Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
709
116.006.329
 
Sáng nắng chiều mưa
Nguyễn Lê Hồng Hưng

Nghe tiếng chào buổi sáng phía sau lưng, tôi day qua thấy viên thuyền trưởng và ông thợ máy già đứng trước phòng bếp, ông thợ máy chào lại viên thuyền trưởng, cùng lúc ông ngó ra ngoài thấy trời nắng chói chang bèn thốt lời khen:

– Trời hôm nay đẹp quá.

Viên thuyền trưởng không khen, không chê nhưng cao giọng nói:

– Con người ta ngày nào cũng nói về thời tiết nhưng không ai làm gì được nó hết.

Thợ máy đưa ngón tay cái ra gặt gặt, và hất hất cái mặt khen câu nói thuyền trưởng rất chí lý. Có lẽ viên thuyền trưởng cũng đắc ý với câu mà ông cho là tuyệt vời của một ngày mới bắt đầu. Ông cười một cái day qua tôi:

– Tôi nói có đúng không đầu bếp?

Tôi nhớ ngờ ngợ ý nghĩa trong câu nói nầy của một danh nhân nào đó mà tôi đã đọc lâu lắm rồi và có rất nhiều người cũng đồng ý cho rằng không ai làm gì được với thời tiết hết. Riêng tôi thì thấy nó hoàn toàn vô lý, phải nói là quá xá hồ đồ, mặc dầu câu nói ấy của một danh nhân.

 

Người ta cần biết thời tiết để làm nhiều chuyện lắm chớ. Nè nhé, những người bình thường nếu biết trước trời sẽ mưa thì ra đường phải mang theo dù, trời lạnh thì bận áo ấm, nóng quá thì đi ra bãi biển; nhà nông, nhà vườn cần biết trước thời tiết ra sao để gieo trồng, ngư phủ biết khi gió lặng biển im thì cho ghe ra khơi đánh cá, gió giông mạnh thì cho ghe vô bờ hoặc tìm nơi an toàn bỏ neo tránh sóng. Hiện nay thời tiết toàn cầu thay đổi làm nhiệt độ trái đất tăng nhanh, gió bão bất thường... làm cả thế giới báo động, Liên Hiệp Quốc phải hợp các lãnh tụ của nhiều nước lại bàn thảo và tìm cách phòng chống. Nói chi xa, ngay trên tàu nầy, mỗi ca trực chính viên thuyền trưởng mở đài nghe tin tức khí tượng từng giờ để hướng dẫn con tàu, vậy mà ông quả quyết không ai làm gì được thời tiết hết. Thấy tôi lơ là trước câu hỏi, ông tưởng tôi không nghe nên lặp lại:

– Tôi nói có đúng không?

– Ông là thuyền trưởng nói ra cái gì thì có nhiều người cho là đúng cái đó, nếu tui có nói ông nói sai cũng chẳng sao mà.

Không để ông kịp phát hiện ra câu trả lời ba phải của tôi, tôi bèn hỏi tiếp một câu cho khoả lấp:

– Ông ăn trứng chiên hay trứng luộc.

Viên thuyền trưởng chợt nhớ ra giờ nầy là giờ ăn sáng:

– À, ông chiên cho tôi hai cái trứng với thịt ba chỉ.

– Ô kê.

 

Hồi nãy tôi hỏi trong bàn có người nào ăn trứng chiên không, ai cũng dãy nẩy, ọ oẹ, lè lưỡi chê trứng chiên thịt ba rọi có nhiều mỡ sợ mập nên không ai dám ăn. Bây giờ thấy tôi dọn ra cho thuyền trưởng tức thì con nhỏ theo thực tập và con nhỏ phụ thợ máy, hai đứa mập thù lù, cũng đòi ăn trứng chiên giống như viên thuyền trưởng.

