Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
756
116.615.831
 
Mùa xuân héo hon đợi chờ
Nguyễn Vĩnh Căn

Làng Cầu Khóng nằm trong đê, bên dòng sông La hiền hoà những mùa vắng mưa bão. Nhưng cho dẫu những ngày mưa sa bão táp có dữ dội, làm thức giấc cơn cuồng nộ của dòng chảy sông La cuộn cuộn triều dâng sóng lũ, cuốn trôi những làng mạc ngoài đê phải cảnh lũ lụt muôn thủa, thì người dân làng Cầu Khóng vẫn yên lành bình tâm như vại. Năm nào có triền miên bão táp, cũng chỉ làm người dân trong đê đôi chút nao núng để ra be đắp bờ đê cho kiên cố thêm, rồi về nhà ăn ngon ngủ kỹ.

 

Thế mà có một mùa, một mùa làm người đàn bà luôn phải xôn xao, phập phồng lo âu ngóng đợi, ngóng đợi và ngóng đợi mãi…

 

Mấy năm nay, cứ mỗi độ cơn rét đậm, rét hại tan loãng theo cơn gió ấm áp xuân về, bà Mân lại ra bờ đê. Mỗi chiều, khi nắng còn cháy toả loáng lấp trôi xuôi dòng sông La thì, mắt bà Mân như được thắp sáng lên, dõi theo con đê chạy hút dài về phía cầu Thọ Tường, như để đón chờ ai.

- Trời tối rồi mà bà còn đứng đợi chi đây nữa hả bà Mân?

 

Có giọng ai đó hỏi, khiến bà lúng túng, tưởng như mình là kẻ trộm đang rình rập, bỗng bị phát hiện. Bà lủi thủi bước lần mò về nhà.

 

Nhà chị Niêm ở kề cận, gần cươi xỏ ngõ nhà bà, nên biết rất rõ mọi động tĩnh của bà Mân. Nhưng những ngày đầu, bà lủi thủi ra bờ đê. Đứng. Ngồi. Thở vắn thở dài. Đợi chờ ai…Vợ chồng nhà Tuân nào hay biết chuyện gì đã xẩy ra với bà.

 

Tiếng là bà, chứ tuổi đời bà Mân cũng chỉ mới xấp xỉ tuổi 55, nhưng trông bà già hơn cả 60. Tóc rễ tre khô cứng, điểm bạc sương pha trên khuôn mặt gầy ốm, nám cháy đầy tàn nhang. Mỗi khi đi lại, lưng còng đẩy nửa người bà ra phía trước, khiến bước đi của bà lởm chởm khó khăn. Nghe nói hồi trẻ, bà đẹp nhất nhì làng Khóng (Chị Niêm là dân Thọ Ninh lấy chồng về làng Khóng, nên không biết thời trẻ của bà cũng phải thôi).

 

Được cái tính bà hiền lành chân chất, thật như đếm, có chi bà cũng kể cho chị Niêm nghe hết. Nhưng rồi từ hồi con Thuỷ bỏ nhà đi, bà nín khe không nói không rằng về con Thuỷ. Và cũng từ đó, bà bỗng trở nên trầm ngâm ít nói. Sức khoẻ bà suy sụp và tiều tuỵ đi nhiều. Chị Niêm biết nỗi lòng của bà, nên cũng không dám nhắc nhở đến con Thuỷ. Mà cũng phải thôi, một mẹ một con đang yên lành; bỗng dưng nó bỏ đi, để bà một mình đơn côi, không nơi nương nhờ, bảo sao cảnh nhà bà không trống vắng quạnh quẽ.

 

Nhưng rồi một hôm. Bà mừng hí hửng. Cầm lá thư vội sang nhà chị Niêm:

- Mệ Tuân ơi, mệ Tuân! Có thư con Thuỷ gửi về. Nhờ mệ đọc cho tui nghe với, không biết nó viết chi trong nớ hè?

 

Chị Niêm cầm lá thư, rồi nhìn bà Mân ái ngại. Vì đây là lá thư của Xã mời bà về vụ con Thuỷ bỏ làng đi hai năm không trình báo. Bà dục:

- Nó viết chi rứa mệ Tuân, đọc cho tui nghe với. Hai năm ni không có tin tức gì về nó, tui sốt ruột lắm!

