Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
812
116.613.764
 
Gửi lại PLeiku
Minh Tứ

Thế là tôi có dịp trở lại Pleiku lần này là tròn 20 năm, kể từ ngày lên cao nguyên khởi nghiệp, viết những trang viết đầu tiên. Pleiku trong miền ký của tôi là nơi lần đầu tiên ba đột ngột lên thăm khi con trai những ngày đầu làm ký giả. Pleiku là nơi em- người con gái phương Bắc vượt hàng ngàn cây số đến thăm tôi, để hai thân phận bơ vơ nơi phố núi hẹn ước đá vàng nên duyên chồng vợ. Pleiku cũng là nơi tôi có thêm nhiều bè bạn với thời trai trẻ đầy sôi nổi nhưng cũng đầy lầm lỡ trên đường đời...


Pleiku, buổi đầu và mãi mãi

 

Hai mươi năm trước, Pleiku, phố núi mờ sương thật huyền hoặc xa lạ. Khởi hành buổi sáng từ Đà Nẵng, đến tối mịt tôi mới chạm đất cao nguyên. Đêm tháng mười, bắt đầu vào mùa khô, trời se lạnh. Từ ngã ba Trà Bá, tôi xuống xe, mặc thêm áo ấm, mua mấy điếu thuốc hút cho đỡ lạnh, hỏi đường lên Đài PT-TH tỉnh Gia Lai- Kon Tum. Đập vào mắt là phố xá nhấp nhô, đèn giăng giăng khắp nẻo. Những ngã đường xe chạy nhì nhằng đan xen nhau thật lạ mắt. Nơi tôi sẽ khởi nghiệp như thế này ư!

 

Người con gái Pleiku tôi quen đầu tiên là Chi. Bố mẹ Chi gốc ở Bình Định lên đây lập nghiệp đã lâu và sinh ra chị em Chi ở trên này. Sau này Chi hay giành đọc bài của tôi trên làn sóng của đài, vì như em nói tôi viết thì dễ đọc, còn nói thì khó nghe. Con gái Pleiku thật hồn nhiên, cởi mở, giọng nói nhẹ nhàng, đặc biệt là rất nồng nàn. Ấn tượng đầu tiên đó làm tôi thấy Pleiku thật gần gũi, thân thương.

 

Đối với tôi, trong quá khứ cũng như hiện tại, Pleiku có những nét rất riêng. Ở đây quanh năm tiết trời dịu mát, buổi chiều se lạnh như mùa đông. Những tia nắng mặt trời chỉ bừng lên vào ban trưa rồi chợt tắt. Thấp thoáng quanh thành phố là những vườn cà phê, hồ tiêu xanh ngát. Thành phố cũng rất mở chứ không khép kín như thị xã Kon Tum, vì từ thành phố này có các tuyến bay đi các thành phố trong nước, có quốc lộ 19 nối quốc lộ 1A, đi qua thành phố nối dài lên cửa khẩu Đức Cơ, giáp với tỉnh Ratanakiri (Campuchia).. Ở trước mặt thành phố là núi Hàm Rồng (Hrung), là một trong 30 miệng núi lửa hình thành từ hàng triệu năm về trước như một minh chứng cho thuở xa xưa kiến tạo của đất trời, nó là tấm bình phong che chắn mà đứng ở đâu trong thành phố cũng có thể nhìn thấy được. Cách đó không xa, ở phía tây bắc thành phố là Biển Hồ (Ianueng), nguồn nước vô tận cung cấp cho thành phố, đồng thời là thắng cảnh du lịch. Buổi chiều mùa khô, nhìn lên đồi núi tràn ngập một màu dã quỳ, như một tấm thảm vàng trải bên dòng sông lớn. Đã có người ví núi Hàm Rồng và Biển Hồ là hai thái cực âm dương tạo nên nét hài hoà đồng điệu cho thành phố.

