Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
479
116.592.785
 
Ca dao, dân ca ở thị xã ngã ba sông
Phạm Thanh Phúc

Buổi sáng, khi chúng tôi còn đang ngái ngủ trong căn phòng hẹp của nhà văn hóa thị xã thì tiếng loa gắn trên tầng cao bên cạnh đã vang lên rộn rã. Những người bán hàng rong gánh qua đường thật sớm – những gánh bún cá còn bốc khói – món ăn đặc sản của Châu Đốc – hòa lẫn vào trong sương sớm. Khi trời bắt đầu sáng rõ thì con đường Thủ Khoa Nghĩa đã đông hơn với dòng người gồm những học sinh phổ thông, công nhân viên chức đi học và đi làm – hàng trăm sắc áo chen nhau(*). Lúc đó, chúng tôi cũng xuống nhận công tác ở địa bàn từng phường, xã. Buổi sáng ở Châu Đốc bắt đầu là như vậy đó.

 

Thị xã Châu Đốc nằm dọc theo ngã ba sông Hậu. Đoạn sông mang lại nguồn lợi không nhỏ cho dân ở đây. Dọc theo bờ sông là những chiếc vó lớn. Vó là những tấm lưới lớn bề ngang rộng khoảng 3m50 được mắc lại theo hình một đa giác lồi, dính liền với một cây tre lớn đặt sát phía trong, có thể nhấc cao lên được. Lưới được đặt chìm dưới mặt nước. Chúng tôi thích thú theo dõi từng đợt cất vó: những chú cá thân hình óng ánh bạc trắng đang giẫy giụa trong lưới. Hầu như nhà nào ở đây cũng làm nghề đặt vó. Bởi nó không tốn kém nhiều, không phải lệ thuộc thời gian (người ta có thể bỏ đó sau khi đặt vó và đi làm chuyện khác) mà có thể cất vó bất cứ lúc nào. Số lượng cá ít nhiều tùy theo từng con nước. Cá bắt được thả riêng vào một miệng lưới đặt chìm một nửa dưới nước để cá còn sống và bơi lội tự do. Bằng cách này, người ta có thể giữ cho cá tươi nguyên đến lúc bán. Có những mẻ cất vó chỉ có vài chú cá bé bỏng,  nhưng cũng có những mẻ cất vó màngười ta nhìn thấy trong lưới toàn là cá bạc trắng cả góc lưới(**).

 

Nhóm chúng tôi gồm 40 người được chia thành năm nhóm nhỏ xuống địa bàn phường, xã. Gần một nửa trong nhóm đã được phân công về xã Vĩnh Tế – một xã nằm trong vùng sâu có nhiều giai thoại đặc biệt về phong trào kháng chiến vừa qua và nhất là dân ở đây rất yêu chuộng ca dao, dân ca. Nói thì dễ nhưng thật ra cũng có không ít khó khăn trong việc làm này. Điều cần nhất là giải thích cho dân hiểu rõ việc làm của mình. Ngay từ đầu, chúng tôi đã không làm tốt công tác này – có lẽ chính vì vậy mà gây ra một không khí hiểu lầm. Có nơi tưởng rằng chúng tôi đi tìm đề tài để viết luận án, lại có những nơi tưởng rằng chúng tôi đi “sưu tra lý lịch”. Buổi sáng chúng tôi đi sưu tầm về lịch sử, buổi chiều tìm hiểu về ca dao, tối đến chúng tôi tổng hợp tài liệu và chép thành văn bản. Đó là những ngày tháng vất vả nhưng để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm và vốn sống thực tế.

 

Chúng tôi đến nhà mẹ Nguyễn Thị Sáu ở khóm Châu Long 2 (phường B). Mẹ rất vui khi thấy chúng tôi đến. Khi chúng tôi trình bày ý định sưu tầm ca dao thì mẹ nói: “Thuộc thì tao có thuộc nhưng cắc cớ mà kêu đọc giữa chừng như vầy thì e tao đọc sao được?”. Rồi mẹ lăng xăng đi châm trà cho chúng tôi uống. Nhóm chúng tôi có 6 người, mỗi đứa một câu – cả 6 đứa cùng hỏi mẹ, đứa nào cũng tíu tít hỏi han, bởi lẽ chẳng những mẹ thuộc ca dao mà mẹ còn biết tường tận về lịch sử của thị xã Châu Đốc. Chúng tôi bồi hồi nghe mẹ kể những ngày đánh Mỹ.

