Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
438
115.986.019
 
Nhà phê bình, người là ai ?
Bùi Công Thuấn

1.Nhà phê bình, người là ai ?

 

Nhà phê bình trước hết phải là tri kỷ văn chương cuả người sáng tác. Nhà thơ Hoàng Cầm  tâm sự, ông nói  rất cảm động  : “ Tôi hy vọng, rất chân thành, được gặp những tâm hồn bầu bạn, có độ lượng để bao dung, có tấm lòng nhân ái để thông cảm, có tri thức đủ để hiểu thấu đáo tác phẩm và tác giả, hiểu cả điểm mạnh và điểm yếu của một người suốt đời lấy Thơ làm cứu cánh, làm mục đích, làm lẽ sống. Ngày xưa, đọc Tiểu Thanh Ký, Nguyễn Du cũng là tri kỷ cuả người “ phong vận “ và  đi tìm tri kỷ văn chương trong cõi nhân gian: “ Bất tri tam bách dư niên hậu / thiên hạ hà nhân khấp Tố Như “. Tâm sự cuả hai nhà thơ lớn ấy là tiếng nói tri âm tha thiết đối với người đọc, nhất là với nhà phê bình.

 

 Người viết văn nào khi viết tác phẩm cũng mong có người hiểu mình, chia xẻ với mình những nghĩ suy, đồng điệu với mình trong cảm nhận và noí tiếng nói trân trọng với những cố gắng cuả mình. Chẳng ai muốn tác phẩm được viết  ra lại chìm vào quên lãng, như viên sỏi ném xuống ao cuộc đời, không gợn chút sóng . Quả là vô tình  khi nói rằng : nhà phê bình, “họ sống kiếp phù du nổi lên theo làn sóng sáng tác văn chương ( khi gặp được tác phẩm hay), họ là một loài tầm gửi (vào sức sống của tác phẩm văn chương).(1) Sự vô tình trở thành hàm hồ không chấp nhận được : “ Thực ra anh phê bình chỉ là chuyên gia “ẩm thực nghệ thuật”. Tôi ăn món ấy, ở hàng ấy thấy ngon và “giá cả hợp lý” thì phát ngôn ra cho mọi người biết. Nếu bạn thấy quá đắt không ngon bạn có kiện anh viết giới thiệu không hay chỉ tự “rút kinh nghiệm” thôi? Nhưng nếu khoái khám phá ẩm thực bạn sẽ tìm đến, thậm chí tôn sùng một nhà phê bình ẩm thực nào đó “của mình” (2) Một cách ví von khác cũng hàm hồ không kém, như một sự giễu cợt : Lý luận phê bình giống như giữ rừng, nhiều lâm tặc mà ít cán bộ kiểm lâm. Đau đớn hơn là cán bộ kiểm lâm không có phương tiện gì trong tay. Những nhà lý luận phê bình thực sự đang sống trong sợ hãi!”(3). Coi nhà phê bình là cây tầm gửi, là chuyên gia ẩm thực nghệ thuật, là cán bộ kiểm lâm, người viết tỏ ra không hiểu được nhà văn, càng không hiểu được nhà phê bình, đồng thời hạ rất thấp giá trị cuả công việc phê bình. Với cách nhìn như thế, bao giờ mới có được nhà phê bình tri kỷ cuả nhà văn ? Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định “Ông phê bình ấy hoàn toàn nhầm lẫn. Phê bình chân chính không bao giờ là cây tầm gửi cả.”(4)

 

 

2.Ai cũng là nhà phê bình .