 

Thói thường của con người ta ưa ăn theo, từ việc làm cho tới cách suy nghĩ, hễ nghe cấp trên nói ra cái gì là những người dưới phải làm và nghe theo cái đó. Trên tàu cũng vậy, phần đông thuyền viên thấy thuyền trưởng ăn món nào thì  hùa theo ăn món đó, thuyền trưởng khen món gì ngon thì cả đám khen theo. Thỉnh thoảng gặp thuyền trưởng sống vô kỷ luật thì y như rằng cả đám thuyền viên cũng sống theo y chang. Có một lần tôi dọn khoai tây trộn với cải xoăn(kale), thuyền trưởng mắt nhắm mắt mở ba chớp ba nhoáng, miệng mồm bị sao đó ăn cải xoăn mà ông nói là mồng tơi đất(spinach). Vậy là cả đám tuỳ tùng hùa theo cười chọc ghẹo làm như tôi là một tên đần độn không biết phân biệt giữa mồng tơi và cải xoăn là gì. Bực mình tôi xuống kho lấy bọc cải còn nguyên nhãn hiệu đem lên liệng lên bàn ăn, chỉ mặt mắng từng thằng và day qua to tiếng với viên thuyền trưởng. Ít ra nhờ cái quốc tịch Hoà Lan đỡ cho tôi lúc nầy, nếu tôi là người In Đô hay Phi Luật Tân chắc sẽ bị mất việc về cái tội phạm thượng.

 

Vừa dọn dẹp xong bữa ăn sáng thì xe hàng chở xuống giao mấy kiện thực phẩm, tôi phải nhận hàng và sắp xếp mọi thứ vào kho. Hôm nay còn có hai người Ukrainia xuống thay cho con nhỏ phụ máy, con nhỏ phụ thuyền phó và một thợ máy trẻ thay ông thợ máy già. Ba bốn người ở công ty kéo xuống mần gì hổng biết mà bắt tôi phải nấu thêm thức ăn. Sau khi lo xong cho gần hai chục miệng ăn, tới phiên cái máy rửa mắc ôn mắc dịch gì mà không chịu chạy làm tôi phải moi hết dĩa, dao, muỗng, nĩa ra rửa bằng tay. Bận rộn suốt ngày, bỏ luôn giấc ngủ trưa, khi xong việc thì đã quá buổi chiều. Tôi lên phòng tắm, tắm xong định nghỉ ngơi nhưng chợt nhớ hồi sáng tàu vào đập Brunsbutel tình cờ gặp tàu Hùng nằm chung một đập và cùng về Hamburg. Chúng tôi hẹn tối nay gặp nhau trên hội quán. Bây giờ tôi phải lên phòng thuyền trưởng lấy giấy tờ cá nhân để còn sửa soạn lên bờ.

 

Viên thuyền trưởng ngồi trước vi tính, nghe tiếng tôi bước vô ông ngoái lại khoát tay biểu tôi chờ một lát rồi ông day vô tiếp tục gõ vô bàn phím. Xong việc ông đứng dậy hỏi tôi:

– Ông muốn lên bờ hả?

– Dà, ông đưa tui seamen’s book.

Thuyền trưởng khoát tay:

– Khỏi cần, tôi mới gởi e mail cho mấy người gác cổng nói họ không được làm khó ông nữa.

– Hổng lẽ mỗi lần ghé cảng là mỗi lần ông e mail cho mấy người gác cổng về chuyện đi đứng của tui sao.

Thuyền trưởng quả quyết:

– Từ đây trở đi không ai làm khó ông nữa đâu, ông là người Hoà Lan mà. À nè, ông mua dùm tôi cây dao cạo râu được không?

– Dĩ nhiên.

Viên thuyền trưởng lấy tiền ra định đưa cho tôi nhưng ngẫm nghĩ sao đó, ông cất tiền lại rồi day qua:

– Thôi, ông đi đi một lát tôi lên mua cũng được.

 

Tuy nghe ông nói vậy, nhưng lòng tôi không yên chút nào. Hơn hai mươi năm qua sống đời thủy thủ, đi khắp bốn phương trời, tôi gặp không ít phiền phức về cái quốc tịch thứ hai của mình. Nhứt là những năm gần đây nạn khủng bố khắp nơi, quốc gia nào cũng tăng cường đề phòng rất nghiêm nhặt. Để cho an toàn tánh mạng của các thủy thủ và kiểm soát buôn bán hàng hoá lậu hoặc khủng bố… Người nào đi ra khỏi vòng rào bến cảng phải gọi shuttle bus xuống đón, chớ không được đi bộ. Nhứt là ở những quốc gia đương phát triển, đội ngũ bảo vệ chạy xe tuần vòng bến cảng suốt ngày đêm, vậy còn chưa đủ, họ đặt  máy thu hình ở cổng rào để kiểm soát xe cộ mỗi bận ra vào.

