Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
470
115.866.123
 
Cần hiểu đúng về các dị bản của một bài ca dân gian tiêu biểu cho xứ Quảng*
Tần Hoài Dạ Vũ

Con người Quảng Nam, vốn là những lưu dân từ miền Bắc vào, trong những thời điểm lịch sử sôi sục, rời quê cũ, đến đất mới, gia sản tinh thần mang theo trên bước đường Nam tiến lập nghiệp ấy, có lẽ ngoài những câu hát, điệu hò của chốn quê làng xưa, chẳng có gì hơn. Những khúc ca dân gian còn lại trong trí nhớ cuả những  người đến vùng đất này đầu tiên đó, trong cuộc sống gian khổ phải đấu tranh với thiên nhiên và với con người, lâu dần đã biến thái đi, thành cái vốn văn nghệ dân gian của những cư dân ở phía Nam đèo Hải Vân.

 

Với cái vốn là những câu ca, điệu hò mang theo, khi sống ở phần đất mới khai phá, để thích nghi, họ đã dựa vào những cái khung cũ để cải đổi thành những bài ca mới, nhưng vẫn không thoát ra khỏi truyền thống chung của văn học dân gian dân tộc. Bên cạnh đó, cũng có những bài ca mới ra đời, khi họ thiết lập những quan hệ mới, chịu sự tác động của những điều kiện địa lý, thổ nhưỡng mới, và dĩ nhiên cũng có những tập quán, những sinh hoạt mới trên một vùng đất vốn không chỉ có người Việt sinh sống. Như vậy, ta thấy từ những bài ca cũ của chốn quê làng xưa ở phía Bắc, những đơn vị cấu trúc mang ý nghĩa nội dung, thẩm mỹ trong những khung có sẵn, chịu sự tác động của những yếu tố ngoại tại và nội tâm trong điều kiện sống đã cơ bản đổi khác, những câu ca, bài hát mới đã ra đời, tạo nên những dị bản mới theo đúng quy luật vận động truyền thống của văn học dân gian. Rồi chính những bài ca mới đó, lại tới lượt nó, sản sinh ra những dị bản khác nữa. Cuộc vận động hình thành của cả một dòng văn học dân gian, hay của từng câu ca bài hát, như vậy, là cuộc vận động nhiều tầng, nhiều lớp. Sự chuyển động đó cần nhiều thời gian, cần nhiều trí tuệ của những thế hệ người nối tiếp nhau trên mảnh đất đã trở thành bàn đạp để dân tộc càng tiến xa hơn về phương Nam này. Và chúng ta phải hiểu rằng, tính địa phương của văn học dân gian một vùng đất là luôn luôn lặp lại trong sự phát triển. Đây là một nguyên tắc cơ bản của sự hình thành những câu ca, bài hát ở từng địa phương, mang giá trị của sự sáng tạo đóng góp vào cái phong phú, đa dạng và bền vững của văn học dân gian Việt Nam.

 

Đây là một vấn đề không chỉ đơn thuần là lý luận, vì nếu không hiểu rõ, sẽ tạo nên những văn bản sai lạc về mặt tư liệu, rồi cứ theo ý chủ quan, gán ghép là những “dị bản” văn học dân gian, tạo sự hiểu biết sai lệch trong giới trẻ. Chúng tôi phải nhấn mạnh điều này, vì khi cuốn Văn nghệ Dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, Tập I, được xuất bản đầu năm 1983, trong đó chúng tôi đã công bố 12 dị bản khác nhau của bài ca trữ tình: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Thương nhau chưa đặng mấy ngày/ Đã mang câu ơn trọng nghĩa dày bạn ơi!, với ghi chú rõ ràng, trong 12 dị bản ấy, có 3 dị bản do Th.S. Đinh Thị Hựu (lúc bấy giờ là cán bộ giảng dạy ở trường Đại học Sư phạm Huế) sưu tầm được ở vùng Thừa Thiên - Huế. Còn 9 dị bản khác là do chúng tôi sưu tầm được ở Quảng Nam. Đến tháng 3.2001, khi cuốn Văn học Dân gian Quảng Nam (Miền biển) được xuất bản, chúng tôi đã sưu tầm thêm được 2 dị bản của bài ca độc đáo ấy, và đã công bố cả 14 dị bản trong cuốn sách này.