 

Biết nói ra làm bà Mân thất vọng, vì chẳng những hụt hửng trong nỗi mong chờ, mà còn phải phiền luỵ vì chuyện con Thuỷ bỏ đi. Nhưng chị Niêm cũng phải cho bà biết sự thật.

 

Bà buồn tỉu nghỉu như bánh tráng(đa) nhúng nước. Gấp thư vào bâu, rồi bà lom khom ra về. Chị Niêm nhìn theo mà lòng xót xa cho bà Mân vô hạn, nhưng chị cũng chẳng biết làm sao hơn được.

 

Tình làng nghĩa xóm, chị chỉ biết chia sẽ, giúp đỡ bà khi “túi trời cắn nác” mà thôi. Rồi chị cũng còn công việc đồng áng, buôn bán nữa chứ! Rốt cuộc:“Đèn nhà ai rạng nhà”. Rồi cô đơn vẫn hoàn cô đơn. Còn chồng chị thì làm kế toán HTX nên cũng bù đầu sổ sách. Cái trò ăn cơm nhà vác ngà voi, nên cũng chẳng mấy khi ở nhà để chạy đi chạy lại giúp bà được.

 

Hoàn cảnh của bà Mân neo đơn, côi cút lắm! Chẳng có ai thân cật nội ngoại chi đây nữa! Cũng may bà thuộc diện chính sách - chồng liệt sĩ, nên cũng có chút trợ cấp cho hai mẹ con sống qua ngày. Nhưng mỗi khi ai nhắc đến diện chính sách, thay vì hãnh diện có chồng hy sinh cho tổ quốc thì, bà lại cúi mặt hổ thẹn với vong linh chồng.

 

Ngày ấy, khi cưới xong, anh Mân vào chiến trường, còn chị Lanh ở nhà cày cấy ruộng đồng và phụng dưỡng mẹ chồng. Mấy năm trời tò vỏ ở nhà một mình, phòng không gối chiếc, hoang phí niềm ân ái vợ chồng cho ngày tháng trôi đi trong thân phận người phụ nữ thời chiến.

 

Nhưng rồi chị có giọng hát hay, nên được mời vào đội văn nghệ dân quân du kích. Ngày ra đồng canh tác ruộng đất. Đêm đi tập văn nghệ, được miễn canh phòng thôn xã. Và chị cũng quên khuấy canh phòng bản thân mình luôn. Mà cái giống đàn đúm văn nghệ, văn gừng, nó ưa bay bỗng hồn vía con người vơ vẫn lên cùng mây gió, trăng hoa tuế nguyệt; Bảo sao gái hò hát hay, trai đàn địch giỏi mà không huê tình với nhau!? Cái nố nớ, nói phải tội, chứ thánh thần cũng khó lòng mà chay tịnh nổi nữa là “gái hơ hớ đào tơ”, ai mà chịu cho thấu.

 

Thế là tin chồng chết ngoài mặt trận chưa kịp về thì, tin chị Lanh có bầu rạo cả làng.

Mẹ chồng già cả lại ốm yếu, nghe một lúc hai tin dữ như sét đánh hai bên màng tai, chịu đời chi thấu. Cuối cùng mẹ chồng cũng bổ bệnh qua đời.

 

Hai cái tang đau đớn là thế mà cũng chưa bằng một nỗi nhục chửa hoang. Như một bông hoa đang tươi rói là thế, bỗng tàn lụi hương sắc một cách chóng vánh. Không tàn lụi sao được, khi vác mặt đi mô cũng nhục nhã đắng cay ê chề. Bụng mang dạ chửa, rồi còn phải đồng áng kiếm ăn nữa chứ có phải giấu mặt ru rú ở nhà được mô. Truân chuyên và nhục nhằn thì không còn sách vở nào mà tả hết nổi.

 

Ngày tháng nặng nề trôi đi lê thê như những đám mây vần vũ mùa thu xám xịt cả cuộc đời chị. Cũng may, thời gian là liều thuốc thần diệu, xoá dần nỗi dâu bể cuộc đời chị. Sau này, mỗi lần nhớ lại, chị Lanh phải rùng mình khiếp sợ tự hỏi: sao hồi đó mình còn sống nổi với xóm làng?

