Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
750
115.994.601
 
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần III: Đánh bài chòi
Nguyễn Lệ Uyên

Trong dân gian, có câu gian ca mà hẳn những người sành điệu ngày trước ai cũng thuộc, vì đó là câu hát dành nói về họ:

 

Làm trai biết đánh tổ tôm

Mê ngựa Hậu Bổ xem nôm Thúy Kiều.

 

Còn học giả Đào Duy Anh thì nói: Ở nhà quê người ta thường hay đánh bài tam cúc, đánh bất, đánh chắn, đánh chẵn lẻ, đánh quay đất, đánh thò lò. Những lối cờ bạc đông người thì có xóc đĩa, hốt me (Đường Trong) hay đánh thán (Đường Ngoài), nhất lục.v.v. Còn đánh thai và đánh thơ cũng là cách đánh bạc đông người, nhưng có tánh chất tao nhã mà chỉ những người văn học mới chơi được” (Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, NXB Bốn Phương, SG 1951).

 

Trong số những môn giải trí còn được phân biệt theo đẳng cấp. Có môn thanh cao, tao nhã, có môn hạ tiện. Môn giải trí của bậc vương giả và của đám tiện dân không thể ngồi chung chiếu. Đó là cách hiểu theo cái nhìn từ con mắt của những người ở chiếu trên. Người bình dân ít học thì không thể đánh thơ, thả thơ như các nhân vật của nhà văn Nguyễn Tuân. Nhưng ngược lại, cụ Nguyễn Du đang đêm có thể lén qua bên kia sông hát ví, hát dặm với các thôn nữ.

 

Sự “thiết lập trật tự” trong những cuộc chơi như vậy, chẳng qua do tập quán phong kiến ăn sâu tận gốc rễ trong ý thức mọi người, do những người cầm quyền tự cho mình có đầy đủ mọi khả năng hơn hẳn giới bình dân, kể cả khả năng “ăn chơi”.

 

Với người bình dân thì họ không cần. Họ có cái riêng của họ. Và trong nhiều môn giải trí dân gian ngày trước như tứ sắc, tài xỉu, xóc dĩa, đá gà, cờ tướng... mỗi môn có vẻ như kén chọn đối tượng chơi, thì riêng bài chòi đã được quần chúng hóa, bình dân hóa tới mức tối đa, để sau đó trở thành một sinh hoạt văn hóa lành mạnh trong những ngày tết ở khu vực nông thôn nam Trung bộ.

 

“Bài chòi cũng như những trò chơi phổ biến khác, trong ý nghĩa một hiện tượng xã hội, một sự kiện văn hóa, là tổng hợp của những tính chất tích cực mà sự bồi đắp từ bên ngoài đã được chuyển hóa phù hợp với những điều kiện thực tế gây sinh sôi nảy nở tự bên trong” (TCĐT – SĐD).

 

Đây là sự phát triển tất yếu, khi mà các điều kiện kinh tế trở nên sung túc hơn. Thôn dân không chỉ có mỗi một việc “mùng một tết cha, mùng ba tết thầy”, lễ chùa thăm viếng lẫn nhau trong ba ngày tết, mà còn đòi hỏi phải có một thú vui giải trí nào đó. Đánh bài chòi được hình thành trong điều kiện như vậy đối với người dân nông thôn nam Trung bộ.

 

Cũng cần lưu ý rằng: người bình dân đánh bài chòi trong ba ngày tết như một nhu cầu hưởng thụ văn hóa chứ hoàn toàn không vì nhu cầu cờ bạc như một số trò chơi khác, bỡi không ai ngồi trên chiếu hay quanh bàn mà đánh bài chòi. Họ chỉ đánh giữa trời, trên chòi cao.

 

A* NGUỒN GỐC ĐÁNH BÀI CHÒI

 

Đối chiếu giữa trò chơi giữa đánh bài chòi và tổ tôm điếm chúng tôi nhận thấy có nhiều nét tương dồng: nếu tổ tôm điếm là những đình, những tạ thu nhỏ, thì bài chòi là những chòi cao lêu nghêu đơợc cất tạm bợ bằng tre, lợp mái lá ba bên. Nhìn đại thể thì chúng vẫn là những căn nhà tạ, nhà chòi. Còn khi đánh vẫn phải ngồi bên trong và dùng bộ bài để đánh. Duy nhất chỉ có điểm khác biệt là đánh tổ tôm điếm chỉ dành riêng cho những hạng người cao sang, cao kỳ; trong khi bài chòi là để dành riêng cho hạng người bình dân, và: “vung ra giữa chợ đón mời người áo cánh quần chùng, đám con nít lau chau bỏ chân thõng lên sàn đu đưa dõi theo lời hô, điệu trốnhg ồn ào, tưng bừng ngày hội. Bài chòi là một minh chứng của một sinh hoạt thể nhập vào quần chúng, hòa hợp với địa phương” (TCĐT – SĐD)

 

Một tính cách dân dã như vậy, hẳn nhiên không có sự tham gia toàn bộ của giới thượng lưu trí thức mà chỉ có thể có ảnh hưởng trong một phạm vi nhất định: Đó là câu từ, là cách lập chòi, vay mượn con bài để chế tác theo lối chơi riêng, rất bình dân, cho giới bình dân.

 

Bộ bài để dánh bài chòi là mượn của bộ bài tới, bài tam cúc được biến cách từ tổ tôm. Đánh tổ tôm thuộc giới thượng lưu, bài để chơi cũng cầu kỳ, tốn kém. Có thể nói rằng, người bình dân vốn tính giản dị, không ưa sự rườm rà rắc rối, nên họ mới nghĩ ra lối chơi sao cho giản tiện, ai cũng có thể chơi được. Vì vậy từ bộ bài tổ tôm, họ chuyển thành bộ bài tới và chơi như bài tam cúc, rồi đổi các tên Bát Sách, Cửu Vạn... thành những Ông Ầm, Nhì Nghèo, Ba Gà...cho dễ nhớ, dễ gọi.

 

Còn các câu thai hô tên con bài thì nghe ngô nghê, chơn chất đôi khi đến mức thô thiển; dù rằng trong số đó có rất nhiều câu của các nho sĩ đương thời tham gia sáng tác. Nhưng đặc biệt quan trọng hơn là khi mà sự lưu tâm thái quá (của các nho sĩ) thì tức khắc bài chòi sẽ bị què cụt, như đã trình bày trong phần sân khấu ca kịch bài chòi ở trên.

 

Trở lại vấn đề, nếu như đánh bài cẩu, bài xì, tứ sắc, roulette hay cờ tướng... nếu không vay mượn của phương tây thì cũng vay mượn của Trung Hoa, thì ngược lại bài chòi là hoàn toàn của người Việt Nam, do người Việt Nam mình nghĩ ra, không chịu ảnh hưởng nước ngoài dười bất kỳ hình thức nào. Những tên gọi của những lá bài hầu hết đề tên Việt-Nôm, rất ít tên Hán-Việt. Những chữ Hán,chữ Nôm trên các lá bài trộn lẫn vào nhau rất lộn xộn, không theo một định lệ, khuôn thước nào cả. Điều này đủ để giúp chúng ta hiểu thêm tinh thần độc lập của người Việt, đồng thời chứng minh rằng đánh bài chòi là kiểu thức đặc trưng của văn hóa dân gian Việt Nam.

 

Tính đơn giản trong tên gọi khiến cho trò chơi được phổ thông hóa hơn. Nó không giới hạn trong tính cách của người chơi, không ẩn kín sau cánh cửa của các nhà quyền quý, cao sang mà cho tất cả mọi người cùng tham gia. Như vậy: “ Tính chất phổ thông hóa, bình dân hóa của trò chơi khiến nó dễ kết nạp trhêm một yếu tố, một lối ca hát có nguồn gốc sâu xa vào trong sinh hoạt tâm linh của quần chúng” (TCĐT – SĐD).

 

Đánh bài chòi, theo như các cụ tuổi ngoài 70 kể lại, hiếm khi chơi nơi thị tứ, thường hay chơi nhiều ở vùng nông thôn, bày ra , giữa đình làng mà chơi. Bỡi ngày xưa, đây là nhu cầu hưởng thụ tinh thần không thể thiếu của họ mà cũng không tốn kém nhiều như hát bộ. Tuy vậy không phải lúc nào cũng có thể đánh bài chòi được, bạ đâu đánh đó, mà duy nhất là vào dịp tết, hoặc lễ hội của thôn làng. Các cụ bốn Xương, hai Ánh giải thích: Đánh bài chòi là kiểu giải trí tập thể của người nông dân sau một năm lao động vất vả trên đồng ruộng. Nó không phải là hình thức cờ bạc. Nó công khai giữa đình làng. Và để có được một hội đánh bài chòi như vậy phải tốn nhiều công sức, mất thời gian chuẩn bị xây cất chòi, làm thẻ...”.

 

B* CÁCH LẬP CHÒI

 

Để có được một hội đánh bài chòi trong ngày tết, dân làng phải chuẩn bị cất chòi từ trước đó, khoảng sau ngày đưa ông Táo về trời. Vật liệu hầu hết là tre, tranh rạ và lá dừa. Chòi cất theo kiểu chòi giữ dưa mướp, giữ bắp trên rẫy, có bốn chân cao khoảng trên hai mét rưỡi tính từ mặt đất. Mái gãy. Mái sau dài, mái trước ngắn. Chỗ cho người ngồi chơi trên chòi là những tấm vỉ đan bằng tre hay mò o đập dập ra để làm sàn. Chỗ ngồi cách mặt đất non mét rưỡi, sao cho người hô hiệu bưng khay bán lá bài hoặc mang tiền, cờ thưởng tới thì sàn ngồi đó ngang với tầm bưng cao nhất, không vói.

 

Chòi cất cao như vậy là mô phỏng kiểu nhà ở của sơn dân bản địa thời trước, đồng thời giữ nguyên gốc của lối hát hô, lối đánh bài trên chòi của thôn dân thời nam tiến.

 

Và để có thể ngồi được trên một chỗ cao như vậy, bắt buộc ở hai chân chòi phía trước, người ta phải chừa lại những mắt tre dài độ 20cm hay đóng một thang giả, ngắn kèm theo chân chòi, miễn bằng cách nào tiện lợi nhất, dễ dàng cho việc leo lên, xuống. Phía tay phải của chân cột chòi phía trước, ngang với tầm tay trên chỗ sàn ngồi, được khoét thêm một lỗ trống, dài 35cm dùng làm mõ hiệu. Cũng có thể gắn vào chiếc mõ tre đã làm sẵn, cũng bằng tre. Chiếc mõ này có chức nằng thông báo cho người hô hiệu biết là chòi đó trúng một con (gõ vào mõ 3 tiếng một), hay tới một ván (xổ một hồi dài) để người hô hiệu mang con bài trúng hoặc mang tiền, cờ thưởng đến.

