Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
461
115.868.271
 
ĐÍNH CHÍNH ĐỌC NHANH RỒI… QUÊN. Về bài “Đôi điều phúc đáp…” của Mang Viên Long,
Inrasara

 

Xin được đi trực tiếp vào việc và, cũng xin… rất ngắn (tôi có 48 bài Viết ngắn!).

 

1. “sao còn “thơ ngây” tin vào các “nhà” [biên tập] ấy”

- Anh trách tôi, nhưng ngay sau đó anh lại “ngây thơ tin” các “nhà” này chọn thơ đăng báo để “người đọc còn chấp nhận “chơi” với nó (thơ dòng truyền thống)!

Xin thông tin thêm: bài này 4 lần đăng trong nước, 2 lần ở nước ngoài, trong đó có tạp chí rất chuyên. Nhưng đây là điều chẳng hệ trọng lắm.

Tham khảo thêm:

- Trong bài “Sẽ không có cuộc…”, tôi còn có “kẻ sáng tạo” khác:

“Sáng tác văn chương, thiếu một suy tư nền tảng, kẻ sáng tạo dễ rơi vào vùng viết cảm tính, cảm tính nên mơ hồ.”

- Tiểu luận “Thơ như là con đường” (Tienve.org, 04.2007; Tc. Thơ, số 01.2008), cơ man là “kẻ sáng tạo”:

“Như là ra đi mà vẫn còn ở lại. Quá trình co kéo này có mặt thường trực nơi tâm thức kẻ sáng tạo. Đau đớn và bất trắc cực độ.” “Chúng bật lên từ “sức nặng trầm lặng của khả tính” của nhà thơ-phu chữ, một kẻ sáng tạo máu thịt.” “Kẻ sáng tạo nói lên ý tưởng của mình, những gì mình khám phá, trải nghiệm và tin tưởng”,…

Đó là thói quen dùng từ của tôi, còn nếu anh quyết bắt bẻ, thì tôi đành chịu thôi chứ biết làm gì.

 

2. “ôi chao ! Sao mà lắm tên gọi thế nhỉ?”

- Thế là anh “dị ứng” với lí luận rồi còn gì. Tôi mới kê ra chưa đầy mươi trào lưu mà! Cũng lưu ý rằng chính chúng đang làm thay đổi thế giới chúng ta đang sống! Mà đâu phải chỉ thế giới văn chương. Cũng như trường lãng mạn, tượng trưng, siêu thực, hiện sinh,… được khai sinh tận trời Tây đã từng làm thay đổi thơ ca “ở Ta”. Sao lại từ chối thực tế lù lù này nhỉ? Lạ!

 

3. Tân hình thức [hay hệ mĩ học nào bất kì] không đồng nghĩa với tục tĩu, dơ dáy.

- 5 tập thơ đã in (trong đó có 18 bài tân hình thức), tôi chưa một lần dùng từ “tục tĩu”, chỉ mỗi bài có mỗi từ “tục” ấy (nó xảy ra vào đúng lúc đó, không thể khác); vậy mà anh Mang Viên Long nhè vào đó cho là nó “làm cho người đọc… thêm chóng mặt, buồn nôn, mỏi mệt”. Thì anh có bất công với tân hình thức không? Một hệ mĩ học (trào lưu) chỉ có thể bị vượt qua khi sáng tác tinh túy nhất của nó được khai mở trọn vẹn, chứ không phải ở các tác phẩm hỏng của nó.

 

4. “xin đọc lại các bài thơ theo kiểu “Tân hình thức” đã dẫn ví dụ ở trên”.

Một bài thơ hỏng, tồi không có nghĩa hệ mĩ học đó tồi. Hoài Thanh đã chẳng từng thải loại 99 bài Thơ Mới dở để chọn ra 1 bài hay sao?

 

5. Về người đọc. Xin đọc lại nguyên văn:

- “Người đọc! Người đọc nào? Thập niên qua, bao nhiêu là hệ mĩ học ra đời, chúng phân hóa độc giả làm nhiều khối khác nhau. Nhân danh thành phần độc giả này để chối bỏ các thành phần còn lại, chẳng những nhà phê bình tự hạn chế tầm mắt mình thôi mà còn gây trì trệ đến phát triển văn học nữa”.

Thêm: “đào tạo độc giả” cần hiểu theo nghĩa như Pháp “chuẩn bị” cho thế hệ người đọc thời Thơ Mới, chứ không phải dạy dỗ phải thế này phải thế kia. Người đọc thế hệ đó ngay từ cấp Ba đã rành Lamartine, Vigny, Hugo,… sáu câu vọng cổ rồi, nên họ rất dễ đón nhận Thơ thơ, Tiếng thu,… khi chúng vừa ra đời. Hôm nay, các Trường đại học khoa văn chương, hơn 30 năm qua sinh viên ta ra trường rất ít biết [“tri thức cơ bản”] về hậu hiện đại, thơ mở rộng, hậu nữ quyền luận,…

Nếu anh Mang Viên Long cũng nhất trí cao với tình trạng “đào tạo” này thì tôi xin chịu… thua.