 

Dường như không có sự đồng nhất trong nhận thức về vai trò cuả nhà phê bình. Sự tranh cãi xuất phát từ chính nhận thức này. Người ta đòi hỏi nhiều điều quá sức đối với nhà phê bình. Chẳng hạn “Lý luận phê bình chưa làm nổi việc tổng kết để đánh giá và hướng dẫn dư luận, chưa có tác động đáng kể nào vào dòng chảy văn chương” (5) Một nhà phê bình sao có thể làm nổi việc tổng kết đánh giá một thời đại văn học. Đó là công việc nghiên cứu cuả Viện Văn Học. Hội nhà Văn có gần 1000 hội viên, không một nhà phê bình nào đủ sức đọc hết tác phẩm cuả tất cả các nhà văn nhà thơ ấy. Nhà phê bình có thể chỉ đọc những tác giả nào thực sự là có những giá trị văn chương, thậm chí chỉ đọc tác phẩm cuả nhà văn mình tri kỷ, gắn bó với tác giả ấy suốt một đời sáng tác. Chỉ một mình Nguyễn Du, đã có bao nhiêu người viết về giá trị văn chương cuả ông, nhưng đến nay, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần tiếp tục khám phá. Vì thế đòi nhà phê bình phải “làm nổi việc tổng kết để đánh giá và hướng dẫn dư luận” là một việc không tưởng

 

Nguyễn Bỉnh Quân còn chỉ ra cụ thể : Ở ta phê bình được trao quá nhiều nhiệm vụ và trách nhiệm: Làm tuyên giáo triển khai đường lối, nghị quyết, soi đường cho sáng tác, làm cái roi quất cho con ngựa sáng tác lồng lên, làm lính gác cho Đảng, giáo dục quần chúng vv và vv. Một vị “quan văn nghệ” từng mắng: Anh phụ trách phê bình mà không chỉ đạo cho anh em phê bình viết cái gì, viết thế nào, viết tác giả, tác phẩm nào thì không xứng đáng làm lãnh đạo. Tôi đành nhận mình không biết lãnh đạo. Một họa sĩ lão thành căn dặn: Phê bình phải như đại bàng nhìn xa, chỉ đường cho sáng tác đi tới. Tôi đùa mà thật: Nếu biết phải vẽ gì, vẽ thế nào thì em vẽ lấy chứ “dại gì” mà chỉ cho các bác!. Còn chuyện làm roi quất ngựa hay làm lính gác mà nhiều “nhà lý luận phê bình” thường nhắc nhở tôi thì tình thực là tôi không làm được. Thế nên tôi hốt hoảng khi Chủ tịch một Hội Trung ương nói trên báo rằng: Hội đồng lý luận phê bình Trung ương phải như cảnh sát 113! (đd ). Chỉ đọc những nhiệm vụ và trách nhiệm ấy thôi cũng đã chóng mặt, nói chi là thực hiện những nhiệm vụ ấy ! Thế nhưng cần xác định rõ: nếu anh là nhà phê bình  trong Hội Nhà Văn, thì anh phải thực hiện những nhiệm vụ ấy. Hội nhà Văn là tổ chức chính trị nghề nghiệp cuả người viết văn, có nhiệm vụ chính trị cụ thể là  làm lính gác cho Đảng, giáo dục quần chúng… “. Nếu không thực hiện nhiệm vụ ấy, sẽ là thiếu sót trách nhiệm. Vấn đề là thực hiện những nhiệm vụ ấy như thế nào?

 

Và đây là cái cách người ta thực hiện. Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói. "Ta hãy xem một tác phẩm như Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn, có một bài viết nào về nó trên báo chí trong nước? Và mới đây, Ba người khác của Tô Hoài đã có cả một hội thảo do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức mà muốn biết mọi thông tin về nó chỉ có thể đọc trên mạng talawas." (6)

 

Thực ra, mỗi nhà văn đã là nhà phê bình tác phẩm cuả  mình. Nhà xuât bản cũng là nhà phê bình vì chịu trách nhiệm in ấn phổ biến tác phẩm. Sau cùng, mỗi người đọc là một “ nhà phê bình “ khi tiếp cận với tác phẩm, họ tạo nên một cộng đồng phê bình. Tất cả chỉ khác nhau ở tiêu chí và trách nhiệm phê bình. Chẳng hạn tiêu chí cuả nhà văn là sự sáng tạo cái đẹp, nhưng tiêu chí cuả nhà xuất bản trước hết là tiêu chí chính trị và lợi nhuận .Tiêu chí cuả người đọc thì rất phức tạp, mỗi người đọc có thể có những tiêu chí riêng khi chọn đọc tác phẩm, có khi vì thích tác giả nào đó, có người đọc giải trí, có người đọc vì tò mò, có người đọc nghiên cứu…

