Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
831
116.620.106
 
Lá bùa độc
Trương Đạm Thủy

Trần Tứ con nhà quan, tuy tuổi mới đôi mươi nhưng tánh tình phóng khoáng thích chơi bời. Nhờ cha mẹ có tiền để đầy hàng chục tủ sắt, tiền giấy, vàng cây nhóc ké nên công tử Trần Tứ mặc sức ăn chơi. Từ ngày công tử Trần Tứ kết giao với một người tên Trương Tam cậu ta càng ăn chơi dữ lên. Sẵn của ăn của để đêm nào Trần Tứ cũng lái một chiếc “Méc-xê-đì” cùng Trương Tam đi du hí qua các vũ trường, quán bar để nhảy đầm và ăn nhậu. Biết con còn trẻ lại chẳng chịu học hành chỉ lo đàn đúm trác táng nhưng hai vợ chồng quan Huyện vẫn tự hào bảo nhau: “Đời mình chịu cực khổ chỉ để tích cóp cho con. Nay ta giàu rồi, tiếc chi với chúng mà chẳng để cho chúng được tự do sung sướng?”.

 

Nghe cha mẹ nói  vậy Trần Tứ càng ăn chơi bạt mạng hơn. Đêm nào mà không xài hết vài ba chục triệu đêm ấy cậu ta không thể ngủ được. Các tiệm rượu sang trọng nổi tiếng không nơi nào thiếu bóng cậu ta. Rượu mà Trần Tứ uống giá phải từ vài ba triệu trở lên một chai. Vậy mà quán bar nào cũng còn cất giữ trong tủ ký gởi vài ba chai rượu loại X.O xịn của cậu.

 

Trần Tứ và Trương Tam chơi thân với nhau như Bá Nha với Tử Kỳ. Hôm nào Trần Tứ đi chơi mà thiếu Trương Tam cậu ta uống rượu không vô, nhìn mấy em phục vụ mặc dù mặc jype ngắn, áo hở ngực đẹp như tiên nga vẫn thấy ghét. Mà Trương Tam nầy lạ lắm, có khi đi chơi mà trong túi chẳng có một xu song có lúc ngoại tệ có hàng xấp. Có một bữa say Trần Tứ bạo miệng dò hỏi:

- Này cậu, cha tớ làm quan nên tớ dư tiền xài, còn cậu làm chi cũng tiền hàng hàng lớp lớp?

 

Trương Tam cười khà khà nửa đùa nửa thật:

- Cậu hỏi làm gì, tớ là người cõi âm mà, khi nào được người ta cúng thì tiền… bao la. Lúc nào không ai cúng thì tớ là con ma đói.

Trần Tứ cũng cười:

- Ừ, nhìn cậu cũng giống con ma lắm. Người thì trắng xanh, mặt đầy âm khí. Rượu uống cả chai chẳng hề say. Thuốc lắc người ta nhai một viên đã lắc muốn gãy xương sống. Còn cậu muốn lắc cho ra lắc phải cháp cả hai viên tổng hợp. Đúng là người cõi âm rồi.

 

Mùa đông năm đó đột nhiên Trương Tam biến mất. Bấm điện thoại di động thì chẳng nghe tín hiệu. Đến địa chỉ mà Trương Tam cho chỉ thấy đó là một nhà kho cũ bỏ hoang đang treo bảng bán đất, cỏ mọc xanh rờn. Từ đó Trần Tứ thấy buồn, đêm nhậu càng dữ.

 

Một đêm đang ngủ thì thấy Trương Tam đến rủ đi chơi. Trần Tứ mừng rỡ. Trương Tam nắm tay Trần Tứ rồi lôi đi. Tứ thấy người nhẹ tưng, hai người đi như đang bay. Tứ hỏi:

- Cả tháng nay cậu đi đâu mất biệt?

Tam cười cục cục:

- Gió đưa thì mình đi, gió ngừng thì mình ở, hơi đâu cậu hỏi.

- Vậy bây giờ cậu đưa mình đi đâu đây?

- Đến chỗ nầy hay lắm.

- Chỗ nào?

- Xem nữ thần lửa múa lửa.

 

Đến nơi thấy nhà ngang dãy dọc nhưng có một căn đèn lờ mờ như đền miếu. Trương Tam rỉ tai Tứ:

- Coi bèo vậy mà không phải vậy đâu, chơi tới sáng hồi nào cũng chẳng hay đâu.

