Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.377 tác phẩm
2.747 tác giả
671
116.543.433
 
Trao đổi lại với ông Văn Chinh *
Hà văn Thùy

Xin cảm ơn ông Văn Chinh đọc hai bài viết của tôi và cho ý kiến nhận xét. Nhân đây xin được trao đổi lại cùng ông.

 

Trước hết hãy gác lại chuyện sống chết của Thượng đế vì nó quá to tát,  sang trọng và chẳng ăn nhập gì với hai bài báo còm tôi viết. Tôi chỉ xin nói những gì mình biết đích xác.

 

Từ khi biết khôn, điều bức xúc với tôi là câu hỏi: Tổ tiên là là ai? Tiên Rồng, Lạc Long, Âu Cơ… nghe thì thích thật nhưng sao diệu vợi hoang đường quá! Vậy là những năm dài sống trong dằn vặt, nghi ngờ. Nỗi dằn vặt càng tăng khi cầm bút viết văn. Tới lúc nào đó, tôi cay đắng nghĩ, thì ra người Việt ta chẳng khác gì một bầy trôi sông lạc chợ tấp vào mảnh đất hình chữ S này!

 

Rồi một ngày đẹp trời tháng 8 năm 2004, tình cờ may mắn, tôi gặp dòng tin trên tờ báo mạng của người Việt ở Mỹ: Người tiền sử từ châu Phi theo đường ven biển Nam Á tới Việt Nam 70.000 năm trước! Vậy là cái máu sinh học từ lâu ngủ yên trong tôi bật dậy. Tôi bỏ mọi việc khác để truy tìm tài liệu. Đó là những dữ liệu di truyền học mới nhất, được công bố trên những tạp chí khoa học hàng đầu thế giới cùng một vài bài viết của người Việt ở nước ngoài, giới thiệu phát hiện quan trọng này. Có một thực tế: với một nhà sinh học quá chuyên thì đó chỉ là bản tin khoa học. Với nhà sử học quá chuyên, chúng chẳng gợi được cảm giác gì! Nhưng may mắn, chính là khoa học liên ngành giữa sinh học và sử học cho phép tôi đem những phát kiến về gen giải mã thành công những vấn đề của quá khứ dân tộc.

 

Cuối năm 2004 tôi viết tiểu luận “Tìm lại cội nguồn tổ tiên, cội nguồn văn hóa”, công bố trên mạng talawas.org. Sau đó, tôi hoàn thành cuốn “Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt” (NXB Văn học, 2007). Cũng trong thời gian trên, tôi đưa lên mạng hàng chục bài viết: Tiếng Việt chủ thể tạo nên ngôn ngữ Hán; Phương pháp luận mới nghiên cứu tiền sử người Việt; Dấu ấn văn hóa Việt trong kinh Thi; Bản thông điệp 12.000 năm của tổ tiên người Việt; Về nguồn gốc người Hán và sự hình thành nước Tàu; Viết lại lịch sử hình thành kinh Dịch; Truy tìm gốc tích cây kê; Tổ tiên người châu Âu là ai?  Suy ngẫm về tiến trình văn minh nhân loại…

 

Có thể nói rằng, lần đầu tiên, vấn đề nguồn gốc dân tộc Việt được trình bày một cách hoàn toàn mới, dựa trên thành tựu tuyệt vời của trí tuệ nhân loại. Nghĩ khi đọc Tôtem Sói,  Rời khỏi địa đàng… in trên Văn nghệ và Phương pháp luận mới nghiên cứu tiền sử người Việt in trên tạp chí Hồn Việt chỉ là những tài liệu nhỏ tôi may mắn được công bố trên báo chí trong nước.

 

 Sau đây, xin được thưa chuyện với ông Văn Chinh.

 

Ông Văn Chinh viết: “Nhưng tôi không tin vào thuyết “Một trung tâm” là loài người sau khi được ngẫu nhiên sinh ra ở châu Phi rồi lịch sử loài người là lịch sử tỏa đi chíêm lĩnh trái đất.”

