Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
445
115.866.952
 
Nhập lưu HẬU HIỆN ĐẠI CUỐI CÙNG Hay Giải [minh & giải] oan cho một từ
Inrasara

(Viết riêng cho vanchuongviet.org)

 

VCV : Bài viết này và những ngày gần đây của Inrasara,người bạn thân thiết của VCV như một giải bày ngậm ngùi,tôi cũng buồn theo anh…chúng ta đang làm gì,chúng ta làm được gì ..có chăng tiếng gió ngoài khung cửa đang thở than..NHvcv

 

 

1. Tháng giêng năm 2006, từ nhập cuộc Vanchuongviet.org thuở Website này còn mang tên khai sinh Vannghesongcuulong, thử ngoái lại nhìn, hốt nhiên nghe thảng thốt. Với bao nhiêu vui và buồn, được và mất. Mới đó, mà đã hai năm rưỡi đi qua. Bất chợt anh em lang thang Ban Mê, bất chợt Bàn tròn văn chương kì ba tại căn nhà số 90 Xô Viết Nghệ Tĩnh - thành phố Vũng Tàu, nơi chưa đầy tuần sau cơn bão đánh trốc, bất chợt chuyện dự án tuyển thơ - văn, kế hoạch nâng cấp Web, bất chợt tán dóc càphê Bông Giấy,... đó và đây, tiếng cười hả hê hay nỗi buồn hụt hẫng. Mất, còn, sum họp, chia tay,… đủ cả.

 

Tháng ngày đi như gió.

Non ngàn ngày trong ba vạn sáu ngàn ngày đi qua cuộc đời, đời người và đời chữ, ngoái lại dòm vào cột tác giả Inrasara, thảng thốt với con số 72 bài! Hơn cả con số 70 bài dài/ ngắn tròm trèm đăng trên Tienve.org, dù tôi đã nhập cuộc này dài gấp đôi thời gian số đếm so với Vanchuongviet. Nghĩa là, tôi đóng góp công điểm cho hợp tác xã văn chương chữ nghĩa quốc nội cũng ngang bằng quốc ngoại.

 

Như vậy, nó có vẻ cấp tập quá, hối hả nữa – nghĩa là không bình thường lắm. Dừng lại là vừa. Để cho người thiên hạ còn góp công sức, mồ hôi mồ kê. Với Vanchuongviet.org, với Nguyễn Hòa, kẻ nhập cuộc chịu chơi, và rủ rê chúng ta chịu chơi nhập cuộc.

 

Về phần tôi, mười hai năm nhập làng chữ nghĩa, khi bia bọt thâu đêm lúc càphê suốt sáng, khi tỉnh cơn say chữ lúc tàn cuộc Bàn tròn, hỉ nộ ái ố đủ đầy. Thế mới vui. Văn chương là cuộc chơi, chơi hiểu theo nghĩa khinh khoái và sâu thẳm của Heidegger. Nghĩa là hết mình, sẵn sàng để cho nó tác động đến sinh mệnh kẻ tham dự. Cuộc chơi thì phải vui, bày nhiều trò chơi, cuốn hút nhiều kẻ nhập cuộc vui. Vui như Bàn tròn văn chương một thời đã. Mỗi Bàn tròn khởi đầu bằng chơi và kết thúc luôn là kết thúc vui. Nó lôi kéo từ con số 25 kì nhất đến 70 người nhập làng ở kì sau cùng. Mà mỗi kì Bàn tròn chỉ tiêu tốn tiền nhân dân vỏn vẹn ba trăm ngàn đồng chẵn. Ở đó, mọi người đã chơi thiệt. Chơi đầy chuyên nghiệp, như đánh giá của một nhà văn “trên”. Nhưng khi cuộc chơi có mòi toan tính hay nhuốm gánh nặng nỗi người, tôi quyết cắt cái rụp, không nhỏ giọt nước mắt phim bộ.