Gỏ gỏ cửa mấy cái có một khuôn mặt bặm trợn thò đầu ra quát hỏi:

- Đi đâu?

 

Trương Tam cười hề hề tung ám hiệu:

- Đi cạo gió giác hơi ấy mà.

- Giác hơi hay cạo gió – lại quát

 

Tam nhăn mặt:

- Gió hơi gì cũng chơi tuốt.

 

Tay gác cổng cười rè rè mở hé cửa cho cả hai lọt vào. Đi qua một khoảng sân rộng tối mờ mờ để hàng đống xe hai bánh hai người vào một phòng trống. Một nam tiếp tân cung kính:

- Dạ quý anh múa lửa hay múa nước?

 

Trần Tứ ngơ ngác:

- Múa lửa thì biết rồi, còn múa nước là sao hả huynh Trương Tam?

- Cái nầy còn gọi là tắm bia ấy mà.

- Vậy thì chơi mục tắm bia đi.

 

Gả tiếp tân nam cười rè rè:

- Quý anh sành điệu quá! Em múa nước nầy mới từ Thái Lan về đẹp như nữ thần Apsara, là cây đinh của nhà hàng bọn em. Xin mời đi theo phía nầy.

 

Leo qua mấy lần cầu thang hẹp Trần Tứ và Trương Tam được đưa lên một căn phòng khá rộng phía sau tòa nhà. Phòng được trang bị bốn năm cái máy lạnh nhưng không khí vẫn nóng lên bởi đang có gần mấy chục người đàn ông con trai ngồi quanh một cái bục lớn.

 

Sau khi chọn cho hai người một cái bàn gả tiếp tân nam đề nghị:

- Theo lệ của quán thì hai đại ca phải kêu ít nhất hai két bia, được chứ?

 

Trần Tứ khoát tay:

- Chuyện nhỏ như con thỏ, chú mày cho bọn anh ba két đi.

- Các anh có sẵn tiền lẻ để boa chưa?

- Lẻ là bao nhiêu?

- Ở đây tiền lẻ được coi là giấy năm chục ngàn đồng.

 

Tứ cười ngất:

- Năm chục ngàn mà lẻ à, lẻ bà cố tao ấy.

Nói xong dúi vào tay tiếp tân một tờ pô- li- me:

- Anh bạn cất uống cà phê.

 

Gả tiếp tân nam cười hền hệch:

- Cảm ơn hai anh. Em sẽ đem bia vào đây ngay. Mười lăm phút nữa  các anh sẽ được thưởng thức màn múa nước.

 

Trương Tam nheo một con mắt:

- Ta vốn người cõi âm nên xem múa nước khoái hơn.

 

Bia được kéo vào, đĩa trái cây thập cẩm cũng được đặt lên bàn. Âm nhạc từ mấy cái loa hạng nặng bắt đầu lên tiếng. Tiếng khui bia lóc bóc cùng lúc cũng rộ lên. Đám khách đàn ông con trai người nào cũng mặt mày sáng hẳn lên, mắt sòng sọc nhìn về phía cái bục làm sàn diễn.

 

Đèn chợt dịu tắt rồi điệu Tabou nổi lên một cách hoang dại. Đèn sáng lên từ từ đã thấy trên bục một “tiên nữ giáng trần” thướt tha trong bộ kimono sặc sỡ. Cô nàng uốn éo, lắc lư đong đưa theo điệu nhạc. Thời gian chừng nửa khắc trôi qua như bị nóng bức vì căn phòng đầy hơi người và khói thuốc nàng từ từ cởi áo vất vào một xó, một lát lại tiếp một đợt vất áo lần thứ hai.

 

Đám khách reo lên:

- Tới luôn đi em!

Trần Tứ đang cầm ly bia vậy mà nó rớt xuống hồi nào chàng ta cũng chẳng hay, hai mắt như đứng tròng nhìn xồng xột vào “nữ thần” Apsara. Điệu nhạc Tabou lơi dần bỗng giựt lên điệu … “É Mambo”, nữ thần lắc như lên đồng. Vừa múa nàng vừa bước xuống bục gổ đi về phía các bàn. Một quan khách bỗng đứng lên tưới bia lên người “nữ thần”, vừa tưới vừa táp táp. Tiếng vỗ tay cổ vũ chiến hữu nồng nhiệt vang lên.

