ngoại tuyến của siêu thực, nhận thức và cảm thụ trong một tư duy nghệ thuật vượt khỏi những quy phạm thẩm mỹ thông thường.

 

Trong con người Edgar luôn luôn có hai sự đối chọi nhau. Một hình thể đẹp trai, lịch sự, học giỏi, chơi thể thao hay và mặt khác, "một bóng ma, một tên nô lệ cho thói say sưa truyền kiếp"... một con người lấy sầu muộn làm thú vui cho cuộc đời mình.

 

Mỗi lần Edgar cuối xuống bàn viết là mỗi lần trang viết cháy lên ngọn lửa của loài ma quỷ, nhưng phát ra hào quang trác tuyệt của một vị thánh.

 

Đối với chàng, người mẹ yếu đuối, thảm thương kia là hình ảnh của mọi người mẹ trong một người mẹ, một khuôn mặt lớn hơn tất cả các khuôn mặt.Sau này, trong tất cả câu chuyện, chàng đều nhắc đến tình mẫu tử thiêng liêng, lòng thương của mẹ dành cho chàng như trời biển mà cuộc đời thì ngắn ngủi tấc gang. Trong những vần thơ của chàng, Edgar đã lý tưởng hóa khuôn mặt người mẹ, tôn thờ mẹ ở ngôi vị thánh thần, "người mẹ đẹp hơn cả hoàng hậu trong những kiệt tác của Shakespeare".

Người mẹ gầy gò xanh xao trong đêm cuối cùng chàng còn nhìn thấy là thân thể bất động, im lặng, Cặp mắt vô hồn mở trừng nhìn vào khoảng không hư vô, như uất ức đời sao khốn khổ. Edgar không thể nào quên hình ảnh đó, nó cứ lay lắt trong tiềm thức của chàng và hiện về trên những trang giấy. Sự chết có ý nghĩa, hủy diệt một dạng vật chất hữu sinh hay vô sinh nào đó nhưng nó còn có ý nghĩa như một sự thể luyện nhằm gạn lọc mọi nhơ bẩn, bụi bặm của trần gian để biến thành tuyệt đối trong ý nghĩa chân, thiện, mỹ... và đó là viên kim cương đã qua những đớn đau của kiếp người để sáng lấp lánh trong tâm hồn Edgar Poe, phản chiếu qua những vần thơ lạ thường của chàng. Và nhà thơ đó đã tham dự vào một thế giới siêu thực tại. Ở đó, người đàn bà là mẹ hiền, là người vợ yêu dấu và thế giới đó là một nhà giam nhốt linh hồn khốn khổ của Poe cho đến ngày chàng nhắm mắt xuôi tay.

Giờ đây không thể trở về Richmond, chàng đi đâu khi trong túi không còn một đồng bạc, cô đơn phết lên mặt chàng màu của xác chết. Edgar Poe kéo lê cuộc đời bi đát của mình đến nhà bà cô chàng ở Baltimore và bà Maria Clemn trở thành người mẹ thứ ba của chàng. Edgar sống bám vào người đàn bà này, đầy đủ nhưng vẫn buồn thảm, cô đơn. Chàng cảm thấy tinh thần của mình đã đến độ chín muồi, nếu không dâng tặng cho đời " loại đặc sản " đó thì sau này nó chỉ còn là một thứ trái cây rệu rữa, hư thối. Vì thế, Edgar Poe lao đầu vào sáng tác, mong kiếm được sự thành công xứng đáng với một kiếp người. "Phải có danh gì với núi sông ".