 

Mặc dù Âu Châu đã thống nhứt người dân các nước trong cộng đồng có quyền tự do qua lại ranh giới, nhưng thực tế không phải lúc nào cũng dễ dàng như vậy. Tôi tuy có quốc tịch Hoà Lan đã lâu năm nhưng mỗi khi đi đường để cái passport nằm trong túi chớ đâu có dán trên mặt. Bảo vệ còn phải thi hành nhiệm vụ của người ta nữa chớ, thấy người nào khả nghi thì họ có quyền chận lại coi mặt trước, sau đó mới hỏi passport và lục soát. Tôi là người da vàng luôn sống xê dịch trên những đất nước không phải của mình, gặp người không cùng màu da, bị họ nghi ngờ cũng là lẽ phải.

 

Thấy tôi lưỡng lự, viên thuyền trưởng gằn giọng:

– Ông cứ đi đi nếu có thằng nào làm khó dễ gì thì ông cứ điện cho tôi.

 

Thuyền trưởng trên tàu là cha mẹ mà, đã ra lịnh thì thủy thủ phải nghe theo. Ngặt cái là khi ra khỏi tàu lên bến cảng thì thuộc quyền của nhóm an ninh, rừng nào cọp nấy. Tôi định nói ý mình cho ông nghe nhưng sợ cãi qua cãi lại một hồi làm ông tự ái vì bị xúc phạm tới cái uy quyền thuyền trưởng của ông. Sống lâu với đời hàng hải, tôi cũng có chút kinh nghiệm đi đường, những nhân viên trên bến chỉ cần giấy xác nhận tên thủy thủ trên chiếc tàu nào thì người ta cho qua thôi. Tôi xuống văn phòng copy cái danh sách thủy thủ đoàn bỏ túi, cái nầy tuy rườm rà nhưng kèm với passport làm bằng chứng đi đường cũng được.

 

Tôi định đi bộ nhưng từ xế chiều tới giờ trời đổ mưa tầm tã, nên tôi điện thoại gọi xe hội quán xuống cổng bến cảng rước tôi. Vừa điện xong thì Gibson đi xuống, mặt mày nó nhăn nhó như bị mắc tim la lâu ngày, nó hỏi tôi:

– Chú chờ tui được không ?

– Sao vậy?

– Tui chờ cảnh sát đóng dấu nhập cảnh.

Gibson là thủy thủ người In đô, cũng như những thủy thủ người ngoài Âu Châu, khi tàu ghé bến nó phải chờ cảnh sát xuống đóng giấy thông hành, sau đó nó mới được lên bờ. Hôm trước tôi có hứa hôm nay lên hội quán mở dùm nó một e mail và chỉ cho nó cách lên mạng. Tôi day lại nói:

– Tao có hẹn với thằng bạn, có lẽ nó đương chờ tao ở trên hội quán.

– Vậy một lát tôi lên hội quán gặp chú nghe.

– Tốt, một lát gặp.

 

Hội quán thủy thủ lúc nào cũng đông người đờn hát, nhậu nhẹt náo nhiệt vô cùng. Bàn nào cũng đầy nhóc bia rượu và vỏ chai chất chồng, họ giơ ly lên cao cụng và ngước cổ nốc ừng ực... rồi sau đó lần lượt đi ra phòng toilet đứng sắp hàng. Không biết trên thế giới nầy mỗi ngày con người ta uống hết bao nhiêu lít bia, rượu và tiểu tiện đầy bao nhiêu chiếc xe bồn. Tôi đi rảo hết các phòng, phần đông thủy thủ tới từ các nước Đông Âu. Không thấy Hùng đâu hết, định gọi điện thoại hỏi nó nhưng nhìn lên đồng hồ treo tường thấy còn sớm tôi mới đi lại quày mua chai bia đứng nhâm nhi.

