Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
459
116.592.606
 
Chắp cánh ước mơ
Trương Anh Sáng

Bầu trời ngả nắng vàng suộm, những tia nắng đan xen len lỏi từng kẽ lá, từng ngôi nhà, góc phố như đang chơi trò trốn tìm; như đang tìm kiếm cái gì mà mình vừa đánh rơi; như đang cố gắng đem cái ấm áp của mình soi rõ tận cùng những góc khuất tối tăm do những bàn tay đen đúa, đầy bí hiểm của bóng tối, những cơn gió nhẹ nhàng thướt tha mềm mại  xoa dịu đi phần nào cái nóng nực như thiêu, như đốt của ông mặt trời khó tính.

 

Tàu nhổ neo trực chỉ Hòn Gai lướt sóng.Trời nắng, thật là oi bức, ai cũng chọn cho mình một vị trí bên cửa sổ để được ngắm nhìn cái mênh mông, xanh biếc của biển, của trời, cảm nhận biết màu xanh của biển nhiều cung bậc như âm thanh của một bản nhạc với những giai điệu, tiết tấu lay động làm say lòng người. Nhà văn Nguyễn Tuân từng bảo : Nước biển xanh như lá chuối non, xanh như lá chuối già, xanh như mùa thu ngả cốm làng vòng, xanh như một niềm hy vọng trên cửa bể …. Trước biển bây giờ mọi người mới hiểu các gam màu của biển luôn biến hóa kì diệu đến nhường nào. Mọi người đang háo hức, bỗng đâu trời  chuyển màu, mây đen kéo đến nghìn nghịt tầng tầng lớp lớp chồng chất lên nhau như những dãy núi khổng lồ che kín một góc trời rồi loang dần, loang dần như vệt dầu loang trên mặt nước. Bầu trời xám xịt. Sẽ chẳng còn được ngắm hình ảnh tuyệt đẹp, thơ mộng đầy chất thơ: “ Mặt trời xuống biển như hòn lửa, Sóng đã cài then đêm sập cửa” và cảnh “ Mặt trời mọc ở đằng Tây”… hình ảnh đó không phải ở đâu cũng có, dù là qua sách vở cũng không thể cảm nhận được vẻ đẹp ấy. Học Trò vùng sâu trong đất liền khi cô giáo cho đề bài yêu cầu miêu tả cảnh mặt trời mọc, mặt trời lặn thì chắc chắn không nhiều em làm được, cũng như khi yêu cầu học sinh miêu tả cánh đồng lúa quê em thì cũng không ít em phải nộp giấy trắng vì các em có được nhìn thấy bao giờ đâu? Nhiều em còn chưa từng được nhìn thấy cây lúa.Thậm chí bây giờ nhiều cánh đồng đã thay da đổi thịt khoác trên mình là những khu công nghiệp, khu chế xuất, khu trung cư, biệt thự,…những cánh đồng mới ngày nào còn rì rào sóng lúa, hương sữa thơm lừng, từng đàn trâu thong thả gặm cỏ, những cánh cò lả lướt đùa vui với lớp sóng xô nhau chạy dài vô tận ngút tầm mắt, đồng làng thẳng cánh cò bay, thì bây giờ ngày càng nhỏ hẹp dần, bé bằng nắm tay theo đà phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cái được cũng nhiều mà cái mất cũng không phải là ít.  Bác sĩ Xuân Huy ngồi cạnh bảo “Biển đảo thật đẹp, quyến rũ, đậm chất hoang sơ… thật xứng danh là đảo ngọc, tiếc rằng những hoạt động  vẫn chưa đánh thức được tiềm năng nơi đây”, Tôi giật mình, biển đảo như nàng công chúa ngủ trong rừng đã bao năm chưa hề được đánh thức, nếu được khai thác và sử dụng thì chắc chắn rằng bộ mặt biển đảo sẽ có nhiều khởi sắc.

 