Năm 1833, chàng gởi 5 tác phẩm dự thi "Sáng tác truyện" do báo Baltimore tổ chức và chàng đoạt giải nhất qua tác phẩm Bản thảo tìm thấy trong một cái chai. Ban giám khảo khi đọc tác phẩm đã tỏ vẻ hết sức ngạc nhiên và nhận thấy tác giả của nó là một nhà tư tưởng vĩ đại, một nhà thơ tiên phong cho trào lưu sáng tác mới mà sau này chúng ta gọi là "tiềm thức, siêu thực”. Và ban giám khảo đặc biệt giúp đỡ chàng, đưa chàng làm tổng biên tập một tờ tạp chí ở Richmond, tờ "Sứ giả văn học miền Nam” (The Southern Literary Messenger). Edgar Poe viết: "Bây giờ thì tôi hoàn toàn dễ chịu và sung sướng về mọi mặt, tôi đã thấy trước một thành công tốt đẹp trong tương lai".

Nhưng cuộc sống riêng của chàng sau gời phút thăng hoa của sự thành đạt đã chùng xuống như một dây đàn sắp đứt dây. Rượu ném chàng lên đỉnh cao của sự sảng khoái rồi ghì chàng xuống hố thẳm mệt mỏi. Ba tháng sau, chàng viết : "Tinh thần tôi bị suy nhược như chưa bao giờ như thế. Tôi đã chống trả một cách vô ích mãnh lực của sầu buồn. Tôi khốn khổ lắm mà không biết tại sao".

"Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn" là một cảm giác bình thường của những nhà thơ, cái tất yếu nảy sinh cảm hứng sáng tạo những vần thơ lãng mạn, nhưng đến độ "hư vô " như Edgar Poe, có thể xem là một bệnh lý được tạo bằng men rượu. Với một hệ thần kinh hoạt động mãnh liệt, bắt buộc một sinh thể phải tự giải quyết những ẩn ức, thế là chàng lại ngao du, lặn lội đi tim vùng đất hứa cho bản thân mình, cho tâm hồn mình.

Từ Richmond chàng đến Philadelphia rồi sang New York. Thời kỳ này chàng viết tác phẩm "William Wilson", "Sự suy sụp của nhà họ Usher" phản ánh sự tự hủy phần hồn lẩn phần xác của chàng.

Chàng đến tá túc nhà bà cô năm 1831, lúc đó Virginia , cô em họ của chàng mới 9 tuổi. Mổi lần đi chơi, dạo bước trên những cánh đồng, Edgar đều dẫn nàng theo. Virginia trở thành cô bạn gái thân yêu nhất đời chàng. Năm tháng dần trôi, nàng mỗi ngày mỗi đẹp hơn, tính tình hiền dịu và trầm lặng. Khi nàng được 14 tuổi, Edgar Poe nhận thấy nàng rất giống mẹ chàng.
"Nàng có đôi mắt và làn da trắng gương mặt nàng tái xanh, đôi mắt sáng láng và mái tóc đen huyền đã tạo cho nàng một thần thái thanh thoát".

Edgar say mê đắm đuối cô em họ, và lửa gần rơm lâu ngày đã phát cháy.Chàng xin cưới Virginia. Bà Clemn kinh ngạc khi chàng ngỏ lời cầu hôn, vì chàng đã gần 27 tuổi, trong khi Virginia vẫn còn là một cô bé con, sặc mùi hơi sữa.

Ban đầu bà từ chối nhưng khi nghĩ đến đứa con bệnh hoạn của mình đang bị chứng lao phổi kinh niên, chưa chắc nàng sống được đến tuổi 25 và cũng thương đứa cháu trai côi cút, bà bất chấp dư luận. Đám cưới diễn ra ngày 26 tháng 5, người ta tìm cách chứng nhận cô bé năm nay 21 tuổi. Vị linh mục có nhiệm vụ trong việc cử hành hôn lễ biết rõ, nhưng vẫn im lặng giả vờ tin rằng cô dâu vị thanh niên đã trưởng thành.

