Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
883
116.513.318
 
Khôi Vũ - Vỡ dần trong mắt
Trần Đức Tiến

 

 

Bây giờ kể ra chuyện này thì chắc Khôi Vũ không nhớ, nhưng với tôi thì nó mãi còn như một kỷ niệm đẹp.

Cuối năm 1986 tôi rời Hà Nội, chuyển cả gia đình vào Vũng Tàu. Cái thành phố ven biển phương Nam xa tít này bấy giờ còn là thị xã bé như lòng bàn tay. Lưa thưa phố, lưa thưa người. Gió chướng lồng lộn suốt ngày ngoài đường, cát bay rào rào, hoa giấy rã rời tơi tả. Không bạn bè không người thân. Tệ nhất là cảm giác lạc lõng giữa đất lạ người lạ, những mối quan tâm cũng hoàn toàn khác. Ngoài giờ làm ở sở, tôi theo mấy tay thợ hình lang thang ngoài Bãi Sau, kiếm mối chụp ảnh cho khách du lịch đi tắm biển. Một hôm đi chụp về bỗng nhận được bức điện tín. Bức điện vẻn vẹn một dòng: “Chúc mừng được giải thưởng Văn nghệ Quân đội. Khôi Vũ”.

 

Lâu tôi không sờ đến sách báo, mù tịt tin tức. Cuộc thi truyện ngắn trên tạp chí “Văn nghệ quân đội” mà mình có tham gia cũng không theo dõi được. Còn Khôi Vũ đâu như mới gặp một lần. Chưa chuyện trò gì, văn ông cũng chưa đọc. Bức điện khiến tôi ngồi ngẩn mấy phút. Phải ở hoàn cảnh tôi lúc ấy mới thấy hết giá trị của một lời động viên, chia sẻ. Bức điện của Khôi Vũ, cũng như những lá thư, những cú điện thoại đường dài rất hiếm hoi của bạn bè ngoài Hà Nội thời bấy giờ giúp tôi tìm lại được cái cảm giác hồi hộp, vui sướng của kẻ biết văn chương chưa bỏ mình. Hơn thế, trong đầu còn hung hăng thai nghén những cái thật ghê gớm.

*

Qua tuổi năm mươi, Khôi Vũ và tôi đã có thể nhẹ nhõm nói ra với nhau bằng cái giọng có đến 80% tinh thần đầu hàng: cứ cố làm hết sức, còn được chừng nào là do Trời. Trên đời có lẽ chẳng có cái nghề nào như nghề viết văn, phụ thuộc vào Trời nhiều đến thế. Nhưng cũng phải. Cái còn lại của văn chương không nhìn thấy, không sờ thấy, không ngửi thấy như cái còn lại của nhiều nghề khác. Văn chương do con người làm ra, lại vuột khỏi tầm kiểm soát của con người. Nói trời cho mới có văn hay, hồn văn thoát ra xác chữ để sống lâu với đời, là ở cái nghĩa đó.

 

Khi viết “Lời nguyền hai trăm năm”, Khôi Vũ đâu có hay đấy là tác phẩm để đời của mình? Chỉ đơn giản (thậm chí ngớ ngẩn) bởi một lời thách đố. Một người quen của ông, bảo: ông viết đi, tôi in được, bán được. Khôi Vũ ra khỏi nhà, bị trời xui mà vô thức nhảy lên xe đò xuống Long Hải. Ở Long Hải nghe kể chuyện về một ngư phủ có tài lặn biển nghe luồng cá, lại có cả tài ăn nằm với những mụ đàn bà goá chồng. Gã lặn vào người các mụ cũng sâu sắc và lâu dài như chìm vào bụng biển… Rồi Khôi Vũ lơ vơ xe đò ngược Bình Châu ngùn ngụt rừng nguyên sinh. Những đêm trăng sáng, rùng mình nghe tiếng hát ớn lạnh như sương thu của một bà già Châu Ro sống hơn trăm tuổi:

 

“Taa’ae srek

N’drek ae oui

N’droui ae Kung…

Yêu nhau mà không lấy nhau

Cây trơ cành dù lá vẫn xanh

Suối cạn khô dù cá vẫn quẫy

Người chỉ còn cái xác, không còn hồn”...

 

Câu đầu tiên của cuốn tiểu thuyết bất ngờ rơi ra khỏi mớ ý nghĩ lùng bùng rối mù. Và Khôi Vũ lượm ngay: “Hai Thìn trở về làng cát”...

