Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.384 tác phẩm
2.747 tác giả
740
116.611.572
 
Cái quẹt tim gòn
Nguyễn Hiệp

Từ căn nhà nhỏ ngang qua căn nhà lớn là tới cây gòn, vậy mà ông Đỏ tưởng chừng đoạn đường dài ngoằn ngoèo như sông. Ông dò dẫm từng bước, mấy tháng nay, ngủ dậy ông còn không dám động mạnh tay chân, cơ thể ông như một cỗ máy rệu rã, mỗi cử động là mỗi khó khăn, huống là đi. Ai đó nói với ông rằng: “Một già một trẻ bằng nhau, cả hai đều cùng một cố gắng sao cho đái khỏi ướt quần”. Nghe thì dễ òm mà với ông, thật đúng như vậy, đứng tựa vào gốc gòn, vén ống quần bằng cả hai bàn tay mà không hiểu sao quần vẫn ướt vài giọt. Thôi thì cũng xong, ông khom người, ghé đít ngồi bệt xuống cục gạch mà thợ xây vứt lăn lốc trong sân. Khí lạnh làm ông Đỏ muốn hắt xì nhưng sợ đánh thức hàng xóm, ông đưa tay bịt mũi thật chặt, ông cố chận, làn hơi rất mạnh chạy ngược vào trong làm hai tai ông Đỏ ù đặc. Ông cảm thấy bơ vơ như dáng dấp chính mình giữa đêm vắng, thật chua chát, đắng cay cho mình quá. Tuy tự thấy, tự vẽ lên một hình ảnh già nua ngậm ngùi trong lòng nhưng ông vẫn tự hào là đầu óc mình còn minh mẫn lắm, ông thường ví mình như cây gòn này, mùa nó rụng lá là mùa nó để lộ tuổi già của mình, ông không trách cơn gió lùa từng đám lá rơi xào xạc trên sân, ông cũng không trách mình, càng không nên trách cứ ông Tạo, bởi nhẩm đi nhẩm lại ông cũng sống quá lâu rồi còn gì, từ thời trai tráng đến nay, số rượu ông đã uống chắc cũng được vài chục phuy, số thuốc ông đã hút chắc phải chất vài căn nhà lớn, số cơm ông đã ăn chắc phải vun được ngọn đồi… Lẩm cẩm! Ông thầm trách mình rồi cắt đứt dòng suy tưởng miên man. “Dù sao cũng là phúc phần quá rồi”. Ông tự an ủi để dứt hẳn dòng suy tưởng rồi lại đứng lên lê chân loanh quanh xem có trái gòn rụng nào không. Nhưng rồi cái đầu người già đã nghĩ gì là nghĩ miên man, ông lại nhớ đến cuộc nói chuyện “đối mặt” với con rễ Việt kiều của mình trước ngày cưới…

 

Nhà ông có cái thói quen truyền đời là dọn cơm chiều trên mảnh chiếu trước sân, dù tiếp khách cũng vậy. Hôm ấy, ông nhớ như in “lão ấy” ngồi đối diện với ông, ánh tà vàng sáng từ trán xuống tóc, xuống triền vai, tư thế ngồi của “lão ấy” tạo thành một đường cong vàng sậm. Đã lâu rồi, sống một mình với con gái, ông cũng lúng túng trong việc tiếp khách, thời còn đi loa, còn làm cán bộ văn hoá thôn, hành vi ứng xử chính của ông là phát biểu trong các cuộc họp Ban thôn, nên ông mở đầu hơi có vẻ kẻ cả:

- Sao anh lại về?

- Xứ ấy lạnh lắm người mình hễ lớn tuổi là không... chịu nổi.

 

Thấy bộ dạng xúng xính trong bộ vét- tông, cứ tưởng “lão ấy” làm bộ làm tịch như mình trẻ lắm, té ra cũng biết mình lớn tuổi. Ông Đỏ thầm nhận xét rồi bồi thêm:

- Bên đó, người ta hay sắm vai trẻ lắm hả?

- Chưa hẳn đâu ạ!

- Vậy hoá ra tại bên ta thích sắm vai già chớ gì?

- Vì bên ta trọng người già.