 

Đầu năm 1997, trong một bài báo (trên một số báo Xuân ở Quảng Nam, khi ấy mới tách tỉnh), có người dẫn lại 12 dị bản của bài ca nói trên, theo cuốn Văn nghệ Dân gian QNĐN, Tập I, mà không hề ghi chú xuất xứ (của ấn bản nào?). Nhưng  chuyện ấy không hẳn là quan trọng. Điều quan trọng là bài báo công bố thêm 8 dị bản khác nữa của bài ca trữ tình nêu trên. Tiếc thay, đó là một sự gán ghép sai lạc về những dị bản của bài ca nổi tiếng trong văn học dân gian xứ Quảng. Chúng tôi đã phân tích vấn đề này trong phần chú thích (trang 174-180) của cuốn Văn nghệ Dân gian QN (Miền biển). Thiết nghĩ, một bài báo thì người ta đọc rồi có thể quên đi, nên tác hại không lớn. Nhưng, đến tháng 12.2007, khi trở về quê, tình cờ tôi được đọc cuốn sách CA DAO, DÂN CA ĐẤT QUẢNG([1]). Và, thú thật là tôi đã bàng hoàng, khi đọc thấy trong cuốn sách này (từ tr.51-58), 20 dị bản của bài ca tiêu biểu của đất Quảng, tuy có khác với những “dị bản” ở bài báo kia một chút, nhưng vẫn là sự gán ghép sai lạc cũ được lặp lại. Tác hại của một cuốn sách lớn hơn tác hại của một bài báo rất nhiều, nên chúng tôi, sau khi đã suy nghĩ kỹ, thấy không thể không lên tiếng, nhằm góp một tiếng nói trung thực; đồng thời, giúp các bạn đọc trẻ tránh khỏi sự nhầm lẫn tai hại.

 

Trong 20 dị bản mà cuốn Ca dao, Dân ca đất Quảng nêu, như đã nói rõ ở trên, có 14 dị bản dẫn lại theo hai cuốn sách do chúng tôi biên soạn (chứ không phải chủ biên!), mà cũng không hề ghi rõ nguồn trích dẫn. Còn lại 6 “dị bản” khác, thì xin được phân tích rõ:

 

1. Sự xáo trộn các câu ca không theo một phân loại rõ ràng (ít nhất là về mặt nội dung): Trong hai cuốn sách của chúng tôi, dù xuất bản cách nhau 18 năm, đều đã sắp xếp bài ca tiêu biểu của đất Quảng theo hai hệ thống trữ tình phản ánh lịch sử. Chúng tôi cũng đã viết rõ: “Ghi theo hai hệ thống trữ tình và phản ánh lịch sử chỉ là một cách phân loại tương đối, vì trong trữ tình có tự sự lịch sử, và ngược lại, khó mà tách bạch được (tr.61, ở bản in lần đầu – 1983). Cuốn Ca dao, Dân ca đất Quảng, cũng như bài báo viết năm 1997, xáo trộn hoàn toàn trật tự của các bài ca, theo chúng tôi, hoặc là do không hiểu sự phân loại, hoặc là “cố ý làm mới” (chắc vậy!), để người đọc hiểu rằng, đó là những dị bản do chính bản thân các tác giả cuốn sách sưu tầm được. Nhưng xin phép được hỏi, như vậy thì liệu làm sao giải thích được bài ca tiêu biểu của xứ Quảng đã biến chuyển theo cùng với những biến chuyển của lịch sử – xã hội?

 

2. Muốn tăng số lượng dị bản (cho nhiều), nên các tác giả cuốn sách đã mắc thêm sai lầm trong việc không phân biệt được thế nào là dị bản. Chẳng hạn, một trong những dị bản chúng tôi đưa ra là: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Bạn về nhịn ngủ gác tay/ Coi ai ơn trọng nghĩa dày cho bằng em, thì rõ ràng đây là một bài ca trữ tình. Nhưng,  như chúng tôi đã viết trong Văn nghệ Dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, Tập I,… “Bước  qua đầu thế kỷ XX, cùng với phong trào Duy tân, với những lãnh tụ kiệt xuất của phong trào người Quảng Nam, như: Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, Phan Thành Tài… bài ca dao này lại trở thành bài ca phục vụ các phong trào yêu nước, có tính cách kêu gọi, tập hợp, trở thành tiếng gọi đầy thiết tha: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Bạn về đừng ngủ, gác tay/ Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bạn theo” (tr.64).