 

Suốt hai tháng ròng, vừa phụ vợ bán chè (thập cẩm), vừa cắm cúi gõ máy chữ, nối dài thêm mạch văn đã được khai thông bằng cái câu mở đầu vớ được ấy. Gã ngư phủ giỏi lặn, bà già Châu Ro trăm tuổi trở thành những nhân vật không thể quên trong tác phẩm. Trang bản thảo nào cũng bị kiến bu vì có mùi chè. Nhà văn hồn nhiên xoa tay khoe với vợ: “Các nhân vật của tôi chết sạch rồi”. Bà vợ thần người: “Sao ác thế”? Ông bạn hứa bỏ tiền in sách vật nài: “Cố cho một đứa sống”. Chiều vợ, chiều bạn, xoá đi một cái đám ma.

 

Sách in bảy nghìn cuốn, năm nghìn trong Nam, hai nghìn ngoài Bắc, bán hết veo trong vòng mấy tuần. “Lời nguyền hai trăm năm” được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay trong năm, Khôi Vũ được kết nạp vào Hội.

*

Năm 1970, mười chín tuổi, Khôi Vũ bước vào làng văn với cuốn truyện đầu tay “Hoa tầm gởi” viết cho thiếu nhi, ký tên thật: Nguyễn Thái Hải. Ngay lập tức, nhà văn Nguyễn Thái Hải nổi đình nổi đám với những tác phẩm viết cho tuổi hoa tuổi ngọc. Tốt nghiệp đại học Dược khoa Sài Gòn 1973. Năm 1974 bị trưng tập vào phục vụ trong bệnh viện Dân - quân - y tỉnh Long Khánh, đeo lon trung úy quân đội Sài Gòn nhưng… không biết bắn súng. Tháng 4-1975, quân giải phóng pháo kích Long Khánh, trung úy thầy thuốc Nguyễn Thái Hải bỏ bệnh viện về Dầu Giây. Ngớt tiếng súng, quay lại bệnh viện, lĩnh suất hai năm rưỡi đi học tập cải tạo. Học xong, về ẩn mình trong Công ty Dược của tỉnh. Năm 1982 mon men quay lại viết văn. Sợ từ cái tên thật của mình sợ đi. Nguyễn Thái Hải thì chắc chắn chả có tí bảo đảm nào cho văn không bị cấm. Còn cái máy chữ đã cho ra đời 8 cuốn sách cũng đắp chiếu trùm mền, không dám dùng (nhìn chữ trong bản thảo, người ta sẽ dò ra máy, ra người). Vì những nỗi hoảng sợ vu vơ ấy mà ở truyện ngắn “Trạm xá ngoại thành” in báo “Văn nghệ T.P. Hồ Chí Minh”, lần đầu tiên thấy thò ra cái bút danh Khôi Vũ.

Khôi Vũ chuyển về Hội Văn nghệ Đồng Nai. Khôi Vũ được mời đi dự lớp bồi dưỡng viết văn trẻ. Khôi Vũ có truyện ngắn “Đồng đội” được giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi truyện ngắn của báo “Văn nghệ T.P. Hồ Chí Minh”. Khôi Vũ gây scandal vu vạ, kiện cáo ì xèo quanh cuốn tiểu thuyết “Chuyện ở dãy phố năm căn”. Con trai Khôi Vũ bị dằn mặt. Nhà Khôi Vũ bị ném đá… Năm 1990, Khôi Vũ nghỉ việc ở Hội. Năm 2001, quay lại Hội làm Phó Tổng biên tập tờ báo văn nghệ. Năm 2003, xin thôi chức Phó Tổng biên tập, nhưng mãi đến năm 2007 mới chính thức được nghỉ.

 