 

*

- Mẹ bây tề! Bà Mân ú ớ chi bên nớ, sang coi bà có trúng gió chi không?

Khi chị Niêm sang. Bà đang ú ớ, tưởng như bị ai bóp cổ bà. Chị lay bà dậy:

- Bà ơi, bà dậy đi! Bà mớ ngủ, hay trúng gió mà van la rứa hả bà?

 

Bà vùng dậy dụi mắt, như thoát ra khỏi cơn ác mộng. Nhưng bà lại nói trệch sang chuyện khác:

- Tui bị mộc đè, tưởng như ai tiến lại bóp cổ tui, khiến tui la làng lên rứa đó.

Mồ hôi mồ kê ướt đẩm tóc bà. Bà vấn tóc lại, rồi với lấy lá thư đầu giường đưa cho chị Niêm;

- Mới có thư xã mời. Mệ coi xã mời tui ngày mô nữa đây?

Chị Niêm cầm thư, ngạc nhiên kêu lên:

-      Thư con Thuỷ đây bà ạ!

Bà Mân ngồi chồm dậy. Đôi mắt bà ngời sáng. Bà reo lên:

- Thư con Thuỷ hả! Trời ơi! Mẹ chờ tin con mòn cả mắt rồi, dừ mì chộ - Bà dục chị Niêm:

- Mệ đọc đi, xem nó dừ ra răng!

 

Chị Niêm không chần chờ.

“Mẹ thân mến.

Kể từ ngày con bỏ làng đến nay đã hơn hai năm rồi, con chưa có tin gì về cho mẹ. Mong mẹ tha thứ và thông cảm cho con. Mẹ vẫn khoẻ chứ! Mẹ còn đi làm ruộng nương được nữa không? Con nghĩ mẹ nên bán ruộng đất đi. Một mình mẹ với số tiền trợ cấp cũng đủ sống rồi, còn ruộng nương chi cho cực thân.

 

Cuộc đời con từ ngày bỏ mẹ đi đến nay, gặp nhiều nhiễu nhương gian nan lắm mẹ ạ! Đôi khi muốn về quê nhà, gục đầu vào lòng mẹ mà khóc cho trôi đi những tủi nhục truân chuyên cuộc đời. Nhưng nghĩ lại chuyện đó…con không sao quên được, và không muốn về chút nào, dù ở đất khách quê người kiếm được miếng cơm manh áo cũng tủi cực lắm mẹ ơi!

 

Nếu được thì tết năm tới con sẽ về thăm mẹ. Vài dòng thăm mẹ. Mẹ đừng lo cho con mà hao sức, tổn thọ. Đời con, con tự lo liệu được. Mẹ hãy cố gắng giữ gìn sức khoẻ. Con mong sớm gặp lại mẹ.

Con của mẹ. Lê Thanh Thuỷ.”

 

Bà Mân nghe xong, oà lên khóc:

- Khốn khổ cho thân con gái tui, bơ vơ giữa chốn đất khách quê người xa lạ!

Chị Niêm vỗ về an ủi bà:

- Thôi, bữa ni có thư con Thuỷ về rồi, bà ăn yên ngủ kỹ đi, còn khóc lóc cái nỗi gì cho mệt người ra.

 

Để sức cho khoẻ, đến tết năm sau nó về mà gặp nó chứ bà!

Từ ngày đó, bà vui vẻ trở lại như những ngày con Thuỷ còn chưa bỏ đi. Đi đâu bà cũng mang theo lá thư khoe khắp làng xóm. Lưng bà bớt còm đi, và bà đi lại một cách khỏe khoắn hơn. Gặp ai bà cũng sởi lởi chuyện trò. Cứ làm như con Thuỷ nay mai về.

 

Còn chị Niêm bớt đi nỗi lo cho bà, và cũng bớt phải sang thả gàu múc nước cho bà, vì bà đã tự mình múc nước giếng lên để tắm rửa, giặt giũ, cơm nước được rồi.

