Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
815
116.622.259
 
Những câu thơ mới trong một khu vườn lạ
La văn Tuân

(Đọc tập thơ Trở mình trong máng xối của Ngô Liêm Khoan. NXB Hội Nhà văn, 2007)

 

Nếu đọc một tập sách mà khen cái bìa đẹp thì hóa ra vô duyên. Nhưng một cái bìa đôi lúc cũng là cái cớ để người ta tò mò lần giở những trang bên trong của tập sách; khi ấy cái bìa là sứ giả quan trọng để dẫn dắt ta đi vào những câu chữ, như bước qua hình thức để đến cái cốt lõi là nội dung của cuốn sách. Tôi đọc tập thơ Trở mình trong máng xối của Ngô Liêm Khoan bằng những suy nghĩ như thế. Một cách làm lạ của hình thức báo hiệu một tư duy lạ phía bên trong.

 

Thực ra, thơ Ngô Liêm Khoan đã đến với tôi từ lâu lắm, hơn mười năm trước khi tôi và anh cùng là sinh viên học trên Đà Lạt. Ngày ấy, tôi đã thảng thốt khi nghe anh đọc: …Rồi trời sẽ gắt hơn/Phượng vội vàng những giấc mơ ngợp nắng/Màu cũ từ đáy ao làng lá mục/Gợi những nếp nhăn già nua gợn sóng/Tuổi thơ đi qua bụi khuất mặt người hay: Mình đã chia tay/Rồi sẽ chia tay bốn mùa/Tình yêu là phép toán/Cộng dần mất mát cho nhau, và: Tôi nhấn vai mình vào sôi động triền miên/Những cuộc tình sao băng/vụt qua/Những cuộc tình sao chổi/vết xoay lưng ngàn năm còn lẳng lặng/Ngậm ngùi theo những tháng năm. Đó  là những câu thơ trong bài thơ Đã nhạt màu phượng cũ mà Ngô Liêm Khoan đã viết năm 1996, khi ấy anh mới mười chín tuổi. Ấn tượng với một giọng thơ vừa lạ, vừa đẹp này còn đến với tôi ở một bài thơ khác anh viết năm 1997 có tựa đề Hiên trúc mà trong ấy anh đã lấy một ý để làm tựa đề cho cả tập thơ: …Đặt tai vào vai mình nghe nhịp thở/Màu nâu của đất mò mẫm lên cây/Màu lá mục trở mình trong máng xối…Soi mình vào mắt em/Tôi, viên sỏi gai giữa lòng hồ nước lặng/Qua nhiều mùa trăng lời tỏ tình không còn bối rối/Đôi mắt này, hai hạt cỏ già nua…Xung quanh này chỉ có hạ và đông/Chỉ hai miền thức-ngủ;/Thị Màu giữa mùa xuân theo dấu chân mèo hoang/Lỡ nhịp Trương Chi giữa mùa lá vàng thổi sáo… Tôi trích những câu thơ trên để muốn nói về một sự ám ảnh của những câu chữ mình đã thuộc từ chục năm trước và đặt những câu thơ ấy ngang bằng với những bài thơ mới trong tập, từ đó có một cái nhìn chung về tập thơ này.

 

Trở mình trong máng xối gồm 36 bài thơ, được Ngô Liêm Khoan chia thành ba phần: Cội rễ, Địa đàng Giấc mơ đợi sáng. Cội rễ gồm 7 bài: Cội rễ, Đồng cảm, Dự cảm, Với những thương yêu, Bóng người đã dáng ngồi, Người bạn tri âmCát. Đây là những bài anh viết về quê hương, về những gì là cội rễ từ trong những ký ức sâu thẳm của mình. Cội rễ là một bài thơ có tứ chặt, gói ghém trong đó những hình ảnh thân thương của một thời xa xưa: Bắt đầu từ đôi chân/Bước chập chững sà vào vòng tay mẹ/Cảm giác lẫn dần vào tháng, vào năm/ Bắt đầu từ bầu trời đêm sáng trong/Được cha nâng lên vai bằng đôi tay chai sần vì nhát cuốc/Những ngôi sao gần với tôi hơn/ Bắt đầu từ cánh đồng/Đêm sương muối buồn lùa đòng ngậm sữa/Tuổi thơ gối đầu lên đường cày mơ ước mảng mây trôi. Tất cả những bắt đầu như thế dẫn anh đi đến với những chân trời khác mang đầy ảo ảnh lộng lẫy, và như thể, anh đã chạm được vào đấy; nhưng khi Tất cả lùi dần, khi Gót chân giờ không còn bùn đất lại đem đến cho anh một cảm giác tiếc nuối, quạnh hiu: Chiều thành phố nhìn vào sâu ký ức/Có nắng vàng…cuộn lá tre rơi. Đó, có lẽ cũng là dấu hiệu của một sự cô đơn. Ngô Liêm Khoan quê ở Bình Định, nơi anh đêm nằm mộng hoa sen nở mà hình dung ra Nhành mong manh oằn lại giữa miền Trung nên anh thương lắm con người và mảnh đất này: Có phải đâu là nghi thức tế thần/Mỗi mùa lũ nổi xác người chết đuối/Màu phù sa lắng nghèo nàn đá sỏi/Cỏ hoa đồng và hạt lúa rưng rưng… Và khi ở một phương trời xa thẳm, khi kề cận nỗi cô đơn anh lại trở về cùng nỗi nhớ quê xa: Trời miền Trung mưa nguồn chớp bể/Người như cây đóng rễ cọc đất nghèo/Viên gạch vỡ nơi đầu hè chái bếp/Lại quặn lòng với những thương yêu. Quê hương - đó chính là cội rễ, và Ngô Liêm Khoan đã nâng niu một cách trân trọng.