 

Uống chưa hết chai bia thì Gibson lù lù bước vô, cái mặt nó rỗ chằng rỗ chịt, da thâm đen, đã vậy còn nhăn nhó trông nặng nề làm sao:

– Mầy sao vậy?

– Cảnh sát làm việc lâu quá.

Tôi hỏi một đàng nó trả lời một nẻo. Tôi day vô ba mua thêm một chai bia day ra đưa cho nó và nhắc lại ý mình:

– Tao muốn hỏi ai đã làm gì mầy mà suốt ngày nay tao thấy mặt mày mầy nhăn nhó giống như cái âm hộ vừa mới làm tình.

Nó bưng bia lên hớp một hớp để chai xuống mặt đăm chiêu:

– Chắc tui phải về quá chú.

– Chuyện gì nữa?

– Chú coi ngày nào cũng bị tụi nó chơi xỏ hết.

– À, thì ra cái vụ thằng Toto lấy quần sì líp của con nhỏ sinh viên thực tập liệng vô phòng mầy đó hả?

– Đúng rồi, hồi trưa xém chút nữa tui đập nó một trận rồi ra sao cũng được.

 

Trước kia tôi còn thấy tội nghiệp những người mới xuống bị mấy người làm lâu năm ăn hiếp, nên tôi thường tìm cách giúp đỡ và binh vực, nhưng lâu dần tôi khám phá ra thủy thủ người In Đô phần đông mới xuống làm thì hiền như cục bột, nhưng khi quen nước quen cái rồi thì lên mặt hống hách, hà hiếp đồng hương và hay thường xuyên nói dối. Những chuyện tương tợ cứ lập đi lập lại hoài riết rồi nhàm, làm cho tôi xem thường, dân tộc tính mà. Tôi nhìn nó mỉm cười:

– Mầy tối ngày cứ đánh thằng nầy đập thằng kia, nói cái miệng không chớ tao thấy mầy có đụng tới cọng lông của thằng nào đâu, nhưng không lẽ chỉ vì mấy thằng đồng hương của mầy chơi xỏ chút ít làm mầy bỏ việc. Với lại mầy mà trở về In Đô thì vợ, con mầy đói chớ tụi nó có đói đâu.   

Chợt điện thoại reo, tôi lận túi lấy điện thoại ra bấm nghe. Hùng gọi lên nói tàu nó sẽ dời bến và đêm nay nó đổi ca trực với thuyền phó nên nó không lên hội quán được. Tôi nói với nó:

– Thôi được rồi, hẹn khi khác vậy.

– Vâng, khi khác chú cháu mình gặp nhau.

 

Tôi cất điện thoại, day qua nói với Gibson:

– Thằng bạn tao nó không lên được. Mà nè, có chuyện gì cần  thì mầy nói tao nghe coi có giúp được gì cho mầy, còn nếu không thì bỏ qua ba cái chuyện lặt vặt dưới tàu đi, làm thủy thủ chung chạ với nhiều dân tộc, mầy sẽ gặp nhiều chuyện phiền phức hơn nữa, phải tập sống cho quen với những chuyện phi lý thường tình, cố gắng học hỏi và làm việc cho ngon lành, chừng một năm sau mầy thành ma cũ rồi mặt sức bắt nạt lại mấy tên ma mới.

– Tui đâu có hèn hạ như tụi nó chú.

– Ô kê, nếu mầy cao thượng thì quên mấy chuyện thấp hèn đó đi.

– A ha... chú nói chuyện hay quá.

– Nói thiệt thôi, hay ho gì.

– Chú có hứa mở dùm tui e mail mà.

– À, vậy thì đứng đây làm gì. Mình vô phòng internet, mở e mail rồi mầy tâm sự với vợ con cho đã và mai mốt có chuyện phiền hà trên tàu thì lên méc với vợ, khỏi phải mỗi chút mỗi lên nói với tao.

Chúng tôi vô phòng internet thấy không máy vi tính nào còn trống và chỗ hàng ghế đợi có hơn cả chục mạng ngồi chờ.