Lạ lùng, trong cái đám sự kiện nhốn nháo vui buồn may rủi ấy trải dài ra trong vài chục năm, lúc nào tôi cũng thấy ngoi lên, trồi lên đậm nét hình ảnh Khôi Vũ to lớn kềnh càng đang cặm cụi ngồi bên máy chữ (sau này là máy vi tính). Ở vùng miền Đông Nam Bộ có hai gã nhà văn có thân hình vâm váp như vậy: Khôi Vũ và Nguyễn Đức Thiện. Hai gã hộ pháp viết văn. Làm nhiều, ăn khỏe, ngủ như bị đánh thuốc mê. Thiện có thể ngồi uống suốt từ sáng đến tối, bụng vác lên, khói thuốc lẫn với hơi men mù mịt. Đặt mình xuống bất cứ đâu, trên nền đất mấp mô của cái quán cóc ven bờ kênh cũng giống hệt như nệm êm chăn ấm trong khách sạn, chưa kịp đếm đến ba đã ngáy vang như sấm. Tinh mơ hôm sau lại cởi trần gù lưng trước laptop, mồ hôi túa từng dòng, gõ phím như ma vật. Còn Khôi Vũ… Một lần đi họp ở Hà Nội, tôi đưa ông và Trần Ngọc Tuấn đi ăn sáng. Đi bộ ra phố Ông Ích Khiêm. Hàng bún mọc và bún giả cầy kế nhau. Khôi Vũ ăn bún mọc trước - một tô bún kèm thêm bát mọc riêng. Trong khi thi sĩ Trần Ngọc Tuấn còn đang thỏ thẻ với từng sợi bún thì Khôi Vũ đã làm gọn ghẽ suất của mình, liếc mắt sang hàng giả cầy: “Tớ chưa nếm món kia lần nào”. Rồi chẳng cần đợi ai khuyến khích, ông chuyển chỗ. Lại một bún giả cầy đầy có ngọn. Lúc về vòng đường khác, ghé quán vỉa hè uống thêm ly cối cà phê đá mới tươi tỉnh về hội trường. “Tớ đi xa nhà như thế này là phải chịu thiệt thòi nhiều lắm. Mất hẳn những suất ăn vặt trong ngày. Kẹo bánh, trái cây, chè cháo… lúc nào cũng sẵn trong tủ lạnh. Được cái bà xã không bao giờ can dự vào chuyện viết lách, nhưng lúc nào cũng lo đủ đầu vào”. Khôi Vũ hồn nhiên bảo.

 

Làm việc không biết mệt, danh sách những tác phẩm lớn nhỏ của Khôi Vũ cứ thế mà kéo dài như chưa muốn dừng. Chỉ tính từ sau ngày miền Nam giải phóng, chính xác là từ 1986, với bút danh mới, ông đã cho xuất bản 27 tập sách (trong đó có 16 tập truyện ngắn, tiểu thuyết, truyện ký, và 9 tập truyện thiếu nhi). Lần gặp gần đây nhất, ông vừa khổ sở vừa sung sướng khoe: “Tớ đang khai triển một bộ truyện thiếu nhi hơn 50 tập”. Xong, giở cặp ra cho xem bản thảo cuốn tiểu thuyết mới. Rồi lại nhăn nhó như bà bầu đến tháng đẻ: “Còn cuốn nữa ở trong đầu, cuối năm nay cho ra nốt để lĩnh tiền đầu tư chiều sâu”.

 

Nghe tôi than phiền về cái sự táo bón trong viết lách, Khôi Vũ bảo: “Lúc viết tớ không quan tâm đến hay dở. Viết ra được là thích rồi”. “Thế thì tôi khác ông. Tôi cảm thấy cái mình viết ra sẽ không hay là tôi không viết”. Khôi Vũ bảo: “Hay dở là chuyện của thiên hạ. Đã chắc gì cái ông cho là hay mà thiên hạ cũng thích”? Tôi tặc lưỡi: “Có thế thật. Nhưng việc gì tôi phải biến mình thành một thằng lao động khổ sai”? Khôi Vũ cười nhạt: “Ông đếch phải là thằng viết văn chuyên nghiệp”. Tôi ngồi im. Ngẫm nghĩ thấy bạn có cái lý của bạn. Muốn nói gì thì nói, nhà văn chuyên nghiệp là phải có nhiều tác phẩm. Nhiều tác phẩm chưa chắc thành nhà văn. Nhưng mang tiếng nhà văn mà tác phẩm lèo tèo thì thật buồn cười. Cái nước mình đến lạ. Vài ba truyện ngắn, vài ba bài thơ nổi đình đám ở một giai đoạn nào đó, mà suốt đời cứ chồm chỗm ngoáo ộp loè thiên hạ. Mà không biết rằng cái hay đó cũng chỉ là cái hay của một thời. Tôi chán quá tôi không muốn viết. Viết như thế thì viết làm gì. Viết ra chúng nó sợ không in thì tôi không viết… Quả là những lý do sang trọng. Nhưng thực chất chỉ là sự cao ngạo đáng thương của những anh thợ thủ công nghiệp dư.