 

Tối nào bà cũng sang chuyện trò thủ thỉ với chị Niêm tới khuya. Trong khi chị Niêm vừa nói chuyện vừa phải tranh thủ bó rau, cải, lang…Và soạn lại hàng: rượu, thuốc lào, vải vóc…để sáng mai chợ búa. Còn nhà Tuân thì cắm đầu vào sổ sách HTX đến khuya.

Đêm nào chị Niêm cũng cho con Thảo sang ngủ với bà cho vui.

 

Trong khi vợ chồng nhà Tuân tần tảo, ruộng nương buôn bán không đủ thời gian để phải tranh thủ làm đêm thì, bà Mân đếm từng tháng ngày lâu như từng thế kỷ ì ách trôi đi, như con trâu kéo gỗ lên ngàn Trươi, ngàn Cả. Mà đến cả con sông La hiền hoà nước chảy lờ đờ, cũng khiến bà Mân phải sốt ruột “ôi thời gian đợi chờ” lâu thế!

 

Đã thế, cái rét của mùa đông lại càng dài lê thê cho bà thêm tê tái mỏi mong.

Rồi mùa xuân cũng ló dạng, khi cây đào trước nhà bà Mân nở hoa lả tả những cánh rơi trước ngõ.

Nhà bà ở bên bờ đê, sát nách nhà thờ, nên cứ chuông chiều đổ là bà lại ra bờ đê đi tới đi lui. Ngóng. Chờ. Đợi. Mỏi mòn. Rồi chiều giăng bóng tối xuống, bà lại lủi thủi về nhà.

 

Và cứ thế cho đến những ngày xuân đi qua, khi những cơn nắng hạ chói chang, và cái gió Nam Lào về, khiến bà biết rằng: mùa xuân này chẳng còn trông đợi nó về được nữa rồi. “Chắc là mùa xuân tới nó mới về”. Bà lẩm bẩm thế rồi về nhà. Cả ngày buồn rũ rượi.

 

*

Chuyện con Thuỷ bỏ nhà vào Sài gòn đối với bà là một chuyện cả thể, nhưng đối với xóm làng dọc hai ven sông La thì, chuyện đó quá bình thường. Bởi thật ra, thanh niên nam nữ ở ngoài quê nhà có còn mấy ai nữa đâu. Cả làng chỉ còn lại các ông bà già và lớp trung niên vợ con. Mà cảnh gia đình kế hoạch hai đứa, thì con cái cũng đã bước vào đại học, trung cấp…phiêu bạt nơi này, nơi kia chứ có đâu ở quê nhà nữa. Thậm chí nhà nào có con trẻ học cấp một, cấp hai, cũng thật khốn khổ để phải lên trường Huyện, Thị xã mới có lớp học. Rồi lại phải ăn ở nội trú như cảnh sinh viên vậy.

 

Cơn hồng thuỷ thanh niên nam nữ thoát ly ào ạt vào Nam tha phương cầu thực với các tỉnh Tây nguyên, hay vào Sài Gòn, Bình Dương…càng lúc càng đông. Cũng vì điều kiện đất chật người đông, ruộng đồng chỉ mấy công chưa làm đã hết, nên mới phải bỏ làng ra đi, với khát vọng đổi đời.

 

Thì ngay cả con em của chị Niêm. Con Hà cũng đã đi trước con Thuỷ những mấy năm. Bây giờ cơ ngơi làm ăn của con Hà phát đạt lên lắm rồi. Chính vì thế mà con Thuỷ mới theo chân vào TP. Những năm đầu, con Thuỷ còn lui tới con Hà, nên chị Niêm có đôi chút tin tức, để cho bà Mân biết đôi điều về nó. Nhưng có một điều, không biết nó làm ăn ra sao, mà không bao giờ nó cho biết nơi ăn chốn ở của nó. Con Hà có hỏi, nó chỉ trả lời ởm ờ qua chuyện. Biết con Thuỷ muốn giấu, con Hà cũng không tra gạn nó nữa.

 

Từ lá thư đó về sau, con Thuỷ không còn tăm hơi nào, khiến cho bà Mân đợi chờ, và càng phải ra sức đoán già đoán non về nó:“Chắc là công việc làm ăn của nó chưa được suôn sẽ, nên nó chưa muốn viết thư về nhà”. Hay “Thư của nó viết về bị thất lạc ở xã….”

