Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
635
115.982.042
 
Nhân chứng về một cái chết
Phạm Thanh Phúc

Buổi sáng, Công an hình sự quận nhận được tin báo trong địa bàn quận có người vừa chết. Những người xung quanh không biết được là nạn nhân tự tử hay  bị giết nên vội báo tin cho Công an. Một tổ trinh sát ba người đã tức tốc xuống ngay hiện trường để phá án. Dưới đây là lời khai của những người sống xung quanh và công tác chung với nạn nhân.

*

 

Dạ, mời mấy cậu dùng nước. Hạnh ơi, chạy qua chị Hai mua mấy điếu thuốc đi con. Dạ, tui tên Nguyễn Thị Năm. Sáu mươi mốt tuổi. Tui bán trái cây ngoài chợ gần đây. Sáng nào, tui cũng dậy thật sớm. Năm giờ rưỡi, loa phát thanh ở đầu đường réo to lên là tui đã dậy rồi. Mà không dậy sao được. Dậy nấu cơm ăn ba hột  rồi để cho tụi nhỏ ăn, đỡ tốn tiền quà sáng. Mấy chú coi, thời buổi này cái gì cũng mắc, nay lên giá, mai lên giá. Sáng nào tui cũng phải ra đón ở đầu ngã ba – mấy mối trái cây ở ngoại thành chở về, mình phải giành mua mới có ăn. Trưa, tui ở luôn tại chợ, con gái út tui đem cơm. Cậu Đức bên cạnh nhà hả. Ờ, tui có nghe sắp nhỏ nói chuyện. Hạnh ơi, ra biểu mấy đứa đi chơi đi con, ồn quá làm sao nói chuyện được. Bị sáng nào tui cũng đi từ sáng tới chiều mới về, thành thử đâu có biết gì nhiều. Cậu ấy ít nói lắm, cả xóm đều biết như vậy mà. Được cái tính tình cũng hiền, hồi nào tới giờ tui chớ có nghe cậu Đức cãi cọ với ai bao giờ. Mà cãi lộn với nhau làm chi. Trời cho mình cơm ngày hai bữa là đủ quá rồi, còn thì giờ lo đi làm ăn, hơi đâu cãi cọ cho mệt. Ở hiền gặp lành mà. Ông nhà tui… à nghe nói cậu Đức làm công nhân viên nhà nước. Làm cái chức… hình như gác kho thì phải. Người ta nói: “Giàu gác kho, no nhà bếp”, vậy mà tui thấy cậu ấy nghèo xơ nghèo xác. Nói chớ cũng tùy người. Có người làm ăn ma mãnh, chụp chỗ này, giựt chỗ nọ thì giàu, chớ người làm ăn lương thiện hiền lành như cậu Đức thì giàu sao nổi. Hơn nữa lương công nhân viên, ba đồng ba cọc mà. Có bữa thấy cậu ấy nấu nướng, khói um lên cả bếp, ho sặc sụa vì khói thấy phát tội, tui định nói con Hạnh chạy qua nói cậu ấy để con Hạnh nấu cơm tháng cho… nhưng sợ cậu ấy ngại, nên thôi. Thiệt, con trai mà nấu nấu nướng nướng cũng cực. Nhà tui vô phước không có thằng con trai nào hết, toàn là một đống con gái. Dạ, mấy cậu dùng nước đi để không thôi tan nước đá hết. Chậc! Nhà có một cái tủ lạnh mà nó cứ hư lên hư xuống hoài. Con trai thì cũng có người này người khác. Cậu Đức còn hiền chớ mấy thằng quỷ trong xóm này thì thôi hết chỗ nói. Quần là áo lượt, mà phải giàu có gì cho cam. Hết tiền thì chúng lấy đồ nhà đem bán. Sinh tật nhảy nhót, lại thêm đánh bài, hút xách. Rồi sinh ra ăn cắp. Dạ không có chi, không có mấy cậu thì bữa nay tui cũng nghỉ bán. Bữa nay rằm tháng bảy mà. Chiều hôm qua thấy xe bệnh viện tới, tui hết hồn, té ra là cậu Đức. Thiệt là tội. Người hiền lành vậy mà…