 

Tôi hiểu sự phân vân của ông. Đó cũng là suy nghĩ của rất nhiều người khác, trong đó có những nhà khoa bảng Việt Nam. Thí dụ, đầu năm 2005, Đài BBC tiếng Việt phỏng vấn vị giáo sư hàng đầu ngành sử Việt Nam là Trần Quốc Vượng, đã viết: “Giáo sư Trần Quốc Vượng từ Hà Nội cho biết hiện nay, quan điểm chung của phía Việt Nam là công nhận thuyết ’đa trung tâm’. Theo đó, không có một trung tâm nào trên thế giới, từ đó nghề nông được truyền sang các vùng khác.” (1)

Để hiểu chuyện này, phải trở lại lịch sử của nó.

 

Suốt thế kỷ XX là cuộc tranh chấp giữa trường phái “Đa trung tâm” cho rằng loài người được sinh từ nhiều nơi trên trái đất: châu Phi cho ra người da đen, châu Âu cho ra người da trắng, châu Á cho ra người da vàng. Thuyết “Một trung tâm” cho rằng, loài người được sinh ra từ nơi duy nhất là châu Phi, mà cụ thể là Đông Phi. Đến những năm 70, khi phát hiện di cốt người cổ ở Neanderthal nước Đức có tuổi 35 – 40.000 năm trước và được cho là tổ tiên người châu Âu, thuyết “Đa trung tâm” thắng thế. Có lẽ giáo sư Vượng đã biểu quyết theo đa số trong tình huống này? Nhưng xét cho cùng, cũng không thể trách vị giáo sư của chúng ta vì đó là giới hạn của tri thức nhân loại thế kỷ trước. Trong vòng 150 năm từ giữa thế kỷ XIX tới cuối thế kỷ XX, khảo cổ và cổ nhân học đóng góp những phát hiện quan trọng về thời tiền sử của loài người. Nhưng những chứng cứ của hai khoa học này vừa ngẫu nhiên vừa có độ tin cậy thấp đã dẫn tới những sai lầm nghiêm trọng, trong đó có quan niệm Đa trung tâm như đã kể!

 

Ở thập niên cuối của thế kỷ trước, Dự án Bản đồ gene người (Genographic Project) được tiến hành. Người ta “xin tí huyết” của hàng ngàn hàng vạn người trên khắp thế gian, đem về khảo sát tại những phòng thí nghiệm hiện đại nhất, rồi tính toán bằng toán thống kê xác suất. Kết quả là Con người Khôn ngoan Homo sapiens được sinh ra 160.000 năm trước ở Đông Phi, là hậu duệ của người đàn ông duy nhất cùng 3 người đàn bà, cho ra ba đại chủng da đen, da vàng, da trắng. Với những công bố trên, chiến thắng sau cùng thuộc về thuyết Một trung tâm.

 

Để kiểm chứng một kết luận khoa học, cách tốt nhất là lặp lại chính thí nghiệm đưa tới kết luận đó. Với nhà sử học, triết gia, nhà văn, nhà báo… điều này là không thể. Họ chỉ là người “ăn theo” các kết luận khoa học. Cách kiểm chứng duy nhất là truy tìm gốc của thông tin: tạp chí nào công bố, cơ quan nào nghiên cứu, tác gỉa là ai? Ngoài sự khả tín của những thông tin đó, điều quan trọng là khả năng thẩm định bằng chính tri thức cùng kinh nghiệm của nhà nghiên cứu. Phủ định công trình di truyền học lớn nhất lịch sử nhân loại là Dự án Bản đồ gen người mà chỉ bằng ba chữ “tôi không tin” thì tránh sao khỏi võ đoán?

