Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.316 tác phẩm
2.746 tác giả
458
115.867.864
 
Inrasara & các Viết ngắn về thơ
Inrasara

VCV sẽ giới thiệu các Viết ngắn về thơ của Inrasara ,và như các bài tiểu luận khác đăng trên VCV,Không phản ảnh hay là xác định quan điểm của VCV

 

Dẫn nhập:

 

Việt Nam không có truyền thống sáng tạo tư tưởng, cả triết lí lẫn nghệ thuật. Là điều miễn bàn. Do đó, học thiên hạ là chuyện bất đắc bất nhiên. Ví ta “sáng tạo” bất cần chủ nghĩa, trào lưu hay gì gì khác mà văn học ta to cồ khả năng dẫn đạo nền văn học kẻ thiên hạ đi thì không nói, đằng này ta luôn làm học trò, lại là họ trò chuyên trễ tàu. Như vậy, muộn 10-20 năm không hay hơn cả thế kỉ ư? Chớ nghĩ ta ngôn ngữ nhược tiểu khó tác động đến thế giới. Hãy nhớ vụ Soren Kierkegaard của Đan Mạch, ông tổ triết học hiện sinh đã ảnh hưởng nhân loại như thế nào cũng đủ biết.

 

Do đó thiển nghĩ, vài phát biểu manh mún đầy cảm tính và tùy hứng, lắm lúc rất lạc hậu sẽ không dẫn chúng ta đến đâu cả. Mà chỉ khi chúng ta biết dừng lại, tự thức mình đang đứng [ngồi] ở đâu trong dòng chảy của văn học thế giới, để khiêm cung đặt vấn đề từ nền tảng, từ bỏ mọi cố chấp định kiến với tinh thần mở, vô phân biệt [của hậu hiện đại], ta mới khi vọng khai vỡ được vài miếng đất hoang của sáng tạo đích thực.

Với tinh thần cầu học đó (cả người viết và người đọc), tôi thử trích đoạn/ lược tóm từ các tiểu luận của tôi giai đoạn 2002-2007 thành 60 Viết ngắn, sẽ đăng không theo thứ tự trên Vanchuongviet.org, để hầu bạn thơ và bạn đọc yêu thơ. (Chú ý: 8 Viết ngắn đã xuất hiện trước đó ở Website này).

 

Inrasara

 

01. Nhà thơ và vấn đề lí luận

02. Nhà thơ cần biết sợ thơ để người đọc còn cần đến thơ

03. Tác giả thơ và 4 nhóm ...máu

04. Sự bất toàn của tác phẩm

05. Thơ trẻ và vài hiện tượng lặp lại mình

06. Phê bình thơ

07. Nhà thơ và cái tầm

08. Cách mạng nghệ thuật, nhìn từ hội họa...

09. Truyền thống được hiểu như thế nào?

10. Nhìn nhận sai lầm về các trào lưu văn chương

11. Khủng hoảng người đọc

12. Thơ và sự tự do thể nghiệm

13. Thơ và diễn đàn

14. Tinh thần sáng tạo hậu hiện đại

15. Theo bước chân hậu hiện đại

16. Thơ hậu hiện đại Việt, kẻ khai mào

17. Từ khủng hoảng phê bình đến khủng hoảng người đọc

18. Về hiện tượng âm thịnh dương suy trong văn chương hôm nay

19. Thơ và tác giả

20. Phê bình như là lập biên bản

21. Thơ và kĩ thuật

22. Thơ và nhịp điệu

23. Thơ và chất liệu ngôn ngữ

24. Thơ, vần hay không vần?

25. Cái đẹp là gì?

26. Văn chương, suy nghĩ toàn cầu, hành động địa phương

27. Hậu hiện đại và tinh thần nhập cuộc chịu chơi

28. Văn học Đông nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa 01.

29. Văn chương địa phương/trung ương

30. Về một thế hệ thơ

31. Về trào lưu thơ hôm nay

32. Thơ như là một tiến trình

33. Nhà văn và sự thiếu an ninh.

34. Tình yêu và cảm thức phi lí

35. Nghệ thuật như là liều thuốc ngừa.

36. Về từ thiện tri thức

37. Ngôn ngữ: sự ngộ nhận

38. Lục bát và các dòng lục bát Việt Nam

39. Hậu hiện đại là hậu hiện đại là…

40. Về phê bình thơ

41. Thừa và thiếu chữ trong thơ hiện đại

42. Thơ khác văn xuôi thế nào?

43. Sứ mạng nhà thơ

44. Nhà thơ như là kẻ hát rong

45. Thơ và tuyên truyền

46. Thơ và tư tưởng

47. Có phải thơ chỉ có thể cảm?

48. Thơ và giọng điệu

49. Thơ và con chữ

50. Thơ hình họa

51. Thơ và kĩ thuật vắt dòng

52. Thơ đứt quãng

53. Thơ tân hình thức

54. Thơ và kĩ thuật đồng hiện

55. Thơ và tính truyện

56. Thơ & hình thức nhỏ - lớn

57. Vấn đề thơ tuyển

58. Văn học Đông nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa 2.

59. Ngôn ngữ: sự ngộ nhận 02.

60. Các trường phái nghệ thuật và thơ.

 

*

Viết ngắn 28.

