Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
800
116.527.579
 
Tòng phu
Hoàng Thu Dung

Ly lấy chồng vì không thể không lấy.

Chồng Ly là một kỹ sư đẹp trai, tài năng, tính tình lịch sự, ga lăng...nhưng điều đó đối với Ly không quan trọng. Điều quan trọng là ba Ly đã quyết định chọn anh cho Ly. Vì vậy mà Ly phải nghe theo.

 

Ly có yêu anh ấy không? điều đó cũng không quan trọng nốt. Cái chính là ba Ly công nhận anh. Ly cũng chỉ có việc nghe theo.

 

Khi Ly tốt nghiệp cấp III, ba quyết định cho Ly học đại học kinh tế, dù Ly chỉ muốn trở thành cô giáo. Giờ Ly ra trường rồi, ba thấy đến lúc Ly phải lấy chồng. Thế là Ly trở thành người có gia đình.

 

Vợ chồng được sống riêng trong một căn nhà nhỏ xinh xắn. Vì ba mẹ chồng ở quê nên Ly không phải làm dâu. Nhưng hành trang về nhà chồng là một lô thứ phải, mà mẹ đã nhắc đi nhắc lại trước ngày cưới. Ly thực hiện răm rắp, chẳng cần phải cố gắng. Vì tất cả điều đó đã thấm sâu vào máu, trở thành bản năng rồi.

 

Sáng Ly dậy rất sớm, dọn dẹp nhà cửa. Đi chợ. Làm cho chồng bữa điểm tâm, vì anh chỉ thích ăn ở nhà.

 

Còn chồng Ly thì dậy muộn hơn. Anh chỉ có mỗi việc chọn một bộ đồ do Ly ủi sẳn. Mặc vào. Rồi ngồi nhấp tách café cũng do Ly pha, trong khi chờ bữa điểm tâm. An xong, anh chỉ việc đứng dậy đi làm. Còn Ly thì phải dọn dẹp sạch sẽ trước khi đến công ty. Vì anh không thích nhà cửa bừa bộn.

 

Trưa về, Ly hối hả thay đồ, rồi lao vào bếp nấu những thứ mua sẳn lúc sáng. Còn anh thì ngồi ở salon đọc một tờ báo hay quyển sách nào đấy, trong khi chờ buổi cơm trưa.

 

Chiều cũng thế. Thường thì anh hay đi đâu đó với bạn bè, uống vài ly bia. Vào quán café nói chuyện phiếm. Anh chỉ trở về khi trời đã bắt đầu tối. Tắm rửa và ăn tối. Sau đó xem tivi hoặc lại đọc sách báo chờ giờ đi ngủ. Anh nhận sự hầu hạ của Ly như một lẻ hiển nhiên. Như đặc quyền đó từ trên trời rơi xuống.

 

Cuộc sống thật bình lặng, Ly cũng chẳng phàn nàn gì. Chẳng có gì phải ngữa mặt lên trời mà than thở về cái kiếp đàn bà.

 

Rồi Ly có thai. Lúc đầu thì chẳng có gì thay đổi. Nhưng ngày qua đi, phải vác bụng to như cái trống è ạch làm việc nhà, Ly thấy hơi ngán. Và viển ảnh làm mẹ làm Ly thấy chẳng có gì hứng thú.

 

Có con rồi, mọi chuyện trở nên nặng nề hơn. Thoắt một cái, cả núi công việc đỗ ập lên đôi vai mõng manh của Ly, đến là tối mặt tối mũi.

 

Trước kia ly dậy lúc năm giờ. Nhưng giờ thì phải là bốn giờ. Vì Ly chỉ có ba tiếng đồng hồ để dọn dẹp, đi chợ, làm điểm tâm cho chồng. Cho con bú và đưa con qua nhà mẹ. Sau đó vừa ăn qua loa miếng xôi hay bánh mì, vừa phóng xe như bay đến công ty.