 

Ông Văn Chinh viết: “Gen di truyền có thể giúp tìm ra anh em, cháu chắt xa cùng chung huyết thống là nhờ quy luật cùng chung tổ hợp gen giữa tổ ông và tổ bà. Cái AND của hai cụ là cơ sở của câu thành ngữ “Con nhà tông, không giống lông cũng giốn cánh.” Cũng là cơ sở cho xét đoán rằng “không phải con nhà tông thì cánh không giống mà lông cũng không.” Vậy thì người Nam Á khác người Bắc Á, người Japon khác người Germany và người Eskimo khác với người còn lại của thế giới cho thấy họ không cùng một tổ tiên vậy. Ông Thùy có thể tranh luận rằng, do quá trình lai tạo, do điều kiện khí hậu và chất lượng sống, đã làm cho mỗi tộc người đều khác xa tổ tiên xưa. Vâng, người Japon nay không còn đặc trưng lùn, nhưng còn người Eskimo thì sao? Ngay cả lý sự hòa huyết cũng không ổn, vì nó sẽ bị xác suất đột biến và quy luật gen trội phá vỡ, sau ngàn vạn năm, sẽ có những người hòa huyết trở lại đúng như thời cụ tổ ông cụ tổ bà tạo ra tổ hợp di truyền của mình. Người Mỹ bỏ ra 41 triệu, chứ bỏ ra 41 tỷ đô la cũng không đảo ngược được quy luật ấy.”

 

Viết như vậy tưởng như hiểu sâu về di truyền học nhưng đáng buồn là nó chỉ nói lên rằng nhà văn của chúng ta hiểu sai bản chất của di truyền.

 

Di truyền có hai cấp độ là fenotive, tức là những đặc điểm bề ngoài, thể hiện ở cao, thấp, béo, gầy… Cấp độ thứ hai là genotive thuộc về bản chất di truyền, quy định những đặc trưng riêng của nòi giống. Đó là những yếu tố vô cùng bền vững. Khí hậu cũng như chất lượng sống chỉ có thể tác động tới fenotive mà không thể làm mỗi tộc người khác xa tổ tiên như ông Văn Chinh quá lo lắng. Ngay cả lai giống cũng thế. Dù lai cách nào đi nữa thì nguồn gen của tổ tiên sẽ theo con cháu tới tận tổ chấy, chả ai tránh được! Người Japon nay dù cao hơn trước nhưng đó chỉ là sự biến đổi của cái bên ngoài, của fenotive; còn cái bên trong, cái bản chất quy định họ thuộc chủng Mongoloid phương Nam vẫn không thay đổi. Phóng xạ là tác nhân gây đột biến mạnh. Nhưng sau 2 quả bom nguyên tử, dù có trăm nghìn người chết, dù có những quái thai nhưng genotive của người Nhật Bản vẫn vững bền. Đấy là điều kỳ diệu của thiên nhiên giúp bảo tồn nòi giống con người.

 

Bản đồ gen xác nhận, giữa chúng ta và người anh em họ xa là tinh tinh, bộ gen giống nhau tới 99%. Điều này cho thấy, các cơ thể sống trong tự nhiên là đại đồng, tiểu dị. Với con người, sự tương đồng trong bộ gen càng lớn hơn. Nhưng chỉ với sự sai khác rất nhỏ cũng giúp kỹ thuật gen phân biệt không chỉ đâu là người Mongoloid phương Nam, đâu là người Mongoloid phương Bắc... Không những thế, vân tay di truyền còn xác định đến từng con người cụ thể. Ông Văn Chinh lại hiểu lầm. Các nhà di truyền Mỹ trong Dự án Genographic chỉ làm cái việc phát hiện rồi thống kê, mô tả thiên nhiên mà không hề làm đảo ngược quy luật nào cả!

 

Ông Văn Chinh viết: “Trong khảo cổ học tại Việt Nam, cho đến nay chúng ta chỉ mới tìm thấy rìu đá, trống đồng. Tuyệt không tìm thấy rìu sắt, nó là vũ khí săn bắt và chém giết người, được tượng hình thành lưỡi phủ việt.”

