Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
812
116.509.619
 
trang thơ thập thò nhánh rẽ…
Lý Đợi

Đọc tập thơ Phía sóng của Phạm Tấn Dũng, Hội VH-NT tỉnh Quảng Nam, 1-2008.

 

Nghệ-Thuật là cao quý.

Người làm ra Nghệ-Thuật đã cao quý.

Người thưởng ngoạn Nghệ-Thuật còn cao quý hơn.([1])

 

Giới hạn bài viết:

 

Thứ nhất, bài viết ngắn này được thực hiện trong tư cách của một người đọc – một người bạn của tác giả, nghĩa là nhìn từ bên trong, với nhiều cảm tình; chứ không phải trong tư cách một nhà thơ, hay một nhà phê bình – một người ở bên ngoài, và đương nhiên sẽ phải nhìn từ phía khách quan, với những suy luận mang tính cách logic. Tại sao tôi nói điều này, vì nếu thay đổi tư cách này, hướng triển khai, góc nhìn và mục đích của bài viết sẽ hoàn toàn thay đổi.

 

Thứ hai, bài viết này xoay quanh khổ thơ cuối cùng trong bài “Tạ với thung xưa” ở trang 20 của tập Phía sóng. Từ cái nhìn có tính cách chủ yếu và khu biệt này, tôi nghĩ về cả tập thơ, và thử vẽ ra một vài chọn lựa của tác giả.

 

Thứ ba, cũng là lý do hết sức cá nhân, để ủng hộ một trong những người làm thơ đang sinh sống ở Điện Bàn, quê của gia đình tôi, nơi được xem là một “mảnh đất của thơ ca”([2]), mà trong khoảng 5 năm qua lại không có một tập thơ nào tươm tất ra đời.

 

 

Tạ với thung xưa

 

Tôi nắng chiều ùa về gò xưa

Bằng đôi cánh chuồn chuồn

Như chớp vào chiều cánh hoa bằng lăng tím

Tìm bóng em dẻo thơm nước mắt

Bên cái nghèo lấp lánh

Bên cái ngày tôi bỏ chính tôi đi

 

Tôi là nắng mà không thành sóng nước

Tôi là em mà không tìm ra tiếng gọi

Kỷ niệm ngày xưa đuổi khói lên trời

Vì mong manh nên không đầu không cuối

Vì rong chơi xé áo bọc đường về

Tôi lau mồ hôi gọi tên em dưới sao đêm

 

Bầu trời ngày xưa còn thẹn thùng tiếng ếch

Sương khói cánh cò đậu trắng trong tôi

Tôi phả hơi vào đám rêu ngày về

Có tiếng lá rơi trong chiều nắng rụng

 

Tôi cơn nắng ùa về mong vun cao cái tên

Trang thơ thập thò nhánh rẽ

Như muốn chở gió chở nước

Chở cỏ cây muộn màng hối lỗi

Chở gò đồi thắp sáng non xanh.

 

 

*

 

Với tư cách người đọc, tôi chọn bài thơ này để đọc không phải vì nó tiêu biểu cho phong cách cũ của tác giả, cũng không phải vì nó mới, có nhiều thử nghiệm nhất.

 

Nếu chọn một bài tiêu biểu cho phong cách cũ, tôi sẽ chọn bài “Khía đàn ông” ở trang 43-44, vì ở bài này, vẫn là cách lý tưởng hoá cái tôi, để qua cái tôi này – cái bản thể luận duy nhất này – mà nhìn ra thế giới xung quanh. Đọc những câu như:

 

… “Tôi ngửa tay xin đẹp

Tôi tặng cả đất trời

Tôi để dành nỗi lo

Tôi giàu sang nước mắt con gái.”

 

… ai cũng có thể thấy có cái gì đó quen quen trong cách xây dựng cấu tứ, hình tượng. Một mỹ cảm và mỹ cảnh đã khá gần gũi với những ai quen đọc thơ tình những thập niên 1970-1990. Giữa một bên là chuyện “đại sự quốc gia” với muôn vàn khó khăn, giữa một bên là những “tâm sự loài chim biển”, những tình cảm riêng tư như vừa được nhắc đến, vừa mới chớm nở trở lại. Trong khi đời sống và tâm tư tình cảm thời nay thì không còn được như thế nữa.

