Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.374 tác phẩm
2.747 tác giả
558
116.484.854
 
Nhớ một gã giang hồ từ tâm
Trọng Thịnh

Sau nhiều lần đối mặt với thần chết và đều giành chiến thắng, cuối cùng thần chết vẫn làm được điều ông ta muốn: Đưa Lê Vũ Cầu - người được khán giả gọi với cái tên thân mật “thằng Đậu” ra đi.

 

Nhưng chính thần chết đã từng bị “thằng Đậu” hay bạn bè nghệ sĩ sân khấu miền Nam thường kêu anh trìu mến “gã giang hồ” khuất phục…

 

Những nỗi ám ảnh…

 

Lẽ ra cuộc đời của NS Lê Vũ Cầu đã rẽ sang một hướng khác bởi anh xuất thân từ gia đình khá giả, được bố mẹ thương yêu chiều chuộng, cho ăn học đàng hoàng. Nhưng định mệnh cuộc đời đã không cho anh được hưởng may mắn ấy.

 

Một ngày cuối năm 1963, chiếc máy bay Mỹ đi gây tội ác ở chiến khu U Minh bị trúng đạn và trong lúc cố bay trở về, đã đâm thẳng xuống ngôi nhà của Cầu.

 

Bố mẹ Cầu tử nạn, để lại 6 đứa con, đứa nhỏ nhất đang còn ẵm ngửa. Lúc đó, Cầu mới 8 tuổi, hình ảnh bà con hàng xóm đưa linh cữu cha mẹ đi đọng lại trong anh ký ức lờ mờ về nỗi đau mất mát.

 

Sau đám tang, mỗi người bà con họ hàng nhận nuôi một đứa, riêng Cầu được bà nội đưa về sống tại Tây Ninh. Ở đó được hơn một năm thì Cầu bỏ nhà ra đi.

 

“Tại sao tôi lại không sống tiếp với bà nội? Có lẽ do ngày trước được bố mẹ chiều chuộng, nay ngoài bà nội ra thì chẳng còn ai cưng tôi cả. Tôi trở nên cộc cằn, khó bảo” - Lê Vũ Cầu kể.

 

Trong một lần bị mấy người anh họ bắt nạt, Cầu đã đánh lại làm anh ta chảy máu mũi. Sợ về sẽ bị đòn, Cầu bỏ nhà đi luôn, trở thành một đứa trẻ cù bơ cù bất như rất nhiều đứa trẻ trong thời buổi loạn lạc lúc bấy giờ. Sau khi lang thang nhiều nơi, cậu bé Cầu (lúc đó chưa đầy 10 tuổi) đã chọn mảnh đất Quy Nhơn để dừng chân.

 

“Đó là quãng thời gian cực nhọc nhất của cuộc đời tôi. Ai lại nhận đứa bé như tôi vào làm việc cơ chứ, đói quá, tôi kết thân với mấy đứa bụi đời để làm đủ thứ việc như đánh giày, bán báo, thậm chí dắt gái, đánh lộn tùm lum… tất cả chỉ sao cho có miếng ăn”.

 

Sau sự kiện tổng tiến công Mậu Thân, người chết người bị thương la liệt trên đường phố càng khiến Cầu thêm hoảng sợ. “Nhớ đến cái chết của bố mẹ, của đám bạn tôi bỗng sợ rằng mai mốt biết đâu mình sẽ bị như thế. Thế là tôi lại bỏ Quy Nhơn”.

 

Một cơ may đã đến với Cầu khi đoàn cải lương Minh Cảnh đang cần một người chạy cờ. Thấy Cầu có vẻ nhanh nhẹn, họ đã nhận vào làm. Thế là từ một kẻ bụi đời, Lê Vũ Cầu đã trở thành người làm thuê đầy cần mẫn, từ việc soát vé, kéo màn cho tới dọn dẹp hậu đài, bưng bê đồ cho các đào kép…

 

Có một số bạn bụi đời gặp lại Cầu tỏ vẻ ngạc nhiên vì đang là một tay anh chị, không biết sao Cầu lại thay đổi nhanh như thế. “Tôi chỉ muốn thoát khỏi mảnh đất đã khiến tôi bị ám ảnh. Dù phải làm gì, đi đâu nhưng tôi không thể trở lại cuộc sống khủng khiếp như thế!” - Cầu tâm sự.