 

Buổi chiều cũng thế, từ công ty chạy qua nhà mẹ đón con. Về đến nhà là lao vào công việc với tốc độ chóng mặt. Vừa tắm con, cho con ăn, nấu cơm, dọn dẹp, giặt đồ ... hàng chục công việc khác nhau, dù có tên rõ ràng, nhưng vẫn làm Ly quáng quàng lên vì lẫn lộn.

 

Ly gầy rộc đi. Càng ngày càng nhận ra mình đang khổ. Đôi lúc muốn quẳng hết công việc đi, hoặc chia sớt cho chồng. Nhưng ngay cả việc nhờ anh nấu cơm, Ly cũng không hình dung ra nổi. Một đấng nam nhi như anh mà phải vào bếp ư ? Điều nầy Ly chưa từng thấy ở gia đình mình bao giờ.

 

Ở nhà Ly, ba là chúa tể. Bởi vì ba là đàn ông.  Đàn ông chỉ có việc mang tiền về. Thế là đầy đủ bổn phận. Còn đàn bà thì vừa ra ngoài làm việc, vừa gồng gánh tất cả việc nhà. Và phục tùng tất cả mệnh lệnh của đàn ông ...  Mẹ đã sống như vậy. Ly lớn lên trong bầu không khí ấy, tất nhiên tư tưởng cũng như vậy.

 

Rồi một ngày, Ly ngồi vào bàn viết ra hẳn một bảng so sánh thực lực giữa mình và đối phương. Rồi cảm thấy hết sức ngở ngàng.

 

Đối phương thông minh? Ta cũng không đần độn!

 

Đối phương trí thức? Ta cũng không dốt nát!

 

Đối phương có nghề nghiệp? Ta cũng không phải là người thất nghiệp.

 

Đối phương là bạch mã hoàng tử, ta cũng không phải con vịt xấu xí ... cuối cùng thì ta kém đối phương ở điểm nào nhỉ ?

 

Thật bàng hoàng cả người, khi nhận ra rằng mình chẳng hề thua kém đức lang quân mà bấy lâu nay mình nhắm mắt nhắm mũi đưa anh ta lên tít trên cao. Rồi tự mình ở mãi dưới thấp mà tôn thờ anh ta.

 

Tại sao cứ phải nhắm tít mắt mà làm một ôsin cho chồng kiểu ấy? Mà rồi anh ta nào có thấy sự hy sinh vô bờ của ta ? Càng ngày cô càng nghiệm ra cái chân lý vô giá "Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống". Nếu ta không quỳ thì người ta có lớn hơn ta được không ?

 

Có người quyền hành bởi vì có người chịu phục tùng.  Chúa ơi, điều đơn giản thế mà sao đến giờ mới chịu nhận ra. Hay là tại ta đần độn ?

 

Không phải đâu, dứt khoát không phải ta ngu ngốc. Mà ta chỉ quen nghĩ theo nếp nghĩ của mẹ. Sống theo nếp sống của mẹ. Còn mẹ thì nghĩ theo nếp nghĩ của bà ngoại. Bà ngoại nghĩ theo bà cố. Bà cố nghĩ theo người bà đời trước nữa. Cứ thế đời trước truyền lại cho đời sau, chẳng cần phải đọc một trang giáo huấn nào của Khổng Tử. 

 

Cô nhớ chẳng bao giờ cô nghe mẹ nói về tam tòng. Nhưng cô cứ nghĩ và sống như thế, nó cũng tự nhiên như mặt trời mọc và lặn mỗi ngày.

 

Rồi một ngày nhận ra, bỗng thấy mình phẩn nộ.

 

Chết tiệt tư tưởng tam tòng của Khổng Tử đi. Dù ông ta có sống làm thân đàn bà đến nghìn triệu kiếp, thì ông ta cũng không chuộc nổi cái tội làm khổ phụ nữ. Vì học thuyết của ông ta mà hàng nghìn triệu kiếp phụ nữ phải nhận chịu thiệt thòi. Mà chính họ cũng không nhận ra để biết tại sao mình khổ.

