Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
451
115.987.527
 
Hàn Mặc Tử trong ký ức người em họ
Nguyễn Hoàn

Nhà thơ nào không nặng nỗi ám ảnh về lẽ sinh tử ở đời. Với Hàn Mặc Tử, nhà thơ tài danh bạc mệnh của văn học Việt Nam hiện đại, nỗi ám ảnh ấy đã thành một định mệnh khắc khoải:

 

Một mai kia ở bên khe nước ngọc

Với sao sương anh nằm chết như trăng

Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc

Đến hôn anh và rửa vết thương tâm

 

Nhưng trong hoạ có phúc. Phúc cho Hàn Mặc Tử, cũng là phúc cho cả nền thơ Việt Nam hiện đại. Trong suốt bốn năm cuối đời, từ 1937 đến 1940, nhà thơ chống chọi tuyệt vọng với căn bệnh nan y, cho dẫu có nhiều bạn bè và bạn tình “trong mộng” cũng không ai rửa nổi “vết thương tâm” cho nhà thơ, nếu như không có một người thường được gọi là “chú tiểu đồng” của Hàn Mặc Tử! Đó không ai khác hơn là Phạm Hành, người em con chú ruột của Hàn Mặc Tử.

 

Trong chuỗi ngày bệnh tật đau thương dữ dội của nhà thơ, ông Phạm Hành từng theo sát gót để lo chăm sóc, bới xách, cơm nước tận tình, chu đáo (Hàn Mặc Tử mang họ Nguyễn mà ông Phạm Hành mang họ Phạm là do trong gia tộc từng có sự cải tên họ từ “Phạm” sang “Nguyễn”). Ông Phạm Hành sinh năm 1924, tại làng Thanh Tân, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Do một cơ duyên may rủi của số phận, ông trôi dạt đến vùng đất phía Nam cầu Mỹ Chánh, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị và sống tại đây. Nằm khuất nẻo sau con đường nhỏ ngoằn ngoèo là một căn nhà nhỏ, mái tranh vách đất tuềnh toàng, vườn nhà trồng dăm bảy hàng chè, luống sắn lèo tèo, nghèo nàn. Gia sản, mà cũng chính là gia bảo trong nhà đáng giá chăng là kho ký ức giàu có về Hàn Mặc Tử của ông Hành.

 

Lúc Hàn Mặc Tử ôm mộng làm báo không thành do trong mình đã nhuốm bệnh phải giã từ Sài Gòn để trở về Quy Nhơn, cũng chính là lúc người cha của ông Hành do cám cảnh trước bệnh tình Hàn Mặc Tử đã bảo ông bỏ học để lo chăm sóc cho người anh bất hạnh. Chú bé Phạm Hành 12 tuổi đã vui vẻ nhận lời giúp đỡ anh Trí (tên thật của Hàn Mặc Tử). Ngày ngày, chú lo thay áo quần cho anh Trí để đem gởi thợ giặt, lo cơm nước, đặc biệt là lo dán tem, dán thư cho nhà thơ rồi trực tiếp đem gửi vào các thùng thư đặt dọc phố Quy Nhơn. Hầu như ngày nào chú cũng gửi thư, một ngày gửi 3-4 lá.

 

Để dừng lắng lâu hơn với ký ức của ông Hành, tôi bèn kéo dòng hồi tưởng của ông chầm chậm lại: “Hồi ở Quy Nhơn, ông thấy bệnh tình nhà thơ thế nào? Và nhà thơ bị bệnh thì viết thơ bằng cách nào?”. Gương mặt gầy gò nhưng quắc thước của ông đượm vẻ bùi ngùi: “Hồi đó, anh Trí chỉ mới bị mấy cái nụ hơi đỏ đỏ nổi trên mặt, gọi là “đơn”, chứ chưa phải phung. Khi bệnh còn nhẹ, mỗi sáng, anh thường hay tập thể dục bằng những sợi dây cao su bọc vải, có hai vật cầm tay ở hai đầu dây, dang tay kéo vào, kéo ra. Khi mạnh, anh kéo 6 dây một lúc, khi yếu, chỉ kéo được 2-3 dây. Suốt ngày, anh viết thơ luôn tay và say sưa ngâm thơ một mình. Anh có thói quen nằm ngửa, kê giấy vào tay mà viết chứ không nằm sấp. Chữ anh viết kéo dài ra thành dây, người khác coi khó đọc. Anh “kéo dây” như thế để viết cho mau”. Bất giác, lời kể ông Hành xui tôi nhớ Hàn Mặc Tử từng có câu thơ tự hoạ về lối viết nằm ngửa mặt - một lối viết định mệnh: “Của bàn tay thi sĩ kẻ lên trăng”.

 

Cách biệt nhà thơ đằng đẵng mấy chục năm rồi, ông Hành vẫn nhớ như in, như tạc vóc dáng nhà thơ không nhỏ, không to, đầu tóc bờm xờm như mũ bê-rê, ngày ngày cứ ngồi ghế mây, ngó ra đường Khải Định trước nhà, xem phong cảnh. Tính hiền như con gái, ít nói. Nhưng mỗi lúc có bạn thơ họp mặt, xướng hoạ với nhau, Hàn Mặc Tử tranh cãi sôi nổi hơn ai hết. Nhiều lúc bệnh tình cũng đã khiến nhà thơ ngại ngần, né tránh chuyện giao du. Ông Hành nhớ có lần một cô gái Hà Nội đi xe kéo đảo lui, đảo tới 2-3 vòng trước nhà Hàn Mặc Tử để xin gặp, nhưng Hàn Mặc Tử lánh trong phòng, từ chối. Nể cô này nằn nì mãi, Hàn Mặc Tử mới thuận cho gặp, nhưng với điều kiện cô phải lấy khăn bịt mắt lại. May có bà mẹ Hàn Mặc Tử biết được chuyện, thông cảm với nghịch cảnh của hai người đã cho phép cô gái được cởi khăn bịt mắt ra.