 

Đám khách mặt đỏ gay hò hét. “Nữ thần” Apsara hai tay cầm đầy những tờ giấy bạc pô- li- me giơ cao lên trình diễn một điệu múa bụng. Nước bia từ trên tóc nàng chảy xuống ngực săn cứng lấp lánh dưới ánh đèn. Toàn thân nàng ướt đẫm, một pho tượng sống đang múa trong cơn mưa bia.

 

Trần Tứ nhào ra nhét vội vào tay nàng một tờ giấy xanh rồi vừa tưới bia vừa múa lắc dữ dội. Bây giờ phong cách lịch sự của một công tử biến mất hồi nào, ở đây hiện ra nhân cách của một con người bị quỷ ám “mặt xanh nanh vàng”. Kiều nữ, nữ thần múa nước thấy Trần Tứ nhập vai nóng quá nàng cười lên như nắc nẻ.

 

Cả căn phòng rộng bây giờ trở nên chật chội, ướt sũng. Sàn gạch nhớp nhúa lầy nước bia bốc mùi chua áy hòa lẫn khói thuốc ngột ngạt mù mịt. Hàng chục bàn tay giơ lên tưới bia lên “nữ thần nước”, bia chảy lênh láng từ trên người nàng đổ xuống trong lúc tiếng nhạc nhức óc đinh tai như muốn làm sụp căn phòng. Một cảnh tượng quái đản kỳ lạ nhầy nhụa như địa ngục đang diễn ra với những bóng ma…

 

*

Từ hôm được Trương Tam hướng dẫn đến… kính viếng “nữ thần nước” đêm nào Trần Tứ cũng mò đến căn phòng ướt đẫm bia nầy. Đêm nào không đến được đêm ấy Trần Tứ ngủ không ngon thường chập chờn chiêm bao thấy ác mộng. Đến hoài, chi đậm nên Trần Tứ được “nữ thần nước” cho biết tên là Tố Tố. Hỏi nhà ở đâu nàng cười nói ỡm ờ: “Tuy gần mà xa”. Hỏi có thể kết bạn tri âm không nàng liếc mắt đưa tình: “Còn phải xem độ dày tình cảm”.

 

Hôm sau Tứ mang theo khá nhiều ngoại tệ, quyết chứng minh độ dày tình cảm của chàng dành cho nàng. Nhưng đến nơi thấy cửa đóng then gài. Hỏi thăm hàng xóm thì người ta cho biết nhà hàng đã bị rút giấy phép dọn đi rồi.

 

Trần Tứ ra về với lòng buồn bao la, trái tim tan nát. Hóa ra chàng đã yêu “nữ thần” sâu đậm hồi nào chẳng hay. Từ đó nghe đâu có múa lửa, múa nước Tứ đều mò đến với hy vọng gặp lại Tố Tố, nhưng bóng nàng vẫn biền biệt. Một đêm kia nằm mơ Tứ thấy mình đi đến một bờ sông lạ, tự nhiên có ai đó dưới thuyền đưa tay vẫy gọi chàng. Đến gần ai ngờ là Tố Tố. Chàng mừng rỡ để lăn mấy giọt lệ:

- Nàng ơi, sao nàng ra đi mà chẳng nói một lời?

 

Tố Tố cảm động:

- Thiếp và đời thiếp như hồn ma bóng quế, gặp thì không hẹn trước, ra đi cũng không thể giả từ, xin đừng trách nhau.

Trần Tứ nắm tay nàng:

- Tứ này từ ngày quen nàng đến nay thì ta chẳng muốn được giao du cùng ai nữa. Chỉ mong sao ngày ngày được gặp nàng, nhìn nàng múa bia thì dù có tán gia bại sản thì lòng lòng đủ vui và mãn nguyện.

