Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
776
116.612.372
 
Hoàng Phủ Ngọc Tường : Về nguồn xưa gối tay nằm bệnh
Nguyễn Hoàn

Sau khi nhờ y học hiện đại chữa qua cơn tai biến mạch máu não thập tử nhất sinh, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường trở về nhà ở Huế với những di chứng nan y còn đeo bám nặng nề, dai dẳng. Lần này, nhờ cơ duyên bạn bè và những người mến mộ đưa đẩy, gia đình anh đưa anh về Khe Sanh chữa bệnh, mà chữa bằng phép chữa dân gian, cổ truyền, thế chỗ cho sự bất lực của Tây y. Chữa bệnh cho anh, một người nhiều chữ nên văn có “rất nhiều ánh lửa” (theo lời bình của Nguyễn Tuân) là một người không biết chữ, ngoài biết viết cái tên của mình ra để ký thay cho dấu điểm chỉ tay, đó là chị Phạm Thị Gái, 50 tuổi, làm nghề lao công quét rác ở chợ Khe Sanh. Một người dân bình thường, không “tên tuổi” nhưng thuộc trong biển cả Nhân Dân, một biển cả có sức mạnh “chở thuyền” mà anh hằng kính phục, niềm kính phục sâu sắc học được từ Nguyễn Trãi. Và thế là ngày ngày, chị Gái góp tay đẩy “con thuyền văn” Hoàng Phủ Ngọc Tường “bềnh bồng” trong sương trắng Khe Sanh, “bềnh bồng cho tới...”.

 

Huyện Hướng Hoá đã thu xếp chu đáo chỗ ăn, chỗ nghỉ cho anh và gia đình tại Nhà khách UBND huyện Hướng Hoá để anh an tâm chữa bệnh dài ngày. Anh Nguyễn Quân Chính, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hoá còn nói với chị Lâm Thị Mỹ Dạ, vợ anh Tường rằng lúc nào anh cần đi đâu, thăm thú chỗ nào, huyện sẵn sàng tạo điều kiện xe cộ cho anh đi. Tôi và anh Nguyễn Quân Chính cùng ngồi bên anh, thấy dáng vẻ anh bớt mệt và dần tươi trong ấm áp khí hậu Khe Sanh, trong ấm áp tình người Quảng Trị, trong ấm áp bàn tay chị Gái nâng đỡ, nắn vuốt, chích lễ, bầu rút máu tụ cho anh, đọc trong mắt anh niềm xúc động thẳm sâu khôn tả, dường như cả hai chúng tôi cùng cảm nhận rằng, với anh Tường, đợt trở lại Khe Sanh lần này không chỉ để chữa bệnh mà còn là một cuộc trở về nguồn, cái nguồn cội mà vì nó, ngày trước, anh đã từng bỏ phố “lên xanh”. Nay anh lại về, “về nguồn xưa gối tay nằm bệnh” và không chỉ có thế, anh còn “về cội xưa níu tay nghìn trùng”, nói như ca từ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn-người bạn tương tri của anh. Anh đã từng “đi hết một thời trai trẻ” với “Đời rừng”, hoà bình về, anh vẫn luôn hoài niệm một nỗi “Tiếc rừng”. Trong ký ức thăm thẳm của anh, đầy ắp những miền rừng lau lách, những dải mây vắt ngang Trường Sơn tạo thành chiếc cầu mây mà Lê Quý Đôn gọi là “vân kiều” (nhân đó có tên gọi dân tộc Vân Kiều, hay nói cách khác, cái tên Vân Kiều trùng tên chiếc cầu mây). Về lại Khe Sanh, được tắm gội trong khí hậu mát mẻ toả ra từ những con sông mây vắt ngang núi, ngang trời, những con sông mà lâu nay anh vẫn hằng bơi trong ký ức nguồn cội đau đáu, anh phấn hứng viết: “Cảm ơn nghĩa đời cội rễ, Cho mình trở lại Khe Sanh”.

 

Bên ngoài nơi anh nằm chữa bệnh là phố núi Khe Sanh rộn rã, là huyết mạch đường 9 đang thao thiết, mải miết chảy vào tương lai Quảng Trị trên hành lang kinh tế Đông-Tây. Tôi nói để anh mừng, rằng vùng Khe Sanh, Lao Bảo đường 9 đang được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt của Chính phủ. Sực nhớ đến một trang văn Hoàng Phủ Ngọc Tường viết rất sâu về đường 9, tôi quay sang chia sẻ với anh Nguyễn Quân Chính:

 

- Người ta đã nói nhiều, viết nhiều về vị trí, vai trò rất quan trọng của đường 9, con đường xuyên Á nối hành lang kinh tế Đông-Tây. Nhưng trong trang viết của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, giá trị con đường 9 còn được nhận thức từ góc độ lịch sử, từ tính lịch sử sâu sắc của nó.