- Cái ấy thì đúng quá. Thêm vài cút rượu, ông già cha vợ và ông già con rể đã không còn là già Tây già Ta nữa, câu chuyện chuyển sang thân mật từ lúc nào. Dù vậy ông Đỏ luôn giữ được vai chủ nhà, ông thường “nổ” những phát văn hoa bay bướm kiểu cán bộ văn hoá thôn:

- Ngựa hồng mỏi vó hả?

- Chưa hẳn đâu ạ! Cũng có hoang mang, hụt hẫng, khổ sở vì tự thấy tiếng nói của mình không còn nặng ký với con cái, với mọi người, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi.

-Thăng bằng rồi, lá rụng về cội chớ gì.

-…

“Kể ra “lão ấy” cũng thành thật. Hôm đó, sao mình tấn công dữ vậy cà?”… Ông Đỏ thầm trách mình “hơi quá”, dù gì “lão ấy” cũng lấy con gái mình, thương con thì phải thương rễ… “Thần cây đa, ma cây gòn”. Đang lui cui mò mẫm dưới gốc gòn, ông Đỏ rùng mình chợt nhớ lại câu nói của ai đó, da gà nổi rân khắp người. Cơ thể ông lành lạnh lâng lâng, nhẹ bổng, cảm giác y như cái hồi thiếu thời chơi trò chơi khiêng ma, ông nằm thẳng đơ bồng bềnh trên mấy ngón tay trỏ của bọn bạn thân của ông.

 

…Khuya rồi, làng xóm đã yên ắng, cữ này ông Đỏ thường thèm thuốc, ông quấn một điếu chỉ nhỏ thua ngón tay út một tẹo, cái miệng móm xọm rụng hết hàm răng trên của ông bập bập thành tiếng, điếu thuốc chạy lòng vòng quanh miệng như muốn nhảy nhót hát ca, nhưng thật xui xẻo, cái hộp quẹt chẳng còn chút tim nào, ít nhũn đen cuối cùng rệu ra trong hai ngón tay vê vê của ông, vậy là ông phải lần dò từng bước ra đây. Một xẹt loa loá từ trên trời lao xuống, tim ông Đỏ như ngừng đập vì sợ, ông liên tưởng đến những gì ghê gớm thường ẩn náu nơi cây gòn, nó không sáng hẳn như sao xẹt, nó hơi mờ đục, ảo trắng như một hồn ma vừa bay vừa ngủ. Cho tới khi trái gòn đánh độp xuống đất ông Đỏ mới hoàn hồn, ông hấp tấp chộp lấy trái gòn vừa rụng, líu quíu chân, đá cả mấy cục gạch mà đi, ông vào nhà khép cửa thật nhanh. Ông se hai ngón tay, một sợi bông từ chỗ nứt toác của trái gòn bám dài ra thành một sợi tim trắng, xỏ một đầu vào cái lỗ nhôm toe loe, còn lại ông thồn hết vào hộp nhôm bên dưới. Ông lại lọ mọ đi lấy chai dầu lửa để dưới góc tủ, mở cái nút lá chuối, rút bọc nhôm châm dầu. Quẹt rồi lại tắt, lại quẹt, ngón tay cái của ông đã chai vàng vì quẹt, mà phải quẹt “xoẹt xoẹt” vài lần theo đúng thói quen, cũng như điếu thuốc rê phải chạy qua chạy lại hai bên mép miệng giáp vòng ba lần ông mới chịu châm lửa.

 