 

“Nữ thần” đẩy thuyền ra xa bờ:

- Thiếp hiểu lòng chàng, ngay từ ánh mắt đầu tiên đã biết trái tim chàng rung động vì thiếp. Nhưng duyên phận và số mệnh hai ta không cho phép được gần nhau. Nay em mạo muội gặp chàng đây coi như đáp tạ tấm thạnh tình…

 

Thuyền trôi ra xa. Ánh trăng mờ trải xuống trên cảnh sông nước u tịch càng nồng nàn tình tứ. Trần Tứ đòi…. Nàng giẫy nẫy một lát rồi đồng ý. Đang lúc vui vầy bỗng đâu có một cơn gió dữ ùa tới lật đổ thuyền. Trần Tứ chới với kêu cứu inh ỏi nên tỉnh giấc mới biết là chiêm bao.

 

Từ đó trở đi đêm nào Trần Tứ cũng nằm mơ thấy ra bờ sông cùng Tố Tố tình tự suốt đêm. Ngày thì Trần Tứ vật vạ thường ngáp vặt lại bị Trương Tam rủ rê hút xách nên thân thể càng ngày càng tiều tụy.

 

Hơn năm sau một đêm nằm mơ Trần Tứ thấy mình tự nhiên đi đâu lên miệt Bình Hưng Hòa thấy trong một đám nhậu có người rối rít gọi chàng. Đến gần thì nhận ra người đó là Trương Tam. Tứ mừng quá ôm lấy bạn:

- Trời ơi cậu Tam, cậu đi đâu biệt tích từ hơn năm nay làm tớ tìm cậu khắp nơi.

 

Tam chỉ mấy người bạn:

- Tớ đã ra đây cùng mấy bạn nầy được hơn sáu tháng rồi.

- Ra đây là sao?

- Tớ nói chắc cậu cũng chẳng tin, tớ xí lắc léo rồi, bây giờ tớ hoàn toàn nhập tịch người cõi âm rồi.

 

Tứ kinh ngạc:

- Nói vậy có nghĩa là cậu đã… “đai”.

- Ừ, thôi vào nhậu đi. Đây toàn là chiến hữu không thôi. Cậu làm quen nhau đi. Rồi ngày kia anh em tụi mình cũng là chiến hữu nhau thôi mà!

 

Trần Tứ cười ngất:

- Tớ không tin lời cậu đâu, đùa chi ác vậy?

Tam buồn buồn:

- Tờ đùa cậu làm gì, tớ chết vì ma túy đó cậu ơi. Xuống dưới nầy rồi mà vẫn chưa quên được mùi nàng tiên trắng.

 

Để thử coi Tam nói thiệt giả, Tứ bóp tay Trương Tam thì thấy như bóp vào không khí. Bây giờ mới biết Tam là ma. Nhưng Tứ chẳng thấy sợ hãi gì cả bèn ngồi vào cùng nhậu với con ma khác. Trông họ cũng tươi vui như người sống chớ chẳng có dấu hiệu gì buồn rầu u ẩn. Một con ma kể chuyện do nhậu say bị xe tông nên lìa đời. Con ma khác tự xưng mình là dân du đãng, do đi đánh nhau mà bị thiên hạ “xử”. Con ma khác thì tiết lộ do cờ bạc, đề đóm nên nợ nần chồng chất, chịu đời không thấu bèn uống thuốc trừ sau mà giả từ… “cuộc chiến”. Mỗi con ma đều có một hoàn cảnh sống – chết khác nhau song họ có một điểm đến chung ấy là gặp gỡ ở nghĩa địa nầy. Họ cũng tụ lại thành nhóm, thành xóm ở với nhau.

 

Tam chỉ cái nhà lầu nhỏ xíu rồi cười nói:

- Bà già tờ mới gởi xuống cho tớ đó.

Trần Tứ cũng bật cười theo. Cái loại nhà bằng giấy nầy thì Tứ quá biết. Ở Chợ Lớn, chợ Bà Chiểu người ta bán đầy. Về mùa cúng cô hồn, trong các ngôi nhà hàng mả còn được trang bị ngoài TV, tủ lạnh, máy giặt có cả giường tủ cho các ma còn được người thân gởi kèm theo xe máy, ôtô, điện thoại di động…

Tứ nói:

- Nhà nhỏ téo vầy làm sao cậu ở được?

Tam vổ vai bạn:

- Cậu là người sống nên thấy nhà nhỏ, chớ bọn tớ là ma thì cái nhà đó rộng như cái villa.