 

Ngay giữa, ở phía trước mái chòi, người ta gắn mỗi chòi một tên gọi riêng viết bằng tiếng Nôm hay tiếng Hán trên tờ giấy hồng đơn, như Càn, Bính, Sửu... tùy theo cách lập 9 chòi, 11 chòi hay 13 chòi. Như vậy, chúng ta sẽ có thêm những chòi Ly, chòi Tân, chòi Thìn.v.v.

 

Nếu chơi 9 chòi, theo cách lập chòi như bát quái đồ trong Kinh Dịch thì các chòi sẽ có tên gọi như sau: Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài, Càn.

 

Nếu chơi 11 chòi theo cách lập của thập can, tên gọi sẽ là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Qúy.

 

Còn nếu chơi 13 chòi teo thập nhị chị thì mỗi chòi sẽ được gọi tên là: Tý, Sửu,Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi.

 

Với cách đặt tên chòi như trên, dù chơi 9, 11 hay 13 chòi thì vẫn có một chòi không có tên gọi. Vì vậy nên người ta thêm tên chòi Trung. Đây là chòi đặc biệt, chỉ dành riêng cho các hương chức, những người có vai vế hay các bô lão trong làng. Đám dân dã, đàn bà, con nít không bao giờ được phép ngồi lên chòi Trung để chơi bài. Yếu tố phong kiến và đẳng cấp được phân biệt khá rõ nét trong lối đánh bài chòi ngày trước.

 

C* THẺ BÀI VÀ TÊN GỌI NHỮNG LÁ BÀI

 

Nếu như đánh 9 chòi thì sẽ có 9 thẻ bài chủ (mỗi thẻ bài chủ gồm có 3 lá bài con) để phát cho các chòi, tương ứng với 27 lá bài con đặt trong ống tre để người hô hiệu xóc (kiểu xóc thẻ xin xăm ở các đền chùa). Tất cả đều vẽ bằng mực tàu, trên giấy dó rồi cắt dán vào thẻ tre.

 

Nếu như đánh 11 chòi thì phải có 11 thẻ bài chủ cho 11 chòi và 33 lá bài con trong ống xóc. Từ 27 lá tăng lên 33 lá không có nghĩa là phải đặt thêm tên cho lá bài thêm vào, mà chỉ cần tô thêm màu đỏ vào các lá Ông Ầm, Tử Cẳng, Cửu Điều mà thôi. Như vậy sẽ có Ông Ầm đỏ, Tử Cẳng đỏ, Cửu Điều đỏ để phân biệt với Ông Ầm đen, Tử Cẳng đen, Cửu Điều đen.

 

Khi sưu tầm, nghiên cứu về bài chòi, chúng tôi rất thắc mắc: là tại sao chỉ được dùng các lá đứng đầu của pho Văn và pho Sách mà không có pho Vạn, để tô đỏ và thêm tên gọi? Có phải vì lá đứng đầu của pho Vạn là lá Bạch Huê, một tên gọi nôm na để chỉ nơi người phụ nữ sinh nở nên người ta phải kiêng cữ khi đặt tên chòi? Nhưng nếu đã kiêng cữ, thì tại sao lá Bạch Huê vần được gọi bằng những tên khác “rõ ràng” hơn là lá Lồn hay Bạch Huê khai trong khi hô công khai ngay giữa sân đình làng, trước mặt thôn dân và các hương chức? Chúng tôi đã tìm lời giải mã từ những người am hiểu về bài chòi, song họ cũng chỉ biết thế thôi, không rõ tại sao lại như vậy!

 

Cũng có khi do nhu cầu người tham gia đánh bài chòi quá đông, nên buộc phải lập 13 chòi. Đến lúc này người ta có thể tô đỏ thêm bát kỳ lá bài nào trong hai pho Văn và Sách mà vẫn không có lá bài nào trong pho Vạn?

 

Các lá bài cố định trong bộ bài đánh bài chòi được chia 3 pho như sau:

 

PHO VĂN: Ông Ầm, Tráng Hai, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Ruột (Rún), Sáu Mập, Bảy Liễu, Tám Miểng, Chín Cu (Gối).

 

Ông Ầm          Tráng Hai            Ba Bụng           Tứ Tượng             Ngũ Ruột

 

Sáu Mập         Bảy Liễu              Tám Miểng        Chín Cu              Chín Gối

 

PHO SÁCH: Tử Cẳng, Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Xách (Sách), Ngũ Dụm (Dít), Lục Hột, Bảy Thưa, Tám Dừng (Dây), Cửu Điều.         

 

  Tử Cẳng        Nhứt Nọc        Nhì Nghèo        Ba Gà           Tứ Xắch

 

               Ngũ Dít         Lục Hột           Bảy Thưa         Tám Dừng      Cửu Điều

PHO VẠN: Bạch Huê (Bạch Huê khai, lá Lồn), Nhứt Trò, Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Móc, Ngũ Trợt, Lục Chạng, Thất Dung (Vung), Bát Bồng, Cửu Chùa.

 

           Bạch Huê          Nhứt Trò          Nhì Bí            Tam Quăng         Tứ Móc

 

           Ngũ Trợt            Lục Chạng        Thất Dung     Bát Bồng            Cửu Chùa

Theo như ông Võ Phiến (SĐD) thì cách chia các pho và tên gọi các lá bài ở Bình Định có hơi khác một chút so với Phú Yên và những nơi khác:

 

“ Pho VĂN có 9 cặp: Chín Gối, Nhì Bánh, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Rún, Sáu Miểng, Bảy Liễu, Tám Miểng, Chín Gan.

 

Pho VẠN có 9 cặp: Nhứt trò, Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Ghế, Ngũ  Trợt, Lục Chạng, Thất Vung, Bát Bồng, Cửu Chùa.

 

Pho SÁCH cũng có 9 cặp: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Xách, Ngũ Dụm, Sáu Bường, Bảy Thưa, Tám Dây, Cửu Điều.

 

Ngoài 3 pho (9x3=) 27 cặp, còn có 3 cặp yêu: một cặp Ông Ầm, một cặp Thế Tử, một cặp Bạch Huê”.

 

Tuy mỗi địa phương có cách phân chia các pho hơi khác nhau, nhưng tựu chung lối chơi vẫn như nhau, không có gì khác biệt. Có khác chăng là tên gọi các con bài. Ví dụ như Ngũ Ruột thành Ngũ Rún hay Đổ Ruột, Sáu Bường thành Lục Hột, Chín Cu thành Chín Gan.v.v.

 

Cấu tạo hình vẽ trên 3 pho giúp mọi người có thể phân biệt khá dễ dàng lá bài nào thuộc pho nào:

 

-Pho Văn là những lá bài được cấu tạo bỡi những nửa vòng tròn đối xứng nhau trên cùng lá bài.

 

-Pho Sách là những nút tròn và những vạch kẽ ngang giữa các nút tròn đó.

 

-Pho Vạn: là những hoa văn hình gấp khúc...

 

Đọc tên các lá bài trong 3 pho ta thấy có phần nào “gây ít nhiều khó dễ” cho các bậc túc nho đương thời; và ngày nay làm đau đầu những ai từng bỏ công ra nghiên cứu nó: Trước hết tiếng Hán, tiếng Nôm lẫn lộn giữa các lá bài, không có sự đồng nhất về cách gọi. Khi thì Lục Chạng, Bát Bồng, lúc thì Sáu Bường, Bảy Thưa, Ba Bụng . . . Tại sao số thứ thự tên gọi không từ nhứt  tới Cửu hay từ một tới chín của âm tiếng Hán hay tiếng Nôm? Còn nữa: tên gọi của những lá bài cũng hết sức rối rắm. Với những tên gọi như Ba Gà hay Nhứt Trò còn tương đối đơn giản. Nhưng còn vô số những tên gọi khác như Ông Ầm, Ngũ Trợt, Lục Chạng... là tên để chỉ con gì, vật gì? Nó là biểu tượng của thế giới hữu hình hay vô hình? Hay đó chỉ là tên gọi nôm na của người bình dân ít học để chỉ tên của một ai đó. Chẳng hạn như Tám Dây, Bảy Liễu là tên một anh trai cày hay chị kéo vải? Cũng như Cửu Điều là tên ông Điều được triều đình phong hàm Cửu phẩm chăng? Hoặc giả, có khi do tính dễ dãi, chất phác, chữ nghĩa ít của người bình dân, nên cứ tha hồ mà gọi mà đặt tên không cần đến ngữ nghĩa, miễn sao 27 lá bài kia, lá nào cũng có một cái tên để gọi, để không lẫn lộn giữa lá bài này với lá bài khác? Nếu vậy, việc đơn giản hóa các lá bài có quan hệ đồng nhất với hình tượng của lá bài không? Ở đây, từ những lá bài ấy, theo ông Võ Phiến thì tên gọi không hề ám chỉ một xã hội hay một cảnh sống nào, mà mục đích cuối cùng là tiếng cười. Tiếng cười trải dài khắp nông thôn. Được dịp cười thỏa thích sau những ngày tháng lao động cực nhọc.

 

Hình như có điều gì đó chưa được giải thích một cách thỏa đáng, khi mà tính ngô nghê của tên gọi có vẻ như không tương xứng với hình vẽ của những lá bài hay ngược lại. Cứ thử nhìn vào các lá Nhì Bí, Ba Gà, Tứ Tượng.v.v. thì nó không hề giống chút nào với hình tượng con gà, trái bí hay con voi nếu phải căn cứ theo nghĩa của tên gọi. Những hột, những nút tròn, nét ngang dài ngắn, Những vệt xoắn loăng quăng có vẻ rất “huyền bí”, như thể những nét ngoằng ngoèo trên những lá bùa thầy thủy vẽ nguyệch ngoạc treo trước cửa nhà trong dịp cúng đất vậy. Cái vẻ bí hiểm ấy, xa hơn một chút, trông như những nét vẽ trên các ngôi mộ cổ Hồi giáo, trong các cung đền Hy Lạp, Nam Mỹ. Nó có vể ngô nghê và tối nghĩa như lá Tứ Sách, Cửu Điều... Nhưng còn ở những lá khác, đôi khi lại giống với những bức tranh thuộc trường phái Lập Thể, Đa Đa hay Siêu Thực của nền hội họa hiện đại phương Tây, như lá Tam Quăng, Nhứt Trò, Cửu Chùa...

 

Trước đây, trên đầu mỗi lá bài thường thấy đề chữ Nôm hoặc chữ Hán (1932-1950), sau thay bằng chữ Quốc ngữ. Cũng có khi để trống, không thấy chua gì cả.

 

Nếu so sánh giữa bộ bài tây và bộ bài chòi, ta thấy hình vẽ bộ bài tây tả thực hơn nhiều: già, đầm, bồi đều ra dáng cả.Trong khi bài chòi, mới thoạt nhìn, cứ như nét vẽ Trạng Quỳnh.