 

Vậy đó thiết nghĩ, nếu cuộc văn chương tiếng Việt thập niên qua thiếu nhóm Mở Miệng hay nhóm Ngựa Trời, khuyết đi những Nguyễn Quốc Chánh, Trần Tiến Dũng, Thận Nhiên, Phan Bá Thọ, Lý Đợi, Bùi Chát, Khúc Duy, Như Huy, Phạm Lưu Vũ, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nhật Chiêu, Lê Anh Hoài, Đặng Thân, Nguyệt Phạm, Lynh Bacardi, Vũ Trọng Quang, Trần Hữu Dũng, Khương Hà, Nguyễn Thúy Hằng, Thanh Xuân, Phương Lan,… bao nhiêu là người kẻ, hỏi nó sẽ ra làm sao? Trước nữa: Nguyễn Hoàng Nam, Đỗ Kh, Lê Thị Thấm Vân, Khế Iêm, Nguyễn Thị Hoàng Bắc,… và xa hơn: Đinh Linh, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Hoàng Tranh,… Cũng không thể quên: Hoàng Ngọc-Tuấn, Nguyễn Hưng Quốc, Nguyễn Thị Ngọc Nhung, Nguyễn Đăng Thường, Nguyễn Hương,… Có người viết cư ngụ ở vùng xa miền sâu và cao, nhưng sức sáng tạo cứ cuồn cuộn tràn bờ: Trần Tuấn, Lê Vĩnh Tài, Lê Hưng Tiến, Trà Vigia, Lê Hoài Lương, Đinh Thị Như Thúy, Jalau Anưk,… 

 

Tất cả họ đã hay còn mấp mé cửa hậu hiện đại, cả rời bỏ hoặc thậm chí không chấp nhận hậu hiện đại, ít nhiều có mặt trong điểm danh của tôi. Có tác giả tôi viết đầy hứng khởi và bay: bài về Phạm Lưu Vũ, Phan Nhiên Hạo, Nguyễn Hoàng Tranh,… chẳng hạn. Có nhóm/ khuôn mặt tôi phải đánh vật đo đếm cân đong từng con chữ mới ra một tiểu luận vừa ý mà ít báo muốn đăng.

Họ đã và đang làm nên sôi động, đa dạng, đa phong cách cuộc văn chương chữ nghĩa Việt. Trong đó có cả các tên tuổi quái chiêu không kém, vui vẻ và độc đáo nữa mà tôi chưa kịp ghi nhận: Vũ Thành Sơn, Lưu Hy Lạc, Đỗ Lê Anh Đào, Nguyễn Viện, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Lê Nghĩa Quang Tuấn, Lưu Diệu Vân, Michelia, Bỉm,… Họ, đều đang nằm trong tầm ngắm lập biên bản tôi ở ngày mai biết ra sao ngày sau.

 

Cứ nghĩ văn chương tiếng Việt thiếu vắng họ. Đìu hiu và mồ côi biết bao, nó sẽ rù rì lạch cạch và đều đều xiết mấy. Vậy mà ta cứ xem họ ngoại vi, phi chính thống, hay gì gì khác nữa có ma mà biết. Văn chương cần lắm cành nhánh, đa khuynh hướng, để nhiều tay vỗ nên bộp, chớ ta cứ một món mà nhai hoài thì ôi là ngán. Đệ nhất ngán là tâm phân biệt đối xử trong văn chương.

 

2. Ở khía cạnh khác, dăm năm qua tôi đã thử lên tiếng bập bẹ hú gọi. Nhưng rồi nhìn tới nhìn lui không nghe đâu vọng âm đồng thanh đồng khí. Có, nhưng cực hiếm. Có chăng chỉ những bấc chì nặng chịch ném về. Đòi xé toạc cánh mỏng chuồn chuồn thơ ngây phấp phới tìm kiếm, khai mở - nói như Bùi Thy Sỹ Trung niên. Hay như Hoelderlin: một hạt sương rơi trên chuông, làm lạc đi tiếng chuông được đánh lên vào buổi cơm chiều. Một hạt sương đã thế, huống hồ ta cứ thói nhà áo mão đạo đức luân lí học nhà trường mô phạm với trừng mắt chánh trị chánh em mà xét nét con nhà văn chương lãng đãng.