 

3. Trách nhiệm cuả nhà phê bình chuyên nghiệp là gì ?

 

Tôi xin không nói về “ nhà phê bình ăn theo “ , “nhà phê bình cánh hẩu”, “những nhà phê bình vọng ngoại” hay những “ nhà phê bình  không vì mục đích văn chương ... Vậy nhà phê bình “ chuyên nghiệp”có trách nhiệm gì ? Trước hết là đọc tác phẩm văn chương, vưà với tấm lòng tri kỷ, vưà bằng trình độ chuyên nghiệp và phương pháp đọc khoa học, để tìm ra những cái mới, những cái hay, những giá trị văn chương mà tác giả đóng góp cho nền văn học, cho sự phát triển cuả lịch sử văn học. ( xin lưu ý, nhà phê bình chuyên nghiệp không có trách nhiệm phải đọc hết mọi tác giả tác phẩm, nhất là những tác giả tác phẩm không sáng tạo, không có giá trị văn chương . Ở đây có những khaí niệm như : tính chuyên nghiệp, cái hay, cái mới, giá trị văn chương lẽ ra cần làm rõ, vì vẫn còn tranh cãi, song với những nhà phê bình chuyên nghiệp, tôi nghĩ, vấn đề không cần đặt ra)

 

Vấn đề có khiá cạnh tế nhị. Nhà phê bình sẽ đọc những tác phẩm nào ? Người tinh tường sẽ nhận ra ngay những  tài năng sáng tạo, tác giả nào là trung bình , tác phẩm nào là có giá trị. Hoài Thanh nói thế này trong Thi Nhân Việt nam : “Vậy trong nước ta có bao nhiêu thi sĩ ?40.000 hay 400.000?  400.000 có thơ đăng báo in sách chừng hơn 40 người có trích trong quyển này, và may mắn  ra 4 người sẽ có tên lưu truyền hậu thế “. Quả vậy những tên tuổi nhưThúc tề,Phạm hầu, Thu Hồng, J.Leiba, Thái Can, Vân Đài, Đỗ Huy Nhiệm, Lưu Kỳ Linh, Nguyễn Giang, Phan Khắc Khoan, Phan Thanh Phước, Phan Văn Dớt, Nguyễn Xuân Huy, Mộng Huyền, Nguyễn Đình Thư..đã được Hoài Thanh đưa vào Thi Nhân Việt Nam, nhưng đến nay mấy ai nhắc tới họ.

 

Khi nhà phê bình không viết, có nghiã là họ chưa tìm thấy những giá trị đích thực, chưa nhận ra tài năng đích thực, chưa gặp được cá tính sáng tạo độc đáo, họ chưa tìm thấy cái cần tìm kiếm. Cao Hải Thanh cho rằng :” …ở lĩnh vực sáng tác hôm nay chúng ta chưa có những tác phẩm tầm cỡ đủ sức thu hút giới phê bình quan tâm. Không riêng nhà phê bình mà cho bất cứ ai, còn gì buồn hơn khi đọc xong một cuốn sách mà thấy không có gì mới để nói, thậm chí thấy tiếc đã mất thời gian đọc “ (7).Mấy khi có những hiện tượng văn học báo hiệu một tài năng, để nhà phê bình tìm thấy tri kỷ, chẳng hạn hiện tượng Nguyễn Huy Thiệp.

 

Tại sao có “ nhà văn “  cho rằng nhà phê bình không đủ sức đọc các tác phẩm cuả họ, cho rằng nhà phê bình lẹt đẹt theo đuối sáng tác, nhà phê bình là cây tầm gửi ăn theo phong trào…Đó là sự ngộ nhận. Nhà văn trẻ muốn được khẳng định tài năng, muốn được những nhà phê bình có uy tín đề cao mình, nhưng khi thấy không ai nhắc đến mình,  thì tự huyễn hoặc mình bằng những cách nói “ gây sự” :  ngày nay đội ngũ lý luận phê bình văn chương đông đảo, mỗi người đều có nhiều tập sách, thậm chí một số người có hàng chục tập sách dày nhưng công việc lý luận phê bình vẫn lẹt đẹt ở phía sau sáng tác. Đây là một thách đố mà các nhà lý luận phê bình có tự trọng, có bản lĩnh không thể không tìm câu trả lời ( Nguyện Quỳnh Thư, đd ). Đó là một trong những cách nói có tính “gây sự”.  Nghiã là nếu nhà phê bình không đáp ứng được yêu cầu cuả Nguyễn Quỳnh Thư thì họ là những người “ thiếu tự trọng, hay không có bản lĩnh”  hay sao ?