 

Ngay trong bộ bài, mỗi địa phương đều có một kiểu vẽ khác nhau. Nếu đem so sánh bộ bài Bình Định hay Nam Ngãi với bộ bài Phú Yên, chúng ta thấy có vài điểm khác biệt. Ví dụ như lá Bảy Liễu ở Bình Định thì phía trên có vòng tròn xoắn ốc, ở dưới là hoa văn với 4 nửa đồng tiền, chính giữa chúng là một vệt lá nằm ngang như gié lúa. Còn vùng Phú Yên lại vẽ khác: Trên đầu là hai nửa đồng tiền, ở giữa như lá cây dựng đứng, tiếp theo là hoa văn hai nửa đồng tiền và cuối cùng là hình vành khăn ở giữa có hột tròn tô đen như hột nút.

 

Cũng vậy, với lá Nhì Nghèo thì vùng Bình Định vẽ như một con chim thật, nhưng hình tượng và nét vẽ giống như nét vẽ trên các vách đá trong các ngôi đền người Chăm, Hồi giáo. Còn Phú Yên, lá Nhì Nghèo trông giống như một con đỉa.

 

Nhì Bí              Nhì Nghèo                              Nhì Bí                Nhì Nghèo

 

      ( Bình Định )                                                     ( Phú Yên )

 

Tại sao không có sự thống nhất với nhau giữa các bộ bài trong các địa phương khác nhau? Thậm chí làng trên, xóm dưới chỉ cách nhau có một cánh đồng, hoặc bên này bên kia sông thôi mà cũng đã khác xa nhau rồi!

 

Về mặt này, chúng ta có thể lý giải được không?

 

Theo chỗ chúng tôi bước đầu tìm hiểu từ các cụ đã từng một thời gắn bó, mưu sinh từ bài chòi, họ đều cho biết rằng: “...Điệu hô và cách chơi đều có cùng đặc điểm là truyền khẩu. Vẽ lá bài cũng truyền trong dân gian từ đời này qua đời nọ”. Có lẽ đây là một giải thích tương đối ổn thỏa, có cơ sở khoa học. Bỡi truyền khẩu về từ tiếng thì khả năng sai biệt không lớn, dần dần được hiệu chỉnh sau một thời gian lưu truyền để thành một từ hay một câu chung nhất. Còn truyền về đường nét, màu sắc đối với người bình dân có vẻ như hơi quá sức. Cứ cách một lũy tre làng, cánh đồng, qua bên kia dãy núi nhỏ nó lại rơi rụng hay thêm bớt tí chút, không giữ được nguyên gốc ban đầu. Vả lại đâu có gì ràng buộc, ngăn cấm họ thêm bớt một vài chi tiết vào lá bài theo ý thích, sức tưởng tượng riêng của mỗi nghệ nhân khi ngồi vẽ?

 

Tính thẩm mỹ và phần nào là cảm hứng chủ quan của người bình dân luôn là sự cách điệu tính phóng khóang vốn có nơi chốn thôn dã. Cho nên khi đối chiếu lại trên vài chục bộ bài chòi của từng địa phương khác nhau thì không bộ bài nào giống bộ nào, chỉ na ná trên đại thể mà thôi.

 

Rõ ràng các lá bài không thể từ một họa sĩ chuyên nghiệp vẽ, thậm chí không do một nhóm, một làng nào độc quyền vẽ ra để sản xuất hàng loạt như tranh làng Hồ. Bỡi trước hết, nó không phải là trò chơi phổ biến trên cả nước, chỉ giới hạn từ bên này đèo Hải Vân cho tới điểm mút cuối cùng là Bình Thuận.

 

Điều rất thú vị, là trong khi đi điền dã để sưu tập bộ bài chòi (năm 1986), chúng tôi đến làng Phú Ân thị xã Tuy Hòa và tìm được một hòm gỗ mục nát, trong đó ngoài vâì đồng tiền kẽm ghi niên hiệu Minh Mạng còn có mấy que tre, phía trên đầu còn dính một chút giấy ố vàng ghi chữ Ông bằng tiếng Quốc ngữ, không rõ là Ông Ầm hay Ông Tử Cẳng? Vì phần còn lại đều dán nhấm gần hết. Que thứ hai là lá bài chủ, không còn một ký hiệu nào trên thẻ. Các cụ cho biết: ở vùng này bài chòi phát triển khá thịnh hành trong khoảng từ năm 1940-1960, sau này thưa dần và mất hẳn.

 

Trong phần khảo luận về bài chòi, khi đề cập đến hình vẽ các lá bài, ông Võ Phiến cho rằng: “Nét bút không bí hiểm vì cố nói những ý nghĩa cao xa, mà là vì không đủ sức để nói lên một ý nghĩa nào” (Võ Phiến, SĐD).

 

Chúng ta cần khẳng định ngay rằng: bài chòi là trò chơi xuất phát từ quần chúng, từ nông thôn, là một trò chơi dân dã chứ không phải từ giới quý tộc, khoa bảng, cung đình. Mà cách chơi riêng của họ thường gắn bó với đời sống, sinh hoạt sau lũy tre làng với một tính cách mộc mạc, đơn giản. Tuy nhiên không ai, hay một sinh hoạt văn hóa chung nào có thể ngăn cấm họ không được phép tưởng tượng, hoặc gắn hiện thực cuộc sống vào hình vẽ các lá bài. Như ở lá Nhì Nghèo chẳng hạn: hình vẽ con chim đậu trên nóc nhà làm cho chúng ta có thể liên tưởng tới con chim được đẽo bằng gỗ của đồng bào thiểu số Tây Nguyên gắn lên trụ cột cao tại các khu nhà mồ. Xa hơn một chút là hình tượng con chim đậu trên nóc nhà sàn thuộc nền văn minh Đông Sơn-Indonésien mà ngày nay vẫn còn tồn tại trên một số ít nóc nhà đồng bào thiểu số. Hoặc như lá Ông Ầm là một khuôn mặt phì nộn, béo tròn làm chúng ta không thể không liên tưởng tới những chiếc mặt nạ T’ao T’ie của người Trung Hoa cổ. Những tác động và ảnh hưởng qua lại của các nền văn hóa trong khu vực là lẽ đương nhiên, huống hồ nền văn hóa phương Bắc ấy đã từng thống trị, đè nặng lên đời sống tinh thần của dân tộc suốt hàng ngàn năm dài dặc. Rồi tộc Việt Kinh lại chung sống với các tộc khác trên vùng đất Thủy Xá, Hỏa Xá, Chămpa, Chân Lạp... Ngay cả đến ngôn ngữ Việt Nam cũng có những nét tương đồng với ngôn ngữ Môn Khmer, Mã lai thì cũng rất có thể những hình vẽ của các lá bài là sự giao thoa nói chung về mặt văn hóa trên cùng một vùng đất và trong khu vực. Có ảnh hưởng qua lại, nhưng không hề bị đồng hóa, biến dạng và làm mất đi cái gốc, cái bản sắc chung của dân tộc là một ưu điểm của văn hóa Việt Nam.

 

Trở lại vấn đề: Nói là trò chơi dân dã, song làm thế nào để khẳng định rằng chính trò chơi này (đánh bài chòi) không cóự nhúng tay chút ít của tầng lớp nho sĩ thời bấy giờ? Há chẳng phải cụ Tiên Điền đã để lại cho các thế hệ sau này bài “Thác Lời Trai Phường Nón” là kết quả của những đêm hát ví hát dặm đó sao? Hay như câu thai về lá Bạch Huê mà chúng tôi đã dẫn ra ở chương trước nếu không phải là các nho sĩ viết ra thì làm sao người bình dân ít học lại có thể đưa chữ nghĩa và ví von đến tinh tế, vừa mang đậm dấu ấn của văn hoá phồn thực, vừa bàng bạc chất hứng, tỉ cao sang? Vấn đề ở chỗ, là không phải họ (người bình dân) “không đủ sức để nói lên ý nghĩa nào”  mà “những ý nghĩa cao xa” đối với quần chúng là những người nông dân chất phác là không ần thiết. Điều quan trọng hơn cả là trong một trò chơi như vậy, cái cốt lõi nhất vẫn giữ được hồn quê chân chất và nét đẹp rất riêng của văn hóa dân tộc, hồn dân tộc.

 

Dẫn ra đây một minh chứng: tại sao sau nhiều thế kỷ, các bức tranh làng Hồ vẫn còn đúức giữ cho riêng mình một chỗ đứng xứng đáng trong nghệ thuật hội họa dân gian? Cả một tập thể quần chúng đó há không phải là những “danh họa” tài ba đó sao? Hoặc xa hơn chút nữa, với câu ca dao:

 

Con mèo, con chuột có lông

Cây tre có mắt, nồi đồng có quai.

 

thì có gì gọi là bí hiểm đâu. Thậm chí nó còn rất tầm thường nữa là khác. Càng đọc càng thấy nó hay. Nhưng để lý giải cho ra được điều hay trong cái tầm thường ấy là điều không dễ chút nào. Với bài chòi, khi đối chiếu các hình vẽ trên lá bài, ta thấy người bình dân không phải hoàn toàn là “những người tầm thường” như tập quán xưa nay vẫn nghĩ, mà là những người có “đầu óc” hẳn hoi, cho dẫu là ít học. Họ bỏ nhiều công sức cho trò chơi này.

 

Nhìn tổng thể tên bộ bài có vẻ như bí hiểm, lộn xộn. Kỳ thực để phânbiệt các lá trong ba pho Văn, Vạn, Sách họ đã vẽ theo các ký hiệu khác nhau: pho Văn là những nét vẽ nửa đồng tiền cùng những vệt hình hoa văn. Pho Vạn là những hình giống như mặt người. Còn pho Sách là những nút tròn giống như viên bi, hột nút cùng những vệt hoa văn dài ngắn khác nhau. Và cho dù cónhiều nhận xét rằng: nét vẽ trên lá bài ngô nghê, cẩu thả song tính hiện thực có lẽ không thiếu. Họ dùng ngay hình ảnh tượng trưng để nói lên sự vật được gọi tên. Ví dụ lá Nhì Nghèo Bình Định là một con chim đang đậu trên nóc nhà, ngoái nhìn đâu đó với bộ dạng thật ủ rũ, như thể thiếu cái ăn, cái uống. Hoặc lá Tứ Móc Phú Yên nó lăn quăng như con trùn, cái móc cân; hay như Nhứt Trò nom vẻ mặt, thân hình ốm o tựa anh học trò ốm yếu. Chính từ những yếu tố này, khiến người bình dân ít học, mỗi khi nhìn vào lá bài là dễ dàng nhận biết ngay.

