Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.333 tác phẩm
2.747 tác giả
687
115.993.955
 
Về BLao
Minh Nguyễn

Tôi đã nhiều lần lên B'Lao,ghé B'Lao,đến B'Lao,trở lại B'Lao,về B'Lao . . . kể cả thời gian hơn hai năm được điều lên đây công tác.Với ngần đó thời gian, hẳn đã đủ hình thành trong bất kỳ ai, ít nhiều kỷ niệm một thời để mà hoài niệm.Riêng tôi,tình cảm dành cho B'Lao có thể còn nhiều hơn thế nữa.Cho nên,sau bao năm tháng bôn ba,dù ở mãi tận đâu đâu ,đến lúc mệt mỏi hay kiệt sức;dù thành công hoặc thất bại ,tôi lại ghé B'Lao,đến B'Lao,về B'Lao chiêm nghiệm lại cuộc đời.

 

Về B'Lao.Sao không về Bảo Lộc như nhiều người vẫn có thói quen như vậy?

 

Thật ra,tôi vốn bị mê hoặc bởi thứ âm điệu tròn trỉnh, nghe ngồ ngộ sau giây phút nén hơi thở trong vòm miệng,trước khi đôi môi kịp chập lại phát ra từ B'Lao.Chữ B'Lao thật gọn nhẹ như chính cái khoảng không gian mờ ảo hơi sương phả lên từ những thung,bản,núi đồi vây quanh cái thị trấn buồn hiu.Một thị trấn nhỏ nhoi nằm cạnh quốc lộ 20,cách SG khoảng một trăm năm mươi cây số,xuôi đường lên thành phố Đà Lạt ngàn hoa.

 

Về B'Lao.Không chỉ là sự trở về vùng đất đỏ Bazan do phún thạch núi lửa để lại với nhiều địa danh gắn liền với những  chuyện tình lãng mạn, mang đầy tính sữ thi cũa thanh niên ,thiếu nữ người Ba- Na,Ê -Đê,H'Mông . . .mà còn là sự trở về nơi chốn bình yên xanh thắm bên tàn lá cây rừng,nương dâu,đồi trà,đồi cà phê bạt ngàn ôm ấp lấy một cao nguyên Lâm Viên non trẻ.Và,cũng chính từ khung cảnh thiên nhiên thơ mộng này đã làm nẩy sinh không biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn trong những tháng ngày khó khăn gian khổ,lội bộ đi xuyên rừng cho mỗi chuyến công tác trong cái thời bao cấp.Cái thời mà nhân viên,cán bộ mỗi tháng trong khẩu phần lương thực ở đây vỏn vẹn chỉ bốn kí gạo;còn lại toàn là ngô với sắn.Tội nghiệp các cô bạn sinh viên cùng về công tác chung.Các cô nước mắt ngắn nước mắt dài, nhìn thau cơm của bếp ăn tập thể cơ quan toàn màu bắp vàng không thấy đâu màu gạo trắng.Để rồi,hậu quả cuối tuần bị cơ quan phê phán,kiểm đểm đến ngao ngán.Tôi được cái may mắn hơn,qui định cán bộ tín dụng mỗi tháng ít nhất phải xuống cơ sở hai mươi ngày;mười ngày còn lại nghỉ ngơi,tắm giặt,báo cáo,hội họp,lao động XHCN ngày chủ nhật.Lợi dụng sự cho phép đó nên tôi có thời gian đi ngoài nhiều hơn các bạn.Đổi lại,tôi phải đi xa cơ quan hàng ba - bốn chục cây số.Phương tiện vận chuyển chủ yếu là đi bộ.Hoạ hoằn lắm mới xin quá giang được xe các đoàn công tác bạn hoặc xe vận chuyển lương thực.

 

Và,nhờ những chuyến đi bộ vào tận chốn rừng sâu,nơi các khu KTM từ miền Bắc đưa vào,tôi học được nhiều bài học từ cuộc sống.Tôi được đón chào,được sống chung với những cư dân mới,được học phong tục tập quán mới do chính người của mình dạy dù chỉ khác vùng miền hay địa phương.