 

Chúng ta thấy ngay, khi là một bài ca trữ tình, thể hiện tâm sự của một cô gái, thì ngôn ngữ nhẹ nhàng, chỉ yêu cầu “nhịn ngủ, gác tay”, nhưng khi đã biến thành lời kêu gọi yêu nước, thì ngôn ngữ trở nên quả quyết hơn: “đừng ngủ, gác tay”. Một chi tiết khác cũng cần lưu ý: Ngôn ngữ dân gian vốn giàu hình tượng, nhưng lại rất chuẩn về mặt ý nghĩa nội dung: “Nhịn ngủ” hay “đừng ngủ”, vì khi người ta say ngủ thì làm sao còn suy tư, thao thức, dù là thao thức, suy nghĩ vì tình riêng hay vì vận nước. Còn, “gác tay” chính là cách nói hình tượng mà hàm súc; “gác tay” chính là biểu hiện của sự suy nghĩ, đắn đo. Sách Ca dao, dân ca đất Quảng, ngoài 2 dị bản đã có trong sách của chúng tôi, xuất bản 24 năm trước, còn đưa thêm 2 “dị bản”, như sau:

 

1.   Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Bạn về nằm nghĩ gác tay/ Thử nơi mô ơn trọng nghĩa dày bằng ta?

2.   Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Bạn về nằm nghĩ gác tay/ Nơi mô ơn trọng nghĩa dày bằng qua?

(tr.51-52, sđd)

 

Không cần phân tích, chúng ta cũng thấy rõ, rằng đó không phải là dị bản. Đấy là chưa nói việc thay đổi một số từ trong câu thứ ba và thứ tư ở 2 “dị bản” trên chẳng những không làm thay đổi ngữ nghĩa câu hát (một trong những yếu tố làm thành dị bản), mà lại rất gượng ép về ngôn từ, không hợp với cách diễn đạt của dân gian. Đã “nằm nghĩ” (viết với dấu ngã) rồi, mà còn “gác tay” là cách nói thừa. Ngôn ngữ dân gian vốn tinh tế, hàm súc, chứ không “nói thừa” như thế bao giờ! Chỉ những ai không đi điền dã, không hiểu tâm tình và lời ăn tiếng nói của dân gian, mới có cách “nói thừa” vụng về đến vậy!

 

3. Chắp nối bài ca này sang bài ca khác: Trong 6 dị bản “mới” mà các tác giả cuốn sách đưa ra (khác với 14 dị bản chúng tôi công bố, mà sách không ghi xuất xứ) thì trừ 2 “dị bản” vừa nêu trên, 4 “dị bản” còn lại là sự ghép nối bài ca này vào bài ca khác, hay nói chính xác hơn là lấy vài câu ở bài này ghép vào bài kia. Xin dẫn chứng: Ở cuốn Văn nghệ Dân gian QNĐN, Tập I, chúng tôi có đưa ra một bài ca sưu tầm được nhằm nhắc đến:… “một hình tượng nhân vật trữ tình mới, đó là hình ảnh người dân mất nước”: Đứng bên ni Hàn/ Ngó qua bên tê Hà Thân/ Nước xanh như tàu lá/ Đứng bên tê Hà Thân/ Ngó về Hàn phố xá nghênh ngang/ Kể từ ngày Tây lại đất Hàn/ Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bông Miêu/ Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau.

 

Cũng bài ca này, có nơi lại hát khác đi câu cuối cùng: Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Mưa mai có bạn, nắng chiều có ta.

 

Trong khi đó, bài hát trên đây, nhân dân ở Thừa Thiên - Huế hát là: Ngó xuống sông Hương, nước xanh như tàu lá/ Ngó về Đập Đá, phố xá nghinh ngang/ Từ ngày Tây lại Sứ sang/ Cầu Trường Tiền đổi bến, chợ Đình Ngang thay đình.

 

Đấy chính là biểu hiện sinh động của sự giao lưu, chuyển hóa trong những vùng văn nghệ dân gian khác nhau.

 

Và sau năm 1930, cùng với sự biến đổi lịch sử, cùng với sự ra đời của Đảng, đã có một sự chuyển hóa tâm lý quan trọng trong nhân dân, biểu hiện thành sự chuyển hóa tâm lý - lịch sử trong văn nghệ dân gian, bắt nguồn từ sự chuyển hóa lịch sử - xã hội. Và câu hát buồn bả ngày xưa trở thành lời thề Trung – Dũng, trong lòng người dân xứ Quảng: “Đứng bên ni HànDặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Trăm năm một dạ, ngọn cờ điều quyết theo ([2]).