 

Từ đoàn Minh Cảnh, Cầu trôi dạt sang nhiều đoàn khác như Hương Mùa Thu, Phước Chung, Kim Chưởng… Vừa chạy cờ, Cầu vừa tự mày mò học được khá nhiều từ những diễn viên trong các đoàn để có thể tự bước lên sân khấu.

 

Ban đầu thì chỉ là những vai phụ như lính vệ, thằng ở để rồi dần dần trở thành kép độc, kép chính. Một ông bầu đã phát hiện ra anh có năng khiếu diễn hài và phân vai cho anh. Thế là từ đó sân khấu miền Nam có thêm một cây hài trẻ Lê Vũ Cầu. Lúc đó Cầu chưa đầy 20 tuổi.

 

Cuộc đời sang trang với thương hiệu “thằng Đậu”

 

Sau giải phóng, Lê Vũ Cầu vẫn tiếp tục theo nghề diễn. Từ đoàn Bông Hồng rồi Cửu Long Giang, Cầu chuyển sang diễn kịch nói.

 

Có lẽ đất kịch mới là nơi cho Cầu phát huy sở trường hài nên từ chỗ tên tuổi làng nhàng, anh đã dần khẳng định mình, trở thành một cây hài xuất sắc của làng kịch miền Nam.

 

Đặc biệt là từ khi HTV mở chuyên mục “Trong nhà ngoài phố” Lê Vũ Cầu đã trở thành một diễn viên không thể thiếu ở nhiều vở diễn.

 

Trong giới nghệ sỹ, ai cũng thừa nhận Cầu là người chịu khó, anh sẵn sàng nhận sự góp ý của người khác, chịu khó tìm hiểu đến chân tơ kẽ tóc những vấn đề chưa rõ.

 

Bởi thế, dù đã trở thành một diễn viên có tên tuổi trong làng kịch nói phía Nam, chưa ai thấy anh mắc bệnh sao. Thậm chí, chất giang hồ vẫn còn rõ nét trong anh, luôn hào hiệp, sống hết mình với mọi người.

 

Con đường nghệ thuật của Lê Vũ Cầu lên như diều gặp gió vào đầu những năm 90, khi sân khấu hài ra đời và phát triển mạnh. Lê Vũ Cầu đã cùng với NSƯT Hồng Vân trở thành cặp bài trùng diễn hài đầy ăn ý, đứng hàng đầu trong làng hài thời bấy giờ.

 

Bên cạnh đó, Lê Vũ Cầu đã được mời tham gia các vai diễn tại sân khấu 5b Võ Văn Tần. Lê Vũ Cầu đã có những vai diễn ấn tượng tại sân khấu này mà đỉnh cao là vai ông già trong vở “Dạ cổ hoài lang”.

 

Trong vai trò đạo diễn, những vở kịch “Con gái ngài giám đốc”, “Con ai”, “Chuyện lạ”, “Bếp lò”…  được khán giả và đồng nghiệp đánh giá cao. Chùm kịch hài “Vợ chồng thằng Đậu” do anh cùng Hồng Vân diễn gây tiếng vang đến mức cả 2 được khán giả gọi yêu là “Vợ chồng thằng Đậu”.

 

Thương hiệu “thằng Đậu” mạnh tới mức đi đến đâu anh cũng được gọi tên này và quán ăn mang tên “Vợ thằng Đậu” do Cầu mở cùng một số bạn bè đã trở thành địa chỉ quen thuộc trong làng nhậu đất Sài thành.

 

Và lại đối mặt cái chết

 

Con đường nghệ thuật của Lê Vũ Cầu đang lên thì bất ngờ anh phải đi cấp cứu tại bệnh viện. Sau 3 ngày hôn mê, bác sỹ buồn rầu báo tin anh bị “Xơ gan cổ trướng”, thời gian sống chỉ còn được tính bằng ngày. Hậu quả của những chầu nhậu triền miên với bạn bè chiến hữu và những tháng ngày phiêu bạt giang hồ của Cầu…

 

Nhưng còn nước còn tát, từ tây y đến thuốc đông y, từ Bệnh viện An Bình cho tới Bệnh viện Y học dân tộc… Lê Vũ Cầu đã trải qua tất cả: “Tôi đã lúc tỉnh lúc mê không biết bao nhiêu ngày. Trong những ngày đó, có những lúc tôi cảm giác mình đã đi rồi, nhưng rồi lại thấy như có ai đang níu kéo mình lại. Đau đớn quằn quại, có những lúc tôi muốn được giải thoát cho thật nhanh, nhưng cũng có lúc tôi lại mong mình được sống, được trở lại với bạn bè”.