 

Rồi năm tới, nó không về, bà lại tự nghĩ: “Chốn đất khách quê người, muốn làm ăn ổn định cũng phải đến mấy năm chứ có đâu dễ như thế”. Bà chưa bao giờ thán oán về nó cả. Mỗi lần nghĩ đến nó, bà lại ứa nước mắt bùi ngùi thương nhớ nó. Bởi cũng vì bà mà nó phải ra đi.

 

*

Ngày đó, con Thuỷ từng ngày lớn lên trong sự hồn nhiên vô tư của tuổi thơ. Mưa nắng bão bùng đời “cô Lựu” cũng chẳng ngăn nổi hương sắc ngày càng đẹp, càng duyên dáng, như tái tạo lại cái nhan sắc sớm tàn phai của mẹ nó. Chẳng những thế, nó còn được son phấn, vải vóc làm cho thêm phần sắc sảo hơn dáng xưa của mẹ nó.

 

Nhưng rồi ngày nó bước vào tuổi cập kê, mới khiến mẹ nó phải phát phiền. Hương sắc nó đẹp là thế, mà trong làng không thằng con trai nào mự ử để tán tỉnh nó. Ở một miền quê, thì tiếng đời rất khắc nghiệt và khó gột rửa lắm! Nó bỏ học cũng vì chịu đời không thấu với hai tiếng “con hoang”. Thực ra thì cũng có vài chàng trai liều mạng tán tỉnh, nhưng rồi một thời gian sau nghe gièm pha “con hoang” thì ông cố nội có sống dậy, bố bảo cũng không thằng nào dám tron tay vô! Thế là con Thuỷ như một loài hoa: sống chỉ để khoe sắc cho đời, chứ đường duyên phận ở làng Khóng chắc là “thôi rồi một đoá trà mi”.

 

Hình như nó cũng biết thân để an phận sống đời tầm gửi ở cõi trần ai này. Vì thế, nó không còn mặn mà chi son phấn, áo là quần lượt như mọi khi đi lễ lạy nữa. Bà Mân nhìn con mà xót xa cho thân phận nó lắm! “Thôi mẹ, phận con đã lỡ như thế rồi, mẹ khóc làm chi cho cực lòng”. Nó chưa bao giờ phàn nàn: “Tại mẹ thế này, tại mẹ thế kia mà đời con hẩm hiu”. Càng nghĩ bà Mân càng tội nghiệp và thương con Thuỷ.

 

Thế rồi ngày hai buổi đi làm đồng áng, tối về đi nhà thờ cầu kinh, an phận sống như kiếp tu hành.

Ngày tháng vô vị trôi đi trong héo hon của nụ hoa chưa kịp nở đã vội tàn. Rồi bỗng có một chàng trai người Kẻ Tùng, đi chầu lượt Hạt Nghĩa Yên, gặp gỡ và phải lòng con Thuỷ. Con Thuỷ như đò sắp chìm vớ được một anh chàng vừa học hành lại vừa đẹp trai, nên nó trân quý và yêu thương anh chàng đó hết mực. Chàng trai đó cũng si tình không kém. Hai bên thề non hẹn biển quyết lấy nhau. Những tưởng chuyện đi lễ hỏi rồi thì chắc như khoai sắp vô ấm, đâu còn chi để phải lo lắng nữa. Nhưng rồi tiếng lành - đẹp người hiền lành nết na, chưa chịu đi xa, thì tiếng xấu đã đi thấu tai cha mẹ, họ hàng của đàng trai. Thế là đàng trai bắn tiếng huỷ bỏ cuộc hôn nhân đó, khiến con Thuỷ khóc ròng, sầu não. Còn chàng trai ấy, vẫn quyết lấy bằng được. Nhưng số trời run rủi, ông già chàng trai lâm bệnh chết, và trước khi về cõi trời cũng bắt con trai phải hứa: “Không được lấy cô gái đó làm vợ”. Vì phận làm con hiếu đạo, mà phải đắng cay giã từ một mối tình bẽ bàng như thế!!