 

Còn nếu chọn một bài khác cho phong cách mới, có đôi chút thể nghiệm của Phạm Tấn Dũng, tôi không ngại ngần khi chọn bài “Đá ong” ở trang 59-60, gần cuối tập, nơi chuẩn bị khép lại một giai đoạn cũ, để mở ra một cuộc chơi mới ở những tập tiếp theo. Hai đặc điểm để bài thơ này không thật mới – theo cách nhìn từ bút pháp – là vì nó vẫn còn lệ thuộc vào một vài vần lưng, và riêng ở khổ cuối, nó lại trả bài thơ, và đương nhiên, trả chính tác giả lại thời kỳ đầu của mình, nơi mà những tư duy về hình tượng và ngôn ngữ còn “cũ” hơn trong bài “Khía đàn ông”. Khổ cuối được tác giả viết như vầy:

 

… “Này đá ơi đừng buồn

này người ơi đừng khóc

khúc sông buồn rêu xanh

mai mưa lên ngày cũ

mát đoạn đời rong rêu”

 

… bài thơ này gồm có 7 khổ, 5 khổ đầu là một thể nghiệm với nhiều thành công của tác giả, còn 2 khổ cuối thì lại làm “khổ” chính tác giả.

 

Thơ Phạm Tấn Dũng là một cuộc chơi mà sự băn khoăn đang ở chính giữa “mới” và “cũ”, một cấu tứ nhị phân. Y như câu thơ của chính anh: … “Trang thơ thập thò nhánh rẽ”.

 

Trong một trật tự biểu trưng (Symbolic order), tập thơ này gần như hiển nhiên được sắp đặt trong một cấu trúc gần như được bày sẵn bởi các thiết chế xã hội, chuẩn mực ngôn ngữ - đạo đức, và cả quy cách tư duy về hình tượng đã tồn tại trước khi tác giả ra đời([3]). “Trong lịch sử truyền thống, sự tìm kiếm cho ra những nguồn gốc trong những chân lý lớn lao về đạo đức là hoàn toàn bị lạc lối; mọi thứ đều phục tùng cái nhìn soi rọi đang làm phân rã của lịch sử. Không có những cái tuyệt đối. […] Chúng ta tin rằng những cảm xúc là không thể biến đổi, nhưng mọi tình cảm, đặc biệt là tình cảm cao thượng nhất và vô tư nhất, đều có một lịch sử. Chúng ta tin rằng, trong bất kỳ sự kiện nào, cơ thể cũng tuân thủ theo những luật riêng biệt của sinh lý học, và chúng ta tin rằng nó thoát khỏi ảnh hưởng của lịch sử, nhưng điều này cũng sai nốt.”([4])

 

Vì những lý do như trên, rất khó để bác bỏ cách đọc của tôi là không mang tính lịch sử, và hoàn toàn sai lầm. Cho nên, tôi giả định cách nhìn của tôi là hợp lý, và đúng mực. Trong bài thơ “Tạ với thung xưa”, tôi thấy nó thể hiện rõ mấy điều sau đây: Khổ 1 được viết với nỗi niềm hoài nhớ về quê cha của tác giả, Gò Nổi: … “Tôi nắng chiều ùa về gò xưa”. Khổ 2 và 3, là những tâm tư cần giãi bày, là những suy nghĩ mong manh cần gởi gắm: … “Vì mong manh nên không đầu không cuối”. Và khổ cuối, mỗi câu, mỗi cụm câu là một chuyên chở rất cụ thể, thể hiện rõ “ý đồ” sâu kín của tác giả:

 

- “Tôi cơn nắng ùa về mong vun cao cái tên”: Phạm Tấn Dũng. Một cái tên mà chính như tác giả đã tỏ lộ ở bìa 2 của tập thơ: “Đã có thơ in trên các báo, tạp chí chuyên ngành, các tuyển tập TW và địa phương.”

- “Trang thơ thập thò nhánh rẽ”: những băn khoăn, tự tin như tôi đã nói ở trên. Một cuộc dằn co giữa cái hiện thời – cần vững bền, và cái cần thay đổi, mới hơn ở tương lai.

- “Như muốn chở gió chở nước / Chở cỏ cây muộn màng hối lỗi / Chở gò đồi thắp sáng non xanh.”: Từ một thế giới quan (“chở gió chở nước”) đi đến một cảm quan (“muộn màng hối lỗi”), rồi một ước mơ (“thắp sáng non xanh”).

 

Đọc được một khổ thơ, mà ở đó ẩn chứa được hầu khắp tâm tư của tác giả; ở đó là thông điệp của toàn tập thơ; là “cửa sổ” để nhìn vào quan điểm của người làm thơ… là một may mắn và hạnh phúc.

