Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
430
115.864.737
 
Nhập lưu hậu hiện đại kì 3.
Inrasara

Nhập lưu 3. Nhập môn

 

Hành động hậu hiện đại

Nhìn một cách tinh yếu, tinh thần hậu hiện đại tiềm ẩn trong truyền thống tư tưởng Đông phương mà Tây phương – trong truyền thống triết học của họ – đã khai mở theo cách thế khác, nói bằng ngôn ngữ khác. Nên có thể nói, hậu hiện đại đã chảy trong máu chúng ta. Vì vậy, kẻ sáng tạo hôm nay không cần thiết phải đi hết hiện đại [Tây phương] mới có thể tiếp cận hậu hiện đại, như vài người đã nghĩ thế. Nhưng làm sao hành động, khi mọi nền tảng kinh nghiệm đã lung lay? Hay, làm sao có thể bước đi, khi chúng ta đã chối bỏ mọi đất đứng?

Nhận thức thế giới là hỗn độn chaos, “khi mọi trung tâm không chắc chắn, các nhà hậu hiện đại chấp nhận sự hỗn độn như là một sự kiện và sống một cách thực tế, xâm nhập vào nó bằng “tình cảm mật thiết” (I.P.Ilin). Nghĩa là: Cần một quyết định dũng cảm: nhảy thẳng vào hậu hiện đại! Nhưng muốn nhảy, chúng ta cũng cần chuẩn bị cho bước nhảy.

Chuẩn bị ra sao và từ đâu?

 

Sau buổi nói chuyện về thơ hậu hiện đại, một nhà văn hỏi tôi có thể tóm gọn tinh thần hậu hiện đại bằng hai câu được không? Tôi nói chỉ một là đủ: Hậu hiện đại là không có cái gì là trung tâm cả! Đó là lí thuyết. Còn trong đời thực, con người hậu hiện đại suy tư toàn cầu - hành động địa phương. Ví dụ, môi trường thế giới đang bị tàn phá và bị hủy hoại khắp nơi, ai cũng hiểu thế. Con người hậu hiện đại không than khóc nó, cũng không lo lắng cho cả thế giới nữa. Khi bạn học trồng cây trong khuôn viên nhà bạn, khuyên hàng xóm láng diềng bạn không lên núi phá rừng là bạn đã góp phần cải tạo môi trường trái đất rồi. Trong lĩnh vực văn chương, nhà văn hậu hiện đại có thể theo dõi các trào lưu triết học mới nhất trên thế giới đồng lúc vẫn cặm cụi đi vào cuộc sống nông thôn lượm nhặt từng dòng ca dao, từng câu tục ngữ hay sẵn sàng mở cuộc điều tra nạn trộm cắp gà ngay tại làng mình sống.

Nhưng, liệu hậu hiện đại có là đại tự sự mới hay một huyền thoại mới?

Hậu hiện đại chỉ biết hậu hiện đại ngoài ra không gì khác thì không còn là hậu hiện đại.

 

Viết hậu hiện đại

Thế nhưng, mang cảm thức hậu hiện đại thôi không đủ; nhà văn hậu hiện đại là kẻ biết vận dụng thuần thục thủ pháp hậu hiện đại vào sáng tác.

Khác với tham vọng của chủ nghĩa tiền phong đòi cắt đứt quan hệ một cách quyết liệt với quá khứ (chôn phứt quá khứ để lên đường – như lâu nay chúng ta quen nói), qua đó tạo ra một phong cách đặc thù đẫm tính cá nhân, một phong cách khép kín đầy ngạo mạn; thì chủ nghĩa hậu hiện đại muốn khôi phục lại sự liên hệ với tất cả cái gì thuộc về quá khứ.

Lưu ý là hầu hết mọi thủ pháp hậu hiện đại đều đã được nhà hiện đại hay hiện đại hậu kì biết đến. Sự nhấn mạnh tính chủ quan trong văn bản, sáng tác thuộc dòng ý thức, biên giới mờ giữa các thể loại, hình thức phân mảnh và sự không liên tục của ý tưởng, chối bỏ thứ trau chuốt mang tính tu từ, khước từ phân biệt hình thức cao/thấp, trí thức/bình dân của nghệ thuật,… được chủ nghĩa hiện đại khai phá và đã có các thành tựu lớn, giai đoạn qua.

