Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
405
116.603.806
 
Hai mươi năm và nhiều hơn thế…
Trần Trung Sáng

Trong loạt ấn phẩm gồm nhiều tuyển tập thơ văn, truyện ký… nhân kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Báo Thanh Niên ( 1986 – 2006 ), tôi thật bất ngờ khi đọc gặp ở phần bìa giới thiệu Tuyển tập “Gõ cửa đêm giao thừa thế ky“của Nguyễn Công Khế  ( Tổng biên tập Báo Thanh Niên ): ngay dưới bức ảnh của tác giả thời niên thiếu mang biển số tù nhân là một đoạn văn của tôi viết về những kỷ niệm thăm Khế bên song sắt nhà tù ( chế độ Sài Gòn trước 1975 ) và khát vọng về việc thành lập một tờ báo. Đoạn văn ấy viết từ lúc nào, in nơi đâu… hầu như tôi không còn nhớ. Nhưng những hoài bão, ước mơ về một tờ báo cho ngày đất nước thống nhất, hoà bình là điều nhóm bạn bè chúng tôi đã nung nấu từ thuở ngồi cùng ghế dưới mái trường trung học Phan Chu Trinh ( TP Đà Nẵng )…

 

Sau năm học lớp 10 C, tôi từ giã trường trung học Trần Quý Cáp ( Hội An ) thi vào Cao Đẳng Mỹ Thuật ( Huế ) rồi bỏ, xin chuyển vào trường trung học Phan Chu Trinh ( Đà Nẵng ). Những ngày đầu bước vào mái trường này với tôi thật bỡ ngỡ, vì hầu hết  các nhóm bạn không quen nhau. Số đông là nhóm từ trường Pháp Pascal sang ( vì đặc trưng ban C bây giờ môn chính là văn chương, ngoại ngữ ), một số ít từ các vùng Tam Kỳ, Điện Bàn… chuyển đến. Nhưng cảm giác xa lạ ấy cũng dần vơi đi, bởi sát bên cạnh tôi có một gã học trò mặc áo sờn vai, thường xuyên gợi chuyện thơ văn, báo chí, chiến tranh, hoà bình… Gã ấy có tên: Nguyễn Công Khế, đến từ trường Trần Cao Vân ( Tam Kỳ ), quê quán ở Thăng Bình mà khi ấy tôi thường nghĩ đến như một vùng đất xa xôi, đầy bom đạn.

 

Đầu tiên, tôi tham gia với các tuyển tập báo chí ( chép tay và ronéo ) của lớp học mới tại trường Phan Chu Trinh với tư cách của một người vẽ tranh minh hoạ. Mặc dù trong lớp cũng đã có một cây cọ khác tên Hạnh, con trai của hoạ sĩ Maria Mộng Hoa – một gia đình hoạt động mỹ thuật truyền thống từ nhiều đời, nhưng không hiểu vì sao các bạn lại thích dùng tranh tôi làm phụ bản hoặc su-ve để treo trên bàn học. Thỉnh thoảng, Khế thường mơ mộng :

- Sau này đất nước hoà bình tụi mình sẽ làm một tờ báo dành cho thanh niên. Chỉ với nhóm bạn tụi mình là cũng đã tổ chức được rồi. Chẳng hạn lúc ấy, mi sẽ là hoạ sĩ trình bày của báo…

 

Thực ra, trước thời điểm bước vào trường Phan Chu Trinh, khi  còn ở quê nhà Khế đã cùng một nhóm bạn tổ chức thành một bút nhóm thơ văn in ấn trên vài tuần báo ở Sài Gòn gồm các cây bút như : Hoài Mộng Diễm Thư ( nay là nhà văn Nguyễn Nhật Anh ), Phan Văn Minh (tác giả ca khúc Cả nhà thương nhau ), Hoàng Lynh Vũ (tên thật Huỳnh văn Hoa, nay là Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo TP Đà Nẵng )... Trong số này, Hoàng Lynh Vũ cùng có mặt tại lớp học chúng tôi – thường gắn bó và chia xẻ với Khế những lúc đến trường. Trong đặc san Hương Đất của trường trung học Phan Chu Trinh lúc ấy, Vũ có bài thơ Trên cao đỉnh mùa xuân :

 

Rồi một ngày trở về đẹp như thơ

Ta nằm nghe những loài chim tình tự

Sớm mai hồng hót những bài ca

Bài ca thật bình thường

Như lời ru à ơi....