 

6. “hãy chôn Thơ Mới” là một sự sai lầm đáng buồn, trong quá khứ. Chúng ta phải rút kinh nghiệm”.

- Nhóm Sáng Tạo khi tuyên như thế, họ đã chưa từng làm nên thơ tự do không vần đầy sáng tạo sao? Nếu anh Mang Viên Long từ chối chuyện này, tôi cũng xin chịu luôn.

 

7. “Theo thiển ý, cả đời sáng tác - nếu viết được “một bài” (hay “một tập”) mà có giá trị lâu dài – được lịch sử văn học ghi nhận – là đã… không hoài công rồi!”

- Vụ này thì… Bótay.com rồi!

 

8. “Ôm một đống “lý thuyết” đã “bội thực” – rút cuộc không tiêu hóa nổi”.

- Rất nhiều nhà thơ ngoài kia đã như thế, họ có bội thực không? Còn nếu [ta] chưa có manh lí thuyết nào trong bụng thì tiêu hóa cái nỗi gì đây?

 

9. “Các trào lưu văn nghệ… Đó là chuyện… ở bên Tây – còn chuyện ở xứ Ta thì… – Còn phải xét lại”.

- Xin mời anh đọc bài “Chủ nghĩa mình thì khác” của Nguyễn Hưng Quốc. Đảm bảo sẽ rất vui.

 

10. Lí thuyết là điều kiện cần, tài năng mới là điều kiện đủ. Đúng lắm.

- Nhưng ngay cái cần này ta chưa có thì làm sao có đủ? Ăn may là cái chắc rồi.

Éluard, Breton, R.Char,… từ lò siêu thực mà ra. Họ tác động đến thế giới văn chương thế nào thì khỏi bàn rồi. Chứ ta dị ứng với lí thuyết, hỏi có tác phẩm nào của nền văn học đó ảnh hưởng đến thế giới không?

 

Coda.

Lời thưa:

Mở đầu cuộc trước, tôi viết “Trao đổi, tôi rất ngại bị đẩy chệch ra khỏi đường biên văn chương. May quá, anh Mang Viên Long đã không thế”. Nói thế, tôi không muốn bắt bí anh và muốn né căng thẳng không cần thiết trong trao đổi học thuật về cuộc thơ, từ đó dễ lây sang cuộc người. Nên khi gửi cho Vanchuongviet.org, tôi tự kiểm duyệt cắt bỏ mục 9 này. Dù thực tế, trong “Đôi điều…”, anh Mang Viên Long có đi chệch, và [vô tình hay cố ý] đẩy tôi sang cõi bờ đạo đức rất… vời xa!

Nay xin đăng lại để độc giả Vanchuongviet đọc vui.

 

9. Chuyển hệ từ cõi học thuật sang kênh đạo đức

Trong “Sẽ không có cuộc…”, ở phần hai, tôi nêu:

Còn hôm nay? Vài năm qua, có thể dễ dàng nhận thấy thơ trẻ Việt Nam phát triển theo bốn dòng chính: những kẻ sáng tác theo “truyền thống”, dòng cách tân đơn lẻ, dòng thơ nữ, nhóm Mở Miệng… Riêng dòng sáng tác theo “truyền thống”, tôi nhận định:

Những kẻ sáng tác theo “truyền thống” với lối suy nghĩ đầy tai hại rằng thơ không phải cách tân chi chi cả mà chỉ cần viết sao cho hay. Dạng thơ này in tràn khắp mặt báo đã tạo khủng hoảng thừa, khiến người đọc ngán ngẩm thơ. Đơn giản, lâu nay người đọc cứ ngỡ rằng thơ Việt chỉ có mỗi nó, như thế.

Đáng buồn là những tưởng hôm nay, loại thơ cũ mèm kia hết ghế ngồi rồi, không ngờ chúng cứ chễm chệ đầy trang trọng tại các trang đinh của nhiều tờ báo, cả báo chuyện nữa, mới phiền. Chuyện dễ hiểu đến đau lòng: đại đa số người trực trang thơ các loại báo không ưa thơ khuynh hướng cách tân; họ là các nhà thơ tự hưu non, vậy nếu đăng sáng tác mới, lạ (mà chắc chi họ phân biệt được đâu là thơ cách tân hay với cách tân dở) thì các tác phẩm của họ hết chỗ đứng. Và, viễn tượng mất ghế biên tập không tránh khỏi!

Ví mà câu chuyện ngưng tại đó thì còn may. Đằng này, loại thơ đồng phục này đang đầu độc khí quyển thơ mà không tự biết. Kẻ mới vào làng thơ ngộ nhận rằng thế mới là thơ, thơ đích thực. Bộ phận không nhỏ người làm thơ, biết đó là đồ rởm nhưng muốn sáng tác của mình được đăng nên, rắp tâm đẻ hàng loạt thơ nhàn nhạt cùng kiểu; để rồi sau nửa đời hư, đường đường lên chức “nhà thơ”. Hậu quả thế nào thì người đọc lãnh đủ. Và – nền thơ Việt Nam lãnh đủ.