Nói đến thói quen ông chợt nhớ… (Tuổi của ông lẽ ra mọi chuyện bỏ ngoài tai nhưng ông lại cái tật thấy gì cũng gợi, cũng liên tưởng, cũng nhớ lại), vì cái thói quen “xoẹt xoẹt” mấy lần khốn nạn ấy mà có lần ông làm cho nhiều người đứng tim, vợ ôm chồng nói lời vĩnh biệt, cha ôm con trăn trối đủ điều. Buổi ấy, khoảng sáu giờ chiều, trời chập choạng, đang là bữa cơm gia đình ở miền quê. Quê hương vừa giải phóng chưa được tuần. Lúc ông còn tay cầm cái loa gò tôn loe đầu đi loa loa thông báo hàng ngày cho Ban thôn- lâm- thời, ai cũng gọi ông là cán bộ văn hoá thôn, nghe thật oai, thật sướng rơn trong bụng, cái tướng ông đi cũng có khác mọi khi. Ông đang đọc tờ giấy cầm tay cán bộ cấp trên vừa đưa: “Loa loa… Ngày mai, lúc bảy giờ sáng, các thành phần ngụy quân ngụy quyền phải tập trung về trụ sở thôn! Khi đi không được mặc… áo…” Cơn gió giật mạnh, ngọn lửa vốn yếu ớt chập chờn lại bị bạt đi, tim quẹt cháy cùn nóng rát cả tay nhưng ông vẫn ráng đánh vần thêm từ “quần” rồi mới im. Cả làng dừng thở lắng nghe. Ai đó rụng rời buông đũa xuống mâm cơm, nói: “Tập trung không cho mặc áo quần thì đúng là đem đi giết chớ còn gì. Sao nghe nói... khoan hồng?”. Cửa sổ các nhà đồng loạt khép lại. Tiếng khóc lan từ nhà này sang nhà khác, râm ran cả cái thôn vốn cách đây mấy ngày là đất Chi khu, nhà nào không có người đi lính cho chế độ Cộng hoà cũng có người làm ở sở Mỹ. Ông Đỏ mò mẫm vê vê cho đoạn tim gòn nhô lên, ngậm miệng vào đáy quẹt thổi phù phù cho dầu bốc thấm tim, rồi mới “xoẹt… xoẹt… xoẹt” đúng ba cái, hắng giọng “ừm ừm” ba tiếng nữa ông đọc tiếp từ cuối cùng của câu thông báo: “…ngụy”. Cả thôn, sau mấy phút chết lặng, giờ lại ồ lên, cửa sổ các nhà lại mở ra: “Không được mặc quần áo… ngụy, trời ạ!” “Bữa sau, thôn này phải đậu tiền lại mua cho cán bộ Đỏ cây đèn bão; kẻo có ngày đứt tim mà lăn ra chết hết thôi.” Mấy đứa con nít nhại lại làm cha mẹ chúng sợ hết hồn nhưng bụm miệng không kịp: “không được mặc áo quần… xoẹt… xoẹt… xoẹt… ngụy… hahaha”. Chuyện đó mọi người trách ông nhưng cũng coi như chuyện cười… ra nước mắt một thời, bởi lẽ lúc đó họ còn sợ ông cán bộ văn hoá thôn, chớ như giờ thì ông toi mạng với họ.

 