 

Và cũng chính bài chòi là trò chơi xuất phát từ nông thôn nên lời hô, tiếng hát và lối chơi là thuộc tính của dân ca. Vì vậy sự sáng tạo, tính ngẫu hứng cùng với sức tưởng tượng của họ luôn gắn liền với thế giới vật chất, với những hiện thực cuộc sống chung quanh họ, và luôn mang tính nhân văn. Đó là cảnh đời ngang trái của nàng dâu bị mẹ chồng ruồng rẫy, là sự ẩn ức về tình dục bị lớp vỏ đạo đức phong kiến bao bọc, là tình cảm thăng hoa của những đôi trai gái đang yêu nhau, là sự phản kháng yếu ớt trong mối quan hệ lớn bé về trật tự xã hội, đẳng cấp của phong kiến đè nặng lên hai vai người dân nghèo khó... Họ không ai khác hơn là những ông Thủ, ông Biện, là anh trai cày, chị dệt cửi. Họ gặp nhau hàng ngày ngoài đồng ruộng, trên nương dâu, bãi mía hay trên các sân hô bài chòi. Cho nên mỗi khi được dịp cầm lá bài trên tay, nghe anh hiệu hô các câu thai, tức thì sức tưởng tượng của họ trào ra thả giàn trên các hình vẽ của những lá bài. Họ tha hồ suy đóan, thêm thắt để cuối cùng nổ ra những trận cười suốt từ sáng tới chiều xẩm tối.. Họ cười thả cửa. Cười như để phản đối lại sự nghiêm túc của các bậc túc nho, của điều mà họ cho là “đạo đức giả” như cách nói của cụ Nguyễn Văn Vĩnh: “Dân An Nam ta gì cũng cười... Hì một tiếng, mọi việc hết nghiêm trang”. Nhưng đây lại là cách nhìn của một học giả, một nhà văn nửa tây nửa ta, chứ thật ra dân tộc Việt Nam mà thiếu tiếng cười thì người Việt sẽ không phải là người Việt nữa, mà văn hóa Lạc Việt hẳn cũng mất từ lâu? Mà cốt tủy, như nhà văn hóa Phạm Quỳnh nói: “ Truyện Kiều còn thì tiếng ta còn, tiếng ta còn thì nước ta còn...”. Hai nhà văn sống cùng một thời, cùng chịu ảnh hưởng của nho giáo và tây học, nhưng cách nhìn, quan niệm đã không nhất quán với nhau rồi.

 

Trở lại vấn đề, trong tên gọi một số lá bài, người bình dân không ngần ngại đặt tên cho vài lá có tính dung tục như Chín Cu, Bạch Huê (còn gọi Bạch Huê Khai, lá Lồn), Nhứt Nọc (thằng Nọc)... Những tên gọi mang đạm chất văn hóa phồn thực đối với họ là rất bình thường trong cuộc sống nơi thôn dã, không hề phạm tới thuần phong mỹ tục hay đạo đức, luân lý Á đông. Bỡi ngay chính ngoài đời, sinh con họ vẫn đặt tên con là Cứt, Dái, Cặc.v.v.  thì hà cớ gì trong cuộc chơi vui vẻ lại lẩn tránh nó? Ngẫm cho cùng, đối với tầng lớp nông dân thì bản chất của sự vật quan trọng hơn là tên gọi của sự vật được nói tới.

 

D* TỔ CHỨC MỘT HỘI ĐÁNH BÀI CHÒI

D1* NHỮNG CÔNG VIỆC BAN ĐẦU

 

Để tổ chức được một hội đánh bài chòi trong ngày tết, trước hết người ta phải tạo những lá bài bằng cach vẽ lên giấy dó với chất liệu chính là mực tàu và một chút ít son.Kích thước của các lá bài thường là 1,2cm X 5cm. Sau đó cắt dán lên thẻ tre, có một đầu nhỏ như chiếc que cho dễ cầm (những lá bài này sẽ được bỏ vào ống tre để người hô hiệu xóc và rút ra từng con trong khi đánh bài). Còn với những lá bài chủ, tức những lá sẽ bán cho các chòi thì kích thước lớn hơn gấp 3 lần thẻ bài con, cũng làm bằng tre và hình dáng y như lá bài con, trên đó dán vào cùng một lúc 3 lá bài nhỏ và không trùng lặp nhau. Cán cầm của thẻ tre được nhuộm phẩm cùng màu cho mỗi bộ nhằm tránh sự nhầm lẫn (vì cứ hết mỗi hội 6 ván hay 9 ván tùy theo, người hô hiệu lại thay bộ bài khác có cán nhuộm màu khác).

 

Công việc của những người vẽ bộ bài tương đối nhọc công, bỡi họ phải ngồi vẽ từng con một và vẽ nhiều bộ như vậy. Thời cực thịnh của đánh bài chòi, thường người ta khắc từng lá bài trên gỗ mít, sau đó in thủ công hàng loạt.

 

Sau phần việc vẽ các lá bài, nghệ nhân còn phải vót những thẻ tre, nhuộm phẩm màu rồi cắt dán từng con bài lên thẻ. Người tạo lá bài còn làm thêm một công việc khác cho hội đánh bài chòi là vót những nan tre, cắt dán những lá cờ thướng (thưởng), mà chất liệu là giấy điều hay hồng đơn, có hình tam giác, đỉnh cao 40cm, đáy 25cm. Hai cạnh viền giấy màu xanh theo hình lượn sóng để gắn vào que tre dài khoảng 50cm, trên đầu được vót xẻ tạo thành một chòm tua nhuộm phẩm màu sặc sỡ. Cờ thưởng này sẽ được đặt nơi sạp tre, phía đối diện với chòi trung, nơi dành riêng cho ban nhạc phụ họa và các bô lão trong làng, vừa nhai trầu, uống rượu xuân, vừa thưởng thức lời hô tiếng hát trong hội đánh bài .

 

D2* TỔ CHỨC ĐÁNH BÀI CHÒI VÀ SỰ HẤP DẪN CỦA NÓ.

 

Cách bố trí các chòi để tiến hành cuộc chơi, thông thường theo hình vòng cung hay hình chữ U, tùy theo số lượng chòi. Chòi Trung ương (hay còn gọi là chòi Trung) luôn luôn được nằm ở chính giữa các chòi khác, đối diện với sạp tre (cao khoảng 5, 6 tấc so với mặt đất). Nơi đây dùng làm chỗ cho các hương chức, các cụ bô lão trong làng ngồi uống trà rượu, thưởng thức cuộc chơi; đồng thời là nơi dành cho dàn nhạc bát âm, ngũ âm. Trống chầu được đặt trước mặt sạp. Giữa sạp phía trước cắm một dãy cờ thưởng và bầu rượu cùng trầu cau.

 

Hầu hết trong các hội đánh bài chòi xưa, từ hương chức cho đến các nhạc công ngồi trên sạp đều mặc áo dài the đen, khăn xếp. Khoảng cách giữa sạp, chòi Trung và các chòi khác, ở ngay trung tâm là chiếc cột tre, bên trên đặt một ống tre rỗng chứa những lá bài con để người hô hiệu đứng xóc. Chiếc ống xóc này cao phải quá trán người hô hiệu nhằm tránh sự gian lận có thể xảy ra. Đây sẽ là vị trí trung tâm của cuộc chơi, nơi mà người hô hiệu sẽ trổ tài diễn xuất bằng cách hô hát những câu thai theo từng tên gọi của con bài. Và cách xa chỗ ống xóc vài mét là cây niêu có treo lá phướn. Tất cả các chòi còn lại, mỗi chòi đều cắm một lá cờ đuôi nheo nhỏ.

 

Trong các hội đánh bài chòi, dù chơi 9 chòi hay 11 chòi thì mỗi hội chỉ được tới 6 hoặc 9 ván. 3 ván kia thuộc về làng, dùng vào việc trà nước, giấy má và chút công cán cho người hô hiệu. Người hô hiệu có được thưởng nhiều tiền từ phía quần chúng tham gia cuuọc chơi hay không hoàn toàn tùy thuộc vào tài nghệ diễn xuất, lời hô cũng như những câu thai hay từ miệng anh ta.

 

Sức hấp dẫn và lôi cuốn của bài chòi chính là sự độc đáo cảu nó: kết hợp một cách hài hòa giữa nghệ thuật biểu diễn sân khấu dân gian và tính giải trí, mà cả khán giả lần diễn viên tức người hô hiệu đều hòa nhập vào làm một, trên nền âm nhạc dân tộc, đệm cho lời hô bằng tiếng trống chầu, trống cơm, đờn cò, kèn...

 

Nói đến đánh bài chòi ngày tết là hết sức hấp dẫ, lôi cuốn vì lực lượng tham gia khá đông. Đó chính là những người nông dân. Họ đến không chỉ để được ngồi lên chòi đánh bài, mà trước hết là cùng người hô hiệu “bay bổng lên trời cao” qua những lời hô, điệu hát một đoạn tuồng tích nào đó; hoặc những câu ứng tác bịa đặt mang tính chất hài hước. Xuất pát từ vẻ đẹp vui nhộn này, mà hầu như cả làng cả xã, từ đám con nít cho tới các vị bô lão, từ đám nam thanh nữ tú đến các cụ bàmiệng nhai trầu móm mém đều không thể cưỡng chống lại tiếng trống giục giã, đến vây chật cứng sân bài chòi. Nếu như hát bộ có sức lôi cuốn bỡi hệ quả: “Hát bội làm tội người ta / Đàn ông bỏ vợ đàn bà bỏ con” thì ngược lại đi đánh bài chòi là để “Gát chân tréo ngoảy nghe nẫu đờn, thổi kèn ò í e...”. 

 

Có ý kiến cho rằng: “ Ngày xưa đánh bài chòi là một hình thức đánh bạc trá hình. Mê bài chòi chính là thói ham mê cờ bạc” . Thưa rằng không. Ý kiến trên có vẻ như quá khe khắt, xuất phát từ các nhà quyền quý để ngăn cấm các công nương, công tử, những người luôn bị câu thúc bên trong bốn bức tường lễ giáo, luôn bị ngăn cách với thế giới dân dã bên ngoài.