Trong bài bút ký “Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say” của Hoàng Phủ Ngọc Tường viết về đất Quảng Nam, nhà văn đã luận về vị trí quan trọng của đèo Hải Vân trong lịch sử đất nước. Lý giải vì sao nhà Trần lại dùng dằng kéo dài mãi đến 5 năm (1301-1306) mới chịu gả Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Chế Mân, trong khi vua Chiêm sẵn lòng trao hai châu Ô-Lý làm quà sính lễ, sử sách chỉ giải thích rằng do trong triều ngoài nội xót cho Huyền Trân “tiếc thay cây quế giữa rừng...”. Nhưng theo cách lý giải của Hoàng Phủ Ngọc Tường, nguyên do của sự dùng dằng kéo dài không nằm ở chỗ đó, mà nằm ở chỗ khi ngã giá món sính lễ, vấn đề đặc biệt được nhà Trần đặt lên bàn thương lượng với vua Chiêm, đó là vấn đề biên giới phía Nam châu Lý phải mở rộng đến đèo Hải Vân, ngọn đèo nằm ở một vị trí chiến lược “bền vững như chiếc khoá vàng, chính là nơi đầu não của miền Thuận Quảng”, như đánh giá của Dương Văn An về sau này trong sách “Ô châu cận lục”. Nhân bàn đến vị trí quan trọng của đèo Hải Vân, trong một mối liên tưởng sâu sắc lạ lùng, nhà văn đã nói đến vị trí quan trọng trong lịch sử của con đường số 9: “Trong nhiều trường hợp, vì một lý do đặc biệt nào đó, lịch sử chỉ cho ta biết một nửa sự thật. Thí dụ, nhà báo W.Burchett (đã tham gia hội nghị Genève-1954) cho biết sự giằng co quyết liệt giữa hai bên để định ranh giới quân sự tạm thời giữa hai miền Nam-Bắc: Việt Nam đòi vĩ tuyến 13, Pháp đòi vĩ tuyến 18, và cuối cùng là vĩ tuyến 17. “Vấn đề vĩ tuyến 16 hoặc 17 là một vấn đề có tầm quan trọng mấu chốt. Quốc lộ 9 chạy giữa hai vĩ tuyến này, nối liền Lào với bờ biển Việt Nam...người Pháp làm tất cả để giữ con đường này” (dẫn theo W.Burchett)”. Trên dải đất mà anh Tường đã đọc ra mối tương đồng, tương quan lịch sử độc đáo giữa đường 9 với đèo Hải Vân, nay mối tương đồng, tương quan đặc biệt đó được nâng lên một tầm cao mới, có tên gọi là vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trên hành lang kinh tế Đông-Tây, với những bước chuyển động rộn rã: nâng cấp đường 9 giai đoạn 1 rồi giai đoạn 2, mở hầm đường bộ qua đèo Hải Vân...

 

Về với Khe Sanh, được thực sự sống với “cội xưa”, được “níu tay nghìn trùng” chứ không chỉ sống trong niềm liên tưởng, người anh bệnh “như đá nặng nề” bỗng nhẹ hẳn dần ra. “Cội xưa” chữa cho anh bằng tinh thần. Chị Gái chữa cho anh về thể xác. Các cơ mặt, cơ miệng đã cử động nhẹ nhàng, anh ăn cơm đã và kín miệng, súc nước uống đã thành tiếng nghe quen như thuở chưa đau (hồi ở Huế còn súc không thành tiếng). Nửa người bên trái của anh bán thân bất toại đã hồi phục đáng kể. Chị Dạ vui vẻ kể:

- Cánh tay bất động của anh đã đánh lại tay chị được rồi, mà anh đánh thắng đến 5-0, 7-0.

 

Ngày ngày, chị Gái chữa cho anh từ sáng đến trưa, sáng chích lễ, bầu rút máu độc, trưa nấu nước xông cho anh, cứ đều đặn kiên trì như thế. Tay chân anh nổi đầy từng đám những vết đỏ kim châm, tưởng chừng như vừa bị kiến đốt đau nhiều trận. Chị Dạ chia sẻ nỗi đau kim châm một cách thấm thía:

- Anh Tường chịu đau nhất là lúc chích lưỡi. Nhưng anh chẳng hề kêu đau đâu.

 

Tôi hỏi anh Tường đùa mà thật:

- Sao chích đau mà anh không hề kêu?

- Tánh mình vốn vậy - Anh Tường nói với giọng khẳng khái - Kêu đau làm nản lòng người khác.