Mưa! Một cái tên gọi hiện tượng tự nhiên sao mà thân thương, gần gũi, gợi bao kỉ niệm. Ngày xưa, mỗi khi ra đồng mẹ thường đem theo một ấm nước mưa treo trên đòn gánh. Trời nắng. Không khí oi ả. Các cơn gió trốn đi đâu hết hay là mải mê rong chơi mà quên hết nhiệm vụ của mình, khiến cho không gian càng thêm nóng nực, bức bối đến khó chịu, lưng áo mẹ ướt đẫm mồ hôi, từng giọt mồ hôi lăn dài trên mặt thấm vào miệng mằn mặn. Giọt mồ hôi. Giọt cuộc đời. Những lúc như thế nhấp một ngụm nước mưa cái mát lạnh thấm từng thớ thịt thật êm dịu, sảng khoái, dễ chịu. Mưa! Lũ trẻ bọn tôi thỏa sức mà hò, mà hét gọi ông trời mưa to nữa lên để được vẫy vùng dưới làn mưa xối xả, chơi đá bóng, cầm rổ bắt cá ngược dòng ở những chỗ nước chảy… để rồi về bị mẹ đánh lằn mông vì tội dám tắm mưa. Dù bị đánh nhiều lần, bọn trẻ chúng tôi vẫn không chừa được cái “nết” tắm mưa. Có ai hiểu được cái thú tắm mưa hơn lũ trẻ chúng tôi? Những làn nước mưa mơn man da thịt mát rượi, thấm đầu lưỡi ngòn ngọt, mằn mặn. Cành cây đung đưa thích chí, lá vẫy vẫy kì cọ rửa sạch những vết bẩn bám vào cơ thể, sạch sẽ, xanh mơn mởn. Vui đến nỗi thằng Sản đi bắt cua về liền quăng giỏ cua một chỗ rồi  nhập bọn, mưa ngớt quay lại lấy thì giỏ cua đã bị nước mưa cuốn trôi tự lúc nào.

 

Mưa ngày càng nặng hạt. Tàu như thiên lí mã. Từng con sóng bạc đầu chồm lên ôm lấy con tàu như muốn nuốt chửng vào bụng. Con tàu trồi lên, hụp xuống chao đảo làm cho những người lần đầu tiên đi biển cảm thấy lo lo “có lẽ cấp 5 cấp 6 chứ chẳng chơi”, một vị khách bị chảy máu đầu vì va vào thành tàu, cô gái ngồi cạnh tôi ói liên tục, nước mưa tạt tứ tung chảy tong tong khắp các hàng ghế, nhưng vẫn tin tưởng tuyệt đối vào tay lái của bác tài đã hiểu rành con sóng. Hòa trong tiếng gió rít, tiếng mưa dồn dập, cái lắc lư của con chiến mã như người say rượu là giọng hát của ai đó cất lên”…Ai ngờ bong bóng vỡ tan thôi rồi em đã sang ngang theo chồng, trời mưa bong bóng phập phồng em đi lấy chồng để sầu cho nhau, anh về ôm nỗi thương đau em đi có nhớ mưa nào năm xưa, phải chi hôm ấy đừng mưa, phải chi hôm ấy đừng đưa em về..” lời ca thật du dương da diết gợi về một chuyện tình buồn của bao trái tim tan vỡ, thỉnh thoảng bị lấn át, ngắt quãng bởi tiếng sóng vỗ bì bõm mạn thuyền, tiếng mưa, tiếng gió rít. Biển đang nổi giận.

 

Cô gái ngồi cạnh dáng người nhỏ nhắn, da trắng hồng mịn màng, khuôn mặt trái xoan đã bớt say sóng cười, khoe hai lúm đồng tiền ăn sâu vào má:

-    Bạn công tác ở ngoài này lâu chưa? Hôm nay về thăm người yêu hả? “Ngưu Lang – Chức Nữ” nhớ nhau lắm đây!

-    Mình công tác được 5 năm rồi! Xấu như mình ai yêu. Mình về theo lệnh của mẹ.

-    Mẹ bắt về lấy chồng à?

-    Bắt nghỉ dạy ngoài đảo, chuyển vào đất liền.

-    Sao bạn không dạy gần nhà cho tiện, mà ra ngoài này dạy cho vất vả? Lần này mẹ bắt chuyển vào đất liền công tác bạn có vào không?

 