 

Từ một bài ca trữ tình, với sự tiến hóa của lịch sử đấu tranh của dân tộc, đã biến thành bài ca yêu nước, bài hát cách mạng” (tr.60-61).

 

Thế là, trong sách “Ca dao, Dân ca đất Quảng” có 3 “dị bản” “mới” ra đời, bằng cách chắp nối những câu cuối của bài ca vừa nêu trên vào cuối bài ca “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm…”. Xin được dẫn một “dị bản” mà các tác giả cuốn sách nêu ra, để bạn đọc thấy rõ: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Lòng ta như chén rượu đầy/ Bên nhau còn nhớ những ngày thương yêu/ Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Mưa mai có bạn, nắng chiều có ta.

 

Rõ ràng đây là sự chắp nối các bài ca lại với nhau để tạo nên “dị bản”. Chưa hết! Ở một “dị bản” “tự chế” khác, các tác giả đã vô tình bày ra cái sự “tự chế” vụng về của mình. Xin hãy xem, “cái dị bản” ấy: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Tay nâng hai chén rượu đầy/ Xa xôi còn nhớ những ngày thương yêu/ Dặn lòng ai dỗ đừng xiêu/ Ở nuôi phụ mẫu sớm chiều có nhau.

 

Ghép câu Tay nâng hai chén rượu đầy” vào ngay sau hai câu ca truyền thống tuyệt vời kia thì rõ ràng là sự đối nghịch khó chấp nhận. Đấy là chưa nói, dân gian không có cách nói như vậy bao giờ. Nên nhớ, người nông dân ngày xưa vốn tinh tế trong lời ăn tiếng nói, và trọng lễ phép, nên nếu phải nói câu đó, họ sẽ nói như thế này: “Hai tay nâng chén rượu đầy”. Vì phải “hai tay nâng” mới đúng lễ nghi, mới tỏ được tấm lòng. Lại nữa, đâu cần phải dùng tới “hai chén rượu đầy”, vì như vậy là đối nghịch hoàn toàn với cái tinh tế, cái nhạy cảm “chưa nhấm đà say” đến diệu kỳ của ông cha. Có lẽ người xưa không biết “dô, dô, 100%”, đâu! Xin đừng đem bụng mình suy ra bụng người xưa!

 

Bạn đọc sẽ càng thấy rõ hơn chuyện “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia” ở bài thơ mà chúng tôi cho in lại dưới đây.

 

Trong cuốn Văn nghệ Dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng, Tập I, chúng tôi đã cho in một bài thơ sưu tầm được, xếp vào phần “Thơ ca chống phong kiến đế quốc” (tr.257, ở bản in đầu tiên): Đất Quảng nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Lòng ta như chén rượu đầy/ Lời thề nhớ chén rượu này bạn ơi/ Câu hò từ thuở xa xôi/ Bao năm còn đọng tiếng đôi bến bờ/ Từ ngàn xưa, đến bây giờ/ Tiếng ru vẫn chẳng phai mờ tình quê/ Từ trong uất hận ta đi/ Vì Tự do, Độc lập, sá chi đường dài. Nhưng sau đó, được biết rằng đây là một bài thơ của nhà văn Nguyễn Khắc Phục, mới sáng tác trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mà người dân vùng quê Quảng Nam vẫn còn nhớ được (đó là hạnh phúc của tác giả!), nên trong lần sách tái bản vào tháng 1.1986, chúng tôi đã rút bài thơ hiện đại này ra khỏi sách. Có điều cần lưu ý, như ở câu thứ 5 của bài thơ (Câu hò từ thuở xa xôi) đã chỉ rõ: 4 câu trước đó là một trong những dị bản của bài ca Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm.

 

Thế nhưng, các tác giả của sách “Ca dao, Dân ca đất Quảng” vẫn lấy nguyên bài thơ hiện đại đó, đưa vào sách, làm thành 1 “dị bản” của bài ca tiêu biểu cho Con người và Đất nước xứ Quảng. Việc “cố tình tạo nên những dị bản” lệch lạc như vậy, rõ ràng là một việc làm sai trái về mặt học thuật.

