Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
825
116.628.947
 
Thư riêng của Nhà Thơ Yến Lan gởi một bạn văn…
Yến Lan

(Chúng tôi xin tiếp tục chuyển đến quý bạn bức thư riêng của Nhà Thơ Yến Lan viết ngày 13/3/1988 gửi cho Anh Đinh Tấn Dung; sau bài viết của Nhà Thơ Hoàng Cầm (bản thảo viết tay chưa được công bố); để mong rằng giới hữu trách quan tâm, có “Ý kiến kết luận sau cùng” về sự “nhầm lẫn” có dự tính này. Sự thiên vị, mờ ám, và không công bằng – trước sau gì cũng phải nhường chỗ cho “Sự Thật”. Mang Viên Long)

 

Bình Định, ngày 13- 3 -1988

 

Kính gửi : Anh Đinh Tấn Dung (Khổng Đức)

 

Bức thư bảo đảm của anh đến hôm 1/3/1988. Tôi đọc dẫn đến cuối ngày 2/3. Bài viết về “Thơ Yến Lan” của anh tự nhiên đặt nhiệm vụ tôi phải đọc kỹ và nghiêm túc cho xứng với tâm sức và thịnh tình anh đối với tôi. Có những lúc cần giở tập thơ ra đối chiếu, tình cờ thấy ở dưới nhiều bài có ghi “Nhân kỷ niệm sinh nhật”. Thì nhớ ra hôm ấy là ngày sinh nhật của tôi. Nói và viết thế, chứ từ trước đến nay tôi chưa thiết bày một ngày lễ nào sinh nhật của tôi cả. Cả hôm tôi đúng 70 tuổi, Hội cũng có dự định, nhưng cũng không làm được. Sau đó gửi quà. Nhớ ra là đang ngày sinh nhật – thực ra thì 2 – 3 là ngày của âm lịch năm Đinh Tỵ. Nhưng hồi ấy ông thân sinh tôi khai ở trường lúc xin tôi “nhập môn”, nhà trường ghi vào hồ sơ tính theo dương lịch, nên vẫn giữ như thế. Tra cứu kỹ, chắc ngày ấy nhằm đâu chừng khoảng 20.4 hay 22 gì dương lịch ấy. Thôi, chẳng có gì quan trọng. Tôi nói thế là để nói lên một sự trùng hợp lý thú: Gặp ngày sinh nhật, được đọc chương bình phẩm của cả một quá trình trở lui về trước cuộc đời làm thơ, do một người bạn đã hầu như quên lãng trong số bao nhiêu tri ngộ.

Dường như gặp nhau hôm ấy, tôi đã nói đến cái chuyện này với anh. Mà nào chúng ta có học thói vô tình!

 

Gặp lại anh rồi, từ lúc ấy tôi cứ nhớ mãi, những kỷ niệm cũ được nâng tầm theo kỷ niệm mới, rõ nét dần lên . Thế rồi giữa cái ngày 2/3 này, tôi làm một số tuyệt cú. Xin chép anh đọc cho vui; mặc dù còn cần nhiều sửa chữa :

 

Bài chị

Tháng giêng âm lịch, tháng tư dương

Xáo trộn tâm tư biếng dõi chừng

Hỏi vợ mới hay sinh nhật đến

Lệ từ năm trước lại rưng rưng.

 

Bài em

Âm lịch còn giêng – dương, tháng ba

Bộn bề sách vở chửa phân ra

Lật nhằm thơ cũ mừng sinh nhật

Văng vẳng dường ai nhắc ở xa.

           

Bây giờ xin tiếp tục câu chuyện vừa đứt quãng ở trên. Xem xong “Đọc thơ Yến Lan” của anh, cảm xúc đầu tiên của tôi là : đó là một bài tiểu luận công phu vươn đến chỗ thấu đáo những gì còn tiềm tàng trong thơ của YL mà bao lâu nay những ai nói đến đều chưa đạt. Như đoạn nhắc đến Bến My Lăng, nhưng cái chính là dựa vào “tất định thuyết”.

