Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
894
116.624.984
 
Một thoáng vũ trụ...
Lê Văn Như Ý

Một hạt cát nhỏ bé nhưng có thể chứa đựng cả một vũ trụ huy hoàng. Một vỏ ốc tự thu mình nhưng vẫn đầy sóng gió bao la. Cũng như người Ấn Độ tự nhận thiên nhiên là người thầy lớn nhất của họ. Xứ sở đó đã phát tiết những tư tưởng vĩ đại  của nhân loại: Bà la môn, Phật...

 

Càn khôn tận thị mao đầu thượng

nhật nguyệt bao hàm giới tử trung

 (Càn khôn rút lại đầu lông xíu

Nhật nguyệt nằm trong hạt cải  mòng)

 (Khánh Hỷ, Ngô Tất Tố dịch)

 

Đó là tư tưởng “một trong tất cả, tất cả trong một”.

Nhưng không riêng gì Khánh Hỷ, những nhà thơ vĩ đại thường là người thể hiện một trực giác lóe sáng về bản chất thực tại, những khuynh hướng tiên tri và đầy ắp viễn tượng vũ trụ. Họ là nhà thơ đồng thời cũng là tư tưởng gia: Omar Khayyam, Bashô, Tagore, William Blake, Whitman, các nhà thơ thiền sư thời Lý - Trần, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương...

 

Điểm lại, ngay từ buổi đầu, thơ ca từ trong Veda, của Homere, Khuất Nguyên… đã có mặt trăng, sao, cát, đá… hàm chứa một cảm thức vũ trụ. Nói như G.S Trịnh Xuân Thuận, “sự giải thích những sự kiện dù đơn giản nhất cũng phải viện đến lịch sử vũ trụ và những ngôi sao chứa trong đó”.

 

Và, nếu Khánh Hỷ nhìn thấy vũ trụ trên đầu sợi lông, nhật nguyệt trong lòng hạt cải, thì với thiên tài thơ ca của nước Anh William Blake:

 

… Nhìn thấy vũ trụ trong hạt cát

Và thiên đường trong bông hoa dại

Cái vô hạn trong lòng bàn tay

Và cái vĩnh cửu trong một giơ.

 

Dường như đó là một thiền ngôn đậm chất phương Đông hơn là lời thơ của một nghệ sĩ nơi trời Tây. Đó cũng là một cách khái quát thực tại hiện hữu, trân quý trước cái đẹp vĩnh cửu và hiện thân vô thường. Cái đẹp mong manh dễ vỡ. Và, cũng chỉ những kẻ “đạt nhân” trong cuộc đời mới có trực giác lóe sáng ấy. Có phải thế không? Khoa học hiện đại chứng minh điều không thể thành có thể, từ một tế bào không thể nhìn thấy bằng mắt thường có thể nhân bản ra một cá thể, đến nỗi có thể giống nhau đến từng centimet. Chú cừu Doly là ví dụ...

 

Một lần, Bashô nhìn đóa Nazuna, bông hoa bé dại đã hiện hữu trong thơ ông:

 

Nhìn kỹ

Tôi thấy đóa Nazuna

Bên hàng giậu 

 (Nguyễn Hữu Hiệu dịch)

 

Vô cùng đơn giản. Nhưng dĩ nhiên, nước đã đun sôi để nguội và một cốc nước lạnh, trong bản chất là khác nhau. Ánh mắt của Bashô đã không còn  trần tục khi nhìn bông hoa nhỏ dại ấy. Và điều kỳ diệu đã xảy ra: đóa Nazuna tầm thường bỗng chốc biến thành một vũ trụ hồng diệu. Bởi, dù nhỏ nhoi, nhưng đó cũng là một sinh mệnh, mang cả dấu ấn sáng tạo, kết tinh của trời đất. Như con ếch lừng danh của Bashô:  

 

Ao cũ

Con ếch nhảy vào

Vang tiếng nước xao

 (Nhật Chiêu dịch)

 

Con ếch đã đánh thức ngàn năm vũ trụ (ao cũ). Qua đó, con ếch mới tự tại và đầy đủ vũ trụ tính.

