Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
680
116.000.199
 
Con gái của bố
Lê Vũ

Trời có âm dương, đất có hình thể, người có lòng dạ.

Biết được ba điều ấy thì việc mới thành .

Gia Cát Lượng

 

Khi lão cúi xuống trên khuôn ngực mười bảy, những ngón tay thô ráp sần sùi lần gỡ hàng nút áo, nàng nghiến chặt hai hàm răng để khỏi phun nước bọt vào cái mặt đỏ gay dâm ô của lão Phó Chủ tịch Huyện. Hốt nhiên, nàng nhớ mẹ.

Dù chưa bao giờ gặp nhưng nàng không hề nhầm lẫn. Mẹ ngồi đó, cách chừng sợi tóc và thật như hơi thở. Khuôn mắt hình bầu dục, vành môi cong, sóng mũi dài thẳng tắp. Bố hoàn toàn đúng khi bảo nàng là phiên bản của mẹ. Đêm, sấm chớp nổ tung mái lá và mẹ cầm tay nàng, dịu dàng. Cơn sốt bổng nhiên biến mất. Một tia chớp ngoằn nghèo lóe sáng. Mẹ nấc lên, ôm ngực. Ngực đầy máu…Nàng quờ tay, hoảng hốt. Bố cúi xuống, vừng trán rộng thật gần và mắt long lanh vui : Con hạ sốt rồi . Nàng mới lên tám.

 

*

 

Ngực nàng đau. Con thú đang gặm hai núm vú nàng lở loét. Hơi thở nồng nặc rượu và thân thể toát lên mùi tử thi khiến nàng lợm giọng muốn nôn. Hóa ra, đại nạn của nàng không bắt đầu từ trong chiến tranh mà  xảy ra giữa buổi kinh tế thị trường mở cửa bán mua. Những con quỷ mặt người đang mua thân xác nàng với ba trăm lạng …

 

Mỗi lần nàng hỏi mẹ, câu trả lời của bố vỏn vẹn. Chiến tranh mang mẹ đi rồi!...Vành mắt bố rươm rướm đỏ. Đành thôi, nàng không dám hỏi. Nhưng chiều nay, lạ quá; hình như nỗi xúc động đã chạm đến mạch ngầm tế vi để sông chảy tràn những sóng. Sóng xô bờ đau bờ đớn dựng lên tầng tầng lớp lớp phận người. Bố nói, bố nói, không phải đang nói với đứa con gái mười hai, bố đang đối thoại với trời đất quỷ thần ? Rồi, bố thổ máu, cả nước mắt. Giọt nước mắt đàn ông thật xót đắng mặn chát.

 

Bố không nhận diện nổi cha mình giữa cái đống xác người sắp lớp của chuyến xe khách về Miền Trung bị cưa đôi vì mìn. Những cái mặt cháy đen, những tay và chân rải rác Chiến tranh, một vùng bom nổ, những lằn ranh giới tuyến, bao nhiêu dòng sông loang máu, những mắt hỏa châu ngập ngụa hận thù. Chiến tranh cày nát bầu trời, xới tung những cánh đồng, quẵng vào địa ngục những quan hệ máu huyết ruột rà. Bố đã không thể chấp nhận đứa em cầm súng về hỏi tội người cha làm khóm trưởng, truy sát ông anh đeo lon sĩ quan quốc gia.  Ngày tháng tư- Bố lại gạt nước mắt –Súng rền vang và một viên đạn từ đâu cắm sâu vào ngực mẹ. Đạn của ai? Bên anh hay bên em, bên này hay bên kia? Bố không biết chỉ thấy con khóc thét trên tay bố và bố khóc ngất trên ngực mẹ…

 

Hai bàn tay lão vặn vẹo, ngực nàng méo mó. Chiến tranh lật tung những cánh đồng để chiều đỏ máu còn lão, kẻ chiến thắng đang cày xới thân nàng đến nhầy nhụ tởm lợm.. Con đang bị quẵng vào địa ngục, bố ơi!