 

Trong những ngày nằm viện, cảm động là đã có nhiều khán giả bỏ cả công việc đến chăm sóc anh. Họ coi anh như người thân, tình nguyện phục vụ. “Tôi chỉ nghe bạn bè nói lại như thế! Tôi không biết những khán giả đó là ai, có quen biết tôi hay không nhưng việc làm đầy nhân nghĩa của họ đã khiến tôi muốn sống, phải sống”.

 

Như có phép màu, đột nhiên Lễ Vũ Cầu khỏe lại, ngay cả những bác sỹ giỏi cũng không biết tại sao? Nằm nghỉ dưỡng ở nhà, Cầu mông lung nghĩ tới nhân tình thế thái, nghĩ tới tình nghĩa bạn bè, khán giả…

 

Dường như sau cơn bạo bệnh, đã có nhiều suy nghĩ khác trong anh. Về với đời thường, sức khoẻ chưa cho phép Cầu trở lại với nghiệp diễn, anh đành vui thú với cái quán nhỏ mang tên “Vợ thằng Đậu” mở cách đấy mấy năm để cùng bạn bè giao lưu.

 

Rồi anh nhìn thấy cảnh những em bé bụi đời, những người ăn xin vẫn đi ngang quán nhỏ của mình. Chợt nhớ tới tuổi thơ ngày nào và sự đói khát đến rạc người, anh quyết định: cấp ăn trưa miễn phí ngay tại quán.

 

Được sự đồng tình và hỗ trợ của bạn bè, quán “Vợ thằng Đậu” có cơm miễn phí đã thu hút nhiều người khó khăn đến ăn hàng ngày. Để những người này không mặc cảm vì cái nghèo, Cầu đã chỉ đạo nhân viên phục vụ đối xử bình đẳng như với thực khách khác, thức ăn luôn nóng, lại thay đổi khẩu vị theo từng ngày.

 

“Ngày nào người ăn cũng đông, hôm ít thì cũng hơn 100, hôm đông có khi đến hơn 200. Tôi thấy họ ăn ngon, tôi vui lắm. Ít ra là tôi vẫn còn có ích trong cuộc đời này”. Và Cầu cũng đã bắt đầu tìm lại sân khấu, bắt đầu có các dự định mới của mình.

 

Thế nhưng một lần nữa thần chết lại gọi tên Cầu. Hơn 10 ngày chống chọi quyết liệt, nhưng lần này Cầu đã thua cuộc: Các bác sỹ lắc đầu trước trước căn bệnh gan tái phát.

 

Cũng như lần bạo bệnh trước, rất nhiều người đến thăm, tìm thuốc và cầu nguyện cho Cầu nhưng rồi vẫn bất lực. Lê Vũ Cầu đã ra đi vào một buổi sáng sớm ngày mùa thu, để lại bao dự định tốt đẹp.

 

Trong đám tang của anh, không chỉ có những người bạn, những người thân mà còn cả các em bé lang thang,  người nghèo khó... Họ đến với anh như để chia sẻ ước nguyện của anh, tiếp tục công việc từ thiện mà anh đang đeo đuổi.

 

Và dù Lê Vũ Cầu đã ra đi, nhiều người vẫn tiếp tục gọi anh bằng cái tên giản dị “thằng Đậu” - Một thằng Đậu của chốn giang hồ nghĩa hiệp.

 

Ảnh : Nghệ sĩ Lê Vũ Cầu
Theo TPO

Trọng Thịnh
Số lần đọc: 2224
Ngày đăng: 27.09.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Những đóng góp về thiên văn và toán học của thượng thư Nguyễn Hữu Thận - Nguyễn Hùng
Vàng Lạnh Câu Thơ - Nguyễn Lệ Uyên
Vũ Hữu Định, người lang thang với thơ trên đôi dép cỏ. - Nguyễn Lệ Uyên
Võ Hồng, Nhân cách và chữ nghĩa - Nguyễn Lệ Uyên
Thử nhận diện: Chân Dung Nhà Văn - 49 - Lê Xuân Quang
Nếu anh không đốt lửa... - Vũ Hà
Lời tiễn Tầm Thư Trần Hòa Bình khi anh vừa đi - Lê Anh Hoài
Vĩnh biệt Sơn Nam: Con ong rừng U Minh đã bay về cõi - Anh Kiệt
Thử nhận diện : Chân Dung Nhà Văn - 1 - Lê Xuân Quang
Chân dung một người chơi - Lê Huy Mậu
Cùng một tác giả