Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
755
116.542.043
 
Đức Bổn Sư đạo Tứ ân hiếu nghĩa cùng “Bá gia” quyết trấn giữ vùng biên cương, núi xa
Nguyễn Hữu Hiệp

Đức Bổn sư Ngô Lợi sinh giờ Ngọ, ngày mùng 5 tháng 5 Tân mão (1831) tại làng Trà Tân (Mỏ Cày, Mỹ Tho). Thuở thiếu thời ông sinh sống ra sao không rõ. Đến năm 1851 người ta thấy ông bắt đầu khuyên “bá gia” tu niệm. Năm 1867 Ngô Lợi bỗng nhiên “bỏ cõi trần bảy ngày đêm, còn chút hơi ấm nơi chớn thuỷ, rồi tỉnh lại” với hành động khác lạ như một người đã rủ sạch lòng trần, chứng đắc đạo quả: ngài truyền dạy tín đồ của mình một số “bí pháp” tu hành. Do thỉnh thoảng ngài vẫn làm như thế nên người đời gọi là “Năm Thiếp” (thứ năm có biệt tài “đi thiep”, tức tự làm như chết rồi sống lại, kể nói nhiều chuyện lạ lùng). Còn người trong đạo thì gọi tôn là Đức Bổn Sư. Hiếu Nghĩa Kinh có đoạn kệ nhắc nói về sự đại ngộ sau lần đi thiếp 7 ngày ấy như sau (đã dịch):

 

Trở lại năm Đinh mão, đúng ngày ngọ tháng năm

Ta trở mình lìa tục, hôn mê bảy ngày đêm

Bỗng nhiên hồi tỉnh dậy, giải thoát sạch lòng trần

Dạy người theo đạo thiện, giáo truyền khắp muôn dân.

 

Năm 1870 Đức Bổn Sư chính thức phát phái (như thẻ tín đồ) cho những người quy y theo đạo. Hai năm sau, ngài dẫn “bá gia” đến vùng Thất Sơn để khai phá, trồng tỉa, đồng thời cũng có ý đồ tụ nghĩa chuẩn bị một cuộc nổi dậy đánh đuổi thực dân xâm lược. Tại đây song song với  việc “trảm thảo khai sơn” ngài tổ chức thiết dựng xóm làng. Trước hết lập thôn An Định tại núi Tượng năm 1876, (nhưng đến 1881 nhà cầm quyền Pháp mới chịu hợp thức hóa). Năm 1882 lập thôn An Hòa giữa núi Dài và núi Tượng. Đến 1883 lập thôn An Thành. Và dường như sau đó có lập thêm thôn An Lập. Các thôn đều gần kề nhau. Để có chỗ dựa tinh thần, ngài cất lên một số đình, chùa, miễu và dạy đồ chúng tu hành.

 

Với tôn chỉ học Phật, Đức Bổn Sư không đi sâu những triết lý thâm viễn của Phật giáo mà chỉ chú trọng đến chuyện họa phúc, cứu khổ, cứu nạn nhãn tiền. Còn tu nhân thì chủ yếu kêu gọi mọi người đứng lên cứu quốc, đánh đuổi thực dân xâm lược. Để tránh bị người Pháp dòm ngó, Đức Bổn Sư gọi đạo của ngài là “đạo thờ Ông Bà”, nhưng qua tìm hiểu về sinh hoạt và cách thờ phượng, lý tưởng thì hai tiếng Ông Bà của Tứ Ân Hiếu Nghĩa mang ý nghĩa rất bao quát. Theo đó, bà con trong đạo đều tu tại gia, được tự do để tóc để râu, và lập tại gia đình mình rất nhiều bàn thờ. Chính vì vậy nên nửa trước nhà ở của người tín đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa được thiết kế hơi khác với nhà của người ngoài đạo: cửa chính ra vào không làm ở giữa mà là một bên. Vị trí các bàn thờ như sau:

 