Văn học Đông nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa 01.

 

Việt Nam không có truyền thống sáng tạo tư tưởng, cả triết lí lẫn nghệ thuật.

Không chỉ Việt Nam, mà cả Đông Nam Á cũng thế.

 

Trong buổi giao lưu với nhà văn và sinh viên Thái Lan nhân Giải thưởng Văn học ASEAN tại Bangkok, tôi đã gọi văn học Đông Nam Á là vùng trũng của văn học thế gới. Cả hội trường bất ngờ; bất ngờ nhưng – chịu.

 

Bóng đá Đông Nam Á bị xem là vùng trũng của thế giới. Đó là chuyện không cần bàn cãi. Dẫu kinh tế hay thu nhập đầu người của các nước Châu Phi hay Nam Mĩ có thể nghèo, thấp hơn rất nhiều so với một số nước Đông Nam Á, nhưng bóng đá họ so với ta: vượt trội. Điều này có thể đổ lỗi cho nhỏ, yếu của thể tạng dân Đông Nam Á. Nhưng tại sao văn học, chẳng dính dáng gì đến cơ bắp hay chiều cao lại phải chịu chung số phận?

 

Câu chuyện các quốc gia nhược tiểu chịu sự “đô hộ” của nền văn minh lớn: Việt Nam chịu tòng phục Trung Hoa, đại bộ phận các nước còn lại của khu vực Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Thái Lan,… chịu khép mình dưới trướng văn minh Ấn Độ, đã thuộc về quá vãng. Ngàn năm lệ thuộc, chúng ta quen sống/ suy nghĩ núp bóng, nên mặc cảm nhược tiểu cứ như là thuộc tính cố hữu của chúng ta. Rồi khi thực dân phương Tây mở rộng thuộc địa, xua quân sang các nước châu Á, châu Phi xâm chiếm và cướp bóc. Họ cướp đất đai, tài nguyên và khốn thay, cướp luôn cả tâm hồn các dân tộc của đất nước họ chiếm đóng. Châu Á, Châu Phi vừa chịu quy phục sức mạnh quân sự phương Tây đồng thời quy phục sức mạnh văn hóa của kẻ văn minh đi “khai hóa” mình. Suốt cả thế kỉ. Rất nặng nề. Cả khi chế độ thực dân suy sụp khắp thế giới, tâm lí hậu thuộc địa vẫn còn ám ảnh tâm hồn các dân tộc bị đô hộ. Trong đó Đông Nam Á chịu hậu quả nghiêm trọng và dai dẳng hơn cả, có lẽ vậy.

 

Như là một định mệnh. Vừa thoát khỏi nền văn học song ngữ đầy mặc cảm được vài trăm năm, văn học còn non trẻ của tiếng bản địa Đông Nam Á bị đánh tiếp đòn phủ đầu. Như thể đứa trẻ chưa đầy ba thế kỉ rời khỏi cái bóng mẹ rậm rạp to tướng là văn hóa Ấn Độ và Trung Hoa, chưa rèn luyện cho mình bước đi vững chãi dưới nắng mặt trời, lại bị phủ rợp trong bạt ngàn cái ô lấp lánh của văn minh Âu Mĩ. Cho dù với tinh thần dân tộc quật cường trả giá bằng bao nhiêu xương máu, ta đã tống khứ thực dân về nước; và dù ta cũng kịp học được tinh thần tự do, dân chủ của họ, nhưng cái ô dù kia vẫn ở lại. Không phải trên mảnh đất quê hương ta, mà ngay trong tâm hồn ta. Ta lại tiếp tục chương trình núp bóng. Với sự nể phục, say mê họ của ta, cả sợ hãi, xa lánh hay chống báng họ của ta nữa. Vọng ngoại và bài ngoại cứ là tồn tại song hành trong tâm thức dân tộc Đông Nam Á.

 

Nếu ngàn năm trước, ông bà ta thuộc nằm lòng Upanishads, Mahabharata, Long Thọ, thuộc cả hành vi, thái độ của Khỉ vương Rama rồi thì nghiền nát như cháo Khổng Lão Trang, Hồng Lâu mộng, Đông Chu liệt quốc, cùng là cơ man mưu trí nhặm lẹ của cuộc so tài Tào Tháo - Khổng Minh,… nhớ đến từng chi tiết tưởng không cần thiết phải nhớ; thì trăm năm nay, mấy thế hệ đàn anh ta cũng có thể đọc vanh vách tên các ông Goethe, Nietzsche, Hugo, Dostoievski, Sartre, Camus cùng những Tấn trò đời hay Giã từ vũ khí, Kẻ xa lạ hoặc Sông Đông êm đềm với cơ man ism mà không ngại… sai chính tả!