 

Một lần nữa đáng tiếc là nhà văn của chúng ta lại lẫn. Cái giá trị nhất của người Việt chính là chiếc rìu đá cuội mài có vai tìm thấy ở văn hóa Hòa Bình cũng như trên đất Trung Hoa, Đông Nam Á, sang cả châu Mỹ. Từ mảnh tước của thời Đá cũ, chiếc rìu đá cuội mài đánh dấu bước nhảy vọt của văn minh nhân loại sang thời kỳ Đá mới. Người Việt đã lấy cái dụng cụ tân tiến do mình sáng tạo đặt làm tên tộc của mình. Chữ Việt lúc này chưa phải tự mà là văn với hình cái rìu đá được khắc trên giáp cốt. Có lẽ chừng 15.000 năm, người Việt mang tên Việt với nghĩa chủ nhân của rìu đá ấy. Khi sáng tạo ra lúa nước, người Việt đổi tên mình thành chữ Việt bộ Mễ, với ý nghĩa chủ nhân của lúa nước! Muộn hơn, khi nền văn minh nông nghiệp đạt tới mức rực rỡ nhất, tên đại tộc Việt được viết bằng chữ Qua với bộ Tẩu, có nghĩa ưu việt (Việt bộ Mễ và Việt bộ Tẩu  ). Đó là chữ Việt ngày nay chúng ta dùng. Thực ra, cái rìu quý nhất không phải rìu sắt mà là rìu đá mài, sau đó là rìu đồng. Nhưng đến lúc này kiếm đã thay rìu. Phủ việt chỉ còn ý nghĩa tượng trưng.               

 

Ông Văn Chinh cho rằng “lịch sử loài người là lịch sử của tốc độ.” Nếu đúng vậy thì đó là lịch sử của vài nghìn năm gần đây còn lịch sử chung của loài người phải là di chuyển. Sống bằng săn bắt hái lượm thì di chuyển có nghĩa là sống. Tốc độ chỉ xuất hiện khi có khái niệm thời gian. Lúc đó con người chưa biết tới thời gian nên chưa có khái niệm tốc độ. Khi củ rừng, muông thú khan hiếm, thức ăn khó kiếm, người ta phải đi tìm đất mới. Phải chăng lối sống đó còn giữ ở người Khả Lá Vàng? Chính miếng ăn đã thúc đẩy con người rời khỏi châu Phi. Chả ai ép buộc cả: đói bụng đầu gối phải bò! Chỉ có thể định cư khi phát minh ra cây trồng, vật nuôi. Ngay khi có chăn nuôi trồng cấy rồi thì vì nhân mãn, con người cũng vẫn di cư. Hình như – xin nhấn mạnh, hình như – di cư, di chuyển cũng là bản năng huyền bí của con người ưa tìm tòi khám phá? Không phải mọi khám phá đều thành công. Rời Việt Nam lên phía bắc là hành trình khổ ải và chết chóc. Nhưng không hiểu sao con người cứ đi?

 

Xin thưa lại là, trong cả hai bài viết trên Văn nghệ, tôi không hề nói người Việt mang rìu đá tới Nam ngạn sông Dương Tử như ông Văn Chinh hiểu lầm. Giới hạn Nam Dương Tử do các sử gia đặt ra từ cách nhìn trực quan, là phát hiện táo bạo đến nay còn gây nghi ngờ. Nhưng sự thực lịch sử vượt qua giới hạn đó nhiều! Tôi nói: 40.000 năm trước, người Việt lên khai thác toàn bộ đất Trung Quốc rồi từ đây đi lên Siberia, vượt eo Bering sang chiếm lĩnh châu Mỹ. Thông tin này tôi nhận được từ công trình Đa dạng di truyền người Trung Quốc (Chinese human genome diversity project) công bố ngày 29.9.1998 trên tạp chí Biên bản Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ (PNAS). Điều thú  vị là, sau đó lại có thêm nhiều công trình khác, như của Spencer Wells rồi Stephen Oppenheimer củng cố những ý tưởng  trên. Mấy hôm trước, vào mạng PNAS, Thiên nhiên (Nature), Di truyền người (Human Genetics)…tôi tìm được những tài liệu công bố việc phát hiện một bộ tóc bị đóng băng, một bộ xương cổ hóa thạch cho thấy con người từ Siberia, từ Bắc Trung Quốc đi tới Băng đảo Greenland và Nam Mỹ…

