Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
694
115.999.257
 
Người về phía bên kia núi
Lê Huy Mậu

( Viết nhân dip 49 ngày nhà thơ Xuân Sách )

 

Sáng sớm ngày 2/6/2008, tôi nhận được điện thoại báo tin : Anh Xuân Sách nhập viện trở lại. Nặng lắm. Chắc khó qua khỏi. Tôi gọi điện báo tin này cho Trần Đức Tiến (TĐT). Tiến bảo: Biết rồi! Lại tính gọi cho tổ chức tỉnh uỷ hỏi xem có chế độ gì không. Lại nghĩ: Phải trực tiếp gặp- Thì cứ thông báo kip thời thế, sau này khỏi bị trách! Không ngờ vậy mà được việc. Trưởng phòng cán bộ bảo tôi: Ông Sách có chế độ đấy: Thăm ốm triệu rưỡi, viếng đám tang năm triệu. Tôi thầm nói với mình: Tốt rồi! Tiền lúc nào cũng tốt, huống nữa là tiền từ chính sách ! Ngay buổi sáng đó, tôi giục văn phòng Hội chuyển vào tài khoản con dâu ông ở HN 3 triệu đồng đồng ( một triệu rưỡi từ BTC tỉnh uỷ, một triệu rưỡi từ quỹ Hội).

 

Mờ sáng hôm sau thì tôi nhận  tin nhà thơ Xuân Sách đã qua đời tại bệnh viện Thanh Nhàn Hà Nội lúc 12h45 phút đêm qua (2/6)

 

*

Với nhà thơ Xuân Sách, tôi là người ít nhiều có quan hệ công tác . Số là, tháng 12 năm 1985, khi tôi được mời tham dự hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ III tại Hà Nội, ông Lê Xuân Thuỷ, bấy giờ là phó bí thư thường trực Đặc Khu Uỷ (ĐHU) kiêm trưởng ban Tuyên Giáo ĐKU Vũng Tàu –Côn Đảo (VT-CD) giao cho tôi tiện thể mang công văn của ĐKU ra gặp Hội Nhà Văn (HNV), nhờ HNV Việt nam giới thiệu cho một nhà văn về làm chủ tịch Hội. Tôi có đến đưa quà và công văn, được tiếp đón vui vẻ và được hứa sẽ quan tâm. Biết được tin ĐK VT-CD đang cần người về làm chủ tịch Hội. Nhiều nhà văn cũng mách tôi gặp người này, người kia… Nhà văn Nguyễn Đức Thọ và nhà thơ Vũ Xuân Hương là đại biểu của tỉnh Đồng Nai (ĐN) cùng đi dự viết văn trẻ với tôi khuyên tôi về Đồng Nai xin nhà thơ Xuân Sách (XS) về làm chủ tịch Hội.

 

Sau hội nghị viết văn trẻ toàn quốc, tôi đề xuất việc xin nhà thơ XS về làm  chủ tich Hội và được ĐKU đồng ý. Anh Hưng Nam- phó trưởng ban thường trực BTG ĐKU giao tôi lên Đồng Nai gặp nhà thơ XS. Nghe tôi nói ý định về việc thành lập Hội ở VT-CĐ, ông hào hứng lắm. Nhưng ông cũng nói trước, vì lý do này này…, có thể gặp những khó khăn này này… và dặn đi , dặn lại tôi là phải thế này, thế này… Tôi hăm hở làm cầu nối, làm đại sứ đi về như con thoi giữa VT và ĐN cho cái công việc “đại sự” là thành lập Hội. Thông thường, Hội Văn Nghệ địa phương chỉ  đại hội hết nhiệm kỳ thôi đã vui, đã nhộn nhip rồi, huống đây lại là việc thành lập Hội. Có cả  một pho chuyện bi hài về ngày đó, nhưng thôi, bây giờ chưa phải lúc nói về chuyện đó.

 