 

Ngoảnh lại, thấy mỗi mình đang marathon với [phê bình] hậu hiện đại. Xung quanh, vắng hoang con đường ma. Chà lạnh lắm giá băng tràn mọi nẻo, trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da. Tạm tin nghe Zhu Binglong nhận xét sự thể xảy ra bên nước bạn to đùng:

 

“Chủ nghĩa hậu hiện đại đã đi vào sinh hoạt văn chương nghệ thuật của chúng ta hầu như không có được trở ngại nào. Dường như là người Trung Hoa đã đón nhận chủ nghĩa hậu hiện đại không một chút lưỡng lự như là họ đã từng lưỡng lự khi đối diện với chủ nghĩa hiện đại. Các yếu tố hậu hiện đại trong văn chương Trung Hoa ngày nay, trong dáng dấp ban đầu của chúng, đã chín muồi và tinh xảo” (Henry Y.H. Zhao, “Post-Isms and Chinese New Consevatism”, Nguyễn Hưng Quốc trích lại trong Mấy vấn đề phê bình và lý thuyết văn học, Văn mới xuất bản, USA, 2007, tr. 305).

 

Đủ thấy sự nhanh nhạy của kẻ thiên hạ láng giềng bên cạnh. Đó là chuyện từ giữa thập niên chín mươi của thế kỉ trước, trong lúc ở ta, non mười năm sau thiên kỉ thứ ba, hậu hiện đại mãi giữ “những khoảng cách còn lại”, cứ tư thế kí đơn lôi nhau ra tòa li dị bi thiết lâm li.

 

Biết mình đang đánh vật với bóng ma, lắm bận tôi toan giã từ cõi mộng điêu linh, mà về buôn bán với mình phôi pha. Cũng đã viết đơn xin hưu non, giờ chót lại không nộp. Tinh thần bám ghế vẫn tồn đọng trong nhà văn là vậy. Ừ, từ bỏ cuộc gì thì dễ chứ cuộc chữ nghĩa tưởng ợt nhưng lại vô vàn khó nhọc. Cuối cùng, thôi thì dẫu sao tôi cũng đã thử đập một nhát búa vào tường thành vô hình: tập tiểu luận Song thoại với cái mới, sắp tới làm thêm nhát nữa vào hàng rào vô ảnh: tập phê bình Từ hiện đại đến hậu hiện đại.

 

Coi như hết vở. Văn chương ngỡ là cuộc vui ai dè biến thành món nợ nần nặng chịch đè lên tâm hồn nhau. Bẹp dí!

 

Hậu hiện đại có được [cần] giải minh hay giải oan?

 

3. Đó là chuyện của tương lai và của mọi người mọi nhà chung mọi mọi.

Riêng tôi, trước khi về hưu (chỉ lai rai có mặt chứ hết cấp tập om xòm to con như hai năm rưỡi của thời trai tráng cũ) cũng cần giải minh cho mình. Về vài chữ mình lỡ xài khi đương chức đương quyền đương đè đầu cưỡi cổ.

 

Cần ghi chú rằng, đây là chuyện khá nhảm nhí thuộc dạng bếp núc văn học. Đọc rồi bỏ qua để tránh đau bao tử hay sâu răng.

 

RỖNG. Tôi không làm thơ tùy hứng tùy nghi mà, có phương án, kế hoạch. Tập thơ Lễ tẩy trần tháng Tư được ghi chú trước đó vài năm, mãi mùa hè 2002, dự Trại sáng tác của Hội Nhà văn ở Vũng Tàu, tôi mới có thời gian ngồi rặn ra nó. Tôi viết nó liên tục trong 20 ngày. Đưa cho bạn văn đọc gọi là góp ý rải rác trại viên với nhau. Ngô Khắc Tài bảo từ này nhảm quá, tôi vâng lời xóa ngay. Nhà thơ Đàm Chu Văn khuyên Sara nên loại hai đoạn kia khỏi tập đi, tôi cũng nghe. Nghĩa là tính tình “dễ bảo”, như tay thơ Trần Wũ Khang từng nhạnh tôi thế. Nói chung, bạn văn xa gần đều xoa đầu: tập thơ được!