 

Đánh bài chòi không phải là hình thức cờ bạc. Trước hết nó được xác lập trên nhu cầu giải trí rất văn hóa và lành mạnh trong dịp xuân về tết đến. Đó là cơ hội để tất cả những người lao động chân tay được dịp vui chơi, cười đùa thỏa thích sau những ngày dài lao động vất vả trên đồng ruộng. Cũng bỡi hô và đánh bài chòi là một loại hình văn hóa dân gian, nên khi nghe anh hô hiệu hô lên những câu thai có nhiều câu, nhiều từ hàm ý xỏ xiên, xoi móc các quan chức địa phương, đám hào phú keo bẩn hẳn sẽ không làm vừa lòng họ, và coi đó như một nơi tuyên truyền nhằm chống báng lại một trật tự xã hội, một đẳng cấp đã được thiết lập từ lâu đời. Nhưng với quần chúng thì đây lại là dịp để họ biết thêm những “thông tin” dược che giấu rất kỹ của họ và được dịp vui cười... Thứ đến, đánh bài chòi không phải là đánh bạc ở chỗ: số tiền bỏ ra mua một cây bài để được leo lên chòi cao mà ngồi, nghe hô hát chỉ đáng vài hào, mà chơi được những 6 ván. Mỗi ngày chơi tối đa 10 hội thì nếu có thua cũng chưa hết đồng bạc. Còn hên, số tiền trúng thưởng cũng chỉ mua được vài ba gói trà tàu, còn nếu vận chưa hanh, có thua bất quá nhịn trầu nhịn thuốc vài bữa mà thôi. Vậy thì bài bạc ở chỗ nào khi tham gia đánh bài chòi? Được thua trong chốn này là những trận cười nghiêng ngã, lăn cù lăn chiêng, là được đắm mình trong thế giới màu sắc âm thanh của “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Vả lại cũng chưa có một cứ liệu nào để lại nói răng có một người nào đó bị khuynh gia bại sản vì chơi đánh bài chòi. Ngược lại người bình dân còn hết lời ca tụng nó như một thứ giải trí tao nhã của dân quê mộc mạc, mà ngày nay chúng ta hay dùng thuật ngữ “nét đẹp văn hóa” để chỉ ra. Hãy thử nghe họ nói về bài chòi như thế nào?

 

Tam nhựt chi xuân

Bách gia giai hỷ

Ta với cô xin kết tình tri kỷ

Như tử Kỳ với Bá Nha

(. .. .)

Vậy thời cô liệu mà chơi

Bài cào tứ sắc cô thời lánh đi

Còn như xóc dĩa ích gì

Mạt cưa, mướp đắng cô thì chớ ham

Chi cho bằng cô đánh bài chòi

Dẫu mà bỏ ruộng, bỏ soi cũng đành

Ngoài sân cờ trống nổ như sâm banh

Quần lãnh, áo gấm, yến oanh vui vầy

Hãy mau bước cẳng lên chòi

Kẻ thời thưa thím, người thời thưa anh

Trống giục liền liền, mõ đánh lanh canh

Lầu son, gác tía... ai đâu đành làm ngơ

(. .. .)

Chỗ này là chỗ vui chơi

Có trống nẫu nhịp, có cây kèn nẫu thổi ò í e...

Có rượu rồi lại có chè (trà)

Cô cứ gát chân treí ngoảy ngồi nghe hô bài

Giựt cờ đệ nhứt rồi đệ tam

Có trống trường làng xổ, trống ở ngoài “lơn tơn bang”

Tôi bưng khay rượu nạm vàng

Chúc mừng năm mới an khang xóm làng.

 

Với những câu dẫn trên đây, làm sao chúng ta có thể khẳng định “đánh bài chòi là hình thức cờ bạc trá hình” được? Tại sao chúng ta không chịu giải thích và hiẻu theo nghĩa xã hội học với một ý hướng tích cực hơn? Và khi mà trò chơi này chỉ được giới hạn trong khoảng từ mông Một đến hết ngày mông Bảy hạ niêu. Trong khi đó cờ bạc thì có thể chơi bất kỳ chỗ nào và ở đâu, mất hẳn tính nhân bản nhân văn. Cũng xin lưu ý thêm, rằng yếu tố cơ bản của cờ bạc là sự sát phạt nhau không khoan nhượng, nhân phẩm bị đẩy lùi dưới bàn chân, giá trị lớn nhất là đồng tiền. Đôi khi tính ăn thua, cay cú còn thể hiện rất rõ qua ngôn ngữ và hành động, dẫn đến những hậu quả tiêu cực cho bản thân, gia đình và xã hội.

 

D3* QUI TRÌNH MỘT HỘI ĐÁNH BÀI CHÒI

 

Đánh bài chòi luôn diễn ra trong mấy ngày tết, bắt đầu từ ngày mồng Một và chấm dứt vào ngày mồng Bảy hạ niêu. Đây là khoảng thời gian bắt đầu một nguyên mới với nhiều ước mơ và hy vọng trong công việc làm ăn cho suốt một năm tiếp theo của người lao động nông thôn. Đối với người dân Việt: “Cái tết của ta rất lớn lao như chưa có đâu trọng thể bằng, kéo dài đến cả hai tháng. Tháng Chạp sửa soạn, còn tháng Giêng thì ăn tết ở nhà, và cho tới nay, tuy đời sống bắt phải giản lược nó vào những chiều kích bé nhỏ, nhưng so với các nơi khác tết vẫn còn to hơn, lâu hơn nhiều lần” (Kim Định, Triết Lý Cái Đình, NXB Nguồn Sáng, SG 1971). Gíao Sư Kim Định lại giải thích thêm: Ngày mồng Một đầu năm là ngày trọng đại hơn cả, cũng là ngày nói lên tính chất gia đình đầy đủ hơn hết. Vì đấy không còn là gia đình nhỏ hẹp nữa, nhưng là đại gia đình. Tổ tiên được cung thỉnh về để ăn tết cùng con cháu” ( Kim Định, SĐD).

 

Sau khi thực hiện phần lễ cúng ông bà tổ tiên, người dân mới được phép bắt đầu cuộc vui chơi. Nhưng với nền văn minh nông nghiệp như2 lúc bấy giờ, các hội hè không bao giờ thiếu phần lễ. Và, “tính chất các lễ nông nghiệp là đi sát thiên nhiên như mùa gặt, mùa cấy hoặc những hiện tượng thiên nhiên như ngày trùng ngũ mừng mặt trời vào cung ngọ” (Kim Định, SĐD). Vì vậy khởi đầu cho hội đánh bài chòi, các bô lão, các vị hương chức trong làng đều phải làm lễ tế Thần Nông với cơm trắng, muối và ngũ quả. Trong dịp này, Thành hoàng,Thổ địa... cũng được cung thỉnh về để chứng kiến. Sau những thủ tục tâm linh, thầy lễ xin phép các đẳng thần cho phép khai hội bài chòi. Đến lúc này đờn, kèn, mõ, trống con, trống cái. . . bắt đầu nổi lện rộn rã, và người hô hiệu bắt đầu trình làng với lời chúc phúc đầu năm cho tất cả dân làng. Đợi cho các chân chòi mua thẻ bài, lên chòi, người hô hiệu trở lại chỗ ống xóc vừa rung vừa hô:

 

Dạ. . . Dạ . . .

Thập nhất chòi lẳng lặng mà nghe

Phát bài đã đủ

Hiệu thủ bài tì

Ai có lá gì

Phải nghe cho rõ

Ai có lá đó

Gõ mõ ba dùi

Đừng tới đừng lui

Kẻo mà nghe lộn

 

Đôi khi nổi hứng, hoặc cũng có thể hội đánh bài chòi quá đông, con nít, thanh niên nam nữ chen lấn gây mất trật tự, người hô hiệu bèn “phịa” thêm một số câu rồi nối lại với câu vừa dẫn ở trên hô tiếp như một lời nhắc nhở, cảnh cáo:

 

Nhứt là trẻ em

Đừng có tèm lem

Khóc la dậy đất

Gõ lộn trật lất

Bài mất không ăn

Về nhà băn khoăn

Uở. . . sao không tới!

 

Đây chỉ là kiểu ngẫu hứng, hô bát quàng của anh hô hiệu mà thôi.

 

Tại một vài địa phương ở Phú Yên, chúng tôi sưu tập đưọc lời hô khởi đầu, có hơi khác chút đỉnh so với các tỉnh  khác:

 

Dạ. . . Dạ . . .

Phát bài đã đủ

Hiệu thủ bài tì

Đã phát lá gì

Phải coi cho tỏ

Nếu mà chưa rõ

Chạy hỏi hiệu ngay

Khi đã xóc rày (rồi)

Không ai thắc mắc

Quớ. . .quớ. . ..quờ. . .quơ

Tôi xóc đã đều

Tôi kêu đã rõ

Ai có lá đó

Gõ mõ ba dùi

Chớ bước tới lui

Chòi đâu ngồi đó

Chú Ba chạy hiệu

Phải liệu chạy nhanh

Đừng có loanh quanh

Đưa nhầm người khác

Kêu hô một lát

Chòi bát tới rầu(rồi)

Khay rượu bưng mau

Dưng phần tiền thưởng.

 

Đó là những lúc người tham gia đánh bài chòi tới sân quá đông, buộc anh hiệu phải hô vài câu lung khởi, vừa nhắc nhở vừa đẻ chuẩn bị bước vào hội chơi. Tuy nhiên cũng có khi hội đánh bài chòi đã bước sang ngày thứ tư thứ năm, người chơi thưa dần, nên nhiệm vụ của anh hiệu là phải ra sức ứng tác lời rao quảng cáo, mời gọi để thu hút đông người chơi hơn:

 

Kính mời cô bác gần xa

Đầu năm bói thử sẽ ra con bài gì

Hai hào mua đủ một chòi

Gát chân gõ mõ ngồi coi nẫu đờn

Vui xuân trống thướng tơn tơn

Đỏ xanh vàng tím chập chờn yến oanh

Áo quần gương lược mới toanh

Chưn gát tréo ngoắt như cành hoa sen

Cô bác tới coi có năm bảy cây đờn cò

Có kèn, có sáo, còn trống nhỏ to tới một sàn

Mau mau mua thẻ màu vàng

Là màu hoàng thổ thơm vang đất trời

Dịp may hiếm thấy bà con ơi

Lúa màu đưọc vụ, heo gà đầy sân

Rồi... tui bắt Ông Ầm đỏ tới chòi Dần

Bảy thưa, Bảy Liễu rồi lại Tám Dừng

Ông Tử Cẳng đỏ cũng ghé mừng chòi ta

Ba Bụng là anh Bụng ba

Tráng Hai, Tứ Tượng, Ba Gà tiếp theo

Bát Bồng, Lục Chạng, Nhì Nghèo

Nhứt Trò, Nhứt Nọc mà đèo Bạch Huê

Sáu Mập, Sáu Hột nằm kề

Cửu Chùa, Nhì Bí. . . Quớ là quơ quơ đã về chòi Trung.

 

Khi người chơi đã mua đủ thẻ bài ở các chân chòi, bấy giờ người hô hiệu mới bắt đầu lắc ống xóc có chứa những lá bài con, như kiểu lắc ống xóc xin xăm ở đền chùa, rút ra một lá và hô một câu có nội dung tương ứng với tên gọi của lá bài. Ví dụ:

 

Thương thay số phận con tằm

Ăn không được mấy phải nằm nhả tơ

Lại thương con cuốc bơ vơ

Chim hạc lội nước, cá trê lên bờ

Còn anh cái phận mày râu

Cổ mang gông ách, bụng mang bầu chang bang

Ba Bụng quớ. . . là Ba Bụng. . .