Ra đảo công tác là một quyết định đầy khó khăn, trong khi những đứa bạn có chỗ dạy “ngon”, nhiều người mơ không tới, ở ngay trung tâm thành phố, thì tôi lại xung phong ra đảo mặc dù bố mẹ tôi qua mối quan hệ quen biết đã chừa cho tôi một chỗ dạy ở một  trường gần nhà rất là thuận tiện. Bạn bè cho là gàn gở, hâm hấp, cái Hồng, bạn thân mắng té tát “Mày thần kinh à? Bao nhiêu người mơ ước được như mày mà không được. Mày sẽ trở thành gái già ở cái nơi xa xôi khỉ ho cò gáy ấy thôi, hãy thay đổi ý định đi trước khi quá muộn”, Ba mẹ thì “ Mày cứ cứng đầu bảo thủ theo ý mình, sau này khổ thì đừng có trách”. Thằng Tuấn thì nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần quyết liệt “Mày ngu quá, thời buổi bây giờ đâu còn như ngày xưa “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”   Phải thực tế hơn một chút, bây giờ ai là người thức thời thì người đó sẽ thắng, sẽ giàu có...” Nghe mọi người phân tích tôi cũng phân vân, dao động. Ở lại thì có điều kiện học hành nâng cao trình độ, điều kiện công tác tốt hơn, có nhiều điều kiện thăng tiến trong sự ngiệp, tôi có điều kiện dạy thêm, làm thêm như Cô Hằng , thầy Hải một tháng thu nhập vài triệu đồng từ việc dạy thêm, ra đảo bao nhiêu khó khăn thiếu thốn đang chờ ở phía trước. Nhưng các em học sinh ở đây thì sao? Những đứa trẻ biết lựa cá, vá lưới rành hơn con chữ, những mái tóc cháy nắng vàng hoe, đôi mắt tròn vo cháy bỏng ước mơ sẽ ra sao nếu không được học cái chữ?  Mùa hè mấy năm trước khi chúng tôi tình nguyện ra đảo thực hiện nghĩa vụ thanh niên tình nguyện mở các lớp xóa mù chữ và phổ cập tiểu học. Mấy ngày đầu thật gian nan vất vả khi phải vận động những cái đầu bảo thủ “học chẳng để làm gì cả” ra lớp, với bố mẹ chúng thì con chữ là một thứ xa xỉ, một vật chẳng thể ăn ngay được như con cá, con tôm trong khi cái nghèo đang vây quanh, sự kiên trì đã chiến thắng, chúng tôi mở được ba lớp buổi tối với năm mươi học viên từ lớp một cho đến lớp năm . Cái lớp học tuềnh toàng vách thưng bằng lá dừa trống toác với vài bộ bàn ghế là những thân tràm ghép lại, cái bảng cũ bạc màu sơn viết chẳng ăn phấn, với đủ mọi lứa tuổi ê a đọc bài, những nét chữ đầu tiên nguệch  ngoạc dần dần tròn chịa“ Đi học thích thật, bây giờ mình đã biết đọc, biết viết, biết tính các phép tính rồi” anh Hoàng một thanh niên 30 tuổi tâm sự. Mặc dù còn thiếu thốn nhưng lớp học không bao giờ có học sinh vắng học, những lúc rảnh các em rủ đi phơi cá, câu mực, mò ốc những con ốc đủ màu rực rỡ dưới cái nắng lung linh. Trong lớp học tình thương ấy Nam là đứa học trò thân quý tôi lắm, lúc nào cũng bắt tôi phải về nhà nó ăn cơm cho kì được, hay đặt những câu hỏi mà nhiều khi người lớn thật khó trả lời, đại loại như: gia đình cô có mấy người? khi còn đi học cô có hay quay cóp không? có bị thầy giáo phạt không? sau khi tốt nghiệp xong cô có ra đây dậy học không?...có rất nhiều thầy cô ra đây dạy học một thời gian rồi bỏ chúng em chuyển vào đất liền khiến nhiều lúc trường lớp chẳng có ai dạy, chúng em chán bỏ học luôn. Trong lớp học Nam là đứa  học khá nhất nhưng cũng là đứa thiệt thòi nhất. Cha Nam đi mãi không về trong một chuyến ra khơi đánh cá gặp con bão số năm bất ngờ ập đến, tàu không kịp chạy vô bờ, bị chết hết cả. Cơn bão quái ác đã cướp đi rất nhiều những đứa con của Kiên Giang, để lại sau lưng những góa phụ, những trẻ em mồ côi,… “lấy chồng nghề ruộng em theo, lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm” bà đã nhiều lần nghe câu hát ấy, đã bao đời rồi con sóng ngoài khơi cùng hàng dương quanh trảng cát nỉ non khúc ca bi tráng ấy. Đã thành lệ, khi mặt trời đỏ ối sà xuống sau rặng núi, chỉ chừa lại vài tia sáng yếu ớt cũng là lúc bà dừng lại trước ngôi mộ phủ kín rau muống biển, bà thành kính thắp hương, lầm rầm khấn khứa. Những sợi khói bảng lảng quyện trong sương chiều len cùng khói bếp tỏa lên từ những nóc nhà tuềnh toàng đậm chất muối, chất nồng của cá đi tìm những người thân của bà ở nơi hư ảo, ba người chết cạn, hai người chết nước, năm nào bà cũng làm đủ năm đám giỗ. Từ khóe mắt tùng giọt mặn chát ứa ra, lăn xuống cát, dường như biển mặn hơn .Nỗi vất vả, khó khăn đã bào mòn, vắt kiệt vẻ đẹp kiêu sa, kiều diễm một thời của bà. Người quắt lại, vết chân chim ken dầy khóe mắt, vầng trán nhăn nhúm bởi những suy tư, đôi mắt u ám, tóc cháy nắng như lá Săng Lẻ rối tổ quạ, quần áo xộc xệch nhàu nát. Đã lâu lắm rồi bà không còn thói quen soi gương, điểm phấn; đã lâu lắm rồi bà không được nghe những bài ca vọng cổ mà mình ưa thích; đã lâu lắm rồi…những cái lâu lắm rồi cứ chồng chất dầy lên bởi cái cuộc sống tất bật đầu tắt mặt tối cứ quấn lấy bà mà “nghèo vẫn hoàn nghèo”, dường như cái nghèo cứ quấn lấy không chịu buông tha người đàn bà tội nghiệp.