 

Nhà ... .  Bốn mét vuông che nắng mưa, cái chỏng tre ọp ẹp là nơi ăn ở của hai bố con. Không nghèo, chỉ như trăm ngàn cái mái lá khác ở cái miệt Rừng Lá này. Cái Huyện cửa ngỏ vào Thành phố, sau ngày giải phóng mau chóng thành nơi rồng rắn lẩn lộn vì giữa mênh mông đất, trong bạt ngàn rừng náu ẩn đủ thứ thành phần xã hội : trí thức tìm nơi yên tĩnh mà ngẫm ngợi, dân lưu vong tứ chiến từ vùng Campuchia, Lào đổ xô về  kiếm sống, bọn du thủ giang hồ có nợ máu trốn tránh , rồi các cấp ngụy quân ngụy quyền thay tên đổi lốt trốn cải tạo… Những cái lán, chòi mọc lên trên hoang vu. Đất cho bắp lúa, khoai mì, rừng che chở những cuộc lùng bắt càn quét. Cả một tạp nham pha trộn với dân bản địa,  hổn độn, chen chúc sống, nửa dưới ánh sáng luật pháp, nửa luật rừng. Bỏ lại phố biển, bố về đây tìm một chốn bình yên khi tim máu chảy hoài, âm ỉ rỉ giọt vết thương lòng. Con bé mới tròn hai năm tuổi.

 

Lão đã tháo hết thân trên của nàng. Ôi, thân này là máu huyết của mẹ, là cây trái bao nhiêu năm bố chăm sóc vun trồng. Trời không cay nghiệt, đất không oan sai mà người sân si thâm độc. Bố ơi! Chuyện đời không đơn giản!

 

Ngày, bố cuốc đất trồng khoai, mì, bắp, đậu ngay trong vườn nhà; thi thoảng theo người ta lên núi cưa củi kiếm tiền chợ mắm. Đêm, bố ôm chặt con bé ủ ấm mùa đông và quạt mát mùa hè. Mặt trời thì đỏ và tóc con gái màu xanh. Nhưng dòng chảy của sông không phải bao giờ cũng êm ã. Bố bị bắt vì du kích tìm thấy trong căn nhà trống hoác mấy quyển sách lý luận văn học, một cuốn Thánh kinh, hai cuốn tiểu thuyết của Mai Thảo và Thanh Tâm Tuyền.. Nông dân mà còn giấu sách ngụy , không lo lao động là vinh quang.  Phó công an xã đã thét vào mặt bố như thế và ra lệnh tống giam, chờ ngày kiểm điểm trước quần chúng. Bố im lặng, con gái lên bảy khóc nhè và bố đã xin cho con bé đi theo vào …tù.

 

Lão đang thở, hào hển. Cái bụng mỡ làm lão mau mệt.  Còn tuổi già làm lão hụt hơi. Nhưng lão đang chuẩn bị làm cái việc của con đực, một con đực quyền uy chễm chệ.  Cũng giống thôi mọi giống thú trên đời!

Lên mười hai, con bé lờ mờ nhận ra Bố có gì đó khang khác mọi người. Ai cũng sợ hải cán bộ, khúm núm với cấp trên, còn bố xem mọi người đều bình đẳng, lại có vẻ như  trọng vọng những con người nghèo khổ. Bố chào hỏi người hàng xóm nông dân, thận trọng bỏ vào tay bà cụ ăn xin mấy hào nhưng nhất định ngoảnh mặt đi, im lặng trước câu tra vấn của cán bộ kiểm lâm đến nổi lãnh một trận đòn suýt chết. Mấy chú hàng xóm đem được bố về, người đầy máu. Về sau hỏi, hóa ra… Đ.m, có thấy bọn chở gổ đi qua đây không? Bố không muốn trả lời những ai hỏi bố bằng một tiếng chửi thề. Đơn giản thế. Nhưng nhiều chuyện tưởng rất đơn giản như đi hát Karaoke, làm mấy ve buổi chiều… , bố cũng từ chối mặc dù chú Sáu, chú Bảy nhiều lần mời mọc. Hỏi, bố lại giải thích. Bố không thích làm con bò đực gào khan cổ họng, cũng không thích để rượu… uống mình . Đơn giản thế!  Đơn giản thế là cụm từ kết thúc của bố cũng đồng nghĩa với chuyện không nói nữa.

 

*

Khi lão thọc sâu cái tuổi già cạn kiệt vào nàng, bụng dưới nàng thốn đau, rát. Mồ hôi nàng tươm tướp. Thượng đế ở quá xa, ở hiền không hẳn gặp lành . Bố đã đúng. Mọi việc đã an bài, và nàng tự nhủ, như đã  an bài những bước ngoặt đời bố.