 

Gởi bản thảo cho nhà xuất bản Hội Nhà văn, một vị ở đó kêu rằng: đây là bản thảo thơ hay nhất trong vài năm qua tôi được đọc, chắc chắn nó sẽ giật giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam(1)! Nhà xuất bản đề nghị loại bỏ 7 bài “Những ngày rỗng”, tôi đã vâng, mặc dù thiếu chúng tập thơ sẽ bị hẫng. Nhưng tại sao mỗi từ “rỗng”, BBT bảo thay bằng “trống” để thành “Những ngày trống”, tôi cũng gật? Dại dột vậy đó. Rỗng với trống xa cách cả vực thẳm ý nghĩa. Đằng thì nhàn cư không có gì làm thành trống, đằng thì hàm nghĩa triết lí – một rỗng tạo tiền đề cho cái mới tràn vào và cho sáng tạo phong nhiêu.

 

Sách ra, bằng hữu có dịp đọc bản thảo tập thơ trước đó, đã phone tới la lối om xom về mỗi chuyển đổi giới tính này, tôi đành chịu trận. Bởi mình lỡ dại.

Cũng chưa oan bằng vụ sau.

 

LỒN. Đây là từ xảy ra trong tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, NXB Hội Nhà văn, 2006. Xin trích nguyên văn cho bà con gần xa thưởng lãm:

 

Chuyện 14. Thằng hoang

 

Lớp mười bỏ trường đi hắn kêu

chương trình quá chật, thằng hoang đàng

chuyên chọc ổi trộm bài không học

cũng thuộc ấy. Mười bảy tuổi bỏ

 

nhà ra đi hắn bảo làng quá

chật, cái thằng to xác siêu sao

ghi không dưới chục bàn một trận

xóm dưới ấy. Bỏ đất ra đi

 

hắn bảo Phan Rang quá chật. Bỏ

đại học hắn cho giảng đường quá

chật. Tổ quốc quá chật, lễ lạc

ý hệ, văn chương, triết lý quá

 

chật không chứa đủ hắn, thằng hoang

đãng ấy đang sống chết nơi đâu

Hắn đã tặng cho hoa hậu lớp

Msa một bụng rồi bỏ đi mất

 

tăm dặn đợi anh em nhé, mười

năm chờ hết nổi nàng chửi gió

đợi nó cho mệt cái lồn vụt

cưới chồng Hamu Crok. Hắn vẫn

 

không chịu dẫn xác về, nước mắt

bà mẹ tội nghiệp không làm mềm

hắn, bốn mươi năm thằng hoang hủy

hắn dọc ngang chân mây góc phố

 

nào bà con dòng họ vừa làm

tang hờ nhốt hồn vía hắn vào

cái klong đang rất chật.

 

Gởi bản thảo cho một nhà xuất bản trước đó, Ban biên tập chỉ đề nghị tôi bỏ ba bài khác chứ không đả động gì đến bài có “nó”. Bốn chị em tuổi trên dưới ba mươi báo cáo anh, “tụi em hội ý nhiều lần thấy không cách nào biên tập được, nên để lại nguyên xi như nó là thế”. Đùng cái, Hội Nhà văn thành phố có quyết định tài trợ in tập thơ. Dĩ nhiên, Hội chuyển bản thảo qua nhà xuất bản khác. Và tập thơ được in nguyên bản.

 

Gần tháng tập thơ mở mắt chào đời, BBT nhà xuất bản phone cho tôi thu hồi lại số sách tồn đọng, xóa “nó” đi mới phát hành [tặng] tiếp. Tôi nghiêm chỉnh chấp hành.