 

Ở Pleiku còn có hai công trình rất đẹp, một do thiên tạo, một của con người. Đó là hồ Diên Hồng, một hồ tự nhiên được bảo tồn nguyên sơ giữa lòng thành phố và một khu văn hoá Đồng Xanh nằm ở An Phú, cách thành phố về phía đông chừng 6-7 cây số. Nơi đây, một hình ảnh Tây Nguyên hoành tráng với đủ bản sắc văn hoá dân tộc được thu gọn lại qua những nếp nhà rông, hồ đập, cây cổ thụ, bạt ngàn hoa, muông thú, có cả đà điểu...và cả đồng ruộng, đất trời bao la như là sự giao hoà giữa đồng bằng và cao nguyên xanh. Trong buổi gặp mặt các đồng nghiệp miền Trung - Tây Nguyên tại đây, Dư Quang - anh bạn cũ phát hiện ra tôi và đã giới thiệu tôi lên sân khấu hát. Quá bất ngờ, không thể từ chối, tôi chọn bài "Nhớ về phương em", thơ của Tạ Văn Sỹ, còn nhạc sĩ phổ nhạc thì tôi không nhớ. Hát xong, nhiều bạn bè cũ đến bắt tay hỏi thăm, không ngờ xa miền đất cao nguyên bao nhiêu năm nay rồi tôi vẫn còn nhớ, còn hát được trọn vẹn một bài hát về phố núi cao nguyên.

 

Trong dịp trở lại Pleiku, tôi đã dành một buổi thả bộ trên đường phố Pleiku về đêm. Phố bây giờ đã hoành tráng hơn, hiện đại hơn, nhưng không hiểu sao tối vẫn cứ tiếc những hàng thông già vi vu trong gió núi. Nhà thơ Văn Công Hùng đã an ủi tôi rằng, đường mở rộng, phải chặt thông đi là tất yếu, bởi theo như anh, thành phố trẻ lại, phải có một cái gì đó mất đi. Hãy để kỷ niệm ngũ quên trong quá khứ vàng son. Vâng, Pleiku trong tôi đã mất đi phố núi của ngàn thông, nhưng vẫn còn đó vẻ đẹp mặn nồng của một thuở đất níu chân người. Nơi đây tôi đã từng đến, khởi nghiệp, viết những trang viết đầu tiên và rồi đã xa, đã mất Pleiku, mất cả người em phố núi bàng bạc mờ sương. Có một thời trai trẻ đã qua đi, dẫu ngày trở lại, tưởng tất cả như vẫn còn đấy thôi.


Người đã đưa tôi vào đời


Về lại Pleiku, tôi lại nhớ đến một người ba nuôi- chú Xuân Phát, là Trưởng ban biên tập Đài PT-TH Gia Lai- Kon Tum trước đây. Khi tôi mới lên trình diện, nghe giọng nói lí nhí, trọ trẹ, chú đã rất thương, nhận làm ba đỡ đầu. Thỉnh thoảng chú đưa tiền bảo "Con đi chợ nấu canh chua kiểu Huế cho ba ăn" (Trước khi lên đây, chú từng làm ở Đài Huế và trước đó là Đài giải phóng). Chú thương tôi đến nỗi bài gì tôi viết hay, dở chú cũng đều khen hay, nhưng khi tôi về quê, chú đã nghiêm khắc: "Con lên đây mới có mấy năm, lại làm báo nói, báo hình, nay về dưới nớ làm báo viết, phải biết rằng tuy cũng là làm báo nhưng loại hình khác nhau. Nhớ phải cố gắng nhiều lên nghe con". Lời chú dạy tôi vẫn mang theo cho đến bây giờ và mãi mãi. Từ khi tôi về dưới này, chú đã hai lần ghé thăm, xem thằng con nuôi đã tiến bộ thế nào.

 

Về lại Pleiku, tôi lại nhớ về ba, người nông dân Quảng Trị rặt một trăm phần trăm. Dạo mới lên Pleiku, cuộc sống quá khốn khó, lương không đủ sống, tháng chỉ ở nhà một tuần, còn lại là lên đường về huyện, nương nhờ cơ sở mà sống để viết. Nhưng trong thư gửi về nhà, sợ ba mẹ lo lắng, tôi nói cuộc sống đã ổn định, công việc đâu vào đó, anh em bạn bè rất nhiều...

 

Công việc mới bắt đầu như thế thì đùng một cái, ba tôi bất ngờ xuất hiện trước phòng tập thể cơ quan làm tôi sững sờ. Ngay hôm đó tôi viết dỡ bài thơ tặng ba:

 

"Nhớ thương con ba tìm lên phố núi

gặp lại ba con đến sững sờ

Sao ba không báo cho con biết trước

đường ngái xa xôi ba đi làm chi..."

 

Biết ba lặn lội dặm đường xa ngái đến thăm, cơ quan tôi từ chú giám đốc đến anh em đồng nghiệp đến thăm ngồi chật cả căn phòng tập thể bé nhỏ. Trong câu chuyện khởi đầu, ba hỏi tuổi chú Hiền Minh giám đốc rồi nói:

- Anh già rồi...-Nghe vậy nhiều người nhíu mày vì biết chú giám đốc rất khó tính. Mặc kệ, ba tôi tiếp: Tuổi anh đã cao mà phải cáng đáng việc nặng nhọc, phải dìu dắt lũ trẻ...