 

Ngày đó, sau khi thu nhặt ráp nối những mảnh tay chân của ông nội về khâm liệm, bố sống một thời gian dài trầm cảm vì phẩn hận : hận đất, hận trời, hận người và hận chiến tranh. Không thể để tay mình vấy máu, máu anh em, máu đồng loại nên bố thi vào trường sư phạm. Ai dùng gươm sẽ chết vì gươm.*  Ông thầy giáo không dùng gươm dùng súng, chỉ làm sứ mệnh truyền bá văn minh văn hóa, lễ nghĩa với tri thức. Trời không chìu người, lịch sử vẫn là một lực cuốn, hút. Dạy mới ba niên khóa, Bố bị động viên vào Thủ Đức học Trường sĩ quan bộ binh. Thao trường đổ mồ hôi, chiến truờng bớt đổ máu. Bố không thích máu đổ cũng chẳng thiết đổ mồ hôi bò, nằm la lết tháo ráp, nhắm, bắn…May mà, đeo lon thiếu úy, bố được biệt phái về lại trường cũ giảng dạy. Bố cười! Hình như bố nặng nghiệp gõ đầu trẻ con ạ.

 

Ông Thiếu úy biệt phái bị sa thải khỏi ngành giáo dục, cuối cùng làm thầy giáo vỡ lòng cho con bé lên bốn kiêm luôn vai mẹ tảo tần khoắt khuya nâng giấc con thơ. Chú Tèo hàng xóm mỗi lần nựng nịu thường hay nhắc chuyện tay bố run, mắt bố mờ khi con bé đi tả suốt đêm. Chú phải thay bố ẳm con bé đến nhà thầy thuốc lúc nửa đêm về sáng. Lên mười, con bé bị sốt xuất huyết và cả một tuần lễ thức trắng ở trạm xá, tóc bố hóa bạc.

Chiều chiều, nàng lại nhớ chiều chiều chờ bố dưới chân dốc, phụ bố đẩy chiếc xe đạp thồ gần cả tạ mì tươi lên dốc. Dưới cái vành mũ rơm, mặt bố vằn vện mồ hôi nhưng khuôn mắt bố lấp lánh hai đốm sáng bình yên. Đêm, bố dạy nàng học và thức, một mình, để sắc lát những củ mì ngày mai nắng phơi. Vâng, bố đã vì nàng mà sống, vì lời hứa với mẹ mà quay mặt lảng tránh những người phụ nữ. Cô X mới ba mươi, nhan sắc; bà M ba mươi sáu, nồng nàn, thi nhau chìu chuộng người đàn ông mặt lạnh và… thất bại. Chỉ nàng biết, lòng bố nóng vì bố vẫn thường dạy nàng câu nói của Gia Cát tiên sinh : Trời có âm dương, đất có hình thể, người có lòng dạ. Lòng dạ bố dành hết cho nàng.

 

Nhưng lão thì không hề có lòng dạ, chỉ có nhục dục bản năng. Bản năng phải được thỏa mãn. Cá đang nằm trên thớt. Lão chồm lên, hung hản ngấu nghiến nàng.

 

Từ tuổi mười lăm, ngực nhú thanh xuân và nhan sắc nẩy nụ thơm hương. Nàng mơ hồ cảm thấy mình là hồng nhan họa thủy khi liên tiếp gây cho bố bao nhiêu phiền toái phiền muộn.  Bố phải chuyển trường cho nàng và quát vào mặt ông thầy giáo mất dạy cứ tìm mọi cách để đụng chạm tay chân nàng. Bố giận  đến tái xanh cái thời mệnh danh đổi mới mà không còn nếp tẻ quân sư phụ và hỗ thẹn vô cùng vì con sâu làm rầu nồi canh. Lên lớp mười một, nàng lại bị con mắt cú vọ của cậu con trai ông Chủ tịch xã chiếu cố. Cái đầu y to, cái môi y dày, râu ria đầy miệng . Hai bố con giống nhau một điểm đặc biệt là không nhét được nửa chữ vào đầu. Thằng con nói thế nào đó mà xúi được ông cha đến chơi nhà. Bố đóng cửa, không tiếp : Con gái tôi nhỏ dại, cần phải học, cũng không xứng đáng quan hệ với danh gia thế phiệt. Mặt ông Chủ tịch hết tím rồi đỏ. Những móc xích hận thù treo lên từ đấy !

