Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
451
115.865.226
 
Thử nhận diện Lam Hạnh
Inrasara

[Chuyện nhảm nhí]:

“… Miệng người đã lắm tin nhà thì không…”

Truyện Kiều.

 

Sau tết 2008, Vanchuongviet.org đưa tin về tập thơ Ngực cỏ của Lam Hạnh sắp xuất bản, có nhắc đến tên tôi là kẻ viết Lời bạt. Tôi khá thành kiến vụ tác phẩm chưa ra lò mà đã rềnh rang báo chí ỏm tỏi. Nên mới phone cho Lam Hạnh “em nhắn anh Hòa lấy xuống nhé, không tiện lắm khi sách chưa in”. Lam Hạnh đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên giao.

 

Bẵng đi ngày tháng dài, đọc được bài phê bình của Vĩnh Phúc về tập thơ. Mừng cho Lam Hạnh, nhưng tôi vẫn đinh ninh tập thơ chưa ra lò. Rồi đùng cái, Damau.org giới thiệu tập thơ Ngực cỏ và đăng kèm luôn “Lời bạt” của tôi. À, thì ra nó đã mở mắt chào đời.

 

Tôi hiếm khi viết cái gì đó cho tác phẩm chưa in. Tựa hay lời giới thiệu thì càng. Đến nay mới có ba, về kẻ thật gần gũi thân cận. Làng cạnh làng (Nguyên Vi, làng Từ Tâm và làng Mỹ Nghiệp - Ninh Thuận), phường sát phường (Phan Trung Thành, quận Tân Phú) và huyện kề huyện (Chế Mỹ Lan, Phan Rí). Còn lại, đâu đó chúng được tác giả nâng cấp thành “Tựa”. Có tập tôi viết vỏn vẹn một trang vở học trò, và nhắn “bạn để góc nào thật khuất xen lẫn với nhiều người kẻ khác nhé”, nhưng khi làm bản thảo tác giả lại đưa lên trang đầu in chữ to đùng đến hai trang, - khiếp! Ngay cả tập thơ tôi, tuyệt không có tựa, lời giới thiệu của ai bất kì; trích đoạn tụng ca thì càng lánh xa. Mỗi Sinh nhật cây xương rồng, lời bạt của Nông Quốc Chấn được in là để cho một bát nước rửa mặt, như lối nói của dân quê Chăm với kẻ mình mang ơn. Ông đã hai năm ròng gõ cửa xin giấy phép cho tập đầu tay của tôi là Tháp nắng, dù bất thành, nhưng tôi vẫn ơn ông.

 

Nói về vụ bạt, lời giới thiệu hay tựa mới nhớ vụ Bùi Chát. Tôi rất khoái bạn thơ này đã in bài viết ngắn của tôi “Sáo chộn với Bùi Trát” về tập thơ Xáo chộn chong ngày lẫn lộn với thư Vi Thùy Linh gởi Lý Đợi, nhận định của cô bán quán bia, hay anh bạn xích lô,… Bình đẳng và đề huề. Rất đã!

 

Nay với Lam Hạnh, tỉnh kế tỉnh, tôi viết bạt và nhắn “in chữ nhỏ thôi”. Bạn thơ đã làm y chang một phần, nhưng không hiểu công đoạn hai là co chữ, nó có được nhỏ nhắn xinh đẹp như lời dặn lúc đi xa không, bởi cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa thấy mặt mũi nó nằm góc khuất tâm linh nào của tập thơ [nếu đã in] nữa.

Sau đây là nguyên văn Lời bạt.

 

Nhận diện một khuôn mặt…

Ở bài “Tự họa”, người đọc bắt gặp đoạn thơ:

Tôi bắt gặp tôi giữa mảnh vỡ bê tông cảm xúc

Kiêu hãnh trùng trùng mái chóp nhô, đôi mái lá lạc điệu

Tên như một định mệnh cong vênh

 

Mẹ khai sinh, không phải hạnh đào hạnh trắng

Hạnh màu lam cơn mưa giấc nắng

Mùa tháng bảy, một cánh tay treo lên, bất ổn

Không xâu hết xúm xít nỗi buồn đỏ sậm

Hoang mang thân cuống triệu chứng úa màu lá

Héo

 