Tuần trăng mật kéo dài nửa tháng và ngày trở về, Virginia vẫn là nàng trinh nữ của ngày xưa. Edgar thú nhận :" Tôi yêu nàng như yêu một đứa bé, tôi không thể nào nghĩ nàng như một người vợ". Và Virginia đã làm vợ, làm em gái và làm con gái của chàng. Nàng là người đàn bà trẻ con, huyền ảo mà Edgar đã chờ đợi từ bao nhiêu năm nay. Chàng tin rằng Virginia chính là mẹ chàng đầu thai lại.

Theo lời tâm sự của Edgar thì chàng không có quan hệ tình dục với Virginia ,thuần túy một tình yêu tinh thần, một cuộc hôn nhân trên danh nghĩa. Người đem đến sự thỏa mãn thể xác cho Edgar chính là Bà Stanard một thiếu phụ nồng nàn trong ân ái, có kinh nghiệm cuộc sống vợ chồng. Nhưng người đàn bà này cũng không gắn bó với Edgar được lâu.  Tuy không có mụt ruồi kiểu "thương phu trích lệ" của phái nữ, nhưng ai được chàng yêu đều mang kiếp hồng nhan bạc mệnh. Bà Stanard đã bỏ chàng, từ giã cuộc đời này đễ sang một cõi hư vô nào đó.

Edgar làm thơ rất tuyệt nhưng kiếm tiền nuôi vợ không tuyệt chút nào. Thế là chàng và nàng đành phải "dìu nhau đi dưới bóng nợ nần ". Mái hạnh phúc gia đình được lợp bằng những miếng ngói túng quẫn, đói rách. Và bà Clemn biến thành một "Mạnh Thường Quân" hết lòng lo cho con rể. Bà chạy đôn chạy đáo, gửi gắm các chủ báo, nhờ họ quan tâm đến bài vở của Edgar Poe.

Định mệnh của chàng luôn luôn bị sự bất hạnh rình rập. Nàng Virginia càng ngày càng héo hắt, xanh xao hơn. Những con vi trùng "Kock " đục khoét buồng phổi của nàng suốt ngày đêm và tử thần thì chầu chực sẵn ở đầu giường. Edgar lo sợ trước tình trạng sức khỏe suy sụp của vợ, để trấn an nàng trinh nữ và cả chính mình, chàng dệt muôn lời hoa gấm trên các vần thơ, tôn tặng nàng. Lúc này, khuynh hướng "trốn chạy " trong con người chàng càng bộc lộ hơn, chàng sợ sự ám ảnh của cái chết. Edgar đã mất mát quá nhiều người thân, chàng e rằng mình không chịu đựng nổi nếu Virginia qua đời. Nhưng chỉ có cái chết mới đưa cô gái hư ảo này lên bàn cân kỷ niệm của đời chàng, mới đối địch với " Helen " – một "tình yêu vô vọng", mới cân xứng với mẹ chàng – một thiên thần của trái tim chàng. Chính vì thế, Edgar mượn rượu để tìm quên, thoát ly thực tế bi đát bằng thuốc phiện.

Giới văn nghệ ở nước Mỹ lúc đó bắt đầu cảm nhận được tư tưởng của chàng phần nào, thi phẩm " Con quạ " được các nhà lý luận phê bình phân tích như những nhà động vật học khảo sát" con phượng hoàng ". Edgar được phong là người nghiên cứu về trạng thái " hoàng hôn " của tâm hồn con người, là nhà phẫu thuật tuyệt vời về những giao động bệnh hoạn trong tâm lý cá nhân con người. Ngay thời điểm Edgar được ngợi khen ấy, nàng Virginia bắt đầu thổ huyết trong một căn gác xép hoang lạnh, thiếu ánh sáng mặt trời. Báo chí lên tiếng, kêu gọi lòng giúp vợ chồng EdgarPoe – " hai ngọn đèn cầy leo lét trước giông bão của cuộc đời " như trước đây người ta đã từng kêu gọi tình người đối với mẹ chàng, bà Elizabeth Poe.