 

Khi lão ngã vật ra, hổn hển thở, kết thúc quá trình chiếm đoạt, nàng cũng mau chóng hiểu đầu đuôi cái khúc khỉu cuộc đời, hiểu ra cái lưới nhện giăng tơ bắt mồi như thế nào trong thời hiện đại . Những cái bẫy tinh vi…

 

Rãnh việc áo cơm, bố chỉ đọc sách chơi đàn. Tiếng đàn bố ru con gái ngủ ngoan mùa thu vàng lá, dẫn nàng đi qua những mùa xuân mây trắng cỏ xanh. Nhiều đêm thức giấc bất chợt, nàng thấy bố cặm cụi viết . Viết gì ? Nàng tò mò hỏi . Bố chỉ mỉm cười . Viết cái chân thật trong lòng. Cái chân thật trong lòng đã phải trả giá đắt. Bố lần thứ hai bị bắt vì một quyển nhật ký tình nghi có vấn đề cộng thêm, một lá cờ vàng ba sọc đỏ tìm được sau hè nhà ( mà cả hai bố con đều mở to mắt nghi hoặc ?). Người ta cho biết tội danh của bố có thể bị kêu án từ ba đến năm năm cải tạo nhưng một cán bộ Huyện đã bảo nhỏ với nàng : Nhan sắc như vàng. Nhan sắc nàng có thể xóa đen thành trắng, biến núi thành sông, hóa vũng nên đồi. Là ông Chủ tịch xã đã nhã ý giới thiệu nàng với lãnh đạo?

 

Lãnh đạo đã ngáy pho pho mặc cho nàng nằm trơ lõa lồ. Con đã hy sinh quá nhiều- Nàng lại thấy mẹ về. Mắt mẹ thăm thẳm buồn, tay ôm lấy ngực cố giằng lại cơn ho . Không, thân này có nghĩa gì đâu, mẹ ơi. Bố mới thật sự vĩ đại !- Bóng mẹ xa dần loảng chìm mờ mịt khói và nàng thấy mình cũng trơn tuột rơi xuống cái hố huyệt trắng nhờ nhờ sương lam lạnh lẽo.

Nàng đang chết vì đã đánh mất mình. Nàng đang chết bỡi không thể đợi đến  mười lăm năm rồi mượn sóng Tiền Đường** mà gội sạch vết ô nhục xác thân. Nàng lại đáng chết khi phản bội bố lấy thân xác mình làm món hàng trao đổi.  Nàng còn cần phải chết để đòi hỏi nhật nguyệt phân minh, công lý phải rạng ngời trời đất! Thanh thản, nàng lún dần và tự nguyện lún dần vào cõi rỗng vô minh.

 

*

Tiếng sấm kéo nàng ra khỏi cơn ác mộng. Bên ngoài mưa trút như thác đổ. Nước chảy thành hào thành suối và nước mắt nàng cũng làm thành vũng, xót xa. Mộng hay là thực ? Nàng vẫn còn sống, một mình và bố bên kia, sau chấn song nhà tù. Đêm chưa sáng và ngày chưa rạng…

 

Tháng 04/2008

 

Trích Phúc âm của Người Thiên Chúa Giáo  .

Nơi Thúy Kiều trầm mình tự vẩn sau 15 năm lưu lạc phong trần.

Lê Vũ
Số lần đọc: 2769
Ngày đăng: 02.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
GÁNH NẶNG - Giang Tâm
CON GÁI CỦA RỪNG - Đào Hiếu
Người đàn bà giấu đêm vào trong tóc - Trần Lệ Thường
Những đồng đội cũ - Hội An
Chuyển sang thể loại - Ngô Phan Lưu
Cầu vồng bẩy sắc - Phan Thị Thu Loan
Trần gian nhìn từ sau lưng - Nguyễn Hiệp
Nước mắt tượng - Võ Tấn Cường
Những bông hoa sẽ nở - Lê Vũ
Nguyệt thực nửa đêm - Phan Thị Thu Loan
Cùng một tác giả
Vùng xoáy (truyện ngắn)
Nửa tình nửa thơ (truyện ngắn)
Mùa xuân phía trước (truyện ngắn)
LiLi (truyện ngắn)
Con gái của bố (truyện ngắn)
Hiền Lương (truyện ngắn)
Chớp mắt (truyện ngắn)
Di chúc mùa xuân (truyện ngắn)
Chim yến treo mình (truyện ngắn)
Chữ và nghĩa (tạp văn)
Nguyệt Thực (truyện ngắn)