Anh Mang Viên Long chê trách tôi chủ yếu là ở phần này. Nhưng hãy thử xem Inrasara có “khinh thường”, “dẫm đạp”, “nặng lời”, “vô ơn” với quá khứ không? Thử phân tích. Tạm chia đoạn trên làm 3 lô:

[1]. Con người hôm nay [đang] sáng tác theo “truyền thống”.

[2]. “Truyền thống”, tức cái gì thuộc quá khứ, chính Quá khứ.

[3]. Tác phẩm thơ từ dòng này.

 

- Đố ai tìm ra từ/câu nào trong bài “Sẽ không có cuộc…” phê phán nhằm vào phần [2], nghĩa là vào chính truyền thống, quá khứ! Ngay trong bài, tôi còn đưa ra bao lời tụng ca “quá khứ gần” nữa. Hãy đọc:

“Trước tiên là Thơ Mới với những Thế Lữ, Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê, Hàn Mặc Tử, Đinh Hùng,… Thứ hai là thơ Cách mạng với Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Trọng Tạo), Hoàng Trần Cương, Thi Hoàng,… Tiếp theo là nhóm Sáng Tạo: Thanh Tâm Tuyền, Tô Thuỳ Yên, Quách Thoại, Duy Thanh,… Họ đã làm nên cuộc cách mạng…”

Nên, bảo “vô ơn” với quá khứ tại khu vực này là rất TRẬT!

 

- Phiền trách nếu có là ở phần [1], nghĩa là con người hôm nay sáng tác theo truyền thống. Nhưng ngay lô đất này nữa, cũng không nốt (hãy đọc phần kết). Mỗi nhà thơ có quyền làm thơ theo kiểu của mình. Họ là kẻ cùng thời với tôi nhưng sáng tác theo hệ mĩ học cũ, tôi không học gì ở họ nên chẳng việc gì phải mang ơn họ cả, do vậy – càng không có chuyện “vô ơn” tại đây. Riêng các bạn thơ sáng tác theo hệ mĩ học mới, dù tuổi đời của họ ít hơn tôi rất nhiều nhưng tôi vẫn nhận đã học được lắm điều ở họ (xem thêm: “Văn học Việt Nam: Cần một sự bứt phá về tư tưởng”, Inrasara trả lời phỏng vấn báo Điện tử Tổ quốc, 30.01.2008).

 

- Mục tiêu phê phán tôi nhằm vào chính là phần [3], nghĩa là các dạng thơ “ăn theo” quá khứ đang “dọc ngang độc quyền mặt bằng thơ đất Việt”.

Do đó, nếu vị nào muốn trao đổi, thì chỉ nhấn vào chính điểm này thôi, bài viết khả dĩ có giá trị và ý nghĩa, qua đó hi vọng mang lại lợi ích nào đó cho người đọc. Chứ nhè vào chuyện đạo đức như: “khinh thường”, “dẫm đạp”, “nặng lời”, “vô ơn” thì rất ư là… buồn lòng nhau.

Hết mục 9 của bài trước.

 

Lời cuối cho cuộc tình

Tôi đã có trên dưới 50 cuộc nói chuyện về văn chương các nơi, và luôn đặt vấn đề khai mào cho tranh luận. Sôi nổi và dzui dzẻ đáo để. Cả có ích nữa. Nhưng ở đây, thiết nghĩ với người về đỉnh cao, người về vực sâu (như anh Mang Viên Long và tôi) thì có lẽ không thể chăng. Nên, xin mạn phép anh và độc giả Vanchuongviet cho chúng tôi dừng tại đây. Nếu quý độc giả muốn biết thêm quan điểm văn học của tôi, xin quá bộ thăm:

 

- “Góp nhặt sỏi đá hay Đối thoại về sai lầm lặp đi lặp lại về nhìn nhận thơ hôm nay”, báo Văn nghệ, 20.9.2006 đăng một phần, Tienve.org đăng toàn văn dài 12.000 chữ, ngày 26.08.2006.

 

Sài Gòn, 07.05.2008.

 

Inrasara
Số lần đọc: 3206
Ngày đăng: 07.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đọc Trần Dần qua thơ* - Đặng Huy Giang
Yếu tố bi kịch trong tiểu thuyết Đất lửa của Nguyễn Quang Sáng - Phạm Ngọc Hiền
Đôi điều về “ĐÔI ĐIỀU CẦN NÓI VỀ…” của Mang Viên Long. - Inrasara
Đôi điều cần nói về : Không có cuộc Cách mạng Thơ trong tương lai gần của Inrasara - Mang Viên Long
Đọc MÙA HOÀNG HOA của MAI TRÂM : Bỗng tôi thấy em dưới chân cội nguồn(1) - Lê Vũ
Lục bát Trần Vạn Giã :Thả thơ theo ngọn gió bay - Võ Quê
Chiêu tuyết cho nàng Hoạn Thư - Hà văn Thùy
Ngô Liêm Khoan sớm thoát “máng xối”… - Phan Hoàng
Từ Cửa mở đến Cửa đã mở * - Đặng Huy Giang
Trần Đại Nhật là người làm thơ mang hai dòng máu Hàn-Việt. - Hồ Ngạc Ngữ
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)