 

Đọc bài cuả Đỗ Lai Thuý về nhà thơ Lê Đạt , ta sẽ nhận ra Lê Đạt là một tài năng cách tân thực sự. So với Lê Đạt, những nhà thơ trẻ hiện nay ai có được tài năng như thế để nhà phê bình say mê khám phá và viết về họ ? ( Tôi không có ý nói các nhà thơ trẻ hiện nay là không có tài năng, song sự nghiệp sáng tác cuả họ còn dài, nếu họ thực sự tài năng, thì chính họ làm ra họ , không phải nhà phê bình. Chẳng hạn, không có Hoài Thanh thì Xuân Diệu, Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính vẫn toả sáng trên bầu trời thi ca Việt Nam.) Dù vậy, theo nhà văn Thuận: “ Đúng là một tác phẩm muốn gây được tiếng vang cần phải có sự ủng hộ của truyền thông, báo chí và các nhà lý luận văn học. Họ là nhịp cầu nối tác phẩm với công chúng. " Trong thực tế, nhiều “ nhà văn “ nổi đình nổi đám là nhờ công nghệ lăng xê. Nhưng dầu vậy, họ khó lọt vào mắt xanh cuả nhà phê bình chuyên nghiệp, bởi vì những giá trị do quảng cáo , có không ít những giá trị giả, không ít người đã từng bị lưà.

 

Tất nhiên yêu cầu về năng lực cuả nhà phê bình chuyên nghiệp là rất cao. Trước hết, anh ta phải có “ năng khiếu “ phê bình. Không phải là thứ năng khiếu trời cho , “Người phê bình cũng là một nghệ sĩ và có uy lực vô hình. Trời sinh ra ta có cái lưỡi, cái mắt hơn người như trời cho ai giọng ca độc đáo vậy. Thế nên “trời không cho” thì chịu, không học mà có được, không xin hay vay mà có được.”(Nguyện Bỉnh Quân, đd). “ năng khiếu  phê bình biểu hiện ở sự yêu thích văn chương, ở sự say mê khám phá cái đẹp văn chương, ở năng lực tư duy , năng lực lý luận. Năng khiếu ấy chỉ có thể trở thành năng lực phê bình khi có một sở học đầy đặn kiến thức đông tây kim cổ, ít nhất là ở lĩnh vực chuyên môn cuả mình, và có những tiêu chí tiến bộ để đánh giá tác phẩm; đồng thời phải biết sử dụng hiệu quả những phương pháp phê bình khoa học nào đó, kết hợp  với một trực giác nhạy bén trong việc thẩm định. Để có được những phẩm chất ấy, nhà phê bình phải học tập cật lực, làm việc cần mẫn, nghiêm túc,và  tốn rất nhiều thời gian. Chính vì thế có không nhiều những nhà phê bình chuyên nghiệp. Có người trình độ văn hoá không cao, vẫn có thể là nhà văn. Trái lại, một người dù tốt nghiệp đại học, không thể trong ngắn hạn, có thể trở thành nhà phê bình chuyên nghiệp. Người trẻ ít theo con đường trở thành nhà phê bình là vì vậy. Hơn nưã, nhà văn sau lao động nghệ thuật, có thể bán tác phẩm để lấy lại công sức, còn nhà phê bình hôm nay, có lẽ chẳng ai có thể lấy lại được công sức bằng tác quyền những gì mình viết , có chăng là niềm vui tinh thần .

