Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.313 tác phẩm
2.745 tác giả
478
115.866.660
 
Hỏi chuyện nghề…Nicô huyền Trang
Nguyễn Hùng

Tôi xem “Biệt động Sài Gòn” từ khi còn là một cậu học sinh cấp 2 trường làng. Trong trí tưởng tượng và sự cảm thụ dầu còn non nớt của tôi hồi ấy ni cô Huyền Trang lại có sức ám ảnh đến kỳ lạ mà mãi sau này tôi mới biết đích xác đó là tình yêu tôi dành cho nghệ thuật thứ bảy. Nhưng nhớ là nhớ ... nhân vật vậy thôi chứ tôi không nghĩ có một ngày mình gặp được ni cô Huyền Trang ... “bằng xương bằng thịt”.

 

Thế rồi trong một “duyên kỳ ngộ”,  trong lần nghệ sĩ Thanh Loan dẫn đầu đoàn làm phim vào Quảng Trị; tôi đã không bỏ lỡ cơ hội. Đoàn rất bận rộn nên tôi vừa giúp họ tác nghiệp, vừa tranh thủ việc riêng. Khi thì bên chân cầu Hiền Lương, lúc thì tại Thành Cổ Quảng Trị, lại có lúc ở ngay trong đường hầm địa đạo Vĩnh Mốc; cứ rỗi là chị kể chuyện nghề cho tôi nghe.

 

Nghệ sĩ Thanh Loan vào nghề bằng một sự tình cờ không giống ai. Năm 15 tuổi, chị đưa một người bạn đi thi tuyển diễn viên kịch nói của Trường Nghệ thuật quân đội. Lọt thõm giữa đám đông, chị vừa xem lại vừa chốc chốc nhảy cẩng lên động viên. Sự hồn nhiên thường tình ấy lại được một người đàn ông chú ý. Ông lại gần bảo khẽ: Sao con bé này không vào thi mà đứng đây xem ? Chị hơi ngỡ ngàng nhưng chợt nhận ra đó là một ý kiến hay. Chị đánh bạo xin bổ sung tên vào danh sách dự thi và đậu ngay từ vòng đầu. Bước chân đầu tiên trên con đường thiên lý của nghệ thuật đối với chị là vậy, còn người đàn ông có con mắt tinh đời “đoán giữa trần ai” ấy không ai khác là nhà văn Chu Lai. Sau một thời gian theo học, năm 1969 mãn khóa chị về nhận công tác tại đoàn văn công của Tổng cục Chính trị và sớm chứng tỏ được khả năng của mình trong loại hình sân khấu. Khác với bây giờ, diễn viên cứ chạy tít như đèn cù mà ôm đồm tất tật từ A đến Z đến nỗi khán giả không biết trong từng ấy gương mặt đã quá quen thì ai là diễn viên sân khấu, ai là diễn viên điện ảnh; hồi ấy giữa sân khấu và điện ảnh luôn có sự phân định rạch ròi để có những nghệ sĩ chuyên sâu ở mỗi loại hình. Chỉ những nghệ sĩ tài năng mới đủ sức ... “đá lộn sân” . Nghệ sĩ Thanh Loan là một trong số ít như vậy. Năm 1971 chị được đạo diễn Bạch Diệp mời  thủ vai cô Riêng trong phim “Người về đồng cói”, tiếp đó là vai kỹ sư Khuê trong “Bản đồ án bị bỏ quên” của cố đạo diễn Nông Ích Đạt và một số vai khác trong thể loại phim truyện đánh dấu sự thành công nhất định của chị trong lĩnh vực điện ảnh nhiều duyên nợ như chị bộc bạch với tôi không dưới đôi lần. Nhưng nói cho công bằng thì phải đến ni cô Huyền Trang, Thanh Loan mới được công chúng biết đến đầy đủ là một nghệ sĩ tài sắc. Chị nhớ lại lúc “Biệt động Sài Gòn” đã quay xong tập 1 mà đạo diễn Vân Long vẫn chưa tìm được diễn viên ưng ý cho vai ni cô Huyền Trang (Huyền Trang xuất hiện từ tập 2 đến tập 4). Bấy giờ chị đã chuyển sang làm phát thanh viên cho Chuyên mục “Vì An ninh Tổ Quốc”; trong một chuyến chị vào công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh tình cờ đạo diễn Vân Long gặp được và quả quyết đây là người mà ông đang cần (vậy là thêm một lần tình cờ để nghệ sĩ Thanh Loan đạt đến đỉnh điểm của sự thành công). Chị nhận lời và bắt đầu tập vào vai. Đây là một vai diễn có rất nhiều “đất”, diễn viên có thể mặc sức tung hoành để thể hiện tính cách nhân vật. Nhưng chính sự thuận lợi này cũng đặt ra với chị không ít thử thách nghề nghiệp. Làm thế nào để không bị “thừa đất” và phát triển tính cách để không lặp lại chính nhân vật ở những trường đoạn đã diễn. Phải hóa thân làm sao để giữa người nghệ sĩ và đời sống nhân vật không còn là khoảng cách. Thanh Loan dành thời gian để tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống của những nữ biệt động Thành. Và khi biết một số nhân vật chính trong “Biệt động Sài Gòn” đều được xây dựng trên cốt chuyện có thật, chị cất công đi tìm nguyên mẫu. Từ những chắt lọc ấy cộng với sự say mê và tài năng vốn có, Thanh Loan đã vào vai hoàn hảo đến mức đạo diễn Vân Long không ngờ. Đằng sau làn áo của một nữ tu thanh thoát và mong manh, tưởng như dễ tổn thương trước những va đập của xã hội nhốn nháo, chứa đựng trái tim kiên cường của một chiến sĩ chiến đấu vì lý tưởng đã lựa chọn. Khán giả được xem những “xen” xúc động và hồi hộp khi ni cô Huyền Trang tìm cách thoát ra vòng vây bủa, lúc đối mặt khước từ mọi thủ đoạn dụ dỗ và không khuất phục trước mọi cực hình tra tấn. Đó là thành quả lao động Thanh Loan đã đem lại cho công chúng mà không phải bất kỳ ai mang danh nghệ sĩ cũng có thể làm được.

