Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
596
116.534.594
 
Ông Mười
Nguyễn Trọng Tấn

Nhà anh Hai Đâu bên rạch Cây Gáo đang xây hơn nửa tháng nay. Trưa nào ông Mười cũng quảy thùng cà rem sang lắc chuông leng keng, leng keng. Thấy ông Mười đừng ngoài sân lắc liên tiếp mấy hồi, thằng Mẫn đang trộn hồ ngẩng đầu lên:

 

- Bữa nay không ăn cà rem đâu ông Mười ơi, đi chỗ khác bán đi.

 

Con nít ở xã này đứa nào lớn lên mà không một lần ăn cà rem của ông Mười. Bởi vậy tiếng chuông leng keng của ông Mười là kỷ niệm thời thơ ấu của tất cả những người lớn như  anh Hai Đâu và những đứa trẻ sẽ lớn như thằng Tí con của anh.

 

Nghe thằng Mẫn nói vậy ông Mười thôi không lắc chuông nữa. Ông đặt thùng cà rem xuống đất rồi đứng nhìn anh Quang đang thoan thoắt đặt những viên gạch đỏ au để xây tấm vách nhà. Thấy ông Mười đứng ngoài nắng chang chang, anh Hai Đâu ngồi uống trà trong mái trại kêu:

 

- Vào đây uống nước trà nghỉ một lát rồi hãy đi bác Mười ơi!

 

Uống cạn hết hai tách trà ông Mười mới dám ướm lời:

 

- Căn nhà này chú xây tốn bao nhiêu tiền vậy?

 

Anh Hai Đâu cũng chẳng giấu giếm gì:

 

- Tui dự trù năm mươi triệu nhưng hổng biết có đẻ thêm hôn.

 

Câu chuyện cứ xoay quanh ngôi nhà đang xây mỗi lúc một hào hứng. Anh Đâu mừng vì xây được nhà mới nên dễ dàng thân thiện với tất cả mọi người. Còn ông Mười thấy anh Đâu có vẻ quý mến mình nên cũng vui miệng nói luôn cái ước mơ ấp ủ trong lòng mấy chục năm nay.

 

- Tui cũng dự định cất nhà chú à. Tui vừa ý kiểu nhà của chú lắm. Mai mốt tính xây y chang như vầy nè. Nhưng... Ông Mười bẽn lẽn: - Nhưng chưa đủ tiền chú à.

 

Bất ngờ chưa! Hồi nào đến giờ có ai dám nghĩ ông Mười bán cà rem có tiền cất nhà đâu. Cái tin ông Mười dự định cất nhà tường truyền đi nhanh hơn tin trúng số độc đắc. Ông Mười gặp ai người ta cũng hỏi về cái tin ấy. Nghĩ lại ông Mười giận mình quá chừng. Thiệt tức, khi không lại khoe mình dự định cất nhà thì chẳng khác nào nói cho mọi người biết mình đang có nhiều tiền. Nghĩ lại, nếu nửa đêm khuya khoắt kẻ gian đột nhập vào nhà kề dao vào cổ kêu ông đưa tiền cho nó thì sao? Không đưa thì nó giết, còn đưa cho nó thì cũng có nước tự tử chết theo. Mấy chục năm trời dành dụm mà bị cướp hỏi chớ làm sao sống nổi. Người ta nói người sống hơn đống vàng. Nhưng trường hợp của ông thì khác. Ông thấy mình yếu rồi, không biết còn quảy thùng cà rem được bao lâu nữa. Gần một năm nay, đêm nào đi bán về ông cũng nghe đau mình ê ẩm. NHất là hai cái chân, nó nhức chịu không thấu. Mà cũng tại ông hà tiện, đi xe hai bận tốn có mầy ngàn đồng vậy mà ông tiếc. Mỗi sáng ông thức dậy thật sớm đi bộ lên hãng lấy kem rồi đi bộ về. Chuyến đi còn đỡ, chuyến về thùng kem nặng trịt quảy ê vai. Rồi còn phải quảy đi bán suốt cả ngày. Hôm nào bán đắc, hết sớm thì đi ít. Hôm nào bán ế đi rã đôi chân. Mấy chục năm nay tính ra ông đi giáp vòng trái đất hổng chừng. Bởi vậy đồng tiền vào túi của ông có giá trị lớn lắm.