           

Ở đoạn: thơ tồn tại hay không… ngược lên trên, theo tôi nghĩ là cũng không cần thiết, vì muốn cho một tiểu luận nhằm hoàn toàn đề cập đến cái chân nghệ thuật của một hồn thơ - ở đây khiến người ta nghĩ đến một đời thơ – thì việc phát hiện và phân tích thơ cần gì đá động đến cái việc “tổ chức” thuộc về công tác quản lý của các giới chạy vòng ngoài của nghệ thuật. Chính trong công việc điều hành của nó nhiều khi lại làm vật cản cho tài năng – Cả đoạn kết thúc cũng thế. Khách quan đọc thấy nặng nề.

           

Nói chung lại, những phát hiện của anh ở tập thơ, tôi đều tâm đắc. Chỉ còn một số chi tiết, tiếp tục đọc thêm sẽ bàn sau. Về khía cạnh ứng dụng thật có thừa sự hàm súc, nhưng văn ngôn, có cũ đi chăng?

À, kịch thơ “Gái Trữ La” tôi viết năm 1943 (sau “Bóng Giai Nhân” (quãng giữa 1941 – 1942) – Gái Trữ La diễn ở Thanh Hóa lần đầu – Và “Bóng Giai Nhân” ở Huế.

 

Nhân nhắc đến “Bóng Giai Nhân” tự nhiên đối với anh, tôi không thể không nói. Hôm qua tôi đã viết cho Chế Lan Viên cả một bức thư dài về câu chuyện có liên quan. Nó là như thế này:

 

Tình cờ tôi được đọc trên số báo Nhân dân ra ngày Chủ nhật 28/2/1988 - ở hàng cột cuối trang 4 có ghi một tin ngắn dưới cái titre : xuất bản tác phẩm của Nguyễn Bính, có ghi , đại khái như sau : Để kỷ niệm 70 năm ngày sinh của Nguyễn Bính, Sở Văn hóa và Hội Văn nghệ Hà Nam Ninh đã xuất bản… sẽ tiếp tục in những vở kịch thơ của Nguyễn Bính … Điều này làm tôi tự nhiên bỗng nghĩ đến những cái không may thường xảy đến trong đời làm thơ của bản thân, khi nhớ đến đoạn tiểu sử về Nguyễn Bính và chỗ giới thiệu tác giả chính in lên trên lời tựa của Tô Hoài mở đầu “Tuyển tập thơ Nguyễn Bính” (do Nhà xuất bản Văn hóa và Nhà Xuất bản Long An tái bản năm 1986).

- Ở đoạn tiểu sử ghi : Vở kịch “Bóng Giai Nhân” Nguyễn Bính soạn theo phác thảo ban đầu của Yến Lan (1942)…

 

Ở phần tác phẩm chính ghi chỉ một tên  Nguyễn Bính.

 

Trong việc sáng tác một tác phẩm, cái phác thảo ban đầu quyết định được gì trong việc hoàn thành tác phẩm ấy ? Mà sao lại dám khẳng định ở ngay “tuyển tập” – một công trình dù thế nào đi nữa – vẫn cứ được mặc nhiên dành được ưu thế thuyết phục, thiếu gì kẻ lười nhác trong việc sưu tầm và giới thiệu tiếp sau, sẽ vin vào đó làm căn cứ tối hậu tổng kết. Tôi chưa rõ ngoài “Bóng Giai Nhân”, Nguyễn Bính có viết “được” và “nêu” một vở kịch thơ nào khác nữa không ? Vậy thì nay mai các nhà xuất bản trên kia in nó ra – tôi nghĩ còn có mục đích khác quan trọng nữa là lợi nhuận – vì sách sẽ chạy – thì các quyền lợi của tôi bị tước bỏ. Ngay cả quyền lợi thiêng liêng là cái danh nghĩa chính đáng làm tác giả. Từ trước đến nay “Bóng Giai Nhân” đã phải mang tên hai tác giả (là do lúc viết – ra ở Huế, tôi và Nguyễn Bính ở chung một nhà, cả Vũ Trọng Can) – để cho đủ tên 2 nhà thơ để cho hấp dẫn – Giá lúc ấy Vũ Trọng Can lại là nhà thơ nữa thì có khi có cả tên vào đó. Nhiều tài liệu đã nêu, như Từ điển Văn học  tập II của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội – Lịch sử kịch nói Việt Nam (trước cách mạng) Nhà xuất bản Văn học do Phan Kế Hoành và Huỳnh Lý (1978) – và nhiều tác phẩm, tiểu luận khác. Ngay hiện nay ở nhà, tôi vẫn còn giữ một tập đánh máy từ ngày viết xong để trình kiểm duyệt và rã cả vai – có đề tên cả 2 người – tập ấy tôi gửi một bạn gái rất thân ở Hà Tiên nhân khi sắp diễn, và nhắn chị ấy chuyển cho anh Đông Hồ và chị Mộng Tuyết đọc. Sau này định diễn ở Thanh Hóa, tôi gửi thư vào mượn lại. Về Bình Định mang theo rồi gửi anh Quách Tấn giữ cho đến khi giải phóng trở về.