 

Từ bài báo ra đời tháng 1.1997, đến cuốn sách xuất bản tháng 12.2006, hóa ra, không phải chỉ có một người làm cái việc “cưỡng hôn” văn học dân gian, mà có nhiều người kia đấy!

 

Mà khổ thay, có muốn “cưỡng hôn” thì cuộc hôn nhân khiên cưỡng đó cũng không thành, vì mỗi bài ca dân gian đã là một chỉnh thể thống nhất, và đã được sống trong lòng dân gian, qua nhiều đời. Một dị bản chỉ thực sự ra đời khi kết cấu của bài ca là sự vận động từ công thức truyền thống đến những văn cảnh mới, ngôn từ mới, với ý nghĩa mới, mà sự vận động đó phải trên cơ sở quy định chặt chẽ của kết cấu truyền thống của văn học dân gian. Trường hợp đem hai câu cuối của một bài ca này ghép với một bài ca khác có xảy ra không? Có đấy, nhưng chỉ xảy ra trong một cuộc hát đối đáp nào đó, mà người phải hát đáp “bí” quá, nên “cương ẩu” cho qua chuyện. Xong buổi hát rồi thì thôi, chẳng ai còn nhớ, và những cách gán ghép “lấy được” như vậy, chẳng bao giờ thành văn học dân gian cả, vì nó có sống trong dân gian, và cũng có sống qua thời gian đâu!

 

Chúng ta đừng quên rằng, tâm thức dân gian chỉ chấp nhận và chỉ lưu giữ những giá trị văn hóa đã được gạn lọc, thực sự sống động và phù hợp với những yêu cầu tinh thần của người dân quê.

 

 

4. Sự sai lệch kiến thức: Về sự chuyển hóa từ tính chất trữ tình thành tính chất lịch sử của bài ca “Đất Quảng Nam…”, trong sách Văn nghệ Dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, Tập I, chúng tôi đã viết rõ: “Lịch sử tiếp tục phát triển, đi lên, văn học dân gian cũng nằm trong sự phát triển chung đó. Từ một nước thuộc địa, từ bùn đất lầm than, nhân dân Việt Nam, với chiến thắng Điện Biên Phủ, đã vùng đứng lên, chói lọi hào quang, chôn vùi luôn giấc mộng thực dân của Pháp. Hiệp định Genève ra đời. Thời hạn hai năm (1954-1956) để Hiệp thương, tổng tuyển cử, tiến tới thống nhất Tổ quốc bị đế quốc Mỹ và tập đoàn tay sai Ngô Đình Diệm phá hoại. Những cán bộ Cách mạng từ miền Nam tập kết ra miền Bắc, trước mắt, chưa thể trở về. Nhưng hình ảnh của họ, những chiến sĩ yêu nước, vẫn sống trong lòng nhân dân miền Nam, trong lòng nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Tình non nghĩa nước bao ngày/ Con trăng cõi Bắc đã đầy nhớ thương.

 

Sự cách tân ở đây không chỉ có trong lãnh vực tư tưởng hay trong sự phản ánh bối cảnh lịch sử, mà sự cách tân ấy còn thể hiện cả trong việc sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật: “Con trăng cõi Bắc đã đầy nhớ thương”. (tr.64).

 

Sách “Ca dao, Dân ca đất Quảng”, sau khi lấy lại dị bản này trong sách của chúng tôi (tôi có thể đoan chắc điều ấy, vì trước đó chưa hề có một cuốn sách nào đã từng công bố dị bản ấy!), đã có thêm một chú thích: “(2) Có bản ghi: Con trăng Nam Bắc vơi đầy nhớ thương” (tr.52). Ngay cả cái chú thích này cũng đã sai lệch nghiêm trọng. Trước hết là nói về ý nghĩa nội dung. Người dân miền Nam nhớ những người cách mạng đã tập kết ra miền Bắc, nên tưởng như nhìn thấy “Con trăng cõi Bắc đã đầy nhớ thương”, vì họ hiểu là tấm lòng của những người ra đi cũng giống như chính tấm lòng của họ, chung thủy, sắt son, gắn bó. Chứ còn “Con trăng Nam Bắc vơi đầy nhớ thương”, như các tác giả sách Ca dao, Dân ca đất Quảng ghi, thì còn có nghĩa lý gì nữa. Vì, “đã đầy nhớ thương” thì tình nghĩa mới có thể keo sơn, chứ nếu người ở cả hai nơi Nam – Bắc đều “vơi đầy nhớ thương” ắt hẳn chẳng chóng thì chầy sẽ “xa mặt cách lòng” và sẽ không thể nào tránh khỏi “phản bội”! Còn về mặt văn bản, khi các tác giả sách nói trên ghi chú thích: “Có bản ghi…”, vậy xin được hỏi: “Bản” (tức ấn phẩm) nào vậy? Sao lại không ghi rõ tên cuốn sách ấy? (Câu hỏi này chắc không thể trả lời, vì có quyển sách nào ghi như vậy đâu!).