Giữa nhà có bàn nhị đẳng (mặt bàn có hai tầng), trên hết thờ Quan Thánh đế quân, không lư hương (?), tầng kế thờ Hội đồng thượng Phật, hiểu là Phật Tổ, Phật Thầy. Dưới chót có một “bàn kinh” (rời), ngoài lư hương ra, hai bên có chuông, mõ, chính giữa để một bộ kinh cúng dường 13 quyển. Vách phía bên phải có một bàn nhỏ thờ Tam giáo hay Tam giáo hoả lầu (Phật, Thánh, Tiên suy cho cùng cũng là một gốc). Bên trái có bàn nhỏ riêng thờ Cửu phẩm liên hoa (có người hiểu là Cửu thiên huyền nữ). Bên dưới bàn nhị đẳng có bàn nhỏ thờ Thập phương. Trong cùng bên phải thờ Nội, ngoại thân thuộc bên chồng, bên trái thờ Nội, ngoại thân thuộc bên vợ. Ngoài  cửa thờ Tiền hiền (có người hiểu Thất thập nhị hiền của Phật Tổ?). Hai bên thờ tả, hữu mạng thần. Trước sân có bàn Phật Thiên, chia làm hai tầng, tầng trên thờ Chánh Đức Thiên La Thần, tầng dưới thờ Thổ trạch Long Thần.

 

Trên bàn Tiền hiền thường có một khay lễ, trong khay có nơi cắm đèn, nhang và hoa, 3 chung nước và một cái dĩa têm trầu cau.

 

Nếu thờ đúng theo nghi thức của đạo thì nhà người tín đồ cũng như một ngôi chùa, miễu, mỗi lần thắp nhang phải trên 10 cây. Theo sự tìm hiểu của người viết thì nhà của người tín đồ có 8 bàn thờ; nhà của “cư sĩ” có thêm 3 bàn nữa, vi chi 11 bàn; nhà của ông Gánh có 16 bàn, tức thêm 5 bàn ở phía sau vách ngăn giữa nhà, đó là bàn thờ Tổ tức Đức Bổn Sư, 3 bàn thờ Tam giáo, và 1 bàn thờ Cửu thiên huyền nữ gọi tắt là Cửu huyền (?).

 

 

Về cúng lạy thì mỗi ngày hai thời, hoặc bốn thời vào các giờ Tý, Ngọ, Mẹo, Dậu. Mỗi bàn thờ một lư lương, mỗi lư hương ngày thường thắp một cây nhang ngày lễ thì 3 cây. Lạy Phật hai bàn tay úp xuống; lạy ông bà hai bàn tay lật ngữa. Mỗi bàn (Phật Tổ, Phật Thầy, lạy 6 lạy, lạy bàn Ông Bà 4 lạy các bàn khác 3 lạy, xá thì hai bàn tay mở ra chứ không nắm lại, ngón cái bàn tay trái đè ngón cái bàn tay mặt.

 

Về thức cúng thì nhất định phải có hai món: bánh đúc và xôi xeo.

Về ăn, Đức Bổn Sư không dạy ăn chay, không dạy ăn thịt mà dạy ăn cá, đặc biệt phải cử ăn thịt 12 con giáp. Sau này người ta thấy tín đồ có ăn chay vào các ngày mùng 6, 8, 9, 12, 15, 19, 29, 30 (hoặc mùng 1 nếu tháng thiếu) và những ngày vía. Có người phát nguyện ăn chay 3 tháng trong năm, đó là các tháng 1, 7 và 10. Như vậy ăn chay hay ăn mặn thì tuỳ, không bắt buộc, do đó cũng có nhiều người không ăn chay.

 

¤

 

Dưới chiếc áo “thầy vãi” che mắt nhà cầm quyền, Ngô Lợi thường đi “ta bà” rao giảng đạo lý. Ai có bệnh thì ông trị giúp, nơi nào có dịch, ông phát bùa ngăn chặn, nhưng cái chính là ông tìm thêm “đồng chí”, hoặc liên lạc nhau để bí mật tổ chức nổi dậy. Hai việc làm nhưng chỉ một mục đích: chống Pháp!

 

Thật vậy trong ý hướng đó, dưới sự điều khiển của ông, vào tháng 5/1878 ở vùng Thuộc Nhiêu, Cai Lậy, Tân Hiệp thuộc tỉnh Mỹ Tho đã nổi lên thêm một cuộc khởi nghĩa chống Pháp rầm rộ do “chánh tướng” Ong và “phó tướng” Khả cầm đầu. Nhưng rất tiếc bị thất bại. Cả Ong, Khả và nhiều người khác đã bị Trần Bá Lộc bắt giết. Việc lớn không thành, cơ mưu bại lộ nên liền đó Giám đốc Nha Nội vụ Sài Gòn ra lệnh cho Tham biện ở các tỉnh thuộc Nam Kỳ phải truy nã Năm Thiếp. Bị theo dõi, nhưng nhờ được đồng bào mến mộ, che chở nên tuy bọn Pháp cho người trà trộn vào hàng ngũ, thậm chí sẵn sàng dành ra 1000 quan tiền để thưởng ngay cho người nào bắt được, nhưng ông cứ như người biết tàng hình (người ta đồn tung lên như thế, lại thêm rằng ông cũng có nhiều phép lạ), bọn Pháp vẫn không tài nào tìm gặp được ông. Chúng vô cùng tức tối, và quyết tâm đến mức tên chủ tỉnh Châu Đốc Puech nhiều phen đích thân thanh sát vùng núi Tượng, len lỏi rình rập cả ban đêm, nhưng cũng không hề biết tung tích mặc dù tình báo của y đã cung cấp tin tức, quả quyết rằng hiện ông đang lẫn trốn tại một địa điểm nào đó rất cụ thể.