 

Tôi đang có một dự định nhằm làm cho sáng tỏ - Báo cho các nhà xuất bản trên cần lưu ý vấn đề này.

 

-Viết nhờ Báo Văn nghệ đăng mấy dòng cải chính, và báo cho Hội Nhà văn – Nhưng chỉ sợ họ cho là “đã có lửa đâu mà lo cháy” – Yến Lan chỉ xông khói lên thôi. Có thể lắm chứ.

 

-Viết một hồi ký về Huế (trong ấy xoay quanh những sự việc và xúc cảm về “Bóng Giai Nhân”… nhân đó mà nói rõ sự thật. Năm ngoái, Biên tập Sông Hương có mời tôi tham gia, giờ mà có bài thì họ đăng thôi. Và tôi đã viết một hồi ký gần 6.000 chữ. Mấy hôm nay đánh vật với nó và đọc lại thì cần điều chỉnh lại cho tế nhị, dịu dàng hơn. Thế là hiện giờ thì đang treo mà tôi đã mệt.

 

Tôi nghĩ, ngoài cái hồi ký ấy, giá có một nhà nghiên cứu nào viết theo chủ đề : đại khái như : Nhân cái tiểu sử ở đầu một tuyển tập, nghĩ đến trách nhiệm và tính chính xác, chính chơn thật của việc nghiên cứu và giới thiệu.

 

Anh nghĩ “Bóng Giai Nhân” có thể là một vụ án Văn học không? Theo tôi thì có, nhưng già rồi, lực tận thế cô cũng đến bỏ cuộc thôi.

Thư viết lung tung, bút xấu mực nhạt, xin anh thông cảm.

Chúc gia quyến anh vạn sự tốt lành.

                                                                                                  Nay

(ký tên)

 

 

Yến Lan
Số lần đọc: 2814
Ngày đăng: 25.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Chia Buồn - Nhiều Tác Giả
Gặp “ông chủ” Viet-studies - Nguyễn Thị Ngọc Hải
Thư ngỏ gửi ông Nguyễn Hòa : Tôi thất vọng về tư cách một người cầm bút - Lê Anh Hoài
ĐỌC SÁCH : Thơ Phan Vũ…tập thơ đầu đời của ông già 82 tuổi. - Trần Hữu Dũng
Vài nét về văn hóa Chămpa - Nguyễn Thị Hậu
Bình thơ Nguyễn Bính ,Thu Bồn ,Quang Dũng ,Nguyễn Khoa Điềm - Nguyễn Hoàn
Chúc mừng lễ thành hôn của Nguyễn Tý - Nhiều Tác Giả
Nhà thơ Nguyễn Miên Thảo bị nhồi máu cơ tim.. - Nhiều Tác Giả
1000 Nhà Thơ Huế Đương Thời - chút tình của những đứa con Huế - Võ Quê
Cội nguồn thi ca - Edgar Morin