Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
579
115.984.497
 
Đắng cay có lúc ngọt bùi
Phạm Ngọc Hiền

Ở một xóm lao động nghèo nọ, có một nhà văn đang cố cày một tác phẩm mà theo sự thẩm định của riêng anh thì có thể đoạt giải Nô-ben được. Bởi vậy anh cần có một sự yên tĩnh tuyệt đối để sản sinh ra những ý tưởng cao siêu. Nhưng khổ nỗi, xung quanh nhà văn là một mớ hỗn độn mà anh cho là chỉ giết chết văn chương. Phía sau nhà là một máy xay xát với những âm thanh cuồng nộ hoạt động suốt ngày đêm, bụi bay mù trời, làm vẩn đục những suy nghĩ tinh khiết của nhà văn. Trời ạ ! nó vẫn cứ ăn nên làm ra và không có cách nào làm cho nó suy thoái được. Phía bên trái nhà anh là một quán thịt cầy nổi tiếng bình dân, có thể xem đây là trung tâm chửi rủa, nói xấu, và thỉnh thoảng cũng có lời chúc tụng nhau trơ trẽn. Tưởng rằng, chỉ khi nào loài người hết cái miệng thì quán ấy mới trả sự yên tĩnh cho hàng xóm. Phía bên phải nhà anh là một quán Karaoke cũng đang đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Nơi đây ra vào những ca sĩ chưa nổi tiếng và nhờ giàn âm thanh hiện đại phát huy hết công suốt để thiên hạ biết đến mình. Ba mặt nhà anh là như vậy, chỉ còn phía trước là con đường hẻm. Nó giống như một kênh âm thanh chứa đầy tiếng xe máy và tiếng bóp còi, hòa lẫn với loa phát thanh công cộng rót vào tai từ sáng đến tối…

 

Nhưng bên kia đường hẻm, chỉ cách cổng nhà anh có mấy bước chân là tới nhà mụ hàng xóm lắm mồm. Buổi sáng, mụ chửi thiên hạ ở chợ cá, mụ thu tiền thiên hạ và tặng lại họ hàng triệu vi trùng lao từ miệng mụ bắn ra. Buổi trưa về nhà, mụ tạm nghỉ để nạp năng lượng, vả lại nếu có nói thì cũng không át được mấy chuc cái miệng đàn ông từ quán rượu dội ra. Buổi chiều, năng lượng cơ thể sung mãn, ngứa mồm không chịu được, mụ kiếm cớ gây sự với hàng xóm. Hôm nay cãi người này, mai người khác. Trong lúc mụ đang tức khí vì bất phân thắng bại thì thằng chồng nghiện rượu của mụ lê xác về, thế là mụ trút hết cả căm tức vào chồng. Đến khi thằng chồng khốn nạn lăn đùng ra ngủ khì thì mụ chuyển sang chửi các con. Thôi thì hết chỗ nói… Một hôm, nhà văn cao quý của chúng ta không chịu nổi phải mở cửa sổ, thò đầu xuống đường hẻm gào lên:

- Này mụ kia, im cái mồm một chút có được không ?

- Gớm, ông thường nói đến tự do ngôn luận, thế ông có quyền gì cấm tôi nói?

- Gia đình mụ bất hòa thì đóng cửa lại bảo nhau, còn với xóm làng có gì không vừa lòng thì phát biểu ở cuộc hợp dân phố, không được làm ầm ĩ ở đây.

- Tôi không ham phát biểu trong cuộc họp như cái thứ nhà thơ của các ông. Gớm, cái ông gì nhà thơ cấp phường ấy, cứ thấy chỗ nào hội hợp là xách thơ lên đọc, mấy lần bị người ta lôi cổ xuống đấy, có vinh dự không ?

- Nhưng thơ là thứ cao quý nên có xuất bản miệng cũng không rác tai như lời lẽ của bà đâu.

- Lời của tôi là văn xuôi đấy, thế ông nói văn xuôi không cao quý à ?Thế ông viết có hay hơn tôi nói không ?

 

Nhà văn bí lý lẽ, nên văng tục một câu:

- Văn xuôi con khỉ !