– Tao nghĩ bây giờ khó mà rớ tới cái vi tính.

– Sao vậy chú?

– Cái thằng, bộ mầy hổng thấy người ta chật nứt hết sao.

Nó cười:

– Chỗ nào miễn phí là chỗ đó đông người.

– Mình cũng vậy, quyền lợi mà, thôi đi ra ngoài kiếm chỗ ngồi nhậu chơi. Thời buổi nầy chỗ nào cũng có internet, đêm nay không mở được thì nay mai qua Thụy Điển mình mở cũng được.

 

Uống hai chai bia mà mí mắt tôi muống xụp xuống rồi. Tôi nói với Gibson:

– Mầy ở lại chơi, tao phải về ngủ, suốt ngày nay tao làm không được nghỉ ngơi chút nào hết.

– Chú về thì tui ở đây làm chi.

– Vậy thì uống hết cái nầy mình đi.

 

Hai đứa tôi bước ra ngoài, nhưng vừa ra tới hàng hiên thấy trời vẫn còn mưa lâm râm, tuy mưa không lớn nhưng đi từ đây xuống bến chắc cũng ướt hết mình mẩy. Hai đứa đành phải trở vô nhờ xe hội quán chở xuống tàu.

 

Xe hội quán đưa hai đứa tôi tới cổng bến cảng. Chúng tôi xuống xe, đội mưa đi vô trạm canh trình giấy. Tên gác cổng xem giấy Gibson xong cho qua còn tôi thì cũng như thường lệ, hắn lật tới lật lui passport một hồi rồi hỏi tại sao tôi không đem theo seamen’s book. Tôi nói:

– Thưa, hồi tui đi ra thuyền trưởng tàu tôi còn ngủ nên không lấy seamen’s book được, nhưng tôi có danh sách thủy thủ đoàn đây.

Tên gác cổng xem xong và hỏi tôi cho hắn giữ lại cái danh sách thủ thủ đoàn:

– Ô kê, Ngài không giữ tui lại là tốt lắm rồi.

– Không có vấn đề gì hết, ông ra bến chờ khoảng chừng năm mười phút shuttle bus tới.

Chúng tôi ra bến chờ xe. Gibson hỏi tôi:

– Sao tụi nó hay làm khó chú quá vậy?

– Vì passport của tao là đồ giả nên thường bị rắc rối. Mầy nhờ cái gì cũng thiệt hết nên không sao.

– Chú quốc tịch Hoà Lan mà.

– Mầy nên nhớ vịt là vịt ngan là ngan. Mặt mày tóc tai, giấy tờ của mầy cái gì cũng nguyên xi In Đô nên đi qua chỗ nào cũng trót lọt. Còn tao, tuy mang quốc tịch Hoà Lan nhưng da vàng, tóc đen, mũi tẹt, tức là Việt Nam chánh hiệu, nên mỗi lần đi qua cửa phi trường hay ranh giới hoặc vô ra cổng bến cảng, tụi nhân viên nghi ngờ tao là dân khủng bố hay bán ma túy, xì ke và xài giấy tờ giả nên mới chận lại lục soát, săm soi, còn cầm passport lật tới, lật lui, day qua ngó mặt thẳng, mặt nghiêng một hồi rồi nhìn vô hình trong passport hỏi han đủ thứ. Nhứt là qua ngang mấy phi trường bên Mỹ, tụi an ninh bắt tao phải lột hết quần áo ra cho nó soát từng kẽ lông, thấy trong người tao không có rận tụi nó mới chịu cho qua.

– Chú nói quá.

– Nói như vậy mà nhằm nhoà gì mậy, bộ mầy hổng nghe lâu lâu tụi quan thuế phi trường nó moi móc chỗ kín của mấy bà lấy ra hột xoàn và vạch hậu môn của mấy ông lấy ra cocaine hoặc heroin đó sao.

Gibson cười lớn:

– Ha ha...chú bôi bác quá xá...

– Tao thấy rất nhiều người cũng giống như mầy vậy, tao nói chuyện sờ sờ trước mắt thì bị hoài nghi rồi cho là tao bôi bác, còn những tên có chút quyền hành “nó” bôi bác lên cả cuộc sống của thiên hạ thì cũng có khối thằng hùa theo cho là đúng.