 

Hình như ông Văn Chinh không chịu đọc những tài liệu khoa học tự nhiên. Những chuyện biển tiến, biển thoái, đại hồng thủy, trôi lục địa… đều có trong những cuốn sách phổ thông về lịch sử địa chất, khí tượng học. Chuyện vào thời Băng hà, nước biển thấp hơn ngày nay, người ta có thể đi bộ sang tận châu Úc hình như tôi có học từ thời phổ thông…

 

Trong khi viết những dòng này, tôi vào mạng và đọc được bài của ông Văn Chinh đăng trên website của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Ở chú thích, ông viết, cái mực nước biển 130 mét thấp hơn hôm nay là khối lượng nước bằng với Thái Bình Dương và ông hỏi: vật chất không tự nhiên biến mất thì lượng nước ấy đi đâu? Có lẽ là thế này, vào thời Băng hà, phần lớn Trái đất bị đóng băng. Chỉ một phần nhỏ gần xích đạo tương đối ấm áp. Nước biển theo quy luật cứ bốc hơi nhưng không thể làm mưa để trở về biển mà hầu hết hơi nước thành tuyết phủ băng lên các lục địa. Cứ thế hàng trăm ngàn năm mất nước khiến cho Thái Bình Dương chỉ còn là cái vũng nên tổ tiên ta đã lội bộ qua đó mang đồ đá mài, đồ gốm sang Nhật Bản và Úc châu. Chỉ đến 18.000 năm trước, Trái đất ấm trở lại, băng tan, nước dâng lên mỗi năm 1 centimet cho tới 7500 năm trước thì đại Hồng thủy xảy ra, nước dâng tới tận Việt Trì. Có câu chuyện vui thế này, khi phát hiện ra đá cuội mài và gốm ở Hòa Bình, một số học giả Pháp cho rằng, những thứ đó đã từ Nhật, Úc truyền sang theo đường Trung Hoa! Ngày nay, do băng tan ở hai địa cực, nước đang dâng lên, là quá trình ngược lại với thời băng hà trong quá khứ!

 

Quả là tôi rất ngạc nhiên khi đọc bài của ông Văn Chinh. Không thể ngờ rằng ông bạn đồng hương quý hóa lại viết một bài báo nông nổi vậy!

 

Thưa ông Văn Chinh,

Cảm ơn ông đã hiểu, cho tôi là người yêu lẽ công bằng. Chính vì yêu lẽ công bằng tôi mới làm cái việc trái nghề là tìm lại cội nguồn, văn hóa của tộc Việt. Ông thấy đấy, một tộc người từng lên Trung Hoa khi trời mới hơi ấm lại, băng tuyết bắt đầu tan, đã kiến tạo nơi đó thành mảnh đất văn hiến hàng đầu nhân loại. Nhưng rồi bị cướp tất cả, từ đất đai đến lịch sử và văn hóa! Hàng trăm năm chúng ta bị áp đặt cho một tổ tiên cả ăn cướp lẫn ăn mày: cướp đất của người bản địa, tàn sát rồi đẩy họ lên rừng núi. Ăn mày Trung Hoa từ phong tục, tập quán đến tư tưởng, ngôn ngữ! Bây giờ tìm trả lại cho tổ tiên lịch sử, văn hóa đích thực sao lại bị coi là đa thư loạn mục, tự hào hão?