Và họ làm cuộc đoán mò: người thơ ấy tên Hạnh – Lam Hạnh. Giới tính: nữ. Nàng chịu một bất ổn, một sự hẫng nào đó, nếu có thể nói thế. Về thể chất: một cánh tay treo lên; gia cảnh: đôi mái lá lạc điệu giữa trùng trùng mái chóp nhô; quê nhà: nắng, mưa, gió thừa thãi và thất thường; hay cả cuộc tình: “mảng cỏ rối giấu những xao động hẫng”. Nàng chìm ngập giữa điệp điệp nỗi buồn đỏ sậm, ngổn ngang bao mảnh vỡ của cảm xúc. Nàng cảm nghe hẫng, lạc lõng, hoang mang. Nàng sẽ… héo, tàn chăng?

Không! Người thơ ấy vẫn còn niềm kiêu hãnh, thứ kiêu hãnh của kẻ mang trong mình phận thơ: “Những con chữ hiện hình giấc mơ”… Người thơ ấy cần thức nhận đúng mặt thật mình, để mà cưu mang, mà khát khao, vươn vượt.

 

… một quê nhà,

Là Cam Ranh. “Khúc ruột, cánh đồng trưa chang nắng / những luống cày chảy / mồ hôi…” (“Khúc ruột”). Cam Ranh của bão dông, của mưa thối đất và nắng cháy da. Cam Ranh ngập tràn mây trắng, biển trắng xóa, đồng lũ trắng xóa. Người lam lũ trong cuộc đời lam lũ. Nên, chỉ có kẻ thực sự yêu đất mới ở lại với đất, tha thiết với người mới thủy chung gắn bó với người. Cam Ranh.

anh chạy trốn vùng cát tênh hênh gió

giàn giụa giọt nắng mồ hôi em…

                                    (“Cỏ em xanh”)

Cuộc tình rời xa, em ở lại. Người đến rồi người đi, nhưng không vì thế mà Cam Ranh héo, tàn hay mất đi sức sống:

Cam Ranh

đêm thị xã

những gốc hoa sữa chồm dậy nói chuyện với con đường

bằng ngôn ngữ nồng

vàng lóa mắt đường không hình dung nổi

màu biển đen thăm thẳm

nhạy cảm dưới gốc những chuyện tình

những quán cà phê thênh thang

thả vào ngồn ngộn cơn gió mênh mang

hòa âm mới.

                                    (“Đêm Cam Ranh”)

Cam Ranh có lại hòa âm mới, em có lại cuộc tình mới: “Vắt ngực tình em bay hương cỏ / Không quê mùa… / Không hiện đại”.

Ngày hơn hớn dẫn ta đi miền sông bướm lạ

cánh xập xòe chảy bóng vàng hoa

nụ cười em vẽ lên ngực cỏ

ngọn mi xanh

đất mộng du và trời anh mộng du.

                                    (“Hơn hớn ngực cỏ”)

 

và một giọng thơ.

Ngực cỏ phồn sinh sẵn sàng đón đợi cuộc tình mới, một cuộc tình thôi làm màu mè phấn son, “không còn ngọng nghịu giả vờ” tán tỉnh với những thề non hẹn biển đã sáo mòn; kẻ tình nhân dám quẳng hết mọi nỗi trang nghiêm trí tuệ [rởm], đạo đức [giả] ở lại phía sau, để nhập cuộc. Như cặp tình [nhân] bò trong bình minh Mornington phong dật kia:

… quẳng tất cả lễ nghĩa đúm đùm một gói

bên đường

không cần quá nhiều trí tuệ phẩm chất để yêu và

làm tình

khi âm dương khuấy chung trong cùng một cơn khát

… bình minh trên Mornington dậm dật những đôi chân…

            (“Mornington – Bình minh dậm dật những đôi chân”)

Nỗi khát yêu và kêu đòi giải phóng tình dục như kiểu này, không mới. Đã xảy ra mươi năm qua, ở thơ nữ. Đậm đặc nữa là khác. Khác chăng, Lam Hạnh dám cắt đứt hình tượng “ngựa” (Inrasara, “Thơ trẻ và hiện tượng lặp lại mình”) để quay về với hình ảnh “bò” lạ mà quen. Với lối nhìn cận cảnh, khá độc đáo.