 

Nếu như phần một Ngô Liêm Khoan viết về quê hương thì ở phần hai, Địa đàng, tôi hình dung ra anh viết về một vùng đất khác, không kém phần thân thương với anh, gắn với anh một thời trai trẻ đầy mộng mơ đó chính là Đà Lạt. Đà Lạt và những dấu ấn sâu đậm đã đi vào thơ anh, nhưng thật ngạc nhiên khi từng dòng thơ anh viết lại rất ít từ “Đà Lạt”, đó có lẽ cũng là một cách thể hiện riêng. Và chúng ta vẫn có thể nhận ra khi trước mắt là những hình ảnh: Vòm thông hư ảo, Sương tràn qua vai thành phố, Câu chuyện trên đồi, Những đóa quỳ  lặng lẽ trong đêm…Ngô Liêm Khoan gọi Đà Lạt là Đất lành khi anh viết những câu thơ tặng bạn bè sinh viên một thuở: Có điều gì như không thể lãng quên/Mà cứ dặn lòng: thôi, đừng thương nhớ!/Đà Lạt ngày xưa đất lành như thể/Ta vấp ngã là hoa nâng lên. Đó cũng là miền đất Địa đàng theo cách nghĩ của riêng anh, ở khu vườn ấy bật lên những mầm yêu: Mình hôn nhau/Một bàn tay trẻ thơ mơ màng chạm vào nụ hoa bất tử/Làm dịu dàng những nỗi buồn/Làm hạnh phúc những nỗi đau…Cây cỏ xung quanh như khu vườn nguồn cội/Dịu dàng hương táo trổ hoa. Đà Lạt - địa đàng của một thời tuổi trẻ, một thời yêu, một thời thơ đã là những dấu ấn quan trọng trong cuộc đời để anh khôn nguôi thương nhớ.

 

Phần thứ ba của tập thơ Giấc mơ đợi sáng đầy đặn hơn hai phần trước với 22 bài thơ thể hiện nhiều chủ đề, và có độ dài ngắn khác nhau. Ngoài hai bài Đã nhạt màu phượng cũ Hiên trúc đã trích dẫn, tôi ấn tượng với những bài thơ ngắn, với những cái tên rất gợi: Sẹo nước, Vu lan, Nửa buổi, Tan tầm, Nguyệt thực, Từ Thức, Chạm cốc…cuốn hút người đọc. Những ẩn ý được đặt trong những bài thơ ngắn chỉ ba, bốn dòng, mang hình hài của thể thơ Haiku: Trăng rực sáng/Tiễn chú chuồn kim ngủ gật/Mang giấc mơ chìm vào lòng hồ trong miệng cá rô gai (Sẹo nước), Mùa chay/Hoa sen nở trắng/Bát đũa thơm mùi cỏ hoa (Vu lan), Sương và lá/Vẫn muôn đời bịn rịn/Dù biết rồi cũng sẽ chia xa (Nửa buổi)… Bên cạnh những dòng thơ cô đọng và diệu vợi ấy là những suy tư trước cuộc sống mà Ngô Liêm Khoan (hay cũng như bất kể người nào khác) đều đang đứng trước. Anh viết trong Giấc mơ đợi sáng: Cuộn chảy cùng thời gian thác ghềnh/Tôi va đập vào những tia khúc xạ/Miệng ngậm đầy rong rêu ngũ sắc/Chỉ còn đôi mắt của suy tư dập dềnh trên mặt sóng…và trong Vào đêm: Ánh sáng nhạt dần phía cuối trang thơ/Câu thơ đuối. Buông mình. Nắng tắt/Khi vòm cây phía bên đường đen lại/Lá không khép nổi mắt mình vì lớp bụi ưu tư…Đó là những suy nghĩ về cuộc đời ngổn ngang, là những ẩn dụ về cuộc sống giằng xé những suy nghĩ, giằng xé cả những giấc mơ...

 

Trở mình trong máng xối của Ngô Liêm Khoan mang đến một sự tinh tế, kỹ càng của những câu chữ, ẩn đằng sau là khoảng lặng nội tâm. Trong nhịp điệu thơ trẻ đương thời, thơ Ngô Liêm Khoan như đứng trong một khu vườn biệt lập. Khu vườn của anh không tấp nập bướm ong, cũng chẳng tịch mịnh xưa cũ. Đó là một khu vườn lạ, và anh đang đứng đó, tôi chợt hỏi, đó, có phải chăng là khu vườn mà Ngô Liêm Khoan cho là địa đàng của riêng mình?

La văn Tuân
Số lần đọc: 2519
Ngày đăng: 25.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Dấu ấn hậu hiện đại trong Cánh đồng bất tận - Hoàng Đăng Khoa
Sách giáo khoa ngữ văn 12, trời ơi ! - Bùi Công Thuấn
Đọc Kẻ dự phần (*)đào thoát là một giả định đớn đau nhưng cần thiết - Cao Thoại Châu
Đồng hiện “gió cuối mặt sông” - Nguyễn Phúc Bảo Châu
Em từ đâu đến * - Trần Nhật Thu
Đọc thơ gương mặt : ẢO & THẬT Của Trần Hữu Dũng - Khổng Ðức
Trần Trụi Những Mảnh Vỡ - Nguyễn Nguyên An
Trường Sa day dứt - Đọc Một thuở của nhà văn Phạm Đình Trọng - Hà văn Thùy
Điểm danh căn bệnh của phê bình hôm nay - Inrasara
Cội nguồn sáng tạo và chuyện bên lề “Vú cát” - Hồ Sĩ Vịnh