 

*

Qua tên Lăng, Nguyễn Văn Lăng. Hồi nhỏ qua hơi lãng tai lại thêm hồi năm sáu mươi mốt qua bị trận bom bừa ở Sa Đéc thành ra bây giờ lãng tai nặng. Bà con hay gọi là Lăng điếc. Gọi cho vui vậy mà. Mấy em nói to lên qua mới nghe được. Đức hả? Ờ thằng Đức ở cạnh nhà qua. Qua biết nó từ khi tóc nó còn để chỏm. Tội nghiệp, chú Hai, ba thằng Đức – vừa mất năm trước thì năm sau thím Hai cũng mất theo. Qua biết cái tâm lý nó vậy. Chồng mất, vợ buồn rầu rồi mất theo. Dạo đó, thằng Đức mới mười bốn tuổi. Nó được bà cô mang về nuôi ở Phú Nhuận. Nhà bên này để dành cho mướn. Ở được chừng năm, nó bỏ về đây. Qua biết trước chẳng đời nào thằng nhỏ ở được với đám con quỷ quái của bà cô nó. Mà con mẹ cũng ác. Thằng nhỏ mới mười mấy tuổi đầu đã bắt đi bán báo, chào hàng. Lại thêm đám con của bả bắt thằng nhỏ làm đủ chuyện động trời mà không một thằng bé nào cỡ tuổi đó dám làm. Vậy rồi nó trở về đây ở căn nhà cũ của ba má nó để lại. À, qua có tật hay nói chuyện như vậy. Nói phải có đầu có đuôi qua mới nói được. Già rồi thành ra hay lẩm cẩm vậy… mà hồi nãy qua nói tới đâu rồi. Về ở đây nó cũng phải tự kiếm sống. Cũng bán báo, đánh giày, nhưng ở đây còn có tình đùm bọc của bà con chòm xóm. Thằng nhỏ lần hồi cũng lớn được. Nó mê đọc sách lắm. Mười bảy tuổi, nó vừa đi làm vừa đi học. Được cái sáng dạ nên học hành cũng mau thuộc. Hồi cách mạng vào thì nó đã học hết tú tài. Nghĩ đời cũng lắm nỗi nhiêu khê. Người ta không chịu nhận nó vào làm ở mấy xí nghiệp Nhà nước. Nó bị chê là lý lịch không rõ ràng. Lúc đó người ta ớn cái quá khứ bụi đời của nó. Túng quá, nó gia nhập thanh niên xung phong. Mà đi thanh niên xung phong có sướng ích gì. Nó đi được 6 năm, trở về nước da đen nhẽm. Qua hỏi sao không tiếp tục đi nữa, nó chỉ cười. Thằng đánh cờ tướng giỏi lắm. Dạo đi thanh niên xung phong về chưa có việc làm, nó sang nhà qua chơi miết. Dần dà, qua hỏi thăm mới biết nó trở về cũng là có cái lý do… Số là như vầy: nó đi thanh niên xung phong làm việc thật tích cực, mấy năm liền được danh hiệu kiện tướng, kiện tiếc chi đó, những tưởng không còn bị phân biệt gì, nào ngờ khi nó xin gia nhập Đoàn thì lại không được chấp thuận. Chán nản, nó xin về. Nghĩ cũng tội, bỏ công, bỏ sức mấy năm liền cũng chẳng ích gì. Ba năm nay, nó xin về làm thủ kho ở xí nghiệp gì bên kia cầu Sài gòn. Nghe đâu lương cũng khá. Thằng nhỏ đâu có ham chơi. Ngày nào qua cũng thấy nó về thật đúng giờ, đúng khắc. Thỉnh thoảng, qua có hỏi chuyện vợ con, nó bảo thân con còn chưa xong, vợ con gì thêm cho mệt hở bác. Thiệt tội. Gần 30 tuổi đầu chưa vợ con. Công danh sự nghiệp cũng hỏng. Vậy mà bây giờ vắn số… Qua ít thấy nó chơi thân với ai cả. Hình như đã lâu lắm rồi có một cô gì áo đỏ, tóc dài chạm lưng tới tìm nó, rồi thôi bẵng từ đó đến nay không có ai tới lui nữa. Cách đây khoảng tuần lễ, nó có kể chuyện ở xí nghiệp mất đồ gì đó, rồi người ta nghi cho nó lấy. Nó kể cho qua nghe có vẻ tự nhiên, nhưng nghe giọng nó, qua biết nó buồn. Nó chết thiệt là tức tưởi. Bị ngờ oan không tức sao được. Gặp qua bị nghi như vậy, qua cũng tự vẫn chết cho rồi. Mấy em làm ơn điều tra cho ra vụ này giùm qua, dầu gì thằng Đức cũng là con cháu của bà con chòm xóm ở đây. Có gì cũng đỡ tủi cho vong hồn nó…