 

Công cuộc truy nã ông Năm Thiếp cứ im ỉm mãi, khiến bọn Pháp ăn không no ngủ không yên. Đã thế tình hình an ninh vùng biên giới lại càng phức tạp, rối rắm. Tình báo thì cứ được tin dồn dập rằng, ở Nam Kỳ nơi này sắp khởi loạn, nơi kia có hiện tượng bất thường. Trong khi đó phía bên kia biên giới vẫn đã và đang nổi dậy, rất đông người Miên bên này đang chầm hầm hưởng ứng. Đó là những cuộc khởi nghĩa của các ông hoàng Achar Soa (nội địa), Pucambo (vùng biên giới Tây Ninh – có liên kết với Trương Huệ – cậu Hai Quyền, con trai Trương Định), Si-vatha (vùng biên giới Châu Đốc)... Cho nên bọn Pháp rất lo ngại, chúng lùng sục khắp nơi, nhưng chỉ ghi nhận hầu hết người dân chỉ lo làm ăn, tu hành và... hoang mang lo sợ, bởi hơn ai hết họ biết rất rõ rằng, rồi đây thế nào cũng phải có một trận đụng độ lớn xảy ra. Và việc gì đến đã đến...

 

Khoảng tháng 5 năm 1885, nghĩa quân làng An Định (người Việt và Miên) bất thần nổi dậy, tấn công và chiếm được đồn Phú Thạnh của Pháp ở biên giới. Sau đó, họ đem lính mã tà tới “dẹp loạn” nhưng không tái chiếm được đồn, bèn hung hãn bắn giết, bắt bớ và đốt phá nhà cửa thường dân rồi bỏ về. Đồng bào làng An Định chạy tứ tán. Chúng kêu gọi hồi cư. Thế là dân chúng lục tục trở về nhưng rất lưa thưa chứ không đông đầy tựa “bánh ếch sắp trên sàng” như trước. Họ dựng cất lại nhà cửa, nhưng do không còn lương thực để ăn (đã bị Pháp đốt sạch) nên chỉ mấy ngày sau thì bỏ đi gần hết – tản ra gần Châu Đốc làm thuê kiếm tiền độ nhựt.

 

Tên chủ tỉnh Châu Đốc nhận xét làng An Định “toàn là dân bất hảo, chống đối sự khai hoá của người Pháp. Họ tu hành cuồng tín, ra vẻ chí thú làm ăn nhưng đó là hình thức mà thôi, gặp cơ hội sẽ làm loạn nữa. Do đó phải có biện pháp cứng rắn hơn”. Hắn nói cũng đúng. Đồng bào tiếp tục nổi dậy. Làng An Định về mặt hành chánh, chính thức bị giải tán, cho sáp nhập qua làng Ba Chúc kế cận. Dù vậy chủ tỉnh Châu Đốc vẫn rất lo ngại, nên đánh điện tín về Sài Gòn, yêu cầu được gặp viên Giám đốc Nha Nội vụ để bàn về một kế hoạch hết sức quan trọng. Đó là kế hoạch đối phó với tín đồ Tứ Ân ở núi Tượng, nơi có ngôi chùa nổi danh toàn cõi Nam Kỳ mà Năm Thiếp đang cư ngụ “uy tín tinh thần của ông hãy còn mạnh. Ông là giáo chủ của tôn giáo mới” và “theo lời đồn đãi của một số nho sĩ già chống đối sự  khai hoá của Pháp thì chùa nói trên [Phi Lai] là trung tâm điểm [thuộc thôn An Định, được xem là nơi phát nguyên đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa] để phát khởi một phong trào phục hưng cho dân An Nam” – điện tín đến Sài Gòn ngày 5/2/1887.