 

Chỉ nói riêng về việc học tập các phương pháp phê bình, không phải nhà phê bình nào cũng nắm được  tất cả phương pháp và vận dụng được vào phê bình những tác phẩm cụ thể. Nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét : “Nhiều nhà phê bình cứ nói lý luận chung chung thì còn nghe được, nhưng khi đi vào những tác phẩm cụ thể thì họ lại rất lúng túng. Nhiều khi họ phân tích, nhận định buồn cười lắm.” ( nhận định này có hơi chủ quan ! ). Nhà phê bình Vương Trí Nhàn thú nhận : “ Tôi không quan tâm lắm tới các trường phái mà chỉ đọc kỹ một hai tác giả cụ thể. Người để lại ảnh hưởng nhiều nhất với tôi là nhà nghiên cứu người Nga M.M.Bakhtin (1895-1975), “ (8) Nhà Phê Bình Hoài Nam noí rõ :”… hiểu được những Bakhtine, Lotman, Todorov, Barthes, v.v., theo tôi, là điều sẽ khiến đa phần các nhà PBVH ở ta hiện nay còn phải tốn cơm tốn gạo (ấy là nói những ai chịu đọc!). Những tên tuổi phê bình mà tôi vừa kể trên (tất nhiên còn có thể liệt kê thêm nhiều người khác nữa) uyên bác và phức tạp khủng khiếp. Tôi không chịu ảnh hưởng của họ, đơn giản vì tôi hiểu họ quá lỗ mỗ!  “

Việc sử dụng các  phương pháp phê bình hiện đại đối với các nhà phê bình Việt Nam vẫn còn  hạn chế, nhưng đã có những bước chuyển mạnh mẽ, thay thế cách đọc cảm tính từ lâu nay. Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch noí : “. Thú thực, lối đọc của tôi là một lối đọc mang tính xã hội học. Và còn một điểm nữa, tôi mong muốn trở thành một nhà phê bình Mác xít đích thực. Tôi vẫn đang đọc Eagleton, Adorno và Bourdieu. “ Nhà phê bình Hoài Nam cùng một cách đọc như  Phạm Xuân Thạch :” Trước một tác phẩm văn học, tùy vào phẩm tính của nó và tùy vào sự hiểu biết cá nhân, tôi có thể tham khảo phê bình phân tâm học, phê bình cấu trúc, phê bình ngôn ngữ, phê bình huyền thoại... nhưng không chủ vào bất cứ phương pháp nào. Nếu có thể miễn cưỡng nói tới một lực hấp dẫn cơ bản, thì với tôi, đó vẫn là phê bình xã hội học - dù rằng phương pháp này cũng chẳng đơn giản chút nào. Bởi một xác tín: văn chương sẽ chẳng là gì cả nếu nó không là một dấn thân xã hội của nhà văn!”. Vẫn biết phương pháp phê bình Marxist tuy có những mặt mạnh, nhưng nó không giúp nhà phê bình nhìn ra những giá trị thẩm mỹ cuả văn chương, không giúp nhận ra cá tính sáng tạo độc đáo cuả nhà văn. Trước đây, trong nhà trường phổ thông, dùng phương pháp xã hội học, người ta đã biến giờ giảng văn thành giờ giảng chính trị.

 

Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho biết : “ Hiện tại tôi đang đọc lý thuyết văn chương Hậu Hiện Đại. Ảnh hưởng mà tôi thu được ở các lý thuyết phê bình là ảnh hưởng tổng hợp. Phương pháp phê bình của tôi là phương pháp văn bản. Tôi chỉ đọc văn bản và viết theo cách tôi đọc văn bản đó.”