Cũng là cảm thức về vũ trụ, nhưng bây giờ ta có những vần thơ cực kỳ khác lạ của Walt Whitman trong tập “Lá cỏ” (Leave grass) lừng danh. Những vần thơ sau đây nói lên cảm thức ấy:

 

“Một lá cỏ không thua gì đường bay của những vì sao

Một con kiến cũng ngang phần toàn bích, hay một hạt cát, hoặc trứng chim hồng tước

Và con nhái bén là kiệt tác nhà trời

 

Lá cỏ nhỏ nhoi nhưng vẫn đầy đủ vũ trụ tính như thường. Đó là tập thơ mang một cảm thức vũ trụ vô song. Nói tới tập thơ ấy cũng như tác giả của nó, là một trong trong những biểu tượng của thơ ca Mỹ, như Kahlil Gibran của Lebanon, nhu Bashô của Nhật Bản...

Và vũ trụ khác, là trò chơi linh thánh của hình bóng, của có và không...

 

Kìa xem bóng nguyệt lòng sông

Ai hay không có có không là gì

 

Hình ảnh trăng soi đáy nước, hay thủy nguyệt, là hình ảnh quen thuộc trong thơ ca phương Đông nói chung, ảo diệu và u huyền. Con người và trời đất là hình bóng của nhau. Nếu ta là hình thì vũ trụ là bóng và ngược lại. Trời đất có bốn mùa, con người có tứ chi; một năm có 365 ngày, con người có 365 đốt xương. Hay nói cách khác, con người là tiểu vũ trụ và thế giới là đại vũ trụ, cả hai tương dung, tương chiếu lẫn nhau.

 

Tác hữu trần sa hữu

Vi không nhất thiết không

Hữu không như thủy nguyệt

Vật trước thị không không

 (Có thì có tự mảy may

không thì cả thế gian này cũng không

Vầng trăng vằng vặc in sông

Chắc chi có có không không mơ màng)

 (Từ Đạo Hạnh - Bản dịch tương truyền của Thiền sư Huyền Quang)

 

Thủy nguyệt là hình ảnh quen thuộc trong tư tưởng thẩm mỹ phương Đông. Đó là trò chơi linh ảo của hình và bóng, có và không, hay thực chất là trò chơi của vũ trụ. Cũng theo tinh thần mỹ cảm ấy, tâm ta không những soi chiếu thế giới mà thế giới cũng soi chiếu tâm ta. Thủy nguyệt, theo Dogen thiền sư: “Trăng không bao giờ ướt và nước không bao giờ tan vỡ. Chiều sâu của giọt sương là đỉnh cao của vầng trăng. Mỗi phản ánh dù dài hay ngắn đều biểu hiện cái bao la của giọt sương và chứng tỏ cái vô hạn của ánh trăng trong bầu trời” (Nhật Chiêu, dịch).

 

Cũng như với Nguyễn Du, đó là cái “tâm kính” để ông thấu đạt sáu cõi, hay nói một cách khác, đó là cái “tâm kính” để Tố Như soi chiếu thế giới, soi chiếu sự vật trong “cõi người ta” này:

 

Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự

Tứ thời tâm kính tự như như

(Hoa nở lá rơi đầy nước mắt

Bốn mùa tâm kính vẫn như như)

 

Vậy bằng cách chú tâm miêu tả hạt cát, hạt cải, hoa nở lá rơi, hay trăng soi đáy nước…, các nhà thơ đều gợi ra cái vô hạn của thiên nhiên và vũ trụ. Mỗi sinh linh, mỗi vật dù bé nhỏ vô dụng vẫn đầy đủ vũ trụ tính như thường. Trước đại thế giới này, con người vẫn tự tại, là một tấm gương soi không ngừng đi tìm soi chiếu cái đẹp, chuyển hóa nó thành những phút giây thăng hoa vĩnh cửu.

Lê Văn Như Ý
Số lần đọc: 4036
Ngày đăng: 31.08.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Tiểu thuyết với Châu Âu - M.Kundera
Lục bát và các dòng thơ lục bát - Inrasara
Phê bình thi tính tự do - Khổng Ðức
Viết ngắn 58. Văn học Đông nam Á trong tâm thế hậu thuộc địa 02. - Inrasara
Đọc Chu Cẩm Phong, dũng cảm, say sưa, quên mình như Chu Cẩm Phong - Bùi Minh Quốc
Chủ nghĩa nữ tính - Khổng Ðức
Dấu ấn hậu hiện đại trong Cánh đồng bất tận - Hoàng Đăng Khoa
Người đua diều của Khaled Hosseini - Lê Thu Trang
Viết ngắn 13. Thơ và diễn đàn - Inrasara
Thơ rất thiêng - Bùi Minh Quốc
Cùng một tác giả
Vô ngôn (tạp văn)