Đặc khu VT- CĐ, bấy giờ, tuy nhỏ bé, ít dân, nhưng lại là một “Hợp- Chủng -Quốc”.- Là miền đất rất lý tưởng với các trí thức, văn nghệ sĩ nước nhà phiêu dạt. Mọi thủ tục đón rước nhà thơ XS về VT diễn ra suôn sẻ. Nhưng, không lâu sau đó, tình hình bỗng trở nên phức tạp. Theo sáng kiến của ai đó, ĐK VT- CD sẽ sát nhập với ba huyện của tỉnh ĐN để thành tỉnh BR- VT. Nhiều cán bộ của tỉnh ĐN được điều động tăng cường cho ĐK để chuẩn bị thành lập tỉnh mới. Nhiều vị trong số đó không mặn mà với nhà thơ XS. Và thế là tôi thành ra kẻ vô tích sự. Và thế là tôi bị cật vấn, tra hỏi như là kẻ có vấn đề. Có vị còn nổi nóng: “Thế cậu không biết XS là “NHÂN VĂN GIAI PHẨM” à!” Tôi từ tốn: “Thưa chú, anh XS có sai lầm khuyết điểm gì thì cháu không biết, nhưng NVGP thì cháu dám đảm bảo là không ! Biết tin này XS buồn lắm. Những chuyện như thế ông cũng đã gặp ỏ ĐN rồi. Thì ra, số ông chạy trời không khỏi “bóng” ĐN. Nguyên một năm trước đây ông cũng được mời về ĐN để làm phó giám đốc NXB ĐN, trước đó, ông đang là Phó giám đốc NXB Hà Nội. Việc tại sao ông xa Hà Nội để vào ĐN, bước thiên di này của ông là đúng hay sai  thì chỉ có ông mới có nghiệm. Tuy nhiên, rất lâu sau ngày xa ĐN, ông vẫn rất vị nể, quý mến nhà văn Lý Văn Sâm và nhà văn Hoàng Văn Bổn… Chính trong những ngày đi ở dở dang giữa ĐN và VT, nhà văn Lý Văn Sâm đã có những tác động tích cực tới ông bí thư ĐKU Lê Quang Thành. Và nhờ có ông Thành việc của ông mới thuận chèo mát mái được. Cho nên,  sau này khi ông Thành đã nghỉ hưu, có vài lần ông rủ tôi đến thăm chơi, điều mà ông ít khi làm với người khác.

 

Tính ra, từ ngày về VT (1986) đến ngày ông ngã bệnh trở về HN với con cái (2008) là hai hai năm. trừ đi một năm cuối ông có hơi xuống sắc, xuống sức, còn thì ông khoẻ mạnh. Ngày nào ông cũng lai rai vài xéc bóng bàn, đều đặn ngày một hai chai bia và gần như tháng nào ông cũng túc tắc được vài cái tạp bút, tiểu phẩm trên Vũng Tàu Chủ Nhật kiếm tiền bia. Thoat nhìn, như thế với tuổi hưu là nhàn, là thảnh thơi. Nhưng với anh em quen biết  thì biết ông cũng chẳng được thảnh thơi. Có điều ông kin đáo, lúc nào cũng u ẩn như một ngôi mộ cổ…

           

Cũng phải nói thật,  tôi tuy là người luôn có mặt bên  ông trong suốt hơn hai mươi năm ông sống ở VT, nhưng tôi chưa bao giờ là thuộc cấp của ông. Càng không phải là nhân vật có chân trong bộ tham mưu của ông. Có lúc ông còn dè chừng tôi, một phần vì vị trí công tác của tôi, một phần vì không hiểu sao tôi luôn giữ một khoảng xa với ông. Theo tôi, ông có cái cốt cách khí khái của một ông đồ nho, có một chút phóng khoáng trong sinh hoạt cũng như trong quan hệ của anh trí thức văn nghệ sĩ nhưng ở ông,  cái đặc trưng phong cách truyền thống  Thanh Hoá là khá rõ. Nhiều lúc tôi không hiểu nổi, sao một người nổi tiếng như ông lại có thể chấp nhặt nhưng chuyện nho nhỏ rất dễ bỏ qua. Chuyện của ông dù loanh quanh thế nào rồi cũng vòng về chuyện thế sự.  Cũng chẳng có gì là khó lý giải về những “diễn biến tư tưởng” của những nhà văn thế hệ ông. Các ông là lớp thanh niên học sinh vừa trưởng thành đã gặp ngay luồng giá mới. - Luồng gió của cuộc CM Tháng Tám long trời lở đất. Ý nghĩa tích cực của cuộc CMT8 đã hằn sâu trong tiềm thức các ông cho nên, không thể nói là những tác phẩm của các ông trong giai đoạn đó là chỉ thuần tuý  sáng tác theo yêu cầu nhiệm vụ. Mặc dầu về sau này, các ông không muốn nhận mình là cán bộ văn nghệ của Đảng, nhưng gần như toàn bộ tác phẩm của các ông là những sáng tác theo sự phân công, theo yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Chỉ mãi sau này các ông mới có một số tác phẩm viết tự do hơn, nhiều trăn trở hơn. Cuối đời gần như ông nào cũng day trở khôn nguôi về thế sự. Chỉ có cái bọn trẻ lếu láo chẳng quan tâm gì. Gặp nhau là lôi nhau vào quán nhậu mút mùa!