( phải chăng Phạm Xuân Nguyên áp dụng phương pháp cuả Phê Bình Mới Anh Mỹ với hai đại biểu: I. A. Richards và T. S. Eliot? Các nhà Phê Bình Mới chỉ tập trung vào văn bản ). Nhà phê bình Nguyễn Hoà có một góc nhìn khác: - “ Từ tiếp cận văn hóa - văn chương, đi tìm các lý do dẫn tới sự ra đời của tác phẩm, kết hợp với việc luận giải về những hay - dở của tác phẩm từ góc nhìn của một (vài) lý thuyết nào đó, xác lập những mối liên hệ giữa tác phẩm với “sinh quyển” văn hóa - văn chương của nó “ ( phải chăng đó là phương pháp phê bình Hậu Cấu Trúc Luận và Giải cấu trúc? Tìm hiểu văn học, phần nào trùng lấp lên việc tìm hiểu văn hoá. )

 

Còn một hướng tiếp cận khác, Cao Hải Thanh nhận xét :” Gần đây theo tôi nổi lên hai tên tuổi cùng hai hướng nghiên cứu được kỳ vọng là Trần Đình Sử với hướng nghiên cứu thi pháp chú ý tới sự vận động và quy luật phát triển hình thức của văn học và Đỗ Lai Thúy cùng hướng nghiên cứu trên bình diện các mẫu gốc văn hóa.”  Tôi cũng đồng ý với Cao Thanh Hải, phương pháp đọc tác phẩm theo thi pháp là một phương pháp có khả năng giúp người đọc khám phá được nhiều điều mới lạ. Tất nhiên cần phối hợp với những phương pháp khác như phương pháp tiểu sử, phương pháp Marxist, phương pháp phê bình Cấu Trúc luận, Giải Cấu Trúc và cả Hậu Hiện Đại. Gần đây, nhân giỗ 49 ngày nhà thơ lê Đạt, Đỗ Lai Thuý có bài viết về thơ Lê Đạt với những khám phá thật thú vị (9) Chu Văn Sơn cũng có những khám phá đặc sắc  về thơ Nguyễn Bính (10) Trần Ngọc Hiếu về thơ Việt đương đại (11)

 

Qua kinh nghiệm cuả nhà phê bình ở trên, người đọc có thể nhân thấy, tuy âm thầm nhưng những nhà phê bình hiện nay đều rất nỗ lực tiếp cận các phương pháp phê bình hiện đại trong công việc phê bình cuả mình, dù rằng, sự vận dụng các phương pháp phê bình mới còn hạn chế. Ngay những nhà phê bình hải ngoại như Đặng Tiến, Bùi Vĩnh Phúc, Đoàn Cẩm Thi, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Đức Tùng, mặc dù có nhiều điều kiện tiếp xúc với những phương pháp phê bình mới, có trình độ và khả năng viết tốt, nhưng họ vẫn chưa có được những công trình phê bình nào thật sự là tiên phong.( ngoại trừ Nguyễn Hưng Quốc có một số bài giới thiệu các phương pháp phê bình , và gần đây, Ngô Tự Lập cũng có những bài viết về phê bình văn học với nhãn quan khá rộng – Ngô Tự Lập không phải là tác giả hải ngoại ).  Nói như nhà phê bình Hoài Nam : “ hiểu được những Bakhtine, Lotman, Todorov, Barthes, v.v., theo tôi, là điều sẽ khiến đa phần các nhà PBVH ở ta hiện nay còn phải tốn cơm tốn gạo (ấy là nói những ai chịu đọc!)” (đd)

 

Tuy vậy  những nhà phê bình Việt Nam hiện nay cũng đã đóng góp cho phê bình văn chương những khám phá mới mẻ. Đúng như nhà phê bình Huỳnh Như Phương nhận xét trong hội thảo bàn tròn  : “. Dù chậm chạp, lý luận phê bình văn học cũng đang vận động để theo kịp với trình độ và sự phát triển của thế giới. Tôi muốn đề nghị bạn tìm đọc những tác phẩm của một số cây bút ở độ tuổi trên dưới 50 như: Trương Đăng Dung, Nguyễn Văn Dân, Phạm Xuân Nguyên, Chu Văn Sơn, Nguyễn Đăng Điệp... để có thể thấy được sự vận động đó. “

 