Thời chiến tranh ác liệt, ông chỉ là “cơ sở cách mạng”, thỉnh thoảng ông mới phải nhận nhiệm vụ giao liên, và trong một lần dẫn đường cho một cán bộ trên tỉnh đội về, ông đã nhận được món quà tặng ý nghĩa là cái quẹt tim gòn, nó trở thành vật bất ly thân, tận giờ ông vẫn còn giữ, còn xài. (Con rể ông có tặng cái zip- pô vỏ sáng trưng nhưng nào ông thèm ngó tới). Mà chuyện ông đến với cách mạng cũng là cái duyên của con người ta. Đêm đó, tiếng kèn đồng thổi vang từ phía động cát, ngay lập tức tiếng súng rộ lên. Cả nhà ông nhanh chóng nhảy xuống căn hầm chất bao cát xung quanh. Ông áp tai vào bao cát nghe tiếng chân chạy huỳnh huỵch sát bên hè. Thời đó, ở vùng “xôi đậu” này hai bên đánh nhau hà rằm nên dân chúng cũng quen. Mọi chuyện chắc sẽ trôi xuôi theo ngày tháng nếu đứa con gái của ông không quên lấy quần áo phơi cả ngày ngoài sợi dây phơi. Vừa rạng sáng, con bé Giêng đã hét lên thất thần, ông lao người tới, mắt ông còn tròn hơn cả đôi mắt trợn tròn lạc hồn của nó. Một vệt máu lớn quệt ngang bộ đồ bông mới toanh của con bé. “Hình như mấy “ổng” bị thương cõng nhau ngang đây nên mới để lại dấu vết như vậy. Ông Đỏ thầm nghĩ rồi hấp tấp lôi con bé vào nhà, đưa tay che ngang miệng. Bộ đồ giặt đi giặt lại ba lần, con bé vẫn chưa dám mặc. Đêm sau, có bước chân nhè nhẹ, rồi có tiếng gõ cửa sau, tim ông đập nhanh nhưng vẫn đứng dậy vặn ngọn đèn to hơn, ra mở cửa. Một người mặc bộ bà ba đen bước vào, khum tay nói nhỏ mấy lời vào tai ông, ông hớt hãi bươn ra bụi chuối gần chỗ dây phơi áo quần, quả nhiên, ông thấy một khẩu súng lục. Ông Đỏ cầm khẩu súng lạnh ngắt trên tay mà hồn bay phách lạc. Từ khi người lạ nhận khẩu súng ra đi, cuộc đời ông bắt đầu chuyển sang một hướng khác. Ông trở thành “cơ sở” và thỉnh thoảng được tin tưởng mời làm giao liên; giải phóng về lại được giao trọng trách làm văn hoá thôn. Giờ nghĩ lại, ông cứ thấy cuộc đời mình như một giấc mơ, thật đủ mùi trần ai… Gần lửa cũng có khi rát mặt, nhưng trong thâm tâm ông cũng còn biết nhận ra đâu là chuyện lẻ tẻ, đâu là vấn đề lớn, có lần, trong cuộc “tề gian diệt ác”, ông nhận nhiệm vụ tháp tùng một nhóm du kích dẫn bọn Xã trưởng, Hội đồng lên “Xanh”, thật ra, họ chỉ đi lên động cát rồi dừng lại. Ông có nhiệm vụ đứng canh từ xa, khi có lệnh rút về làng, ông ngạc nhiên không thấy hai người kia đâu nữa. Tò mò và chạo rạo trong lòng, trước khi quay về, ông sinh nghi nên lén bật quẹt quét qua quét lại xem thử thì thấy cái nà đất mới dưới chân động đậy. Mặt ông cắt không còn chút máu, chân ông sải như bay trong đêm. Một du kích nói nhỏ vào tai ông: “Sống để bụng, chết mang theo! Thời chiến mà!” Ông sợ đến mức mãi sau, cứ ngồi một mình, cứ bật quẹt lên đốt thuốc là ông nhìn kỹ xuống mặt đất, mồ hôi lạnh rịn ướt hai bên thái dương, người ngẩn ngơ như bị ma ám. Nghe nói mấy ngày sau người tiểu đội trưởng làm việc ấy đã bị phục kích, lết về tới mật khu thì trút hơi thở cuối cùng.

 

*

Kể từ khi ông bị chết lâm sàng, người ta chuyển ông vào bệnh viện Chợ Rẫy, họ đục sọ, họ làm sao ấy mà cuối cùng ông được cứu sống. Ông đưa ánh mắt đầu tiên nhìn tấm màn trắng dợn sóng bên cửa sổ, trong lòng ông lâng lâng một nỗi niềm khó tả, sao mà tấm vải ấy đẹp quá chừng. Sáng hôm xuất viện về nhà, nhìn thấy mặt trời đo đỏ nhú lên phía bên kia sông, ông chợt bật khóc như trẻ nhỏ, những giọt nước mắt ít oi nhưng nóng bỏng lan dần xuống má ông. Chiếc lá bàng vàng nâu sâu xia rách mép cũng làm mê mẩn tâm hồn ông, ông ngắm say sưa như ngắm một người đẹp trong mộng tưởng vừa xuất hiện. Mấy đợt gió rít giật phên nhà phía tây như có gã nào đang nấc cụt vậy mà ông nghe như tiếng âm nhạc kì diệu từ đâu vọng lại, ông dỏng tai, mắt lim dim thưởng thức. Cũng từ ngày thoát chết, ông không còn cầm điếu thuốc ngửa tay, không còn nhả sợi khói mỏng đâm xuống nữa mà khói cứ thong thả qua mũi, qua miệng chênh chếch lên cao. Cái hộp quẹt tim gòn, vật bất ly thân của ông cũng không còn bị đập lốc cốc liên hồi xuống bàn đến móp méo cả vỏ nhôm nữa. Ông thấy mình chợt thương mến tất cả, quý trọng tất cả, thuốc thơm con gái mua cho ông cả cây cất kỹ trong tủ vậy mà ông vẫn chung thủy với điếu thuốc rê bập bập ướt nhèm nửa điếu. Những tàn thuốc rê ông phun dính đầu trên vách đất, xếp hàng hàng chồng chéo năm này qua tháng nọ, cũng được gỡ xuống chắt chiu những mụn thuốc còn lại cho vào bịch nylon, mẫu nào đã mốc xanh, ông cứ tiếc hùi hụi. Ông yêu thương chắt chiu từng đồ vật vô tri quanh mình, những người xung quanh ác ý và tinh ý thường nháy nhau: “Người sắp nghe mùi đất đều vậy hết”.