 

Ngày chia tay, con Thuỷ sầu thảm lắm! Nó biết đời nó coi như tàn rồi. Nó chẳng thiết ăn uống chi. Mẹ nó cứ hốt hoảng lên lo cho nó, mà tay cứ đấm ngực: “Lỗi tại mẹ mọi đàng. Chúa ơi! nếu có đoán phạt thì hãy đoán phạt thân con, chứ đừng gây oan khiên cho con con. Nó không có tội tình chi mà phạt nó, Chúa ơi!”.

 

Rồi con Thuỷ liều mạng trầm mình xuống sông, may có người vớt lên kịp thời. Mẹ nó cũng chết lên chết xuống với nó sau vụ thất tình đó.

 

Ngày nó bỏ nhà đi không nói với mẹ một tiếng nào, nhưng bà Mân vẫn mừng, vì biết nó đi với con Hà. Thôi thì nó đi cho khuây khoả, chứ ở nhà nghĩ quẫn, nó phát rồ ra mà trầm mình nữa thì khốn.

 

Bà Mân vẫn biết rằng: con Thuỷ rất thương mẹ. Cuộc đời đồng áng tay cuốc tay cày, bà đều cậy nhờ vào nó, và không mấy khi nó cho bà đi làm đồng.

Càng nghĩ về nó bà càng thương cảm cho nó hơn.

 

Nhưng rồi những ngày tháng trôi đi trong héo hon đợi chờ, đã không còn đánh lừa được “niềm tin” vào một mùa xuân con Thuỷ về nữa rồi.

 

Bà Mân ngày càng còm cõi, thì lưng càng còng thấp xuống, bước đi lại càng khó lòng. Thời gian trĩu xuống những nếp nhăn in hằn trên khuôn mặt vỏ vàng của bà. Cho dẫu niềm tin trong bà có giảm sút đôi chút thì, những buổi chiều gần đến mùa xuân, năm nào bà cũng gắng gượng lòm còm bò lên bờ đê để ngóng đợi, ngóng đợi…mỏi mòn.

 

Mỗi lần đi chợ về ngang, chị Niêm nhìn thấy mà cảm cảnh và tội nghiệp cho bà! Tối nào chị cũng vỗ về để dắt bà vào nhà: “Bà yên tâm đi. Năm nay nó bận bịu chưa về được, thì năm tới nó sẽ về đấy bà ạ!” Hình như câu nói đó đã thắp lên trong bà một chút ánh sáng le lói cuối đời của tuổi già bà.

- Chắc là rứa mệ Tuân hè.

Sự đợi chờ vô vọng, đã khoét lỏm sâu khoé mắt bà. Những giọt nước mắt cũng vơi cạn, chỉ để lại vực sâu tăm tối hiu quạnh đời bà. Mắt bà mù hẳn. Bà chỉ còn nằm dán trên giường, khiến chị Niêm âm thầm lo lắng:

- Anh Tuân ơi! Phải mần răng dừ đây? Chứ để vậy, bà Mân chết mất vì héo hon đợi chờ!

- Thì anh cũng bó tay, chứ biết mần răng dừ? Mà con Thuỷ ni cũng vô tâm vô tư, không có tăm tích chi về cho mẹ nó.

- Tăm tích chi nữa. Lần trước con Hà về chẳng bảo: “Sau lần tai nạn đụng xe, lại dính vào tù tội vì buôn bán ma tuý, thì còn lòng dạ nào mà thư từ về nữa”

- Chắc là bà không qua nổi mùa xuân này quá!?

Trong khi hai vợ chồng nhà Tuân đang lo lắng cho bà Mân, thì có tiếng con Thảo:

- Thầy ơi! Mẹ ơi! Bà Mân nguy mất rồi!!

Vợ chồng nhà Tuân chạy sang vội. Xoa dầu, đánh gió, quạt than làm ấm thân bà, rồi mời cha xứ đến lo phần hồn cho bà. Làng xóm nghe dáo dác tuôn đến chật cả nhà. Rôi kẻ lo cháo lao, người thuốc thang cho bà, nhưng bà không sao gượng dậy nổi. Bà mê trầm đi.

Mùa đông sắp tàn tạ, nhưng ai cũng nghĩ bà sẽ không gắng nổi tới mùa xuân.