 

*

Mời mấy anh vào nhà. Lấy giùm anh gói thuốc trên đầu giường đi Ngọc. Ẵm thằng Hưng ra sau nhà một chút đi em. Tôi không biết nhiều về Đức đâu. Đức ít nói lắm. Thú thật là tôi cũng không mấy gì mến Đức. Hồi lâu lắm rồi, tôi có sang chơi rủ Đức đi uống càphê, tâm sự. Nhưng Đức chỉ ngồi nghe tôi nói mà chẳng nói gì. Cậu ấy im lặng thật khó hiểu. Tôi đoán rằng Đức không thích tôi, nên không sang chơi nữa. Tôi có nghe loáng thoáng là Đức đi thanh niên xung phong về. Hình như cậu ấy mất lòng tin vào cái gì đó thì phải. Người yêu à? Tôi chưa bao giờ thấy Đức đi với ai. Đức không thích tôi cũng phải, nhưng tôi cho là cậu ấy còn xốc nổi, bồng bột. Có lần tôi kể cậu ấy nghe chuyện tôi từ chối không ký tên vào đơn kiến nghị của tập thể anh em trong xí nghiệp để cùng đấu tranh lại những hành động sai trái của Giám đốc, từ đó Đức lãng tránh tôi. Chắc cậu ấy cho là tôi hèn nhát, nhưng… biết sao được. Đức còn trẻ quá. Cậu ấy đâu chịu hiểu rằng tôi đã đứng tuổi, rằng tôi đã có vợ, có con. Tôi không cho phép mình mạo hiểm được. Nhà tôi cũng không biết gì nhiều về Đức đâu. Ngọc ơi, để thằng Hưng đó, lên đây anh hỏi chút việc. Em ngồi xuống đây. Em có biết gì về Đức không, kể cho mấy anh này nghe đi.

           

Em không biết gì nhiều hơn nhà em đâu. Nhưng em có nghe đâu đó rằng anh Đức hiền lành vậy mà hay gặp những chuyện không may. Hồi đám cưới, vợ chồng em có qua mời, nhưng ảnh chỉ tới ngồi chiếu lệ một chút rồi về.

           

Tôi là Nguyễn Nghĩa, kỹ sư, 38 tuổi. Nhà tôi tên Trần Thị Ngọc, 26 tuổi, công nhân dệt. Sao cơ? Phải ký vào đây, Em ơi, ký vào đây này…

*

           