 

Chòi nào trúng con Ba Bụng thì cầm dùi gõ vào chiếc mõ tre (bên hông chòi) 3 tiếng một để báo cho người hô hiệu chòi đó vừa trúng một con. Lúc này người hô hiệu sữ trao lá bài đó cho người chạy hiệu mang lá bài đó chạy tới giao cho chòi vừa trúng.

 

Người hô hiệu lại rung run ống xóc, rút ra một lá khác và tiếp tục hô:

 

Đầu quăn chải lược đồi mồi

Chải đứng chải ngồi quăn vẫn huờn quăn

Tam Quăn quớ là . . .. Tam Quăn. . .

 

Có khi rút trúng lá Bạch Huê, người hô hiệu phồng mang trợn mát, giả bộ vuốt vuốt lên lá bài rồi bất ngờ hô:

 

Lòng thương chị bán đường cồn

Hai vai gánh nặng, cái lồn một bưng

Lá lìn... quớ là Bạch Huê. . .

(câu sưu tầm của Tạ Chí Đại Trường)

 

Ở một chòi nào đó, mõ ngập ngừng gõ bỡi lá bài chòi mình vừa trúng nhăm vào lá bài mang chất phồn thực. Nhưng các chòi khác, sau khi nghe hiệu mõ chòi trúng thì liền nổi mõ lên rộn rã, kích động cùng với dàn nhạc trên sạp cùng với tiếng la, tiếng cười, tiếng chế giễu, bông phèng tạo cho sân đánh bài chòi thành một không gian đầy ắp âm thanh.

 

Cuộc chơi cứ tiếp diễn như vậy cho tới khi có một chòi nào đó có 3 lá bài con trùng khớp với 3 lá bài trong thẻ bài chủ thì coi như tới và liền dùng dùi xổ ột hồi mõ dài để báo làng là chòi mình tới một ván. Đến lúc này, cùng với tiếng mõ của chân chòi, thìcả trường hiệu, giàn nhạc bát âm (gồm: đờn nhị, xập xõa, trống cái, trống con, sanh, kèn loe(có bộ phận phát âm bằng lưỡi gà tựa như kèn clarinette mà người Pháp gọi là clarisimplette) cùng cất giọng hòa lên.

 

Ngay sau đó, người hô hiệu bưng chiếc khay, trên có lá cờ , tiền thưởng, rượu, trầu... tiến về phía chòi vừa tới, vừa múa may kèm theo những lời hô:

 

Dạ. . . Dạ . . .

Thập nhất chòi lẳng lặng mà nghe

Chòi Gíap ăn một quợn

Ngũ Rún, Bạch Huê, Ba Bụng

Rõ ràng không thiếu một con

Vưng lệnh làng lãnh lấy khay tiền

Cùng với rượu vôi trầu cau rễ

Hiệu khẩn cấp dưng cờ đệ nhứt

Lên chòi Gíap đã tới một quơn.

 

Tới đây người hô hiệu cắm lá cờ đuôi nheo lên chòi, đồng thời dâng tiền trúng thưởng và mời trầu rượu cho các chân bài trên chòi. Sau đó tiếp tục hô ván thứ hai cho tới khi mãn một hội (mỗi hội đánh 6 hoặc 9 ván). Rồi hội này tiếp hội nọ cho tới khi trời sụp tối. Ngày hôm sau tiếp ngày hôm sau nữa, hội đánh bài chòi diễn ra từ sáng đến chiều cho đến lúc hạ niêu, nhưng trong tâm tưởng người thôn dân vẫn còn nghe văng vẳng tiếng trống, tiếng đờn, kèn cùng những lời hô vang động cả góc sân làng.

 

Quan sát một số sân đánh bài chòi ở Quảng Nam, Bình Định, đặc biệt là Phú Yên chúng tôi thấy rằng một số sân không chỉ đơn điệu có hô những câu thai, trúng và dâng tiền thưởng... mà , hoặc bên ngoài khuôn viên đánh bài chòi, người ta tổ chức thành từng nhóm nhỏ, trải chiếu ngồi hô và nghe hô bài chòi với nhau như kiểu đờn ca tài tử ở Nam bộ; hoặc trư3ớc khi dâng tiền thưởng, người hô hiệu biểu diễn một vài làn điệu cổ hay xuân nữ. Thông thường nội dung là những lời chúc tụng năm mới an khang thịnh vượng, mua may bán đắt. Nhưng cũng lắm lúc, lại gắn thực tế cuộc sống, nâng nội dung câu hô lên thành những thông tin cho bà con về một vấn đề nào đó, cũng có khi là đả kích châm chọc.

 

Ví dụ như chòi có cô bán hàng xén ngồi vừa tới một ván, người hô hiệu đóan già đóan non cô mê anh học trò xóm trên, bèn ứng tác, hô:

 

Đầu xuân, hiệu xin chúc cô mua may bán đắt

Gánh hàng cô đủ măt, chẳng thiếu thứ gì

Nào nút cẩn, nút xi, bút chì, bình điếu

Vật gì cũng có, giấy dó, thuốc, trà

Dầu chanh, dầu hoa, dầu Cô Ba cũng đủ

Phúc thần dầu gió, dầu Nhị Thiên Đường

Bán kẹp, bán gương, bóp da, quẹt máy

Đủ các loại giấy: ngũ sắc, hồng đơn

(. . .)

Hàng cô khách đến

Chẳng ai muốn đi

Như gái dậy thì

Muốn đeo nhẫn xuyến

Xin chúc gia quyến

Năm mới an khang

Xin chúc gánh hàng

Mỗi ngày mỗi nặng

Xin cô kết đặng

Một anh học trò...

 

Chuyện trai gái ve vãn, để ý nhau ở nông thôn ngày xưa không làm sao lọt qua mắt thiên hạ, xóm giềng. Vì vậy, khi anh hiệu vừa dứt tiếng hô là trống mõ nổi lên inh ỏi, hòa theo là tiếng reo, hò la, tán thưởng... trong khi ai đó có tình ý với anh học trò thì ngượng ngịu, sượng sùng...

 

Trong những dịp được tụ tập để vui chơi, giải trí như thế này không phải là thường xuyên, chỉ một lần duy nhất vào ngày tết, cho nên tất cả mặt phải mặt trái của xóm làng đều được anh hiệu sẵn sàng công khai hóa ra giữa bàng dân thiên hạ mà hông sợ “mất lòng” hay trả thù sau đó. Đây có thể coi là nét độc đáo của văn hóa xóm làng thông qua hội đánh bài chòi, bỡi người bình dân, mặc dù ít học cũng không giàu có, nhưng luôn coi trọng đạo đức, lòng nhân ái và trật tự xã hội:

 

Vợ lớn đánh vợ nhỏ

Vợ nhỏ chạy ra ngõ

Ngửa cổ kêu trời

Bớ anh ơi!

Nhứt phu lưỡng phụ ở đời đặng đâu?

 

D4* VAI TRÒ CỦA NGƯỜI HÔ HIỆU

 

Gần gũi với bài chòi nhất vẫn là hất bộ, xa hơn chút nữa là cải lương. Nhưng hát bộ và cải lương như “con nhà quyền quí cao sang”, phải tuân thủ các phép tắc, định ước, không thể vượt ra ngoài khuôn khổ cho dẫu hình thức biểu diễn đôi khi cũng có phần phóng túng. Lại nữa, hát bộ và cải lương thuộc nhóm ca kịch bác học, đào kép được đào tạo theo qui trình mô phạm nhất định, trong khi đó bài chòi chỉ là lối hô hát dân gian đầy chất ngẫu hứng, không bị gò ép trong bất kỳ khuôn khổ nào.

 

Một vỡ cải lương hay hát bộ luôn phải có lớp lang, tuồng tích, kịch bản, có đào kép, nghĩa là có nhiều nhân vật. Ngược lại, hô bài chòi gần như chỉ độc nhất có anh hô hiệu thủ vai người hô. Đôi khi cũng có nhân vật trong một câu, bài hô nhưng diễn thì khả năng bao quát gần như toàn bộ: anh ta làm cái công việc vừa là diễn viên thủ vai các nhân vật đó, vừa là tác giả câu hô. Chính vì vậy vai trò của người hô hiệu là cực kỳ quan trọng, như câu nói dân gian: “phi hô hiệu bất thành bài chòi”.

 

Cũng vì bài chòi nặng phần trình diễn” như ông Võ Phiến từng nhận xét, nên trong trò chơi đánh bài chòi gần giống với sinh hoạt sân khấu biểu diễn. Do vậy mà nét đẹp của đánh bài chòi gần như tập trung toàn bộ vào người hô hiệu. Nói một cách khác, nếu như không có người hô hiệu thì không thể diễn ra đánh bài chòi; hoặc người hô hiệu với diễn xuất, hô hát dở thì hội đánh bài chòi sẽ kém đi phần hấp dẫn. Chính anh ta là nhân vật trung tâm của cuộc chơi, để khán giả là các chân bài cùng cười vui, đắm chìm trong muôn vẻ sắc màu âm thanh tưng bừng của mùa xuân.

 

Có thể nói, sân đánh bài chòi cũng chính là rạp hát của người bình dân vùng nông thôn ngày trước. Nhưng nó không cần tới ánh đèn màu, không cần son phấn, hóa trang, chỉ là nền đất với thảm cỏ xanh tự nhiên cùng với những chiếc trống, mõ, áo bà ba, áo dài the, khăn xếp, đôi guốc mộc... nhưng lại có sức lôi cuốn, hấp dẫn đến lạ kỳ. Hấp dẫn vì các tuồng tích, câu hô được người hô hiệu tự do thêm thắt theo ý riêng; và lôi cuốn vì giọng hô của anh hiệu điệu nghệ, bay bướm, đôi khi pha chút bông lơn, hóm hỉnh. Tất cả đều hòa nhập vào làm một để cùng nhau bay bổng vào cõi bềnh bồng của vẻ đẹp chân quê.

 

Mặt khác, có thể trên các sân khấu lớn của hát bộ và cải lương, các kép hài đưa thêm vào vài câu, vài đoạn chọc cười khán giả nhưng vẫn bắt buộc phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật ca kịch chính thống, không thể tự do vượt ra ngoài để ca hát bậy bạ, dung tục như hô  bài chòi. Đằng này, cùng một lúc, người hô hiệu có thể thủ tất cả các vai: vừa mới là ông thầy tu nghiêm túc lại nhảy qua vai bà gái góa, lại sang vai chú tiểu hay dòm ngó bông lơn; và lớn nhất là anh ta có thể hô bất kỳ câu gì vừa lóe trong đầu, không cần giữ ý, không cần “định hướng” của đạo diễn. Mọi việc diễn ra chung quanh cuộc sống như thế nào thì anh ta bê nguyên xi và thêm mắm muối vào câu sắp hô.