Chị Niêm cứ mãi băn khoăn: phải làm sao cho bà thoả lòng hưởng một mùa xuân mãn nguyện đây?

- Thầy nó ơi! Hay là thầy nó mạo danh viết một lá thư của con Thuỷ gửi cho bà đi. Thế nào cũng làm bà hồi sinh cho qua mấy ngày Tết!

­- Mạo danh thế, bà biết phải tội chết!

- Mạo danh cho việc làm nhân đạo cứu người, chứ có lường gạt chi bà mô mà phải tội. Mà bà mù loà có biết chi nữa mô.

Quả thật thế. Bà đang mê trầm, vậy mà khi nghe chị Niêm ghé vào tai bà:

- Bà Mân ơi! Có thư con Thuỷ về đây rồi nè, bà tỉnh dậy đi con đọc cho bà nghe.

Đến lần thứ ba thì bà bỗng như người mê ngủ choàng tỉnh:

- Con Thuỷ! Con Thuỷ mô rồi?

- Thư con Thuỷ viết về bảo:“Mùa xuân này con Thuỷ về ăn tết với bà đây!”

Bà cầm lá thư, rồi ấp vào ngực:

- Có rứa chứ! Tau biết mà, con Thuỷ nó chẳng bỏ tau mô mệ Tuân ạ!

 

Rồi bà bỗng tỉnh táo lại hẳn. Bà ngồi dậy, nhờ con Thảo tiêm cho bà miếng trầu. Bà nhai nhóp nhép miếng trầu tươi gọn thơm, khiến nhà Tuân lo lắng nói nhỏ với vợ:

- Mẹ mi cương ẩu rứa, ba ngày tết ai đến chúc tết, con Thuỷ không về thì mần răng đây?

- Trước mắt cứ nuôi niềm tin cho bà mừng, để bà khoẻ mạnh ăn tết đã, còn chuyện con Thuỷ về tính sau. Thiếu gì cách để hoãn binh chi kế với bà.

 

Hình như tin con Thuỷ về làm bà khoẻ hẳn người ra. Quả thật, những ngày sau đó bà đã ngồi dậy cuời nói huyền thuyên với bà con lối xóm. Ai đến, bà cũng đưa chuyện: “Con Thuỷ năm ni về ăn tết bà con ạ!”, khiến ai cũng mừng cho bà và tin là thật.

 

30 giáp tết, con Hà về ăn tết quê nhà. Chị Niêm thăm hỏi về con Thuỷ, nhưng  thật tình con Hà cũng chẳng biết gì về nó cả. Chị Niêm chưa biết phải tính sao cho ổn với bà Mân; Bởi nếu để bà thất vọng một lần nữa thì, bà Mân sẽ suy sụp và có lẽ, chẳng còn cách gì cứu sống bà nữa.

 

Rồi bỗng ba ngày tết, cả làng xóm nghe  tin con Thuỷ về, họ đến thăm và chúc tết bà Mân đã đành, nhưng ai cũng hiếu kỳ: để xem mười mấy năm nay con Thuỷ làm ăn ra sao? Thân người ốm mập thế nào? Còn bà Mân thì hớn hở đôn đả:

- Thuỷ ơi! Lấy mứt bánh kẹo, rượu chè ra mời bà con lối xóm ăn uống đi tề!

 

Ai cũng vui vẻ chúc mừng bà, rồi ra về trong ái ngại. Còn chị Niêm túc trực suốt ngày để ai đến cũng rỉ tai…

Nhưng rồi đến ngày mồng sáu thì con Hà la làng lên:

- Chị Niêm ơi! Chị hại em rồi. Mồng bốn là em phải đi làm, mà giờ này còn phải ở đây với bà, thì biết ăn nói làm răng với công ty đây?

 

Nghe con Hà trách, chị cũng đâm ra lúng túng khó xử. Vì muốn giữ lời hứa với bà: con Thuỷ về ăn tết, mà chị liều xúi dại con Hà vào vai con Thuỷ, để đêm giao thừa con Hà với bà Mân gặp mặt, ôm nhau khóc nỉ nước nỉ non như hai mẹ con. Chính con Hà cũng cảm cảnh của bà mà khóc chứ không phải vào vai - như sau đó nó tâm sự.