 

“Mỹ vào ta rút trong hang

Mỹ lui ta lại tìm đường đánh ra”

 

Mẹ đã già lắm – 69 tuổi. Gương mặt mẹ hằn sâu những nét khổ cực. Màu áo bà ba đen, vóc dáng gầy gó càng làm cho mẹ già thêm trước tuổi.

 

“Hò ơ… Bớ ghe sau chèo mau anh đợi

Để giông khói đèn bờ bụi tối tăm.

Hò ơ… Anh ơi anh đừng đi bạn ghe chài

Cột buồm cao bao lúa nặng có ngày anh xa em…”

 

Dòng sông bạc trắng ánh trăng. Con nước đang về xuôi. Mẹ kể cho chúng tôi nghe về những đêm trăng mẹ chèo thuyền đi lưới. Lúc đó nhà mẹ chỉ là túp lều nhỏ bên kia xóm Châu Giang. Nhà nghèo nên mẹ phải mướn ghe của chủ để đi lưới. Hôm nào ít cá không đủ bán thì tiền bán cá đó dành để trả cho chủ ghe và đành phải nhịn đói hoặc vay mượn của láng giềng. Vậy mà mẹ bảo rằng không thể quên được những đêm trăng đó. Những đêm trăng mà hình như đã gắn chặt cuộc đời mẹ với sông nước.

 

“Hò ơ… Lầu nào cao bằng lầu ông Chánh

Bánh nào trắng cho bằng bánh bò bông

Anh thương em từ thuở má em bồng

Bây giờ em lớn đặng em có chồng em bỏ anh sao…”

 

Giọng hò lan rộng mặt sông. Ánh trăng đêm nay cũng giống như trăng đêm nào. Mẹ loay hoay đòi nấu cơm cho chúng tôi ăn. Sáu đứa nhìn nhau e ngại trước cảnh nghèo của mẹ. Căn nhà dù đã khá hơn trước, nhưng bốn bên vẫn là lá, phía sau được che lại bằng một tấm tôn đã móp méo. Trong nhà chẳng có đồ vật gì đáng giá ngoài chiếc võng cũ kỹ gần rách và bộ ván mà chúng tôi đang ngồi. Làm sao… Nhưng hình như đoán được cái e ngại của chúng tôi, móm mém nhai trầu, mẹ nói: “Tụi bây cứ ở đây ăn cơm. Có gì ăn nấy cho vui con. Có mấy con cá tụi nhỏ bắt được hồi chiều kìa. Bộ tụi bây chê nhà tao nghèo hả?”.

 

Thế là nồi cơm được bắt lên. Tôi được phân công nhóm bếp. Lửa bập bùng cháy, thỉnh thoảng có những tiếng nổ lốp bốp của củi khô. Lửa soi vào mặt chúng tôi hồng hồng rất lạ, khuôn mặt mẹ ánh lên giữa ngọn lửa hồng một cái gì đó gần gũi không sao tả được, khuôn mặt của bà mẹ Việt Nam chơn chất hiền hòa. Đột nhiên tôi cảm thấy yêu thiết tha mảnh đất quê hương mình và chợt nhớ đến những người đã bỏ nước ra đi.

 

“Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc

Đất nào dốc bằng đất Nam Vang

Nghe tiếng em than hai hàng lệ nhỏ

Còn một mẹ già biết bỏ cho ai?”

 

Mẹ ơi! Xin mẹ hãy tha thứ cho họ – những đứa con đã bỏ đất nước ra đi. Họ làm sao hiểu được rằng chúng con cần nghe câu hò điệu hát, cần thấy màu xanh ngọn dừa, bờ sông và hoa lục bình màu tím… và nhất là dáng hình của mẹ.