Một chứng nhân đã thuật rằng : "Trên giường không có chăn nệm gì nữa, chỉ còn lại một lớp rơm. Trời lạnh buốt, người con gái bệnh tật rùng mình từng chập vì  cơn sốt tiêu hao hành hạ. Nàng cuốn mình trong chiếc áo choàng lớn của chồng, một con mèo to vằn vện nằm yên trên ngực ".

Ngày 30 tháng giêng năm 1847, Virginia trút hơi thở cuối cùng tại Fordhom, một vùng ngoại ô ở New York. Mặt dù hình hài nàng đã trở thành cát bụi nhưng linh hồn đã trở thành bất tử trong các dòng chữ của Edgar Poe, nàng chính là hiện thân của Annabel Lee.

"Những năm xa xưa về trước, trong một vương quốc nằm ven bờ biển cả, một người con gái đã sống, tên nàng là Annabel Lee. Người con gái
bé bỏng không bao giờ sống với một ai khác và không nghĩ gì hơn ngoài tình yêu nàng cho ta và tình yêu ta trao nàng
".

Những vần thơ của chàng đã vút lên trời những âm thanh chiến thắng, đã xác định một sức mạnh phi thường, không có sự chia rẽ nào xóa nhoà được ký ức. Huyền năng của Chúa nhằm xoa dịu nỗi đau của con người trước sự chết, nhưng cái chết của Chúa, cái chết của nàng Edgar có phải đã xoa dịu sự ngạo mạn của tử thần ? Thần chết chỉ chiếm hữu được phần vật chất, còn phần linh hồn mãi mãi sống trong tâm tưởng con người, tâm tưởng của Edgar Poe :

" Những thiên thần trên trời cao kia

Và loài quỷ dữ dưới lòng biển cả

Không thể chia cắt linh hồn ta với linh hồn

Của Annabel Lee diễm tuyệt

Vì mặt trăng chẳng bao giờ chiếu sáng

Mà không nhớ đem ta vào giấc mộng

Về Annabel Lee diễm tuyệt

Và những ngôi sao không bao giờ mọc

Nếu ta không nhìn được đôi mắc sáng ngời

Của Annabel Lee diễm tuyệt

Và những ngọn sóng đêm, ta nằm xuống một bên

Ôi ! Hỡi người ta yêu dấu, là đời sống ta và người vợ mới cưới.

Trong lăng tẩm nàng bên kia bờ biển cả

Trong mộ phần nàng vờn sóng đại dương ".

Nhà thơ Edgar Poe lại lao vào rượu mạnh và thuốc phiện. Năm 1848, đánh dấu ngày tàn của chàng, mặt chàng bị tê liệt vì nha phiến. Nhưng tâm hồn chàng vẫn còn khả năng tiếp nhận tình yêu một cách mãnh liệt. Một người đàn bà khác xuất hiện, đó là Hélène Withman, một người quá phụ lớn tuổi và giàu có. Bà thật sự yêu thương và kính trọng chàng, mặc dù tuổi đời của bà xứng đáng trong vai người mẹ hơn là một người tình của Edgar Poe.

Bà đến thăm chàng lần đầu, lúc đó chàng đang ngồi thả hồn trên trang giấy. Tóc tai chàng nhuộm phẩm nâu, trên bàn đặt một cái sọ người, bên trong nuôi một con quạ. Vừa bước vào phòng, bà chợt giật mình vì trong hốc mắt của cái sọ ló ra một cái đầu quạ đen ngòm gọi tên "Poe". Chất lập dị của nhà thơ đã chinh phục bà Hélène hoàn toàn.