 

Đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi nền điện ảnh bao cấp với phim nhựa đen trắng theo chân những đội chiếu bóng lưu động về khắp hang cùng ngõ hẽm đã ở vào “thời xa vắng”; phim thị trường lên ngôi, nghệ sĩ Thanh Loan biết mình không thể nhập cuộc vì không hợp “khẩu vị” nữa rồi; nhưng chị muốn nối dài niềm đam mê điện ảnh với một lối đi mới. Chị quyết định theo học nghề đạo diễn điện ảnh, chọn phim tài liệu làm phương tiện biểu hiện nghệ thuật. Thông qua loại hình này chị thỏa sức sáng tạo và từ cách nhìn của mình chị đem đến cho khán giả những cái nhìn đồng cảm về đất nước, con người Việt Nam. Từ bộ phim đầu tay đến nay chị đã có hàng chục tác phẩm; trong đó có những phim đạt gải cao tại các kỳ liên hoan của Hội Điện ảnh Việt Nam.

 

Gần đây, chị được phong danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”. Dĩ nhiên đó là sự xem xét cả một quá trình và trên nhiều lĩnh vực mà nghệ sĩ Thanh Loan đã đóng góp; nhưng có lẽ trước hết phải là một Thanh Loan diễn viên. Và như vậy không thể không kể đến vai diễn để đời của chị - ni cô Huyền Trang.

 

Ảnh : Thanh Loan trong Biệt động Sài Gòn

Nguyễn Hùng
Số lần đọc: 2694
Ngày đăng: 03.10.2008
[ Trở lại ] [ Tiếp ]
In tác phẩm Góp ý Gửi cho bạn
Cùng thể loại
Gương hiếu người xưa - Mang Viên Long
Sao gọi là Nguỵ Quân tử? - K.Nguyên
Đất nước còn quá nhiều Vedan - Nguyễn Hữu An
Phiếm luận về Ngụy quân tử - Thí Chủ
Phần thêm của Người không mang họ - Nguyễn Hùng
Về BLao - Minh Nguyễn
Chắt chắt - ngọt ngào và cay đắng - Minh Tứ
Đà Lạt trong tôi và những điều đã mất - Đinh Thị Như Thuý
Thú câu cá lóc miền quê - Xuân Sắc
Lòng tốt của Thiên Chúa : CN 25 A - Nguyễn Hữu An