 

Quả đúng chất giọng của người từng đi “Tìm thanh gươm nghĩa khí nghìn thu”. Người ham đi, người hành động, người dấn thân và cả “người ham chơi” nữa, con người ấy lẽ nào lại chịu bị xiềng bởi những dây trói vô hình của bệnh tật? Điều thú vị là từ một hình hài bất động như đang bị “đóng đanh câu rút”, anh đã bắt đầu tự đứng dậy được trong vài phút, nói theo ngôn ngữ dân gian của những bà mẹ sinh thành sáng thế là “chựng, chựng”. Tôi chia vui với những cái “chựng” phục sinh của anh:

- Vậy là anh được sống với tuổi thơ chựng chựng đến hai lần. Lần chựng chựng tuổi thơ sinh ra ở Huế. Và lần này là lần chựng chựng thứ hai nhưng là lần chựng chựng đầu tiên trên Đất Mẹ Quảng Trị.

 

Bất giác, tôi đọc được trên gương mặt đã hồng lại của anh Tường hai nét hình như tương phản: nét tươi tỉnh thơ ngộ như hài đồng và cái thần thái nghiền ngẫm như hiền triết. Tương phản nhưng là một. Chợt nhớ, các triết gia ngày xưa từng khuyên mọi người hãy quay trở lại với thời thơ ấu của loài người. Thực ra không cần thiết phải quay lại như thế, cuộc sống vốn luôn luôn đi tới. Nhưng trong buổi hội nhập kinh tế, cạnh tranh thị trường này với bao mặt trái mà để ngăn chặn, đẩy lùi được, người ta phải nuôi giữ cho mình cái bản tính “nhân chi sơ”, cái bản tính hồn nhiên chân thật của tuổi thơ. Nuôi giữ như trong những lời ca nhạc Trịnh mà anh hằng tương đắc: “Ngày xưa khi còn bé, tôi yêu quá cuộc đời, tôi yêu thương loài người, ngồi vẽ lấy tương lai...Nhưng hôm nay không còn trẻ nhỏ như xưa...Tôi thấy tôi là chút vết mực nhoè, ngày nay không còn bé, tôi quên sống thật thà, tôi đã không còn là, là hạnh phúc ngu ngơ” (Ngày nay không còn bé). Người góp phần mang lại cái hạnh phúc ngơ ngác “chựng chựng” cho anh Tường cũng là một người không quên sống thật thà làm phước và cầu phúc, dù đời đã nếm trải bao cay đắng, nhọc nhằn, cả những bi kịch làm người và làm mẹ. Trước khi chữa cho anh Tường (ca anh Tường là ca nặng, anh bị đau đã 5 năm), chị Gái đã từng chữa cho những người bị liệt từ 3 năm, trong đó có những người dân tộc thiểu số. Có người bị liệt nhờ chị Gái chữa lành mà đi lại được đã trả nghĩa bằng cách ở lại chợ Khe Sanh nhiều ngày để phụ giúp việc lao công cho chị. Dù cuộc đọ sức với bệnh tật của anh Tường còn trải qua ít nhiều thời gian nữa, nhưng rõ ràng, chị Gái và quê hương Khe Sanh, quê hương Quảng Trị đang giúp anh giành thêm phần thắng. “Con thuyền văn” Hoàng Phủ Ngọc Tường mà chị Gái và bao người quý trọng hiền tài góp tay đẩy giờ đã “bồng bềnh” tới được dòng sông nơi bắc nhịp cầu mây (dòng Vân Kiều) rồi và khi đã lên tới đó, anh rót về lai láng một nguồn thơ tri ân:

 

“Tâm hồn Vân Kiều vốn thế

Giúp đời chẳng quản công lênh”

 

Anh biết ơn Đời, ơn Dân. Và Dân biết anh nặng lòng Đời. Và phải chăng chị Gái là một cơ duyên tình cờ mà dường như đã sắp đặt trước của Đời, có mặt để đền bù cho tài hoa truân chuyên của anh, một sự đền bù huyền nhiệm mà thánh hiền đã xác tín: “Mến người có nhân là dân”.

 

Khe Sanh-Đông Hà 12-2002

Nguyễn Hoàn
Số lần đọc: 3750
Ngày đăng: 07.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cimexcol minh hải, 20 năm oan án. - Đặng Huỳnh Lộc
Mẹ Gio Linh - Mẹ Việt Nam - Nguyễn Hoàn
Tường trình buồn từ đồi Thi nhân - Lê Hoài Lương
Miếng ngon nhớ lâu - 5 - Lê Xuân Quang
Festival Huế - Từ một góc nhìn - Nguyễn Hoàn
Còn ai ngậm ngải tìm trầm? - Trần Lâm Hoa Vinh
Miếng ngon nhớ lâu - 3 - Lê Xuân Quang
Miếng Ngon Nhớ Lâu - 2 - Lê Xuân Quang
Cái bếp và mối tình quê - Võ Ðắc Danh
Dân chơi cầu Ba Cẳng - Trương Đạm Thủy
Cùng một tác giả