 

Không biết tại sao mình khổ, thì làm sao nghĩ nổi chuyện giải phóng mình. Khi sinh ra trên đời, đàn ông nghiễm nhiên được hưởng những đặc quyền mà bản thân anh ta chẳng hề cố gắng cũng có được. Còn phụ nữ muốn được những thứ ấy, thì phải gồng người lên mà đấu tranh.

 

Ôi trời! Tại sao mãi đến giờ mình mới có ý nghĩ đấu tranh? khi mà việc bình đẳng đã có từ đời nảo đời nào rồi ... nhưng dù vậy, nghĩ ra vẫn hơn là cúi đầu chấp nhận.

 

Khi ta không bằng lòng với điều bất công, thì ta phải làm một cuộc cách mạng thôi.

 

Cuộc cách mạng của Ly bắt đầu từ một buổi sáng. Khi anh chuẩn bị đi làm, Ly thản nhiên đề nghị :

 

- Hôm nay em phải đi làm sớm, anh đưa con qua nhà mẹ đi nhé.

 

Chồng Ly lập tức lắc đầu :

 

- Sao em không đưa ?

 

- Em nói rồi, em phải đi làm sớm, hôm nay công ty có việc.

 

- Vậy sao không chuẩn bị sớm hơn ?

 

- Vì em dậy không nổi, sáng nay em rất mệt.

 

Chồng Ly phản ứng rất dữ. Điều đó hiển nhiên rồi. Vì từ đó giờ anh  có bao giờ bị làm phiền đâu. Mà Ly cũng đâu có chờ đợi cuộc đấu tranh diễn ra dễ dàng. Ly cũng đã chuẩn bị tinh thần rồi. Cương quyết không chịu thua, đấu tranh thì chỉ có dứt khoát chứ không có nửa vời. Dù khi cãi cọ, cả người Ly cứ run lên vì căng thẳng.

 

Cuối cùng thì anh cũng phải đưa đón con mỗi ngày. Bước đầu cuộc cách mạng đã thành công tốt đẹp.

 

Nhưng Ly đâu chỉ cần như vậy, Ly không cần một vài sự giúp đở nhỏ nhặt kiểu ban ơn hay miễn cưởng. Đó không phải là vợ chồng, vợ chồng là phải có sự chia sẻ, bình đẳng. Dù làm chuyện đó không phải là điều dễ dàng.

 

Khi chuyện đưa đón con đã thành nếp, Ly bắt đầu phân công việc nhà cụ thể. Ly vẫn giữ bổn phận làm vợ, là chăm sóc chồng con. Lo việc nội trợ. Nhưng anh phải dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ. Cùng chăm sóc con ... những việc cụ thể ấy Ly muốn anh làm như bổn phận, chứ không phải chỉ là giúp đở. Trong cuộc sống vợ chồng, chỉ có sự chia sẽ trách nhiệm chứ không phải là giúp đở ban bố.

 

Một buổi chiều, Ly đã thực hiện một chuyện mà từ lúc có chồng đến giờ cô chưa hề làm. Là gọi điện về báo cho chồng mình đang đi chơi cùng đồng nghiệp.

 

Tối Ly về, chồng Ly nổ ra một trận dữ dội. Có lẻ anh chưa bao giờ hình dung nổi, một phụ nữ có chồng con, lại có thể bỏ việc nhà đi chơi với bạn bè.

 

Ly căng thẳng đầu óc. Tim đập loạn lên. Nhưng vẫn giữ một vẻ điềm tỉnh, rắn như thép :

 

- Em đã từng một mình vừa lo con, vừa lo việc nhà cho anh vui chơi. Đó là sự hy sinh thầm lặng. Và em muốn anh cũng biết hy sinh cho em. vì mình là vợ chồng. Vợ chồng thì phải chia sẽ với nhau cả đường và muối.

