Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.312 tác phẩm
2.745 tác giả
457
115.865.318
 
Phan Văn Dật không chỉ có Diễm Dương Trang.
Nguyễn Hùng

Hợp tuyển “Tác phẩm được giải thưởng Tự lực văn đoàn” (Nhà xuất bản Văn học - 2001) do nhóm tác giả Bích Thu, Lưu Khánh Thơ, Thuỷ Liên sưu tầm giới thiệu chỉ có mấy dòng vắn tắt về tác giả tiểu thuyết “Diễm Dương Trang” như sau: “Tiểu thuyết của Phan Văn Dật, giải thưởng năm 1935. Hiện chưa rõ về tác giả”. Đây là một thiếu sơt đáng tiếc ở một hợp tuyển được sưu tầm và biên sạon khá công phu, vì đương thời Phan Văn Dật là một người có ít nhiều danh tiếng trên văn đàn và đã được Hoài Thanh - Hoài Chân chọn đưa vào “Thi nhân Việt Nam” hồi nữa đầu thế kỷ trước.

 

Phan Văn Dật  sinh ngày 18-8-1907 tại phủ An Thường công chúa ở xóm Xuân An làng Phú Xuân (nay là phường Vĩnh Ninh - Huế). Chánh quán làng Đạo Đầu xã Triệu Trung huyện Triệu Phong Tỉnh Quảng Trị. Thân phụ là Thị độc đại học sĩ Phan Văn Dư, cháu nội của cụ Phan Văn Thuý - một bộ tướng của Nguyễn Ánh có nhiều công trạng trong quá trình lật đổ Tây Sơn lập nên Triều Nguyễn, sau này được thăng đến chức Đô thông hậu quân.

 

Xuất thân trong  một dòng tộc nhiều đời là võ quan nhưng Phan Văn Dật để lại dấu ấn cuộc đời mình trong lĩnh vực văn chương. Điều này chắc chắn ông được thừa hưởng từ dòng máu của người mẹ - bà Trần Thị Hoà - là chị ruột của hai nhà văn Trần Thanh Mại và Trần Thanh  Địch, con trai của Lang trung Bộ Lại Trần Nhã.

 

Năm 1927, tốt nghiệp Cao đẳng  tiểu học nhưng Phan Văn Dật không theo nghề dạy học mà xin vào làm tại Sở Trước bạ  Đà Nẵng rồi ít năm sau ra Huế làm việc tại Nha Ngân khố Trung Kỳ. Tiểu thuyết “Diễm Dương Trang” được viết vào thời gian này nên bối cảnh được tác giả đưa vào tiểu thuyết chủ yếu tại bãi biển Mỹ Khê nằm cách Đà Nẵng không xa, nơi có “Dãy núi Trà chạy dọc về phía Đông Bắc, mấy trái núi tròn trịa uốn mình vạch một đường lục thẫm giữa lưng trời xanh biếc, Ngũ Hành Sơn, xa xa chỉ còn bé bằng một chồng non bộ” và tại một trang gia ở làng Giao Thuỷ cách hữu ngạn sông Hương chững vài trăm thước, được tác giả mô tả rất Huế: “Diễm Dương Trang là một sở vườn rộng ước ngoài năm chục mẫu cây cối um tùm. Từ ngoài ngõ đi vào con đường dai độ ba trăm thước, phía trước trồng nhiều nhất là cau với chè… Nhà là một kiểu nhà ngói xưa, ba căn hai chái  hướng về phía Đông Nam và day hông ra đường. Cái đặc sắc của nó là đã trải mấy đời mưa nắng nên trông già cỗi như một nếp chùa làng”. Nếu Mỹ Khê là nơi gặp gỡ bất ngờ giữa một thiếu niên công chức với thiếu nữ nhà họ Dương thì Diễm Dương Trang là nơi chứng ngộ cho mối tình nảy nở của hai người. Toàn bộ tiểu thuyết chỉ có vậy, nhưng so với những tác phẩm trước đó, vấn đề tình yêu và hôn nhân được đặt ra ở một cấp độ khác và mới hơn. Con người được giải phóng khỏi trói buộc của những quy phạm bất di bất dịch, cá nhân được tự do nảy nở tính tình, tự do yêu đương. Điều này hoàn toàn  phù hợp với Tự lực văn đoàn về tôn chỉ mục đích sáng tác nên đã được đưa vào xét và trao gỉai khuyến khích năm 1935 cùng với các tác phẩm Ba của Đỗ Đức Thu, Bóng mây chiều của Đinh Thế Du.