 

Chính vì thế mà có đêm ông phập phồng không sao ngủ được. Tiếng con chuột rột rẹt ngoài vách nhà cũng làm ông giật mình. Có khi đang ngủ mơ màng thấy có trộm rình nhà, ông giật mình tỉnh giấc lấy đèn pin đi kiểm tra xung quanh xem có ai núp đâu đó không. Mà căn nhà ọp ẹp của ông thì chỉ ngăn người ngay chứ muốn vào lúc nào chẳng được. Càng nghĩ ông Mười càng thấy lo. Mới hồi chiều hôm qua ông có một phen sợ muốn chết ngất làm cả đêm không sao chợp mắt được. Chuyện cũng chẳng có gì nghiêm trọng, chỉ do mấy đứa con nít nghịch ngợm đùa giỡn. Một nhóm con nít năm bảy đứa gì đó đang chơi, thấy ông Mười đi bán về ngang, bỗng có đứa vụt chạy đến ôm chầm lấy ông. Rồi đứa thứ hai, đứa thứ ba chạy đến ôm chầm lấy ông chật cứng, không vùng vẫy gì được. Tụi nhỏ la hét rùm beng. Ông kêu chúng nó buông ra thì chúng càng siết chặt hơn. Ông nhảy cẫng lên, giãy giụa nhưng không ăn thua gì. Một đứa phát hiện cái ruột tượng buộc chặt quanh bụng ông. Nó vừa vén áo ông lên vừa hét:

 

- A, ông Mười buộc cái gì trong bụng né tụi bây ơi!

 

Cả lũ trẻ không ôm ông nữa mà bâu vào cái ruột tượng. Ông Mười hét đến  lạc giọng chúng nó mới chịu buông ra. Cũng mai là cái cách giấu của trong ruột tượng này mấy đứa trẻ không biết. Từ trước tới giờ ông mười nghĩ giấu như vậy là chắc ăn nhưng bây giờ ông mới thấy cất như vậy là nguy hiểm quá chừng. Nhưng cũng hổng còn biết giấu ở đâu. Đào chôn dưới đất thì cũng không ổn. Ông đi bán suốt cả ngày, kẻ gian vào nhà đào tìm thì cũng mất như chơi. Thôi, người đâu của đó, ông bà ta đã dạy vậy rồi. Đúng là thần khẩu hại xác phàm, khi không lại đi khoe mình sắp cất nhà làm chi cho khổ thân hổng biết. Ông Mười giận mình dữ lắm. Nhưng biết làm sao được, lời nói đã lỡ nói ra đâu có rút lại được.

 

Ông Mười nghĩ mà tủi thân, ước mơ cất căn nhà cho đàng hoàng như người ta mà gần hết một đời vẫn chưa cất được. Hồi đó cũng vì cái nghèo mà từ miệt Sóc Trăng ông trôi dạt tới xứ Mương Điều này. Cái ngày mà ông bỏ xứ đi mãi mãi không thể quên được. Ngày đó là ngày cúng mở mả cho mẹ của ông. Chủ nợ đến lấy đất trừ nợ buộc ông phải dọn nhà đi. Mà nhà ông có gì đâu để dọn. Ông Mười ra đi chỉ mang theo cái bát hương trên bàn thờ chớ có cái gì đáng giá đâu mà lấy. Cái ngày đó ngoảnh đi ngoảnh lại đã gần ba mươi năm rồi. Mau thiệt! Ông Mười càng có tuổi lại càng hay quên. Mà chỉ quên chuyện hiện tại mà thôi chớ chuyện xa lắc xa lơ thì nhớ rành rành. Chuyện đâu từ thời ở truồng tắm mưa cũng nhớ rành rạch, nhớ không lỗi một chi tiết. Có khi nó cứ hiện về ràng ràng trước mặt tưởng có thể sờ tay là chạm được liền. Ông Mười sợ nhất là những đêm không ngủ được, nằm nghe mưa rơi rả rít trên mái nhà, nghe tiếng côn trùng hoà âm du dương thì quá khứ cứ sầm sập kéo về như con nước dưới kinh Mương Điều mùa lũ. Trong dòng chảy của ký ức, lần nào ông cũng thấy mẹ ông đánh thức ông dậy để chui xuống gầm bàn có phủ tấm ni - lông để tránh mưa. Những đêm mưa dầm thì phải ngủ luôn dưới gầm bàn ấy. Ông Mười ước mơ có một ngôi nhà lành lặn từ những ngày đó. Rồi cái ngày người anh đầu của ông lấy vợ ông cũng nhớ như in cho đến bây. Đêm đó mấy chị em ông phải ngủ dưới đất để nhường cái giường cho vợ chồng người anh mới cưới ngủ. Hễ nhớ tới là ứa nước mắt mà sao mắc nhắc nhớ hoài. Rồi mỗt kỷ niệm đẹp mà ông cũng hay nhớ. Hồi năm ngoái,khi để dành tiền đủ mua một chỉ vàng, ông nghỉ bán một ngày đi bộ tuốt lên chợ huyện mua để đừng cho người quen thấy. Khi về dọc đường thì trời mưa. Hồi sáng cứ nôn nao đi sắm vàng nên quên bẵng cái áo mưa đã xếp sẵn để trên bàn thờ. Bây giờ mua cái áo mới để mặc đi về thì phí quá. Mặc làm sao cho hết hai cái áo mưa. Cái áo mưa ở nhà mặc ba năm rồi mà vẫn còn mới tinh, phải vài năm nửa thì mới cũ. Nghĩ vậy ông Mười tìm nhà để đục. Sau này mỗi lần trời mưa là ông nhớ lại nhớ cái hôm mưa ấy.