– ... 

 

Chúng tôi đi gần tới bến xe bus chợt từ đâu không biết, viên thuyền trưởng lù lù đi tới, tay ông xách một bọc nylon, tôi đoán chừng trong bọc kẹo, xô cô la, bánh và có ít nhứt một cái dao cạo râu. Ông nói với chúng tôi rằng nhân viên gát cổng đòi seamen´s book nhưng ông không đem theo nên họ không cho ông vô, nãy giờ ông gọi điện xuống tàu nhưng không ai bắt máy hết. Ông hỏi chúng tôi có bị tụi gác cổng làm khó không. Lúc đó shuttle bus cũng vừa trờ tới. Tôi day qua nói với ông:

– Không có vấn đề gì hết, tôi có đưa cho người gác cổng danh sách thủy thủ đoàn tàu mình, ông trở vô trình passport cho họ đối chiếu thì họ cho ông vô chớ gì.

 

Mưa thêm ào ạt... Viên thuyền trưởng day người đi nhanh vô trạm canh. Tôi với Gibson vội vàng leo lên xe và kêu tài xế đậu lại một lát chờ viên thuyền trưởng. Khi viên thuyền trưởng trở ra, leo lên xe, đầu tóc ông đã ướt mẹp. Ông vừa phủi nước trên đầu, trên vai vừa chửi thề. Cũng cái tật hay triết lý theo sách vở, ông đọc câu tục ngữ tiếng Hoà Lan:“ April doet wat hij wil”. Nghĩa là thời tiết của tháng Tư muốn ra sao thì ra.

Tôi bèn tiếp lời ông:

– Sáng nắng chiều mưa, thời tiết bất thường có tháng, có mùa, còn con người ta bất thường không mùa không tháng ha ha...

 

Trên dòng kinh Kil nước Đức  27 - 5 – 2008

Nguyễn Lê Hồng Hưng
Số lần đọc: 2831
Ngày đăng: 10.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chớp mắt - Lê Vũ
Dây tầm gửi - Phạm Thanh Phúc
Cỏ xanh - Quý Thể
Quỳnh Dao công chúa - Trương Đạm Thủy
Quán bên sông - Lê Mai
Chuyện làng - Nguyễn Đông Phương
Mùa cưới cho ai - Phạm Thanh Phúc
Ông ngoại tôi - Mang Viên Long
Khói và mảnh trăng khuyết - Nguyễn Lệ Uyên
Đôi khi người ta đùa cợt... - Trương thị Thái Hòa
Cùng một tác giả
Trên một dòng sông (truyện ngắn)
Mùi Tôm Bạc Đất (truyện ngắn)
Hội Quán Thủy Thủ (truyện ngắn)
Mùa cá đường hội (truyện ngắn)
Giáng Sinh Trắng (truyện ngắn)
Chuyến Ðò Tốc Hành (truyện ngắn)
Tâm Bịnh (truyện ngắn)
Anh cũng sẽ về (truyện ngắn)
Trên Bến Grega (truyện ngắn)
Thư Không Viết (truyện ngắn)
Chiều Lên Hội Quán (truyện ngắn)
Đêm bảo Tuyết (truyện ngắn)
Kỷ Niệm Sông Elbe (truyện ngắn)
Cháo Chuột (truyện ngắn)
Trên Một Chuyến Tàu (truyện ngắn)
Sáng nắng chiều mưa (truyện ngắn)
Bốn Biển Là Nhà (truyện ngắn)
Gái Nga Gốc Việt (truyện ngắn)
Hết Mê (truyện ngắn)
Thủ Đô Helsinki (tiểu luận)
Đêm Thánh Nữ Lucy (truyện ngắn)
Chôn đi quá khứ (truyện ngắn)
Con chim bay lạc (truyện ngắn)
Thuyền Nhân (truyện ngắn)
Miền Kinh Rạch (truyện ngắn)
Thủy thủ về nhà (truyện ngắn)
Thời lưới gộc (truyện ngắn)