 

Sau đó, được sự thống nhất của Sài Gòn nên Châu Đốc ra tay: Đốt sạch các cơ sở thờ tự của đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Dân làng bị tập trung để kiểm soát, lấy lý lịch rồi trục xuất toàn bộ 407 gia đình, gồm 1990 người (nam phụ lão ấu) về nguyên quán 13 tỉnh của hầu khắp Nam Kỳ. Sám giảng:

 

Tham biện viết giấy trao tay,

Người ở vùng nào đường ấy ra đi.

 

Từ ấy Năm Thiếp và các tín đồ ruột của ông phải ẩn lánh vô cùng vất vả. Tất nhiên bọn Pháp vẫn quyết liệt truy nã nhưng không sao tìm được.

 

Sau đó, để ổn định lòng dân, bọn Pháp làm ngơ, bà con dần dần tái thiết lại một số chùa, đình, miếu để có nơi dân làng lễ bái.

 

Cuộc kháng chiến chống Pháp của “Đức Bổn Sư núi Tượng” tuy không lan ra diện rộng nhưng với tấm lòng yêu nước vô bờ bến, chấp nhận mọi hi sinh gian khổ, thậm chí nhiều phen tắm mình trong biển lửa, biển máu, bị bắt bớ, tù đày..., nói chung là không thành công nhưng không thể không dựng lên một tầm cao và chiều sâu.

 

Cũng như thế đó, đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa phải chịu hàng chục lần đạo nạn và phạm vi khu biệt ở một vài địa phương, chưa lan rộng, nhưng rõ ràng đó là một tôn giáo cứu thế, bản địa, ý thức tinh thần dân tộc của người tín đồ rất cao, rất sâu. Họ đã kiên cường chống giặc, quyết trấn giữ bằng được vùng biên cương, núi xa. Trước giặc, họ không lùi một bước, còn cuộc sống đời thường, họ là mẫu người hiền lương, chơn chất, luôn nêu cao tinh thần trung với nước, hiếu với dân. Nghĩa tình ấy thật rất đáng trân trọng!

 

Ông Ngô Lợi viên tịch ngày 13/10 năm Canh dần (1890) thọ 59 tuổi. Mộ ông được an táng tại núi Tượng. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa được các “ông Trò” “ông Gánh” nối chí xiển dương. Ông Trò là những vị đệ tử thường theo bên Thầy và phát huy ý tưởng của Thầy, còn ông Gánh là gánh vác hai vai Đạo và Đời đồng nhau tức những người được giao trách nhiệm trông nom việc đạo thay Thầy, quản lý khoảng 30 nóc gia có theo đạo. Ông Gánh cũng từ trong hàng ngũ ông Trò mà ra.

 

Thế hệ ông Trò đã qua, nay chỉ còn những ông Gánh. Giúp việc cho ông Gánh là “cư sĩ” – huynh trưởng. Hiện, quanh núi Tượng có 13 gánh; huyện Tri Tôn có 24 gánh. Tín đồ có khoảng 50.000, riêng huyện Tri Tôn khoảng 22.000 tín đồ). Những người có trách nhiệm trong đạo đều để tóc để râu – một cách giữ gìn cổ tục nước nhà vậy!

Nguyễn Hữu Hiệp
Số lần đọc: 4192
Ngày đăng: 08.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Việt Nam và những vấn đề ở biển Đông - Giang Tâm
Đô thị ở Nam bộ thời cận đại - Nguyễn Thị Hậu
Bàn lại với ông Trần Trọng Dương : Lâu đài trên mây hay dự cảm sáng suốt? - Hà văn Thùy
Huyền tượng mẹ ÂU CƠ: Bi kịch và mầu nhiệm - Trần Xuân An
Giai đoạn huyền sử trong ĐẠI VIỆT SỬ KÍ TOÀN THƯ (1697) và KHÂM ĐỊNH VIỆT SỬ THÔNG GIÁM CƯƠNG MỤC (1884) - Trần Xuân An
An Dương Vương : “Giặc Thục” hay anh hùng bi tráng ? - Trần Xuân An
Phan Khôi và cuộc thi quốc sử của báo Thần Chung, Sài Gòn 1929 - Lại Nguyên Ân
Nhận định danh nghĩa TRIỆU ĐÀ (NHÀ TRIỆU – HÁN) và phân kỳ lịch sử : Giai đoạn mất nước - Trần Xuân An
“Nhìn lại sử Việt” – Cuốn sách cần được viết lại - Hà văn Thùy
Bàn lại với tiến sĩ Lê Mạnh Thát - Hà văn Thùy