 

Mấy bữa trước, tôi nhận được điện thư của người bạn từ London. Kèm theo thư là email của cô học trò cũ của ông thời cấp 3 Ngô Quyền, Biên Hòa, đang sống ở Toronto. Cô cho biết, có ông bác sĩ người Canada sang du lịch Việt Nam. Ông viết bài trên báo nói Việt Nam đẹp, người Việt thân thiện, ông rất yêu Việt Nam, khuyên bạn bè hãy đi du lịch Việt Nam nhưng lại nói người Việt Nam là hậu duệ của người Trung Quốc! Cô hỏi ông nên ứng xử thế nào? Ông nói ông đã gửi cho cô bài Tìm lại cội nguồn văn hóa Việt của tôi, bảo cô dịch ra tiếng Anh rồi nhã nhặn, chân tình gửi cho vị bác sĩ. Ít bữa sau chúng tôi nhận được lời xin lỗi của người bạn mới: "Tôi rất tiếc là đã gây ra một lỗi lầm khủng khiếp và ân hận đã làm cho người đọc hiểu sai về nguồn gốc của người Việt Nam. Tất nhiên người Việt Nam có một nền văn minh duy nhất, phân biệt rõ ràng với văn minh Trung Hoa.

 

Là người bị thống trị trong nhiều thế kỷ, người Việt nam đã đau khổ và tôi lấy làm tiếc vì sự xúc phạm tới bất kỳ người đọc nào.

 

Một sự sửa chữa chính thức sẽ đến. Tôi đã gửi email tới chủ biên của Canadian Doctors' magazine, đề nghị tạp chí vui lòng chuyển lời xin lỗi chân thành của tôi tới những người bị tôi xúc phạm. Tôi sẽ cố nói với bạn đọc Bắc Mỹ rằng lịch sử Việt Nam được miêu tả bởi sự tuyên truyền Mỹ thập niên 1960 và 70 là tuyệt đối không chính xác (HVT nhấn mạnh) mà tôi chính là một minh họa đơn giản. Thân ái, Dr. Michael Roberts”        

 

Điều này thì tôi hiểu. Mấy năm trước, trong bài phê bình giáo sư sử học người Mỹ K. W. Taylor, tôi viết: “Lịch sử Việt Nam từng bị xuyên tạc bằng chữ Tàu, chữ Tây và bây giờ là chữ Mỹ!”

 Hóa ra, tìm lại sự công bằng cho tổ tiên quả không dễ dàng!

                                                           

Sài Gòn 10. 6. 2008

 

* Văn Chinh. Xin đề phòng hậu quả của đa thư. Báo Văn nghệ số 22, ngày 31. 5. 2008

1. Hà Văn Thùy- Sai lầm lớn trong bài báo nhỏ. Vanchuongviet.org; havanthuy.ourprofile.net

Hà văn Thùy
Số lần đọc: 3555
Ngày đăng: 09.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Một cõi non bồng - Văn Chấn Ngọc
Ra Ngoài Ngàn Năm hay tiếng vọng thời gian? - Hoài Hương
xuân và trăng - Chu Vương Miện
Bài học năm chữ - Nguyễn Mỹ Nữ
Kết thúc một cuộc đời ! - Trần Huy Thuận
Nhân đọc bài - Khổng Ðức
Khán giả nói gì về cải lương ? - Mai Văn Sang
yêu nhau cởi áo cho nhau - Chu Vương Miện
Chợ BÚT ĐIỀN: Dân thành Nam mình tốt thật! - Trần Huy Thuận
Hưởng ứng Dư Thi Hoàn : Đừng để người ta tìm đến Cát Bà tìm đọc thơ dở - Nguyễn Đức Thiện
Cùng một tác giả
Xứ ra ghe (truyện ngắn)
Nước Mắt Bỏng (truyện ngắn)