           

XS thuộc dạng viết nhiều, nhưng văn ông bị choãi ra, khi là tiểu thuyết, truyện ngắn; khi là thơ; khi là chuyện thiếu nhi… Nhắc đến ông, có người nhắc đến “Đội du kích thiếu niên Đình Bảng”(ĐDKTNĐB); có ngưởi nhớ ông bởi phần lời bài hát “Đường chúng ta đi”; Bạn bè văn nghệ lại nhớ ông bởi “Chân dung nhà văn”. Tôi là một trong số ít người lần đầu gặp ông mà không khoe mình đã đọc “Đội DKTNDB” của ông. Khi tôi lần đầu được đọc cuốn sách thì nó đă đươc tái bản cả chục lần rồi.  Trong các tác phẩm về văn xuôi của  ông, tôi thích cái “Phía núi bên kia” hơn cả. Hình như tôi có nói ý này với ông. Ông chỉ im lặng. Cái im lặng của XS có nhiều ngụ ý. Có thể là ông không chấp. Cũng có thể là, rằng, ông biết thừa cả, nhưng…

 

Trong ba cái “đinh” mà XS ghim được vào lòng người đọc , có vẻ như ông khoái cái “Chân dung nhà văn” hơn cả. Nhiều nhà văn tài năng trẻ, không biết là họ thật lòng đến cỡ nào, nhưng họ khen cái “Chân dung nhà văn” của ông nức nở. Tôi không chê, nhưng tôi nghĩ, khi chân dung nhà văn đang xuất bản lẻ tẻ, bằng miệng, nó giúp vui trong làng văn được thật nhiều. Không chỉ có tiếng cười, mà có cả  sự chát chua của thời thế, có sự được mất của kiếp người…Cái thời đó, nói được khéo như XS về mấy ông “KẸ” trong làng văn nghệ như thế cũng là kinh rồi.. Nhưng đem khen cái tác phẩm đó, lại khen quá lên nữa, thì là làm nghèo, làm nhẹ nhõm XS đi chứ không à(!) Nhà văn TDT bảo tôi: Văn chương nó kỳ lạ vậy đấy, cái mà XS lưu lại, cuối cùng lại là cái bên lề của  văn chương mà thôi!

           

Có nhiều câu chuyện về các nhà văn ở số 4 Lý Nam Đế thời XS làm biên tập thơ ở đó, hay lắm, chúng tôi xui ông viết lại, ông ậm ừ mãi, nhưng rồi, hình như ông cũng vừa kịp hoàn thành bản thảo trước khi  lâm trọng bệnh. Chẳng biết rồi số phận cuốn sách cuối cùng của XS sẽ ra sao?

 

*

Ngày 4/6/2008, Tôi và nhà văn TDT được lãnh đạo tỉnh cho phép bay ra Hà Nội lo lễ tang nhà thơ XS. Sáng ngày 5/6,  tai trụ sở HNV VN, nhà văn Nguyễn Tri Huân, nhà văn Đào Thắng, nhà thơ Nguyễn Hoa đại diện HNV VN;  nhà lý luận phê bình Ngô Vĩnh Bình đại diện Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội; tôi và nhà văn Trần Đức Tiến đại diện Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh BR-VT cùng hội ý với gia đình nhà thơ XS về việc tang lễ. Tôi và TDT nhận lãnh sự uỷ thác của lãnh đạo tỉnh ra đây là để tham gia vào ban lễ tang cùng HNV VN và gia đình, nhưng khi trao đổi với đại diện gia đình nhà thơ XS thì bất ngờ, con gái nhà thơ XS cho biết: Bố cháu dặn, khi bố cháu mất, gia đình tự lo việc mai táng. Chúng cháu đã nhờ các bác, các chú trong họ đứng ra thu xếp xong cả rồi. Nhà văn TDT sốt sắng: Thế còn điếu văn của bố cháu ai viết, ai đọc? Có cần các chú giúp không? Con trai nhà thơ lại lễ phép: Dạ,điếu văn của bố cháu do chú họ cháu viết. Chú họ cháu là đại tá quân đội đã nghỉ hưu. Việc này để chúng cháu về trao đổi lại với các bác, các chú trong họ đã!

             