Em tên Trần Đắc, trợ lý Giám đốc Nhà máy, 46 tuổi. Mấy anh tới hỏi vụ thằng Đức hả. Dạ, mời mấy anh ngồi xuống đây, Bộ sa-lông này hơi bị rách một chút, mấy anh thông cảm ngồi đỡ. Mấy anh dùng chi? Thôi dùng tạm càphê sữa đá nghe. Dũng ơi kêu giùm chú Tư 4 cái đá với nửa gói 3số. Về thằng Đức thì em không còn biết nói thế nào nữa. Thằng này có nhiều tệ hại lắm, kể ra chắc cả ngày cũng không hết. Vụ mất đồ này em nghi ngay là nó. Dạ, khỏi cần chứng cớ gì em cũng biết là nó ngay mà. Để em kể cho mấy anh nghe lý lịch của nó. Dạ không sao, tại em quen xưng “em” với người đối diện rồi. Thằng này sống cù bơ cù bất, đầu đường xó chợ từ hồi nhỏ. Lớn lên nó đi thanh niên xung phong, nhưng… mà ai tin nó. Nó không được kết nạp Đoàn trong lúc công tác, rồi bị đuổi về. Nhà máy thương tình nhận vào làm, đã vậy lúc gần đây nó còn bày đặt xách động công nhân đấu tranh. Thiệt là đáng ngờ. Em cho người điều tra, thì ra ba má nó đều thuộc  thành phần Ngụy quyền Sài Gòn cũ. Hèn chi mà nó chẳng xách động những phần tử xấu, tụi nó định phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của mình mà. Em vốn có tinh thần cảnh giác nên khi mất cắp, em biết là chính nó chứ không còn ai khác. Dạ chứng cớ à, nhiều chứng cớ quá đi. Tối hôm đó, có người của em cho biết rằng nó trằn trọc không ngủ, thức dậy – đi vào phòng toa lét tới 2 lần, sáng ra nó bảo là đau bụng, xin về, nhờ thằng khác trông giùm. Đến trưa thì phát giác ra mất đồ. Chính nó thông đồng với tụi ở ngoài chớ còn ai nữa. Em xin cam đoan đúng sự thật. Em đâu dám nói xấu người quá cố. Mà thằng này tệ lắm. Nó sống kín đáo tới nỗi anh em không ai chơi với nó cả. Nó cũng chẳng biết tình nghĩa gì cả: hôm em mời nó tới ăn tân gia, nó cũng không thèm đi nữa là. Dạ… mấy chuyện này tuy nhỏ nhặt nhưng dễ bộc lộ phẩm chất con người lắm chớ mấy anh. Không có chi. Nếu có gì cần hỏi mấy anh cứ ghé, em xin tận tình trả lời.

 

*

Bác tên Hùynh Văn Hai, 61 tuổi. Lẽ ra bác đã nghỉ hưu, nhưng cơ quan đang thiếu người, với lại bác làm ở đây từ ngày nhà máy mới thành lập, thấy bác còn sức khỏe, anh em cũng không nỡ cho bác về. Mấy cháu tới hỏi vụ thằng Đức chớ gì. Thật oan cho thằng nhỏ… nhưng làm sao trả lời được: chúng nó tới một lũ hùa nhau định cho thằng nhỏ gục mà. Rồi nó gục thật. Thằng yếu bóng vía quá. Phải bác biết nó có ý định dại dột như vậy thì bác đã can nó. Bác gác cổng ở đây đã lâu, qua mấy đời giám đốc, thay 4 người thủ kho, nhưng bác chưa thấy đứa nào làm ăn cẩn thận được như nó, thanh liêm trong sạch được như nó. Lần nào hàng ra, bác cũng xem kỹ có chữ ký của nó, mới cho ra cổng. Mấy thằng áp tải cự nó: “ông làm như chức thủ kho lớn hơn chức giám đốc vậy”. Có hôm, bẵng đi cả ngày không thấy hàng ra, bác ngạc nhiên hỏi thì mấy đứa bảo vệ nói lại rằng anh Đức không cho xuất kho vì thấy giấy tờ không hợp lệ. Có hôm nhập hàng mới, với đầy đủ chữ của giám đốc nhưng hàng không đạt tiêu chuẩn, nó kiên quyết không nhận. Giám đốc đành phải viết giấy cam kết, nó mới chịu. Tay trợ lý giám đốc mời anh em đến nhà mừng tân gia nhưng lại “gợi ý” mang theo quà biếu, nó không thèm tới. Hôm ăn đầy tháng con giám đốc, nó đến mang theo bộ đồ trẻ con và chúc mừng nhiệt tình, nhưng ông ta cho là nó “khi dễ” ông ta, bởi những người khác đều mang phong bì dày cộm cùng những món quà đắt tiền. Thằng nhỏ như cái đinh gây khó chịu cho những kẻ khác, nên khi “có chuyện”, họ dựng ngay bằng cớ để đánh gục nó. Bác chỉ tội cho nó, vụ này bác biết là nó chẳng bao giờ thèm dính vào. Bác cũng biết một số vụ sai trái của những người kia, nhưng bác chẳng nói gì được. Người ta tin vào cái chức, cái quyền chứ ai tin vào lão gác cổng quèn này, thành thử mấy lần đoàn thanh tra tới, họ chẳng thèm hỏi bác điều gì. Nhưng chuyện đời đúng là “tái ông mất ngựa”. Hên mà xui, xui mà hên. Vả lại cho dù họ có hỏi, chắc bác cũng nói không rành, còn thêm tai họa vào thân. Thằng Đức thẳng người quá, mà người xưa thường nói: “răng cứng nên dễ gãy, lưỡi mềm nên tồn tại lâu” là vậy. Phải chi nó âm thầm tranh đấu thì đâu đến nỗi, đằng này nó lại nổi bật lên trên những anh em công nhân chống lại hành động sai trái với ê kíp của giám đốc, thành ra nó trở thành mục tiêu đầu tiên cho những đối thủ tấn công. Trong vụ này rất khó xác định thủ phạm là một người. Hôm đó, không phải phiên bác trực, tuy nhiên bác nhận thấy được một số dấu hiệu mờ ám như thế này. Nếu như mấy cháu thấy cần…