 

Bà sáu Đen là người nổi tiếng tin dị đoan. Hôm trước bà Sáu đi coi bói, ông thầy nói tháng này tuổi của bà kỵ, coi chừng bệnh hay gặp tai nạn... Bà phải đi chùa, làm phước, có đức thì tai qua nạn khỏi. Vì vậy mà ông Mười gặp may. Hồi đó đến giờ ông chưa tâhý ai tốt như vậy. Trời có bão nên cơn mưa kéo dài lê thê đến chiều mà chưa ngớt hột. Ông Mười  nằng nặc đòi về mà bà Sáu không cho. Mấy đứa con của bà thấy mẹ quý khách nên cũng cầm ông lại nghỉ, sáng mai hẳn về sớm. Thấy bà Sáu đối xử tốt quá ông Mười cũng không nỡ ra về. Thằng Út, con của bà Sáu, nhường hẳn cho ông phòng của mình. Ông không nằm trên giường mà cởi đồ ra nằm dưới nền gạch. Giường thì ngày nào không nằm, còn nền gạch láng o  như vầy ông mới đuợc nằm lần đầu tiên. Ông cứ lăn tròn khắp khoảng trống trong phòng để da thịt được tiếp xúc lên nền gạch. Trời vẫn mưa rả rít. Nền gạch lạnh ngắtnhưng ông Mười nghe ấm áp và khoan khoái quá chừng. Ông không dám nhắm mắt lại vì sợ mình ngủ quên thì tiếc lắm.

 

Chính vì khao khát được tận hưởng những cảm giác ấm áp ấy mà cả đời ông Mười chắt chiu dành dụm. Nhưng sức muốn cạn rồimà không biết có cất nổi căn nhà không. Có khi vừa nghĩ đến chuyện cất nhà là tự nhiên ông ứa nước mắt. Ông không biết tại sao càng có tuổi ông lại càng hay khóc. Nhiều khi nghĩ chuyện đâu đâu cũng khóc ngon lành, hay có hôm trời nắng gắt quá ông cũng khóc. Như hôm trước, ông mở lon gu- gô cơm ngồi ăn trưa dưới bóng hàng dừa. Vừa mới ăn được mấy muỗng thì mắc nghẹn. Cũng tịa ông có tuổi rồi mà cơm ăn trưa chỉ với mấy lát dưa mắm sao không nghẹn được. Chỉ có vậy mà ông cũng ứa nước mắt. Cũng tại cái tính hà tiện mà có lần vì bán ế hơn chục cây cà rem ông đã ăn hết để trừ cơm. Đêm đó ông bị đau bụng di ngoài tưởng đâu chết. Đó là chuyện của hồi năm ngoái, còn hôm nay ông đau bốn ngày rồi mà vãn không chịu mhua thuốc men gì để uống, cứ ở nhà xức dầu, hái lá xông qua quất rồi thôi. Hồi đó đến giờ mỗi lần bệnh ông cũng điều tự chữa như vậy. Nhưng hồi đó khác, bây giờ khác. Sang ngày thứ năm ông nằm liệt giường. Hơi thở của ông yếu và gấp gáp. Ánh mắt trắng nhờ, đò đẫn như người mất hồn. Giọng nói lào khào trong cổ rất khó nghe. Sang ngày thứ bảy ông Nười đi. Ông ra đi lặng lẽ không nói với ai tiếng nào. Ngày ông Mười đến, con nước dưới kinh Mương Điều đang lớn. Hôm nay con nước dưới kinh đã ròng. Dòng nước cứ chảy đi miết.

 

Ngôi mộ của ông Mười vừa xây xong ai cũng trầm trồ khen đẹp. Ở làng này có ai dám bỏ tiền ra xây mộ cho người thân đẹp như vậy đâu. Ông Bảy thấp ba nén nhang lâm râm khấn trước mộ:

 

- Anh Muời ơi, cả đời anh ước mơ cất căn nhà tươm tất như người ta. Nay anh đi rồi , số tiền anh dàng dụm chúng tôi dùng để xây mộ hết cho anh. Thôi thì sống có cái nhà, thác có cái mồ, chắc ở dưới anh cụng mãn nguyện hén anh Mười!

Nguyễn Trọng Tấn
Số lần đọc: 2364
Ngày đăng: 07.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm khó quên - Mai Bửu Minh
Hắn và tôi - Mai Bửu Minh
Người chạy trốn quá khứ - Mai Bửu Minh
Ngôi mộ không hài cốt - Văn Quốc Thanh
Chuyến xe cuối - Nguyễn Thị Diệp Mai
Vùng biển lặng - Văn Quốc Thanh
NGƯỜI KHÔNG CỜ BẠC - Mai Bửu Minh
Ông Hai Thủ - Mai Bửu Minh
Ngoại tình - Mai Bửu Minh
Sông Hậu xuôi về - Nguyễn Lập Em
Cùng một tác giả
Ông Mười (truyện ngắn)
Biển gọi (truyện ngắn)
Mùa xuân của má (truyện ngắn)