 

Hạnh phúc có tính cách riêng biệt của cá nhân, của trò phân tích ngôn ngữ, một trò ảo thuật và phù thuỷ. “Nơi người ta muốn bất chấp những dao động của tập quán ngôn ngữ bằng một chút chuyên quyền.” (S. Freud)([5]). Nói như chính nhà tâm phân học này: … “Thế là ảo thuật căn bản đã thành nghệ thuật tác động đến các thần, bằng cách người ta quan trọng hoá chúng, tô hồng chúng, thiên vị chúng, đe doạ chúng, tước quyền chúng, vứt bỏ chúng theo ý thích của mình, bằng cùng những phương tiện mà người ta tìm ra một cách đích thực cho những người sống.”([6]) Từ cách lý giải các trò ảo thuật và phù chú mà S. Freud đã quan tâm trước đây, tôi nghĩ vẫn có thể lý giải về văn học và các biểu hiện về văn hoá bằng cách này.

 

… “Đúng, Zarathoustra đã nói đúng, vì nghệ thuật làm ra mà không có ai hưởng ứng cũng như mặt trời kia soi sáng trên vùng đất chết, không sinh vật, thì nguồn sáng thiên liêng đó cũng vô ích.”([7]) Ủng hộ và hưởng ứng công việc (không phải chuyên tâm và có tính chiến lược) của tác giả, tôi có thể “bất chấp” một vài giới hạn về định đề văn học, một vài định kiến vốn bày sẵn trong việc thẩm định nghệ thuật… để “nâng quan điểm” trong cách đọc và nhìn như ý muốn của riêng mình. Một cái nhìn như là một cuộc chơi, có tính cách “vui thôi mà”.

 

*

Chơi. Một khái niệm bao quát và thâm trầm. Nhưng cũng có thể là một khái niệm giản đơn và là một biểu hiện khá rõ nét trong tập Phía sóng. Và cũng là một chọn lựa của tác giả.

 

Trong một lần trò chuyện gần đây (khoảng giữa tháng 1.2008), Phạm Tấn Dũng nói: “Với tôi, viết báo, vẽ tranh, làm thơ… chỉ là một cuộc chơi không đầu không cuối. Vui vẻ, nhẹ nhàng và không chấp vào bất cứ điều gì.” Sau khi đọc Phía sóng, tôi tin vào lời nói có tính cách phát biểu này, vì ở đây thiếu một sự kiên quyết (ví dụ như bài “Đá ong” đã nói ở trên), thiếu một sự cực đoan cần thiết để vượt qua những “thập thò” có tính chất cố hữu trong bất kì người cầm bút nào.

 

Tuy nhiên, làm thế nào để thuyết phục người nghe và người đọc nhận biết việc làm thơ như là một cuộc chơi đích thực thì thật khó khăn. Bởi lúc nào “trang thơ [cũng] thập thò nhánh rẽ”, ở đó chứa một tham vọng, một ý đồ kiếm tìm một sự thay đổi, một giá trị, một địa vị về tên tuổi. Rõ ràng, thơ không phải từ hư vô sinh ra, và cũng không phải đi về hư vô. Bất kì một công việc, một câu thơ nào cũng chứa một ý định, một ước mơ, hay ít ra, một sự mộng du… đi về phía người đọc.

“Nơi góc vườn kia

Ai đó vừa thắp lên đoá trăng non

Đêm lệch về phía vỉa hè

Tiếng gió rung lên

Quét tôi cùng tiếng kêu đêm của loài chim mộng du”

(Phía sóng, bài “Vườn khuya”, khổ 1, trang 19)

 

*

Trở lại với khổ cuối cùng trong bài “Tạ với thung xưa”, nếu được viết lại, tôi thử đề nghị một chuyển mạch có tính cách bậc thang (kiểu Maiacovsky), bỏ một vài cách viết hoa đầu dòng, để cảm xúc được liên tục chảy, và khát vọng được nhìn rõ hơn.

 

… Tôi cơn nắng ùa về mong vun cao cái tên

Trang thơ thập thò nhánh rẽ

Như muốn chở gió

chở nước

chở cỏ cây

muộn màng hối lỗi

chở gò đồi

thắp sáng non xanh.