 

*

Tôi là Nguyễn Xa, 28 tuổi, kỹ sư vận hành máy. Tôi không biết gì về vụ này. Tôi chỉ biết Đức, vì cùng cơ quan, nhưng chưa nói chuyện lần nào. Tôi không hề tham gia đấu tranh gì cả. Tôi không biết những việc làm sai trái gì hết. Mỗi ngày tôi đi làm đúng giờ, đảm bảo năng suất rồi về. Vậy thôi. Vụ mất đồ của nhà máy tôi có nghe, nhưng hôm mất đồ tôi bận đi tỉnh công tác, không có mặt trong thành phố.

 

*

A! Xin mời các anh vào. Vâng tôi là Bí thư Đảng ủy kiêm phó giám đốc nhà máy. Như các anh cũng biết, bây giờ đất nước đang ở vào thời kì mở cửa, thời kinh tế thị trường, ai cũng phải đổi mới tư duy cả. Ngay tôi là Đảng viên, lớn tuổi, lại giữ chân Bí thư đảng ủy, trước kia không ít người sợ rằng tôi sẽ bảo thủ, cứng nhắc. Nhưng không, chính tôi luôn theo sát nhịp đập kinh tế đất nước. À xin lỗi! Tôi xin đi vào vấn đề chính đây. Tôi quan tâm đến Đức từ ngày cậu ta mới chuyển về nhà máy lận. Sở dĩ tôi phải nói lòng vòng tự nãy giờ là bởi Đức là một thanh niên còn trẻ, nhưng cách sống, cách nhìn rất bảo thủ. Thuở đời nay, thanh niên mà không thích văn nghệ, không thích ca hát, không thích đi du lịch với anh em trong nhà máy… Thời đại kinh tế mở cửa mà ai mời hút 3 số, uống chút bia lon cũng ngại… “mất phẩm chất” (!) Về năng lực, cậu ta đúng là làm tốt vai trò thủ kho. Nhưng về tính năng động trong ngoại giao… à là cái khoản cư xử đẹp ấy mà!… thì cậu ta kém lắm. Tất nhiên không phải vì thành kiến mà tôi đồng ý với cái kết luận Đức lấy cắp tài sản XHCN…

 