So với Hoài Thanh,các nhà phê bình hôm nay và có bước tiến rất xa , bởi vì Hoài Thanh chỉ là một nhà phê bình cảm tính.Ông có năng khiếu phê bình và một trực giác nhạy bén, nhưng những nhận định cuả ông chỉ là những nhận định có tính cách mơn trớn  tình cảm,  không có khả năng làm sáng bừng trí tuệ người đọc. Ông viết về Nguyễn Bính : “.. đáng trách chăng là giưã những bài giống hệt ca dao người bỗng chen vào một đôi lời quá mới. Ta thấy khó chịu như khi vào một ngôi chuà có những ngọn đèn điện trên bàn thờ Phật. cái lối gặp gỡ ấy cuả hai thời đại rất dễ trở nên lố lăng “ ( Hoài Thanh –Thi Nhân Việt Nam ) Nếu đọc bài viết cuả Chu Văn sơn về Nguyễn Bính, người đọc sẽ nhận ra Chu Văn Sơn có nhiều khám phá, lý giải rất mới mẻ, thú vị và thuyết phục về đặc sắc thơ Nguyễn Bính và cá tính sáng tạo cuả nhà thơ. Điều này, bằng cách đọc cảm tính, Hoài Thanh không sao với tới được. Vì thế Thi Nhân Việt Nam đến nay chỉ còn một chút giá trị tư liệu về thơ 1930-1945.

 

4. Những vấn đề

 

Phê bình là đọc tác phẩm đương đại hay tác phẩm quá khứ ? thông thường đọc tác phẩm đương đại thì được gọi là phê bình, đọc tác phẩm quá khứ là nghiên cứu. Theo tôi, dù đọc tác phẩm đương đại, nhà phê bình vẫn phải làm những thao tác nghiên cứu, cũng vậy đọc tác phẩm quá khứ, nhà phê bình vẫn phải đọc bằng cảm quan đương đại. Phê bình là viết cho ngày hôm nay và hướng về ngày mai. Chỉ khác ở chỗ, tác phẩm đương đại còn đang trong tranh cãi, giá trị chưa được khẳng định, trái lại tác phẩm quá khứ, qua thời gian, giá trị đã được khẳng định.

 

Còn nhiều vấn đề ngổn ngang cần có tiếng nói cuả nhà phê bình. Chẳng hạn việc đánh giá văn chương trẻ, việc lý luận phê bình tham gia thúc đẩy sáng tác, sự thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao, thiếu vắng những nhà phê bình trẻ, việc hội nhập văn chương trong nước, ngoài nước; văn chương “ chính thống “ và văn chương “ ngoài luồng “, việc đối xử với văn chương miền Nam trước 1975 , việc tổng kết giai đoạn văn học 1975-2000,…Ở tất cả những vần đề phê bình trên, cần nhiều tiếng nói có trách nhiệm, thực sự vì sự phát triển cuả văn chương dân tộc. Và đã có những tiếng nói thuyết phục, song chưa nhiều. Trái lại sự khác biệt về quan điểm và mục đích phê bình còn rất lớn, có lúc, nơi này nơi kia có những kiểu nói không văn chương.

 

Kẻ viết bài này, một lần nhắc tới bi kịch cuả Võ Phiến khi ông viết cuốn Văn Học Miền Nam 1954-1975.  Võ Phiến là một nhà văn chống cộng triệt để, nhưng trong công trình để đời cuả mình, ông lại phải sử dụng phương pháp luận Marxist . Và vì thế, những điều ông nhận định trở nên mâu thuẫn với những gì ông muốn ca ngợi văn chương miền Nam. Bài viết chạm phải nọc ngưòi chủ duyệt bài cuả một tạp chí, có lẽ là người người bênh vực Võ Phiến. Tôi bị ông ta mắng cho te tát.(12) Cũng vậy khi tôi viết về Thanh Tâm Tuyền, có độc giả đã bằng nhiệt tình chống cộng cuả mình, chỉ thẳng vào mặt tôi bảo rằng, tôi được đào tạo ở một nước như bắc Triều Tiên, tôi viết theo chỉ thị cuả ai, đằng sau tôi là ai! (13) ( trình độ đọc bài và nhận thức về văn chương cuả độc giả ấy thật là ấu trĩ ! ) Ấy là do thái độ nhìn văn chương bằng nhãn quan chính trị . Sự ngộ nhận là tất yếu.