Cứ thế ba nói chuyện một cách tự nhiên. Chú Hiền Minh nghe xong bỗng dưng nhổ bật hàm răng giả ra, cười rung rung, cử chỉ chú chỉ dùng cho người thân thiện nhất. Bất ngờ, tôi thở phào nhẹ nhõm. Bạn bè tôi, nhất là mấy cô bạn đồng nghiệp trêu chọc tôi đủ thứ. Tứ thơ dỡ dang âm thầm nối kết:

 

"...Ban bè con đến thăm

Con không tự hào về người cha có học vấn uyên thâm

bởi thuở nhỏ ba phải cuốc này nuôi con có thời gian đâu để học

Con cũng không tự hào về người cha biết nói lời có cánh để đẹp lòng  mọi người

bởi ba quen sống giản đơn như loài thảo mộc...

Nhưng con tự hào biết bao

Nhớ từng đêm gối tay ba để ngủ

nghe ba đọc những câu thơ xưa về đạo lý làm người

Cho con lớn lên sớm lo toan suy nghĩ

sống làm sao vững chải ở trên đời..."

 

Ở lại một hôm, hôm sau ba bảo tôi đưa đi thăm, chào các cô, các bác và anh em đồng nghiệp để mai ba trở về quê. Chú Hiền Minh giám đốc bảo ba ở lại thêm một hôm, hôm sau chú đi Hà Nội ba theo xe về luôn. Ba cảm ơn và khéo léo chối từ. Đêm đó ba thức một đêm trắng, tôi cũng không ngủ được, dậy đốt lửa pha trà. Chừng bốn giờ sáng, tôi với ba lặng lẽ ra bến xe Pleiku. Sương đêm và gió núi lạnh buốt xương. Khi chuyến xe tốc hành rời bến, tôi thẩn thờ thấy lòng mình trống vắng. Và, trên đường trở về, tôi đã khép lại bài thơ tặng ba, kỷ niệm ngày ba lên thăm tôi ở phố núi cao nguyên:

 

"Đêm cuối Pleiku ba không ngũ được

Con cũng trở trăn dậy đốt lửa pha trà

 Bên ngoài trời sương đêm và gió núi

Trang viết của con nước mắt đẫm nhạt nhòa

Mai ba về với vùng quê cát trắng

Gió Lào trưa thổi rát lưng người

Lại lặn lội trên đồng sâu đồng cạn

Nhớ thương con nhìn bóng núi xa mờ..."

 

Bây giờ thì tôi đã bước qua tuổi bốn mươi, đã trở về sống và viết trên quê hương, còn ba đã về nơi miền thiên cổ, nhưng kỷ niệm về lần ba lên thăm nơi con nơi phố núi cao nguyên vẫn đằm sâu trong miền ký ức.

Người đã đưa tôi vào đời với hành trang như thế, mãi mãi có bao giờ nguôi quên.


Với bạn bè: "Còn chút gì để nhớ, để thương"


Ngày tôi xách hành trang xuống núi rời xa Pleiku, khi xe xuống đèo An Khê, mới thấm thía câu thơ: "Càng xuống đèo càng nhớ em thêm/Nhưng ở lại là điều không thể" (Hồng Thanh Quang). Lúc ấy, có một cái gì đó đã trôi tuột khỏi tầm tay đầy nuối tiếc. Lòng dặn lòng, tôi sẽ trở lại phố núi cao nguyên này. Và tôi đã trở lại, lần trước là 10 năm, còn lần này là 20 năm.

 