 

Tuy rằng cả người hô hiệu và khán giả đều là những nông dân chân đất, đều xuất thân từ gốc rạ mà ra, song không phải thảy đều ít hiểu biết về đời sống xã hội, về thơ ca hò vè truyền miệng mà ngược lại. Một ấn tượng khắc sâu vào trí ó tuổi thơ của chúng tôi cho mãi tới bây giờ là: vào khoảng tết 1957-1958, chúng tôi được ông chú út cho theo ra tận ngoài An Hiệp, huyện Tuy An viếng mộ cụ Thỷ Tổ, sau đó được cho ngồi lên chòi đánh bài và anh hiệu hô thai, trong đó có một bài không liên quan gì đến lá bài anh hiệu đang cầm trong tay; đại để là có một người phụ nữ thai hoang, sinh con ra bỏ giữa đường được bò dê che chở, rồi chim chóc xúm lại bồng cậu bé bay tuốt lên ngọn cây lót ổ, ủ ấm cho cậu ta. Anh hiệu vừa dứt tiếng hô thì chúng tôi thấy một hiện tượng rất lạ là một số cụ bà quanh các chòi đưa tay chùi quẹt nước mắt. Hội đánh bài chòi tiếp tục. Tình cờ cách đây 6 năm, có dịp trở lại chốn cũ để sưu tập tư liệu, lại được nghe bài hô kia. Nguyên văn:

 

Thai kia đã đủ tháng rồi

Đầu lòng sanh nở dễ thời như dê

Khương Nguyên rách nứt chẳng hề

Tai qua nạn khỏi đề huề như không

Rõ ràng linh ứng lạ lùng

Trời kia há chẳng an lòn hay sao?

Cầu con việc ấy là thường

Há đâu trái đạo tổn thương lòng người

Đem con ra bỏ bên đường

Bò đe che chở mến thương vô cùng

Đất trời nuôi dưỡng đã hung

Tiều phu đón nhận của chung đưa về

Xảy đâu lạnh ngắt tái tê

Đại bàng bay đến cánh che anh hào

Khương Nguyên như thể chim bao

Đại bàng hoảng sợ bay vào cõi không

Bấy giờ Hậu Tắc mở lòng

Khóc to chim lót cánh bồng lên non

KhươngNguyên chạy đến bên con

Tiếng ru vang dậy đá mòn núi sông.

 

Nghe cụ Tư đã gần 80 tuổi hô, chúng tôi mới chợt nhớ lại giọng hô năm nào của người hô hiệu thuở xưa, bằng điệu xuân nữ nức nở, sướt mướt. Không rõ là người hô hiệu năm xưa đã vận dụng nghệ thuật hô bài chòi đến mức nào để đến nỗi từng chữ, từng câu đều thấm đẫm nước mắt trong đó, khiến làm xao động đến tận cùng cõi lòng nhân hậu, đa cảm của các cụ già ngày đó? Đối chiếu lại, chúng tôi mới hay rằng người hô hiệu đã mượn tích nàng Khương Nguyên mang hoang thai, sinh ra Hậu Tắc lấy từ bài Sinh Dân, thiên Đại Nhã trong Kinh Thi để nói đến cảnh tương tự rất đáng thương tâm vừa (hay đã) xảy ra đâu đó trong làng? Đây hẳn nhiên chỉ là cái cớ, vì so sánh nguyên văn bản gốc bài Sinh Dân với những câu hô bài chòi dẫn trên, lời văn không sát nghĩa, rất mộc mạc. Nguyên văn:

 

Dân di quyết nguyệt

Tiên sinh như thát

Bất xích bất phách

Vô tai vô hạt

Dĩ hách quyết linh

Thượng đế bất minh?

Bất khang ân dĩ

Cư nhiên sinh tỉ

Điểu phù dị chi

Đản chi chi ải hạng

Ngưu dương phi tự chi

Đản chi chi bình lâm

Hội phạt bình lâm

Đản chi chi hàn băng

 

(Sinh Dân-thiên Đại Nhã-Kinh Thi)

 

Một cách dông dài như vậy để thấy rằng chủ thể là người hô hiệu có tác động rất mạnh qua lời hô tiếng hát đối với đám đông quần chúng khán giả. Sức truyền cảm ấy không ở đâu khác, mà tập trung ngay vào chính anh hiệu. Anh ta, qua ca từ của bài thơ bài vè ứng tác, có thể làm cho quần chúng khóc, cười, buồn, vui, hờn giận. . . và đối lại, tâm trạng của quần chúng hoàn toàn tùy thuộc vào tài nghệ người hô hiệu. Đây há chẳng phải là một trong những loại hình biểu diễn trên sân khấu nhỏ nơi đồng nội hay sao?

 

Trong lịch sử phát triển kịch nghệ phương Tây, khoảng thập niên 60 của thế kỷ XX, tại Pháp đã xuất hiện một trào lưu đưa sân khấu kịch nói thể nhập vào với khán giả, nghĩa là không cần có phông màn bài trí, thậm chí không cần sân khấu như trước. Diễn viên xuống tận nơi khán giả ngồi mà diễn. Giới phê bình lúc đó chê khen cũng lắm, nhưng chung lại đều cho đây là một sự khám phá mới của kịch nghệ Pháp hiện đại, với những tên tuổi như E. Ionesco, S. Beckett, S. Anouille. . . trong đó phải kể đến vỡ diễn thành công nhất là Con Tê Giác của E. Ionesco, vì có nhiều cảnh, nhiều màn khán giả cùng đóng vai với diễn viên chính. Song “sự sáng tạo mới mẻ” của các kịch tác gia kiêm đạo diễn này không tồn tại được lâu, vì đó chỉ là một trào lưu thoáng qua, nhất thời. Nhưng với sân khấu đánh bài chòi của ta thì sao? 

 

Cho dù ngày nay, chúng ta ít có dịp nghe hô bài chòi, đánh bài chòi, nhưng nếu nói về sự “sáng tạo mới mẻ”  hay những khám phá mới gìoó, thì rõ ràng hô và đánh bài chòi là một loại hình sân khấu mới hơn nhiều và xưa lâu hơn nhiều so với sân khấu kịch nghệ hiện đại cảu Pháp. Ở ta, hô và đánh bài chòi, khán giả đứng ngồi quanh chòi, trên chòi và bao vây người diễn viên là anh hiệu vào giữa. Thỉnh thoảng lại có cảnh người hô hiệu và một chân bài nào đó trên chòi hô đối đáp với nhau như trường hợp tại hội đánh bài chòi tai Long Thủy (Phú Yên) năm 1997 mà chúng tôi đã ghi được:

 

Anh hiệu:

Ới nàng ơi. . .

Ba bốn ngày rày, nàng bỏ đi đâu

Con thơ, chồng dại đứng ngầu (ngồi) ngóng trông

Tình xưa quảy nước bên sông

Nghĩa nay tấm mẳn cũng chồng cũng con

Đồng cam cộng khổ trèo non

Đói no rau cháo áo quần ấm hơi

Tình dẫu mất chớ nghĩa nhơn đời đời

Ruột bầu, muối mặn nàng nhớ lời thề xưa?

 

Chân chòi:

Ơi chàng ơi thề thốt làm chi

Cứ coi em như đứa bất nghì là hơn

Gánh nước bên sông đâu phải nghĩa nhơn

Tình chi áo rách, đầu xơm bơm như ăn mày

Thôi thì chàng thiếp chia tay

Coi như loan phượng, mỗi con bay một đàng

Kể chi chuyện cũ tào khang

Cám kia ăn mãi, có trả vàmg được đâu?

(. . .)

Như vậy, ngoài tính thông thường là mỗi lá bài có một câu thai mà chủ đích là làm cho người đánh bài hoặc phải suy đoán, hoặc tìm ra nghĩa ngay để bước vào thế giới vui chơi giải trí. Cũng có những lúc, mọi người tạm dừng cuộc chơi trong chốc lát để nghê hô hát đối đáp như một hình thức thay đổi không khí trong cuộc đánh bài. Chất ngẫu hứng của sân khấu đánh bài chòi là ở chính ngay những khúc đoạn như thế này; chứ không hề bị câu thúc, dồn ép vào qui cách như hát bộ và cải lương. Nhưng với sự vui chơi giải trí như vậy, về mặt văn chương học thuật, nó chỉ đứng hàng thứ yếu sau hát bộ và cải lương. Chưa biết là “ Sự phát triển của bài chòi có lẽ do kích động của hát bộ” như nhận xét của ông Tạ Chí Đại Trường hay không? Nhưng trên thực tế, điều mà người ta gọi đó là đám đánh bạc trong chỗ đánh bài chòi, thì lúc này tự nó biến mất, để thấp thóang quanh nó hiện lên rõ nét một kiểu sân khấu dân dã mà thôi. Vì người hô hiệu cũng chen được vào các điệu lý, điệu hò, nói thơ, nói chữ, nói trạng. . . Và, “đám bài bạc(nếu có) hóa ra đám hát”.

 

E* TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG ĐÁNH BÀI CHÒI

 

Khi mà chữ nghĩa thuộc về tầng lớp trí thức thì dường như vai trò của người bình dân bị gạt sang một bên, bỡi quan niệm chỉ có trí thức, bác học mới có thể hiểu rõ căn cơ, ngọn nguồn của đất trời, nhân sinh. Chỉ có tầng lớp này mới có quyền lập thuyết vì họ hiểu được ý nghĩa chiều sâu của đạo, hiểu được triết học là gì? Còn giới bình dân vốn từng bị xem là “kẻ quê mùa dốt nát” thì làm sao hiểu thấu đạo trời đất, triết lý?

 

Thật không công bằng chút nào nếu bắt buộc phải hiểu như vậy từ phía triết học duy lý phát xuất từ Hy Lạp cổ đại, ít nhất là đối với tầng lớp bình dân Việt Nam, mà “bác học hay bình dân cũng thế cả, chỉ khác nhau có sự trình bày là để thích nghi với trình độ học thức mà thôi. Vì thế, sự khác biệt hoàn toàn ở ngoại diện chứ không ở nội dung” (Kim Định, SĐD). Trên tờ Revue Indochinoise số tháng Mai 1928, giáo sư A. Meynard đưa ra nhận xét: “... suốt ba tháng đầu năm của dân Việt Nam cũng có nhiều nghi lễ, trong ắy người ta thông cảm với thần linh hay kéo thần linh xuống cùng một lúc gần với người, cùng với người san sé nỗi lo âu hay hy vọng”.