Lúc đi, tôi và TDT đã định sẽ thương nghị với nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch HNV VN đọc điếu văn cho nhà thơ XS, cho sang. Nhà văn Nguyễn Tri Huân bảo: Chủ tịch Hữu Thỉnh chỉ đọc điếu văn những nhà văn được giải thưởng HCM thôi. Nhà thơ LHM là chủ tịch Hội địa phương, nơi nhà thơ XS nghỉ hưu đọc điếu văn là đúng rồi. Tôi hơi run. Giũa thủ đô Hà Nội, nơi có mặt đông đủ các nhà văn, nhà thơ lớn của đất nước, anh linh nhà thơ XS biết có vui không, khi đọc điếu văn trước linh cữu ông lại chỉ là một nhà thơ loại cà- là- mèng…như LHM.  May sao, điều đó đã không xảy ra. Đọc điếu văn cho nhà thơ XS hôm đó là một vị đại tá họ Ngô( hình như từng là cán bộ Tuyên huấn trong quân đội). Nhà thơ Hữu Thỉnh bảo tôi: Hội nhà văn Việt Nam và Hội Văn học- Nghệ thuật BR-VT sẵn sàng đứng ra lo lễ tang cho nhà thơ XS đàng hoàng. Ngoài trách nhiệm của Hội, anh em mình còn có tình cảm riêng với anh XS. Tôi tin điều đó. Nhà thơ Hữu Thỉnh là một người có tiếng chu đáo, đến đầu đến đũa nhất HNV trong việc thăm hỏi, động viên,cũng  như lo ma chay, phúng viếng các nhà văn hội viên. Đối với XS, mỗi lần có dịp vào VT, HT luôn nhớ có quà cho XS. Hôm lễ tang nhà thơ, ông bảo, cùng lúc, ông có ba việc không thể quên việc nào: Đó là khai mạc  lễ phát động đợt sáng tác về đề tài “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM”, hai là lễ tang nhà thơ XS, ba là giỗ đầu nhà văn Kim Lân.-“ Phải có mặt đầy đủ hết, không thể vắng mặt được ở chỗ nào cả, Ông Mậu, ông Tiến ạ!”. Mà đúng như thế thật!

 

Trong khuôn viên nhà tang lễ bệnh viện Thanh Nhàn, tôi thấy một dãy dài những vòng hoa viếng nhà thơ XS. Những vòng hoa đến từ BR- VT, Đồng Nai, Thành phố HCM, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế… Có vòng hoa khiến tôi băn khoăn tư hỏi, không biết quan hệ giữa nhà thơ XS và “khoa dệt may trường đai học bách khoa’ là như thế nào, có khi cả lúc đang sống, ông cũng không hề biết có cái khoa như thế cũng nên. Trong buổi lễ tang giản dị và có phần âu sầu này, cái vòng hoa-  có lẽ là cũa những thanh niên sinh viên mến mộ  nhà thơ- gửi viếng chợt ánh lên lấp lánh một tia vui. Tôi nhìn vào tấm hình đặt trước linh cữu ông,  trông ông vẫn hiền từ như xưa nhưng  thoáng có nét gì đó xa xót thay vì cái vẻ lúc nào cũng như sắp bật cười trước một điều gì đó vừa chợt nghĩ ra. Bên  canh linh cữu ông,  là bài chân dung tự hoạ của ộng đã được phóng to mà mỗi lời trong đó “là một vận vào như không”:

 

…Mặt trời ảm đạm quê hương cũ

Ở cuối cung đường rách tả tơi!

 

Thật buồn,  trong buổi lễ tang đông đúc, tôi chẳng biết ai lại ai.  TDT chợt nháy mắt với tôi: Có thấy cô ngồi cái ghế đá trước mặt không? Bồ  XS đấy! Tôi ngớ ra. Thật thế à? Tiến bảo: Ông đ. biết.! Tôi như lại thấy ánh thêm một tia vui nữa!

 

Có điều này nữa, nhưng tôi không dám chắc lắm, khi ngồi trên xe của nhà xuất bản Kim Đồng trở về, có ai đó bảo,có mấy cụ “Du kích thiếu niên Đình Bảng” từ Bắc Ninh chống gậy đi viếng tác giả XS. Nếu đúng như vậy thí đây là một trường hợp hy hữu của văn chương VN .

 

Trên tàu cánh ngầm về Vũng tàu, TDT nhắc: Tối nay khai mạc bóng đá Euro.  Bất giác, tôi chợt nghĩ: tiếc thật, chỉ nán lại chừng tháng nữa thôi là XS “thu hoạch” thêm được một mùa Euro nữa! đau quá!…Lại mất đúng trước ngày khai mạc Euro, thế có đau không chứ!

                                                                                     

16/7/2008

Lê Huy Mậu
Số lần đọc: 2505
Ngày đăng: 16.07.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những bóng hồng dự phần vào văn nghiệp Tú Xương - Lê Hoài Nam
Giới thiệu Đồng hồ một kim của Phan Trung Thành ,NXB Văn học, 2008. - Inrasara
Khôi Vũ - Vỡ dần trong mắt - Trần Đức Tiến
Hoàng Đình Quang , Kẻ lưu lạc nơi cánh đồng - Lê Huy Mậu
Vị Tổng biên tập Tạp chí Văn Học một thời - Phạm Quang Trung
Orhan Pamuk , lưu vong như là một định mệnh - Inrasara
Đi…và tìm thấy người bạn - Inrasara
Vài kỷ niệm về nhà văn Nguyễn Khải (1930-2008) - Trần Đức Tiến
Tỉnh lẻ - Nhà văn - Người đẹp - Trần Đức Tiến
Về đâu Thiện ơi? - Lê Huy Mậu