 

Một sự sai lệch kiến thức khác. Hai dị bản mà chúng tôi đã công bố: Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Nợ nhà giàu không trả hết thời vay/ (Chớ) tình chồng nghĩa vợ trả mấy ngàn ngày cho xong” (trong bản in năm 1983); và dị bản mới công bố (năm 2001): “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Sầu tình ai muốn đi vay/ Nợ tình em trả biết mấy ngàn ngày cho xong?”. Nhưng khi các tác giả sách Ca dao, Dân ca đất Quảng chép lại, đã thành:… “Chớ tình chồng nghĩa vợ trả mấy ngày cho xong”, và “Nợ tình em trả biết mấy ngày cho xong”. Nghĩa là, đổi “mấy ngàn ngày”, thành “mấy ngày”. Có lẽ các tác giả của sách nói trên muốn đổi như vậy cho khác với các dị bản chúng tôi đã công bố (chắc để chứng tỏ là do chính các tác giả ấy đích thân sưu tầm!). Nhưng, về mặt kiến thức, ai cũng hiểu rằng, “mấy ngàn ngày” mới nói lên cái tình, cái nghĩa của nhân vật trữ tình trong bài ca, chứ có “mấy ngày”, thì còn tình, còn nghĩa gì nữa, hở trời? Ông cha chúng ta đâu có thiếu tình, thiếu nghĩa như vậy! (Và dĩ nhiên, cũng không thể ngô nghê như vậy!).

 

Một điểm khác: Năm 2000, chúng tôi có một cuộc điền dã (bổ sung) dài ngày qua 22 xã miền biển Quảng Nam, và đã sưu tầm thêm được hai dị bản mới của bài ca tiêu biểu cho xứ Quảng này. Sau đó, như đã nói, chúng tôi đã công bố cả 14 dị bản của bài ca trên trong cuốn Văn học Dân gian Quảng Nam (miền biển). Với dị bản mới sưu tầm được: “Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm/ Rượu Hồng đào chưa nhấm đà say/ Trường Giang dòng nước vơi đầy/ Bao giờ sông chảy tới ngày đoàn viên?”, chúng tôi đã có chú giải rất rõ ràng. Vậy nhưng, khi sách Ca dao, Dân ca đất Quảng chép lại dị bản này, ở câu thứ ba, đã có chú thích như sau: (1) Trường Giang: con sông chảy từ Quảng Ngãi ra đến thị xã Hội an, tỉnh Quảng Nam(tr.54). Trời ạ! Làm người dân đất Quảng mà tưởng rằng sông Trường Giang “chảy từ Quảng Ngãi…” thì cho chúng tôi được nói thật, đáng hổ thẹn quá!

 

Chưa hết những sai lệch về kiến thức.

Bài ca địa chí Quảng Nam - Đà Nẵng “Quảng Nam là đất quê mình…”, tương truyền là của Tú tài Trương Trọng Hữu, người làng Châu Lâu, Duy Xuyên, soạn ra để dạy học trò theo tinh thần mới của phong trào Duy tân. Trong cuốn Văn nghệ Dân gian Quảng Nam – Đà Nẵng”, Tập I, chúng tôi đã sưu tầm đầy đủ (có ghi chú rõ ràng là 6 câu đầu ghi lại theo Lâm Quang Thự). Vậy mà trong sách Ca dao, Dân ca đất Quảng, khi chép lại, đã bỏ sót 6 câu đầu này. Nhưng quan trọng hơn, các tác giả cuốn sách lại tùy tiện ngắt bài ca địa chí nổi tiếng này thành ra 5 bài. “Bài” đầu (sau khi đã bỏ 6 câu), chỉ chép đến câu: “Đất đai trăm dặm rành rành như ghi” (tr.38). “Bài” hai, bắt đầu từ câu: “Bảy phủ huyện ấy tên chi…” (tr.39). Rồi lại tùy tiện ngắt hai câu: “Bạc vàng ở tại Bông Miêu/ Phò Nam, Phú Thượng biết bao nhiêu chè” in ở đầu trang 39 của cuốn sách, xem như một đơn vị tác phẩm dân gian độc lập. Chưa dừng lại ở đó, sách “Ca dao, Dân ca đất Quảng” lại ngắt hai cầu: “Lỗ Đông sát núi Cao Sơn/ Cu Đê thì lại ở gần Hải Vân” (câu thứ 2 này chép sai!), in ở trang 64. Còn ở trang 71 thì in lại đoạn đầu của bài ca này, có đủ 6 câu đầu, nhưng lại cũng chấm dứt ở câu “Đất đai trăm dặm rành rành như ghi”. Như vậy, một bài ca địa chí đầy đủ, gồm 54 câu, đã bị “chặt chém” thành 5 đoạn, in ở 5 chỗ khác nhau.