 

Nhận định này như là cơ sở để chúng ta hiểu thêm chút nữa về triết lý sống của dân tộc: “tháng giêng là tháng ăn chơi”. Ăn chơi ở đây không có nghĩa thuần tuý vật chất, mà còn đẩy xa hơn về giá trị tinh thần, về mặt triết học. Chính điều này, nên chúng ta đã từng tự hỏi rằng tại sao người bình dân Việt Nam không tổ chức đánh bài chòi vào ngày Trùng Ngũ, Thanh Minh hay bất kỳ một mùa nào trong năm mà phải chọn những ngày đầu tiên của tháng giêng mùa xuân? Rồi tại sao họ không đánh bài chòi ngay trên chiếu, quanh bàn hay dưới đất mà lại phải leo lên tận chòi cao? Nếu như thuần bài bạc thì có thể chơi ở bất kỳ thời gian và không gian nào mà không cần lựa chọn. Đằng này, bài chòi như đã chứng minh không phải là trò cờ bạc. Đó là sự chọn lựa mang đậm dấu ấn của triết học nhân bản, vả lại, mới thoạt nghe, thoạt nhìn vào trò chơi này, ta có thể nghĩ và cho đó là điều rất bình thường. Bình thường cũng như cơm ăn ngày hai bữa. Nhưng tận cùng nguồn căn thì đó lại là cái rất phi thường. Bỡi chính Lang Liêu, con vua Hùng Vương thứ 18 đã vận dụng cái bình thường ấy là cơm là gạo để làm nên cái phi thường là chiếc bánh dầy, bánh chưng để diễn đạt cả đạo Trời, đạo Đất, đạo Người.   

 

Tiếp nối triết học nhân bản của Lang Liêu, ngoài ảnh hưởng tâm linh là Bái Vật giáo thuở ấy, người bình dân khi chơi bài trên chòi còn đưa vào cuộc chơi triết lý Tam Tài để bày tỏ những mơ ước của con người trong vũ trụ. Bỡi khi tổ chức ngồi đánh trên chòi là để tiếp cận với cõi uyên nguyên vô thường, với thần linh. Con người lúc ấy là một chủ thể cân bằng với Trời Đất: Thiên-Địa-Nhân. Trong khi phương Tây phải đứng rất xa mà tranh biện: Nước (Thalès), Lửa (Héraclite), Khí (Anaximene). . .

 

Từ những căn cơ như vậy, cho nên đánh bài chòi, không như các trò chơi khác “bạ đâu chơi đó, chơi lúc nào cũng xong”, mà phải là những ngày đầu năm mới. Tại sao lại như vậy?

 

Để làm sáng tỏ vấn đề này, chúng tôi xin mạo muội quay trở lại Thái cực Luận trong triết học Trung Hoa. Nhưng trước hết xin mở dấu ngoặc là dầu muốn nói thế nào thì  không ai có thể phủ nhận ảnh hưởng của nó (triết học Trung Hoa) đến các dân tộc chung quanh. Vì vậy cho nên, theo luật “Đại hoá lưu hành” thì quá trình diễn biến của sự vật từ lúc khởi đầu cho tới lúc hình thành đều phải trải qua: Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh. Theo giáo sư Giản Chi và Nguyễn Hiến Lê thì: “Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh là bốn hiện tượng, bốn trạng thái trong quá trình diễn tiến của đức Càn hay là cái động lực vận hành của sinh mệnh:

 

Nguyên là đầu, trỏ cái khởi đoan phát động của sinh mệnh, nghĩa là cái trạng thái của vật khi bắt đầu vào cuộc sống.

 

Hanh là hanh thông, là thông đồng. Khi sinh vật đã hiển hiện được trong thực tế, tương thông với ngoại giới, thì trạng thái của nó lúc đó gọi là Hanh.

 

Lợi là thuận lợi, là trạng thái của sinh vật khi tương thông với ngoại giới, nó đã thích ứng được với hoàn cảnh.

 

Trinh là thành tựu hẳn hoi, tức là trạng thái của sinh vật vì thích ứng được với hoàn cảnh một cách thuận lợi mà đã hình thành được một cách tốt đẹp” (Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, Đại Cương Triết Học Sử Trung Quốc, quyển thượng, NXB Cảo Thơm, SG 1965).

 

Như vậy, hết thảy mọi vật khi biến hoá là kết quả của sự giao hoà giữa Âm và Dương, tức giữa Khôn và Càn thì Nguyên, Hanh, Lợi, Trinh tương ứng với bốn mùa là Xuân,Hạ, Thu, Đông. Và vì như thế, nên: “ Nguyên là mùa Xuân, là trạng thái lúc khởi đoan, lúc Âm Dương vừa giao nội mà Mộc chuyển biến còn chưa xảy ra. Từ Nguyên đến Hanh là cả một quá trình biện chứng (Processus Dialectique). Nguyên là căn bản tối sơ của vũ trụ, vạn vật. Trời Đất, Âm Dương, Vạn Vật thảy đều từ Nguyên mà ra” (Giản Chi & Nguyễn Hiến Lê, SĐD).

 

Có lẽ, người bình dân Việt Nam, với quan niệm mùa xuân là khởi đầu cho tất cả mọi điều tốt đẹp, may mắn và những ngày đầu năm mới là sự hiển thị cho mọi sự tốt lành sẽ đến với bản thân họ, gia đình, làng xóm, mùa màng tươi tốt... nên ngoài vấn đề giải trí, mua vui trong ba ngày tết, về mặt tâm linh, người bình dân còn bày tỏ một ước mơ  về cuộc sống tốt đẹp hơn nhiều lần.

 

Để khẳng định thêm cho điều này, chúng ta có thể dẫn ra đây một số phong tục tập quán như: coi việc coi ngày giờ tốt, hạp tuổi khi xây cất nhàmới, cưới hỏi, tang chế.v.v. Và ngày trước, khi lợp mái nhà ở, người dân còn vận dụng Khôn, Càn trên mái lợp âm dương. Vạn vật vũ trụ được người bình dân thâu tóm lại ngay trong những vật thể được thể hiện chứ không cần phải dùng các khái niệm để lý giải dài dòng kiểu luận lý phương Tây.

 

Tinh thần phương Đông còn được người bình dân đẩy cho đến tận cùng trong cuộc chơi một cách nhất quán. Nói cách khác là họ đã vận dụng tối đa Thái Cực Luận vào trò chơi tưởng chừng như không có gì là đặc biệt, đáng lưu tâm.. Đây là điều rất lý thú khi chúng tôi đi điền dã những vùng bài chòi phát triển khá nổi tiếng như Nho Lâm, Phú Ân, Đa Ngư (Phú Yên), Hoài Nhơn, Tuy Phước (Bình Định), Vùng ven biển Phan Rang (Ninh Thuận)... đều được các cụ cao niên cho biết: khi chơi theo hệ thống 9 chòi thì phải chọn vị trí thế nào để chòi Chấn luôn phải nằm ở hướng chính Đông theo phương vị: Càn (Tây Bắc), Tốn (Đông Nam), Đoài (chính Tây), Khảm (chính Bắc), Ly (chính Nam), Cấn (Đông Bắc), Khôn (Tây nam).

 

Cũng vậy, khi chơi 11 hay 13 chòi thì các chòi Giáp, Ất và chòi Mão cũng đều phải nằm theo phương vị chính Đông, tương ứng với cung Chấn, mà cung Chấn thuộc Mộc, Mộc lại thuộc mùa Xuân, tức Nguyên.

 

Cách lập chòi như thế này, ngày nay hiếm thấy. Có dịp đến với các hội đánh bài chòi trong những ngày tết mấy năm gần đây, chúng tôi nhận thấy thế hệ bây giờ lập chòi lung tung, không theo trật tự biến hoá của vũ trụ vạn vật theo chu kỳ nhất định như trước, miễn sao cho có để mà chơi là quí lắm rồi, chứ chưa nói đến hô hát vô tội vạ, không tuân theo một bài bản nào cả. Mà nhiều nhất và tệ nhất là hô bài chòi cứ như hô lô tô: “con gì ra đây? là Ôâng Ầm đỏ. Tui bỏ vào ống, xóc tiếp, mà cái con gì ra đây? là con Tứ Tượng...” một cách vô duyên, lạt lẽo đến nỗi nhiều cụ già từng một thời đánh bài chòi ngày xưa phải kêu trời “ Hết rồi ! Chấm dứt rồi !”.

Nguyễn Lệ Uyên
Số lần đọc: 3433
Ngày đăng: 15.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần II: Sân khấu bài chòi - Nguyễn Lệ Uyên
Tiến trình phát triển của bài chòi : Phần I: Hô bài chòi - Nguyễn Lệ Uyên
Nguồn gốc bài chòi Phú Yên - Nguyễn Lệ Uyên
Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba ,Người góp phần chấn hưng, bảo tồn, truyền bá, phát huy nền âm nhạc dân tộc - Võ Quê
Ưng Bình Thúc Giạ Thị sống mãi với lời ca Huế - Võ Quê
Tây Tiến ,Thơ: Quang Dũng - Tăng Tấn Lộc
Người con gái quê hương - Châu Thanh
Hình ảnh "Dòng sông - Bến nước - Con đò" trong Ca cổ cải lương Nam bộ - Tăng Tấn Lộc
Gia tài của “ bướm vàng “ - Nguyễn Khắc Phê
Những bài ca cổ hay của Nam bộ: Lời người hát rong - Ngô Hồng Khanh
Cùng một tác giả
Nhớ…. (truyện ngắn)
Chiếc ly vỡ (truyện ngắn)
Cha con và chị và em (truyện ngắn)
A lô... Tôi xin lỗi (truyện ngắn)
Nhan sắc (truyện ngắn)
Bão xa (truyện ngắn)
Vợ chồng già (truyện ngắn)
Thở dài (truyện ngắn)
Từ mái trường xưa (truyện ngắn)
Sông xa (truyện ngắn)
Buổi sáng mát mẻ (truyện ngắn)
Sông chảy về núi (truyện ngắn)
Cưới vợ ăn tết (truyện ngắn)
Đồng làng (truyện ngắn)
Mưa trên sông ĐăkBla (truyện ngắn)
Lá thư bỏ quên (truyện ngắn)
Vòng trắng (truyện ngắn)
Về Tuy Hòa (truyện ngắn)
Bóng Nắng (truyện ngắn)
Cả làng hát karaoke (truyện ngắn)
Hương Cau (truyện ngắn)
Về Làng (truyện ngắn)
Mùa Tết (truyện ngắn)
Giấc Mơ (truyện ngắn)
Chân dung tự họa (truyện ngắn)
Nhân dân ơi, xin chào (truyện ngắn)
Lên Non Hái Trái (truyện ngắn)
Những Kẻ Căm Lặng (truyện ngắn)
Buổi Sáng Trong Làng (truyện ngắn)
Còn cọng rau dền (truyện ngắn)
Chìm Sâu Xuống Đáy (truyện ngắn)
Văn Hoá Đọc, (tạp văn)
Đĩ Xược (truyện ngắn)
Vàng Bông Vạn Thọ (truyện ngắn)
Tàu Khuya (truyện ngắn)