 

*

Nghỉ việc ở Hội Văn nghệ, nhưng Khôi Vũ vẫn là Phó Chủ tịch Hội Dược học, là hội viên Hiệp hội Du lịch tỉnh Đồng Nai. Tờ tập san “Dưới mái trường” hơn ba chục trang khổ 19x27cm dành cho tuổi học trò do ông chủ biên (kiêm biên tập viên, kiêm hoạ sĩ trình bày…), mười năm nay vẫn đều đặn ra mỗi tháng 1 kỳ, mỗi kỳ phát hành 10.000 bản. Ở trong tỉnh, nhiều người biết ông là nhạc sĩ ngang với biết ông là nhà văn. Rất nhiều các cuộc thi sáng tác âm nhạc, các hội diễn văn nghệ ở địa phương, ông đàng hoàng ngồi ghế ban giám khảo.

 

Khôi Vũ ham viết, ham đi. Ông chưa từ chối bất cứ lời mời nào đi thực tế hay đi trại sáng tác. Ông khoe tôi giữa tháng 5 này, ông sẽ bỏ tiền mua vé máy bay ra Hà Nội dự trại sáng tác văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn. Ông cũng rất sung sướng khi được nhận tiền tài trợ. Có lần nghe tin ông Y, ông X không nhận tiền đầu tư của Hội, Khôi Vũ ngạc nhiên như người bị xúc phạm. Tôi phải lựa lời trấn an ông: “Cái ông X ông Y ấy rõ là người biết điều. Tôi hoan nghênh nhiệt liệt. Mấy chục năm tắc tị, chẳng viết được cái gì cho ra hồn thì không nhận tiền là phải. Còn ông, ông đang viết khoẻ. Nhà nước đầu tư cho nhà văn để làm ra tác phẩm hay, cũng là một thứ phúc lợi tinh thần cho nhân dân. Tiền thuế của dân không dùng vào việc đó thì dùng vào việc gì? Vấn đề không phải ở chỗ có đầu tư hay không, mà phải đầu tư sao cho đúng”. Nghe xong, Khôi Vũ nhè nhẹ thở ra một hơi dài. Rồi ông lại vui vẻ kể tôi nghe chuyện đi nhậu với một quan chức ở tỉnh. Ông quan này có một tủ rượu chất đầy những thứ rượu đắt tiền, nhưng không bao giờ động đến, thích người nào thì đem cho, cho là chính. Ngồi lai rai ly bia với Khôi Vũ, không hiểu bị nhà văn bùa ngải thế nào mà ông ta rưng rưng cảm khái: “Tôi là thứ nửa người nửa ma. Những lúc được ngồi với ông như thế này… được làm người… Sướng lắm”!

 

Cuối năm 2006, nhà văn Khôi Vũ bất ngờ phải nhập viện, mổ mắt. Con mắt phải của ông bị thoái hoá hoàng điểm, hầu như không còn nhìn thấy gì. Có lẽ là hậu quả của sự làm việc quá tải với màn hình máy tính. Điều tiên đoán của các bác sĩ còn đáng ngại hơn: 5 năm sau, bệnh sẽ lây sang mắt trái. Hơn một năm qua, Khôi Vũ vẫn đi, vẫn viết, vẫn thỉnh thoảng vèo xuống Vũng Tàu vài ba ngày, “để yên tĩnh và suy nghĩ”, như ông nói. Tôi cũng hầu như quên biến mất căn bệnh nguy hiểm mà ông đang mắc phải. Chỉ đến khi ông mở cặp khoe bản thảo cuốn tiểu thuyết vừa viết xong thì tôi mới giật mình. Cuốn tiểu thuyết có nhan đề: “VỠ DẦN TRONG MẮT”.

 

Tháng Tư, 2008

Trần Đức Tiến
Số lần đọc: 2455
Ngày đăng: 02.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoàng Đình Quang , Kẻ lưu lạc nơi cánh đồng - Lê Huy Mậu
Vị Tổng biên tập Tạp chí Văn Học một thời - Phạm Quang Trung
Orhan Pamuk , lưu vong như là một định mệnh - Inrasara
Đi…và tìm thấy người bạn - Inrasara
Vài kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008) - Trần Đức Tiến
Tỉnh lẻ - Nhà văn - Người đẹp - Trần Đức Tiến
Về đâu Thiện ơi? - Lê Huy Mậu
Chân dung văn nghệ : Nhà tôi số một trăm sáu chín... - Trần Đức Tiến
Nguyễn Trọng Tạo – Người tự sắm vai mình - Lê Huy Mậu
Trần Quang long - những chặng đường đã đi qua - Lê Hiếu Ðằng