Nhiều đặc điểm ở hậu hiện đại đã có mặt ở các sáng tác hiện đại chủ nghĩa – không sai! Nhưng điều quyết định xẻ ranh khu biệt hậu hiện đại với cái khác nó, là: nền tảng triết học và thái độ. Thái độ, đó là trong lúc nhà văn hiện đại mô tả đầy chủ ý sự thể như nỗi bi thảm, và khóc than cho chúng trong nỗ lực gắn kết, tìm sự thống nhất một cách tuyệt vọng, thì nhà văn hậu hiện đại không những từ chối tham dự để dàn xếp, đưa chúng vào trật tự mà còn chấp nhận chúng, tán dương chúng, nhập cuộc chơi với chúng – khoái hoạt!

Ở đây, chúng ta có thể nói ngược lại: nếu bạn gượng gạo vận dụng thủ pháp hậu hiện đại mà chưa mang trong mình cảm thức hậu hiện đại thì, sáng tác bạn chỉ là thứ xác không hồn.

 

Vào đầu thập niên tám mươi, Bùi Giáng là nhà thơ đầu tiên sáng tác theo cảm thức hậu hiện đại, hoặc gần như thế. Sau đó bị đứt mạch. Để mãi vào đầu thiên kỉ hai mốt, nó mới nở rộ trong các sáng tác của nhà văn nhà thơ Sài Gòn. Nhưng hậu hiện đại vẫn bị phân biệt đối xử. Hoặc chính họ tự/ bị đặt mình vào tư thế của kẻ sáng tác ngoài lề, thế đối trọng với các quan điểm được thừa nhận của người cùng thời, một cách quyết liệt. Như là định mệnh của người nghệ sĩ hậu hiện đại. Phan Bá Thọ, Bùi Chát, Lý Đợi, Khúc Duy, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Đăng Thường, Đỗ Kh, Nguyễn Hoàng Nam, Khế Iêm,…

Sáng tác phẩm của họ chủ yếu in photocopy hay được đăng trên báo điện tử, trong lẫn ngoài nước. Đây là thời điểm thích hợp nhất cho sáng tác hậu hiện đại Việt xuất hiện. Từ năm 2002, hàng loạt Website văn học tiếng Việt xuất hiện làm nổ tung mọi rào cản, cấm đoán. Nếu nói rằng nền văn học Việt Nam giai đoạn 1930-1945 (đặc biệt là Thơ Mới và tiểu thuyết) gắn liền với sự ra đời và phát triển của báo chí tiếng Việt, thì thơ hậu hiện đại Việt hình thành và gắn kết chặt chẽ với Website. Là giải pháp/ lối thoát cho thi sĩ không được lề thói sinh hoạt văn nghệ kiểu cũ dung nạp.

 

Đọc hậu hiện đại

Hậu hiện đại là trào lưu văn hóa phát triển rất đa dạng với quy mô toàn cầu nên, khó thâu tóm nó trong vài mệnh đề. Hậu hiện đại đang vận động và là một hệ thống mở. Do đó, nó gây khó dễ không ít cho người tiếp nhận. Một trào lưu văn học - nghệ thuật tân tiến nào bất kì muốn đặt nền tảng và phát triển cũng đòi hỏi sự nỗ lực của các đối tượng liên quan. Nhất là độc giả Việt Nam với bao ngáng trở: về tri kiến (chưa được chuẩn bị chu đáo từ các cấp học), về tinh thần, cả về truyền thống ít chịu chấp nhận cái mới nữa.

Đòi hỏi trước tiên là: cứ tạm chấp nhận điều mình chưa hiểu, các sáng tác còn xa lạ với những gì thói quen ta lâu nay xem đó là thơ. Chấp nhận, và kiên trì truy tìm hành trình sáng tạo của tác giả, triết lí nằm ở bề sâu sáng tác hậu hiện đại, từ đó khả dĩ thay đổi cách đọc đồng thời chúng ta có cơ hội thưởng thức các tác phẩm đương đại xuất sắc trên thế giới. Cả trong nước nữa, biết đâu!

Vả lại, đâu phải mỗi nhà thơ mang tâm thức hậu hiện đại áp dụng đầy đủ thủ pháp hậu hiện đại đều có tác phẩm hậu hiện đại hay. Nếu thế, ai viết hậu hiện đại là trở thành thiên tài mất! Các nhà thơ hậu hiện đại Việt, sau bước đi chập chững của nó, tôi đã làm thao tác vứt bỏ rất nhiều để lưu lại vài cái đáng lưu. Cũng cần nói thêm, hay của hậu hiện đại thôi còn là cái hay từng bài, thậm chí từng đoạn hay câu như thuở hiện đại nữa, mà hay cả cụm. Đôi khi, nó không cần “hay” nữa, mà chỉ đưa dẫn người đọc đi vào không khí tác phẩm – không khí hậu hiện đại. Như vậy cũng đã đủ với họ rồi.