*

Họ tên: Nguyễn Thị Hạnh, tuổi: 26, nghề nghiệp: nhân viên phòng tổ chức nhà máy, tôi mới về nhà máy được hai năm. Là nhân viên phòng Tổ chức nhưng hầu như công việc chính của tôi là… đánh máy. Còn việc tuyển chọn công nhân, đánh giá, xếp đặt bộ máy quản lý nhà máy thì chú Năm trưởng phòng làm việc riêng với bác Sáu giám đốc rồi. Nhưng chỉ công việc đánh máy không mà cũng chiếm của tôi 2/3 thời gian rồi. Báo cáo, công văn, giấy mời họp… đủ các loại. Chắc tôi phải chuyển sang thư ký đánh máy thì hợp hơn chớ làm như thế này là trái chức năng. Hồi mới về, tôi đã nghe nhiều lời đồn đãi về Đức. Tốt có, xấu có. Nhưng tôi không để tâm vào chuyện đó làm gì. Đức ít nói. Từ trước đến giờ, tôi ít thấy anh ấy cười. Tuy nhiên, phải công nhận rằng anh ấy giúp đỡ mọi người nhiều và chẳng hề quan tâm là người đó có tốt với mình hay không. Tôi ghét cái tính ít nói. Ít nói chứng tỏ là người không hoạt bát, khó tính và như vậy thì dễ mất nhiều bạn lắm. Hình như Đức chưa có người yêu. Chắc tại anh ấy khó tính quá. Hôm nào tôi đánh máy giấy mời, chữ số lem nhem là anh ấy trả lại, bắt tôi đánh máy thật rõ. Đức là một con người trung thực, nhưng nguyên tắc và cứng nhắc quá. Vụ mất đồ trong nhà máy hôm trước có nhiều dư luận đổ tội cho anh Đức. Nhưng số đông không hẳn là đúng. Tôi đoán là Đức không có tội đâu, nhưng… anh ấy đơn độc quá. Tôi à? Tôi không thích dính vào những chuyện lăng nhăng như vậy. Đã có lúc tôi muốn đấu tranh với cái xấu. Nhưng tôi có kinh nghiệm xương máu về điều này rồi. Từ công ty X., tôi bị chuyển sang nhà máy này. Đấu tranh nữa, tôi sẽ ra sao? Không ai thích húc đầu vào đá cả. Nhất là tự dưng cảm thấy đơn độc. Tuy nhiên… tự dưng tôi thấy bứt rứt trước cái chết của Đức. Trước đây có lần anh đề nghị tôi tham gia đấu tranh cùng anh em công nhân. Đức biết rõ những loại giấy tờ mà tôi đọc qua, đánh máy hằng ngày, thậm chí cả những hợp đồng quan trọng đều qua tay tôi – chính vì vậy, anh đề nghị tôi hợp tác. Nhưng lúc đó tôi đã từ chối. Từ chối bằng sự im lặng. Thế nhưng trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ mình sẽ giúp Đức vào một ngày nào đó và tôi đã chuẩn bị sẵn một số lớn tài liệu sổ sách quan trọng cần thiết cho cuộc đấu tranh. Tôi hối hận… bây giờ nếu như có thể giúp đỡ các anh làm sáng tỏ…

 

*

Chúng tôi thuộc tổ bảo vệ 1: gồm 4 người. Tổ bảo vệ có nhiệm vụ đi tuần tra vòng quanh hàng rào nhà máy. Chúng tôi không trực tiếp bám quanh kho. Quanh kho đã có tổ 2. Thật tình chúng tôi không ngờ cho Đức. Đức ít nói, nhưng anh ấy là người tốt. À! Hôm đó chúng tôi được cho đi tham quan Vũng Tàu 3 ngày. Tối hôm đó, chúng tôi không có mặt trong nhà máy.Cơ quan cho phép đi nghỉ là chuyện rất thường. Điều chúng tôi được báo lại là anh Đức trực tại kho đêm ấy. Nhưng việc khẳng định Đức lấy cắp với một số chứng cớ dựa vào tình huống đêm ấy là của phòng tổ chức và Ban giám đốc nhà máy đưa ra. Chúng tôi không dám khẳng định điều gì bởi hôm đó chúng tôi không có mặt tại nhà máy. Vâng, các anh rẽ sang bên phải, căn phòng có cửa màu xanh nằm cạnh cổng là nơi thường trực của tổ 2.

*

 

Tụi tôi cho rằng Đức có dính dáng đến vụ này. Tính tình nó kì cục lắm. Không hiểu nó sống khép kín như thế để làm gì. Tụi tôi mời nhậu, nó không nhậu. Ép mấy, nó cũng từ chối. Hôm đó, có những dấu hiệu khả nghi – rất khả nghi. Thường ngày nó hay ăn mặc giản dị, nhưng ai biết đâu “lấy vải thưa che mắt thánh”. Tụi này không nghĩ xấu gì. Thấy sao nói vậy thôi. Tin hay không là tùy các anh. Có thể thằng Đức chưa bao giờ làm chuyện này nên bây giờ lỡ dại, bị phát giác, nó xấu hổ quá tự tử cũng nên. Đời này ai dám tin ai. Cháy nhà mới lòi mặt chuột, báo Công an đăng tin hoài, không ngán sao được.