Tại điểm này, người đọc bắt gặp giọng thơ Lam Hạnh – một giọng thơ “không quê mùa, không hiện đại” nhưng không vì thế mà nó không có sức hút riêng.

 

Sức hút ấy – chính là hình tượng [cũ mà] mới và cách nhìn mới.

Thơ trẻ [nhất là nữ] lâu nay hay bị than phiền là quá chủ quan, quá hướng về cái Tôi cảm tính mà ít mở ra bên ngoài. Lam Hạnh cũng khó thoát khỏi quỹ đạo đó. Ngực cỏ vẫn làm dáng với những “lưỡi bí mật”, “bâng khuâng tiên cảm phồn sinh”, “mùa yêu nồng nàn”, “hoang tưởng đen”, “khát cơn tội lỗi”, “nhiễm độc tinh khiết thơm”,đường bay vọng động”, “cơn mưa huyễn hoặc”, “khối u mãn tính”,… Chúng ta cứ tưởng Lam Hạnh sẽ chết chìm giữa đống nhàm cũ kia! Nhưng không, người thơ nữ của đất nắng Cam Ranh vẫn có thể trỗi dậy. Với cách nhìn riêng, sắc lẹm.

Từ hào quang lộng lẫy của “Hoa hậu” được quan sát từ xa:

Nàng đi qua, trên phố đông xa lạ

Lưng trần dán lên mắt khát thèm

… Mình chỉ là cái nhãn quảng cáo

con cờ của những cuộc chơi…!                         

Qua việc nhận ra mình bị phân mảnh giữa nhịp sống cuồng loạn chốn vũ trường:                Xập xình vũ trường  đêm saxo man dại   

Lưng trần đẫm mồ hôi, chân hồng bít tất

… Tôi thấy tôi trên những ô cửa kính 8x

Phân mảnh.

                        (“Trên những ô cửa phân mảnh”)

Cho đến phản ứng khi đọc phải tin tức từ mảnh báo [Tuổi trẻ] về 53 cô gái Việt Nam dự tuyển lấy chồng Hàn Quốc, Lam Hạnh vẫn cho người đọc cái nhìn khác, một liên tưởng gần, thực - vừa phê phán vừa cảm thông phận người:

Nước đang lên và son phấn  xếp hàng

đợi

rốn sâu

lưng ong

chờ mở cửa bàn tay chồng ngoại

… Nước vẫn lên miền Trung

Em cô gái miền Tây phơi ngực

                                 ung dung

quên

những mặt người cơn lũ gian nan…

                        (“Nước vẫn lên”)

 

“Vắt suốt mùa đợi, một ngóng trông…”. Suốt mùa đợi, bên dòng thơ ca đang chìm nghỉm giữa muôn vàn chủng loại thông tin đại chúng, trước cấp tập sản phẩm thơ ra đời như thác lũ chữ nghĩa, người đọc thèm ngóng trông một giọng thơ lạ. Lạ và khác. Lam Hạnh với Ngực cỏ ở mức nào đó, vẫn cho chúng ta hi vọng.

 

Sài Gòn, 09.01.2008.

 

 

 

Inrasara
Số lần đọc: 3267
Ngày đăng: 24.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tạp bút Mang viên Long - Mang Viên Long
Vũ Hoàng Chương– Sầu trắng đêm nhớ quê - Trần Ngọc Tuấn
Kẻ đóng thế - Trần Huy Thuận
Những miền qua…2. Nhớ Huế - Nguyễn Thị Hậu
Nhân ngày 21-6-2008 : Kỉ niệm nghề báo - Huỳnh Kim
Gặp lại cánh đồng.. - Nguyễn Hoài Nhật,
Qủa bóng tròn nên lăn bất định... : Ý , Pháp - Sắp ’’Đi’’ Rồi! - Lê Xuân Quang
Bùi Giáng - ngắm trăng sau độ mưa nguồn - Trần Ngọc Tuấn
Lã Bất Vi thời hiện đại - Trần Huy Thuận
Những miền qua…1. Hoài niệm xứ Đoài - Nguyễn Thị Hậu
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)