 

Đêm đó, bà Mân đã tâm sự nhỏ to với con Thuỷ:

- Mười mấy năm xa cách, mẹ mỏi mòn trông con về. Bây giờ mẹ già cả rồi, con cứ ở nhà cho mẹ con quây quần bên nhau ấm cúng sum họp, con đừng vô Sài Gòn nữa nha con!

Trong tình cảnh đó, con Hà bí quá, không còn cách nào để nỡ từ chối, nên cũng sốt sắng nhận lời: “Mẹ cứ yên tâm đi, lần này về con sẽ ở nhà luôn với mẹ”. Rồi như để trăn trối, bà đưa tiền ruộng đất bán được cho nó cầm, phòng khi bà có mệnh hệ nào, để nhờ làng xóm giúp đỡ. Bà lại móc trong bâu ra một sợi dây vàng năm chỉ. Bà trao cho nó và bảo nó đeo làm của hồi môn.

 

Đêm đó, chính chị Niêm và con Hà cũng sụt sùi thương cảm cho hoàn cảnh của bà Mân vô vàn.

Ngay cả chị Niêm và con Hà cũng chỉ nghĩ đơn giản: nhập vai cho bà ăn tết vui vẻ, để cho bà hồi phục sức khoẻ, chứ không ngờ con Hà bị đẩy vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khó xử như thế. Mấy ngày về ăn tết, con Hà đâu có được ăn ở nhà anh chị. Con Hà dẫu có thương cảm cho tình cảnh của bà, nhưng nó cũng có công việc làm ăn của nó nữa chứ! Chị Niêm nghĩ thế rồi bảo:

- Thôi mai mồng bảy, vì công ăn việc làm, mi cứ yên tâm mà đi. Việc Bà Mân để tau ở nhà lo xoay xở cũng được, không răng cả mô.

 

Biết chị nói thế, nhưng con Hà cũng không nỡ lòng nào xếp đồ ra đi được. Cảm cảnh cho bà Mân quá, con Hà quyết định mồng mười mới đi. Thôi trể thì cũng trể rồi, không làm nơi ni thì làm nơi khác vậy.

 

Ai ngờ sáng mồng bảy, con Hà khóc bù lu, bù loa chạy về kêu anh chị:

- Anh chị ơi! Bà Mân chết mô cả đêm rồi. Đêm qua nằm bên bà, em ngủ mê không hay biết. Sớm mai em sờ bà, thấy lạnh ngắt mới biết bà chết.

 

Thế là sau những mùa xuân héo hon đợi chờ…Vẫn có một mùa xuân viên mãn dành cho bà Mân, để bà ra đi thanh thản như người nằm mơ.

 

Châu Sơn 13/02/2008

Nguyễn Vĩnh Căn
Số lần đọc: 2301
Ngày đăng: 20.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Bông mua trắng - Hoa Ngõ Hạnh
Blue Velvet * - Minh Thuỳ
Những đồng bạc cắc - Lê Mai
… Tang! Là tang tính tình !.. - Trần Huy Thuận
Chỉ còn sương khói - Hồ Việt Khuê
Sói đỏ mùa thu - Hoa Ngõ Hạnh
Chắp cánh ước mơ - Trương Anh Sáng
Mùa Len Trâu - Sơn Nam
Nơi không chỉ có khói núi. - Nguyễn Lệ Uyên
Trong cơn mưa - Lê Mai
Cùng một tác giả
Khát vọng sống (truyện ngắn)
Chạm đến tâm linh (truyện ngắn)
Chuyện của Dần (truyện ngắn)
Đôi mắt ấy… (truyện ngắn)
Luỵ đời (truyện ngắn)
Gã ngố ! (truyện ngắn)
Một mảnh đời… (truyện ngắn)
Đời gia sư (truyện ngắn)
Đồ đểu! (truyện ngắn)
Trò đùa số phận (truyện ngắn)
Ngỡ như giấc mơ (truyện ngắn)
Cuộc đời mẹ Monica (truyện ngắn)
Sau mười năm... (truyện ngắn)
Mẹ tôi (truyện ngắn)