 

Ông lại “xoẹt xoẹt xoẹt”, bập bập, đầu thuốc đỏ hừng lên, trong khi đang mơ màng, ông chợt nhìn quanh căn nhà vách ván của mình mà mủi lòng, cả căn nhà mái như mấy cái bánh ú chồng nhau đỏ choét, to như biệt thự bên cạnh của con rể ông xây cho cũng không người ở, vắng tanh vắng lạnh. Cả năm nay, nhà ông chồng chất bao nhiêu chuyện lộn xộn. Đứa con gái duy nhất đã bỏ ông ra đi và để lại cho ông một câu chuyện buồn thảm thiết. Con bé hát như khóc vậy, mà lại thường hát mới mệt chớ, mỗi lần nó hát là tim ông như nhũn ra rã rời, mà cũng lạ, hễ lúc nào ông ngồi một mình tiếng hát của nó lại vẳng bên tai: “Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá. Thà như mưa rơi… Có còn hơn không! Có còn hơn không!...”. Má nó sinh lúc sáng sớm tháng giêng nên mới đặt tên là Giêng, vậy mà cuộc đời nó chẳng có gì là mùa xuân cả. Gọi là bé nhưng thật ra nó đã quá bốn mươi, cứ ở nhà với ba, cứ hát như khóc suốt ngày. Có thằng trai quê thương nó lắm vậy mà “đùng một cái” nó đi lấy chồng. Chuyện nó nghe như truyện thêu dệt, không có thực. Mọi sự cũng do cái “lão ấy” thấy ông dùng cái hộp quẹt tim gòn cũ kỹ, liền móc cái zip- pô sáng trưng tặng ông nên thành ra chuyện. Tội nghiệp cái thằng lẽo đẽo theo con Giêng mấy năm liền!

 

*

… -Anh đi đi! Giêng gào lên, hất mặt ngang qua trái, tóc tai dán chặt trên khuôn mặt đầm đìa nước mắt.

-Tôi chỉ nói lại lời người ta đồn: Con cái lão bên Mỹ đông lắm, lão về xứ này vì không chịu lạnh nổi nữa. Cô chỉ là người giữ vàng không công cho lão, chẳng xơ múi nhiều nhặn gì đâu mà ham hố, mà đành đoạn bỏ tôi.

- Anh đi đi!... Giêng gào lần nữa rồi úp mặt vào hai bàn tay.

- Thì thôi, cô không giữ vàng cho lão già khốn kiếp ấy thì cô là người giữ … trái tim tôi, trái tim tôi mới là vàng thật đây này. Ừ, mà tôi đâu có tiền mua cho ba cô cái quẹt zip- pô, người ta là Việt kiều mà... Ông Đỏ nghe tiếng đập mạnh vào ngực mình của thằng trai. Rồi ông nghe tiếng lạch bạch của chiếc xe Cha- li, tiếng rồ ga uất hận. Thằng trai ấy lên xuống mãi, phải đợi ba tháng nay, (từ ngày xảy ra cái đám cưới như là đám tang ấy), mới có cuộc gặp này. Giêng lên xe hoa đi rồi, bao nhiêu uất ức dồn chặt trong lòng, nay nó mới được dịp trút ra cho bằng hết. Lễ lại mặt của các đám cưới khác chỉ sau ba ngày, đằng này phải đến ba tháng, chính ông Đỏ đã yêu cầu như vậy, “phải chờ dư luận lắng đi chớ”. Thời gian ba tháng chuẩn bị cho một lời trách móc tưởng chừng sẽ sâu cay, ghê gớm biết chừng nào, có lẽ thằng trai ấy muốn nói nhiều, muốn hành hạ cho Giêng phải gục xuống, muốn chì chiết cho Giêng phải chịu không nổi mà gục xuống mới hả lòng hả dạ. Vậy mà khi gặp Giêng nó chỉ nói được chừng ấy, chỉ là lời trách móc vu vơ và thú nhận tình yêu của mình…