 

Thường thường,để giảm bớt chiều dài quảng đường xuống cơ sở.Tôi chọn cho mình con đường ngắn nhất bằng việc  đi tắt qua các đồi trà hoặc đồi cà phê.Mỗi nơi đi qua dù là những cung đường dài thăm thẳm nhưng lại thấy gần, bởi những lúc như thế tôi mới được sống trọn vẹn với thế giới riêng của mình.Thế giới bình dị,cỏ cây,hoa lá chan hoà bên màu xanh thiên nhiên, nhú lên từ từng chồi lộc non thân thiện.Sẽ tuyệt vời biết bao nếu bạn chọn đúng mùa hoa trà hay mùa hoa cà phê trổ bông mà đi thì còn gì bằng.Cứ vào mỗi mùa hoa,trên những ngọn đồi cao ,hoa nở trắng như được phủ tuyết.Đi len vào giữa những vùng đồi hoa ,mũi bạn chạm nhẹ trong thinh không một mùi hương nhẹ nhàng lan toả,thoát tục.Mệt mỏi,cứ thế  nằm lăn ra trên thềm cỏ,tha hồ ngắm nhìn mây bay,tha hồ hít hà không khí thiên nhiên trong lành.Chờ tới khi các cô công nhân hái trà trẻ đẹp,hai má thắm hồng, dấu che dưới lớp khăn bảo vệ làn da mơn mởn trắng ngà; tạm ngưng tay nghỉ ngơi,ăn uống.Cũng là lúc các cô vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra người lạ,cười khúc khích, trêu chọc, đun đẩy gán ghép cho ai đó.Hào phóng hơn,các cô gái còn mời bạn dùng cơm chung.Hoặc chỉ cho bạn cách chọn lá trà,quả trà già; cắn hút lấy chất nước chát chát bên trong,ngõ hầu vượt qua cơn khát cháy họng.Mới đầu tôi chưa mấy tin vì sợ các cô gái chơi khăm,dụ làm trò hề,dễ quê.Bởi vì,ngoài cà phê là thứ thức uống làm mất ngủ dễ như chơi thì, ở Đông phương trà dù được xem là thần kỳ để pha chế thức uống,làm thực phẩm trị bệnh chống lão hoá,ung thư,giảm mở,giảm béo,dưởng da,pha chế kem đánh răng . . .ai lại đi nhai lá trà,ăn quả trà thay nước ?

 

Viết tới đây tôi nhớ nhà thơ Nguyễn Đạt, nữ thi sĩ  khả ái Lê thị Kim; một người viết cả tập thơ "đoá quỳ hư ảo";một người vẫn hay nhắc về B'Lao,về Đơn Dương với nhiều bài thơ nói về dã quỳ, và còn nhiều người nữa.Đó là một loài hoa hoang dã, đơn sơ,không ai trồng, không ai chăm sóc nhưng lại được nhiều văn nhân,thi sĩ đưa vào tác phẩm của minh nhiều đến thế.Lần đầu tiên đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên,khi vừa qua hết đèo Bảo Lộc ,Đại Lào,Tân Bùi,Lộc Tiến,Lộc Sơn,Lộc Nga . . . nhìn hai bên đường, đâu đâu cũng thấy toàn màu hoa vàng rực rở, khoe mình dưới cái nắng hanh khô.Hỏi thăm mới hay ,màu hoa vàng mềm mại tựa nhung tơ dễ thu hút hồn người kia chính là DÃ QUỲ.Tôi bị cuốn hút,choán ngộp ngay trước sắc màu cực kỳ hấp dẩn của nó;để sau khi kịp nhận công tác,nhận nhà ở ,tôi đã không quản ngại dành cả thời gian dài, chỉnh sửa ngay bức tường khu tập thể có hơn  trăm mét;mà trước đó đã mọc sẳn ít nhiều cụm hoa dã quỳ.Cứ mỗi năm,mùa thu đi qua mùa đông tràn tới, hoa quỳ vàng lại thay nhau có mặt trên bức tường xanh màu lá.Cũng là lúc tôi có thêm niềm vui được chứng kiến nhiều đàn ong bướm lượn lờ đi hút từng nhuỵ hoa,để mang cho đời nhiều mật ngọt.