 

Cha nó ra đi để lại mẹ nó một nách bẩy cái tàu há mồm đang tuổi ăn tuổi lớn. Nó là anh cả, 15 tuổi người bé quắt lại vì phải lao động từ sớm đỡ đần cha mẹ, tóc vàng hoe, khuôn mặt đen già dặn trước tuổi, duy có đôi mắt đen nghiêm nghị luôn ánh một niềm tin ẩn dưới hàng lông mày rậm, các em nó ốm tong teo như cây thiếu nước và hay ốm vặt, không đứa nào biết mặt con chữ. Mẹ nó đi làm thuê, ai thuê gì làm đấy quần quật từ lúc ông mặt trời còn chưa thức giấc cho đến khi ông mặt trời đi ngủ từ lâu vậy mà cảnh nhà vẫn thiếu trước hụt sau, từ ngày cha mất mẹ nó thức khuya hơn, đi đi về về muộn hơn.

 

Những ngày làm sinh viên tình nguyện ở đây đã để lại cho tôi nhiều kỉ niệm khó quên, ở đây tôi mới cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên, đặc biệt là tình người xứ đảo. Thời gian thấm thoắt đã đến ngày phải về trường. Buổi chia tay thật cảm động, lũ học trò khóc rấm rức không cho cô đi và tặng tôi những vỏ ốc, vỏ sò… “để mỗi khi nhìn cô nhớ đến chúng em ” và bắt cô phải hứa sau khi học xong cô sẽ ra ngoài này dạy học. Trước tình cảm đó tôi hứa sẽ quay lại. Thằng Nam khuôn mặt đầm đìa nước mắt nhẩy cẫng lên ôm chầm lấy tôi bắt phải “ngéo tay”. Chính vì lời hứa với các em mà sau khi tốt nghiệp tôi quyết định ra công tác ở ngoài này dẫu biết rằng rất nhiều khó khăn đang chờ đợi mình “…Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ biết dành phần ai…”. Đúng vậy, trong cuộc sống ai cũng vì cá nhân mình mà quên đi nghĩa vụ với người khác, với đất nước thì thật là ích kỉ, ai cũng như vậy sẽ làm góp phần kìm hãm sự phát triển của đất nước.

 

Ngày nhận quyết định công tác, tôi được phân công về trường Tiểu học Lại Sơn, gọi là trường cho oai chứ thật ra chỉ lèo tèo vài ba phòng học tạm bợ thưng bằng lá dừa tựa lưng vào vách núi, xung quanh cây cối rậm rạp, um tùm, hàng rào ngoác miệng lỗ chỗ, nghiêng ngả. Trình quyết định. Hiệu trưởng, người tầm thước, tóc hoa râm giương mục kỉnh dày cộp nhìn tôi xa lạ: “Nguyễn Thị Mai Hoa, tên đẹp đấy nhưng cô nhỏ con thế kia không biết có “trụ” nổi không? Trước đó có mấy cô, cậu tới trình diện xong “Một đi không trở lại””. Tôi bất giác hiểu cái nhìn  pha chút diễu cợt đầy ẩn ý,  thì ra ông ta coi thường tôi, chê tôi nhỏ con không chịu nổi cực khổ? Nghĩ tôi rồi sẽ bỏ đi như một số trước đó. Tôi hơi tự ái và nhủ lòng sẽ chứng minh cho ông thấy quyết tâm của mình. Ra chơi. Ông giới thiệu tôi với hội đồng nhà trường, rồi giao cho hiệu phó phân công chuyên môn. Sáng hôm sau hội đồng nhà trường -8 người, ra quân vận động học sinh ra lớp. Mưa dầm thấm lâu, học sinh đến lớp vượt chỉ tiêu, lớp học chia làm ba ca. Tôi dạy lớp ghép 3 và 4 kiêm Tổng phụ trách đội. Thầy hiệu trưởng phấn khởi “chưa năm nào tỉ lệ học sinh ra lớp vượt chỉ tiêu như năm nay, khó khăn còn nhiều ở phía trước, mong rằng các thầy cô sẽ cố gắng…”