*

 

Tôi là Nguyễn Vĩnh, 28 tuổi, phó phòng tổ chức kiêm bí thư đoàn nhà máy. Tôi không biết Đức có dính dáng gì đến vụ mất cắp này hay không. Chưa, Đức chưa là Đoàn viên. Tôi có nghe loáng thoáng hồi đi thanh niên xung phong, Đức sắp được kết nạp đoàn thì bị hoãn lại. Ở đây hồi năm trước tôi định kết nạp đoàn cho cậu ta. Nhưng Ban giám đốc trong đó có đồng chí bí thư Đảng ủy không đồng ý. Tôi… không thể kết nạp được; về mặt tổ chức, tôi phải nghe theo lệnh các đồng chí ấy. Bố cậu ta là sĩ quan chế độ cũ, mất trong một trận đánh năm 1970. Nguyên sự việc này Ban giám đốc kết luận, rằng như thế chắc cậu ấy có thâm thù với chế độ mới. Tôi đành chịu, vì quả thật không ai dám đứng ra giới thiệu Đức vào Đoàn. Tôi không biết Đức có lấy cắp hay không, nhưng… nếu như Ban giám đốc đã có kết luận rõ ràng như vừa qua thì ắt trên đó phải có chứng cớ gì đó buộc tội Đức. Và như vậy thì… Đức có tội. Tôi không biết có cuộc đấu tranh nào diễn ra trong nhà máy này cả. Tôi chưa hề nghe anh em kêu ca phàn nàn gì. Nhưng điều các anh vừa nói chẳng qua là tin đồn. Người chết, hết tội. Người ta tự thấy thương cảm người đã khuất, đó là chuyện thường. Anh em họ nói thế có khi chỉ để biểu lộ tình cảm đối với người đã mất. Bao giờ tôi cũng làm tốt vai trò của mình cả. Giám đốc bận đi họp rồi. Phiền các anh trở lại vào buổi chiều khoảng 2giờ 30.

*

 

Tôi là Giám đốc nhà máy. Nghe nói các anh tìm tôi hôm qua, nhưng hôm qua tôi bận đi công tác. Các anh cần gì xin trình bày ngắn gọn. Tôi cũng không có nhiều thời giờ lắm đâu. Vụ thằng Đức ở đây đã có kết luận chính xác nên chúng tôi không phiền đến các đồng chí. Các đồng chí thông cảm cho phía chúng tôi, điều ấy đã rõ ràng. Đức sợ bị tội nên tự tử chết ấy là chuyện thường tình. Sao? Không bình thường à? Chẳng lẽ chúng tôi ám sát hay bức tử anh ta. Không!Việc kết tội anh ta không hề là ý kiến chủ quan của riêng tôi. Đó là ý kiến chung tổng hợp từ ý kiến của tổ bảo vệ, các phòng ban đoàn thể trong nhà máy, là sự thống nhất cả trong Ban giám đốc, Đảng ủy nhà máy. Hành động của Đức hoàn toàn là một hành động có ý thức. Anh ta sinh ra trong gia đình Ngụy quyền Sài Gòn cũ, lớn lên ở đầu đường xó chợ rồi được cách mạng nuôi dưỡng. Nhưng bản chất con người bao giờ cũng cố định. Anh ta không thay đổi được gì. Thậm chí còn tệ hại hơn. Ngay tư cách đạo đức cá nhân anh ta cũng là điều phải xem xét. Hôm con tôi mừng lễ đầy tháng, anh ta mang lại cho một mớ vải chẳng ra vải, giẻ rách chẳng ra giẻ rách làm tôi phát ngượng với quan khách. Đức thường cố ý ngăn trở chuyện chuyển hàng trong nhà máy, ngay khi đã có lệnh tôi, anh ta vẫn hạch sách, khó khăn với nhân viên áp tải. Động cơ  nào đã làm cho anh ta hành động như vậy? Anh ta cố gắng chứng minh rằng người có đạo đức tốt thì cần phải làm như thế. Nhưng phải chăng trên đời này có một người hoàn toàn tốt như vậy? Tôi không thể nào tin được có một người như vậy. Sau khi thống nhất với Ban giám đốc, Đảng ủy, đoàn thể, chúng tôi đã đi đến quyết định thông báo tội trạng của Đức trong toàn nhà máy, sa thải anh ta đồng thời gởi quyết định này về địa phương.Sự kiện Đức tự tử là ngoài dự kiến của chúng tôi. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về sự việc này. Chuyện trù dập ức hiếp chỉ là những lời nói xấu lãnh đạo nhà máy. Các anh đừng tin vào những lời vô căn cứ đó.