Ông Đỏ ngồi trong nhà nghe hết những lời trách móc của thằng trai đáng thương. Lời trách móc con gái mình nhưng ông lại trúng đòn. Kì thực ông có nhận cái hộp quẹt sáng trưng đó nhưng đã xài lần nào đâu, ông vẫn gắn bó với cái quẹt tim gòn của mình. Nghĩ lại đúng là ông đã sai lầm khi nhận quà biếu khốn nạn kia để tiếng đời truyền tụng, con gái ông không hiểu có phải mủi lòng vì có người quan tâm tới cha nó, hay chỉ đơn giản là nó nghe lời người bà con bên ngoại mai mối mà thuận tình với lão kia, mà cũng có thể ông tuổi già lẩm cẩm mà nghĩ quẫn thế thôi, nhận một cái quẹt không xài thì đáng xá gì.

Ngay trong lễ lại mặt, Giêng về mướn tất cả thợ xây ở làng lại đào móng, đổ trụ xây cho ba mình một ngôi biệt thự khổng lồ gần hai chục trụ bê- tông bao giáp hết đất. Người làng xì xầm: "Xây mộ chi mà lớn dữ vậy?!" Ông Đỏ nghe được bất nhẫn, điếng tê cõi lòng.

Ông Đỏ rùng mình, ông thật sự không biết cái rùng mình ấy dự báo điều gì, nhưng chắc là bất an.

…Mới giao thừa năm rồi, Giêng rủ thằng trai ấy đi hái lộc, Giêng hái đúng một nhánh cây chín lá. Cả hai đứa cầm vào cho ông Đỏ coi giúp, ông nói cứng: -Cửu cửu càn khôn dĩ định, năm nay sẽ là năm đem lại sự đủ đầy, hết nghèo rồi. Thằng trai cười tít mắt, đưa ra nhánh lộc của mình cũng chín lá, ông Đỏ cặp hai nhánh lộc lại, tay gõ gõ cái quẹt nhôm xuống bàn: hai lần chín mười tám, một là càn, tám là khôn. Cuộc đời viên mãn, các con xem cưới nhau là tốt nhất… Không ngờ mọi sự lại trớ trêu chuyển qua một hướng bày đặt khác. Cái đám cưới bất hạnh của Giêng chính ông Đỏ nghĩ mà cũng cười chua chát: Ông Đỏ cha của cô dâu là bậc cao niên nhất thôn Vi Hoà này đột ngột bị hạ bệ, vị trí cao trọng ấy bị nhường cho con rể của mình. Sau khi gã MC đầu trọc thời thượng giá năm trăm ngàn một buổi ấy tuyên bố khai mạc hết sức trang nghiêm, cô dâu dìu vội vàng chú rể lên xe hoa, đám cưới ấy không có người đi chào bàn. Những người dự tiệc ồ lên, tổn thương, họ mang máng hiểu ra mình bị lôi kéo vào một việc bất bình thường và thức ăn ngồn ngộn trên bàn và bia bọt tràn trề miệng ly chỉ làm cho họ cảm thấy mình bé mọn rẻ tiền. Chiếc xe con màu đen vừa hối hả rịn ga vù đi, mấy người đàn bà trong tộc bu lại khóc hu hu. Ai đó khe khẽ: “Đám cưới mà sao giống đám …ấy… quá chừng”. Cái tiếng “ấy” ác khẩu muốn hiểu sao cũng được kia như hòn đá ném vào bầy kiến, tất cả nhao nhao lên, trật tự trang nghiêm của hôn trường do gã MC công sức tạo ra nãy giờ bị thay bằng cảnh hỗn loạn chưa từng có: Một người say rượu khệnh khạng bước lên giựt mi-crô: Hát hay không bằng hay hát… Tôi xin hát tặng cô dâu chú rể bài hát: “Đồi Thông Hai Mộ. Vỗ tay!” Mọi người lại phì cười, tiếng huýt sáo rít vang át cả khúc in- trô của bài hát. Người ta khui bia xịt ướt cả trần vải bên trên, vỏ chai kín đất không còn chỗ mà đi. Ông Đỏ là người hiểu biết tâm hồn đám đông, ông thầm nghĩ giờ này thì không có một ấn tượng nào có thể lôi kéo đám đông ấy hơn thế nữa. Phần ông cũng quá mệt mỏi nên rút êm vào nhà, để mặc ra sao thì ra, “cuộc vui nào cũng tàn”.