 

Những ngày đầu thật vất vả, chỗ ở của giáo viên tuềnh toàng, xuống cấp “đêm ngắm sao trời đêm hứng mưa”. Tối phải ngồi trong mùng soạn bài dưới ánh đèn dầu nếu không muốn bị đỏ người vì muỗi. Nước ngọt thì cực hiếm, nhất là vào mùa khô, phải tiết kiệm từng chút nước nhỏ. Mỗi khi hết nước phải xuống chợ cách trường   10 cây số để mua nước với cái giá cắt cổ, đâu chỉ có vậy,nhu yếu phẩm cực kì khan hiếm, đắt đỏ mỗi khi biển động… mặc dù khó khăn là vậy nhưng tập thể giáo viên yêu thương nhau như anh em ruột thịt, động viên nhau  khắc phục khó khăn tất cả vì học sinh thân yêu, nhất là anh, người đồng nghiệp mà tôi kính trọng và yêu mến. Trong công tác chuyên môn anh hướng dẫn, chỉ bảo tận tình…điều đó đã giúp tôi rất nhiều trong công tác giảng dạy. Phải công nhận anh là người có kiến thức rộng và chuyên môn vững vàng, chính vì thế mà ngay ở tuổi hai mươi lăm anh được tín nhiệm bầu làm phó hiệu trưởng. Anh là người hiền lành, cởi mở, dễ gần, anh như một người anh trai chăm sóc tôi tận tình chu đáo, dường như những suy nghĩ của tôi anh đều đọc được cả, chính vì thế mà tôi chẳng thể dấu anh được điều gì. Trước anh tôi thấy mình nhỏ bé và yếu ớt, trước anh tôi như cây non cần chỗ tựa vững chắc, và không biết từ lúc nào trái tim tôi đã tràn ngập hình bóng của anh. Tình yêu của chúng tôi lớn dần theo năm tháng. Khi tôi kể cho anh nghe chuyện mẹ bắt tôi chuyển công tác vào đất liền anh  buồn thật nhiều. Anh bảo anh rất yêu và không muốn xa tôi, anh muốn cùng tôi sát cánh bên nhau trong suốt chặng đường dạy học, nhưng anh không ngăn cản em, đó là tương lai của em, vì thế đi hay ở là do em quyết định, dù thế nào đi nữa anh vẫn yêu em. Tôi gục vào  vai anh mà khóc, mà nói những điều tự đáy lòng mình rằng tôi yêu anh, không muốn xa anh, xa mái trường thân yêu với bao kỉ niệm, rằng tôi sẽ thuyết phục cha mẹ cho tôi công tác ở ngoài này vì đó là máu thịt, là cuộc sống của tôi. Anh an ủi, vỗ về.

 

Ngày vào đất liền anh đưa tôi ra tận bến tàu,  anh im lặng nắm chặt lấy bàn tay nhỏ nhắn, tâm hồn tôi đầy những lo âu. Sóng biển rì rào hay là lòng tôi đang dậy sóng. Nắng gay gắt, bến tàu nhộn nhịp, con tàu Hải Âu đang mở rộng cửa đón khách. Xa xa, những cánh buồm vươn mình ra khơi hứa hẹn những khoang đầy cá.

Trương Anh Sáng
Số lần đọc: 1982
Ngày đăng: 13.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Nơi không chỉ có khói núi. - Nguyễn Lệ Uyên
Trong cơn mưa - Lê Mai
Những ngày trở gió - Hồ Việt Khuê
Xi rô, đá bào, hột é.. đây! Đây…! - Nguyễn Mỹ Nữ
Đổi đời - Quỳnh Linh
Bạn cũ - Minh Tứ
Sự im lặng cuối ngày - Nguyễn Mỹ Nữ
Trăm năm cũng chỉ là khoảnh khắc * - Minh Nguyễn
Con tàu chở đầy sự lạ - Quý Thể
Pokemon - Nguyễn Anh Dân
Cùng một tác giả
Chắp cánh ước mơ (truyện ngắn)
Tin nhắn (truyện ngắn)