 

Chồng Ly vẫn giận dữ :

 

- Nếu muốn nổi loạn, thì cô hãy đi mà sống một mình cô. Còn có chồng rồi thì phải chấp nhận.

 

- Tiếc rằng em không thể chấp nhận, em không muốn có chồng là chôn vùi cuộc đời. Vì vậy mình sẽ tạm chia tay một thời gian, lúc đó mỗi người tự điều chỉnh lại mình, nếu anh không chấp nhận được quan niệm của em, mình sẽ ly dị.

 

Chồng Ly nhìn sửng cô, như phát hiện ra một người ngoài hình tinh đi lạc vào nhà mình.

 

Ly điềm tỉnh thu dọn quần áo, bồng con về nhà mẹ.

 

Một tuần sau, anh đến đón mẹ con Ly về. Anh chẳng nói gì về sự bình đẳng, nhưng ngầm xem nó như một thoả hiệp tất nhiên.

 

A! thì ra đàn ông cũng biết yếu đuối. Đàn ông không phải là một sinh vật mạnh mẽ bất trị. Họ cũng biết sợ mất và vì vậy cũng phải biết giữ gìn. Sự gìn giữ phải có từ hai phía, chứ không phải chỉ riêng người phụ nữ.

 

Ly nói với mẹ :

 

- "Người ta lớn bởi vì ta quỳ xuống", đừng quỳ trước ba nữa mẹ ạ, đứng thẳng lên đi, mẹ sẽ thấy mẹ ngang với ba đấy.

 

Mẹ Ly thở dài :

 

- Mẹ đã quen thế rồi, nhẫn nhịn để giữ sự êm ấm là bổn phận của phụ nữ đấy con.

 

- Nhưng như thế sẽ không cân bằng, sự nhẫn nhịn phải có từ hai phía, thế mới là cân bằng bền vững mẹ ạ.

 

-Mẹ già rồi, không còn đủ nghị lực để đấu tranh nữa, thôi, mẹ cam phận.

 

Ly thấy tội nghiệp mẹ quá. Nhưng không thể giúp. Hạnh phúc của mỗi người là tự mỗi người phải đấu tranh. Khổng Tử không dạy người phụ nữ vùng dậy. Nhưng ông ấy cũng không thể cấm người ta đòi quyền được sống đúng nghĩa con người. Con người thì phải có bản năng con người. Đó là quyền được hạnh phúc. Dù có được nó không hề dễ dàng.

 

Cả Ly cũng vậy. Để đòi được sự bình đẳng, Ly cũng phải trãi qua những đêm mất ngủ, những lúc gồng người trước cơn bão tố. Và khi đã đi qua cái đó rồi, Ly lại nghiệm ra một điều, là hạnh phúc nào cũng có cái giá của nó.

 

Hoàng Thu Dung
Số lần đọc: 2363
Ngày đăng: 07.09.2004
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Đêm khó quên - Mai Bửu Minh
Hắn và tôi - Mai Bửu Minh
Người chạy trốn quá khứ - Mai Bửu Minh
Ngôi mộ không hài cốt - Văn Quốc Thanh
Chuyến xe cuối - Nguyễn Thị Diệp Mai
Vùng biển lặng - Văn Quốc Thanh
NGƯỜI KHÔNG CỜ BẠC - Mai Bửu Minh
Ông Hai Thủ - Mai Bửu Minh
Ngoại tình - Mai Bửu Minh
Sông Hậu xuôi về - Nguyễn Lập Em
Cùng một tác giả
Tòng phu (truyện ngắn)
Mộng xuất ngoại (truyện ngắn)
Nhầm lẫn (truyện ngắn)
Tòng Phu (truyện ngắn)
Trúng số (truyện ngắn)
Nhầm lẫn (truyện ngắn)
Từ một trò đùa (truyện ngắn)
Rạn vỡ (truyện ngắn)