- Con … c !

- Thế con c … của mụ đâu ?

- Đây này !

 

Mụ liền bứt nút áo để lộ ra hai đỉnh Thi Sơn ngồn ngộn đang nhảy tưng tưng trên cái bụng béo nhẫy của mụ. Các bợm rượu thò đầu ra xem thích thú. Nhà văn vội vàng rụt cổ vào, khép cửa lại nhưng có vẻ tiếc của trời nên mở he hé một chút ngắm vợ thằng hàng xóm để trả thù nó không biết dạy vợ. Dưới đường, mụ còn chửi dài. Mụ chửi văn học nhưng không rành lắm các thuật ngữ của nó nên rất tức cười. Chẳng hạn, nhân vật nữ thì gọi là “cái con”, nhân vật nam thì gọi là “cái thằng”, kết cấu thì gọi “lớp lang”, xung đột gọi là “pha”v.v… Mụ chửi các nhà văn chỉ biết chuyện bậy bạ, lười lao động tay chân. Thấy nhà hàng xóm cháy thì bình chân như vại nhưng khi viết báo thì ca mình dũng cảm cứu người, rồi giành phần lên Tivi phát biểu nữa chứ. Thấy ông hàng xóm chết thì không tới gửi tiền phúng điếu vì sợ tốn kém nhưng viết tặng một bài thơ tự cho là đáng giá ngàn vàng… Gớm, cái thứ ăn nhờ mắm vợ. Nghe mụ nói, có lắm người gật đầu tán thành, thế là chân lý đã thuộc về số đông.

 

Những ngày sau, trong khi nhà văn uyên bác chưa nghĩ ra kế gì trị mụ thì mụ đã nhanh trí nghĩ ra ngay cách chơi xấu kẻ lắm chữ nghĩa, khinh người như rác kia. Mụ sai con đi mua mấy tập thơ của nhà văn nọ về. Thấy vậy, nhà văn mừng lắm vì nghĩ là văn chương có thể cảm hóa được con người. Nhưng anh đã lầm. Một quyển thơ bị mụ xé ra làm giấy vệ sinh rồi vứt trước nhà, khiến tác giả của nó phải một tay bịt mũi, một tay cầm các mảnh thi thể của đứa con tinh thần của mình vứt vào nhà vệ sinh. Quyển thơ thứ hai được mụ dùng làm quạt, thỉnh thoảng đập ruồi bành bạch, bao nhiêu sinh mạng phải chết dưới tập thơ cao quý ấy. Quyển thứ ba, mụ dùng để lót đít ngồi, thỉnh thoảng đánh rắm vào đấy rồi vứt ra đường. Một nữ sinh tưởng là thứ cao nhã nên nhặt lên nhưng rồi lại nhăn mũi lẩm bẩm: “Tập thơ này thối thật”, rồi vứt vào sọt rác bên đường. Còn quyển thứ tư nữa, không biết mụ sẽ chơi trò gì…

 

Nhà văn căm lắm nhưng chưa nghĩ ra kế gì cao siêu để trị mụ. Trên đời này có biết bao nhiêu kẻ quyền thế phải nể sợ anh ta. Mấy ông cán bộ có quyền chức mà còn phải mang quà đến biếu để anh đừng phanh phui họ. Nhiều nhà thơ khúm núm mang bài tới nhờ anh đăng dùm, ai chơi xấu thì anh “cắt cơm” ngay… Hàng xóm này cũng có nhiều người nể anh vì anh lắm chữ nghĩa, lại quen biết nhiều ông lớn… Đấy, có lắm người sợ anh, chỉ duy con mẹ hàng xóm này là không biết sợ anh. Mà nghĩ cho cùng, mụ sợ gì ai nhỉ! Các khoản tiền đóng góp cho chính quyền, mụ nộp đầy đủ không thiếu một xu. Mụ chẳng trộm cắp hay tham dự chuyện quốc gia đại sự gì để phải sợ công an. Mụ chỉ có tật chửi nhưng chỉ chửi những bà mua cá ép giá mụ hay những thằng say rượu đái trước cửa nhà mụ… Nghĩa là chửi đúng luật. Nói tóm lại, không ai “trị” được mụ, may ra chỉ có trời nhưng tối nào mụ cũng thắp nhang lên bàn thờ đàng hoàng thì lẽ nào trời không thương! Mụ được trời ban cho sức khỏe hơn người, các giác quan hoạt động vô cùng tốt khiến mọi người phải ganh tị. Chỉ tội anh nhà văn nọ: mắt cận, tai ù, ốm tong ốm teo… Đôi lúc mụ cạnh khóe:“Cái ngữ đó thì đàn bà nào thèm, ngay cả cái con cụt chân đầu hẻm nó còn chê nữa là…”. Nhà văn hận lắm, định viết một truyện nói xấu mụ nhưng khổ nỗi mụ chẳng bao giờ đọc sách báo, mà cả cái xóm này cũng vậy. Văn chương không thể trị được người mù chữ. Trị thằng có tóc, ai trị thằng trọc đầu.