Hai người yêu nhau trong không khí mê cuồng , ma quái, không có ngôn từ bắc nhịp cầu giữa hai sinh thể, cuộc đối thoại giữa hai người điếc, đồng cảm với nhau do tâm truyền, mật truyền. Và chàng gởi cho nàng 1 bức thư nồng thắm :

Ngày 6 tháng 5 năm 1848

Hélène hiền dịu của anh ơi,

Anh đã ép thư em lên môi nhiều lần, làm cho bức thư đẫm lệ. Những giọt lệ hân hoan, những "giọt lệ thiêng tuyệt vọng ". Khi em bước vô phòng, gương mặt xanh xao e lệ và rõ ràng là đang nghẹn ngào khi thoáng nhìn vào đôi mắt anh, khi ấy, lần đầu trong đời, anh rùng mình hiểu rằng có những giao cảm vượt quá tầm nắm bắt của lý trí. Anh nhận ra em là Hélène – Hélène của anh, Hélène của muôn ngàn giấc mơ – Người mà duyên kiếp đã định là của anh – của riêng anh – nếu không trong kiếp này thì ôi thôi ! Chắc là của kiếp sau, mãi mãi, trên cõi thiên đường.

…Rồi em nắm tay anh và cả tâm hồn anh xao động, đê mê và lúc ấy, nếu không sợ làm em buồn lòng, thấy là bị xúc phạm thì anh đã quỳ xuống chân em với tấm lòng tôn thờ thanh khiết, chân thực đối với một thần tượng hay đối với Thượng đế vậy.

Và sau đó trong những đêm liên tiếp đầy hạnh phúc thần tiên, em đi lại trong phòng, tâm trí anh quay cuồng ngây ngất, anh không nghe, không nhìn em bằng giác quan trần thế, chính là tâm hồn anh nhận ra em lúc ấy đó em !

Em không thấy tình yêu là của tâm hồn sao ? Em yêu – anh xin hỏi –không những lương tri em mà cả con tim em nữa – em không thấy là con người tuyệt thế, con người lý tưởng mà anh khao khát chính là em đó sao ? Linh hồn có tuổi tác bao giờ hả em ? Vĩnh cửu thì cần gì phải quan tâm tới ít nhiều năm tháng cơ cực của cuộc sống trần gian này ? …

Năm 1849, Edgar trở về quê hương Richmond, mong tìm được chút nắng ấm mặt trời cho khoảng đời còn lại. Chàng tu tỉnh bản thân, tổ chức những buổi diển thuyết và thường lui tới những cuộc họp với giới nghệ sĩ hoặc các nhân vật chính trị.

Edgar Poe thề độc là sẽ bỏ hẳn rượu, nhưng cuộc "hưu chiến " với thần lưu linh kéo dài không quá hai tháng. Ngày 27 tháng 9, chàng trở về New York. Bà góa phụ Hélène Withman dự định đến gặp chàng để bàn "chuyện trăm năm " nhưng chưa kịp thấy mặt Edgar Poe thì người ta báo tin rằng ngày 3 tháng 10, chàng nằm bất tỉnh trong một quán rượu ở Baltimore. Họ đem chàng vào bệnh viện Washington College Hospital.

Đến ngày 7 tháng 10 năm 1849, Edgar Poe trút hơi thở cuối cùng. Cái chết đã giải thoát cho linh hồn khốn khổ của chàng.

Vương Trung Hiếu
Số lần đọc: 3917
Ngày đăng: 10.04.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đồng Môn (tiếp) - Trần Huy Thuận
Phùng Cung, một đời thơ -chữ quê -đau đớn - Ngô Minh
Từ thuở vác ngà voi… - Trần Áng Sơn
Cuộc đời và tình yêu của Picasso : Danh họa Tây Ban Nha - Vương Trung Hiếu
Một trong hai người lính - Trần Áng Sơn
Tình yêu của Vincent Van Gogh : Danh họa Hà Lan - Vương Trung Hiếu
Khoảng trống để lại - Trần Công Nhung
Mờ mờ nhân ảnh - Trần Huy Thuận
Tình yêu của George Sand : Nữ văn sĩ Pháp - Vương Trung Hiếu
Nét bút ,âm thanh và cát bụi… - Trần Trung Sáng
Cùng một tác giả