 

Mới đây, khi vừa về đến B'Lao.Một cơn mưa bất chợt đã đưa đẩy bước chân tôi ghé lại một quán nước bên đường.Người đàn ông, chủ quán, không còn trẻ tiếp tôi thật thân tình, làm tôi chợt nhớ tới nơi chốn mà tác giả truyện tinh yêu nào đó viết: "ở nơi mà ai cũng quen nhau".Trong câu chuyện qua đường tôi được biết B'Lao bây giờ thay đổi nhiều lắm.Nhiều con đường,khu dân cư mới thay nhau mọc lên trên các đồi trà,đồi cà phê một thời ghi đậm dấu ấn ký ức.Tôi tự hỏi.Có, không một ngày nào đó B'Lao sẽ bị những trận lũ bùn, lũ quét xoá tên khi mà con người cứ thờ ơ trước nạn phá rừng,qui hoạch cẩu thả?Tôi nhìn lên ngọn Đại Bình nhạt nhoà trong mưa bay;thương về những buôn làng nhỏ nghèo nàn của người dân tộc.Ở đó,đêm đêm thường có những tiếng khèn trỗi lên nghe buồn thảm và da diết bên mỗi chuyến công tác.Giờ đây khi đất nước được hoà bình,đời sống hẳn đã có sự đổi thay?Thấy tôi cứ ngồi trầm ngâm,người chủ quán sai mang tới đổi cho tôi tách cà phê khác.Hơi nóng phả ra, cộng thêm chút hương vị cà phê thơm tho khiến cho tôi đủ thấy ấm lòng.Tôi uống cạn tách cà phê .Cám ơn rồi bước vội ra đường.Thị trấn chìm trong màu mưa.Phải mất một thời gian khá lâu tôi mới leo lên  hết con đường dốc cao.Phía bên trái tôi là khu nhà tập thể,nơi tôi từng sống qua,nay đã biến đổi thành cơ quan khác.Dĩ nhiên, bức tường hoa quỳ không còn trông thấy nữa,giống như mấy đồi trà cùng cảnh ngộ biến mất trong mưa.Một mất mát đầy tiếc nuối.Buồn.Tôi đi lang thang quanh thị trấn cho tới khi đêm xuống.Con đường trước khu phố chợ vốn im ắng bên ánh đèn dầu leo loét từ các quán xá lề đường, nay sau cơn mưa càng thêm thảm hại.Tôi tìm cho mình chỗ ngồi ,uống ly sửa đậu nành nóng và ăn vài lon đậu phọng luộc.Thả hồn mình bơi quanh nỗi nhớ bạn bè cùng những người đã gặp hoặc chỉ biết tên trong giới văn nghệ sĩ từng sống hoặc làm việc ở B'Lao như:Trịnh Công Sơn (1964),Từ Thế Mộng,Nguyễn Đức Sơn,Lâm Tuyền Tĩnh,Hoàng Thoại Châu,Tiêu Dao Bảo Cự,Hương Thuỷ,Vương Lệ Hằng,gia đình Nhật Trường . . .

Minh Nguyễn
Số lần đọc: 2458
Ngày đăng: 25.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chắt chắt - ngọt ngào và cay đắng - Minh Tứ
Đà Lạt trong tôi và những điều đã mất - Đinh Thị Như Thuý
Thú câu cá lóc miền quê - Xuân Sắc
Lòng tốt của Thiên Chúa : CN 25 A - Nguyễn Hữu An
Văn hoá cốc chén - Ngô Phan Lưu
Nghề văn sĩ - Thiếu Sơn
Cám cảnh nhà văn ! - Trần Nhương
Hoan nghênh nụ cười thằng Bờm - Ngô Phan Lưu
Đà lạt phiên khúc đêm - Ngọc Tuyết
Nguyễn Ngọc Bạch - một đời sân khấu - Nguyễn Quang Sáng