 

Nhưng văn nghiệp của Phan Văn Dật không chỉ có Diễm Dương Trang. Ông còn có hai tập thơ Bâng khuâng (đã được trích và giới thiệu trong Thi nhân Việt Nam), Những ngày vàng lụa (chưa xuất bản mà chỉ trích in  một phần trong Hương Bình thi phẩm của Hoàng Trọng Thược, Việt Nam Thi nhân tiền chiến của Nguyễn Tấn Long và trên tuần báo Mùa Lúa Mới) và nhiều bài tiểu luận phê bình đăng rải rác ở các tạp chí hiện còn được người con gái là bà Phan Thị Yến Nhi cất giữ. Chỉ cần lướt qua đề mục đủ thấy ngòi bút Phan Văn Dật đa dạng, đa phong cách. Từ Giới thiệu kịch gia Pháp Môlie (Rạng Đông, Sài Gòn), Trường hành nhân, Con ma nhà đá hay ông Kểnh Lồ Ô (Thần Kinh, Huế), Bài thơ ông Viên Hộ (Nam Phong), Văn điếu cụ Phan Tây Hồ (Thực nghiệp Dân báo), Ông Bá gạo hay là sự sùng bái bò vàng, Dưới bóng bồ đề  (Tràng An)… trước năm 1945 đến Tấn tuồng câm, Hoa cuối mùa (Cười) , Các nhân vật trong Truyện Kiều (Nghệ thuật và Tân sinh), Khuynh hướng hoài Lê trong thi văn Việt Nam, Đi tìm sự thật về Cao Bá Quát (Thể Hiện), Ông Tú Xương và câu chuyện  thi cử (Đại Học), Khảo sát một số địa danh ở Huế qua ca dao (Mỹ Thuật)… ở Miền Nam trước năm 1975.

 

Ở nữa đầu thế kỷ XX, khi nổ ra cuộc tranh luận gay gắt giữa hai trường phái Nghệ thuật vị nghệ thuật và Nghệ thuật vị nhân sinh với các tên tuổi lừng danh trên văn đàn lúc bấy giờ cũng như trong văn học sử học về sau như Hải Triều, Phan Văn Hùm, Hồ Xanh, Hoài Thanh, Lưu Trọng Lư, Tràng Kiều .v.v…Phan Văn Dật đã trình làng  bài văn nghị luận Nghệ thuật với nhân sinh đăng ở báo Khuyến Học số ra ngày 15-12-1935. Ông đã phát biểu quan điểm của mình: “ Nghệ thuật nào mà chẳng vị nhân sinh? Mà xét cho cùng cái gì loaì người đã bày ra trên cõi đất này, mà vẫn đời đời tồn tại, thì tất nhiên là vị nhân sinh rồi… Ta không nên bằng lòng chỉ coi nghệ thuật như là một thứ xa xỉ phẩm, vì giá một nước nhà mà chỉ chuộng rặt một lối văn chương du hí, phù phiếm thôi thì chắc nước ấy đã rước lấy sự suy nhược cho mình rồi….Tôi tin rằng cái ý nghĩa của một tác phẩm không những tác giả đã cho nó mà thôi,  mà còn cho người đọc….Ta thử hỏi, ừ thì nghệ thuật cốt tử là tìm ra cái đẹp mà thôi, nhưng tìm ra cái đẹp rồi để làm gì chứ? Xét cho cùng chỗ cứu cánh của cái đẹp cũng bất ngoại vì nhân sinh”.

 

Mặc dâu không được trang bị lý luận Mác-xít như Hải Triều và các nhà văn đàn anh khác nhưng trong quan điểm cá nhân ông đã đứng về phía Nghệ thuật vị nhân sinh, bởi thế nhận định của ông khá gần gũi với những đánh giá của chúng ta hiện nay. Điều đó cho thấy trong sáng tạo nghệ thuật và cách nhìn vào những giá trị  đích thực của  nghệ thuật Phan Văn Dật không bằng  lòng với sự tô màu mỹ học lộ liễu nào.

 

Ngoài sáng tác và viết phê bình, Phan Văn Dật còn để công nghiên cứu và dịch thuật. Trong thập niên 60 của thế kỷ trước, lúc về nghỉ hưu ở Huế, ông đã được Viện Đại học Huế mời cộng tác biên dịch sử liệu và tham gia giảng dạy Hán nôm, Lịch sử mỹ thuật, Văn hoá Việt Nam ở các trường Đại học  Văn khoa Huế, Cao đẳng Mỹ thuật.

 

Những gì Phan Văn Dật để lại không thiếu những biểu hiện của một nhà văn, nhà nghiên cứu và còn nhiều điều nữa mà văn học sử sẽ tiếp tục có những đánh giá xác đáng.

Nguyễn Hùng
Số lần đọc: 3516
Ngày đăng: 23.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Viết ngắn 57. Vấn đề thơ tuyển - Inrasara
Văn phong tranh luận của Thiếu Sơn trên báo chí . - Võ Phúc Châu
Bên cạnh đời sống vật chất-1 - Huy Dung
Bên cạnh đời sống vật chất-2 - Huy Dung
Thần học về Thập giá - Nguyễn Hữu An
Thơ như một định mệnh oan nghiệt - Nguyễn Lệ Uyên
Hậu hiện đại là hậu hiện đại là…. - Inrasara
Từ huyền thoại tình yêu đến Vú Cát - hành trình không mỏi - Sương Nguyệt Minh
Tiểu thuyết “Tố tâm” của Hoàng Ngọc Phách trong buổi đầu hiện đại hóa văn học Việt Nam - Võ Phúc Châu
Thơ Vũ Trọng Quang: khoảng cách và liên tục “điên…rất đều” - Cao Thoại Châu