 

...Thế rồi căn nhà Quy Nhơn với con đường Khải Định thân quen cũng không đủ sức lưu giữ nổi thân phận lênh đênh của nhà thơ. Vì nhiều lý do, gia đình đã đem gửi nhà thơ vào một cái động nằm kề một đồn Tây, trên đường ra Gành Ráng. Động, gọi theo tiếng địa phương, không phải là hang động mà là một bãi cát lồi lõm ven biển. Động này chỉ toàn dân “kẻ biển” ở. Hai anh em kết nghĩa tử sinh đã “nương náu” qua ngày trong cái nhà tranh lụp xụp thuê được với giá 5-7 xu/tháng. Số phận những chủ nhân ngôi nhà cho thuê cũng đen bạc chẳng kém: họ là hai chị em gái không chồng, một chị có được mụn con trai tự “kiếm” lấy.

 

Hỏi chuyện ông Hành, người trực tiếp lo cơm cháo cho nhà thơ, một việc hệ trọng chẳng kém gì việc thuốc thang, tôi không thể quên hỏi ông về chuyện nhà thơ ăn uống khó nhọc ra làm sao. Ông kể: “Anh Trí thường ăn loại cá liệt, vì loại cá này không độc. Cá liệt hồi đó con to bằng bàn tay chứ không nhỏ như cá liệt thời chừ. Lâu lâu anh mới được ăn thịt, vì bà già anh Trí cho rằng bệnh phung rất kỵ hơi thịt mỡ”.

Ở trong động chừng 5 tháng, hai anh em dắt díu nhau về nhà thương Quy Hoà, nơi tột cùng đau khổ nhân gian. Lúc về Quy Hoà, Hàn Mặc Tử viết lách khó khăn hơn vì cứng tay, trên mặt nổi nhiều mụn đỏ sắp nứt. Ban đầu, Hàn Mặc Tử được nhà thương xếp cho “nằm tập thể”, sau đó do bị liệt mới được xếp nằm riêng một mình, một phòng. Nằm riêng được mấy ngày thì Hàn Mặc Tử trút hơi thở cuối cùng. Lúc nhà thương khâm liệm cho Hàn Mặc Tử xong xuôi, ông Hành đạp xe từ Quy Nhơn lên Quy Hoà mới biết, trong tay ông lúc đó còn cầm gói đồ ăn mang cho anh Trí!“. Tôi như còn vẳng nghe câu nói anh Trí dặn tôi lúc vào Quy Hoà - Giọng ông Hành nghẹn lại - Anh dặn đi, dặn lại: Em đừng có nhổ nước miếng giữa nhà nghe chưa. Nếu em nhổ, anh sẽ bị phạt ăn cơm nhạt và nhổ cỏ đó”.

 

Nhắc chuyện người thiên cổ, ký ức trĩu nặng làm cho ông Hành vốn đã già càng già đi. Tôi hiểu thời gian dành cho “pho” ký ức sống về Hàn Mặc Tử hiếm hoi còn lại này đã tính từng ngày. May có bà Thông, vợ ông còn khoẻ đôi phần, bà lại học được nghề bốc thuốc bắc để lo thuốc thang cho người bệnh và lo cơm cháo cho gia đình. Thì ra, chuyện thuốc thang, thăm hỏi bệnh tình đã gắn bó với gia đình ông Hành như là một “nghiệp dĩ”. Thảo nào, ngay từ hồi trẻ, ông đã từng bất chấp vi khuẩn hansen, trên đường đến với Hàn Mặc Tử, trên đường về qua cõi thơ (nay vợ chồng ông Phạm Hành đã thành người thiên cổ, rất may cho chúng tôi là đã kịp ghi lại những hồi ức quý báu của ông Phạm Hành lúc còn sống về nhà thơ tài danh Hàn Mặc Tử).

Nguyễn Hoàn
Số lần đọc: 3122
Ngày đăng: 13.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Trên đồng bưng sáu xã - Võ Ðắc Danh
Hà Thành siêu độc giả - Lê Mai *
Chuyện đàn ông theo vợ “vượt cạn” - Nguyễn Hoàn
Hai mươi năm và nhiều hơn thế… - Trần Trung Sáng
Về thăm Quê Xép - Nguyễn Thuỵ Nhã
Vĩnh biệt ông: nhà văn Xuân Sách - Nguyễn Đức Thiện
Khởi sắc U Minh - Nguyễn Thuỵ Nhã
Đất của mẹ - Võ Ðắc Danh
Hoàng Phủ Ngọc Tường : Về nguồn xưa gối tay nằm bệnh - Nguyễn Hoàn
Cimexcol minh hải, 20 năm oan án. - Đặng Huỳnh Lộc
Cùng một tác giả