Gặp lại chú Dúi Zăm Reng- Già làng Xê đăng, bây giờ là Giám đốc Đài PT-TH Kon Tum. Chú mắng: "Mày lên vội, nhưng phải để tao mời một bữa cơm mới được về nghe chưa!". Tôi nhớ hồi chia tay chú, tôi xuống nhà, cô Hồng, vợ chú, người Hà Nội đã xới mời tôi một bát khoai lang khô nấu với đường mía. Tôi cầm lấy ăn kẻo sợ cô chú buồn, vừa thấy nghẹn đắng ở cổ, không phải khi đó cuộc sống quá khó khăn mà bởi tình cảm cô chú dành cho mình. Bây giờ chú làm giám đốc, oách lắm, thét ra lửa, sao tôi không nhậu với chú một bữa đã đời. Trong cuộc nhậu ở một nhà hàng sang trọng bên dòng Đakbla, thấy chú đốt thuốc Zet liên tục, tôi đùa: "Cháu còn nhớ, anh em bảo chú rất kiên cường, chỉ có điều giả sử nếu bị địch bắt, chú sẽ không bao giờ khai ra đồng đội. Nhưng mà kẻ địch dùng phương pháp bắt Dúi Zăm Reng nhịn thuốc lá một buổi, e chú khai ra hết...". Ông đấm vào người tôi và nói với mọi người: "Thằng này hồi nào tới giờ tính vẫn hiền, chỉ tội cái hay chọc ngoắy người khác. Ranh con". Còn bé Kim Anh, hồi đó làm ở phòng hành chính của Đài, hai anh em ở chung một căn phòng ngăn đôi chỉ bằng liếp cót suốt mấy năm trời mà không bao giờ tôi dám vượt qua "bức tường định mệnh". Bây giờ Kim Anh đẹp ra, nàng đã có chồng, có con bế con bồng và rủ tôi về nhà uống cà phê để nhớ một thời đã qua không bao giờ trở lại.

 

Và, lần nào lên đây, tôi cũng thích chơi với nhà thơ Văn Công Hùng ở Hội Văn nghệ Gia Lai. Tính anh thương anh em đồng đội, chỉ tội vướng vào nghiệp làm thơ nên hơi bị nghèo. Vô nhà chơi, anh nhiệt tình bảo con gái đi mua từng 5 chai bia lẻ. Con gái vội đi nhưng nhà thơ mắng: "Con gái nhà thơ thì phải ngẩng cao đầu lên, cứ đi cúi cúi và đếm tiền là làm sao". Nhớ hồi tôi chia tay anh, thương nhau quá không biết kỷ niệm cho anh cái gì, chợt nhớ cái đài ghi âm chưa trả cơ quan, đang bốc tôi tặng anh luôn. Nhưng nghe rồi sau này đài điều tra ra (chắc có người tham gia cuộc nhậu hôm đó khai), Ban giám đốc đài cử người xuống nhà Văn Công Hùng tuyên đọc quyết định nhà thơ phải trả lại tài sản cho đài, nếu không sẽ mắc tội biển thủ tài sản XHCN...Nhưng mà gặp lại Văn Công Hùng là được rồi, lần nào ghé lại Pleiku cũng phải trốn, vì gặp lại hết bạn bè thì "chịu không nổi", nhất là gặp anh Đoàn Minh Phụng ở báo Gia Lai thì còn...khuya mới về.

 

Bây giờ ở cao nguyên đang mùa khô, nhưng ở quê tôi đang mùa mưa lũ. Bản tin lũ lụt từ quê nhà làm tôi càng sốt ruột muốn quay về, dù còn nặng nợ với bạn bè, với đất này nhiều lắm, dù biết rằng mai xa rồi càng nhớ phố núi nhiều hơn. Xin gửi lại nơi đây tình cảm nồng ấm của bạn bè cao nguyên, những người bạn từng quen, mới quen. Làm sao tôi có thể quên được bạn bè một thời ở Tây Nguyên, những người bạn từ đồng bằng lên đây lập nghiệp và ở lại đây. Các bạn có những điều mà tôi không có được, để rồi giờ đây xa thật xa rồi phố núi Pleiku, lại thêm một lần hẹn ước- Tôi sẽ trở lại thành phố này.

Minh Tứ
Số lần đọc: 3143
Ngày đăng: 12.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những mộ phần không cô đơn - Nguyễn Hoàn
Thịt chuột ký sự - Phạm Minh Hoàng
Trở lại Xứ Thanh - Nguyễn Nguyên An
Phương nam ký sự - Minh Tứ
Đi mãi bên đời với tình yêu hoa lá - Minh Tứ
Hương Cần du hành - Ngô Thiên Thu
Một trời Phú Thọ - Văn Chấn Ngọc
Hàn Mặc Tử trong ký ức người em họ - Nguyễn Hoàn
Trên đồng bưng sáu xã - Võ Ðắc Danh
Hà Thành siêu độc giả - Lê Mai *
Cùng một tác giả
Về làng (truyện ngắn)
Ảo ảnh (truyện ngắn)
Bạn cũ (truyện ngắn)
Nỗi buồn ký giả (truyện ngắn)