 

*

Em tên Bích Ngọc, 24 tuổi. Hồi trước em học chung với anh Đức. Em hiểu được hoàn cảnh của anh Đức từ hồi còn rất nhỏ. Vậy mà anh ấy vẫn đi học được, không hề kêu ca than vãn. Chính vì vậy, em rất quý ảnh. Nhưng hình như ảnh không quan tâm đến điều đó. Có một lần thấy ảnh đi chợ mua đồ ăn, em thấy tội nghiệp định mua giùm nhưng lại ngại… Vì em là con gái. Anh ấy sống khép kín, về sau đi làm trong nhà máy, em cũng không thấy ảnh đi nhậu với mấy anh em trong nhà máy. Anh Đức bị những điều không may trong cuộc sống, vì thế nên ảnh mới sống xa cách với mọi người như vậy. Em chưa biết những người khác bị cuộc sống hắt hủi như thế nào, nhưng có lẽ anh Đức là người bị cuộc sống hắt hủi nhiều nhất. Không…dạ…em… Ảnh coi em như em ruột mình. Anh Đức không kể gì nhiều về cuộc sống của ảnh, nhưng em biết được thông qua những người khác. Em là công nhân nên những phát động đấu tranh của anh Đức và một số người khác, em đều biết được. Anh Đức bị nhiều người ghét, chính vì vậy người ta dựng nên chuyện này để hại ảnh. Hôm trước khi ra đi một ngày, ảnh có tới nhà em nói chuyện. Anh gửi em một số giấy tờ, em chưa kịp coi nhưng đoán là giấy tờ quan trọng có liên quan tới việc đấu tranh với những người tiêu cực trong nhà máy. Em hỏi ảnh sao dám gửi cho em, không sợ em giao cho những người kia để lập công sao, thì ảnh cười bảo rằng ảnh tin em vì em còn ngây thơ trong sáng chưa biết đứng về phía những cái xấu. Không hiểu sao tự dưng em thấy cảm động vô cùng, không phải vì ảnh tin em mà vì em biết ảnh đang làm điều tốt. Em không hề linh cảm rằng ảnh chết. Vậy mà…

 

*

Với những hồ sơ, tài liệu thu được qua quá trình điều tra, Công an hình sự kết hợp với Viện kiểm sát nhân dân quận đã khởi tố Giám đốc X. cùng với trưởng phòng tổ chức Y và một số nhân viên khác đã tham ô tài sản XHCN, vi phạm nguyên tắc tài chính trong nhà máy… cùng một số tội danh khác.

 

Không ai nhắc đến người thanh niên đã chết. Đó là một cái chết tiêu cực, nhưng anh ta đã đóng góp không ít cho cuộc đấu tranh chống lại những thế lực tiêu cực trong cuộc sống…

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 2310
Ngày đăng: 16.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Thằng côi - Lê Mai
Em Hai ơi! - Minh Thuỳ
Truyện cổ tích về một nghệ sỹ - Ngữ Yên
Đèn màu - Đổ Thị Hồng Vân
Chuyện của một thời - Lê Mai
Sáng nắng chiều mưa - Nguyễn Lê Hồng Hưng
Chớp mắt - Lê Vũ
Dây tầm gửi - Phạm Thanh Phúc
Cỏ xanh - Quý Thể
Quỳnh Dao công chúa - Trương Đạm Thủy