 

Chúng tôi cho rằng, đây là một việc làm tùy tiện, phản khoa học, nếu không muốn nói là vô trách nhiệm, của những người làm sách nói trên. Chúng tôi vẫn giữ quan niệm, con người, ai cũng có khát vọng chính đáng là cố gắng làm được điều có ích cho xã hội, cho quê hương, dù là việc nhỏ nhất. Chính vì vậy, đối với những di sản tinh thần của ông cha, nếu không làm được gì để tôn vinh, thì cũng đừng vì chút hư danh mà làm sai lệch, méo mó, tức là làm xấu đi những di sản đó. Bởi, nếu làm như vậy, là vừa lỗi đạo với tiền nhân vừa có tội với các thế hệ con cháu!

 

Chỉ mới đọc qua mấy mươi trang đầu cuốn sách Ca dao, Dân ca đất Quảng, đã nhặt ra nhiều sai sót, lệch lạc như vậy. Còn cả cuốn sách thì có quá nhiều những điều mà một người làm công tác nghiên cứu nghiêm túc không ai lại có thể để xảy ra. Trong khuôn khổ một bài báo, chúng tôi không thể trình bày hết. Nhưng, nếu bạn đọc chịu khó lần giở từng trang sách, thì với chút kiến thức tối thiểu cũng có thể nhận ra ngay. Chỉ xin đưa một ví dụ: Ngay cả trang ghi chú “Sách và tài liệu tra cứu, tham khảo” (tr.671), cũng đã bày ra nhiều lỗi quá rồi. Chúng tôi phải giật mình tự hỏi: Không lẽ những người làm sách này, ngay cả với một trang sách có tính nguyên tắc như vậy - cách ghi nhận những sách tham khảo cần thật chính xác, cũng lại thiếu tôn trọng người đọc, và thiếu tôn trọng các tác giả những sách đó đến độ làm không cẩn thận?

 

Chúng tôi rất mong được các tác giả sách Ca dao, Dân ca đất Quảng dành chút thì giờ trả lời cho những thắc mắc nêu trên. Được vậy, quả là vạn hạnh!

 

Bài đã đăng ở Tạp chí Đất Quảng, số 62 (184), tháng 4.2008



([1]) Hội Văn nghệ Dân gian TP. Đà Nẵng, do Hoàng Hương Việt – Bùi Văn Tiếng chủ biên, Nxb Đà Nẵng, 12.2006.

([2]) Một vài địa phương lại hát: Dặn lòng ai dỗ đừng xiên/ Trăm năm đi nữa lá cờ điều cũng đừng phai

 

Tần Hoài Dạ Vũ
Số lần đọc: 6884
Ngày đăng: 05.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Cái chi chi thơ- phần 2 - Vĩnh Phúc
Inrasara & các Viết ngắn về thơ - Inrasara
Thử tìm một mẫu số chung cho thơ - Mang Viên Long
Khi miếng bánh sắp được ’’cắt - chia’’? - Lê Xuân Quang
Cái chi chi thơ - Vĩnh Phúc
Giải minh hậu hiện đại 2 - Inrasara
Đi tìm hoa hậu trong tiểu thuyết Việt Nam thời chiến tranh - Phạm Ngọc Hiền
Nhập lưu hậu hiện đại kì 9. - Inrasara
Nhập lưu hậu hiện đại kì 8. - Inrasara
Mối tình đầu của CHẾ LAN VIÊN - Khổng Ðức