 

Nhà phê bình , người là ai, và viết thế nào trong muôn vàn những khó khăn như thế ? Tôi nghĩ, mỗi người viết phê bình có câu trả lời cuả riêng mình. Nhà phê bình chân chính vẫn là người đi giưã mọi người, soi sáng thêm con đường nghệ thuật, và là tri kỷ cuả nhà văn . Họ cũng  là người khai phá  những giá trị văn chương cuả mọi thời, đem đến niềm tin yêu cho những  người yêu chuộng văn chương, và góp phần làm rạng rỡ thêm văn chương dân tộc.

Đồng Nai 6/2008

______________________

(1).Đặng Anh Đào , Viết và đọc phê bình văn học: Đi tìm một lối thoát- Nguồn: CAND

(2).Nguyễn Bỉnh Quân,  “ Phê bình bị phê bình nhiều nhất” tạp chí Tia Sáng số tháng 9-2007,

(3).Nguyễn Thúy Ái , Hội nhà văn TPHCM  tổ chức gặp mặt 30 cây bút đang gắn bó với công tác

      lý luận phê bình, 22-9-07

(4)Trần Đăng Khoa, Thương Huyền (thực hiện) Nguồn: ĐCSVN

(5) Nguyên Quỳnh Thư , Lý luận và đổi mới văn chương, Nguồn: CAND

(6). Thuận Thiên, Toạ đàm văn học do Hội đồng Anh tổ chức tại Hà Nội tối 22/6/2007

       ( về ý kiến cuả Phạm Xuân Nguyên :  thực ra báo chí trong nước có nói đến Ba Người Khác như Tuổi Trẻ,  Sài Gòn Giải Phóng ).

(7)     Cao Hải Thanh, Lý luận phê bình văn học hôm nay-Một cách nhìn nhận , VNQĐ

(8)     Nhà lý luận phê bình văn học: Học gì, đọc gì?

(9)     Đỗ lai Thuý, Lê Đạt- Chữ  ( Nhân giỗ 49 ngày nhà thơ Lê Đạt).Vietnamnet.

(10)  Chu Văn Sơn, Ba đỉnh cao Thơ Mới: Xuân Diệu - Nguyễn Bính - Hàn Mặc Tử:

(11)  Trần Ngọc Hiếu,Tìm hiểu một quan niệm nghệ thuật về ngôn từ thơ Việt đương đại ( nguồn : Tham luận tại hội thảo toàn quốc “ văn học Viêt nam sau 1975- Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy, tại khoa ngữ văn, ĐHSP Hà nội ngày 26.4.2005                                                                                                               

(12)Những Tranh Cãi Trong Phê Bình Văn Chương (  đăng một phần trên ANTH cuối tháng 11/1/2006 . )

(13)  Thanh Tâm Tuyền, Thi Sĩ Tuyệt Vọng Trần Truồng- Xin đọc phản hồi cuả độc giả Phùng Nguyễn. Damau.org 26.09.2007

Bùi Công Thuấn
Số lần đọc: 3257
Ngày đăng: 14.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử phác họa về văn học Trung Quốc thế kỷ 21 - Trần Hiểu Minh
Những nỗi tương tư của Thuý Kiều - Nguyễn Hoàn
Nhập lưu hậu hiện đại kì 6. - Inrasara
Sáng tạo cái mới trong nhãn quan các nhà lý luận văn chương Việt Nam hải ngoại - Phạm Quang Trung
Như thể một phương tiện thiện xảo(*) - Inrasara
Trình diễn thơ trong Festival Huế - Nguyễn Khắc Phê
Nhập lưu hậu hiện đại kì 5. - Inrasara
Nhập lưu hậu hiện đại kì 4. - Inrasara
Nhập lưu hậu hiện đại kì 3. - Inrasara
Nhập lưu hậu hiện đại kỳ 2 - Inrasara
Cùng một tác giả
Tiếng kèn sắc-xô (truyện ngắn)
Hạnh (truyện ngắn)
Về đâu hoa phượng (truyện ngắn)
Ở nơi băng tuyết (truyện ngắn)
Giải hạn (truyện ngắn)
Tiếng hát ru (truyện ngắn)