 

Một tối nọ, cửa nhà văn bị đập phá ầm ầm. Tưởng là mụ hàng xóm nhưng hóa ra là một đám thanh niên say rượu. Chúng la hét ầm ĩ:

- Thằng nhà văn đâu, ra đây bảo, tại sao dám viết bậy.

- Tôi viết bậy chỗ nào, xin mấy ông cho biết.

- Mày viết bài “Khu phố văn hóa nhưng không văn hóa”, cho rằng có quá nhiều quán nhậu gây mất trật tự, có quán kinh doanh Karaoke trái phép, có máy gạo gây ô nhiễm môi trường, có các cuộc cãi vã gây mất đoàn kết… Có đúng không ? Tao hỏi, việc đó có liên quan gì tới mày, đã có ai đối xử xấu với mày chưa mà mày đả kích họ. Hả ?

- Tôi xin hỏi, ai cử mấy ông tới đây ?

- Không cần hỏi, xông vô tụi bay !

 

Bọn chúng đạp cửa xông vào. Thôi thì khỏi nói: Đấm. Đá. Bịch. Thụi… Nhà văn hồn lìa khỏi xác nhưng trên chín tầng mây, anh vẫn nghe cái giọng đinh tai nhức óc của mụ hàng xóm:

- Các người không được đánh người ta. Có việc gì cứ báo với chính quyền chứ không được lấy thịt đè người.

- Việc gì tới mụ ? Né ra, không thì tôi đấm nát xương bây giờ.

 

Mụ chẳng quản nguy hiểm xông vào gạt tay tên lực lưỡng nhất. Những tên khác nhào vào, ỷ số đông vật mụ ngã lăn quay. Bí thế, mụ lại giở chiêu cuối cùng: “Ối trời ơi, tụi côn đồ hãm hiếp tôi”. Vừa la, mụ vừa bứt áo, tụt quần… Tụi thanh niên vội tản ra lỉnh mất.

 

Nằm trên sàn nhà lạnh ngắt, nhà văn dũng cảm của chúng ta lấy lại hồn vía, mở mắt ra vô tình đưa cái nhìn chạm phải đỉnh Thi Sơn trắng phây phây của mụ. Anh vội vàng nhắm lại để từ đó chảy ra hai giọt nước mắt.

Phạm Ngọc Hiền
Số lần đọc: 2540
Ngày đăng: 01.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Mái tóc ngày xưa - Nguyễn Đức Thiện
Thiện trong thiện - Văn Chấn Ngọc
Chuyện lẩm cẩm quanh quả táo - Đào Hiếu
Khối u - Trần Đức Tiến
Sa mạc người - Trần Đại Nhật
Dòng đời vẩn trôi - Hội An
Tỉnh Giấc - Trần Đức Tiến
Gà nhập - Nguyễn Đình Bổn
Cô gái trong đêm chung kết hoa hậu - Phạm Thanh Phúc
Tảng sáng mờ sương - Trương Đạm Thủy
Cùng một tác giả
Bốn bức tranh (truyện ngắn)
Bên nấm mồ thi nhân (truyện ngắn)
Thuở Ban Đầu (tạp văn)