Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.318 tác phẩm
2.746 tác giả
501
115.870.172
 
Viết ngắn 10. Các trào lưu văn chương
Inrasara

Về các trào lưu văn chương đã bị thải loại ở phương Tây, nay được các nhà cách tân trong nước học đòi làm theo, sao lại kêu là mới? Đó là câu hỏi thường bắt gặp rải rác trên các trang báo, phát biểu bởi chính các nhà thơ, có khi là nhà thơ khá nổi danh.

 

Chúng ta mang vác thứ tâm lí rất lạ. Khi có vài trí thức phương Tây làm chuyến “Hành trình về phương Đông” hay đi tìm “Địa đàng ở phương Đông” thì ta mừng rơn, như thể phương Đông đang lên giá ghê gớm lắm, nên Tây phương đổ xô đi học lại giá trị văn hóa cổ truyền của phương Đông. Còn nếu có xu hướng ngược lại, thì mình vội la lên rằng con cháu hôm nay chối bỏ quá khứ với lai căng, mất gốc!

 

Nhưng, thế nào là vứt? Các phong trào văn nghệ nẩy nở, phát triển rồi suy tàn có phải là vĩnh viễn bị chôn vào nghĩa trang văn chương như lâu nay chúng ta quan niệm và thích thú mỉa mai không? Thử nhìn xem phong trào siêu thực: nó thực sự chết khi thế chiến thứ hai bùng nổ, nhưng bút pháp siêu thực vẫn còn được nhà thơ các nơi vận dụng dài dài đấy chứ.

 

Nữa: thế nào là cũ? Phong trào tân hình thức và chủ nghĩa hậu hiện đại, với tư cách là lí thuyết, chỉ mới ra lò ở phương Tây 20-30 năm nay thôi, và đang thịnh hành; trong khi thành tựu của Thơ Mới đã làm cuộc cách mạng lay chuyển nền thơ ca Việt Nam, không phải các nhà thơ ta học lại từ chủ nghĩa hiện thực, lãng mạn hay tượng trưng Pháp, cũ gần thế kỉ đó sao?

 

Tại sao sợ học, sợ ảnh hưởng? Có cái gì mà không lai căng? Nếu không “lai căng” thì làm gì có chuyện tiếp biến văn hóa? Ôm khư khư cái mình có, có phải là đậm đà bản sắc? Xin mời bạn thử đứng ngoài đường mà ngó quanh mình! Nếu nền thơ chúng ta bất cần “chủ nghĩa”, “trào lưu”, mà nền thơ đó ảnh hưởng đến nhân loại đi thì không nói làm gì; đằng nay, nó muôn năm học của thiên hạ, mà lại là học trò trễ! Trễ 10-20 năm không hơn muộn cả thế kỉ sao!?

 

Chớ nói rằng sản phẩm của sự tìm tòi, cách tân này chưa tới đâu. Một nghệ sĩ sáng tạo nếu biết mình tới đâu thì có còn hứng thú sáng tác không? Và nếu biết được “định hướng và đích đến” – thì hết là sáng tạo rồi còn gì. Ngay nhóm Sáng Tạo, khi bắt đầu cuộc cách tân thơ ở miền Nam trong những năm sáu mươi, cũng đâu biết mình sẽ làm mới từ đâu và tới đâu. Mới, theo họ đơn giản là cắt đứt với cái đã có. Mới của Thơ Mới thì đã khác với thơ Đường luật hay Hát nói. Mới trong thơ Sáng tạo là phải khác với “mới” của Thơ Mới. Mới trong thơ hôm nay là tìm lối đi khác lối đi mà đàn anh đã đi hôm qua. Đừng nói cho to tát: chôn phứt quá khứ để lên đường. Mỗi thế hệ hãy nỗ lực làm khác đi. Thế thôi.

Inrasara
Số lần đọc: 3792
Ngày đăng: 11.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Viết ngắn 09. Truyền thống - Inrasara
Sự ám ảnh về cái chết trong cuộc đời và tác phẩm của Xuân Quỳnh và Lưu Quang Vũ - Phạm Ngọc Hiền
Cần hiểu đúng về các dị bản của một bài ca dân gian tiêu biểu cho xứ Quảng* - Tần Hoài Dạ Vũ
Cái chi chi thơ- phần 2 - Vĩnh Phúc
Inrasara & các Viết ngắn về thơ - Inrasara
Thử tìm một mẫu số chung cho thơ - Mang Viên Long
Khi miếng bánh sắp được ’’cắt - chia’’? - Lê Xuân Quang
Cái chi chi thơ - Vĩnh Phúc
Giải minh hậu hiện đại 2 - Inrasara
Đi tìm hoa hậu trong tiểu thuyết Việt Nam thời chiến tranh - Phạm Ngọc Hiền
Cùng một tác giả
Hành trình Katê (dân tộc học)
Muộn (thơ)
Tạ ơn (thơ)
La cà tết kinh (tạp văn)