 

“Má ơi con má hư rồi

Cắn cơm không bể cắn tiền bể đôi

Má ơi con má hư rồi

Đam mê phú quý quên lời má răn…”

 

Sáng hôm sau chúng tôi đến nhà ông Tám. Nhà ông nằm sâu trong một xóm lao động nghèo. Muốn tới nhà ông phải qua sông bằng xuồng. Đây đó là những căn nhà sàn với những cột chống khẳng khiu mà chúng tôi cứ xuýt xoa sợ rằng nó sẽ gẫy bất chợt. Ngoại trừ vùng trung tâm thị xã ra, hầu như ở đây nhà đều cất theo lối nhà sàn. Đó cũng là một đặc điểm của dân ở miền nước nổi. Mùa nước lên chỉ thấy trắng những nước, ngoài xa xuất hiện vài đốm đen để người ta còn cảm nhận được đó là những căn nhà. Ông Tám khoảng 72 tuổi. Ông được dân ở đây gọi là “thổ địa” vì ông biết nhiều về Châu Đốc. Người ta thấy tin tưởng khi nhìn chòm râu bạc trắng của ông. Ông Tám cười ha hả, chòm râu trắng rung rung khi nghe chúng tôi hỏi về ca dao: “… Đó là sở trường của tao mà. Chút nữa cho tụi bây nghe “đã”…”. Ông kể lại thời thanh niên, ông hay chèo ghe chở lúa đi bán. Lúa nặng, mép ghe mấp mé mặt sông. Ghe “khẳm”, vậy mà ông vẫn hò đối đáp với các cô gái trên ghea đi trước. Chúng tôi chợt hình dung ra một cảnh tượng đặc sắc trên sông, như nghe được điệu hò câu hát ngày xưa:

 

(nữ) Ngó lên trời sao kia mấy cái

Ngó về biển nhái mấy con

Chuối non mấy bẹ, chuối mẹ mấy tàu

Đất Nam Vang một mẫu mấy sào

Trai nam nhân anh mà đối được

Đặng em đưa má đào anh hun

(trai) Thấy em hỏi tức anh nói phức cho rồi

Sao kia trên trời mười hai cái

Ngó về biển nọ nhái bắt cặp hai con

Chuối non hai bẹ, chuối mẹ hai tàu

Đất Nam Vang một mẫu hai sào

Trai nam nhân anh đáp đặng em đưa má đào anh hun

 

Giọng ông lúc khàn khàn, lúc sang sảng. Chúng tôi cắm cúi ghi chép, không hay rằng mặt trời đã ngang đỉnh đầu. Ông Tám ngừng hát. Ông cho tay xuống khoang ghe lấy ra một mớ cá linh to rồi bảo tụi tôi: “Bữa nay tụi bây ở lại “nhậu” với tao. Đứa nào “xỉn” thì ngủ đây chiều về…”. Chúng tôi nhìn nhau lè lưỡi. Chả là có đứa nào biết nhậu đâu. Chúng tôi từ giã ông Tám ra về. Rồi cũng như thế, chúng tôi đi hết nhà này đến nhà khác. Ở đâu cũng gặp những câu ca dao và cả những tấm lòng thật tuyệt. Qua một tháng trời, chúng tôi thu thập được những phiên bản dày cộm ca dao, dân ca.

 

Hôm lên xe về thành phố – mẹ Sáu ra đứng tiễn chúng tôi bằng cách chờ xe chạy ngang nhà mẹ. Nhìn dáng mẹ hòa lẫn trong bóng đêm với chiếc áo bà ba đen và đôi mắt ngơ ngác trông ra đường để chờ xe chạy qua thật là xúc động. Xe chạy ngang, chúng tôi reo lên khi thấy mẹ đứng đón xe, chúng tôi còn thấy mẹ cười vẫy tay. Và đột nhiên trong khoảng không im lặng đó, tôi chợt kêu lên khe khẽ: “Châu Đốc ơi! Sẽ có một ngày ta về lại!...”

Phạm Thanh Phúc
Số lần đọc: 2607
Ngày đăng: 18.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Quê hương là cánh diều biếc... - Phạm Minh Hoàng
Lãng đãng Phước Yên - Ngô Thiên Thu
Đất Việt giữa trùng dương - Minh Tứ
Hành hương Đất Thánh (I) - Nguyễn Hữu An
Hành hương Đất Thánh (II) - Nguyễn Hữu An
Hành hương Đất Thánh (III) - Nguyễn Hữu An
Người đồng dụ và tâm thế Phật pháp - Vũ Ngọc Tiến
Có một dòng sông để thương, để nhớ - Minh Tứ
Phác thảo sử ký rượu quý Kim Long - Nguyễn Hoàn
Saigòn – những ngày tháng 9 – 1945 - Khổng Ðức