 

Phê bình hậu hiện đại

Kinh nghiệm đọc của Nguyễn Hiến Lê với nhóm Sáng Tạo là bài học nhỡn tiền. Đánh giá sáng tác của người cùng thời, vị học giả khả kính này cho rằng Sáng Tạo chẳng làm gì ra hồn cả, ngoài món lập dị. Thế nhưng, ở miền Nam, chính nhóm Sáng Tạo chứ không ai khác đã công lớn trong chuyển hướng và phát triển thơ Việt hậu bán thế kỉ XX. Không thể đánh giá sáng tác thuộc một hệ mĩ học dựa trên cơ sở mĩ học từng hiện hữu trước đó. Chỉ có nhà phê bình tay nghề cao mới khả năng nhận thấy cái hay ở nhiều loại thơ khác nhau, nhất là với loại thơ sáng tác theo hệ mĩ học mới. Sáng tác hậu hiện đại thì càng.

Thế nhưng, nếu không khả năng thẩm thấu và nhận định chúng qua lăng kính mĩ học của chính chúng thì ít ra, người đọc cũng cần đọc chúng bằng tâm thế hậu hiện đại hoặc chí ít, thái độ khiêm cung học tập. Sự phán định vội vã và tùy tiện chẳng ơn ích gì mà còn làm tự tay đóng sập cửa vấn đề.

Một nền văn học là lành mạnh khi mọi trào lưu văn chương được đối xử công bằng. Thái độ công bằng cần thiết của độc giả chuyên nghiệp (nhà phê bình) là tránh đồng hóa mọi sáng tác dị mọ [không thuộc hệ mĩ học truyền thống] vào văn chương hậu hiện đại để chê trách nó. Họ cần từ bỏ thái độ chấp nê vào hàng đống bài thơ “hậu hiện đại” kém để qui trách trào lưu này “mang tính chất phá hoại”, dị hợm. Hệ mĩ học nào bất kì chỉ có thể bị vượt qua, khi nó bị tát cạn bằng phơi mở trọn vẹn thủ pháp đặc trưng của nó qua sáng tác ưu tú nhất thuộc hệ mĩ học đó.

 

 

*

Biết thêm: Cẩn trọng trong nhận định và khiêm cung học tập, là thái độ cần có của một nhà văn. Xử sự của Đoàn Thạch Biền tại Trại bồi dưỡng nhà văn trẻ TP HCM tháng Tư vừa qua ở Cà Mau, rất đáng nêu gương sáng. Ở đó, Inrasara như người đóng thế qua cú phôn mời giờ chót của Lê Văn Thảo, dự bị cho vài vị quan trọng hơn có thể vắng mặt [nhưng chớ chờ mong tôi mặc cảm!]. Ngày thứ hai, cùng điều hành Bàn tròn về văn chương không dính gì đến chuyên môn, và dù vài lần tôi thật lòng từ chối, nhưng Đoàn Thạch Biền vẫn một mực yêu cầu tôi nói về hậu hiện đại, cho các bạn trẻ và cho anh.

Qua một tiếng đồng hồ “thuyết” và trao đổi, tôi đã phần nào đánh tan vài ngộ nhận không đáng có về trào lưu văn chương này, một trào lưu không thuần văn nghệ như siêu thực chẳng hạn, mà mang “tinh thần thời đại” tác động rộng lớn đến toàn cầu ở mọi lãnh vực: văn hóa, chính trị, xã hội,...

Một kinh nghiệm đáng giá. Anh còn đề nghị tôi viết về hậu hiện đại để anh in 4 kì Áo trắng nữa!

Inrasara
Số lần đọc: 3464
Ngày đăng: 28.05.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nhập lưu hậu hiện đại kỳ 2 - Inrasara
Nhập lưu hậu hiện đại kì 1 - Inrasara
Bốn cứu cánh của đạo sĩ Bà-la-môn & thơ - Inrasara
Viết ngắn 08. Cách mạng nghệ thuật, nhìn từ hội họa - Inrasara
Viết ngắn 07.:Nhà thơ & cái tầm - Inrasara
Viết ngắn 06. Phê bình thơ - Inrasara
Viết ngắn 04. Sự bất toàn của tác phẩm - Inrasara
Viết ngắn 03. Tác giả thơ và bốn nhóm... máu - Inrasara
Viết ngắn 02. Nhà thơ học biết sợ thơ để người đọc còn cần thơ - Inrasara
Viết ngắn 05. Thơ trẻ và vài hiện tượng lặp lại mình - Inrasara
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)