 

Con ma bị xe tông gật gật:

- Nhà cậu Tam vậy là to nhất xóm không thiếu bất cứ thứ gì. Hôm rồi chẳng biết có ai đó còn gởi xuống cho cậu ấy mấy cái DVD tươi mát nữa, xem đã con mắt vô cùng.

 

Tứ thắc mắc:

- Ở dưới nầy có điện đâu để các cậu xài TV, tủ lạnh, đầu đĩa?

Con ma đề giải thích:

- Làm ma được cái sướng là không phải tốn tiền điện. Chỉ cần nghĩ tới điện là tự nhiên máy chạy, coi như được xài điện chùa miễn phí.

- Rồi rượu thịt ở đâu mà các cậu nhậu ê hề vậy?

 

Con ma du đãng cười hô hố:

- Ở đây ngày nào chẳng có mấy con mới nhập cảnh. Cứ chờ người ta cúng cho nó là bọn tớ tới hù là nó đưa hết rượu thịt, nhậu tới tết Congo cũng chưa hết rượu.

 

Tứ thử vào tiệc. Uống vài hớp rượu thấy nhàn nhạt khó chịu, ăn vài miếng thịt thì nghe thấy mùi tanh tanh lợm giọng. Vậy mà mấy con ma ăn uống có vẻ ngon lành lắm. Được vài tuần rượu Trương Tam chợt như nhớ ra:

- Nè cậu Tứ, cậu có nhớ chuyện “nữ thần” múa bia không?

- À, có phải cậu nhắc đến người đẹp Tố Tố?

- Chớ còn ai nữa, nàng ta đã xuống dưới đây hơn tháng rồi và nói nàng rất yêu cậu. Hôm rồi có một cái nhà được đốt cúng cho một con ma nhưng không thấy ai đến nhận. Thế là bọn tớ mang đến cho Tố Tố. Nhà hai tầng đẹp, trang trí nội thất cao cấp, điện nước đầy đủ, còn có cả sân vườn xanh đẹp. Tố Tố bảo sẽ chờ cậu để làm bãi đáp cho cậu sau nầy.

 

Nghe vậy Tứ rùng mình mặt mày tái mét ngã vật ra và giật mình tỉnh giấc.

 

*

Mấy năm sau thân thể Tứ ngày càng gầy, nhiều hôm bị sốt cao đến nói ngọng. Đêm nào cũng chiêm bao, khi thì thấy ngồi thuyền đi dưới trăng cùng Tố Tố, khi thì thấy ra nghĩa địa ngồi nhậu với con ma Trương Tam và lũ bạn ma.

Một hôm Tam nhìn Tứ rất lạ. Tứ hỏi:

- Sao cậu nhìn tớ bằng con mắt lạ lùng vậy?

Tam cười bí ẩn:

- Thiên cơ bất khả lậu. Đây, tớ cho cậu một lá bùa. Cậu hãy cất kỷ, chỉ khi nào gặp lúc lâm nạn cực kỳ khó khăn mới được mở ra xem. Nhớ đấy.

 

Nói xong lượm một tờ giấy vàng mả rồi viết mấy chữ lăng quăng vào và gói lại làm tám nhét vào túi áo Tứ.

 

Vào một ngày mùa đông Tứ thấy cơ thể mình gầy rộp chỉ còn da bọc xương, đau nhức khắp người, bước đi không nổi. Nghĩ rằng đây là lúc cực kỳ khó khăn nguy cấp, nhớ lời Trương Tam dặn, bèn đốt lò hương khấn vái rồi mở bùa ra xem. Chẳng thấy chi lạ, trên mặt giấy tiền vàng mả ghi có mấy chữ màu đen mực tàu. Soi đèn xem kỷ thấy có ba chữ “HIV”, Tứ bèn ngã lăn ra ngất xỉu.

 

Trương Đạm Thủy
Số lần đọc: 2385
Ngày đăng: 01.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cuộc sống chìm - Vũ Thị Huyền Trang
Vôi trường úc(*) - Mang Viên Long
Bà cụ Tuần - Quý Thể
Một thế giới bị chia cắt - Sâm Thương
Biết đâu nguồn cội - Ninh Vũ
Ai cần phải xót thương - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Bóng hạnh phúc** - Mang Viên Long
Bốn bức tranh - Phạm Ngọc Hiền
Trò chơi tiếp tục - Đà Linh
Cái chết của một nhà thơ - Quý Thể