 

Thầy giáo dạy Việt văn Trần Thông thường đọc lui đọc tới  khen ngợi về những câu thơ ấy, và đánh giá Vũ sẽ là một nhà thơ tài năng. Những lần trên đường đi học trò chuyện cùng nhau, tôi thấy Vũ cũng giống Khế ở những chiếc áo trắng bạc màu, sờn vai  đến làm xót xa, nhưng xem ra anh ta ít bàn bạc nhiều về thơ. Có lần thấy anh ta xuống tóc, cạo đầu, tôi hỏi vì sao? Anh ta bảo rằng, ở cái xã hội  nhiễu nhương này phải làm một cuộc cách mạng nào đó, trước hết phải làm cách mạng chính bản thân mình…

 

Giữa năm học 11, tôi được nhóm bạn giao vẽ và trình bày bìa tập Thơ văn “ Hai mươi lăm năm ta phải thấy một ngày “ . Nghe nói tập sách có cả phụ bản Bửu Chỉ cùng bài vở của nhiều cây bút sinh viên Đại học Huế. Thế nhưng, công việc chưa hoàn thành thì tôi nghe tin Khế cùng một số người khác bị bắt giam vào Ty cảnh sát Gia Long. Từ thời điểm này Vũ cũng mất tích (về sau mới biết được khi phong trào bị lộ, Vũ chạy ngược vào trường trung học Trần Quý Cáp (Hội An) nương náu chính lớp học cũ của tôi ).

 

Lần đầu vào thăm Khế ở trại tù, tôi chẳng hề mảy may lo âu, sợ hãi, vì nghĩ đơn giản : đó là sự đàn áp phong trào SVHS, người ta bắt bớ dăm ba bữa lại thả… Thế nhưng, hai người bạn đứng  cạnh song sắt bên Khế thì hết sức ngạc nhiên. Người phụ nữ được giới thiệu  tên Quế Hương ( nghe nói là cháu ngoại cụ Phan Chu Trinh ). Người thanh niên trông lớn hơn chúng tôi vài tuổi có tên là Đặng Thanh Tịnh ( nay là Phó Tổng biên tập báo Thanh Niên ). Họ hỏi :

- Là bạn hay là em ruột của Khế? Sao dám vào đây thăm?

 

Ngoài những lần như thế cho đến trước khi Khế chuyển vào các trại tù miền Nam, chúng tôi còn gặp nhau một lần tự do hơn  ở kỳ thi Tú Tài tại  hành lang trường bán công Sao Mai (nay là trường trung học Trần Phú). Đứng bên cạnh Khế, hai gã mật vụ cao lớn luôn dõi mắt xem chừng, nhưng câu chuyện của chúng tôi vẫn diễn ra rất trọn vẹn. Khế bảo :

- Còn không lâu nữa, nay mai đất nước sẽ hoà bình. Nhất định tụi mình sẽ làm một tờ báo thanh niên. Ong hãy chuẩn bị, chúng mình sẽ gặp nhau…

 

*

Câu chuyện về những hoài bão, ước mơ của một thời tuổi trẻ rồi cũng qua đi. Sau ngày hoà bình, bạn bè chúng tôi mỗi người một phần việc, êm đềm hay trôi nổi theo số phận của mình. Tình cơ, vào đầu năm 1986, tôi có dịp vào TP HCM gặp Khế đúng vào lúc tờ Tuần tin Thanh Niên đang ra mắt những số đầu tiên. Lúc này, anh Huỳnh Tấn Mẫm ( nguyên Chủ tịch Tổng Hội Sinh viên Sài Gòn ) làm Tổng biên tập. Khế với cương vị Phó Tổng biên tập nhưng hầu như lo liệu toàn bộ nội dung. Dù bận rộn, nhưng Khế cũng giữ tôi ở lại nhà riêng khoảng gần mười ngày để vui chơi và cũng để chứng kiến sự vận hành của báo Thanh Niên trong giai đoạn đầu tiên- một giấc mơ ngày nào trở thành sự thật.