Ngay sau lễ tân gia ngôi biệt thự, người làng bàng hoàng hay tin: Giêng đã qua đời vì ung thư. Người đời xuýt xoa: “Con nhỏ khôn thiệt, nó biết mình bệnh không qua được nên đổi phần đời còn lại, đổi trái tim mình báo hiếu cho cha”.

Ông Đỏ lại rùng mình, ông thật sự biết cái rùng mình ấy dự báo điều gì. Ông ngồi bần thần, bập bập điếu thuốc, điếu thuốc ướt nhèm chậm chạp chạy vòng quanh cái miệng móm xọm của ông, tay ông cầm cái quẹt tim gòn gõ cục cục cộc cộc xuống mặt bàn, mắt ông nhìn trơ dại, nhìn mà chẳng thấy gì cả, cứ thế cả người ông, hồn ông trĩu xuống, chìm dần trong buổi chạng vạng mịt mờ.

Ngày cuối, chỉ vài người trong tộc đến liệm, đưa ông về nơi chín suối, không ngờ chuyện bỏ theo cái quẹt nào cho ông có cái bật lửa ở thế giới bên kia lại gây ra cuộc tranh cãi dữ dội. Cái quẹt zip- pô sáng trưng của ông rể Việt kiều hay cái quẹt tim gòn? Cái kia để lại còn dùng được, có lợi lộc, cái nọ mang đi thì ý nghĩa thiêng liêng, chung thủy. Cái kia theo ý người sống, cái này chìu lòng người chết… Ý nọ xọ ý kia, cuối cùng, người ta cũng đồng ý đặt cái quẹt tim gòn vào tay ông. Người liệm xác phun phù phù mấy ngụm rượu trắng, bóp bóp mấy ngón tay xương xẩu cứng đơ của ông mềm lại rồi cho vào chiếc găng tay trắng, buộc dây cẩn thận, lại đặt vào lòng tay ấy chiếc quẹt tim gòn. Đã đứng dậy rồi ông ta còn ngồi thụp xuống lại, lắc đầu, thì thào: “Cái quẹt cũ mòn quá rồi, cũng ra lửa nhưng…” Tiếng trống chiêng chợt vang động át đi mọi tiếng nói khác, mọi âm thanh khác xung quanh.

Dưới chân núi Tà Cú, tháng 7, 2007

Nguyễn Hiệp
Số lần đọc: 2003
Ngày đăng: 02.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Điều khó hiểu - Đậu Nữ Vệ
Niềm an ủi cuối cùng - Y Uyên
Chiếc đĩa thời Khang Hy - Nguyễn Minh Phúc
Chuyện tình của thằng Gù và cô giáo Minh - Phạm Ngọc Hiền
Núi hiện - Nguyễn Hiệp
Với đứa Cháu Ngoại - Mang Viên Long
Người đàn bà trong bệnh viện - Nguyễn Minh Phúc
Người đánh trống - Trần Kỳ Trung
Nát ruột mà không đau - Đậu Nữ Vệ
Ván cờ xuân - Phạm Minh Hoàng
Cùng một tác giả
Bông Cỏ Giêng (truyện ngắn)
Dứt dây (truyện ngắn)
Gai Sen (truyện ngắn)
Huyết nhân ngải (truyện ngắn)
T&P (truyện ngắn)
Lũy báo (truyện ngắn)
Hồn cát (truyện ngắn)
Núi hiện (truyện ngắn)
Cái quẹt tim gòn (truyện ngắn)
Phấn (truyện ngắn)
Giải thuật (truyện ngắn)
Âm Thanh Đổ Bóng (truyện ngắn)