 

Được thôi. Học tập, thâu thái cái hay điều quý của người không có gì xấu hổ hay mặc cảm cả. Phiền là: ở chiều hướng ngược lại, có ông Tây bà Tàu nào bỏ công học tập, nghiên cứu Truyện Kiều của Việt Nam hay Phra Ăngphraymani của Xủn Thon Phu của Thái Lan? Còn hôm nay, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Dương Thu Hương được dịch ra tiếng Anh, Pháp bởi mục đích văn chương thì ít, mà bởi chuyện ngoài lề nào khác thì nhiều hơn.

 

Akayet Pram Dit Pram Lak của Champa hay Riêm Kê Campuchia, Seri Rama Indonesia oách thế, cũng chỉ là phái sinh của Ramayana Ấn Độ. Lớn như Nguyễn Du cũng khiêm tốn chấp nhận “tiếp thu và sáng tạo” văn chương hạng hai từ Thanh Tâm Tài Nhân!

 

Xưa đã thế, nay cũng không hơn gì. Hoa tâm (Trung quốc là trung tâm, ngày trước), Âu tâm (phương Tây, sau đó) rồi Mĩ tâm (Hoa Kì, hiện nay) cứ thay nhau làm mưa làm gió khắp mặt báo, trang văn trong cuộc chơi chữ nghĩa của Đông Nam Á. Ngoài kia, ngày trước Henry Miller có bồ nhí, hay mới năm kia thôi, Houellebecq vừa ra mắt tiểu thuyết, liền được báo chí ta biến ngay thành sự kiện. Còn ta, Văn Cao hay Bùi Giáng lớn là thế, mất, có tờ báo Âu Mĩ nào đưa tin? Báo chí Brunei hay Campuchia chẳng thiết nữa là! Ngó qua lãnh vực bóng đá, mớ dây chằng bọc cái đầu gối Ronaldo hay kiểu tóc sớm nắng chiều mưa của Beckham được ta cập nhật đều đặn trên trang nhất các tờ báo thể thao “uy tín”, nóng hôi hổi. Còn SEA Games mình? Có chăng khi Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á cần đến FIFA ghé qua xem xét vụ bán độ [Malaysia vài năm trước, hay Việt Nam 2005]!

 

Đó là thực tế. Đau, nhưng chịu.

Không ít lần ông bà ta quyết chí vượt thoát khỏi sự che rợp của mấy cái bóng kia. Champa, Chân Lạp từng học biết chọn Núi Thiêng (Meru), quanh đó họ xây dựng đền tháp, quyết tuyên xưng cái nỗi trung tâm vũ trụ của mình. Thánh địa Mĩ Sơn hay Angkor Wat là chứng tích cho vụ trỗi dậy phạm thượng oanh liệt đó. Hay cả sự kiện Quang Trung dũng mãnh thử nghiệm đưa chữ Nôm vào việc triều chính nữa.

 

Nhưng rồi, đâu lại vào đấy! Đông Nam Á vẫn cứ là vùng trũng của văn học thế giới. Không phải ngoại vi, mà là vùng trũng, đúng theo nghĩa đen của từ. Hai thập niên đầy sôi động, chỉ tính Giải Nobel văn chương thôi, trong lúc các nền văn học [lâu nay bị cho là] ngoại vi (the peripheral literature) khắp nơi đang nỗ lực giành và giành được bao thành tích chói lọi. Từ Guatemala (Miguel Angel Asturias), Columbia (G. Márquez), Chile (P. Neruda), Ba Lan (Czeslaw Milosz, Wislawa Szymborska) hay Ai Cập (Nagif Makhfuz), Nigeria (Wole Soyinka), Nam Phi (Nadine Gordimer) cho đến Ấn Độ (Rabindranath Tagore), Trung quốc (Cao Hành Kiện),... như thể một cuộc vây ráp tấn công vào vài nền văn học từng ngạo mạn vỗ ngực xưng ta trung tâm; thì Đông Nam Á cứ như đứng nhìn. Không so đọ đâu xa, ngay cạnh ta thôi, Nhật Bản, với những tên tuổi Yasunary Kawabata, Kenzaburo Oe, Haruki Murakami, ta cứ là kẻ ngoài cuộc.

 

Người thiên hạ coi ta là vùng ngoại vi, đã đành. Chính ta tự coi mình và coi nhau như thế. Mới lạ!

 

Inrasara
Số lần đọc: 3267
Ngày đăng: 30.06.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thử tìm một mẫu số chung cho thơ - Mang Viên Long
Khi miếng bánh sắp được ’’cắt - chia’’? - Lê Xuân Quang
Cái chi chi thơ - Vĩnh Phúc
Giải minh hậu hiện đại 2 - Inrasara
Đi tìm hoa hậu trong tiểu thuyết Việt Nam thời chiến tranh - Phạm Ngọc Hiền
Nhập lưu hậu hiện đại kì 9. - Inrasara
Nhập lưu hậu hiện đại kì 8. - Inrasara
Mối tình đầu của CHẾ LAN VIÊN - Khổng Ðức
Bàn về Thơ - Nguyễn Đức Thiện
Suy nghĩ về Hậu hiện đại - Nguyễn Đức Hiệp
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)