Chưa hết, sáng hôm sau tôi nhận cú phone của anh Lê Văn Thảo từ Văn phòng Hội Nhà văn: “Sara viết gì mà họ kêu, mậy. Mang hai bản cho tao cói”. Tôi chạy qua Hội. Anh giở ngay “Thằng hoang” nheo mắt dò tìm. – “Nó đâu mất rồi?”. – “Sara bôi rồi!” – “Mầy lấy cái bản chưa xóa cho tao”. Tôi đưa bản khác cho anh, thế thôi.

 

Nghĩa là tập thơ đã gây xôn xao dư luận!

Bạn thơ đùa: “Tập thơ đó có hai cái nhất: 18 bài thơ tân hình thức đầu tiên đường đường xuất hiện chính thống tại Việt Nam, và ăn theo nó là từ ’lồn’ cũng nghiêm chỉnh ló mặt đầu tiên”. Tôi bảo bạn thử thay cái từ nào khác đi. Ví thay bằng “âm vật”, “âm hộ”, nó vừa thừa chữ với không chuẩn và nhất là không ăn vần; còn nếu thay bằng “l.” thì nó yếu và nghe bị phân biệt đối xử quá đi. “Lồn”: đầy đủ, chuẩn xác và có thể nói, rất đẹp!(2)

… mười

năm chờ hết nổi nàng chửi gió

đợi nó cho mệt cái lồn vụt

cưới chồng Hamu Crok…

Tưởng đến đó là hết chuyện, ai ngờ chuyến đi thực tế cùng đoàn nhà văn thành phố lên Lâm Đồng, một nhà văn cho tôi biết: “nói thật với Sara, nếu không có ‘nó’, thì tập Chuyện 40 năm… đã đoạt cái giải của Hội ta năm ngoái rồi!(1)

 

Sài Gòn 23.06.2008.

_______________

 

Ghi chú:

(1) Anh nói vậy mà thiêng, đúng là năm đó Lễ tẩy trần tháng Tư cho tôi cái giải Hội Nhà văn lần hai. Vậy đó, tập Chuyện 40 năm… ví có ai mách nước trước, chắc chắn tôi sẽ dạ thưa vâng thiến mất “lồn” thành “l.” rồi!

(2) Tôi không chủ trương [và không năng khiếu] dùng từ [lâu nay bị cho là] húy kị trong văn chương, cả ở đời thực cũng vậy: đố ai thấy tôi nói tục bao giờ. Nhưng tôi không thanh cao, đạo đức với văn chương phải ẩn dụ đầy sạch sẽ. “Lồn” lần duy nhất xảy ra trong thơ tôi, tự nhiên như nhiên nên, không thể khác. Và tôi không nỡ xử sự tệ hại với nó. Nó chỉ là một từ, không hơn. Không khiêu dâm cũng chẳng khiêu khích ai. Lạ, trong khi ta mân mó nó, hít hà nó, liếm láp nó mỗi ngày mà ta cứ sợ nó làm dơ văn chương thanh tao ta, hỏi như thế có công bằng không? Hậu hiện đại quyết đánh tan mặc cảm đó.

 

Inrasara
Số lần đọc: 3164
Ngày đăng: 25.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử nhận diện Lam Hạnh - Inrasara
Tạp bút Mang viên Long - Mang Viên Long
Vũ Hoàng Chương– Sầu trắng đêm nhớ quê - Trần Ngọc Tuấn
Kẻ đóng thế - Trần Huy Thuận
Những miền qua…2. Nhớ Huế - Nguyễn Thị Hậu
Nhân ngày 21-6-2008 : Kỉ niệm nghề báo - Huỳnh Kim
Gặp lại cánh đồng.. - Nguyễn Hoài Nhật,
Qủa bóng tròn nên lăn bất định... : Ý , Pháp - Sắp ’’Đi’’ Rồi! - Lê Xuân Quang
Bùi Giáng - ngắm trăng sau độ mưa nguồn - Trần Ngọc Tuấn
Lã Bất Vi thời hiện đại - Trần Huy Thuận
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)