 

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là một ước vọng có tính chất “thập thò”, một hy vọng có tính chất ngông cuồng và tự kỷ. Một kiểu diễn ngôn (discourse) về văn bản, mà trong ý nghĩa rộng nhất của nó, nó có nghĩa là bất cứ điều gì được viết hay được nói hay được trao đổi bằng cách dùng những ký hiệu, và đánh dấu một sự liên hệ trực tiếp đến ngôn ngữ, và cả cấu trúc của ngôn ngữ đó.([8])

 

Và cuối cùng, cũng trong khả năng của diễn ngôn có tính cách tự kỷ này, tôi đã bỏ qua những ảnh hưởng về từ ngữ, về ý tưởng, về cấu tứ… mà Phía sóng đã ảnh hưởng trực tiếp từ những tác giả, tác phẩm trước, và cùng thời với nó. Bởi như đã nói từ đầu, đây là cách của một người đọc, chứ không phải cách của một nhà thơ – một nhà phê bình với những quan tâm về lịch sử và tiến trình của văn học. Bởi trong một quan tâm đích thực thì văn học và nghệ thuật có liên hệ chặt chẽ với tri thức, với quan điểm, với trình độ diễn ngôn của người phân tích, và đương nhiên, với cả hệ thống diễn ngôn mà xã hội áp đặt. Và như thế, cả cách viết bài này cũng là một sự thập thò, bởi những quan tâm kiểu mới-cũ, kiểu hay-dở… dường như không hợp thời; về lịch sử lý luận, nó đã bị vượt qua. Nhưng nghĩ cho cùng, “nghệ thuật mang tính siêu nhận thức (meta-epistemic): nó nói về hệ nhận thức như một tổng thể, một phúng dụ về những kết cấu ở bề sâu, những kết cấu làm cho tri thức có thể có được.”([9]) Nghĩa là trong nội tại từng tác phẩm, từng tác giả, nó vẫn chấp nhận nhiều cách thức khá riêng rẽ, và nhiều khi không cần hợp thời.

 

Trong góc nhìn của người đọc, “kẻ viết tự vỗ về bằng ảo giác cho no đầy hy vọng.”([10])

 

 

Khúc Lũy, mồng Mười, xuân Mậu Tý - 2008.

 



[1] Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, Tủ sách Nam Chi, Sài Gòn 8-1970, tr. V.

 

[2] Tuy nghe ra rả cái ý này, nhưng cụ thể ai là người chịu trách nhiệm đầu tiên thì tôi không biết. Nếu được người đọc bài này bổ khuyết xuất xứ rõ ràng thì thật là vinh hạnh biết bao.

[3] Xem thêm tại Postmodernism, Richard Appignanesi – Chris Gattat, Newyork/USA 1995, tr. 92-93.

[4] Xem thêm tại Foucault, Lydia Alix Fillingham – Mose Süsser, Newyork/USA 1993, tr. 103-104.

[5] Xem thêm tại Nguồn gốc của văn hoá và tôn giáo (Vật tổ và Cấm kỵ), Sigmund Freud, Lương Văn Kế dịch, Nxb ĐHQG Hà Nội 2001, tr. 143.

[6] Sđd, tr. 144. Về văn phong và tư tưởng của cuốn sách này, để xác tín hơn, có thể đọc nguyên tác tiếng Đức Totem und Tabu của S. Freud, Frankfurt/M. 1991. Tuy nhiên, tôi lại không đọc được tiếng Đức để trích dẫn, có lẽ là một thiếu sót.

[7] Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, Tủ sách Nam Chi, Sài Gòn 8-1970, tr. 67.

 

[8] Xem thêm tại Foucault, Lydia Alix Fillingham – Mose Süsser, Newyork/USA 1993, tr. 100.

[9] Xem thêm tại Postmodernism, Richard Appignanesi – Chris Gattat, Newyork/USA 1995, tr. 84.

[10] Tạ Tỵ, Mười khuôn mặt văn nghệ, Tủ sách Nam Chi, Sài Gòn 8-1970, tr. 268.

 

Lý Đợi
Số lần đọc: 3003
Ngày đăng: 09.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Hoa báo mưa - Võ Quê
Ngu lâu ! - Trần Huy Thuận
Những góc phố dịu dàng - Trương Đạm Thủy
Phú Yên thi nạn diễn ca - Khuyết danh
Đàn Xã Tắc và đất thiêng cõi Việt - Trần Hạ Tháp
Thân cò thời vật giá leo thang ! - Vũ Trà My
Thắng ngố - 8 - Trần Huy Thuận
Thơ-lái của Võ City - Tô Vĩnh Hà
Vô tâm đến.. vô duyên !! - Vũ Trà My
Cha tôi - Trần Huy Thuận
Cùng một tác giả
Trợ giúp ! (văn hóa)
Tin buồn (văn hóa)