 

Cùng trong lần gặp gỡ này còn có một người bạn cũ trong phong trào tại Đà Nẵng : Lê Tự Quảng – lúc này làm việc ở một đơn vị kinh doanh ô tô. Quảng dùng một chiếc ô tô rất mới để đưa chúng tôi chạy loanh quanh khắp Sài Gòn. Qua nhiều ngã đường, câu chuyện của Quảng và Khế vẫn không ngừng mang đậm dấu ấn về những ký ức các cuộc xuống đường, biểu ngữ, lựu đạn cay...

 

Một lần, xe đậu dừng lại trước một thương xá ở đại lộ Nguyễn Huệ, nhìn lên những cánh én vui nhộn đang chao lượn bên những cao ốc in trên khoảng trời, Khế hỏi tôi:

- Nề, mi thấy Sài Gòn đẹp không?

 

Bất chợt, từ phía sau, tôi nhìn vào vai áo sơmi của Khế, tôi lại nhớ đến chiếc áo sờn vai của gã học trò năm nào và thật sự mừng vui, bởi cảm nhận chính phút giây này Khế an bình biết bao, dù cuộc chiến đã lùi rất xa… Tôi nói như với chính mình :

-  Ừ, Sài Gòn đẹp qúa! Nhưng Sài Gòn không dành cho tôi.

 

Từ lần đó đến nay vừa đúng hai mươi năm. Báo Thanh Niên đã hai mươi tuổi, trở thành một trong những tờ báo có số lượng bạn đọc lớn nhất nước. Nhưng đối với chúng tôi, tờ báo ấy đã ra đời từ lâu hơn thế...Và tôi tin, mãi mãi nó vẫn hoài mang ngọn lửa của tuổi thanh xuân trong sáng, hết mình vì lý tưởng cuộc sống tốt đẹp …./.

 

Văn nghệ Trẻ /2006

Anh : Bìa 1 Gõ cửa dêm giao thừa thế kỷ

Trần Trung Sáng
Số lần đọc: 3313
Ngày đăng: 20.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Về thăm Quê Xép - Nguyễn Thuỵ Nhã
Vĩnh biệt ông: nhà văn Xuân Sách - Nguyễn Đức Thiện
Khởi sắc U Minh - Nguyễn Thuỵ Nhã
Đất của mẹ - Võ Ðắc Danh
Hoàng Phủ Ngọc Tường : Về nguồn xưa gối tay nằm bệnh - Nguyễn Hoàn
Cimexcol minh hải, 20 năm oan án. - Đặng Huỳnh Lộc
Mẹ Gio Linh - Mẹ Việt Nam - Nguyễn Hoàn
Tường trình buồn từ đồi Thi nhân - Lê Hoài Lương
Miếng ngon nhớ lâu - 5 - Lê Xuân Quang
Festival Huế - Từ một góc nhìn - Nguyễn Hoàn
Cùng một tác giả
Những que diêm (truyện ngắn)
Trái tim con rồng đá (truyện ngắn)
Mát - xa (truyện ngắn)
Người vác chõng tre (truyện ngắn)
Đêm giáng sinh (truyện ngắn)
Đêm trắng phập phù (truyện ngắn)
Bầy ngựa bơ vơ (truyện ngắn)
Họp lớp (truyện ngắn)
Thơ xích lô (tạp văn)
Con gái (truyện ngắn)
Dì ghẻ (truyện ngắn)
Chú hề làng (truyện ngắn)
Ngày Cậu Cóc Ra Đi (truyện ngắn)
Chùa xưa (truyện ngắn)
Bản tin giờ thứ 25 (truyện ngắn)
Giã từ "mưa Huế" (nghệ thuật)
Chiếc nhẫn cưới (truyện ngắn)
Chuyện ngọ xưa (truyện ngắn)